"Mẹ chồng" người Hà Nội, "con dâu tương lai" lại chỉ là gái Nghệ. Da của nắng và tóc của gió. Cỗi cằn và thô kệch trên bàn một món quà quê mang "mô hình" sỏi đá. Mẹ nhón lên một tấm thật tròn và to, hệt như cái mặt nạ ông Địa, mỉm cười:
- Phòng cô cũng có một chú người trong cháu, mỗi lần về quê đều không quên mang theo kẹo này ra. Bọn cô là cứ tranh nhau như trẻ con thôi, buồn cười lắm.
Con mãi không biết phải xã giao như thế nào cho phải phép mà lại không quá kiểu cách. Rốt cuộc đành im lặng nhìn những ngón tay đang vê áo của mình. Tay con già và khổ, ngón nào cũng như bị bỏ đói. Hoàng của mẹ suốt ngày "chê" con: "Trời ạ, đến cả ngón tay cũng... miền Trung nốt!". Mẹ không đoán được lúc ấy con đã nói gì, đã lườm nguýt anh ấy như thế nào đâu. Làm sao mẹ có thể tưởng tượng được những lúc không có sự hiện diện của "thế lực mẹ", đứa con gái lúng túng vê áo này lại có thể ghê gớm và đáo để đến mức nào với người hay trêu nó.
Tóc con dài và khóe miệng con đằm, những lúc con xõa tóc không nói như thế này, trong con cũng sâu lắng và dịu dàng, đúng không mẹ. Nhưng thể naò chốc nữa tiễn con về, con trai mẹ cũng sẽ tinh quái bóc trần: "Sao hôm nay bà la sát lại hiền... đột xuất như thế hả chời?"
Mẹ biết không, không hiểu sao con quen... sợ mẹ vô cùng. Sợ cái cách mẹ rót nước mời con như khách. Sợ cái cách mẹ nhìn bọn con, biết lắm đấy mà vẫn vờ như không biết, không chịu biết cho. Sợ cả cái lịch lãm, dịu dàng, êm ả đến từng trải của mẹ. "Trẻ con ơi, các con của tôi, chúng mày bày trò yêu nhau đấy à? Cho mẹ xem chút được không?". Con sợ lắm và cũng tự ái lắm đấy mẹ ơi, những lúc mẹ cứ cười cười như thế... Con cứ sợ, cứ sợ như thế mà không bao giờ cố công lý giải, đến nỗi hiền như anh Hoàng mà cũng phải cáu lên: "Em cứ làm như mẹ anh là hổ dữ không bằng!".
*
Con với anh Hoàng vì đâu mà quen nhau, mẹ đã biết rồi chứ ạ? Cùng khoá, cùng khoa. Đã từng những ngaỳ bạn bè vô tư, vồn vã - những ngaỳ mà dù có giàu tưởng tượng đến đâu con cũng không dự cảm nỗi đến lúc rồi sẽ đi đến thế này. Không hiểu sao con vẫn cứ tiếc những ngày tháng ấy, dẫu vẫn thấy yêu vô cùng những gì mà bọn con đang có. Tiếc cho giọng cười lanh lảnh và ánh nhìn tự tin của con, giờ đây, trong "tư thế" một nàng dâu, đã không thể tỏa ra trước mẹ chồng như con vẫn thường sáng lên như thế trước mọi người. Con đã mong ước bao nhiêu, một lần con được là con - như con vốn thế, trước mẹ. Được là gái miền Trung. Da đen giòn, giọng nặng mà sâu. Cười như làm ra được nắng. Tay con già và khổ nhưng tay con biết xuống bếp làm cơm giúp mẹ, biết cầm bút làm một đứa dùng chữ thật giỏi giang. Thơ con, Hoàng đã đưa báo cho mẹ xem bao giờ chưa?
Mẹ tin không, con cũng có một tâm hồn, một tâm hồn biết hát. Con đã yêu bằng nó và được yêu nhờ nó. Như mẹ, mẹ đã yêu con mẹ và điều mẹ nhận được từ anh thật là dễ chịu, đúng không ạ? Có tính chất bắc cầu chứ mẹ, trong đời sống tình cảm? Điều ấy, nếu con mong và tin - liệu có gì là quá tải? Mẹ ơi, đến bao giờ thì chúng con - những nàng dâu trẻ con, những nàng dâu tập tọe làm người lớn, những nàng dâu với những ước vọng thầm kín và sáng trong đầu đời này có thể bứt ra khỏi những khuôn khổ, những vỏ bọc chật hẹp, giả tạo và xơ cứng do chính mình tạo ra để được là mình - hồn nhiên và tự tin, thay vì bất ổn, lo âu và mặc cảm, phải đánh mất hoặc làm mờ đi một phần tính cách và phong cách của mình.
