Một câu chuyện buồn song lấp lánh phía sau là vẻ đẹp cao thượng của tình mẫu tử. Chuyện của Nguyễn Thị Yến gửi về từ Sacramento
"Người là con vật tâm thần suốt đời thèm khát sự trìu mến!"
Sigmund Freud
Trong sân nhà Vi nhiều người đang nhốn nháo, mấy bà hàng xóm chạy qua, không ai hỏi ai, người nào cũng dõi mắt nhắm về một hướng. Rồi mọi người dồn về một phía. Họ đứng sát vào hàng rào kẽm gai bên phía trái bìa nhà, nhìn chằm chằm qua am Kinh Thương. Bên kia bờ rào, một đám người khác đang đứng trạo miệng cạnh gốc cây sứ. Khoảng cách giữa am Kinh Thương và khuôn viên ngôi nhà vườn của ba mẹ Vi là con đường đất vàng úa, cũ kỹ, gồ ghề. Con đường nằm cuối hồ Tịnh. Đây cũng là ngõ sau đi vào chợ Cầu Kho. Người ta đang theo dõi từng hành động của thím Liêm. Tôi hốt hoảng, run tái cả người khi nhìn thấy người đàn bà có thai bụng đã lớn quá cỡ, đang ngồi vắt vẽo trên cây sứ hát ong ỏng. Bỗng có tiếng hét lớn của Vi:
- Thím Liêm, trèo xuống!
Thím Liêm nhoẻn miệng cười để lộ hai hàm răng trắng đều. Nụ cười tươi rói. Đó là câu trả lời cho cái “mệnh lệnh” của đứa cháu. Vừa vói tay hái chùm bông sứ, thím Liêm lại cất tiếng hát:
- Trèo lên lên trèo lên, lên cây bưởi i ì... hái i ì... hoa. Bước ra, ra vườn cà, bước ra, ra vườn cà ta hái nụ ư hư... tầm ư hư... xuân. Nụ tầm xuân, ơi nụ tầm xuân, nở ra ư hư... xanh... biếc, em lấy chồng, em đi lấy chồng, anh tiếc ư ừ...tiếc... lắm thay...
Giọng hát trong trẻo cất cao, ngân dài. Bác Minh quay quắt, đi tới đi lui giữa sân.
-Ôi trời ơi, có ai giúp cho với, thím điên quá rồi, cái bụng sắp tới ngày sinh mà trèo cây, khổ chưa!
Tiếng người bàn tán lao xao. Tiếng khấn nguyện râm ran. Rồi một người đàn bà chừng đã quá tuổi trung tuần, quần áo tinh tươm, đỉnh đạc tiến đến gần gốc cây sứ. Bà Táo am nổi bật giữa đám đông với dáng vẻ riêng của bà, dáng vẻ của một người đồng cốt. Cái vẻ đồng cốt ở đôi môi mỏng phết một màu son đỏ tía, và trên búi tóc cắm một cái hoa lài, bên cạnh cái kẹp dắt đồi mồi. Bà Táo lâm râm khấn:
-Lạy ông Chín Thượng Ngàn, lạy cô Ba, cậu Mười tha cho mụ Liêm. Mụ điên, mụ không biết chi mô, xin đừng bắt mụ, mà xui đẩy cho mụ trèo xuống kẻo tội.
Cành sứ chao động. Thím Liêm vừa bò lên một khúc cao hơn, vừa hát:
-...Một miếng trầu cay hỏi rằng, chàng hỡi chàng ơi nào khó óóó...ơ ơ ơ..., một miếng trầu cay hỏi rằng, chàng hỡi chàng ơi khó óóó... gì.. Sao anh không hỏi i.. ơ ớ.. Sao anh không hỏi i.. ơ. ớ.. những ngày em m m... còn không...”
