Anh chẳng thể là người hạnh phúc. Ai đó trong số những cô gái từng yêu anh đã phán một câu khá là ác khẩu như thế. Kể cũng hàm hồ nhưng không phải không có đôi phần của sự thực. Bởi anh là loại người "nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa". Như lúc này chẳng hạn. Nhiều năm trước, việc bôn ba về Huế sửa chữa phủ từ, ngôi nhà rường ba gian hai chái mục nát, nơi hương khói gia tiên, là điều ngoài tầm tay của anh khi anh tiếp nhận nó theo "nghị quyết" của hội đồng gia tộc. Dù tuổi đời chưa đủ để chuyên tâm lo chuyện họ hàng cúng bái, lại công tác xa Huế, anh vẫn bị chọn giao quản lý phủ từ vì mọi người tin rằng anh đủ khả năng tổ chức lại giềng mối gia tộc vốn đã rã rời, từ đó vực dậy một "di sản" có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào, nhất là trong những dịp "trời hành cơn lụt mỗi năm". Những ngày về Huế, buổi trưa, buổi tối, nằm gác tay lên trán, ngó lên những rui kèo chạm khắc công phu có tuổi thọ ngót trăm năm máng lủng lẳng cả tá lon bia rỗng, đủ các nhãn mác nội ngoại, từ Huda đến Heneiken, để hứng nước dột, những giọt nước len lỏi âm thầm qua lớp ngói liệt phủ rêu đến cả mặt trong, như một sáng kiến thay thế cho những thau, chậu giăng giăng trên sàn nhà, ảnh hưởng đến không gian sử dụng và thường gây vấp té, mà lòng anh nhói đau, bất lực. Thế mà bây giờ, đứng trước dãy khám thờ sơn son thếp vàng, thắp nén nhang cáo lễ khánh thành phủ từ vừa được trùng tu, thật ra là làm mới hoàn toàn trên nền cũ, chủ yếu nhờ tiền đóng góp của bà con lưu lạc ở nước ngoài, anh lại buồn man mác, lại nhớ ngôi nhà rường cũ mốc đầy kỷ niệm, nhớ âm thanh trầm bổng xót xa từ những giọt nước mưa rơi tong tỏng vào những lon bia rỗng ngày đông giá... Người như thế thì chẳng thể hưởng hạnh phúc là đúng rồi...Anh rời gian thờ, rời khỏi dòng suy ngẫm miên man bởi có tiếng nhiều người xao xác từ cổng ngoài lan vào cổng trong. Ra tới sân gạch, anh trông thấy một cảnh huyên náo bất ngờ. Các bậc trưởng lão trong họ đang chỉ huy đám con cháu ngăn chận một nhóm người đang cố tình xông vào phủ từ. Một ông chú nói nhỏ vào tai anh: "Cháu nhớ bọn ni không? Con Giang, con mụ điếm vạn đò và hai thằng em đầu gấu của nó đó. Ngày ni là ngày chi mà bọn hắn đòi vào phủ từ chứ?" Anh thầm kêu một tiếng nhỏ trong cổ họng, "Giang!". Nếu ông chú không điểm danh thì chắc gì anh đã nhớ ra, nhận ra? Trước mắt anh là một thiếu phụ có thứ nhan sắc làm vẩn đục ý tưởng của đàn ông ngay từ phút đầu gặp gỡ, nếu không cho rằng đó là vẻ đẹp đánh thức “bản lĩnh đàn ông”. Một bé Giang mười lăm, mười sáu mảnh khảnh, tóc bốc mùi bùn non chỉ còn trong ký ức của anh thôi. Anh đến gần đám đông, vờ như không hiểu: "Bình tĩnh. Chuyện gì vậy?" Giang đang sấn sổ xỉa ngón tay vào trán mấy chàng thanh niên lập hàng rào trước mặt bỗng nhận ra sự xuất hiện của anh, cô vụt tươi tỉnh: “Cậu đây rồi! Cậu coi, ai đời mấy đứa em vô phủ từ thắp hương tỏ chút lòng thành láng giềng mà bị chặn lại như thể đi ăn cướp không bằng!” Anh cười: “Tại phần đông bà con các nơi về, không rõ hàng xóm cũ...Thôi, đã có lòng xin mời vào...” Ba chị em Giang hiên ngang vượt qua cổng trong, tiến