Dịch giả: Cung Điền

 Xin chịu khó đọc là Kappa.
Theo tự điển Nhật Kenkyusha, kappa được tả như một tiểu yêu, một quái vật sống dưới nước với cái đầu bờm xờm dúm tóc. Trên đỉnh đầu có một hõm đựng nước. Kappa (chữ Hán Việt: Hà Đồng, do ghép từ hai chữ Hà, Kawa và Đồng, wappa ) đứa con nít sống dưới sông, hình dạng giống khỉ, mũi dài, mắt tròn, có râu mầu nâu hung dưới cằm, da hơi xám, tay chân có 5 ngón, và có mùi tanh như mùi cá. Kappa thích ăn dưa, trứng, táo và gan người. Nếu trêu chọc, chúng khóc như một đứa trẻ ; làm vừa lòng Kappa, chúng sẽ đền ơn. Du khách tới Nhật có thể thêm mục đi kiếm kappa vào trong chương trình thăm viếng xứ mặt trời mọc, bằng cách thăm vùng Mito hay đi bơi trên sông Oise gần Nagoya. Ngày nay trẻ con tại thôn quê vẫn còn có thói quen trước khi bơi lội, quẳng dưa xuống sông làm lễ vật lấy lòng Kappa để khỏi bị chúng trêu ghẹo.
Vì Kappa chỉ là con vật hoang tưởng, nên truyện này được coi như truyện Gulliver phiêu lưu ký của Jonathan Swift (1), Erehwon của Samuel Butler (2) hay Đảo chim cánh cụt của Anatole France (3). Có thể Akutagawa Ryunosuke đã chịu ảnh hưởng từ những truyện này ?
Qua xã hội loài kappa, AR chỉ trích chính xã hội đương thời Nhật Bản, những cái kênh kiệu của ông chủ hãng thủy tinh Gaël, nhóm chính trị gia, nhóm ký giả báo chí và những nghiệp đoàn. Không chừa một giai cấp nào, kể cả những cuộc cãi vã giữa những người làm văn nghệ. Sau rốt, chủ đề của ông còn là tình người, tình vợ chồng. Vào cuối thâp niên năm 20 của thế kỷ trước mà AR đã đề cập tới vấn đề sống chung trai gái không cần cưới xin như nhà thi sĩ Tốc với một con kappa cái.
Qua cái áp phích về vấn đề sinh đẻ, AR đã hé cho chúng ta thấy ông chống lại tư tưởng ái quốc quá khích và quân phiệt đang lên trong xã hội Nhật vào cuối thập niên 20, và chế độ này đã thành hình trong hai thập niên 30 và 40 đưa đến việc Nhật chiếm đóng Triều Tiên, Trung Hoa lục Địa và bán đảo Đông Nam Á với chiêu bài Đại Đông Á.
Akutagawa Ryunosuke là thi sĩ Tốc, là triết gia Mag, là ông quan toà Pep, là bệnh nhân số 23 trong bệnh viện tâm thần. Những chỉ trích của tác giả vẫn không hề mất thời gian tính. Lấy một ví dụ khi quan toà Pep nói về điều khoản 1285 của bộ hình luật xứ Kappa, bị can sẽ không bị trừng phạt khi nguyên nhân không còn nữa. Điều này, tại nhiều nước hiện nay, tội của cha mẹ, nếu có, còn đổ lên đầu con cháu y như tru di tam tộc vào thời kỳ phong kiến trước đây.
Qua Kappa, tác giả khi để thi sỹ Tốc tự vẫn, đã không nhiều thì ít hé mở cho ta thấy cách giải quyết cuộc đời của chính tác giả vào mấy tháng sau đó.
Truyện được hoàn tất vào tháng 2 Chiêu Hoà năm thứ 2(1927).
Người dịch được đọc truyện Kappa lần đầu tiên vào khoảng cuối thập niên 50 trong tạp chí Bách Khoa, vẫn giữ được sự thích thú đến mãi bây giờ, sau gần 50 năm. Đó cũng là lý do người dịch đã chọn Kappa để chuyển ngữ.
Nguyên tác tiếng Nhật lấy từ mạng internet www.Azora.gr.jp, thư viện ngoài trời.
 
 
Dẫn nhập
Đây là câu chuyện của bệnh nhân mang số 23 tại bệnh viện tâm thần. Y kể cho bất cứ ai muốn nghe. Y phải trên 30, nhưng thoạt trông thì y có vẻ trẻ hơn nhiều. Những việc xẩy ra trước đây trong đời y à..., nhưng mà thôi, mấy thứ đó chẳng có gì quan trọng! Y chỉ ngồi bất động, hai tay ôm đầu gối, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn ra ngoài, phía trước cửa sổ có chấn song sắt, chỗ một cây sồi trụi lá, ngay cả những lá khô, vươn những cành cây lên bầu trời u ám đầy mây tuyết, tiếp tục kể cho Bác Sĩ S. viện trưởng và tôi, câu chuyện dài không dứt của y. Dĩ nhiên khi kể chuyện, không phải là y không kèm theo điệu bộ. Chẳng hạn khi y nói:" làm tôi ngạc nhiên", thì y bất chợt ngửa đầu ra phía sau.
Tôi nghĩ có thể xác nhận đã ghi lại khá chính xác về những điều y kể mà mọi người sẽ đọc. Thản hoặc nếu có ai không lấy làm đủ với những gì tôi ghi chép lại, có thể tới tìm hỏi tại bệnh viện tâm thần của Bác Sĩ S. tại làng X, ở ngoại ô thành phố Tokyo. Bệnh nhân số 23, trông còn trẻ hơn tuổi anh ta, sẽ cúi gập người chào, và chỉ cho một cái ghế không gối. Rồi với nụ cười buồn, rất điềm tĩnh, y sẽ lập lại chuyện của y. Cuối cùng - tôi còn nhớ rất rõ nét mặt của y sau khi đã kể xong - đứng thoắt dậy, vung nắm tay và mắng bất cứ một ai: Cút khỏi đây, đồ gian hiểm! Mày cũng vậy, đồ ngu! đồ bủn xỉn, đồ tà dâm, đồ vô liêm sỉ, đồ hiếu danh, đồ súc vật ích kỉ. Cút khỏi đây! đồ gian hiểm!