Không khí căng thẳng đến sốt ruột. Răăéc. ắc. ắc.. Bưực.. ực.. ực... Một tiếng kêu khô khốc của nhánh cây gãy như một tiếng xé kinh hoàng rạch vào tai mỗi người, bật lên cùng một lúc với mấy tiếng “oái chao ôi” quanh đó. Liền sau đó là tiếng cười khanh khách của thím Liêm vang lên man dại, quái gỡ. Tôi thở phào, muốn trút hết ra ngoài cái đau nhói trong lồng ngực. Thím Liêm quăng nhánh sứ xuống đất một cách thản nhiên. Giọng bàn tán lại trổi lên sôi nổi. Con bé đứng cách cây sứ nửa con đường đất nói.
-Ui chao ơi, sứ dòn lắm, mà linh lắm!
Rồi có tiếng xì xào:
-Bụng nớ thì cỡ tuần mười ngày nữa là mụ sinh thôi.
Vi lại hét lớn, giọng ré như khóc:
-Thím Liêm, xuống mau, thằng Dinh đói bụng, hắn khóc, hắn đòi ăn.
Nhiều ánh mắt đổ dồn vào nhánh sứ đong đưa. Có người ôm lấy đầu, quay lưng, không dám nhìn nữa. Bỗng thím Liêm ngưng hát. Một khoảng trống lặng ngắt như có ai vừa tắt cái máy phóng thanh. Nét mặt thím Liêm nghiêm lại. Những người đứng quanh đó nhìn chăm vào mặt người diễn viên đang làm trò xiếc, chờ đợi. Trên gương mặt ấy có chút gì xao động. Như một điều đã quên lại trở về. Lại nhớ. Đám người đang yên lặng chờ đợi, cố lắng nghe người đàn bà lẩm bẩm.
- Thằng Dinh ăn khi mười một giờ chừ đã chiều mô mà đói.
Rồi thím quay người, nhìn xuống, dò theo thân cây ngoằn nghoèo. Lặng yên. Thím Liêm trèo xuống, bẽn lẽn như người mẹ trốn việc đi chơi bị bắt được quả tang. Bà Táo am ngẩng mặt ra vẻ hãnh diện.
Tôi trở nên thân với thím Liêm qua những mẩu chuyện loanh quanh với thím, sau những buổi học chung với Vi. Những lúc tôi ngồi trò chuyện với thím, hay nhìn thím quanh quẩn bên con là tôi thấy thím Liêm tỉnh táo. Thím nói chuyện Phật Pháp như một người Phật tử thuần thành. Thằng Dinh chín tuổi. Con Bé sáu tuổi. Thím Liêm và hai đứa nhỏ ở đậu trong nhà Vi đã ba năm. Tôi nghe nói chú Liêm có vợ bé, rồi thím Liêm bị điên vì sản hậu. Không ai nhắc đến chú Liêm với thím. Thỉnh thoảng chú Liêm xuất hiện trong ngôi nhà ấy. Đôi khi chú ở lại vài hôm. Rồi chú Liêm lại đi biền biệt nhiều tháng, cả năm không trở lại. Tháng trước, thằng Dinh chơi nghịch trong vườn bị rớt xuống cái giếng sâu đang đào. Nó bị chấn thương cột sống phải chịu băng bột nằm một chỗ. Lúc này, thím Liêm bụng có thai đã tám tháng.
Khi nhìn thím Liêm săn sóc con, không ai nghĩ thím điên. Đó là một người mẹ đảm đang. Tôi ngồi xuống bên cạnh thằng Dinh đang nằm dài trên tấm phản gỗ, kê sát cái cửa sổ dưới nhà ngang. Cả thân mình nó bị bó trong một khúc bột cứng đơ. Nó nằm bất động.Cái đầu và hai tay hai chân nó có thể cựa quậy trong một giới hạn nhất định. Thím Liêm lục đục hâm miếng canh. Bên ngoài những người hàng xóm đã tản mác.Nắng xế trưa nơi góc vườn này lấp loáng bóng hàng cau. Mùi hoa chanh và lá mãng cầu hòa trong gió pha chút hương sen và mùi bùn ngây ngấy thoảng lên từ mặt hồ Tịnh Tâm cho tôi một cảm xúc quen thuộc, dễ chịu. Đôi mắt thằng Dinh mở lớn nhìn tôi, nhìn qua thím Liêm, rồi ánh mắt nó bỗng chùng xuống xa xăm, xót xa như ánh chiều tà. Thím Liêm cầm chén cơm nhão chan canh tiến về chỗ thằng Dinh, dịu dàng:
- Mới đó mà đói rồi răng con. Mạ mới cho con ăn đó mà!
Thằng Dinh không nói, đôi mắt mở to nhìn mẹ nó buồn chan chứa. Tôi chuyển qua ngồi bên chiếc ghế cạnh đó, nhường cho thím Liêm chỗ ngồi ngay bên thằng Dinh. Thím Liêm cầm cái khăn mềm đã giặt sẵn bằng nước nóng, ngồi xuống, nhẹ nhàng lau đều lên khuôn mặt thằng Dinh, lau quanh cổ, lau cả hai cánh tay gầy guộc của nó. Thím Liêm bón từng muỗng cho con. Tôi ái ngại nhìn cái bụng của thím. Trông thím vẫn khỏe. Tôi cố xua đuổi cái ý nghĩ cứ ám ảnh trong đầu. Thím Liêm vừa cho thằng Dinh ăn, lại bắt đầu nói với tôi như tiếp tục một câu chuyện dài.
- Khi khổ đau, con cứ tìm một người biết lắng nghe mà tâm sự. Cứ niệm Quan Thế Âm Bồ Tát thật thành tâm thì ngài sẽ đến để cứu con. Bồ Tát Quán Thế Âm, con không phải tìm đâu xa. Ngài chính là người mẹ già khẳng khiu, run rẩyï đang ở bên con. Ngài là đứa con đau ốm bệnh hoạn, là người lỡ đường đói rách ghẻ lỡ. Hãy thương yêu con người đang khổ đau bên con để tìm ở đó nguồn hạnh phúc cứu con ra khỏi kiếp đời bất hạnh. Tu là cõi phúc, tình là giây oan. Phải giữ cho được cái tâm chánh niệm...
Thím Liêm nói, rồi dừng, rồi nói. Miệng nói, tay làm, gọn gàng và vén khéo. Tôi ngồi im lặng, nghe và nhìn hai mẹ con.
Sát ven hồ Tịnh giáp giới với khu Nông Lâm Súc là con đường đất nhỏ gồ ghề, đổ nghiêng xuống lòng hồ một triền cỏ xanh. Kế đó là mấy luống rau khoai, xen mấy vồng sắn. Có một cây sanh rậm rì, khổng lồ chiếm một khoảng lớn bên cạnh con đường đất. Cây sanh là nỗi ám ảnh của những người sợ ma hằng ngày phải đi bộ qua đó. Nó càng ám ảnh người yếu bóng vía khi đông về, và nhất là khi chiều xuống.
Đêm ấy, thím Liêm ra khỏi nhà khi trời nhá nhem tối. Không ai trong nhà Vi nói đến chuyện đi tìm thím trong giờ này có lẽ cũng vì cây sanh cổ thụ. Mà hơn thế, thím đi và thím về như chiếc bóng. Mỗi ngày, thím cứ đi, rồi thím về, rồi thím lại đi. Hai đứa con thím, thằng Dinh và con Bé cũng đã chấp nhận cái thời khóa biểu vô hình của mẹ nó. Suốt đêm, hình như mỗi người trong nhà Vi đều mong chờ một điều gì đó đừng quá xót xa. Cho đến sáng sớm hôm sau, thím Liêm về. Tay bồng đứa bé sơ sinh trong tấm áo cũ quen thuộc, thím lặng lẽ vào ngõ sau, đi thẳng xuống bếp. Thím tự tay lót một cái ổ trong góc căn nhà bếp làm nơi ở cữ của hai mẹ con. Thím Liêm sinh con gái. Mấy ngày sau, người ta tìm ra dấu vết thím Liêm đã sinh con một mình giữa đêm ấy, dưới gốc cây sanh huyền thoại.
