I – VÀI NIÊN ĐẠI CẦN BIẾT VỀ TIỀN SỬ Ở VIỆT NAMTrên đại thể, chúng ta có thể tạm chia lịch sử dân tộc ta thành mấy thời đại lớn sau đây:- Thời đại trước khi có nhà nước (Tiền sử).- Thời đại Hùng Vương – An Dương Vương (Sơ sử).- Thời đại bị phong kiến Trung Quốc đô hộ (Bắc thuộc).- Thời đại độc lập và tự chủ.- Thời đại bị thực dân Pháp thống trị (Pháp thuộc).- Thời đại hiện đại (từ Cách mạng Tháng Tám đến nay).Chương này nói về thế thứ các triều vua thời sơ sử, nhưng để dễ hình dung về khung thời gian của thời sơ sử, chúng tôi cung cấp thêm vài niên đại cần biết về tiền sử ở Việt Nam như sau:1 - Cách đây khoảng 30 vạn năm: Người - vượn đá có mặt trên lãnh thổ nước ta. Họ để lại dấu tích ở các hang Thẩm Hai và Thẩm Khuyên (Lạng Sơn).2 - Thời kì đồ đá ở Việt Nam: Mở đầu cách nay khoảng 30 vạn năm và kết thúc cách nay khoảng 4 ngàn năm với các nền văn hoá tiêu biểu sau đây:- Đồ đá cũ: Chấm dứt cách nay khoảng trên một vạn năm. Hai nền văn hoá đồ đá cũ nổi bật nhất là Núi Đọ (Thanh Hoá) và Sơn Vi (Phú Thọ).- Đồ đá giữa: Bao hàm toàn bộ lịch sử phát triển của nền văn hoá Hoà Bình, mở đầu cách nay khoảng trên một vạn năm và kết thúc cách nay khoảng gần một vạn năm. Cũng có người gọi văn hoá Hoà Bình là văn hoá đồ đá mới trước gốm.- Đồ đá mới: Mở đầu cách nay khoảng gần một vạn năm và kết thúc cách nay khoảng bốn ngàn năm, với các nền văn hoá quan trọng sau đây:• Văn hoá Bắc Sơn (Lạng Sơn): sơ kì.• Văn hoá Quỳnh Văn (Nghệ An): trung kì.• Văn hoá Hạ Long (Quảng Ninh): hậu kì.• Văn hoá Phùng Nguyên (Phú Thọ): đỉnh cao tột cùng của thời đại đồ đá và là sơ kì của thời dại đồ đồng.3 - Thời kì đồ đồng ở Việt Nam- Sơ kì: Văn hoá Phùng Nguyên (Phú Thọ), cách nay khoảng 4 ngàn năm.- Trung kì: Văn hoá Đồng Đậu (Phú Thọ), cách nay khoảng 3 ngàn năm.- Hậu kì: Văn hoá Gò Mun (Phú Thọ), cách nay gần 3 ngàn năm.Đỉnh cao tột cùng của thời kì đồ đồng ở Việt Nam là văn hoá Đông Sơn (Thanh Hoá), có niên đại cách nay khoảng hơn 2500 năm.Từ khi bước vào thời kì đồ đồng, xã hội nguyên thuỷ ở nước ta chuyển hoá ngày một mạnh mẽ, để rồi đến văn hoá Đông Sơn, nhà nước đã xuất hiện. Như vậy, có hai vấn đề quan trọng cần lưu ý: một là tiền sử Việt Nam bao hàm toàn bộ thời kì đồ đá cộng với toàn bộ thời kì đồ đồng; hai là cách đây bốn ngàn năm, với sự có mặt của đồ đồng, xã hội nguyên thuỷ ở nước ta đã chuyển hoá ngày càng mạnh mẽ, nhưng tiền sử ở nước ta chỉ thực sự cáo chung từ văn hoá Đông Sơn, cách nay khoảng 2500 năm mà thôi. Đây là điểm khác biệt căn bản nhất về niên đại, giữa ghi chép của sử cũ (trừ bộ Đại Việt sử lược) với kết quả nghiên cứu của giới sử học hiện nay.Nói khác hơn, sơ sử ở Việt Nam chỉ thực sự mở đầu từ văn hoá Đông Sn, cách ngày nay khoảng trên dưới 2500 năm mà thôi.II- THẾ THỨ THỜI HÙNG VƯƠNG1 - Lãnh thổ nước Văn Lang của các vua HùngNước Văn Lang của các vua Hùng là một sự thật của lịch sử Việt Nam. Sách Đại Việt sử kí toàn thư là bộ chính sử đầu tiên của nước ta chép về Văn Lang, và theo đó thì nước Văn Lang “Đông giáp Nam Hải, tây giáp Ba