1
Chuyện xẩy ra vào một mùa hè cách đây 3 năm. Lưng đeo ba lô như mọi người, tôi đi từ nhà khách trọ tại một suối nước nóng miền Kamikochi (4), để leo lên ngọn núi Hotaka. Như quý vị đã biết, không có đường nào lên đỉnh núi này ngoài con đường phải đi ngược dòng sông Azusa. Trước đây tôi đã leo một lần lên ngọn núi Hotaka và ngay cả ngọn Yarigatakê thành ra tôi cũng không cần phải đi cùng với một người dẫn đường.
Tôi đi ngược thung lũng Azusa khi sương mai còn bao phủ, nhưng làn sương mai dường như không tan đi, mà càng dầy đặc thêm. Sau khoảng một giờ đi, tôi tự nghĩ tốt hơn là quay trở về nhà trọ ở suối nước nóng Kamikochi. Nhưng ngay cả đi trở về Kamikochi, cũng phải chờ sương mai tan đi. Mà mỗi lúc, màn sương càng dầy đặc. Tôi tự nhủ: " Thế thì ta lại leo! " và tôi cứ rẽ lối trong những bụi trúc còi ( 5 ) mà tiến tới, cố gắng không rời xa thung lũng sông Azusa.
Trong khi đó, màn sương mù vẫn tiếp tục che trước mắt. Tuy vậy, đôi lúc qua màn sương, tôi nhìn thấy những cành cây giẻ gai hay những cây thông đầy lá xanh. Rồi, chợt hiện ra trước mặt những đầu ngựa, đầu bò người ta thả trong những cánh đồng cỏ. Nhưng những con vật này cũng biến mất rất nhanh trong làn sương dầy đặc. Chẳng bao lâu, chân bắt đầu thấy mỏi, bụng đã bắt đầu thấy đói, và thêm vào nữa, bộ quần áo leo núi cùng cái khăn choàng len ướt đẫm sương, trở lên nặng hơn thường lệ. Rút cục tôi đành bỏ cuộc, lần theo tiếng nước vỗ vào đá, quyết định quay trở xuống dòng sông Azusa.
Ngồi trên một tảng đá bên bờ nước, trước hết tôi bắt đầu sửa soạn bữa ăn. Mở hộp thịt bò nguội (6), kiếm vài cành cây khô và nhóm lửa... tất cả mất vào khoảng 10 phút. Trong lúc đó, làn sương còn mù mịt đến tận lúc đó, bỗng dần dần tan đi. Vừa gậm miếng bánh, tôi vừa liếc mắt nhìn đồng hồ đeo tay. Thế mà đã quá 1h20. Nhưng chuyện làm tôi ngạc nhiên hơn cả, là một bộ mặt ghê tởm phản chiếu lên trên khung kính tròn của chiếc đồng hồ. Giật mình, tôi quay người lại. Và này... đây là lần đầu tiên tôi thấy một vật mà thiên hạ gọi là kappa (xem lời dẫn nhập). Trên tảng đá sau lưng tôi, một con kappa, như người ta biết qua những hình vẽ, một tay đang ôm thân cây bạch dương, một tay đưa ngang tầm mắt, nhìn tôi dáng tò mò.
Vì sững sờ tôi ngồi bất động một lát. Con kappa cũng ngạc nhiên như vậy, tay không nhúc nhích, vẫn để tay ngang tầm mắt. Rồi vào lúc đó, tôi nhổm ngay dậy, nhẩy về phía con kappa trên tảng đá. Con này cũng chạy trốn, hay đúng hơn, làm ra vẻ như chạy trốn. Thật ra là nó nhẩy xa ra một bước và biến mất dạng trong nháy mắt. Càng lúc càng ngạc nhiên, tôi đưa mắt nhìn quanh đám trúc còi. Thì ra con vật ở đó, cách xa tôi vào khoảng 2 hay ba thước, đầu hướng về phiá tôi và nhìn tôi chằm chặp, sẵn sàng chạy trốn. Đến bây giờ, không có gì là huyền bí cả. Cái làm tôi kinh ngạc là mầu da thân hình. Khi con vật nhìn tôi từ phía trên tảng đá, toàn thân nó mầu tro, bây giờ, toàn thân đã biến ra mầu xanh lá cây. Đồ súc sinh, tôi kêu lên và lại nhẩy xông về con vật. Dĩ nhiên nó lại chạy trốn, và trong khoảng độ chừng nửa giờ, xuyên qua những bụi trúc còi, nhẩy từ viên đá này qua viên đá khác, tôi đuổi theo con kappa không ngừng.
Kể về nhanh nhẹn thì kappa không thua gì loài khỉ. Tôi đuổi theo con vật như trong một giấc mơ, suýt nữa mất hút mấy lần, nhiều lần trượt chân mất thăng bằng và ngã. Nhưng khi chúng tôi chạy tới chỗ một cây hạt dẻ lớn, xum xuê cành lá, thì may mắn có một con bò mộng chắn ngang đường Kappa. Con bò với hai sừng to tướng, hai mắt đầy gân máu. Nhác thấy con vật, kappa hét lên một tiếng gì không rõ, nhẩy dúi đầu vào một bụi trúc còi hơi cao hơn những bụi khác.
Tôi tự nhủ: "Tóm được mi rồi! ", và tôi đuổi theo ngay lập tức. Thế rồi chắc có một cái hố lớn mà tôi không thấy vì tay tôi mới chạm đến cái lưng nhơm nhớp của con Kappa thì người đã rơi vào trong khoảng tối dầy đặc, đầu lộn xuống trước. Cái con người ta, trong lúc nguy cơ mạng treo sợi tóc, lại nghĩ tới những điều thật quái dị. Và đúng vào lúc tôi chỉ đủ thốt lên một tiếng " Ối! " đó, thoáng hiện ra trong trí nhớ cái cầu Kappabashi - cầu Kappa- gần nhà khách trọ suối nước nóng Kamikochi. Sau đó... tôi chẳng nhớ chuyện xẩy ra tiếp theo. Chỉ thấy một cái gì như một tia chớp trước mắt, trước khi tôi ngất đi.
