Phần 2

Đúng tám giờ mười lăm ông Jonathan có mặt trước ngân hàng, năm phút trước khi Monsieur Vilman, phó giám đốc và Madame Roques, trưởng phòng thu ngân tới. Họ cùng mở cửa chính: ông mở cửa sắt ngoài, Madame Roques mở cửa kính chống đạn bên ngoài, Monsieur Vilman mở cửa kính chống đạn bên trong. Rồi ông và Monsieur Vilman dùng chìa khoá của cả hai người tắt hệ thống báo động, ông và Madame Roques cùng mở cái cửa chịu lửa có hai khóa dẫn xuống hầm, rồi Madame Roques và Monsieur Vilman xuống hầm cùng mở phòng đựng két tiền trong lúc ông Jonathan - sau khi đã cất hòm, dù, măng tô vào tủ áo cạnh phòng vệ sinh rồi khoá lại - ra đứng ở cửa kính chống đạn bên trong, lo việc mở cửa để các nhân viên tới sau vào bằng cách bấm hai cái nút điện, một cái mở cửa kính chống đạn bên ngoài, một cái mở cửa kính chống đạn bên trong, cái trước cái sau. Tám giờ bốn mươi lăm toàn thể nhân viên đến đủ mặt, mỗi người lại chỗ làm việc của mình: sau quầy, đứng két hay trong văn phòng và ông Jonathan ra khỏi ngân hàng để đứng ở vị trí của mình trên thềm đá cẩm thạch, trước cửa chính. Lúc này mới đúng là bắt đầu công việc của ông.
Suốt ba mươi năm nay ông Jonathan không làm gì khác hơn là buổi sáng từ chín đến một giờ trưa và xế trưa từ hai rưỡi đến năm rưỡi đứng như pho tượng trước cửa chính, cùng lắm là chậm rãi bước tuần tra tới lui ở bậc cẩm thạch dưới cùng. Gần chín rưỡi cũng như giữa bốn rưỡi và năm giờ chiều có một gián đoạn ngắn gây ra do việc chiếc xe màu đen của Monsieur Roedel, giám đốc, đến và đi. Lúc đó ông Jonathan phải rời chỗ đứng trên bậc cẩm thạch, chạy dọc toà nhà ngân hàng khoảng mười hai mét tới cổng vào sân sau, đẩy cái chắn bằng sắt nặng chịch để xe đi qua và kính trọng đưa tay lên vành mũ chào. Chuyện tương tự cũng có thể xảy ra vào sáng sớm và chiều khi chiếc xe chống đạn chuyên chở tiền của hãng Brink tới. Ông cũng phải mở cái chắn bằng sắt cho xe vào và chào người trong xe, tất nhiên không phải là nghiêng bàn tay lên vành mũ chào kính trọng mà chỉ chạm nhẹ ngón tay trỏ vào vành mũ, kiểu chào giữa các đồng nghiệp. Ngoài ra không còn việc gì khác. Ông Jonathan đứng, nhìn đăm đăm về phía trước, chờ đợi. Khi thì đăm đăm nhìn xuống chân, khi thì đăm đăm nhìn vỉa hè, khi thì nhìn đăm đăm sang quán cà phê bên kia đường. Đôi khi ông đi sang trái rồi sang phải bảy bước trên bậc thềm dưới cùng hay rời bậc thềm này lên đứng trên bậc thứ hai và thỉnh thoảng, khi mặt trời quá chói chang và cái nóng làm đổ mồ hôi, mũ dính cả vào trán thì leo lên bậc thứ ba, dưới bóng râm của mái hiên cửa, gỡ mũ ra một lát, đưa cánh tay quệt cái trán nhớp mồ hôi rồi lại đứng, nhìn đăm đăm và lại đợi.
Đã có lần ông làm tính thử để thấy rằng cho tới ngày về hưu mình đứng bảy mươi lăm nghìn giờ trên ba bậc thềm cẩm thạch này. Như thế thì có lẽ khắp Paris - hẳn là cả nước Pháp nữa - ông sẽ là người đứng lâu nhất ở một chỗ; có thể ngay bây giờ đã là lâu nhất rồi, dù ông mới đứng có năm mươi lăm nghìn giờ trên các thềm cẩm thạch thôi. Trong thành phố này chỉ còn rất ít nhân viên bảo vệ được một hãng thuê suốt đời. Phần lớn các ngân hàng thuê dài hạn các hãng làm dịch vụ bảo vệ, họ gửi tới những tay còn trẻ, đứng dạng chân trước cửa, mặt mũi khó đăm đăm rồi sau vài tháng, thường là sau vài tuần, được thay bằng những tay khác mặt mũi cũng khó đăm đăm - nghe nói là vì những lý do tâm lý của người làm nghề này: sự cảnh giác của một nhân viên bảo vệ, người ta bảo thế, giảm dần nếu anh ta làm ở cùng một nơi quá lâu, sức cảm nhận của anh ta về những việc diễn ra quanh nơi đó bị trì trệ đi, anh ta sẽ chậm chạp, lơ đãng và như thế thì không thích hợp với công việc của mình...
Vớ vẩn hết! Ông Jonathan biết rõ hơn nhiều: chỉ sau vài giờ là sự cảnh giác của anh nhân viên bảo vệ biến mất tiêu. Ngay từ ngày đầu anh ta ghi nhận không phải với ý thức về khung cảnh chung quanh hoặc giả hàng trăm người vào ra ngân hàng, mà cũng không cần thiết nữa, vì dẫu sao anh ta cũng không tài nào phân biệt nổi một tên cướp ngân hàng với khách. Ngay cả nếu người nhân viên bảo vệ phân biệt được và lao về phía tên cướp thì anh ta đã bị bắn chết từ lâu trước khi kịp tháo nút gài bao đựng súng, vì so với nhân viên bảo vệ thì tay cướp có cái lợi thế hơn hẳn của sự bất ngờ.
Như pho tượng Sphinx [18], ông Jonathan (có lần ông đã đọc trong một quyển sách của mình về Sphinx) thấy người nhân viên bảo vệ giống như pho tượng Sphinx thật. Anh ta hữu dụng không phải nhờ vào hành động mà chỉ qua sự hiện diện của tấm thân mình thôi. Anh ta đem thân xác và chỉ thân xác của mình thôi để đối chọi với tên cướp. “Mày phải qua được mặt ta”, con Sphinx nói với tên đào trộm mả, “ta không cản nổi mày, nhưng mày phải qua được mặt ta trước đã; nếu mày cả gan thì thần thánh và hồn Pharaon [19] sẽ báo thù mày!” Còn người nhân viên bảo vệ nói: “Anh phải qua được mặt tôi đã; tôi không cản nổi anh, nhưng nếu anh bạo gan thì phải bắn tôi chết và tòa án sẽ kết án tử hình anh về tội giết người, báo thù cho tôi.”
Tất nhiên ông Jonathan biết rất rõ rằng con Sphinx có nhiều cách trừng phạt hiệu quả hơn là người nhân viên bảo vệ. Anh ta đâu thể nào đem sự trả thù của thần thánh ra hù dọa được. Ngay cả trong trường hợp tên trộm mả không đếm xỉa gì đến việc bị trừng phạt thì con Sphinx cũng chẳng hề bị nguy hiểm gì. Nó được tạc từ đá bazan hay từ đá tảng, đúc từ quặng hay được xây kiên cố. Mả có bị trộm thì con Sphinx vẫn dễ dàng tồn tại năm nghìn năm... trong khi gặp một vụ cướp ngân hàng thì chỉ sau năm giây người nhân viên bảo vệ chắc chắn phải bỏ mạng. Tuy nhiên, như ông Jonathan thấy, con Sphinx và người nhân viên bảo vệ giống nhau, vì quyền lực của cả hai không dựa vào công cụ mà có tính tượng trưng. Chỉ cần biết mình có cái quyền lực tượng trưng này - cái quyền lực đã khiến ông hoàn toàn tự hào và tự trọng, đã cho ông sức mạnh và bền bỉ, đã che chở ông được vô sự hơn cả cảnh giác, súng ống hay kính chống đạn - mà ông Jonathan Noel đã đứng canh gác trên những bậc thềm trước ngân hàng này đến nay đã ba mươi năm, không sợ sệt, không hoang mang hay bợn chút bất mãn nào, mặt mũi ông không chút khó đăm đăm, cho tới ngày hôm nay.
Nhưng cái ngày hôm nay lại khác hẳn. Hôm nay ông Jonathan tuyệt nhiên không đạt được sự bình thản của con Sphinx. Chỉ mới vài phút thôi mà ông đã cảm thấy sức nặng của toàn thân đè đau cả lòng bàn chân, ông phải nghiêng người để chuyển trọng lượng từ chân này sang chân kia và ngược lại khiến ông hơi bị loạng choạng, phải nhích sang bên cạnh vài bước để cho trọng tâm thân người - từ trước đến nay thế đứng của ông luôn luôn rất mẫu mực - không làm ông mất thăng bằng. Rồi bỗng dưng đùi, hai bên sườn và gáy ông ngứa ngáy. Một lát sau ngứa ở trán, như đôi khi bị khô nẻ trong mùa đông, nhưng trời đang nóng mà, nóng quá sức tuy mới chín giờ mười lăm, trán ông đẫm mồ hôi như thể đã gần mười một giờ rưỡi... ngứa ở tay, ngực, lưng, ngứa từ đùi xuống, ngứa khắp nơi, chỗ nào có da là chỗ ấy ngứa, ông chỉ muốn gãi, thèm được gãi thả cửa, nhưng một nhân viên bảo vệ gãi công khai trước bàn dân thiên hạ thì đâu có được! Thế là ông bèn hít hơi thật sâu, ưỡn ngực như thể kênh kiệu, cong người, thẳng lưng, vai nhô lên hạ xuống, bằng cách này ông cạ người vào áo cho bớt ngứa. Vặn vẹo và giật giật người trái khoáy như thế khiến ông thêm loạng choạng, chẳng bao lâu những cái nhích chân sang bên cạnh không đủ để giữ thăng bằng nữa, ông Jonathan buộc phải bỏ lối đứng quen thuộc như pho tượng trước cả khi xe của Monsieur Roedel tới vào lúc gần chín giờ rưỡi, đổi sang kiểu đi tới lui tuần tra, bảy bước sang trái, bảy bước sang phải. Vừa đi ông vừa cố dán mắt vào đường gờ của bậc cẩm thạch thứ hai, như thể đẩy một chiếc xe goòng trên đường ray, để - qua cái hình ảnh đơn điệu, nhỏ giọt, lúc nào cũng như nhau của đường gờ bậc cẩm thạch kia - tạo trong lòng mình sự thản nhiên của con Sphinx mà ông khát khao, giúp ông quên đi sức nặng của tấm thân, quên sự ngứa ngáy của da và nhất là cái sự trật khớp khác thường giữa tâm hồn và thể xác. Nhưng không ăn thua. Cái xe goòng không ngớt trật đường ray. Cứ sau mỗi chớp mắt là mắt ông lại từ cái đường gờ khốn kiếp kia nhảy sang một vật khác: mảnh giấy báo trên lề đường, bàn chân đi vớ xanh, lưng một người đàn bà, cái giỏ đi chợ đựng bánh mì, cái tay cầm của cửa kính chống đạn phía ngoài, hình quả trám đỏ rực của bảng hiệu thuốc lá ở quán cà phê bên kia đường, cái xe đạp, cái mũ cói, một khuôn mặt... Mà ông chẳng bám chặt được vào vật nào làm điểm qui chiếu, giúp ông có một chỗ tựa và định hướng. Mới vừa tập trung vào cái mũ cói ở bên phải thì một chiếc xe buýt đã lôi kéo mắt ông quay sang phía trái, để rồi sau vài mét nhường lại cho một cái xe thể thao màu trắng, cái xe này lại kéo ông sang phải, cái mũ cói - trong lúc đó - đã biến mất, mắt ông tìm hoài công trong bao khách bộ hành, trong bao cái mũ, dừng lại ở một đóa hoa hồng đong đưa trên một cái mũ khác, quay đi, cuối cùng trở lại cái gờ bậc thềm, nhưng vẫn không yên chỗ được, lại không ngừng lang thang, từ điểm này sang điểm khác, từ vệt này sang vệt khác, từ đường này sang đường khác... Dường như trong không trung có một luồng khí nóng đang chuyển động như ở những chiều tháng Bảy oi bức nhất. Không khí, như tấm màng trong suốt, rung rinh trước mọi vật. Đường nét của nhà cửa, của mái, của nóc sáng chói, đồng thời mờ ảo như thể bị xơ. Đường gờ rãnh nước và các khe giữa những vuông gạch trên vỉa hè - mọi khi như được kẻ bằng thước - xiên xẹo thành những đường cong chói lọi. Các bà các cô hôm nay như đều mặc quần áo màu sáng rực rỡ, như lửa rực cháy, khiến mắt ông buộc phải nhìn nhưng không nhìn lâu được. Không còn gì rõ nét cả. Không còn gì rõ ràng để chú mục vào. Tất cả đều chập chờn.
