Cái tựa đề mang đầy tâm sự nghe nặng như núi Voi, thật ra cũng chẳng có gì nhiều - chỉ là một vài cảm xúc về một địa danh khi đọc Trương Thái Du (TTD) trên mạng vnthuquan.net. Thế thôi. Tôi chú ý đến TTD bắt đầu từ nơi tác giả sáng tác, trong đó có nhiều bài viết từ Thung Lũng Đa Thiện. Nghe quen lắm, nghe thân thuộc lắm, thân thuộc như một mảnh ruột đã dứt đi từ hồi nào, lâu lâu sờ lên vết sẹo vẫn còn nghe nhức nhối. Tôi không biết phải gọi TTD thế nào cho phải phép. Là ông ư? sao xa cách nhau thế, dầu sao thì mình cũng có họ hàng là dân Đa Thiện với nhau mà. Là chú, là bác, là cậu, là thầy, mà cũng có thể là cô? Thời buổi nam nữ bình quyền cũng rắc rối nhỉ? chứ như ngày xưa cứ qui tất vào Thầy Tú có phải khỏe hơn không? Hay là gọi "cu Du" như kiểu người dân xứ Nghệ ở xóm mình gọi nhau ông cu Đại, ông cu Chương? Theo như những bài viết, TTD có vợ, có con gái, có vào Google để kiếm "Thúy Kiều wánh đờn gì", chắc cũng còn tre trẻ. Thôi thì tôi gọi chú Du đi nhé. Cám ơn chú Du đã gợi cho tôi nhiều niềm nhớ về một nơi mang tên Đa Thiện. Đa Thiện trong tôi thật xa mờ. Đó là những buổi chiều đàn ngựa của ông cu Chương thả đi hoang trên đồi Phật Bà trong ánh hoàng hôn lịm tím. Lâu lâu lại thấy những con ngựa rung bờm hí vang xóa tan đi cái tĩnh mịch của buổi chiều tà. Đàn ngựa ấy làm tôi liên tưởng đến bài Ngựa Hoang của Phạm Duy, thế là tôi gán luôn cho chúng những cái oai phong hào hùng của những chú ngựa hoang, dầu biết rằng mỗi buổi tối thằng con út của ông cu Chương vẫn ra lùa chúng về chuồng. Cái thuở ấy nhà cửa chưa mọc lên san sát như bây giờ. Đồi Phật Bà vẫn còn im vắng, hoang vu, không mấy người thăm viếng, hàng rào không có, chỉ có những bụi dứa dại cách nhau lưa thưa. Tượng Phật Bà cũng là thiên đường của lũ trẻ chúng tôi. Lắm hôm trốn mẹ đi chơi, gặp mưa cả bọn chia nhau núp dưới đài sen rồi gọi nhau ơi ới: "Phương ơi, sang thăm nhà tao đi!" Dưới chân đồi Phật Bà là nhà ông Cả Hợi. Ở cái xóm mà mọi người gọi nhau cu này cu kia, thì cái chức cả bỗng nghe như oai lắm. Nghe nói xưa kia ông từng làm mõ làng. Khi gia đình tôi dọn về đấy, ông đã ngoài sáu mươi, mà vẫn vào rừng đốn củi về bán mỗi ngày. Vài ba ngày lại thấy ông xuống giếng làng gánh nước về uống. Mỗi lần gánh nước, ông hay đi băng ngang qua con dốc nhà tôi. Thỉnh thoảng ông lại dúi cho chúng tôi dăm ba trái ổi, vài ba trái mận, hay vài trái mát mát, mùa nào thức nấy, tất cả đều từ vườn nhà ông. Những món quà ngon nhất trên trần gian. Ông sống cô độc, không con cái, không người thân. Nghe nói ông có đến mấy bà vợ, giờ mấy đứa con sống với vợ ông ở xóm trong. Tất cả đều nghe nói, tôi còn quá nhỏ để tìm hiểu về ông, về một huyền thoại, về chú mõ làng cuối cùng của làng quê Việt Nam. Vài năm sau khi gia đình tôi chuyển đi thì nghe tin ông mất. Tiếc là ông Cả chỉ được hưởng những tiện nghi đèn điện và nước máy trong vài ba năm cuối đời