vào gian thờ. Quay lại phía chú bác, anh em đang ngơ ngác bất bình, anh chắt lưỡi: “E hèm...Con cháu dâng hương tổ tiên là chuyện thường tình, xóm giềng ngoại tộc mới có ý nghĩa...Vào cả đi...” Một ông bác gằn giọng: “Nhưng bọn nó là...” Anh làm mặt nghiêm: “Thế bác định đánh nhau với đầu gấu ngay trong ngày hôm nay à?” Ông bác chịu nhịn, hậm hực cùng cả đám kéo vào bàn rượu bày sẵn ở nhà ngang... Anh chẳng thể là người hạnh phúc. Chén rượu Rémy Martin XO, hàng “xách tay” từ Hoa Kỳ về, dành cho “chiếu trên”, chiếu của bậc chú bác chức sắc trong tộc, thơm lựng khi vừa bật nắp, vậy mà anh nhấm nháp vô hồn. Nói chính xác là anh thả hồn về cái thời uống rượu trắng nấu bằng sắn củ, cái thời mẹ con nhà bé Giang dựng chái tranh ghé tựa vào bức tường bao cao quá đầu người lớn phía sau phủ từ, sát mép nước sông Hương dập dềnh lười biếng... Làm sao anh quên được mùa đông năm ấy. Từ Sài Gòn anh về phủ từ ăn tết, cũng có thể ở lại lâu dài nếu tìm được việc làm. Tốt nghiệp đại học, thử việc mấy tháng ở Sài Gòn, anh chợt nhận ra mình nhớ Huế da diết, phải về thôi. Sau này, anh trả giá đắt cho thứ tình hoài hương tím ngát ấy. Nhưng đó là chuyện khác. Bây giờ, anh muốn nhớ cái đêm đầu tiên ngủ lại phủ từ sau hơn bốn năm đi xa. Tám giờ tối mà cứ như đã nửa đêm. Vắng tanh vắng ngắt trong mưa dầm se lạnh. Bỗng đâu tiếng khóc nỉ non trèo qua tường bao, vượt vườn rau dại, len vào tận giường ngủ. Trùm chăn kín đầu, thứ chăn thô của lính xót xáy không thua ổ rơm, anh vẫn cứ phải nghe tiếng khóc, lát sau lại như thể vọng lên từ đáy sông...Anh chợt nhớ có một gia đình sống nấp sau tường bao mà anh hầu như chưa rõ mặt. Chuyện gì xảy ra cho họ? Anh vùng dậy, chân mang “bốt”, đầu che dù, tay cầm đèn phin, lần mò ra cổng sau. Túp lều mẹ con nhà bé Giang trông càng thảm hại trong đêm mưa lạnh. Ba đứa trẻ ngồi xúm quanh ngọn đèn dầu leo lét. Chỉ một mình Giang khóc. Hai thằng em nín lặng ngồi co ro tựa lưng vào nhau thật khéo để chống ngọn gió sông lạnh ngắt phả vào liên tục. Thấy người lạ, Giang nín khóc ngửng lên. Đôi mắt nó gây ấn tượng với anh. Đen long lanh. Nửa ngây thơ nửa sõi đời. Bắt gặp bát nhang đang tỏa khói trước di ảnh người đàn bà xấu số tựa vào tường bao phong rêu, anh chợt hiểu. Ngồi xuống, anh thắp nén nhang. Giang hai bàn tay xoắn lấy nhau, lí nhí: "Cám ơn cậu...Cậu mới về?" "Ừ. Thím mất bao lâu rồi?" "Dạ bữa ni là bốn mươi chín ngày..." Ngoài bát nhang làm bằng cái chén ăn cơm, chẳng còn gì hơn. Anh ngập ngừng một giây, bảo: "Đi, ta đi kiếm cái chi cúng thím..." Ba chị em nhìn anh chằm chằm. Chúng không chờ đợi một đề nghị như thế giữa đêm mưa khóc mẹ. Chiếc honda nổ lạch phạch váng động những khu vườn Vỹ Dạ u tịch. Anh chở Giang chạy lên phía Ga Huế. Giờ ấy chỉ có thể tìm ra một cái gì ở đó. Bà chủ quán mừng ra mặt khi anh hỏi mua nguyên con gà luộc. Nghe một tiếng ực rất khẽ, anh biết Giang vừa nuốt nước miếng. Anh kéo ghế, nói dối: "Đói quá, ta ăn chút gì rồi hãy về cúng cũng chưa muộn." Cô bé lí nhí: "Dạ cậu dùng đi, em..." Anh phải mắng Giang mới chịu ngồi vào bàn. Nhưng khi đã húp hớp cháo gà nóng ấm đầu tiên vào miệng, nó không dừng