Tại mắt mình, ông Jonathan nghĩ. Bỗng dưng mình bị cận thị. Mình cần phải đeo kính. Hồi nhỏ ông đã từng phải đeo kính rồi, nhẹ thôi, trừ không phẩy bảy mươi lăm độ, mắt phải lẫn mắt trái. Thật là lạ lùng khi bây giờ, đã lớn tuổi, ông lại bị cận. Khi lớn tuổi người ta bị viễn thị, ông đã đọc trong sách, và giảm cận thị - nếu có - mới đúng. Có lẽ ông không bị chứng cận thị bình thường mà bị gì khác: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, bong màng mắt, ung thư mắt, não có khối u đè lên thần kinh thị giác... mà không thể chỉ chữa bằng kính là đủ.
Ông quá bận tâm với cái ý nghĩ khủng khiếp này nên tiếng còi xe bấm đến lần thứ hai vẫn chưa thật len được vào ý thức của ông. Phải tới lần thứ tư hay thứ năm - lần này bấm kéo dài - ông mới nghe thấy, mới phản ứng, mới ngẩng đầu: thì kia, đúng là chiếc xe đen của Monsieur Roedel đậu trước cái cổng chắn! Tài xế lại bóp còi, vẫy tay nữa, như thể đã chờ trước cổng chắn nhiều phút rồi. Xe của Monsieur Roedel! Đã lần nào ông không nhận ra kịp khi nó tới chưa nhỉ? Bình thường ông không cần phải nhìn nữa kia, qua tiếng máy kêu vo vo là ông đã biết rồi; khi xe của Monsieur Roedel tới gần thì dù có đang ngủ ông cũng tỉnh ngay dậy như một con chó.
Không phải ông bước vội mà là lao tới - tí nữa thì ông ngã vì hấp tấp - mở cổng, kéo chắn rồi đứng nghiêm chào, xe qua mà ông cảm thấy tim đập như trống, còn bàn tay đưa lên vành mũ run run.
Người ông đầm đìa mồ hôi sau khi đã đóng cổng và quay lại cửa chính. “Mi đã không nhận ra xe của Monsieur Roedel”, ông lẩm bẩm bâng quơ với giọng run run vì tuyệt vọng và lập lại như không thể nào tin nổi: “Mi đã không kịp nhận ra xe của Monsieur Roedel... mi đã không kịp nhận ra, mi không được việc nữa, mi đã xao lãng tệ hại nhiệm vụ của mình, mi không chỉ mù mà còn điếc, mi lão nhược rồi, không làm bảo vệ được nữa.”
Về tới bậc thềm cẩm thạch dưới cùng, ông khó nhọc leo lên và cố đứng cho đúng tư thế. Nhưng ông nhận ra ngay rằng mình làm không được. Vai ông không chịu thẳng, tay cứ đung đưa ở đường may dọc ống quần. Ông biết lúc này mình trông khôi hài lắm nhưng không làm gì được. Ông nhìn xuống vỉa hè, nhìn đường, nhìn quán cà phê đối diện, lòng âm thầm tuyệt vọng. Không khí đã hết rung rinh. Mọi thứ lại đâu vào đấy, đường thẳng ra đường thẳng, thế giới hiện rõ ràng trước mắt ông. Ông nghe tiếng xe cộ ồn ào, tiếng cửa xe buýt đóng mở, tiếng người chạy bàn trong quán cà phê gọi, tiếng giày cao gót của các bà. Cả thị lực lẫn thính giác của ông chẳng mảy may suy suyển. Nhưng trán ông cứ ròng ròng mồ hôi. Ông thấy mình không còn sức lực nữa. Ông quay người, leo lên bậc thứ hai, leo lên bậc thứ ba rồi đứng trong bóng râm, sát cái cột cạnh cửa kính chống đạn bên ngoài. Ông chắp tay sau lưng cho chạm vào cái cột. Rồi ông gượng nhẹ ngả người ra sau, tựa vào hai bàn tay và cái cột, lần đầu tiên trong suốt ba mươi năm làm việc. Ông nhắm mắt lại vài giây. Ông quá xấu hổ.
°
Vào giờ nghỉ trưa ông lấy hòm, măng tô, dù ở tủ treo quần áo rồi đi tới Rue Saint-Placide gần đó, nơi đây có một khách sạn nhỏ mà khách trọ chủ yếu là sinh viên và dân lao động ngoại quốc. Ông muốn thuê căn phòng nào rẻ nhất, người ta có một phòng cho ông với giá năm mươi lăm franc, ông lấy ngay không cần xem phòng, trả tiền trước và giao hành lý cho quầy tiếp khách. Ông mua ở một ki-ôt hai cái bánh nho xoắn hình ốc và một bịch sữa rồi đi sang bên Square Boucicaut, cái công viên nhỏ nằm trước siêu thị Bon Marché. Ông chọn một ghế dài dưới bóng râm ngồi ăn.
Cách ông hai cái ghế có một gã sống lang thang đang ngồi. Hắn kẹp một chai vang trắng giữa hai đùi, tay cầm nửa ổ bánh mì dài, một túi cá mòi xông khói đặt bên cạnh. Hắn nắm đuôi từng con cá lôi ra, cắn bỏ đầu rồi tọng hết vào miệng. Sau đó là một miếng bánh mì, rồi một ngụm vang lớn và một tiếng rên thống khoái. Ông Jonathan biết hắn. Mùa đông hắn chuyên môn ngồi trước cửa giao hàng của cửa hàng này, ở tấm vỉ phía trên lò sưởi, còn mùa hè hắn ngồi trước các cửa hàng quần áo thời trang trên Rue de Sèvres hay trước cửa Phòng du lịch hoặc cạnh Bưu điện. Hắn sống ở khu này hàng chục năm rồi, cũng lâu như ông vậy. Ông nhớ lại hồi đó, ba mươi năm trước, trong lòng ông trào lên ghen tức khi gặp hắn lần đầu tiên, ông ganh tị với cách sống bất cần của con người này. Trong khi ngày ngày ông phải có mặt ở nhiệm sở đúng chín giờ sáng thì thường là mười giờ hay mười một giờ hắn mới ló mặt; trong khi ông phải đứng nghiêm thì hắn thoải mái nằm ngồi trên đống cạc-tông, lại còn hút thuốc nữa chứ; trong khi ông từng giờ, từng ngày, năm này sang năm khác đem tính mạng ra canh gác ngân hàng, cay chua kiếm miếng ăn thì hắn chẳng làm gì khác hơn là trông cậy vào lòng thương hại và sự cưu mang của đồng loại, những người bỏ tiền vào mũ cho hắn. Và hắn chưa bao giờ tỏ vẻ kém vui, ngay cả khi chẳng được xu nào vào mũ, chưa bao giờ tỏ vẻ đau khổ, lo lắng hay dẫu chỉ ngán ngẩm thôi. Lúc nào hắn cũng lộ vẻ tự tin và tự mãn một cách đáng ghét, phô trương ánh hào quang của tự do một cách trêu ngươi.
Nhưng rồi một lần vào mùa thu giữa thập niên sáu mươi, khi ông đến Bưu điện ở Rue Dupin thì tí nữa vấp phải chai rượu vang để trên đống cạc-tông ngay trước cửa, giữa những túi ni-lông và cái mũ mà ai cũng biết với dăm ba đồng tiền trong ấy, rồi khi ông tự dưng ngó quanh tìm gã bụi đời này - không phải vì ông thấy thiếu vắng hắn, mà vì trong bức tranh tĩnh vật có chai, túi và cạc-tông thiếu mất nhân vật chính... - thì thấy hắn ngồi xổm giữa hai cái xe đậu bên kia đường, giải quyết nhu cầu cấp bách: hắn ngồi xổm cạnh rãnh thoát nước, quần tụt xuống tận khoeo, mông hắn quay về hướng ông Jonathan, hoàn toàn trần trụi, bộ hành qua lại ai cũng có thể trông thấy một cái mông trắng như bột, đầy những vết thâm hay đóng vảy màu đỏ, trông thảm hại như mông một ông lão nằm liệt giường, trong khi hắn không lớn tuổi hơn ông, khoảng ba mươi, cùng lắm ba mươi lăm thôi. Từ cái mông thảm hại kia tuôn vừa nhiều vừa mạnh xuống lòng đường trải đá một luồng chất lỏng màu nâu, sệt, đọng thành vũng, thành ao quanh giày hắn; cái thứ tuôn ra và bắn lên này làm dơ hết giày vớ, chân cẳng, quần, áo, bẩn hết mọi thứ...
Cảnh tượng này vừa khốn khổ, vừa ghê tởm, vừa kinh hoàng khiến đến mãi hôm nay chỉ cần nhớ lại là ông Jonathan vẫn còn rùng mình. Hồi đó ông chạy thục mạng vào Bưu điện sau một lúc sững người vì kinh hoàng, ông trả tiền điện, mua thêm cả tem dù không cần đến mà chỉ để nán lại lâu hơn và được yên bụng rằng khi rời Bưu điện sẽ không còn gặp phải gã lang thang ngồi giải quyết chuyện bụng dạ nữa. Khi trở ra ông nheo mắt lại, cúi xuống và nhất quyết không ngó sang bên kia đường mà chỉ nhìn về phía tay trái, lên phía Rue Dupin, ông rẽ trái, chạy vào đó tuy chẳng có việc gì ở đây cả, mà chỉ để khỏi phải đi qua cái chỗ có chai rượu vang, thùng cạc-tông và cái mũ, rồi ông đành chịu đi vòng khá xa, qua Rue du Cherche-Midi và Boulevard Raspail trước khi tới Rue de la Planche và nơi trú ẩn an toàn là căn phòng của mình.