2
Một khoảng thời gian trôi qua trước khi tôi hồi tỉnh. Tôi vẫn ngã nằm dài, ngã ngửa, đông đảo Kappa bu quanh. Qùy gối bên cạnh tôi, một con Kappa đeo kính cặp trên cái mỏ lớn, đang áp chiếc ống nghe trên ngực tôi. Khi thấy tôi mở mắt, y ra dấu cho tôi "Nằm yên! ", và gọi một Kappa khác đứng sau lưng: Quax!... Quax! (7) Cùng lúc đó, hai Kappa khiêng một cái băng- ca, không biết từ đâu bước tới. Tôi được đặt lên trên và được khiêng đi yên lặng qua một đường phố đầy Kappa. Hai bên đường cũng chẳng khác gì đường phố tại Ginza (8). Ở đây, hai bên đường trồng cây dẻ gai, những cửa hàng với những tấm bạt che nắng căng trước cửa và xe cộ đi lại không ngừng.
Một lát sau cái băng- ca khiêng tôi rẽ vào trong một con đường hẹp, và tôi đưọc một Kappa mang trên vai vào trong một căn nhà. Sau này tôi mới được biết đó là nhà của con Kappa đeo cái kính cặp, một bác sỹ có tên Chak. Chak đặt tôi nằm trên một cái giường sạch sẽ, và cho tôi uống một ly thuốc nước trong suốt. Nằm dài trên giường, trong khi Chak tiếp tục săn sóc tôi. Thật ra, thân thể đau nhừ khắp nơi, tôi không thể cựa quậy chi được cả.
Ít nhất là hai hay ba lần trong ngày, Chak đến khám nghiệm tôi, không thiếu một ngày nào. Ngoài ra, cứ ba bữa một lần, con kappa mà tôi gặp lần đầu, một người đánh cá có tên Bag, đến thăm tôi. Sự hiểu biết của kappa về loài người vượt xa sự hiểu biết của loài người về kappa. Chuyện này có thể do loài người bị bắt trong tay kappa nhiều hơn là số kappa bị bắt trong tay loài người. "Bị bắt" có thể dùng nghiã hơi thái quá, vì chúng ta, loài người, trước thời tôi, một đôi khi cũng đã lọt được vào thế gìới của loài kappa. Hơn nữa, cũng có khá nhiều người đã từng sinh sống suốt đời trong xứ kappa. Quý vị có biết tại sao không? Tại vì, đơn giản nhất nếu là người đến sống trong xã hội kappa, chúng ta được hưởng ân huệ không cần phải làm việc. Theo lời của Bag thì, có một anh thợ làm đường, tới xứ này vì tình cờ may mắn, cưới một con kappa cái trẻ, và sống tới khi chết tại đây. Có điều đáng kể là con kappa cái này, được coi là hoa hậu trong xứ, không ngừng cắm sừng ông chồng, anh thợ làm đường.
Sau một tuần lễ, theo luật của xứ, người ta cấp cho tôi một ngôi nhà bên cạnh ngôi nhà của Chak, như là 'Đặc biệt bảo hộ trú dân"(dân cư ngụ được đặc biệt bảo trợ). Tuy có hẹp nếu tính theo kích thước, nhưng ngôi nhà tôi ở rất tươm tất. Phải nói thêm là nền văn minh của xứ này không khác gì nền văn minh của loài người, ít ra so với Nhật Bản. Một cây đàn dương cầm nhỏ được đặt trong một góc phòng khách nhìn ra ngoài đường. Một bức tranh chạm nổi đóng khung treo trên tường. Nhưng toàn thể căn nhà, bàn, ghế, tất cả theo thước tấc của kappa, nên chi tôi thấy như mình ở trong một căn phòng của trẻ con. Đó là điều bất tiện duy nhất đối với tôi.
Mỗi ngày vào buổi tối, tôi tiếp Chak, Bag tại căn phòng này, và tôi học ngôn ngữ kappa. Thật ra không những chỉ có Chak và Bag không thôi, vì với danh nghĩa "một công dân được đặc biệt bảo trợ", tất cả mọi người đều tò mò muốn biết. Có Gaêl, giám đốc một xưởng làm thủy tinh, thường gọi Chak tới đo áp huyết mỗi ngày tại nhà, là một trong những bộ mặt quen thuộc tại phòng khách nhà tôi. Nhưng phải nói là người mà tôi thân thiết nhất trong hai tuần lễ đầu là anh chàng đánh cá Bag.
Vào một buổi chiều nóng ấm, Bag, người đánh cá và tôi, ngồi đối diện nhau tại bàn. Chẳng hiểu y nghĩ gì mà không những y ngồi im, lại mở tròn đôi mắt lớn, nhìn tôi. Tôi lúng túng hỏi y: Quax, Bag! Quo quel quan? (9), nếu dịch ra thì nghĩa là: này Bag! có chuyện gì vậy?. Nhưng y không trả lời, vụt đứng dậy, thè cái lưỡi dài về phía tôi và định nhẩy chồm tới tôi như một con ếch. Càng lúc càng tỏ ý lo ngại, tôi đứng đậy khỏi ghế, và định phóng vọt ra cửa thì may sao ông Bác sỹ Chak hiện ra, thò đầu vào trong phòng.
- Ê Bag, anh đang làm gi vậy?
Chak đeo cái kính cặp, nhìn anh chàng Bag. Và Bag tỏ vẻ bối rối, để tay lên đầu mấy lần, và xin lỗi cùng Chak:
- Xin ông thứ lỗi cho tôi, chả là tôi thích thú khi thấy vị này tỏ ra không được an tâm, nên chi tôi không tự chủ được, định đùa chơi một tư. Xin vị này tha lỗi cho tôi.
