Làng tôi ven sông Đuống. Nếu tính đường chim bay, làng cách trung tâm Hà Nội dăm cây số. Đứng trên đê là nhìn thấy mấy khách sạn liên doanh sừng sững mới xây. Tuy gần thành phố nhưng quê tôi ít ảnh hưởng cuộc sống thị thành, nếp quê vẫn giữ. Phải chăng nét quê sâu đậm mà đình làng còn giữ được. Hồi chiến tranh Tây không đốt sau làng cũng không phá. Nay người làng tôi tự hào lắm, quê mình đình cổ to nhất vùng, Thành hoàng là thượng đẳng thần còn sắc mấy đời Vua phong... Chẳng phải đến khi dân làng tự hào, ngày bé tôi đã yêu quý ngôi đình, có nhiều kỷ niệm về nó. Dịp nghỉ hè, tuần trăng, chúng tôi sinh hoạt thiếu niên nhi đồng trống gõ lùng tùng suốt đêm. Mấy bận tôi ngủ quên, mẹ ra tận nơi tìm. Còn câu chuyện lời nguyền- chiếc đinh đóng trên cột đình ông nội kể, nhiều lần vào đình tôi tò mò xem nó ở đâu. Sau này lớn, xa nhà, mỗi dịp về quê tôi đều tranh thủ ghé qua, thư thả thì chiều xuống thả bộ mấy vòng quanh sân đình, ngắm dáng cong cong đình đao hay lớp lớp ngói cổ rêu phong. Những lúc ấy, tôi thường suy ngẫm về cuộc đời, về thời gian, về cái ân tình, sự cố hữu của người dân quê... Và rất lạ tôi cứ liên tưởng mái đình kia phủ dày quá khứ, mỗi viên ngói như một giọt thời gian. Đến khi đình chuyển thành nhà kho hợp tác xã, ít khi tôi tới nữa. Chợt lúc nào đó nhớ về quê mình, mái đình cổ kính lại thấp thoáng trong ký ức, cả câu chuyện lời nguyền hư hư, thực thực... Làng quê, nơi ăm ắp những phong tục, cổ lệ, người ta sống trong khuôn mẫu lệ tục. Tục lệ là thứ nhiều khi ruồng rẫy, dồn đẩy dân quê đến chỗ lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, song cũng lại chính là nó, gắn hút họ với mảnh đất quê làng. Các cụ làng tôi truyền rằng: Xưa, đã lâu lắm rồi, chẳng còn nhớ là năm nào, thầy địa lý Tả Ao qua làng. Cảm động trước tấm lòng của dân làng, thầy Tả Ao chỉ cho chỗ đất quý dựng đình. Theo thầy, ấy là kiểu đất: hổ trục quần dương. Tả hữu có thần Bạch Hổ, thần Thanh Long- hai gò đất cánh đồng bên đình. Hậu trẩm là gò đất cao sau đình. Thầy lại mách dân làng phá bờ cho thông thuông chuỗi ao hồ trước mặt đình và khơi con ngòi ra sông Đuống, long mạch sẽ khai thông, giữ được vượng khí. Về gò Cái Cờ, ngay đầu làng, chính hướng cửa đình, thầy Tả Ao dặn, phải hết sức giữ gìn. Đấy là tiền án không cho tà thần hung khí xâm tới phạm chính đường. Nhớ lời thầy, dân làng tôi xem trọng gò Cái Cờ lắm. Cây cối trên gò um tùm. Trừ việc hương đăng ngôi miếu cổ, chẳng mấy ai dám lai vãng đến gò, kể cả đám trẻ trâu. Thế mà một năm có chuyện. Ngày ấy không rõ ai tố giác trước quan viên có kẻ giấu diếm táng cốt cha ông vào gò Cái Cờ, nhà nào táng thì kẻ tố không nói rõ. Quan viên được triệu tập gấp ra đình. Hay tin các cụ xôn xao. Người lo xúc phạm chốn tôn nghiêm, chuyến này khốn. Thảo nào trong làng dịch lợn gà rộ lên, bao người đau bụng, đau mắt. Số quan viên khác nói lo cho dân làng nhưng thực bụng họ sợ kẻ táng mả ông mả cha kia, chúng sẽ phát. Mọi bận phàm đã việc làng thế nào quan viên chẳng ngả ra dăm mâm đánh chén, vậy mà lần ấy diễn ra chóng vánh, cụ tiên chỉ quyết ngay. Việc phải nhanh, kẻo lỡ động, chúng biết, nó chuyển đi thì lấy gì làm bằng. Ngay chiều đó ông lý ốp đám lực điền, đích thân cụ tiên chỉ cùng nhiều quan viên giám sát. Trai đinh săm soi thuốn khắp gò, thứ cần tìm đã thấy. Một gã trai đinh thuốn thấy kịch, đúng kiểu gặp gỗ. Người ta xúm vào đào. Cỗ quách vàng tâm mái cong mai rùa lộ ra. Bật nắp tấm thiên, hất gạch đậy tiểu, các cụ sững sờ, trong tiểu bộ cốt “vàng” ươm, đầy ăm ắp. Không thể tưởng tượng nổi! Quan viên tức giận, cụ rủa xả đòi quẳng ra sông, cụ hầm hầm giật mai đòi đập nát. Riêng cụ tiên chỉ chỉ cười nửa miệng tuy sắc mặt có tai tái. Chờ mọi người nói hả cụ mới lành lạnh phán, đưa về làng. Quan viên nhìn nhau chưa rõ ý. Cỗ quách bị điệu xềnh xệch về sân đình. Theo lệnh cụ tiên chỉ, trai đinh lôi ra đoạn chão thòng lọng cỗ quách lại, trói gô nó vào gốc si. Lúc đó là chập choạng tối, ông Lý vẫn sai mõ đi rao khắp ngõ, dân đinh phải đến tập trung ngay. Tối xuống, sân đình đuốc đốt như đình liệu. Người ta điểm xem chi giáp nào thiếu vắng ai. Đám đông xì xầm: thiếu cánh cháu con ông lý cựu. Lý trưởng trình với cụ tiên chỉ mà giọng oang oang như nói với dân làng: - Bẩm cụ, cánh con cháu nhà Lý Cựu... ốm, vắng mặt ạ! Được phép cụ tiên chỉ, ông lý thông báo việc tầy đình vừa xảy ra. Dân làng hồi hộp nín thở nghe. Thật là một tin sét đánh. Ồn ào càng ồn ào hơn khi cụ tiên chỉ phán: tất cả dân đinh bước qua cỗ quách, nhổ nước bọt, táng một vồ. Đột lặng im, rồi tiếng lao xao, kẻ tán đồng, người ghê sợ thất đức quá. Ông lý phải quát át đi. Nghi thức rùng rợn đã diễn ra. Từng người từng người một tiến đến. Có gã ráng sức nện vồ đến mức chiếc vồ nảy lên, xương cốt bắn cả ra ngoài. Đa số dân đinh gượng gạo, làm chiếu lệ, nhất là phe cánh nhà Lý Cựu. Tới quá nửa đêm, lúc này bộ cốt nhừ tử cùng mảnh vỡ tiểu sành lộn xộn thành đống trong quách, tưởng đã xong, chỉ còn việc lôi ra sông đổ, dân làng lại nghe cụ tiên chỉ sai. Loáng cái có tay trai nọ, mang chiếc đinh sắt tướng tới khúm núm đưa cụ tiên chỉ. - Trên có thần linh chứng giám, dưới có dân làng...- tiếng cụ tiên chỉ sắc lạnh, giữa sân đình đêm khuya nghe mà rờn rợn, dân làng như đứng sát vào nhau hơn- Cái đinh này sẽ đóng lên cột đình. Hẹn cho ba hôm, tên láo xược kia chúng bay được phép nhổ, nhổ bằng tay. Bằng không, còn ở cái làng này, truyền rằng con cháu bay, đời đời kiếp kiếp không mọc mũi sủi tăm... Chúng bay ở đây là ám chỉ ông Lý Cựu, là con cháu và vây cánh nhà Lý Cựu. Bộ cốt kia, lúc này mười phần chắc bảy tám là bộ cốt bố ông Lý Cựu. Ai vào đây nữa! Biết vậy nhưng vô bằng, làng bắt vạ sao được. Thời Lý Cựu còn đương chức, phe cánh ông mạnh nhất làng. Vật đổi sao dời, ô!!!7392_1.htm!!!
Đã xem 6391 lần.
http://eTruyen.com