Từ lúc đó trở đi mọi ganh tị với gã lang thang biến sạch khỏi đầu ông. Nếu tới nay thỉnh thoảng lòng ông vẫn còn chút hoài nghi rằng việc một người đứng một phần ba đời mình trước cổng ngân hàng, thỉnh thoảng lại mở cổng chắn và đứng nghiêm chào trước xe của ông giám đốc, lúc nào cũng bấy nhiêu việc, phép năm ít, lương thấp mà phần lớn lại biến mất tiêu dưới dạng thuế lợi tức, tiền thuê nhà và các thứ bảo hiểm xã hội... như thế có ý nghĩa gì không, thì giờ đây câu trả lời - với cái hình ảnh đáng sợ trên Rue Dupin rành rành trước mắt - là: có. Thậm chí nó rất có ý nghĩa vì đã tránh cho ông khỏi phải phơi bừa mông và bậy ra đường. Còn gì khốn khổ hơn phải phơi bừa mông và bậy ra đường? Còn gì hèn hạ hơn là phải tụt quần ngồi chồm hổm với sự trần truồng đáng ghét? Còn gì bất lực và nhục nhã hơn là bị bó buộc phải giải quyết nhu cầu trước bàn dân thiên hạ? Mót! Chỉ tên gọi thôi đã nói lên sự hành hạ rồi. Như mọi chuyện bắt buộc phải làm, để có thể chịu đựng được thì cái việc kia đòi hỏi sự vắng mặt tuyệt đối của người khác... hoặc giả ít ra là có vẻ như vắng mặt: một cánh rừng khi đang ở vùng quê, một bụi cây khi bị mót giữa đồng trống, hay ít ra cũng là một luống cầy hay ánh chiều tà, nếu không có những cái này thì cần một sườn dốc có thể nhìn được chung quanh cả cây số mà không ai được phép ló mặt. Còn trong thành phố nhung nhúc những người, không bao giờ thật tối và ngay cả một bãi đất bỏ hoang cũng không đủ bảo đảm trước những cái nhìn soi mói thì sao? Trong thành phố thì không có gì giúp xa cách con người hơn là một cái buồng có khóa và móc cho tốt. Không có nó, cái nơi an toàn nhất để giải quyết chuyện mót, thì anh là người khốn khổ và đáng thương nhất thiên hạ, có tự do cũng chẳng làm gì. Ít tiền ông vẫn có thể sống được. Ông có thể hình dung được mình khoác một cái áo vét sờn tã, một cái quần rách nát. Bí lắm, ông vận dụng hết trí tưởng tượng thơ mộng, mình vẫn có thể ngủ trên một góc cạc-tông, giới hạn cái giang sơn riêng tư của mình vào một góc nhà nào đó, một tấm vỉ trên lò sưởi, một chiếu nghỉ ở trạm xe điện ngầm. Nhưng nếu ở trong một thành phố lớn mà khi đi tiêu không thể đóng cửa lại sau lưng - dù chỉ là cửa nhà xí chung cho cả tầng - khi mà anh bị tước mất thứ tự do quan trọng nhất này, đó là tự do khi mót được rút lui trước người khác, thì mọi thứ tự do khác đều chẳng có giá trị gì. Như thế cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Như thế thà chết còn hơn.
Khi ông Jonathan đi tới nhận thức rằng cái chính yếu trong tự do của con người nằm ở chỗ có được cái nhà xí chung cho cả tầng và mình có được thứ tự do cốt tử này thì ông hả dạ quá. Phải, cái cách ông xây dựng cuộc sống của mình quả là đúng đắn! Cuộc đời ông hoàn toàn hạnh phúc. Không có gì, thật hoàn toàn không có gì để ân hận hay ganh tị với người khác.
Từ giờ phút này trở đi ông sẽ đứng trước cửa ngân hàng như trên đôi chân cứng cáp hơn. Ông sẽ đứng đó như được đúc từ quặng. Sự tự mãn và tự tin vững chắc - mà đến nay ông ngỡ là một với con người gã lang thang - giờ đây chảy vào chính con người ông như kim loại lỏng, đông cứng lại bên trong thành cái áo giáp, làm cho ông nặng hơn. Từ nay chẳng còn gì làm ông rúng động, không một hoài nghi nào làm ông lung lay nổi nữa. Ông đã đạt được sự bình thản như con Sphinx. Đối với gã bụi đời - nếu ông gặp hay thấy hắn ngồi bất cứ đâu - ông chỉ còn thấy cái cảm giác thường được gọi là lòng khoan dung: một cảm giác lẫn lộn giữa kinh tởm, khinh bỉ và tội nghiệp, không có gì nồng thắm. Hắn không còn làm ông bực bội nữa. Ông chẳng thèm đếm xỉa đến hắn.
Ông không thèm đếm xỉa đến hắn cho tới ngày hôm nay, khi ông ngồi ăn bánh nho xoắn hình ốc trên Square Boucicaut và uống sữa đựng trong bịch. Bình thường thì ông về nhà trong giờ nghỉ trưa. Ông ở cách đây có năm phút thôi. Bình thường thì ở nhà ông nấu chút gì nóng trên bếp lò, trứng tráng xuông hay tráng với giăm-bông, mì sợi với pho-mát xát vụn, súp còn lại của hôm trước với xà lát và một tách cà phê. Đã lâu lắm rồi ông mới lại ngồi trên ghế công viên ăn bánh nho xoắn hình ốc và uống sữa đựng trong bịch. Đúng ra ông không ưa ngọt lắm. Sữa cũng thế. Nhưng vì hôm nay ông đã trả năm mươi lăm franc tiền phòng cho khách sạn rồi, thành ra ông thấy sẽ là phí phạm nếu vào quán cà phê, gọi món trứng tráng, xà lát và bia.
Gã lang thang trên ghế đằng kia đã ăn xong. Ngoài cá mòi và bánh mì ra hắn còn xơi cả pho-mát, lê và bánh bích qui, làm một ngụm to rượu vang, thở một hơi dài cực kỳ thỏa mãn rồi cuộn áo vét làm gối, ngả đầu, duỗi dài tấm thân lười biếng, no nê trên ghế, nghỉ trưa. Bây giờ thì hắn ngủ rồi. Bầy chim sẻ nhảy đến mổ vụn bánh mì; theo đuôi lũ chim sẻ, mấy con chim bồ câu khệnh khạng lại gần ghế, đưa mỏ đen mổ những đầu cá mòi bị cắn bỏ đi. Gã lang thang mặc kệ lũ chim. Hắn cứ say một giấc an lành.
Ông Jonathan ngắm nhìn hắn. Rồi qua nhìn hắn mà ông cảm thấy bứt rứt lạ thường. Sự bứt rứt này không phải vì ganh tị như trước kia mà do ngạc nhiên: làm sao mà - ông tự hỏi - con người này vẫn còn sống với cái tuổi ngoài năm mươi? Chẳng lẽ lối sống hoàn toàn vô trách nhiệm của hắn không làm hắn chết từ lâu rồi ư vì đói, chết cóng, tàn đời vì bệnh xơ gan? Chẳng những không chết, hắn lại còn ăn nhậu ngon lành không ai bằng, ngủ say sưa; trong cái quần vá - dĩ nhiên đâu phải là cái quần hắn đã tụt ra ở Rue Dupin năm nào, mà là một cái quần nhung kẻ tương đối bảnh bao, khá hợp thời trang, tất nhiên đã vá chỗ này chỗ nọ - và cái áo khoác bằng vải bông hắn hoàn toàn ra dáng một con người chững chạc, sống hòa đồng với ngoại vật và biết hưởng đời... trong khi ông - sự ngạc nhiên của ông dần tăng thành một thứ hoang mang - trong khi ông suốt đời ngay thẳng và đàng hoàng, giản dị, gần như khổ hạnh, sạch sẽ, thường xuyên đúng giờ, dễ bảo, đáng tin cậy, tề chỉnh... mỗi xu có được đều tự mình làm ra, tiền điện, tiền nhà, tiền quà Giáng sinh cho bà quản gia... mọi thứ đều luôn luôn được trả bằng tiền mặt, không khi nào thiếu nợ, không bao giờ làm phiền ai, chưa một lần đau ốm và sống nhờ vào tiền bảo hiểm xã hội... chưa từng làm hại ai bất cứ điều gì, trong đời chưa bao giờ muốn gì khác hơn là có và giữ được sự thảnh thơi khiêm nhường, nhỏ bé của mình... trong khi ông rơi tõm vào một cuộc khủng hoảng vào năm năm mươi ba tuổi, làm đảo lộn những toan tính rất chi li cho cuộc đời ông, khiến ông hoang mang, rối loạn và vì hoang mang lẫn sợ hãi mà ông phải ăn bánh nho xoắn hình ốc. Phải, ông sợ! Đúng thế, chỉ cần nhìn cái tay lang thang đang nằm ngủ kia là ông thấy run rẩy và sợ hãi: bỗng dưng ông khiếp sợ sẽ phải trở thành như cái con người tàn tạ nằm trên ghế kia. Người ta có thể trở nên nghèo hèn và tàn tạ nhanh biết mấy! Cái nền móng có vẻ như vững chãi của cuộc đời mình vụn nát mấy hồi! “Mi đã không kịp nhận ra xe của Monsieur Roedel”, câu này lại vụt hiện ra trong đầu ông. “Cái điều chưa từng và lẽ ra không bao giờ được phép xảy ra lại đã xảy ra ngày hôm nay: mi đã không kịp nhận ra chiếc xe. Một khi hôm nay mi đã không kịp nhận ra chiếc xe thì ngày mai có thể mi bê trễ việc canh gác, hay là đánh mất chìa khóa cổng và tháng sau mi sẽ bị sa thải một cách nhục nhã, và mi sẽ không tìm được việc mới vì ai thèm thuê một kẻ vô tích sự? Không ai sống nổi với tiền trợ cấp thất nghiệp, cho tới ngày đó thì căn phòng của mi đàng nào cũng mất rồi vì một con chim bồ câu ở trong đó, cả một gia đình bồ câu ở, vãi bẩn và làm căn phòng của mi thành ra tan hoang, tiền khách sạn cao không tính xuể, mi sẽ uống rượu vì lo lắng, cứ mãi say sưa thêm, uống sạch hết số tiền tiết kiệm, thành ra nghiện rượu vô phương cứu chữa, mi sẽ bị bệnh, tàn tạ, người đầy chấy rận, sẽ bị tống cổ ra khỏi nhà trọ rẻ tiền cuối cùng, không còn một xu dính túi, hết sạch, mi sẽ đứng đường, ngủ và sống trên đường, phóng uế ra đường, đời mi thế là hết, Jonathan ạ, mi sẽ tàn đời mà không cần phải đợi tới cuối năm đâu, sẽ thành một tay lang thang, áo quần rách mướp nằm trên ghế công viên như người anh em tàn tạ kia của mi!”
Ông khô cả cổ. Ông quay mắt khỏi người đàn ông như mang điềm gở đang nằm ngủ kia, cố nuốt mẩu bánh nho xoắn hình ốc cuối cùng. Phải nói là kéo dài vô tận cho đến khi mẩu bánh vào trong dạ dày, nó lề mề bò trong thực quản với sự chậm chạp của một con ốc, đôi khi có vẻ như khựng lại, ép đau nhói như đinh đâm vào ngực và ông Jonathan có cảm tưởng phải chết ngạt vì cái miếng bánh kinh tởm này. Nhưng mà nó tuột dần xuống, một chút, rồi lại một chút, cuối cùng xuống tới nơi và cơn đau thắt kia biến mất. Ông Jonathan hít một hơi dài. Bây giờ ông muốn đi. Ông không muốn ngồi ở đây lâu thêm, dù còn nửa tiếng nữa mới hết giờ nghỉ trưa. Đủ rồi. Nơi này làm ông mất vui. Ông lấy lưng bàn tay phủi chút mảnh vụn bánh nho xoắn hình ốc vãi trên quần dù ông đã rất cẩn thận khi ăn, nắn ngay ngắn vết li, đứng lên đi thẳng, không nhìn tay lang thang kia thêm lần nào nữa.
