TIỂU DẪNNăm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Triều Mạc được dựng lên kể từ đó. Đành thịnh suy mỗi lúc một khác, nhưng xét về danh nghĩa, phải đến năm 1677, triều Mạc mới bị tiêu diệt hoàn toàn. Theo đó mà tính thì triều Mạc đã tồn tại 150 năm, và đấy là một khoảng thời gian lịch sử rất đáng kể.Nhưng từ năm 1527 trở đi, trên đất nước ta không phải chỉ có triều Mạc mà còn có cả triều Lê, rồi từ năm 1558 trở đi lại có thêm chính quyền của họ Nguyễn ở phía nam nữa. Đó là thực tế khiến cho các nhà sử học dễ bị lúng túng khi trình bày về diễn tiến của lịch sử dân tộc ở giai đoạn này.Ở đây, chúng tôi chỉ có ý định giới thiệu thế thứ của các triều đại sao cho dễ theo dõi chứ không hề có ý định tham gia vào cuộc thảo luận để đánh giá triều Mạc, bởi vậy, xin bạn đọc chớ nghĩ rằng chúng tôi có chút định kiện nào đó đối với triều Mạc nên mới để triều Mạc ở sau triều Lê thời trung hưng.Từ năm 1592 trở đi, vai trò của triều Mạc trên vũ đài chính trị của đất nước kể như đã chấm dứt, nhưng dẫu sao thì họ Mạc vẫn còn và vẫn tiếp tục xưng đế xưng vương, cho nên, sách này giới thiệu thế thứ của họ Mạc sau năm 1592 cũng là điều bình thường. Vấn đề ở đây không phải là thực lực và ảnh hưởng của triều Mạc ra sao mà chỉ xét về danh nghĩa triều Mạc tồn tại đến lúc nào.Bấy giờ, các thế lực phong kiến khác nhau đã tranh chấp với nhau rất quyết liệt. Trong điều kiện đó, lãnh thổ và dân cư của từng thế lực luôn luôn bị biến động, mọi ghi chép của sử cũ về hai lĩnh vực này chỉ có ý nghĩa tham khảo trong một thời điểm cụ thể nào đó chứ không có giá trị chung cho cả triều Mạc.I - THẾ THỨ THỜI CƯỜNG THỊNH CỦA TRIỀU MẠC1 - Mạc Thái Tổ (1527 - 1529)- Họ và tên: Mạc Đăng Dung.- Nguyên quán: Cổ Trai, Nghi Dương (nay thuộc Hải Phòng).- Thuở nhỏ Mạc Đăng Dung sống bằng nghề đánh cá, sau thi đỗ lực sĩ. Đời Lê Tương Dực (1509 - 1516), Mạc Đăng Dung giữ chức Đô chỉ huy sứ, tước Vũ Xuyên bá. Mạc Đăng Dung làm quan trải ba triều (Tương Dực, Chiêu Tông và Cung Hoàng). Thời Lê Cung Hoàng (1522 - 1527), Mạc Đăng Dung được phong làm Thái Sư Nhân Quốc Công rồi đến An Hưng Vương.- Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung cướp ngôi của nhà Lê, làm vua từ tháng 6 năm 1527 đến tháng 12 năm Kỉ Sửu (1529) thì nhường ngôi cho con để làm thượng hoàng.- Mạc Đăng Dung sinh năm Quý Mão (1483) mất ngày 22 tháng 8 năm Tân Sửu (1541), thọ 58 tuổi.- Trong thời gian ở ngôi, Mạc Đăng Dung có đặt một niên hiệu là Minh Đức (1527 - 1529).2 - Mạc Thái Tông (1530 - 1540) - Họ và tên: Mạc Đăng Doanh.- Thái Tông là con trưởng của Mạc Thái Tổ, thân mẫu là ai, chào đời năm nào thì chưa rõ.- Được truyền ngôi ngày 1 tháng 1 năm Canh Dần (1530), ở ngôi 10 năm (1530 - 1540), mất ngày 15 tháng 1 năm Canh Tí (1540), không rõ thọ bao nhiêu tuổi.- Trong thời gian ở ngôi, Thái Tông có đặt một niên hiệu là Đại Chính (1530 - 1540). 3 - Mạc Hiến Tông (1540 - 1546)- Họ và tên: Mạc Phúc Hải.- Hiến Tông là con trưởng của Thái Tông (Mạc Đăng Doanh), thân mẫu là ai, sinh năm nào chưa rõ.- Lên ngôi cuối tháng 1 năm Canh Tí (1540), ở ngôi 6 năm (1540 -1546), mất ngày 8 tháng 5 năm Bính Ngọ (1546), nay chưa rõ thọ bao nhiêu tuổi.- Trong thời gian ở ngôi, Mạc Hiến Tông có đặt một niên hiệu là Quảng Hoà (1540 - 1546).4 - Mạc Tuyên Tông (1546-1561)- Họ và tên: Mạc Phúc Nguyên.- Tuyên Tông là con trưởng của Hiến Tông (Mạc Phúc Hải), thân mẫu là ai sinh năm nào chưa rõ.- Lên ngôi tháng 5 năm Bính Ngọ (1546), ở ngôi 15 năm (1546 - 1561), mất vào tháng 12 năm Tân Dậu (1561), chưa rõ thọ bao nhiêu tuổi.