được nữa. Sau đó hai người còn nhâm nhi cà phê nữa. Ly cà phê sữa đầu tiên trong đời cô bé. Anh phì phèo thuốc lá, chân tình: "Mấy tuổi rồi?" "Dạ mười lăm, mười sáu chi đó..." "Nè, thế là lớn rồi, phải biết chăm sóc bản thân nghe chưa." "Dạ..." "Mai gội đầu đi, con gái chi tóc toàn mùi bùn non!" Giang chỉ cười khúc khích...Thế rồi "bốn mươi chín ngày" của người đàn bà xấu số, mà anh nghe đâu từng làm nghề mãi dâm dưới vạn đò, cũng đủ gà xôi chuối. Cúng xong đã nửa đêm, anh cùng ba chị em Giang bày cỗ ra đánh chén. Giang nói: "Rứa là mạ em còn có phước, chi cũng đủ..." Và nó kể anh nghe chuyện xảy ra bốn mươi chín ngày trước. Buổi sáng, ba đứa nhận ra mẹ đã chết từ lúc nào trong đêm. Chúng ôm nhau khóc, không biết phải chôn cất thế nào khi trong túi mẹ chỉ còn mấy tờ bạc lẻ...Nhưng rồi Giang cũng nghĩ ra được cách. Nó lệnh cho hai thằng em nín khóc, im lặng như không chuyện gì xảy ra, đợi đêm tối trở lại. Chúng "mượn tạm" chiếc xuồng câu neo gần đấy, chuyển mẹ sang sông, tấp vào bến chợ Đông Ba. Việc khó nhất là qua mặt ban bảo vệ, bí mật đưa mẹ vào đặt trên sạp môït hàng vải lớn nhất trong chợ rồi rút êm. Sáng hôm sau, khu hàng vải xôn xao, sợ hãi trước xác chết. Ban quản lý chợ cùng tập thể hàng vải làm thủ tục khai báo rồi tổ chức việc chôn cất cho người xấu số...Ba chị em Giang có mặt từ xa, lẫn trong đám người hiếu kỳ, theo dõi mọi diễn biến, từ trong chợ Đông Ba đến nghĩa địa dưới chân núi Ngự Bình. Khó nhất là không được khóc, cứ như người dưng nước lã. Đợi đến khi mọi người tản về hết chúng mới dám chạy a lại, ôm mộ mẹ mà khóc cho thỏa...Kể đến đấy ba chị em Giang thút thít khóc. Anh cũng lén lau nước mắt, quay về phủ từ. Gần sáng mới chợp mắt. Chưa được bao lâu thì bị đánh thức bởi cảm giác hơi lạnh xộc vào chăn. Nhưng ngay sau đó là một nguồn ấm nóng áp nhẹ vào người. Trong trạng thái ngái ngủ, anh trở mình ủ lấy nguồn ấm mềm mại, ngai ngái mùi lá chanh ẩm. Bàn tay anh tự nhiên chuồi vào góc sâu nhất, ấm nhất...Một tiếng rên khẽ thổi vào tai anh nóng nhột, anh rùng mình tỉnh hẳn, hất tung tấm chăn, nhận ra bàn tay còn ướt. Trước mắt anh Giang nằm co quắp, nín lặng. Châm thuốc lá, rít một hơi thật sâu, anh như nói với làn khói: "Về đi!" "Em không biết lấy chi trả ơn cậu...Em gội đầu rồi..." "Biết rồi. Với lá chanh phải không?" "Dạ..." "Rứa là tốt...Về đi, trời hửng sáng rồi đó!" "Dạ..." Qua khe cửa gỗ anh nhìn theo bóng cô gái mảnh khảnh đang đi giữa vườn rau dại, lẩn khuất trong sương trắng bốc lên từ mặt sông. Trưa hôm đó, anh đi ra túp lều tìm Giang, bình dầu thơm gội đầu trong tay. Bất ngờ chỉ còn bãi trống. Ba chị em Giang đã dọn đi... Ba chị em Giang lễ xong, quay ra. Phải gần mười lăm năm sau họ mới có dịp đáp trả một nén nhang. Giang đến gần anh: "Em mở quán bia dưới gốc đa đầu ngõ, em mời cậu..." Anh mỉm cười không nói gì, đứng lên tiễn khách. Được mấy bước, Giang đi chậm hẳn lại. Khi chỉ còn hai người, cô thì thầm: "Cậu hái cho em mấy lá chanh, được không?" Anh ngờ vực câu trả lời của mình. Bây giờ thì anh tin chắc anh chẳng thể là người hạnh phúc. Nguyễn Phúc Vĩnh Quyền (Rút trong tập "25 truyện ngắn về Huế")