mà thôi. Thung lũng Đa Thiện là những buổi sớm mai, sương giăng nhẹ từ bên này đồi sang đến bên kia, cứ như một tấm mền bông vắt hờ ngang sườn núi, ấp ủ mọi người trong buổi sáng giá lạnh. Từng tia nắng sớm lung linh làm cho tấm mền sương thêm kỳ ảo. Một vài nông dân thức sớm, ra vườn tưới sương muối. Màn sương sớm mang lại vẻ đẹp hoang sơ và là niềm tự hào cho phố núi, nhưng cũng là niềm âu lo của người dân miệt vườn. Nếu không kịp tưới trước khi mặt trời lên, rau cải sẽ bị cháy hết lá. Đâu đó trên những con đường mòn dọc thung lũng thấp thoáng một vài chiếc áo len xanh làm nổi bật tà áo trắng nữ sinh e ấp. Thung lũng Đa Thiện là những buổi chiều hun hút gió. Những cơn gió vì ảnh hưởng bão từ một nơi nào đó rin rít dãy giật. Đà Lạt thật lạ, cứ như là một đứa em biết thương chị mến anh, hễ nghe nơi nào có bão là Đà Lạt lại bị ảnh hưởng, sụt sùi. Những buổi chiều khói bếp nhẹ lan từ nhà ông Đích, qua nhà chú Tài, rồi sang nhà ông cu Đại. Những làn khói bếp mong manh trong buổi chiều gió, chẳng khác nào làn khói thuốc trong đêm vắng, lan tỏa mau chóng vào không gian. Vợ chồng chú Hải hối hả nỉa cho xong luống đất đã rải đầy phân cá, để mai còn kịp gieo cà rốt. Tiếng thím Bình ngọng nghịu gọi con: "Thằng cu Len (Đen), Len ơi về ăn cơm con!" Những buổi chiều an bình, giá lạnh! Thung lũng Đa Thiện còn là những buổi trưa thanh vắng, bạn bè cà kê bên cốc trà, ngồi nhìn qua khung cửa, trông xa xa là trường Nguyễn Trãi, trường Bùi Thị Xuân, và xa hơn nữa là núi Voi. Trước không gian rộng mở, con người cũng dễ trải lòng ra với nhau. Ở nơi này tôi đã được nghe câu chuyện tình buồn của một người con gái xóm bên, yêu chàng trai miệt xuôi nhưng rồi trắc trở khi chàng đưa mẹ lên thăm gia đình nàng với một chục cua làm quà ra mắt. Chàng chân tình, "quà đặc sản mà em". Bố nàng vốn uyên thâm nho học, sau này thất chí mượn rượu giải sầu. Ông đã ngà ngà say khi tiếp mẹ con chàng, ông cho họ muốn ví con gái ông ngang như cua, nên nổi trận lôi đình. Thế là tình duyên tan vỡ. Nàng có chồng, sinh con, đã hơn ba mươi năm qua chưa gặp lại người cũ. Tưởng là đã quên. Thế mà một buổi trưa, bỗng dưng chợt nhớ da diếc! Thung Lũng Đa Thiện còn là đề tài cho những buổi mạn đàm trong phòng khách chúng tôi ở một nơi xa xôi tận vùng đông bắc Hoa Kỳ. Ở đó có người đàn ông trung niên, tóc hoa râm, giọng miền Bắc luôn hào hứng nói về Đà Lạt, về Đa Thiện. Hào hứng và thân quen như ông đã từng ở đó tự bao giờ. Thung Lũng Đa Thiện trong ông là những gì của hơn ba mươi năm trước. Thật ngẫu nhiên, ông chính là chàng trai trong câu chuyện tình buồn năm ấy. Trong một lần lên Đà Lạt lấy tin tức, chàng phóng viên đã gặp và yêu cô gái miền cao nguyên. Cuộc tình của họ thật thơ mộng như chính thành phố họ đã gặp nhau. Những buổi chiều đuổi bắt nhau trên đồi cỏ, những buổi tối nàng e ấp trao tay cho anh ủ ấm, những hồn nhiên lí lắc của cô gái 18 đã