3
Trước khi tiếp tục câu chuyện, tôi xin phép được nói qua về loài kappa: một loài mà đến nay vấn đề có tồn tại hay không cũng vẫn được đặt ra. Nhưng nghi vấn này không còn nữa, vì chính tôi đã từng chung sống với chúng một thời gian. Nếu chúng ta hỏi kappa là loài như thế nào, thì phải giải thích là chúng có chùm tóc ngắn trên đầu, ngón tay và ngón chân dính liền với nhau như chân vịt, không khác gì như đã được tả trong cuốn Suiko Koryaku (Thủy Hổ Khảo Lược, lời bàn sơ lược về hổ nước) (10). Thân hình cao không quá 1 thước, theo bác sỹ Chak thì nặng vào khoảng 20 đến 30 cân Anh (pound), và ít khi gặp những người nặng đến 50 cân Anh. Ngoài ra ở ngay trên đỉnh đầu có một cái đĩa hình bầu dục, cứng dần với tuổi tác. Thật vậy, cái điã trên đầu ông già kappa Bag khi sờ khác hẳn cái điã trên đầu anh chàng trẻ kappa Chak. Nhưng cái điều kỳ lạ nhất là mầu da của kappa. Loài kappa không có một mầu da rõ rệt như da người ta, mầu da của loài kappa thay đổi với mầu của môi trường xung quanh; thí dụ khi chúng ở trong cỏ, mầu da chúng biến thành mầu xanh lá cây, và khi chúng ở trên tảng đá thì chúng trở nên xám như tảng đá. Điều này không những chỉ dành riêng cho loài kappa mà còn ở những loài như kỳ nhông. Không biết rõ da của loài kappa có cấu trúc gần giống loài kỳ nhông hay không, tôi cũng không được rõ cho lắm. Sự khám phá này khiến tôi nhớ lại một tài liệu dân tộc học cho biết loài kappa có mầu xanh lục khi ở tỉnh miền Tây, và có mầu đỏ khi ở tình miền Đông- Bắc; tôi cũng còn nhớ trong lúc chạy đuổi theo Bag, tôi không hiểu tại sao tự dưng ông ta biến mất. Ngoài ra hình như loài kappa có một lớp mỡ dầy dưới da. Mặc dù với nhiệt độ hơi thấp với xứ ở dưới lòng đất này (vào khoảng 50 độ Fahrenheit)(11), loài kappa không biết tới quần áo. Hầu như, theo tôi, con kappa nào cũng đeo kính, mang những hộp xì gà và ví đựng tiền. Nhưng loài kappa có một cái túi ở đằng trước bụng như loài kangourou, rất tiện lợi bỏ đủ thứ đồ trong đó khi không muốn cho ai biết. Chúng không che cái phần dưới của thân thể, điều này đối với tôi rất khôi hài.
Một bữa tôi hỏi Bag lý do tại sao dân kappa lại có thói quen trần truồng như vậy. Lúc đó ông ta ngửa người ra đằng sau và cười ngặt ngoẹo một hồi lâu, và trả lời tôi: "Cái mà tớ thấy khôi hài là cậu mặc quần áo".
 
4
Dần dần tôi học nói được tiếng kappa thông dụng, và vì vậy tôi làm quen lần với phong tục của loài này. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là loài kappa bật cười khi loài người chúng ta coi là nghiêm trang, và những chuyện loài người cười cợt thì loài kappa lại cho là đứng đắn. Nói tóm lại, đúng là một thế giới đảo ngược hẳn. Thí dụ loài người chúng ta coi tất cả những gì có liên quan đến công lý, nhân bản là đừng đắn?thì lại là những đề tài để cợt nhả đối với loài Kappa ! Khái niệm hoạt kê ở loài này dựa trên một căn bản hoàn toàn khác đối với loài người chúng ta. Một hôm tôi tiếp chuyện cùng bác sĩ Chak về vấn đề hạn chế sinh đẻ. Ông ta mở lớn miệng, cười đến nỗi làm rơi cả đôi kính cặp. Tôi hỏi ông ta có điều chi đáng buồn cười trong chuyện đó thì ông ta có vẻ bực mình về lời trách móc của tôi. Câu trả lời của Chak, tôi còn nhớ, thì như sau, dẫu rằng tôi có thể nhầm lẫn về chi tiết, vì thật ra tôi cũng chưa quán triệt được tiếng Kappa cho lắm.
"  Nói cho cùng, thật là kỳ quặc khi các đấng làm cha mẹ chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình ? Thật là quá ích kỷ, cậu nghĩ thế nào ?
Thật trái với điều xẩy ra ở loài người, không có gì khôi hài hơn là chuyện sinh đẻ ở loài kappa. Thế thì không lâu sau cái lần trò chuyện này, tôi tới dự tại căn nhà nhỏ của Bag lúc bà vợ đang ở cữ, Trong trường hợp như vậy, loài kappa cũng hành động tương tự như người mình. Cũng như ở xứ ta, kappa cũng nhờ đến bác sĩ hay bà mụ. Nhưng lúc đứa trẻ ra đời, ông bố ghé cái miệng gần âm hộ, như thể nói điện thoại và cất to tiếng hỏi: "Mày có muốn sinh ra ở cõi đời này không? Hãy trả lời sau khi đã suy nghĩ chín chắn. ". Bag cũng vậy, qùy gối và lặp lại nhiều lần lời này. Sau đó lão súc miệng với nước khử trùng để trên bàn. Với mệnh lệnh này, đứa trẻ chưa sinh, còn nằm trong bụng mẹ, hình như có vẻ hơi bực bội, trả lời với một giọng yếu ớt:" Tôi không muốn ra đời. Trước hết vì cái bệnh tâm thần di truyền của ông bố, và nguyên bệnh này sẽ là một gánh nặng cho tôi. Lại nữa, tôi tin chắc rằng đời sống làm kappa không có gì tốt đẹp cả. "
Với câu trả lời này, Bag gãi đầu như có vẻ bối rối. Nhưng bà mụ đứng gần đó, không chờ đợi lâu, liền thọc vào trong âm hộ của bà vợ một cái ống lớn bằng thủy tinh và bơm vào đó một thứ nước. Lúc đó, như thể thoát đi một gánh nặng, bà vợ Bag thốt ra một tiếng thở phào. Cùng lúc ấy, cái bụng đang phình to tới lúc đó, bỗng dưng xẹp dần xuống như một quả bóng xì khinh khí.
Có điều dĩ nhiên là trẻ con kappa, ngay lúc sinh ra đã biết đi và nói. Theo lời Chak kể cho tôi nghe thì có một đứa trẻ, 26 ngày sau khi sinh, đã diễn thuyết về sự hiện hữu hay không hiện hữu của thượng đế. Phải nói thêm rằng đứa trẻ này chết hai tháng sau đó, như người ta thuật lại với tôi.