Tới Rue de Sèvres thì ông sực nhớ đã để bịch sữa không trên ghế công viên và thấy áy náy vì ông không thích ai xả rác trên ghế hay vứt bừa trên đường thay vì bỏ đúng chỗ của nó, nghĩa là vào các thùng rác để khắp nơi. Ông chưa từng xả rác bừa bãi hay bỏ trên ghế công viên, chưa hề, dù do cẩu thả hay vì quên, chuyện như thế không thể xảy ra với ông được... cho nên hôm nay ông lại càng không muốn thế, đặc biệt hôm nay, vào cái ngày rắc rối đã xảy ra lắm chuyện không hay này. Hôm nay ông đã bê bối rồi, xử sự như một thằng điên, như một gã loạn trí, chẳng khác một kẻ sống bên lề xã hội: không nhận ra kịp xe của Monsieur Roedel này, bữa trưa đã ăn bánh nho xoắn hình ốc trong công viên này! Nếu bây giờ ông không để ý, nhất là trong những việc nhỏ nhặt, và không triệt để chống lại những chuyện cẩu thả tưởng chừng không đáng kể như chuyện bịch sữa thì chẳng bao lâu nữa ông sẽ buông trôi hết mọi chuyện và sẽ chẳng có gì giữ nổi cho cuộc đời ông không tàn trong khốn khổ.
Thế là ông quay trở lại công viên. Ngay từ xa đã thấy cái ghế dài mình ngồi hồi nãy vẫn còn trống, lại gần ông thấy nhẹ nhõm khi nhận ra bịch sữa bằng giấy cứng màu trắng qua khe những thanh gỗ của lưng ghế sơn màu xanh lục. Hẳn là chưa ai thấy sự sơ ý của ông, ông có thể thanh toán cái lỗi lầm không tha thứ được kia. Ông bước lại sau lưng ghế, cúi người, vói tay trái qua cầm bịch sữa, rồi vừa đứng thẳng người vừa quay phắt sang phía tay phải, đại khái là hướng mà ông biết có sọt rác gần nhất và thế là ông cảm thấy ở quần mình một sức kéo nghiêng xuống thình lình và rất mạnh mà ông không thể nào hạ người xuống theo được nữa vì nó xảy ra đột ngột và vì ông đang ở giữa một động tác theo chiều ngược lại: vừa đứng lên vừa xoay người. Đồng thời nghe ‘xoạc’ một tiếng to thật đáng ghét và ông cảm thấy gió phớt trên da đùi trái, cho thấy gió từ ngoài thổi vào mà không bị cản trở. Ông kinh hoàng mất một lúc đến nỗi không dám cúi nhìn. Cả cái tiếng ‘xoạc’ kia - vẫn còn vang trong tai ông - ông cũng thấy lớn làm sao, như thể không phải chỉ quần ông bị rách đâu đó mà vết toạc còn xẻ ngang cả người ông, xẻ ngang cái ghế dài, xẻ ngang cả công viên như mặt đất nứt toang hoác sau một trận động đất và hết thẩy mọi người quanh đó đều phải nghe thấy cái tiếng ‘xoạc’ đáng sợ kia để giờ đây họ căm giận nhìn ông như nhìn thủ phạm. Nhưng không ai nhìn ông cả. Các bà lão vẫn tiếp tục đan, các ông già vẫn tiếp tục đọc báo, vài đứa trẻ đang ở trong cái công viên nhỏ bé này tiếp tục chơi trò cầu tuột và con người lang thang kia vẫn ngủ. Ông Jonathan từ từ nhìn xuống. Vết toạc dài chừng mười hai phân, từ mép dưới túi quần bên trái - do móc phải một con ốc lòi ra của cái ghế khi ông xoay người - xuống dưới đùi, nhưng không gọn ghẽ theo đường may mà cắt vào lớp vải Gabardin đẹp đẽ của cái quần dành cho nhân viên bảo vệ, rồi lại cắt ngang một góc chín mươi độ về phía vết li bằng khoảng hai ngón tay cái kẹp lại, thành ra lớp vải không chỉ toạc một đường kín đáo mà rành rành cả một cái lỗ với miếng vải phất phơ như lá cờ đuôi nheo tí tẹo.
Ông Jonathan như cảm thấy rất rõ ràng chất Adrenalin ào ào trong máu mình, cái chất kích thích - như ông đã có lần đọc được - do tuyến thượng thận tiết ra trong những giây phút cơ thể gặp tình huống cực kỳ hiểm nghèo hay tinh thần bị áp chế, khiến cơ thể thu được hết mọi sức lực còn lại để tháo chạy hay chiến đấu một sống một chết. Mà đúng là ông cảm thấy như mình bị trúng thương. Ông thấy như không chỉ cái quần rách mà chính da thịt mình bị một vết thương dài mười hai phân, từ vết thương này máu, sức sống của ông - vẫn tuần hoàn một vòng khép kín trong người - tuôn ra và ông sẽ phải chết vì vết thương này nếu ông không làm cho nó khép lại ngay được. Nhưng cũng chính cái chất Adrenalin này làm ông - nghĩ rằng mình chết vì hết máu - sống lại một cách diệu kỳ. Tim ông đập mạnh, ông bạo hẳn lên, thoắt một cái đầu óc ông sáng ra và hướng vào một việc: “Mi phải làm ngay chút gì đi chứ”, cái chất kia réo gọi, “mi phải tức khắc tìm cách bịt cái lỗ rách này, nếu không là đời mi tiêu!” Vừa mới tự hỏi mình có thể làm gì thì ông đã có ngay câu trả lời - cái chất Adrenalin, thứ ma túy tuyệt diệu, tác dụng nhanh đến thế cơ đấy, nỗi sợ hãi chắp cánh cho đầu óc và nghị lực như thế đấy. Tức thì tay phải ông chụp bịch sữa vẫn đang cầm trong tay trái, bóp bẹp, ném bừa đâu đó, trên thảm cỏ hay lối đi trải cát ông chẳng cần để ý tới. Ông áp bàn tay trái - giờ không còn cầm gì nữa - vào chỗ rách trên đùi rồi phóng bừa đi, cố giữ chân trái ngay đơ để bàn tay khỏi trượt, tay phải vung loạn lên, bước giật giật như người cà nhắc, ông chạy ra khỏi công viên lên Rue de Sèvres vì chỉ còn chưa đầy nửa giờ nghỉ nữa thôi.
Ở khu thực phẩm của siêu thị Bon Marché, góc Rue du Bac, có một bà thợ may. Ông cũng mới thấy có vài ngày nay thôi. Bà ngồi ngay phía trước, gần cửa ra vào, chỗ để xe đẩy [20]. Bà gắn ở máy may một tấm biển, ông vẫn còn nhớ rất rõ, viết như sau: Jeannine Topell - vá, sửa - cẩn thận và nhanh. Có thể bà sẽ giúp được ông. Bà nhất định sẽ giúp ông - nếu như bà không đang nghỉ trưa. Nhưng mà bà sẽ không có ở đó vào giờ nghỉ trưa, không, không, nếu thế thì thật là xui. Lẽ nào mà trong một ngày ông gặp nhiều chuyện xui xẻo đến thế. Không thể nào vào lúc này được. Không thể được khi mà ông quá sức kẹt. Khi bĩ cực thì người ta sẽ gặp may, sẽ được trợ giúp. Madame Topell hẳn phải có ở đó và hẳn sẽ giúp ông.
Madame Topell có ở đó thật! Từ lối vào khu thực phẩm ông đã thấy bà ngồi may ở cái máy may. Quả thế thật, Madame Topell tin cậy được, ngay cả giờ nghỉ trưa bà cũng làm việc, cẩn thận và nhanh. Ông chạy lại phía bà, đứng cạnh máy may, nhấc tay khỏi đùi, liếc nhanh đồng hồ tay, hai giờ năm phút, ông hắng giọng: “Madame!”
Madame Topell may nốt nếp gấp của một cái váy đỏ đang làm, rồi tắt máy, đẩy ổ kim lên để kéo lớp vải ra và cắt chỉ. Rồi bà ngẩng nhìn ông Jonathan. Bà đeo một cặp mắt kính rất bự, khung dầy bằng xà cừ, tròng kính rõ lồi khiến mắt bà trông to kềnh, còn hốc mắt thành hai cái hồ con tối và sâu hoắm. Tóc bà nâu màu hạt dẻ, xoã ngang vai, môi tô son màu tím bạc. Tuổi bà có lẽ trạc gần năm mươi, có thể năm lăm, bà có cung cách của các mệnh phụ nhìn quả cầu kính hay các quân bài đoán vận mệnh, cung cách của những mệnh phụ đã khá hết thời và cái từ ‘mệnh phụ’ thật ra không còn hợp nữa nhưng dẫu sao người ta vẫn có ngay sự tin cậy. Cả những ngón tay ngắn trông như khúc dồi, móng sơn màu tím bạc của bà - bà dùng ngón tay đẩy kính lên trên mũi một chút để có thể nhìn ông Jonathan rõ hơn - vẫn được săn sóc tuy phải may vá nhiều nên khá thanh, toát ra sự đáng tin cậy. “Ông cần gì ạ?”, Madame Topell hỏi với giọng hơi khàn.
Ông Jonathan quay ngang người về phía bà, chỉ vào chỗ rách trên quần, hỏi: “Bà vá được chứ ạ?” Rồi thấy câu hỏi của mình xem ra cộc lốc quá, có thể làm lộ trạng thái hồi hộp do chất Adrenalin gây ra, ông bèn vớt vát bằng cách cố lấy giọng thản nhiên nói thêm như chẳng có gì quan trọng: “Một cái lỗ, một vết xoạc nhỏ... thưa bà, một sự vô ý đáng tiếc. Có thể làm được chút gì không ạ?”
Madame Topell lướt đôi mắt to tướng nhìn ông Jonathan từ trên xuống, thấy cái lỗ ở đùi ông nên bà cúi tới trước để nhìn cho kỹ. Mái tóc mịn màu hạt dẻ của bà tách ra, để lộ một cái gáy ngắn, trắng, đầy đặn, đồng thời từ người bà bốc lên một mùi thơm nồng nàn làm mê mẩn khiến ông Jonathan tự dưng phải ngả đầu ra sau, mắt quay phắt từ vùng gáy bà tới góc xa xôi trong siêu thị; trong một thoáng ông nhìn thấy tất cả căn phòng trước mặt mình với những kệ, những tủ hàng đông lạnh, quầy pho-mát và dồi, những bàn bầy hàng giá khuyến mãi, những chai lọ xếp thành hình kim tự tháp, những núi rau quả, xen vào giữa là những khách hàng đang ngơ ngác như lạc đường, vừa đẩy xe vừa kéo theo con nhỏ, những người đứng bán, người bốc xếp trong kho, các bà đứng két - nghĩa là một đám đông ồn ào hối hả, còn ông đứng ngoài rìa, bêu cái quần rách trước bao cặp mắt... Và một ý nghĩ nhoáng qua trong đầu ông rằng trong đám người kia biết đâu chẳng có Monsieur Vilman, Madame Roques hay thậm chí Monsieur Roedel, họ đang chăm chú ngó ông để cho một mệnh phụ tương đối đã hết thời có mái tóc màu hạt dẻ công khai nhìn kỹ vào một chỗ không tiện bầy ra của cơ thể. Ông lại càng thêm nhột nhạt đôi chút nữa chứ, thật đấy, nhất là khi cảm thấy một trong những ngón tay như khúc dồi của Madame Topell trên da đùi, lật lên lật xuống miếng vải rách như lá cờ đuôi nheo...
