Có người bảo Huế là thành phố của những người theo đạo Phật. Kể cũng có lý. Bình minh và hoàng hôn Huế xao xuyến với những hồi chuông u minh trầm mặc của trên 60 ngôi chùa trong một không gian gắn bó. Và cũng có thể vì người Huế có truyền thống không ăn thịt chó, một đặc điểm trong sinh hoạt của những người theo đạo Phật. Còn nhớ năm nào đã xa ở làng hoa trái Nguyệt Biều, trên ban công căn gác gỗ nhà thờ họ Lê nhìn ra quãng sông Hương tĩnh mịch gần như đối diện chùa Linh Mụ, trong áng sáng nhập nhoạng trước lúc hoàng hôn buông xuống thật sự, tôi đang gõ máy chữ viết nốt những trang cuối cuốn tiểu thuyết đầu tay, bỗng có tiếng gọi giật vọng lên từ ngoài cổng. Bực mình thật. Tôi chờ đợi cái dấu chấm hết này đã hai năm ròng rã. Nhưng đấy lại là tiếng gọi lạc giọng của Mỵ, cô bạn thời mài đũng quần trên ghế giảng đường đại học văn khoa, cũng là người cho tôi sử dụng ngôi nhà thờ họ Lê làm "trại sáng tác". Mà với tôi bấy giờ, cuốn tiểu thuyết và Mỵ không biết "ai" quan trọng hơn. Tôi vội chạy xuống cầu thang gỗ nhá nhem tối, qua gian thờ rộng thênh lạnh giá, qua vườn hoa già cỗi lát đá bát tràng xanh rêu để gặp Mỵ. Hẳn có chuyện khác thường vì giờ này đáng ra Mỵ phải ở nhà lo bữa cơm tối của gia đình, cách ngôi nhà thờ họ khoảng hai cây số, cũng bên bờ sông. "Anh cứu nhà em với!" "Nhà em", chồng Mỵ, là Thạch, ông bạn vong niên của tôi. Tôi trở thành bạn của ông khi ông cưới Mỵ. Ông Thạch thỉnh thoảng vẫn cứu tôi trong vài trường hợp, vài tình huống. Còn tôi không bao giờ dám nghĩ có lúc mình sẽ cứu được ông Thạch. Tôi chẳng có gì cả, chẳng là cái gì cả trong khi ông ấy là một đại gia, về kinh tế cũng như về quan hệ xã hội. Cho nên khi Mỵ nhìn tôi bằng ánh mắt cầu xin và thốt ra lời kêu gọi như thế tôi chỉ có thể đoán già đoán non rằng ông Thạch bị đột quỵ hay đại loại như thế và Mỵ cần tôi giúp đưa đi bệnh viện cấp cứu chẳng hạn. Biệt thự Gia Khánh chìm trong bóng tối. Đúng hơn là hiện ra dưới sáng lập loè của một màu hồng ma thuật bởi mấy chục ngọn đèn lồng lớn nhỏ. Mỵ le te đưa tôi ra thẳng vườn hoa phía sau, nơi tiếp giáp bờ sông. Một bàn tiệc khéo bày biện dưới ánh nến còn nguyên mà thực khách duy nhất là chồng Mỵ. Ông Thạch lặng lẽ ngồi nhìn ra mặt sông tối mịt, không nhận ra có tôi và Mỵ đã đến sau lưng. Hai cây số đường xe máy từ nhà thờ họ Lê đến biệt thự Gia Khánh đủ cho Mỵ cung cấp thông tin sơ bộ về "ca cấp cứu" này. Ông Thạch muốn ký một hợp đồng lớn với công ty khai thác chế biến gỗ Đài Loan. Có đối thủ mạnh cạnh tranh, ông Thạch tìm mọi cách để lấy được lòng giám đốc phía đối tác. Khách muốn ăn chơi kiểu nào ông cũng "chìu" được, "chơi" được. Chỉ riêng cái ao ước nhắm món thịt chó của ông chủ Tàu là ông Thạch bó tay. Những năm đầu 80 của thế kỷ 20 ở thành phố Huế thật khó bói ra một bữa tiệc thịt chó. Yêu cầu lại đột xuất, ngay trong ngày dự kiến ký hợp đồng, cũng là ngày phía đối tác rời khỏi Huế. Lái xe của ông chủ Tàu tham mưu rằng hắn sẽ làm đầu bếp bảy món chó thật đúng khẩu vị Đài Loan, chủ nhà chỉ việc cấp ngay một con cầy tơ. Thế là ông Thạch yên tâm mời khách dự buổi dạ tiệc chó tại vườn hoa biệt thự Gia Khánh, bên bờ sông Hương. Trưa hôm ấy, ông Thạch rủ con Bim đi tắm. Con chó vui mừng vẫy đuôi, liếm vào tay ông tỏ lòng cám ơn. Bim rất thích trò đánh vật với chủ trong dòng Hương lăn tăn sóng mát lành vào những trưa hè oi nồng. Nhưng lần này ông Thạch dìm Bim xuống nước một cách khác thường. Nó mở lớn đôi mắt kinh ngạc nhìn chủ rồi vùng vẫy dữ dội theo bản năng sinh tồn. Không đủ sức kềm giữ con vật, ông Thạch lắp bắp mãi một câu: "Bim ơi, cứu ba đi con!". Không hiểu con vật đuối sức hay hiểu thấu lời khẩn cầu của chủ mà buông xuôi chịu chết đuối...Lái xe đi rước ông chủ Tàu tại khách sạn sau khi hắn đã trổ tài chế biến bảy món cầy tơ. Mỵ được ông Thạch cử đi theo để đón khách. Sẩm tối, Mỵ trở về một mình. Cô thấy chồng diện bộ đồ lớn ngồi chờ bên bàn tiệc đặc biệt dưới ánh đèn lồng và nến, "gu" ánh sáng của ông chủ Tàu. Nhưng sau khi nghe tên lái xe kể chuyện con Bim ông chủ Tàu đã khéo léo từ chối bữa tiệc, đồng nghĩa với việc từ chối ký hợp đồng kinh tế với ông Thạch. Mỵ đã vội nhờ tôi "cứu" ông Thạch khi thấy chồng rơi vào trạng thái mất trí. Có thể vì cái hợp đồng. Có thể vì con Bim. Có thể cả hai. Rất tiếc, trong trường hợp này, tôi đã không thể giúp đỡ gì cho Mỵ. Bây giờ, hơn hai mươi năm sau, trở lại Huế, trên đường đi loanh quanh, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp biển quảng cáo cầy tơ bảy món. Ôi, giá như những ngày đầu đất nước mở cửa làm ăn kinh tế mà mấy tiệm cầy tơ này cũng mở cửa kịp thời ở Huế, thành phố có truyền thống không ăn thịt chó, thì đâu đến nỗi con Bim phải chết uổng, ông Thạch phải mất trí, Mỵ phải đau lòng, tôi phải bất lực trước tất cả những oan khiên ấy? Nguyễn Phúc Vĩnh Quyền (Rút trong tập "Những truyện ngắn về Huế)