Nhân nói về chuyện sinh đẻ, tôi xin tả lại một áp-phích lớn mà tôi tình cờ thấy tại một góc đường, ba tháng sau khi tôi vào xứ này. Ở dưới áp-phích có vẽ vào khoảng mười mấy con kappa, đứa thổi kèn, đứa mang gươm. Ở phần trên, người ta viết sát vào nhau, những chữ xoắn như lò xo đồng hồ, chữ viết của loài kappa. Dịch nghiã những chữ xoắn thì như sau. Tôi không dám bảo đảm đúng tất cả những chi tiết. Nhưng dẫu vậy, tôi đã ghi lại từng lời một của một sinh viên có tên Rapp, anh ta cùng đi với tôi, và đã to tiếng đọc cái áp- phích:
Hãy gia nhập đoàn thiện chí di truyền!!
Hỡi nam nữ Kappa khỏe mạnh!!
Để loại trừ những khuyết tật về di truyền
Hãy lập gia đình với những nam nữ Kappa không khỏe mạnh!!
Dĩ nhiên tôi cho Rapp hay là chuyện này không thể thực hiện được. Lúc đó, không những Rapp, mà tất cả những Kappa đứng gần tấm áp-phích cười ồ lên.
- Không thể thực hiện được? Theo lời ông kể thì các ông cũng làm như chúng tôi. Với lý do gì ở xứ các ông, con trai các ông đi mê đứa ở, và con gái chủ phải lòng anh tài xế? Có phải là để xoá bỏ một cách không ý thức những xấu xa di truyền? Thứ nhất, so sánh với đoàn chí nguyện quân của loài người các ông mà ông mới kể đây đã giết lẫn nhau để chiếm đoạt một đường rầy xe lửa - đoàn thiện chí của chúng tôi còn cao thượng hơn, ông không nghĩ như vậy hay sao?
Trong khi Rapp nói với một vẻ nghiêm nghị, chỉ có cái bụng phệ của anh ta rung rung không ngừng với vẻ thích thú. Mà tôi không có hứng thú để cười, vì tôi đang vội chạy theo bắt một con kappa. Con này nhân lúc tôi không để ý đã chớp của tôi cây bút máy. Nhưng loài kappa, làn da trơn nhờn nên khó mà nắm được. Và kẻ cắp, lẹ làng nhẩy một bước, trượt ra ngoài khỏi tay tôi chạy mất. dạng. Thân hình gầy như con muỗi, y gập người lại, chạy trốn mất.
 
5
Rapp đối với tôi cũng chí tình chẳng kém gì ông Bag. Và điều tôi không thể nào quên được là anh ta giới thiệu tôi một kappa có tên Tốc. Tốc là nhà thơ của thế giới kappa. Nhà thi sỹ Tốc có bộ tóc dài cũng như những nhà thơ của loài người. Đôi lúc để giết thì gìờ, tôi đi thăm Tốc. Tốc có vẻ sống một cuộc đời rất thoải mái, làm thơ và hút thuốc trong một căn phòng hẹp, có bày những chậu cảnh trồng cây ở miền núi cao. Trong một góc phòng, một con kappa cái (Tốc chủ trương sống chung tự do, không lập gia đình) đang ngồi đan, hay đang làm công chuyện gì đó của một người đàn bà kappa. Khi Tốc thấy tôi, không khi nào thiếu nụ cười trên môi (tôi phải thú thực rằng nụ cười của loài kappa không có vẻ gì là dễ chịu cả, ít ra từ đầu tôi thấy có vẻ đáng lo ngại): "Rất vui được ông lại chơi, xin mời ông ngồi trên cái ghế đó. "
Tốc thường kể cho tôi nghe về đời sống loài kappa, về nghệ thuật của loài này... Đối với Tốc, không có gì phi lý hơn là cuộc sống mà loài kappa cho là bình thường. Cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em, tất cả sống với niềm vui duy nhất là hành hạ lẫn nhau. Đặc biệt không có gì ngu đần hơn là cấu trúc gia đình ở đây.
Một hôm, Tốc đưa tay chỉ về phiá cửa sổ, nói như nhổ ra: Hãy nhìn này, thật là ngu xuẩn"
Trước cửa sổ, một con kappa đực còn trẻ, đang thở hổn hển kéo theo một đàn kappa cả nam lẫn nữ 7 hay 8 người, trong đó có lẽ có cả cha mẹ, đang đeo trên cổ gã. Nhưng khi tôi tỏ ra có cảm tình với con kappa trẻ về tinh thần hy sinh của gã và ca ngợi gã.
- Này, ông có đức tính để trở thành thị dân của xứ này đấy... À này, ông là người theo chủ nghĩa xã hội phải không?
Dĩ nhiên tôi trả lời "Qua " (theo tiếng kappa có nghiã là phải).
- Thế thì ông không do dự gì hy sinh một thiên tài cho trăm đứa tầm thường.
- Thế còn ông, ông theo chủ nghĩa gì? (có người nói với tôi là Tốc theo chủ nghiã vô chính phủ... )
- Tôi? Tôi là siêu nhân (dịch trưc tiếp đúng nghiã là siêu kappa) - Tốc hãnh diện trả lời.
Anh ta có quan niêm cá nhân về nghệ thuật. Theo anh ta, nghệ thuật phải không có ràng buộc. Nghệ thuật vị nghệ thuật. Một nghệ sĩ, trước hết phải là một siêu nhân, hoàn toàn không bị ràng buộc gì với luân lý.
Tôi phải thú thực rằng ý kiến này không phải riêng của anh ta. Hầu như tất cả những thi sĩ bạn bè của Tốc đều chia sẻ ý kiến này.
Tôi xin kể một dữ kiện để minh xác lời của tôi.