Madame Topell ngẩng lên khỏi đùi ông, ngả người vào ghế, luồng nước hoa xộc thẳng vào ông bị cắt đứt, thành ra ông Jonathan lại có thể cúi đầu và kéo đôi mắt từ căn phòng rộng như một mê hồn trận về, hướng vào nơi gần gũi gợi lòng tin cậy ở cặp kính to, lồi của Madame Topell.
“Sao hở bà?” ông hỏi, rồi lập lại: “Sao hở bà?” với cái vẻ sốt ruột và lo lắng, như thể ông là bệnh nhân đứng trước bà bác sĩ và sợ phải nghe một sự chẩn đoán làm tiêu tan mọi hy vọng.
“Dễ thôi”, Madame Topell đáp. “Chỉ cần độn chút ít. Nhưng sẽ thấy một đường may nhỏ. Không thể khác được.”
“Cái đó không sao cả”, ông Jonathan nói, “một đường may nhỏ chẳng nhằm nhò gì, ai mà ngó vào cái chỗ khuất đó làm gì?” Rồi ông nhìn đồng hồ tay, hai giờ mười bốn phút. “Nghĩa là bà vá được? Bà giúp được tôi?”
“Dạ, được chứ”, Madame Topell đáp rồi đẩy kính lên vì nó trễ xuống khi bà xem xét chỗ rách.
“Ồ, xin cám ơn Madame”, ông Jonathan nói, “rất cám ơn bà. Bà cứu tôi khỏi một hoàn cảnh thật rất khó xử. Giờ tôi chỉ còn một yêu cầu nữa thôi: bà có thể... bà vui lòng - ấy vì tôi đang vội, tôi chỉ còn...” - ông lại nhìn đồng hồ - “... có mười phút thôi - bà vá ngay cho được không? Ý tôi muốn nói là ngay bây giờ, liền tức thì.”
Có những câu hỏi mà chỉ qua cách đặt thôi đã tự phủ định rồi. Có những lời yêu cầu khi nêu ra, đồng thời nhìn vào mắt đối tượng thì thấy rõ là hoàn toàn vô ích. Ông Jonathan nhìn vào đôi mắt to tướng thâm quầng của Madame Topell và thấy ngay mọi sự là vô ích, là bế tắc, là vô vọng. Trước đó, khi ấp úng hỏi thì ông đã biết thế rồi; ông đã biết, có thể nói được rằng ông cảm thấy sát sườn điều này qua độ giảm của chất Adrenalin trong máu mình vào cái lúc ông nhìn đồng hồ: còn mười phút! Thật chẳng khác gì ông bị chìm nghỉm, như một người đứng trên một tảng băng đã mềm, đang tan ra thành nước. Mười phút! Làm sao mà một người có thể vá cái lỗ đáng sợ này trong mười phút được? Không bao giờ. Không thể được. Đâu thể nào vá ngay trên đùi được. Phải lót, nghĩa là phải cởi quần ra. Trong khi đó lấy đâu ra một cái quần khác giữa khu thực phẩm của Bon Marché? Cởi quần rồi đứng đó trong quần lót ư...? Vô ích. Hoàn toàn vô ích.
“Ngay à?” Madame Topell hỏi và ông Jonathan gật đầu dù biết rằng tất cả là vô ích, cố gắng của mình thất bại thảm hại.
Madame Topell mỉm cười. “Monsieur, ông hãy xem: tất cả những thứ mà ông thấy đây” - bà chỉ vào cái giá treo quần áo dài hai mét mắc đầy những đồ bộ, áo vét, quần, áo khoác - “tôi phải làm ngay. Tôi làm việc mười tiếng một ngày.”
“Vâng, đúng thế”, ông Jonathan nói, “thưa Madame, tôi hiểu hoàn toàn, tôi hỏi thật ngốc nghếch. Theo bà thì cần bao lâu để vá chỗ rách của tôi?”
Madame Topell quay lại máy may, kéo vải của cái váy màu đỏ cho ngay ngắn rồi hạ ổ kim xuống. “Nếu thứ Hai tới ông đem quần lại thì ba tuần sau sẽ xong.”
“Ba tuần?” ông Jonathan nhắc lại như mê.
“Vâng”, Madame Topell đáp, “ba tuần. Không nhanh hơn được.”
Rồi bà bật máy, kim may chạy rì rì, ngay chính giây phút ấy ông Jonathan thấy mình như không còn hiện diện nữa. Ông vẫn nhìn thấy Madame Topell ngồi ở bàn may, cách không đầy một cánh tay, nhìn thấy mái tóc nâu màu hạt dẻ với cặp kính xà cừ, thấy những ngón tay mập mạp mà thao tác nhanh nhẹn và cây kim chạy ào ào may một đường vào gấu cái váy đỏ... và ông vẫn còn nhìn thấy ở phía sau cái hình ảnh sinh hoạt nhoè nhoẹt trong siêu thị... nhưng bỗng dưng ông không thấy mình nữa, có nghĩa là ông không còn thấy mình là một phần của thế giới chung quanh, mà trong vài giây ông như thể đứng xa tít tắp bên ngoài, quan sát thế giới này qua một ống nhòm quay ngược. Và ông lại thấy chóng mặt, loạng choạng như buổi sáng nay. Ông bước ngang một bước, quay người đi tới lối ra. Nhờ sự đi đứng mà ông trở lại với thế giới này, mắt ông mất đi cảm giác ống nhòm. Nhưng ở trong lòng thì ông vẫn tiếp tục loạng choạng.
Ở khu bán văn phòng phẩm ông mua một cuộn băng keo trong. Ông dùng nó dán chỗ rách ở quần để cái lá cờ đuôi nheo tí hon khỏi hở toác ra theo mỗi bước đi. Rồi ông trở về chỗ làm.
°
Suốt buổi xế trưa ông vừa khốn khổ vừa tức giận. Ông đứng trước cửa ngân hàng, ở bậc trên cùng, sát cây cột trụ nhưng không tựa người vào đấy vì không muốn chịu thua sự yếu đuối của mình. Nhưng dù có muốn thì ông cũng không tựa nổi, vì để tựa cho kín đáo thì hai bàn tay phải chắp ra sau lưng, nhưng không thể được vì tay trái ông phải buông thõng để che vết dán trên đùi. Thay vào đó, để đứng thật vững ông buộc phải dạng hai chân như mấy gã trai trẻ ngu xuẩn, và ông nhận thấy qua kiểu đứng này xương sống cong lại như thế nào, cái cổ mọi khi duỗi thẳng thảnh thơi nay lún giữa hai vai ra làm sao, cùng với cổ là đầu và mũ, và rồi qua đó tự động hình thành dưới vành mũ lưỡi trai cái nhìn chăm chú, rình rập xấu xa và bộ mặt hãm tài ở những tay bảo vệ khác mà ông chúa ghét. Ông thấy mình như người tàn tật, như người bảo vệ trong tranh biếm họa, như tranh biếm họa của chính ông. Ông tự khinh mình. Ông tự ghét mình trong những giờ phút này. Có thể nói là ông muốn nổi khùng vì tự căm ghét mình, thậm chí ông muốn được lột da theo nghĩa đen vì ông ngứa ran khắp người mà ông không thể gãi trên quần áo được nữa, vì mỗi lỗ chân lông của lớp da ông đều toát mồ hôi và áo quần dính bết vào da như một lớp da thứ hai. Chỗ nào không dính, chỗ nào còn chút không khí giữa da và quần áo như hai cẳng chân, hai cẳng tay, rãnh xương ức... đúng ngay cái rãnh này thật ngứa chịu không nổi, vì mồ hôi lăn xuống thành từng giọt nhột nhạt, tròn vo - chính cái chỗ này ông lại không muốn gãi, không, ông không muốn có được chút dễ chịu nhỏ nhoi khả dĩ, vì nó không thay đổi - mà lại càng bộc lộ rõ và khôi hài thêm -tình trạng khốn khổ ghê gớm cùng khắp của ông. Bây giờ ông muốn được đau khổ. Càng đau khổ nhiều, càng tốt. Đau khổ đến với ông thật đúng lúc, vì nó biện minh và khêu gợi lòng căm ghét và tức giận của ông; lòng căm ghét và tức giận, về phía chúng, lại khơi dậy nỗi thống khổ, vì chúng không ngừng làm máu ông sôi lên, không ngừng ép mồ hôi ra các lỗ chân lông trên da ông. Mặt ông ướt như tắm, mồ hôi nhỏ giọt từ cằm và từ chân tóc gáy, vành mũ thít vào cái trán căng cứng. Nhưng chẳng có gì khiến ông bỏ mũ ra được, dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi. Nó phải ở trên đầu ông như nắp nồi áp suất được vặn chặt, như một cái đai sắt niềng quanh sọ, cho dù cái đầu có phải vỡ tung. Ông không muốn làm gì hết để giảm nhẹ sự đau khổ của mình. Ông đứng đó, bất động hàng giờ. Ông chỉ nhận thấy rằng xương sống mình càng lúc càng khum lại, vai, cổ, đầu càng lúc càng lún xuống và tấm thân ông càng lúc càng mang dáng điệu thấp bè của một con cóc.
Và cuối cùng - ông không thể và không muốn làm gì cưỡng lại - nỗi giận thân bị ứ lại kia chợt vỡ bờ trào khỏi người ông, trào lên đôi mắt càng lúc càng hung ác và độc địa thô lố dưới vành mũ, tuôn thành nỗi căm ghét xấu xa cái thế giới bên ngoài. Bất cứ cái gì rơi vào tầm mắt ông đều bị ông quét cho một lớp gỉ đồng gớm guốc của lòng căm ghét; có thể nói được rằng cái hình ảnh đích thực của thế giới không còn lọt qua đôi mắt để vào bên trong ông nữa, mà ánh sáng như đã xoay chiều và mắt ông chỉ còn đóng vai trò của cái cửa hướng ra bên ngoài, để tống ra đó những hình ảnh méo mó trong người ông: chẳng hạn mấy tay bồi bàn bên kia đường, trên vỉa hè trước quán cà phê, mấy gã bồi bàn trẻ và ngu xuẩn, thô lỗ và vô tích sự, quanh quẩn giữa những bàn những ghế, tán gẫu với nhau, ngoác miệng cười châm chọc, cản trở người qua lại, huýt sáo ghẹo gái như một bầy gà trống và chẳng làm gì hơn là thỉnh thoảng chõ mõm qua cái cửa mở, rống vào quầy những thứ khách gọi: “Một cà phê! Một bia! Một nước chanh!”, để rồi sau đó thoải mái đi vào trong, ra vẻ gấp gáp bưng món nọ, món kia ra theo kiểu làm xiếc, rồi phục vụ khách một cách điệu bộ với những động tác học đòi nghệ sĩ của cánh bồi bàn: xoay cái ly trên bàn theo vòng lò xo, chai Coca-Cola kẹp giữa hai đùi, mở gọn bâng bằng một tay, nhả mẩu giấy tính tiền đang ngậm giữa hai môi vào tay rồi mới nhét dưới gạt tàn thuốc, trong khi tay kia đã nhận xong tiền ở bàn bên cạnh, thu bộn bạc, giá cắt cổ: năm franc một ly Espresso [21], mười một franc một chai bia nhỏ, lại còn thêm mười lăm phần trăm cho sự phục vụ kiểu cọ và tiền ‘boa’; phải, các ông tướng ăn hại này, thứ đểu cáng này còn chờ đợi cả tiền ‘boa’ nữa cơ đấy! - nếu không thì còn lâu mới chịu mở miệng nói một lời “cám ơn”, chứ đừng nói đến “xin chào”; không có tiền ‘boa’ thì từ giờ trở đi đối với họ khách chỉ còn là không khí và khi rời khỏi quán khách sẽ chỉ còn nhìn thấy cái lưng ngạo mạn của người bồi bàn, cái hông ngạo mạn với ví tiền màu đen căng phồng nhét trong cạp quần, vì họ cho nhét như thế là đẹp [22], là bất cần; đúng là một lũ công tử bột, vênh vang khoe ví tiền như khoe lớp mỡ ở mông [23] - ấy, giá mà ông có thể dùng mắt mình đâm cái lũ thô lỗ, ăn không ngồi rồi, hợm hĩnh mặc áo bồi bàn ngắn tay, thoáng mát kia được! Ông muốn chạy qua bên đó, nắm tai chúng, lôi ra khỏi mái bạt rợp mát, tát cho vài cái ngay giữa đường phố, tát phải rồi tát trái, tát phải rồi tát trái, bốp bốp và nện vào đít...