Mẹ ơi, đến bao gờ thì cái tâm lý rắc rối ấy của bọn con được làm minh bạch? Đến bao giờ thì mẹ tươi cười nói với bố trong bữa ăn: "Bố Hoàng mà ở nhà chiều nay thì đã thấy được dâu cả nhà ta rồi. Xin và hiền phải biết nhé!". Hay gọi anh Hoàng lại mà hỏi: "Yêu rồi đấy hả con trai tôi? Con bé hôm nọ đến nhà mình chứ gì? Gia đình thế nào? Hai đứa tìm hiểu đến đâu rồi?". Hoặc "mở đường sống" cho con trai: "Khổ quá! Thì mẹ đã biết noí thế nào đâu mà đòi xoắn lấy, hỏi này hỏi nọ. Hay là hôm nào anh đưa con bé về đây, có cả bố anh nữa, làm một bữa cơm, trước là biết nhau, sau là dò chuyện". Và thậm chí, con vẫn thấy yên tâm ngay cả khi mẹ tỏ ra nghi ngại: "Yêu cùng tuổi thế kia sợ có bền không con? Bọn mày trẻ con lắm". Phần còn lại sau đó là thuộc về "quyền lợi và nghĩa vụ" của anh Hoàng. Con tin là anh sẽ đủ sức làm mẹ yên lòng bằng tất cả những gì đang thật sôi nổi và trẻ trung trong anh. Chỉ cần mẹ cho anh ấy cơ hội làm người lớn - một cơ hội mà ngoaì đời, người ta - nhất là con - đã mang lại cho anh ấy từ lâu rồi.
Hẳn nhiên mẹ sẽ tự hỏi: "Chẳng hiểu con bé ấy mê thằng Hoàng nhà mình ở điểm gì nhỉ?". Sẽ vờ vĩnh mắng yêu "cục cưng" của mình: "Một thằng đã xấu như ma, gầy như quỷ đói, lại vụng và lười, đứa nào không may vớ phải nó thì khổ cả đời". Rốt cùng rồi không chừng mẹ sẽ tắc lưỡi: "Thôi đích thị là chuyện trẻ con rồi. Như mình với X hồi xưa là cùng".
Để được xem là người lớn, phải trải qua bao nhiêu cửa ải trẻ con nữa mẹ ơi?
*
Con dò Hoàng: "Mẹ anh có vẻ không ưa người miền trong?". Hoàng đoán: "Chắc tại mẹ ít tiếp xúc, chỉ đi qua đấy, đâu như một lần hồi chiến tranh, thấy bảo đổ nát lắm!".
Chần chừ, lại hỏi: "Mẹ có biết gì về chuyện mình không anh?". Hoàng trấn an: "Có vẻ như không", rồi lại dọa: "Mà chưa chừng! Sức mấy cụ chẳng biết. Bạn gaí anh, có đứa naò biết đỏ mặt như em đâu". Con hồi hộp: "Hoàng đoán em có muốn mẹ biết chuyện đó không?". Hoàng tủm tỉm: "Vừa muốn, vừa không. Em là thế, nửa cóc tía, nửa thỏ đế". (Hoàng vẫn luôn là người hiểu con)
Ai biết chuyện con và Hoàng cũng tò mò: "Thế nào, các cụ đã biết được đến đâu rồi? Đã đưa vấn đề ra công luận và ánh sáng chưa?". Con chịu, không biết nói thế nào đâu đấy mẹ ạ. Con biết một khi chuyện của bọn con chưa đi đến đâu, anh Hoàng vẫn chưa được ba mẹ "đặc cách" cho làm người lớn, thì còn chưa thể mạnh mồm nói ra chuyện này với ba mẹ được, thấy như phải làm một điều gì đấy hơi chướng tai, hơi ngượng mồm, hơi không phải, hơi khác người, sợ các cụ không tin, các cụ lo ngại, các cụ cười, các cụ... "chỉnh huấn". Mở ra thì thế, mà goí vào thì thấy có gì như chưa trọng vẹn với người yêu, thấy thương thương cái tâm trạng thấp thỏm của người yêu. Cái tâm lý ấy,ở những anh con trai mới lớn như Hoàng, con biết chứ. Yêu đấy, sôi nổi lắm đấy nhưng mà cũng ngại ngần lắm đấy, đáng... bực mình và phát cáu lắm đấy. Mẹ giải thích điều này cho con được không? Tại sao bao giờ con gái cũng được ba mẹ tin khôn hơn con trai, mà sao bao giờ con rễ cũng được mẹ vợ cưng hơn trong khi các nàng dâu thì dễ bị "vô thừa nhận"? Sao bao giờ các anh con rễ cũng được là họ, ngay cả khi ở nhà họ ngoại, còn bọn con gaí chúng con thì lại không thể, trước họ nội?