Tôi thường lui tới hội "siêu nhân" cùng với Tốc. Ở đó tụ họp thi sĩ, nhà soạn kịch, nhà phê bình, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà điêu khắc, và những nghệ sĩ nghiệp dư..., tất cả đều là những siêu nhân. Trong một căn phòng khách sáng trưng đèn điện, bọn họ truyện trò vui vẻ như thường lệ. Ngoài ra, bọn họ hãnh diện thích tỏ ra kiểu cách siêu nhân. Thí dụ, có một nhà điêu khắc đang nắm một kappa còn trẻ ở giữa những chậu cây dương xỉ to cổ quái và đang hăng hái làm động tác lắp đít. Một nữ văn sĩ, trèo lên trên bàn, muốn biểu diễn uống cho hết 60 chai rượu áp- sanh ( 12 ). Đến khi uống hết chai thứ 60, bà ta ngã lăn quay khỏi bàn, và tắt thở.
Vào một đêm trăng sáng tuyệt đẹp, tôi và Tốc khoác tay nhau trở về nhà từ câu lạc bộ của những siêu nhân. Trái vời thường lệ, Tốc mặt mày rầu rĩ, im lặng. Trên đường trở về, chúng tôi đi qua trước một khung cửa sổ nhỏ, soi sáng ; bên trong hai kappa, một nam một nữ- có vẻ là vợ chồng, đang ngồi ăn cơm tối quanh chiếc bàn với 2, 3 kappa nhỏ. Thấy cảnh tượng này, Tốc thở dài và đột nhiên nói với tôi:
- Thật ra, về tình yêu, tôi tự coi mình như là một siêu nhân. Nhưng khi nhin thấy cảnh gia đình như vậy, tôi cũng đâm ra ghen tị.
- Mà này, tôi hỏi Tốc- cậu không thấy cậu mâu thuẫn với chính mình hay sao?
Trong lúc đó, Tốc dứng im lặng dưới ánh trăng sáng, vẫn khoanh hai tay, qua khung cửa sổ nhỏ, nhìn vào cái bàn có 5 con kappa đang thanh thản dùng cơm tối. Sau một lát, anh ta trả lời tôi:
- Dù sao đi nữa, điã trứng tráng kia trông còn vệ sinh nhiều hơn là tình yêu.
 
6
Thật ra tình yêu ở loài kappa khác hẳn tình yêu của con người ta. Con kappa cái, khi thấy một con kappa đực vừa mắt, sẽ không chừa một thủ đoạn nào để bắt được con này. Cô nào thật thà nhất thì chỉ biết liều lĩnh đuổi theo con kappa đực. Chính mắt tôi thấy một con kappa cái đuổi theo một con kappa đực như điên như khùng. Lại nữa, không riêng cô mà cả cha mẹ lẫn anh em cô cũng tham dự trong cuộc rượt bắt này. Những con đực có một cuộc sống thật đáng thương hại! Ngay cả sau khi chạy trốn khắp nơi, và ngay cả nếu may mắn trốn thoát khỏi bị bắt, con đực cũng phải nằm liệt gìường trong 2 hay 3 tháng. Có lần tôi đang đọc tập thơ của Tốc tại nhà, thì anh chàng sinh viên Rapp thình lình chạy vào, ngã lăn trên sàn, vừa thở hổn hển vừa nói:
- Khiếp quá, tôi bị con mẹ đó nó ôm hôn!
Không mất một giây, tôi quẳng tập thơ, khóa ngay cửa. Qua lỗ khoá, tôi thấy một con kappa cái lùn tịt, mặt trét đầy phấn bột lưu huỳnh, đi qua đi lại trước cửa. Từ hôm đó, Rapp phải nằm trên giường tôi mất vài tuần lễ, Không những thế, cái mỏ của anh ta bị loét và sứt ra.
Thật ra, một đôi khi cũng có con đực ra sức rượt theo con cái. Nhưng, chính là con cái đã khéo léo hành động để con đực không thể cưỡng lại được ý muốn đuổi theo nó. Chính mắt tôi cũng có lần trông thấy một con đực đuổi theo con cái hết mình. Vừa chạy trốn, đôi lúc con cái ngừng lại nhìn, hình như lại cố ý không dấu diếm, bò 4 vó. Rồi tới lúc, con cái làm như kiệt sức, thị tự để bị bắt rất dễ dàng. Con đực, tôi nhìn thấy, lăn mình xuống đất trong một lúc, ôm siết con cái. Cuối cùng con đực đứng dậy Thất vọng? hối hận? tôi không thể tìm ra được tĩnh từ để tả đúng dáng khuôn mặt đáng thương của anh chàng lúc đó. Thật ra đó là còn tốt chán. Có lần tôi chứng kiến một kappa đực bé tí tẹo đang đuổi theo một con kappa cái, và như thường lệ, thị dở trò vừa chạy vừa dụ dỗ khiêu khích. Đúng lúc đó, ở phiá bên kia đường, một con kappa đực cao lớn như hộ pháp đang cáu kỉnh ầm ừ bằng mũi đang tiến về phiá hai đứa. Khi con kappa cái trông thấy con này, thị hét to với giọng lanh lảnh:
- Cứu tôi! Cứu tôi! con kappa này muốn giết tôi!
Dĩ nhiên kappa hộ pháp túm con kappa nhỏ, dúi xuống đất giữa đường. Con kappa nhỏ rung rung hai bàn tay chân vịt trong không hai ba cái rồi tắt thở. Con kappa cái đã bám chặt vào cổ con kappa hộ pháp, nhoẻn miệng cười lẳng lơ.
Tất cả những con kappa đực tôi quen biết đều bị kappa cái săn đuổi. Ngay cả Bag, đã có vợ con, cũng không thoát được cái thông lệ này, thậm chí ông ta còn bị bắt 2 hay 3 lần. Riêng có Mag, nhà triết học (người hàng xóm của Tốc) chưa bao giờ là nạn nhân của một cuộc săn đuổi nào. Có lẽ vì ông ta quá xấu trai. Ngoài ra ông ở trong nhà suốt ngày, giam mình như trong nhà tu kín. Tôi thường tới thăm ông ta để trò truyện. Mag lúc nào cũng đọc những sách dầy cộm trong phòng thiếu ánh sáng, trên một cái bàn chân cao, dưới một ngọn đèn che kính 7 mầu. Với Mag, một hôm tôi đề cập tới vấn đề tình yêu của loài kappa.
- Vì lý do gì mà chính phủ không ra luật nghiêm cấm chuyện phụ nữ đuổi bắt nam giới?