Nhưng không chỉ lũ ấy thôi! Không, không phải chỉ lũ bồi bàn nhãi ranh này thôi mà cả đám khách cũng đáng bị phết vào đít, cái đám khách du lịch ngu xuẩn mang áo khoác mùa hè, mũ cói và kính râm nửa nằm nửa ngồi kia, nốc nước giải khát giá cắt cổ, trong khi người khác phải đứng-làm-việc trối chết. Cũng phải đánh đòn cả lũ lái xe nữa. Kia kìa! Đánh đòn lũ khỉ đần độn ngồi trong những cái hòm sắt hôi hám, cái lũ làm nhiễm độc không khí, cái lũ gây ồn ào đáng tởm không biết nên làm gì hơn là cả ngày chạy lên chạy xuống Rue de Sèvres. Không khí chưa đủ hôi hám à? Con đường này, cả thành phố này chưa đủ ồn à? Trời nóng như đổ lửa thế này chưa đủ à? Chẳng lẽ bay phải hút nốt chút không khí có thể dùng để thở được còn lại vào máy xe rồi đốt, rồi trộn với chất độc, muội và khói nóng thổi vào mũi người lương thiện ư? Đồ thối tha! Đồ gây tội ác! Phải diệt hết lũ chúng bay. Đúng thế! Phải đánh đòn và tận diệt. Phải bắn. Bắn từng tên một và bắn hết ráo. Chao! Ông rất muốn rút khẩu súng ngắn bắn bừa vào đâu đó, vào giữa quán cà phê, xuyên qua lớp cửa kính để nó vỡ kêu răng rắc, bắn vào giữa đám xe hơi hay chỉ cần bắn vào giữa một trong những toà nhà khổng lồ đối diện, những ngôi nhà đáng ghét, cao nghệu, đầy đe dọa hoặc bắn vào không khí, bắn lên trời, ừ, bắn lên bầu trời nóng bỏng, bắn lên cái bầu trời xanh xám như lông chim bồ câu, mù mịt, đè lên người một cách đáng sợ, bắn cho nó vỡ tung ra, cho toác cái vỏ nặng như chì, đổ ụp xuống, nghiền nát tất cả, chôn vùi tất cả, tất cả, toàn bộ cái thế giới hôi hám, ồn ào, phiền toái, kinh tởm: nỗi căm ghét của ông Jonathan vào buổi xế trưa này bao trùm hết và mãnh liệt đến nỗi vì một lỗ rách ở cái quần mà ông muốn làm cho thế giới tan tành thành tro bụi.
Nhưng ông không làm gì cả, đội ơn Chúa, ông không làm gì cả. Ông không bắn lên trời, không bắn vào quán cà phê bên kia đường hay vào xe cộ qua lại. Ông đứng đó, đổ mồ hôi, không nhúc nhích. Bởi vì cũng chính cái sức mạnh đã làm dấy lên cuồn cuộn nỗi căm ghét khủng khiếp trong lòng ông và bắn nỗi căm ghét ấy, qua đôi mắt ông, vào thế giới, chính sức mạnh đó đã khiến ông tê liệt hoàn toàn, đến nỗi không cử động được một chân, một tay nào, nói chi tới chuyện đưa tay nắm khẩu súng hay là cong ngón tay nơi cò súng, phải, ngay cả lúc lắc đầu để vẩy đi một giọt mồ hôi nhỏ quấy rầy nơi đầu mũi ông cũng làm không nổi. Cái sức mạnh ấy làm ông hóa đá. Quả thật trong những giờ này nó đã biến ông thành hình dạng đe dọa nhưng bất lực của con Sphinx. Nó hao hao giống như điện thế, nam châm hóa được một lõi sắt và giữ cho lõi sắt lơ lửng hay là lực đẩy cực mạnh trong vòm một công trình xây dựng, giữ chặt được từng viên đá ở một vị trí nhất định. Nó là giả định. Tất cả khả năng của nó nằm ở chỗ “nếu được thì tôi sẽ, nếu được thì tôi có thể, nếu được thì tôi muốn làm nhất”, và ông Jonathan biết rất rõ - ngay trong lúc vẽ vời trong đầu mình những hăm dọa và nguyền rủa khủng khiếp nhưng giả định - rằng mình sẽ chẳng bao giờ thực hiện nổi. Ông không phải loại người làm được những điều ấy. Ông không phải là một kẻ cuồng điên, do rối loạn tâm thần hay phát khùng hoặc do thình lình thù ghét mà gây tội ác; đúng ra không phải vì ông thấy những tội ác như thế này là đáng kết án về mặt đạo đức, chẳng qua chỉ vì ông không có khả năng biểu lộ bằng hành động hay lời nói. Ông không phải là kẻ gây chuyện. Ông là người chịu đựng.
Gần năm giờ chiều thì người ông rã rời khiến ông tin rằng không thể nào rời khỏi cái chỗ trước cây cột trên bậc thềm thứ ba của ngân hàng được nữa và sẽ phải chết ở đó. Ông cảm thấy mình già đi ít nhất là hai mươi năm và lùn đi hai mươi phân, do cái nóng của mặt trời dội xuống hàng giờ ở bên ngoài và sự nóng tiết trong người làm ông chảy ra hoặc hao mòn, phải, ông thấy như bị mòn đi, vì ông không còn cảm thấy mồ hôi ướt nữa, bị tiêu hao, bị thời tiết xói mòn, nung đốt và làm vỡ tung như một con Sphinx bằng đá sau năm nghìn năm; chẳng còn bao lâu nữa ông sẽ hoàn toàn khô kiệt, bị nung cháy, teo lại và tan vụn thành tro bụi ở ngay chính chỗ này, nơi ông đang còn gắng gượng đứng trên hai chân, ông biến thành một nắm bụi dơ dáy cho đến khi một ngọn gió thổi hay bà chùi nhà quét hoặc một trận mưa cuốn ông đi. Phải, đời ông sẽ kết thúc như thế đấy: không phải như một ông già được tôn trọng, sống bằng tiền hưu, chết ở nhà trên giường của mình, giữa bốn bức tường của mình, mà chết ở đây trước cửa ngân hàng như một nắm bụi dơ! Ông ước chi đã tới lúc rồi, ước chi quá trình suy tàn tăng tốc độ và đến giờ tàn. Ông ước rằng mình ngất đi, đầu gối khuỵu xuống và ngã quị. Ông cố hết sức để được ngất và ngã quị. Thưở bé ông làm được những chuyện như thế. Ông có thể khóc khi nào muốn, có thể nín hơi cho đến lúc bất tỉnh hay làm tim ngừng đập một nhịp. Bây giờ ông không làm nổi nữa. Ông hoàn toàn không làm chủ được gì nữa cả. Quả thật ông không co đầu gối lại được để mà khuỵu xuống. Ông chỉ còn biết đứng đó hứng chịu những gì xảy tới với mình.
Chợt ông Jonathan nghe tiếng máy xe rất êm của Monsieur Roedel. Không có tiếng còi mà chỉ có tiếng rì rì nho nhỏ êm êm nọ do máy xe mới vừa khởi động và chạy từ sân ra đến cổng. Do chút tí âm thanh này lan đến tai ông, chui vào trong tai, biến thành một điện xung truyền nhẹ nhàng qua khắp mọi thần kinh của cơ thể mà ông cảm thấy các khớp xương kêu răng rắc và cột sống giãn ra. Rồi ông cảm thấy cái chân phải - đang đứng xoạc - tự động kéo về phía chân trái như thế nào, chân trái quay trên đế giày, đầu gối phải co lại để bước, rồi tới đầu gối trái, lại tới đầu gối phải... rồi ông đặt chân này trước chân kia ra sao, cách ông đi đứng thật sự thế nào, phải nói là ông chạy, ông nhảy xuống ba bậc thềm, bằng những bước nhún nhảy ông hối hả chạy dọc theo bức tường ra cổng, đẩy cổng cho xe qua, đứng nghiêm chào, tay phải đưa lên vành mũ lưỡi trai. Ông làm tất cả những điều này một cách hoàn toàn máy móc, hoàn toàn không tự ý muốn, ý thức của ông chỉ tham gia qua việc nó ghi nhận những cử động và thao tác. Điều độc đáo duy nhất mà ông Jonathan đóng góp vào sự việc là ông ném theo chiếc xe của Monsieur Roedel một cái nhìn cay độc và một mớ lời nguyền rủa âm thầm.
Nhưng khi ông quay trở lại chỗ đứng thì ngọn lửa giận dữ trong người, sức thôi thúc cuối cùng của ông, cũng tắt ngấm. Và trong lúc ông ráng sức leo lên ba bực thềm như cái máy thì chút căm tức còn lại cũng bị bít mất luôn, lên tới trên rồi thì ánh mắt ông không còn cay độc và phẫn nộ nữa, mà ông nhìn xuống đường như với đôi mắt của một người bị suy sụp. Ông thấy như thể đôi mắt này không còn là của mình nữa, mà chính ông ngồi sau hai mắt, nhìn qua chúng như qua khung cửa sổ tròn, vô tri giác; phải, ông thấy như thể cả tấm thân này không còn là thân thể ông nữa, mà ông, Jonathan - hay là cái gì còn lại của Jonathan -, chỉ còn là một người lùn tí hon bị teo lại trong cái thân thể khổng lồ của một người lạ, một người lùn bơ vơ, bị giam trong cơ thể của một thứ máy- người [24] quá lớn, quá phức tạp mà ông không thể làm chủ và điều khiển theo ý mình được nữa, còn nếu có sự điều khiển - thì do tự nó hay những quyền lực nào khác. Lúc này cái máy-người ấy đứng im trước cây cột - không phải tự nằm yên như con Sphinx nữa, mà được đặt hay treo như một con rối -, đứng nốt mười phút canh gác cuối cùng cho đến đúng năm giờ rưỡi chiều Monsieur Vilman mới ló mặt ở cái cửa chống đạn phía ngoài, gọi “Ta đóng cửa!” Lúc ấy máy-người-con-rối Jonathan Noel ngoan ngoãn chuyển động, vào trong ngân hàng, lại cái bàn điều khiển giàn đóng mở cửa bằng điện, bật lên, bấm lần lượt hai cái nút cho cửa chống đạn phía trong và phía ngoài, để tống các nhân viên ra ngoài, rồi cùng Madame Roques khóa cánh cửa chịu lửa dẫn vào phòng đựng két tiền đã được Madame Roques cùng Monsieur Vilman khóa trước đó, rồi cùng Monsieur Vilman mở giàn báo động, rồi tắt giàn đóng mở cửa bằng điện, cùng với Madame Roques và Monsieur Vilman rời khỏi ngân hàng; sau khi Monsieur Vilman đã khóa cửa chống đạn phía trong, Madame Roques khóa cửa chống đạn phía ngoài thì máy-người-con-rối khóa cửa sắt theo đúng qui định. Sau đó nó hơi vụng về cúi đầu trước Madame Roques và Monsieur Vilman, mở miệng chúc hai người một buổi tối và một cuối tuần tốt lành, rồi nó cám ơn lời chúc cuối tuần tốt lành của Monsieur Vilman và lời chào “Thứ Hai gặp lại!”của Madame Roques; theo đúng phép tắc nó chờ họ đi được vài bước mới hòa vào dòng người để được cuốn về hướng ngược lại.