Không khí trong nhà Vi có điều gì băn khoăn, không ổn. Tôi xuống bếp. Thím Liêm vẻ mặt lấm lét, da thím xanh, hơi thở dốc. Bé Út chưa đầy một tháng, nằm khoanh tròn trong vòng tay mẹ nó, ngủ ngon. Tội nghiệp, hồi sáng, khi thím nổi cơn điên không ai ngăn được, thím đã xách ngược chân con bé chạy hốt hoảng về phía cây sanh. Rồi như con vượn mẹ, một tay ôm con, một tay trèo. Hai mẹ con vắt vẻo trên chãng ba cổ thụ đến mấy tiếng đồng hồ, làm dậy lên cả góc xóm. Thím lại bồng con Út về. Lại chui vào ổ. Lại cho con bú.
Thế rồi, bác Minh và cả nhà bàn đến chuyện khuyên thím Liêm nên cho con Út làm con nuôi gia đình người không con. Thím Liêm cười. Nụ cười cố sức mở ra trên khuôn mặt bây giờ nhô lên thật rõ ở đó, là hai gò má và hai cái hốc đã trở nên thăm thẳm. Đôi mắt ấy cứ như muốn nói một điều gì.
Hôm ấy, thím Liêm khóc. Hai giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò xương hốc hác. Từ sớm tinh mơ, thím đi đâu cả tiếng đồng hồ, rồi đem về một bó hoa sen. Những đóa sen hồ Tịnh không lớn lắm, búp sen thanh thanh, cuống hoa dài mà nhỏ. Mấy chiếc lá cuốn, và gương sen non được thím sắp xếp ngay ngắn cùng với hoa trong hai cái độc bình đặt trên bàn thờ. Bàn thờ Phật tinh tươm. Thím đốt nhang, dâng hương.
- Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô A Di Đà Phật...
Thím Liêm khấn nguyện lâm râm, xuýt xoa tha thiết. Rồi thím quay lại, ánh mắt dịu dàng nhưng nụ cười thật thảm hại. Nó gắng gượng để đừng khép lại. Khoảng chín giờ thì chú Liêm xuất hiện. Người đàn ông lịch sự, áo bỏ vào quần chỉnh tề, có nịt, chân đi giày. Gương mặt chú quan trọng. Khi hai vợ chồng người khách được mời vào nhà thì bác Minh cũng vừa bồng con Út từ nhà dưới đi lên. Buổi họp mặt quanh chiếc bàn hình chữ nhật đặt ở bên góc phải căn trên.
- Cháu đã ba tháng tám ngày.
Thím Liêm nói với hai người khách, ánh mắt thím không rời đứa con. Nét mặt con bé sáng hẳn trong bộ áo quần mới. Hai vợ chồng người xin con xúc động. Vẻ mặt họ thiết tha, cử chỉ trang trọng. Người đàn ông xin bồng con bé. Ông ôm quàng nó như ôm một báu vật, không nói một lời. Người đàn bà nét mặt hoan hỉ.
- Thưa chị cháu bú một ngày mấy lần?
- Tui cho con tui bú sữa mẹ, nhưng tui khan sữa nên tập cho cháu ăn cơm mem được tuần rồi, đó chị.
Nói rồi, thím Liêm cười, nụ cười méo xệch. Bây giờ thì rõ ràng là thím chỉ muốn đôi môi ấy nhếch cao lên một bên. Không ai nói thêm lời nào. Bác Minh chảy nước mắt. Người đàn bà đứng dậy, tay cầm xấp giấy bạc trăm dày cộm tiến đến chỗ thím Liêm và bên cạnh đó, là chú Liêm đang đứng. Bà xuýt xoa, lấp bấp. Vừa đưa ra xấp bạc, bà khẩn thiết nói:
- Tình cha huyết mẹ chín tháng cưu mang, chúng tôi xin cảm ơn...
“Bốp”, thím Liêm quay lại đánh một tát thật dữ dội trên bàn tay ngửa ra của chú Liêm. Vừa nghiến răng, thím vừa rít:
- Đồ tham của! Tui không bán con. Quỳ xuống với tui, lạy hai lạy mà tạ ơn ông bà đã nhận nuôi con mình.
Nói rồi, thím Liêm quỳ xuống.
Lạ thay, chú Liêm cũng quỳ xuống...
Sau đó, người ta thấy thím Liêm đi khắp các nẻo đường, càng điên dại.

Xem Tiếp: ----