Thục, bắc giáp Hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn” (1).Nam Hải tức biển Đông. Nước Ba Thục là một vương quốc cổ, có lãnh thổ nay là vùng tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Hồ Động Đình là một thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Và, cùng với Chăm-pa, Chiêm Thành, Hoàn Vương… Hồ Tôn là một trong những tên gọi quốc gia của người Chăm. Quốc gia này đại để, có lãnh thổ tương ứng với vùng từ Quảng Bình đến Bình Thuận của nước ta ngày nay.Giang sơn rộng lớn nói trên có lẽ không phải là của riêng Văn Lang mà là của chung các tộc người thuộc Bách Việt. Điều đáng lưu ý là sử cũ vừa phác họa một biên cương bao la cho Văn Lang, lại vừa thống kê được 15 bộ (2) mà địa chỉ của 15 bộ đó lại nằm rải rác trên vùng đất tương ứng với lãnh thổ của nước ta từ tỉnh Thừa Thiên – Huế trở ra và lan sang một ít ở hai tỉnh của Trung Quốc là Quảng Đông, Quảng Tây.Chúng ta không có tài liệu đáng tin cậy nào về dân số của nước Văn Lang, nhưng dựa trên cơ sở thống kê hộ tịch của nhà Hán thống trị sau này và căn cứ vào một số cơ sở khác, các nhà nghiên cứu đoán định rằng, dân số nước ta thời Văn Lang áng chừng một triệu người.2 - Thế thứ thời Hùng Vươnga – Hùng Vương là gì?Các nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng tên gọi Hùng Vương gồm hai thành tố khác nhau. Thành tố thứ nhất là Hùng. Thành tố này có thể là do phiên âm Hán Việt một từ Việt cổ nào đó, có ngữ âm và ngữ nghĩa gần với chữ Kun, Khun hay Khuntz của đồng bào các dân tộc anh em như: Mường, Thái và Mun-đa. Trong đồng bào các dân tộc anh em nói trên, những từ như Kun, Khun, Khuntz đều có nghĩa là trưởng, thủ lĩnh, người đứng đầu. Thành tố thứ hai của Hùng Vương là Vương. Thành tố này hoàn toàn do người chép sử đời sau thêm vào, cốt để chỉ rằng, thủ lĩnh hay người đứng đầu (Hùng) là của cả nước. Người đứng đầu quốc gia thì không đế cũng vương mà thôi. Tóm lại, Hùng Vương là tên của một chức danh, hình thành do phiên ám một từ Việt cổ nào đó.b - Có hay không có 18 đời Hùng Vương?Các bộ sử cũ đều chép rằng, mở đầu lịch sử nước ta là họ Hồng Bàng. Mở đầu họ Hồng Bàng là Kinh Dương Vương (tức Lộc Tục), làm vua nước Xích Quỷ. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân (tức Sùng Lãm). Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra 100 người con. Sau, con trưởng của Lạc Long Quân được phong làm Hùng Vương Hùng triều ngọc phả cho hay họ Hồng Bàng truyền được 18 đời, gồm:1 - Hùng Dương (tức Lộc Tục).2 - Hùng Hiền (tức Sùng Lãm).3 - Hùng Lân.4 - Hùng Việp.5 - Hùng Hy.6 - Hùng Huy.7 - Hùng Chiêu.8 - Hùng Vỹ.9 - Hùng Định.10 - Hùng Hy (3).11 - Hùng Trinh.12 - Hùng Võ.13 - Hùng Việt.14 - Hùng Anh.15 - Hùng Triều.16 - Hùng Tạo.17 - Hùng Nghị.18 - Hùng Duệ.18 đời nối nhau trị vì 2622 năm (từ năm 2879 trước công nguyên đến năm 258 trước công nguyên). Đó là những con số rất khó thuyết phục người đọc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, với người Việt, số 9 là số thiêng, các bội số của số 9 (như 18, 36, 72, 99 