Hôm qua một đứa bạn gaí may mắn hơn khoe với con: "Thứ bảy, chủ nhật nào tao cũng về họ nội tắm giặt, nghỉ ngơi như người nhà, đêm thì quắp lấy em gái chồng mà ngủ, sáng lại bắt chồng chở ra trường. Ông già cứ goị là quý tao hơn con đẻ. Nhưng cưới là phải đợi tao ra trường, có việc làm hẳn hoi tao mới chịu cơ! Còn mày, họ chấm cho mày mấy điểm rồi? Sợ à? Sợ gì? Mình yêu con họ chứ có phải cướp không cục cưng của ho đâu mà họ nạt bóng".
*
Nhưng... "mẹ chồng" người Hà Nội, "con dâu tương lai" lại chỉ là gái Nghệ. Da của nắng và tóc của gió.
Mẹ hẳn sẽ tưởng tượng nhà con rũ trên đất cằn. Chiều chiều, hẳn con dẫn cả một lũ em đi tắm ao làng hay ra đồng mót lạc. "Vô tuyến" giỏi cả làng có một gia đình có chứ mấy. Làm gì mà phát được cả ngày như Hà Nội, giỏi bắt được một kênh là cùng, Bao Thanh Thiên chắc gì đã được xem trọn bộ. Tay con bé khô thế, cắc phải thái chuối, vớt bèo nhiều. Hà Nội mất mấy năm dạy được con bé cách chọn bộ váy nhã nhặn này. Những chiếc áo hồng - hẳn là những chiếc áo thật hồng - của nó đâu rồi nhỉ? Chắc lại gửi về cho em - một lũ em cứ đến bữa là thòm thèm nhìn lên món cá gỗ lủng lẳng trên đầu, chóp chép mồm. Da con bé đen thế, chỉ liếc qua là đo được nắng. Mấy đứa trong phòng cứ nao nao đòi đi nghỉ ở Cửa Lò nữa đi. Mình thì mình vái cả món ấy!...
Trong nhật ký của con, mẹ thương không, đã có những vần thơ vừa buồn, vừa tồi tội:
Con gái Nghệ thương trai Hà Nội
Lo da mình đen hơn... người yêu
Nhưng Hoàng cứ nhắc khéo con đừng vẽ mặt, đừng nhại tiếng ngoài này kẻo anh lại hết thương. Hoàng bảo không hiểu sao Hoàng mê lắm mỗi lần nghe con chối nó được mô (không được đâu) hay kể cả "chi rứa bay" hoặc thẫn thờ "mần răng chừ đây"(làm sao bây giờ?). Hoàng cứ bảo Hoàng ưa mắt con lắm, những khi cười sao mà nhiều nắng, ấm và vui thế...
Những ngày đầy nắng. Lại những ngày đầy nắng. Nghỉ hè. Xa mẹ và anh. Một nửa đời con là thuộc ngoài ấy, không chỉ ở vùng đất mà con đang trở về - một vùng đầy sao mà cứ con thể khiến người ta ngại nhiều đến thế: ngại nắng - ngại gió - ngại bụi - ngại mưa - ngại tiếng - ngại hình - ngại luôn cả đặc sản vùng (cái kẹo cuđơ, nuốt sao mà nghẹt thế, đau thế) - ngại cá gỗ - ngại "vắt cổ chày" - ngại "thẳng ruột ngựa".... Oan quê lắm quê ơi!
Mẹ ơi! Phải như sau này vì một lẽ gì đấy mà mẹ chịu theo anh về được đến quê em...