- Trong thời gian ở ngôi, Mạc Tuyên Tông đã đặt 3 niên hiệu sau đây:• Vĩnh Định: 1547• Cảnh Lịch: 1548 - 1553• Quang Bảo: 1554 - 1561.5 - Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592)- Mạc Mậu Hợp là họ và tên thật, nhưng vị vua thứ năm này của nhà Mạc sau vì bị giết nên theo điển lễ xưa, không được đặt miếu hiệu. Sử cũ theo đúng điển lễ cổ mà chép thế thứ theo họ tên thật của vua.- Mạc Mậu Hợp là con của Tuyên Tông (Mạc Phúc Nguyên), thân mẫu là ai, sinh năm nào chưa rõ.- Lên ngôi tháng 1 năm Nhâm Tuất (1562), ở ngôi 31 năm (1562 - 1592), bị Trịnh Tùng giết chết vào tháng 12 năm Nhâm Thìn (1592), thọ bao nhiêu tuổi chưa rõ.- Trong thời gian 31 năm ở ngôi, Mạc Mậu Hợp đã đặt sáu niên hiệu sau đây:• Thuần Phúc: 1562 - 1565• Sùng Khang: 1566 - 1577• Diên Thành: 1578 - 1585• Đoan Thái: 1586 - 1587• Hưng Trị: 1588 - 1590• Hồng Ninh: 1591 - 1592.Như vậy, trong thời cường thịnh, triều Mạc có tất cả 5 vua nối nhau trị vì. Người ở ngôi lâu hơn cả là Mạc Mậu Hợp (31 năm), và chỉ có vua đầu triều Mạc thực hiện chế độ truyền ngôi để làm thượng hoàng. Vua đặt nhiều niên hiệu hơn cả là Mạc Mậu Hợp (6 niên hiệu) và Mạc Tuyên Tông (3 niên hiệu).II - THẾ THỨ THỜI SUY TÀN CỦA NHÀ MẠCSau khi Mạc Mậu Hợp bị giết, triều Mạc tan rã. Một số tôn thất của nhà Mạc đã tập hợp tàn binh, quyết chống đối nhà Lê đến cùng. Hoạt động của nhà Mạc lúc này tập trung chủ yếu ở khu vực tỉnh Cao Bằng ngày nay.Điều đáng tiếc là tiềm lực của nhà Mạc không còn gì đáng kể nữa nhưng có lúc, nhà Mạc lại có tới những hai vua. Các vua sau này của nhà Mạc đều không có miếu hiệu nên chúng tôi theo sử cũ mà chép theo họ và tên thật. Sau Mạc Mậu Hợp. nhà Mạc còn có 5 vua sau đây:1 - Mạc Toàn (1592 - 1593)- Được cha là Mạc Mậu Hợp truyền ngôi vào tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592).- Bị Trịnh Tùng bắt vào tháng 1 năm Quý Tị (1593) và bị giết cùng với Mạc Kính Chỉ.- Niên hiệu khi ở ngôi là Vũ.2 - Mạc Kính Chỉ (1592 - 1593)- Mạc Kính Chỉ là con của Mạc Kính Điển. cháu nội của vua Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải).- Lên ngôi ngay sau khi Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị giết. Ở ngôi đến tháng 1 năm Quý Tị (1593) thì bị Trịnh Tùng bắt và giết.- Niên hiệu khi ở ngôi là Bảo Định (1592) và Khang Hựu (1593 – vừa đặt thì bị bắt và bị giết).3 - Mạc Kính Cung (1593 - 1625)- Tự lập làm vua năm Quý Tị (1593), ở ngôi cho đến năm Ất Sửu (1625), tổng cộng 32 năm.- Bị Trịnh Tráng bắt giết vào tháng 5 năm 1625.- Niên hiệu khi ở ngôi là Càn Thống.4 - Mạc Kính Khoan (1623 - 1638)- Tự lập làm vua ngay khi Mạc Kính Cung còn sống.- Mất vì bệnh vào tháng 3 năm Mậu Dần (1638), chưa rõ thọ bao nhiêu tuổi. Ở ngôi 15 năm (1623 - 1638).- Niên hiệu khi ở ngôi là Long Thái.- Trước đó vào năm Ất Sửu (1625), Mạc Kính Khoan đã vì thế cô mà xin đầu hàng chúa Trịnh Tráng. Nhưng rồi từ khi về lại với đất Cao Bằng, Mạc Kính Khoan liến lập phủ đệ và sau đó xưng đế như cũ. Bởi sự kiện này, nhiều sách chép về Mạc Kính Khoan chỉ đến năm 1625 mà thôi.5 - Mạc Kính Vũ (1638 - 1677)- Mạc Kính Vũ là con của Mạc Kính Khoan. Kính Vũ còn có tên khác là Kính Hoàn.- Nối ngôi Mạc Kính Khoan kể từ năm Mậu Dần (1638).- Ở ngôi 39 năm. Đầu năm Đinh Tị (1677), bị chúa Trịnh Tạc đánh, phải chạy sang Trung Quốc, sau không rõ sống chết ra sao.- Cũng tương tự như cha, tháng 9 năm Đinh Mùi (1667), vì thế cô, Mạc Kính Vũ đã đầu hàng chúa Trịnh Tạc, nhưng sau Mạc Kính Vũ lại tổ chức lực lượng để chống lại chúa Trịnh. Bởi lẽ này, nhiều sách chỉ chép Mạc Kính Vũ đến năm 1667 là dứt.- Niên hiệu khi ở ngôi là Thuận Đức (1638 - 1677).