v.v… ) cũng là những số thiêng tương tự như vậy. Cho nên, con số 18 đời Hùng Vương mà Hùng triều ngọc phả nói tới cũng chỉ là con số ước lệ, biểu tượng của một ý niệm thiêng liêng nào đó.Trái với ghi chép của chính sử cũ và các tài liệu dã sử khác, các nhà nghiên cứu cho rằng, nước Văn Lang của các vua Hùng chỉ tồn tại trong khoảng 300 năm, và niên đại tan rã là khoảng năm 208 trước công nguyên chứ không phải là năm 258 trước công nguyên. Với 300 năm, con số 18 đời vua Hùng là con số dễ chấp nhận. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà khẳng định rằng nước Văn Lang thực sự có đúng 18 đời vua Hùng nối tiếp nhau trị vì.Tóm lại, nước Văn Lang là một thực thể có thật của lịch sử nước ta, nhưng Văn Lang chỉ tồn tại trước sau trong khoảng ba trăm năm và con số 18 đời Hùng Vương cho đến nay vẫn là con số của huyền sử.III - THỜI AN DƯƠNG VƯƠNG1 - Nước Âu Lạc của An Dương VươngTrong sử cũ, nước Âu Lạc có niên đại tồn tại từ năm 258 trước công nguyên đến năm 208 trước công nguyên, cộng là 50 năm. Lập bảng đối chiếu văn bản của các bộ sử cũ, các nhà sử học hiện nay cho rằng, cả niên đại mở đầu lẫn niên đại kết thúc nói trên đều không đúng. Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy nước Âu Lạc của An Dương Vương chỉ tồn tại trong khoảng 30 năm, từ năm 208 trước công nguyên đến năm 179 trước công nguyên.Cũng trong sử cũ, nhân vật An Dương Vương bị coi là “ngoại nhập” (4). Kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy Thục Phán An Dương Vương không phải là người có nguồn gốc ngoại lai mà là người có nguồn gốc bản địa. Tuy nhiên, bản quán cụ thể của An Dương Vương hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác. Nhiều người đoán định rằng rất có thể Thục Phán sinh trưởng ở vùng Việt Bắc ngày nay. Lãnh thổ của Âu Lạc cũng chính là lãnh thổ của Văn Lang, khác chăng chỉ là nhà nước Âu Lạc giàu năng lực quản lí đất đai và quản lí dân cư hơn nhà nước Văn Lang mà thôi.Kinh đô của Âu Lạc là Cổ Loa (nay ở ngoại thành Hà Nội). Dấu tích của kinh đô Cổ Loa này vẫn còn. (Xem hình).Hình 1 - Bản đồ Cổ Loa2 - Vua của Âu LạcNước Âu Lạc chỉ có một đời vua, đó là An Dương Vương. Nhà vua sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông mất vào năm 179 trước công nguyên. Truyền thuyết nói ông mất tại Nghệ An. Tục truyền, đền Con Côông (tức con Công) ở Mộ Dạ (Nghệ An) chính là đền thờ An Dương Vương.An Dương Vương mất vì thất bại trong cuộc chiến đấu chống quân Nam Việt xâm lăng.----------------------------------Chú thích:(1) Ngoại kỉ. quyển 1, tờ 3-a.(2) Tên 15 bộ đó theo Đại Việt sử kí toàn thư là: Văn Lang. Giao Chỉ, Vũ Định, Vũ Ninh. Lục Hải. Ninh Hải, Tân Hưng, Phúc Lộc, Chu Diên, Dương Tuyền, Cửu Chân, Hoài Hoan, Cửu Đức, Việt Thường và Bình Văn.Các sách khác như Đại Việt sử lược, Lĩnh Nam chích quái, Ức Trai dư địa chí v.v… cũng chép con số 15 bộ nhưng tên của các bộ có khác chút ít.(3) Tuy cùng đọc là Hy nhưng mặt chữ Hán của hai chữ Hy này hoàn toàn khác nhau.(4) xem Đại Việt sử kí toàn thư (Ngoại kỉ quyển 1).