- Một trong những lý do là kappa cái chỉ là thiểu số trong guồng máy nhà nước. Kappa cái ghen tuông mạnh hơn kappa đực. Nếu số kappa cái tăng lên trong chính quyền thì có thể kappa đực ít ra không bị theo đuổi như hiện tại. Nhưng kết quả cũng chẳng được bao lăm. Cứ thử nghĩ mà xem, ông thừa biết cùng là đồng nghiệp công chức, kappa cái cũng rượt theo kappa đực là gì?
- Ư ông muốn nói là sống một cuộc sống như ông hiện nay thật là sung sướng nhất, có phải không?
Đến đó, Mag đứng dậy khỏi ghế, siết chặt hai tay tôi, thở dài trả lời:
- Bởi vì ông không phải là kappa như chúng tôi, đương nhiên là ông không hiểu. Thật ra, ngay cả với tôi đây, đôi lúc cũng muốn được những con kappa cái hung dữ ấy rượt bắt đấy chứ.
 
7
Đôi khi tôi đi nghe hoà nhạc với thi sỹ Tốc. Buổi nghe hoà nhạc lần thứ ba vẫn còn ghi khắc trong trí nhớ tôi. Thật ra phòng hoà nhạc cũng chẳng khác gì phòng hoà nhạc ở Nhật. Trên những chỗ ngồi xoai xoảỉ thấp dần xuống, ba bốn trăm kappa, đực, cái, mỗi người cầm trong tay tờ chương trình, và đều chăm chú lắng tai. Vào buổi hoà nhạc lần thứ ba, tôi ngồi ở hàng ghế đầu với thi sỹ Tốc, con kappa cái của y và triết gia Mag. Sau phần trình diễn sô- lô bằng violoncelle, một kappa mắt nhỏ ti hí một cách lạ thường, tay kẹp bản nhạc, lững thững bước lên bục. Không cần coi chương trình, ai cũng biết đó là nhà soạn nhạc danh tiếng Craback. Vì ông ta cũng là hội viên của câu lạc bộ Siêu nhân cùng với Tốc nên tôi cũng biết mặt. Lied- Craback (Ca khúc- Craback, ở xứ này cũng vậy, thông thường, chương trình bằng tiếng Đức). Craback cúi chào chúng tôi sau khi nhận tràng pháo tay, yên lặng đi về phiá đàn dương cầm, và bắt đầu dạo một khúc sáng tác của mình, cũng như mọi khi với dáng điệu ung dung. Theo chính lời nói của Tốc thì Craback là một thiên tài trong xứ từ trước đến sau, trong những nhạc sĩ còn sống cũng như đã qúa cố. Tôi để ý đến ông ta không những về nhạc, mà cả về thơ phú, thú say mê của ông, nên lắng tai nghe tiếng nhạc thoát ra từ cây đàn dương cầm lớn. Về phần Tốc và Mag, hai người này còn say mê hơn tôi. Nhưng trái với những thính giả khác, con kappa cái của Tốc, theo lời những con đực kappa thì bà ta là một người đẹp, lại vò tờ chương trình trong tay, đôi lúc lại thè cái lưỡi dài như tỏ vẻ khó chịu. Theo lời Mag thì cô nàng, 10 năm trước đây đã không săn đuổi được Craback, và còn căm thù ông nhạc sĩ này. Craback vẫn tiếp tục say sưa gõ trên phím đàn như thể đang chiến đấu với cây đàn dương cầm. Bỗng từ phía trên, qua phòng nhạc, một tiếng hét vang lên như tiếng sấm: Buổi hoà nhạc bị cấm! Ngạc nhiên, tôi quay lại nhìn về đằng sau, và tôi không lầm. Đó là một viên cảnh sát cao lớn ngồi ở hàng cuối cùng vừa thốt ra những lời ấy. Đúng lúc tôi ngoảnh lại, viên cảnh sát điềm nhiên tại chỗ lại hét lớn hơn:
- Buổi hoà nhạc bị đình chỉ.
Rồi.. sau đó là hỗn loạn. "Cảnh sát chuyên chế" "Craback, cứ chơi đi " Chơi đi!! Tiếp tục. Đồ ngu! Súc sinh! Cút đi! Đừng bỏ cuộc!
Và giữa những tiếng kêu, tiếng chửi rủa, những hàng ghế bị lật đổ, những tờ chương trình bay khắp nơi, và chẳng ai biết người nào quẳng như mưa- vỏ chai rượu táo, những hòn đá, cả những miếng dưa chuột ăn thừa. Thật ngạc nhiên, tôi đang định hỏi Tốc tại sao về tất cả chuyện này, nhưng Tốc dường như cũng bị khích động, đứng trên ghế, không ngừng hét lớn:
- Craback, chơi đi, chơi đi.
Đến ngay cả con kappa cái của Tốc, như thể đột nhiên quên chuyện thù hằn cũ, cũng la lớn như Tốc:
- Cảnh sát chuyên chế!
Tôi đành quay sang hỏi Mag:
- Chuyện gì thế?
- Chuyện này? Thường xẩy ra ở xứ chúng tôi như cơm bữa. Thí dụ như về tranh hay văn học...
Cố giữ bình tĩnh, ông rụt cổ trong hai vai mỗi lần thấy vật gì bay về phiá mình, Mag giải nghiã cho tôi:
-... Thí dụ như về tranh hay văn học thì ý nghiã rõ như ban ngày đối với mọi người, nên ở xứ này không cấm đoán bán hay triển lãm hai thứ này. Nhưng tuy nhiên về âm nhạc, chúng tôi lại có chuyện cấm trình diễn.. Như ông biết, về âm nhạc, dù có bại hoại phong hóa đến đâu thì cũng như đàn gẩy tai trâu đối với một kappa không có tai thẩm âm.
- Thế thì người cảnh sát này có tai thẩm âm?
- À đấy còn là vấn đề. Có lẽ giai điệu ông ta nghe làm ông ta nhớ đến tiếng tim đập khi ông ta làm tình cùng bà vợ.