°
Đi bộ làm cho dịu lại. Đi bộ có sức làm lành bệnh. Việc đều đặn đặt chân này trước chân kia đồng thời hai tay đung đưa nhịp nhàng, nhịp thở tăng, nhịp tim hơi được kích thích, những hoạt động cần có của mắt và tai để xác định phương hướng và giữ thăng bằng, cái cảm giác thấy không khí lướt trên da thịt - tất cả những cái đó là những sự việc thúc đẩy thân xác và tinh thần lại với nhau một cách hoàn toàn không cưỡng lại được và tâm hồn, dù khô héo và bị thương tổn tới đâu, cũng to, cũng lớn lên được.
Với cặp bài trùng [25] “Jonathan - gã người lùn” trong cái thân thể con rối quá lớn của ông cũng thế. Dần dần, từng bước ông lớn lên trong thân xác của mình, choán thân xác mình từ bên trong, càng lúc càng làm chủ được nó và cuối cùng ông thành một với nó. Lúc đó ông đang ở gần góc Rue du Bac. Ông băng qua Rue du Bac (nếu là con rối Jonathan thì chắc chắn nó sẽ tự động rẽ phải để theo lối quen về Rue de la Planche) và không rẽ trái vào Rue Saint-Placide là nơi có khách sạn của ông mà đi thẳng tiếp tới Rue de l’Abbé Grégoire rồi leo con đường này tới Rue de Vaugirard, rồi từ đây tới vườn Luxembourg. Ông vào công viên, đi ba vòng dưới hàng cây ngoài cùng quanh bờ rào là vòng rộng nhất - nơi người ta chạy bộ - rồi hướng về phía Nam lên tới Boulevard du Montparnasse, đoạn đi tiếp tới nghĩa trang Montparnasse; ông đi quanh nghĩa trang, một lần, hai lần rồi tiếp tục đi về hướng Tây vào quận mười lăm, xuyên qua quận mười lăm tới sông Seine, rồi ngược sông về hướng Đông Bắc tới quận bảy, rồi lại tiếp tục tới quận sáu, đi hoài, đi mãi - một chiều mùa hè như thế này có bao giờ hết - rồi trở lại vườn Luxembourg, khi ông tới đó thì vườn vừa mới đóng cổng. Ông đứng lại trước cái cổng sắt lớn bên trái Thượng nghị viện. Bây giờ vào quãng chín giờ tối mà vẫn còn sáng gần như ban ngày. Người ta chỉ đoán rằng đêm sắp tới qua thứ ánh sáng mềm mại phảng phất màu vàng và đường viền tím ở các bóng phủ. Xe cộ qua lại trên Rue de Vaugirard đã thưa, thỉnh thoảng mới thấy. Người ta đã đi hết cả. Vài nhóm nhỏ đứng trước các cổng ra vào của công viên và các góc đường cũng tản ra, mạnh ai nấy đi vào những con đường nhỏ quanh Odéon [26] và nhà thờ Saint-Sulpice. Người ta đi uống rượu khai vị, vào quán ăn, về nhà. Không khí mềm mại và thoảng mùi hoa. Đất trời trở nên yên ắng. Paris ăn tối.
Ông chợt thấy mình mệt làm sao. Chân, lưng, vai đau dần vì hàng giờ đi bộ, hai bàn chân bỏng rát trong đôi giày. Ông bỗng thấy đói, đói meo đến quặn cả ruột gan. Ông muốn ăn một chén xúp, thêm xà lát với bánh mì trắng mới ra lò và một miếng thịt. Ông biết một quán ăn ở gần đấy, trên Rue des Canettes, thực đơn có đủ những món kia, giá bốn mươi bảy franc rưỡi kể cả tiền phục vụ. Nhưng ông đâu thể nào đến đó mồ hôi mồ kê nhễ nhại, hôi rình như thế này được, quần lại rách nữa.
Ông cất bước đi về khách sạn. Trên đường, ở Rue d’Assas, có một quán chạp phô của người Tunisie. Quán còn mở. Ông mua một hộp cá mòi, một thỏi nhỏ pho-mát dê [27], một quả lê, một chai vang đỏ và một cái bánh mì A-rập [28].
°
Phòng ở khách sạn còn nhỏ hơn căn phòng của ông ở Rue de la Planche, một bề không rộng hơn cái cửa ra vào, bề kia nhiều nhất dài ba mét. Tuy nhiên những bức tường không thẳng góc với nhau mà - từ cửa nhìn vào - chệch ra tới chỗ căn phòng rộng chừng hai mét thì lại đâu vào nhau để rồi giao nhau, tạo cho mặt kia căn phòng hình dáng của một ‘hậu cung’ hình tam giác. Vậy là căn phòng có mặt bằng như một quan tài và cũng chẳng rộng hơn quan tài bao nhiêu. Ở một bề dài kê cái giường, bên bề dài kia gắn một bồn rửa, phía dưới đặt một chậu rửa cho phụ nữ kéo ra được, trong hậu cung kê một cái ghế. Phía trên, bên phải bồn rửa, sát dưới mái người ta khoét một ô cửa sổ, một lỗ hổng nhỏ che kính thì đúng hơn, lỗ hổng này trổ ra một đường thông ánh sáng và đóng mở được bằng hai sợi dây. Một luồng không khí nóng ẩm và yếu ớt vào quan tài qua lỗ hổng kia, mang theo vài ba dư âm của thế giới bên ngoài: tiếng chén đĩa, tiếng nước xối trong phòng vệ sinh, dăm ba mẩu tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, vài tiếng cười, tiếng nức nở của một đứa trẻ và đôi khi tiếng còi xe từ rất xa.
Ông Jonathan ngồi ăn trên mép giường, trong quần áo lót. Ông kéo ghế lại, đặt cái hòm bằng giấy cứng lên làm bàn rồi bầy trên đó những túi thức ăn vừa mua. Ông cắt ngang thân con cá mòi bé xíu, xiên một nửa, phết trên một mẩu bánh mì rồi đưa cái miếng ấy vào miệng. Khi nhai, cá mềm rục thấm dầu hòa với bánh mì vô vị thành một thứ mùi vị đậm đà. Có lẽ thiếu đôi ba giọt chanh, ông nghĩ - tuy kém ngon thật song không đáng kể, vì sau mỗi miếng ăn ông đều chiêu một ngụm nhỏ rượu vang đỏ, để nó thấm trên lưỡi và giữa những kẽ răng thì cái dư vị mang mùi sắt của cá hòa với mùi chua đậm đà của rượu một cách tuyệt vời, đến nỗi ông Jonathan chắc chắn rằng trong đời mình chưa từng được ăn ngon như bây giờ, như trong giây phút này. Hộp đựng bốn con cá mòi, được tám miếng nhỏ, nhai từ tốn với bánh mì, thêm tám ngụm vang. Ông ăn rất chậm rãi. Có lần ông đã đọc trong một tạp chí rằng ăn vội vàng, nhất là khi đói ngấu, không tốt cho sức khoẻ và khó tiêu, thậm chí có thể làm nôn nao và ói mửa. Ông ăn chậm cũng vì nghĩ rằng đây là bữa ăn cuối của mình.
Sau khi đã ăn hết chỗ cá mòi và chấm sạch chỗ dầu còn lại trong hộp với bánh mì, ông ăn pho-mát dê và lê. Quả lê mọng nước đến độ khi ông gọt vỏ chút nữa thì tuột khỏi tay, còn pho-mát được ép chặt và dính đến nỗi bám cả vào lưỡi dao; nó có vị đắng, chua và khô trong miệng ông khiến lợi răng như co lại vì thảng thốt và nước bọt ngưng tiết ra trong giây lát. Nhưng rồi đến trái lê, một miếng lê mọng nước, ngọt lịm và thế là mọi thứ lại bình thường, hòa với nhau, tuột khỏi vòm miệng và răng, trôi trên lưỡi xuống dưới... rồi lại một miếng pho-mát, lại hơi thảng thốt, lại một miếng lê giảng hòa, lại pho-mát, lại lê... ngon đến nỗi ông lấy dao cạo sạch chỗ pho-mát dính ở giấy bọc và gặm quanh lõi quả lê cắt bỏ đi lúc nãy.
Ông còn ngồi mơ màng một lúc, đưa lưỡi liếm răng trước khi ăn nốt bánh mì và uống nốt chỗ vang còn lại. Rồi ông thu dọn vỏ hộp, vỏ lê, giấy bọc pho-mát, cuộn tất cả với vụn bánh mì nhét vào bao, đặt vào một góc sau cánh cửa cùng với vỏ chai rượu, nhấc hòm khỏi ghế, đặt ghế về chỗ cũ trong ‘hậu cung’, rửa tay rồi vào giường nằm. Ông cuộn chăn lại dưới chân, chỉ đắp bằng khăn trải giường. Rồi ông tắt đèn. Căn phòng tối thui. Chẳng một tia sáng nào lọt vào phòng, kể cả từ lỗ thông phía trên; chỉ có chút không khí yếu ớt, ngột ngạt và những âm thanh từ rất xa. Quá sức oi. “Ngày mai ta sẽ tự tử”, ông nói. Rồi thiếp đi.
°
Trong đêm trời đổ mưa giông. Đó không phải là thứ mưa giông sấm chớp liên hồi ngay mà rất từ từ thong thả, giữ sức thật lâu. Nó lưỡng lự, lang thang trên bầu trời, chớp nhẹ nhàng, sấm rì rầm, chuyển từ khu này thành phố sang khu khác như thể không biết nên tập trung chỗ nào, vừa di chuyển nó vừa lan rộng ra, lan nữa, lan nữa, cuối cùng nó phủ lên khắp thành phố như một lớp chăn mỏng màu chì, rồi lại tiếp tục chờ, qua lưỡng lự nó càng nạp thêm được sức mạnh mãnh liệt hơn nữa, song vẫn chưa chịu bắt đầu... Không có gì lay động dưới tấm chăn này. Không một chút gió trong bầu không khí oi bức, không một lá cây, không một hạt bụi lay động, thành phố như đông cứng lại, nó run rẩy trước sự đông cứng, nó run rẩy trong sự căng thẳng đến tê liệt - nếu có thể nói thế được - như thể chính nó là cơn mưa giông chờ dội nước ngược lên bầu trời.
Và rồi, có thế chứ, khi trời hửng sáng thì một tiếng nổ, một tiếng duy nhất, long trời như thể cả thành phố này nổ. Ông Jonathan bật dậy trên giường. Ông nghe tiếng nổ không phải với sự tỉnh táo nên lại càng không biết đó là tiếng sấm, mà tệ hơn: tiếng nổ đã khiến cả người ông bủn rủn trong giây phút bừng tỉnh dậy, nó ở đâu ra ông không rõ, nó là nỗi kinh hoàng, là sự sợ chết khiếp. Điều duy nhất ông nhận ra là âm vang của tiếng nổ, là đủ loại tiếng dội nối tiếp nhau của tiếng sấm. Nghe chẳng khác gì ngoài kia nhà cửa sụp đổ như kệ sách, ý nghĩ đầu tiên của ông là: bây giờ đến lúc rồi đây, bây giờ là hết. Ông không nghĩ là chỉ riêng đời mình chấm hết thôi, mà là tận thế, là thế giới sụp đổ, một trận động đất, bom nguyên tử hay cả hai - dù thế nào thì cũng là dứt khoát hết.