làm lỗi nhịp trái tim chàng trai, để hơn ba mươi năm sau chàng vẫn chưa nguôi ngoai. Khi gặp lại nhau họ đã có chồng em, vợ anh, và đã là ông ngoại bà nội. Tình thân cũ làm hai gia đình gần gũi nhau hơn. Buồn nỗi, họ gặp lại nhau không bao lâu thì ông mất vì bịnh ung thư máu. Hàng năm đến ngày giỗ, mộ ông lại có thêm một bình hoa huệ trắng. Những ân tình từ Thung Lũng Đa Thiện sao khó quên! Trong một bài viết, chú Du có ghi sách Việt Nam giờ nhiều cuốn in "chữ to như con bò" làm tôi phì cười nhớ đến con bò của bác Ít. Chẳng biết tên người có liên quan gì đến việc làm hay không, nhưng bác nuôi bò rất ư là khiêm tốn: có đúng mỗi một con. Cái chuồng bò be bé trông như cái nhà kho trống trải. Cái thuở trẻ em lùa cả đàn "đi chăn bò, bò không đi, em lấy roi... " là xưa lắm rồi. Bác Ít nuôi bò hiện đại hơn nhiều. Sinh hoạt của người dân xóm tôi gắn liền với cái giếng làng. Mọi người ra đó gánh nước về uống, mang quần áo ra đó giặt, cà rốt cũng mang ra đó rửa trước khi mang ra chợ bán, thậm chí có anh lười còn ra tắm rửa luôn ở giếng. Tất cả mọi nguồn nước đều được thải ra đám cỏ xung quanh giếng. Cỏ lên xanh tươi ngút ngàn. Thế là mỗi ngày bác Ít cứ mang con bò ra đấy đóng cọc ở một góc nào đó, bò ta tha hồ gặm cỏ mà chẳng phải nhọc nhằn đi đâu xa. Cả bò lẫn người đều khỏe. Lâu lâu để thay đổi không khí và để góp phần làm trong sạch môi sinh môi trường xung quanh giếng, bác Ít lại mang bò đến nơi khô ráo, là những vạt cỏ dọc theo hai bên đường làng. Mỗi khi đạp xe ngang con bò của bác, tôi cứ sợ sợ là. Chẳng biết có khi nào nó oán hận gì rồi húc cho một phát thì toi đời. Ấy thế mà lại có chuyện lạ, con bò đã mang thai, và trong một lần đi đổi gió như thế đã ỳ ạch sanh con ngay trước cổng nhà tôi. Sau mấy tiếng đồng hồ vật vã, chú bê con xinh xắn ra đời. Lúc mới sinh ra chú còn bé tí, cả thân mình đều ướt, hai mắt nhắm nghiền. Thế mà cuối buổi chiều đã thấy loanh quanh bên chân mẹ. Chẳng biết ở thời buổi kinh tế thị trường bây giờ, những dòng chữ to như con bò chú Du đã đọc có được khuyến mãi thêm những chú bê con xinh xinh kia không nhỉ? Cũng nên lắm chứ, chú bê con đáng yêu thế kia mà! Đa Thiện trong tôi thân thuộc lắm. Tôi nhớ từng khúc quanh của con đường mòn, từng tiếng hỏi thăm của mọi người, từng tiếng chó sủa ban đêm khi có người lạ vào trong xóm. Cái giếng làng giờ đây đã không còn nhộn nhịp nữa. Ai cũng có nước máy dẫn vào tận nhà. Xóm làng bây giờ đã sầm uất hơn xưa, hàng quán đã lấp vào những khoảng đất trống. Tượng Phật Bà bây giờ đã rào kín, muốn vào thăm, đi mỏi chân cũng chẳng thấy ai để mượn chìa khóa. Đàn ngựa xưa của ông cu Chương cũng không còn. Bỗng dưng tôi sợ, sợ một lúc nào đó sẽ phải ngậm ngùi câu thơ cũ của Nguyễn Bính: "Hôm nay có một người du khách Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên" Đa Thiện ơi! có còn như xưa? College Park, tháng 4, 2006 Nguyễn Dương Thảo