Nhưng rồi bỗng dưng lặng như tờ. Không còn nghe âm vang nữa, không có gì đổ, không có gì gẫy, không gì hết thẩy và không tiếng dội của bất cứ gì hết. Sự yên lặng đột ngột và kéo dài này hầu như còn đáng sợ hơn là tiếng thế giới sụp đổ ầm ầm. Vì đối với ông Jonathan, tuy vẫn còn sống, thì lúc này ngoài mình ra chẳng còn gì nữa cả, không có đối diện, không trên, không dưới, không ngoài, không gì khác để ông có thể dựa vào đó mà định hướng. Mọi cảm giác của ông như nhìn, nghe, sự thăng bằng - những thứ có thể cho ông biết mình ở đâu, mình là ai - rơi tuột vào cõi trống không hoàn toàn của tối tăm và yên lặng. Ông chỉ còn cảm thấy tim mình đập loạn lên và run khắp người. Ông chỉ còn biết mình đang nằm trên giường, nhưng không biết giường nào và cái giường đó ở đâu - nếu mà nó còn đấy chứ chưa rơi vào nơi nào đó trong chốn sâu không đáy vì hình như nó lắc lư và ông bấu chặt hai tay vào tấm nệm để khỏi lộn nhào, để khỏi vuột mất cái gì đó, cái duy nhất mà ông có trong tay. Mắt ông tìm chỗ bám víu trong bóng tối, tai ông tìm chỗ bám víu trong yên lặng, ông không thấy gì hết, không nghe gì hết, hoàn toàn không, bao tử ông nháo nhào, mùi cá mòi xông lên phát rùng mình, “đừng có ói”, ông thầm nghĩ, “đừng ói, đừng tự lộn mề ra lúc này!”... và rồi, sau một thời gian dài vô tận đầy kinh hoàng, ông thấy được chút gì đó, một chút lấp lánh yếu ớt ở phía trên, bên phải, một chút ánh sáng. Ông nhìn đăm đăm, mắt dán vào một vệt sáng nhỏ vuông vức, một lỗ hổng, lằn ranh giữa trong và ngoài, một thứ cửa sổ trong một căn phòng... nhưng căn phòng nào? Nhất định không phải phòng của ông rồi! Không bao giờ là căn phòng của ông cả! Trong phòng ông cửa sổ ngang với giường chứ không ở cao tuốt trên trần. Đó là... cũng không phải là căn phòng trong ngôi nhà của người bác, đó là căn phòng của mấy đứa con trong ngôi nhà bố mẹ ông ở Charenton - không, không phải phòng của mấy đứa con, đó là hầm nhà, phải rồi, hầm nhà, ông đang ở trong hầm nhà bố mẹ, ông là đứa trẻ, ông chỉ nằm mơ rằng mình đã lớn, mình là một nhân viên bảo vệ già đáng tởm ở Paris, nhưng ông là một đứa trẻ ngồi trong căn hầm nhà bố mẹ, chiến tranh đang diễn ra ngoài kia và ông bị kẹt trong hầm, bị lấp, bị bỏ quên. Sao họ không tới? Sao họ không cứu tôi? Sao lại yên ắng thế này? Những người kia ở đâu? Lạy Chúa, những người kia ở đâu? Thiếu những người kia tôi không thể sống được!
Ông định hét lên. Ông muốn hét to vào thinh không rằng thiếu những người kia mình không thể sống được, ông khốn khổ đến thế đấy, lão-con-nít Jonathan Noel sợ bị bỏ rơi đến tuyệt vọng như thế đấy. Nhưng đúng lúc ông muốn kêu lên thì ông được trả lời. Ông nghe có tiếng động.
Có tiếng gõ. Rất khẽ. Lại gõ. Thêm lần thứ ba, lần thứ tư, đâu đó phía trên kia. Rồi tiếng gõ trở thành đều đều như trống vỗ khe khẽ, càng lúc càng dồn dập hơn, cuối cùng không còn là tiếng trống nữa mà là tiếng ào ào dữ dội và ông Jonathan nhận ra đó là tiếng mưa đổ ầm ầm.
Rồi căn phòng trở lại trong đầu óc ông Jonathan và lúc này ông nhận ra cái vệt sáng vuông vức nọ là nắp ống thông ánh sáng, ông cũng nhận ra trong ánh mai tang tảng đường nét của căn phòng trong khách sạn, bồn rửa, ghế, hòm và các bức tường.
Hai bàn tay ông thôi bấu chặt vào tấm nệm giường, ông co chân lên ngực, hai tay ôm lấy đầu gối. Ông ngồi thu lu như thế thật lâu, dễ đến nửa giờ, lắng nghe tiếng mưa đổ.
Rồi ông đứng lên, mặc quần áo. Ông không cần bật đèn, trong ánh mai tờ mờ ông vẫn thấy được. Ông xách hòm, cầm măng tô và dù rời khỏi phòng. Ông nhẹ nhàng xuống cầu thang. Người trực tối ở quầy tiếp khách còn ngủ. Ông Jonathan rón rén đi ngang qua và - để khỏi làm người kia thức giấc - bấm rất ngắn vào nút mở cửa. Một tiếng ‘Cách’ khe khẽ, cửa bật ra. Ông bước ra ngoài.
°
Ánh sáng ban mai màu xanh xám và lạnh lẽo ngoài đường phố trùm lấy ông. Đã tạnh mưa. Nước chỉ còn nhỏ từ các mái nhà và các tấm mành mành, trên vỉa hè nước đọng thành vũng. Ông Jonathan đi xuống Rue de Sèvres. Nhìn đâu cũng chẳng thấy một người và một chiếc xe hơi nào. Các ngôi nhà đứng im lìm và khiêm tốn, gần như vô tội, một thứ vô tội nao lòng. Như thể trận mưa đã làm trôi đi vẻ tự hào, vẻ huênh hoang và tất cả nét đe dọa của chúng. Bên kia đường, trước khu thực phẩm của Bon Marché, một con mèo chạy vụt qua khung kính trưng bầy hàng, biến mất dưới những sạp dùng bầy biện rau quả. Phía bên phải, ở Square Boucicaut, cây ướt kêu răng rắc. Một đôi chim sáo ngửa cổ hót, tiếng hót dội lại từ mặt tiền các toà nhà càng làm tăng thêm sự im ắng trên thành phố.
Ông Jonathan băng qua Rue de Sèvres, rẽ vào Rue du Bac để về nhà. Đế giày ướt của ông kêu lép nhép theo từng bước trên mặt đường nhựa ướt át. Cứ như là đi chân đất, ông nghĩ và liên tưởng đến tiếng lép nhép hơn là cái cảm giác trơn trơn ẩm ướt trong giày vớ. Ông rất muốn cởi giày vớ, đi tiếp bằng đôi chân trần, nhưng ông không làm chỉ vì lười cởi chứ không phải vì thấy không tề chỉnh. Song ông cứ nhè mấy vũng nước mà bước bì bõm, ông chạy theo hình chữ chi từ vũng này sang vũng khác, thậm chí ông đổi cả sang lề đường bên kia vì thấy ở đó có một vũng nước thật to, ông đạp thật mạnh đế giày phẳng lì qua vũng nước để chỗ này nước bắn lên cửa kính trưng bầy hàng, chỗ kia bắn vào các xe hơi đang đậu, bắn cả lên ống quần của ông, tuyệt quá, ông nghịch cái trò trẻ con này như thưởng thức sự tự do lớn lao có lại được. Về tới Rue de la Planche, đi vào nhà, ông vẫn còn phấn chấn và sung sướng khi chạy vọt qua phòng thường trực kín cửa của Madame Rocard rồi lên cái cầu thang hẹp dành cho người làm.
Chỉ sau khi đã leo gần tới tầng sáu, gần cuối đường, ông Jonathan mới thấy lo: con chim bồ câu, cái con vật đáng sợ nọ đợi trên kia. Có thể nó đứng ở cuối hành lang với đôi chân màu đỏ, có vuốt, chung quanh đầy những phân và lông tơ vương vãi, nó đợi và nó sẽ vỗ cánh bay loạn lên, sẽ quẹt cánh vào người ông mà ông không thể nào tránh được trong cái hành lang chật hẹp...
Ông đặt hòm xuống, dừng lại, dù trước mặt ông chỉ còn năm bậc nữa. Ông không muốn quay xuống. Ông chỉ muốn nghỉ một phút ngắn ngủi, thở lấy hơi một lát để tim đập được bình thường, trước khi đi nốt đoạn đường.
Ông ngoái nhìn lại. Mắt dõi theo thành cầu thang xoắn ốc hình bầu dục nhìn xuống dưới khoang cầu thang, ông thấy các tia sáng chiếu rọi vào mỗi tầng lầu. Ánh sáng buổi mai đã mất đi sắc xanh, trở nên vàng hơn và ấm hơn, có vẻ thế. Ông nghe những âm thanh đầu tiên của ngôi nhà vừa thức giấc từ những căn hộ trưởng giả: tiếng ly chén, tiếng sập cửa tủ lạnh, tiếng ca nhạc khe khẽ trong radio. Rồi chợt một mùi thơm quen thuộc xộc vào mũi ông, mùi cà phê của Madame Lassalle, ông hít vài hơi và thấy như mình uống cà phê vậy. Ông nhấc hòm, đi tiếp. Bỗng dưng ông không còn sợ nữa.
Khi tới hành lang, nhìn một cái là ông thấy ngay hai điều: cửa sổ đóng và một miếng khăn lau phơi trên chậu rửa cạnh nhà xí. Ông chưa thể nhìn tới cuối hành lang được vì bị luồng ánh sáng chiếu qua cửa sổ làm chói mắt. Ông đi tiếp, không còn sợ mấy nữa, qua khỏi luồng ánh sáng, bước vào bóng tối kế liền đó. Hành lang trống trơ. Con chim bồ câu đã biến mất. Các vết phân trên nền đã được lau sạch. Không còn một lông vũ, lông tơ nào lay động trên lớp gạch đỏ nữa.
Hết
Nguồn: Bản tiếng Đức (Die Taube) của Nhà xuất bản Diogenes, Zürich, 1987. Bản tiếng Việt: Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hoá-Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004
[18]Sphinx: tượng đầu người, mình sư tử trước các kim tự tháp Ai Cập.
[19]Pharaon: tên gọi các vua Ai Cập thời cổ đại, chủ nhân của các kim tự tháp.
[20]Xe đẩy: loại xe như giỏ của các siêu thị, để khách đựng hàng khi mua sắm.
[21]Espresso: một loại cà phê kiểu Ý (pha bằng máy).
[22]Ở đây tác giả cho ông Jonathan quá lời một chút, chứ thật ra họ nhét ví tiền trong cạp quần vì loại ví của giới chạy bàn đặc biệt to, không thể nào nhét vừa túi sau được.
[23]Fettsteiss: lớp mỡ ở đốt xương cùng, như một đặc trưng chủng tộc ở vài bộ tộc châu Phi.
[24]Máy-người (Menschmaschine). Xin đừng nhầm với Roboter (người máy).
[25]Tạm dịch từ “zwiefach” (hai lần).
[26]Odéon: tên một nhà hát nổi tiếng ở Paris. Gần như toàn bộ những được danh được nêu trong truyện đều nằm ở quận sáu, Paris.
[27]Phần lớn pho-mát làm từ sữa bò, song cũng có loại làm từ sữa dê, sữa cừu, sữa trâu.
[28]Bánh mì tròn như cái đĩa, đường kính chừng 30 cm, dầy độ một đốt ngón tay.

Xem Tiếp: ----