Trong lúc đó, cuộc ẩu đả càng trở lên hỗn loạn. Craback ngồi trước đàn dương cầm, đưa mắt nhìn xấc xược về phía thính giả. Nhưng thái độ kiêu kỳ của ông cũng không ngăn được những vật ném tới ông, và cứ hai hay ba giây, ông lại phải cúi rạp xuống. Cuối cùng, ông ta cũng giữ được nhân cách của một nhạc sĩ vĩ đại, và đôi mắt ti hí hừng lên những tia sáng man dại.
Còn tôi? Dĩ nhiên để tránh tất cả mọi nguy hiểm, tôi nấp sau Tốc, nhưng cũng vẫn tiếp tục câu chuyện hào hứng với Mag.
- Cấm đoán như vậy thật vô lý.
- Hả? như thế là còn tiến bộ nếu đem so với bất cứ nước nào. Thí dụ như trường hợp xx, cách đây cũng không lâu, khoảng một tháng...
Ông ta vừa mới nói đến tiếng đó thì một cái vỏ chai rơi trúng vào đỉnh đầu. Quack!! ông ta thốt lên. (Đó chỉ là một lời than)- rồi ông ta ngất đi.
 
8
Tôi đặc biệt có cảm tình với ông Gaêl, giám đốc nhà máy làm thủy tinh. Ông là một nhà đại tư bản trong những nhà tư bản. Trong tất cả những kappa tại xứ này, không có ai có cái bụng phệ như ông. Nhưng khi ông ta ngả người trên cái ghế bành, xung quanh quây quần một bà vợ giống như trái vải và những đứa con giống như những quả dưa chuột, ông ta đúng là hiện thân của một kappa hạnh phúc. Đôi lúc tôi cùng quan toà Pep hay bác sỹ Chak dự những buổi cơm tối tại nhà ông Gaêl. Ngoài ra, nhờ thư giới thiệu của ông Gaêl, tôi đã đi thăm một vài xưởng máy mà ông ta và các bạn bè quen thuộc có quan hệ. Trong những xưởng này, xưởng của công ty chế tạo sách khiến tôi chú ý nhất. Tôi được một kappa trẻ hướng dẫn, một kỹ sư của nhà máy này. Tôi hoàn toàn kinh ngạc, thán phục sự tiến bộ về kỹ nghệ cơ khí của xứ kappa trước một cái máy đồ sộ chạy bằng năng lực thủy điện. Người ta nói rằng xưởng này sản xuất hàng năm 7 triệu cuốn sách. Con số này cũng không làm tôi ngạc nhiên. Cái làm tôi ngạc nhiên là với một số lượng sản xuất đồ sộ như vậy mà hầu như không cần đến nhân công. Vì để chế tạo những sách này, chỉ cần đổ vào trong miệng có hình cái phễu của một cái máy, giấy, mực và một chất bột mầu xám, Sau khi những nguyên liệu cần thiết này bỏ vào trong máy, chỉ cần chờ vào khoảng 5 phút là ra đủ loại sách dưới nhiều khổ khác nhau: khổ 8 (13), khổ 12 (14), khổ 16 ( 15)... Nhìn những cuốn sách này rơi ra như thác nước, tôi hỏi người kỹ sư kappa đang đứng gần đó, dáng điệu kiêu hãnh, chất bột xám là gì. Bất động, đứng trước cái máy đen bóng loáng, y trả lời với vẻ hờ hững:
- À, đó là óc lừa. Trước hết được sấy khô xong nghiền thành bột. Giá hiện tại là hai hay ba xu một tấn.
Dĩ nhiên, những điều kỳ diệu về kỹ nghệ không chỉ giới hạn ở khâu sản xuất sách. Đến ngay cả ngành xuất bản tranh ảnh hay bản nhạc đều như vậy cả. Đúng vậy, cứ như theo lời ông Gaêl thì trong xứ này số máy mới được phát minh mỗi tháng vào khoảng bảy tám trăm chiếc, và tất cả mọi ngành đều sản xuất rất nhanh và hàng loạt mà không cần xử dụng đến công nhân. Điều này, theo lời kỹ sư, dẫn tới chuyện sa thải công nhân vào khoảng 4, 5 chục nghìn người hay hơn nữa. Nhưng dù có chuyện như thế đó, tôi chưa bao giờ đọc thấy chữ đình công ở trên những tờ báo phát hành buổi sáng. Băn khoăn về điều này, trong một bữa cơm tối được mời như thường lệ tại nhà ông Gaêl cùng với Pep và Chak, tôi hỏi họ về chuyện này.
- Tại vì chúng tôi chén hết.
Ông Gaêl trả lời với một giọng bình thản, điếu xì gà sau bữa ăn ngậm trên môi. Nhưng chữ "chén" làm tôi khó hiểu. Vì vậy, Chak đeo cái kính kẹp, khi thấy tôi có vẻ ngần ngừ, chen vào giải thích:
- Tất cả công nhân đều bị giết để lấy thịt. Thử liếc tờ báo này xem. Tháng này có đúng sáu mươi bốn ngàn bẩy trăm sáu mươi chín nhân công bị sa thải, giá thịt sẽ hạ đi.
- Thế thì công nhân câm mồm mà chịu chết à?
- Cũng chẳng làm gì được, vì chúng tôi đã có "luật giết nhân công".
Đó là lời của ông quan toà Pep, đang nhăn mặt trước một cái bồn cây đào dại. Thú thật, tôi thấy trong thâm tâm khó chiụ. Nhưng Chak và Pep coi cái chuyện giết chóc này như thường tình. Vì thế Chak mới nói với tôi kèm theo một nụ cười có vẻ trêu chọc:
- Như vậy nhà nước mới ngăn được không biết bao nhiêu số người chết vì chết đói hay tự tử. Chỉ cần cho họ một chút hơi độc, và họ chẳng thấy đau đớn chi cả.
- Thế nhưng chén đến cả thịt họ...?
- Ông nói giỡn? Nếu mà Mag nghe được ông nói như vậy, y sẽ phá lên cười. Ở xứ ông, đàn bà thuộc giai cấp nghèo khó chẳng phải bắt buộc đi làm đĩ hay sao? Căm phẫn vì người ta ăn thịt bọn công nhân thì cũng chỉ là đặt nặng vấn đề tình cảm.
Gaêl theo dõi cuộc đối thọai, nhìn đĩa bánh xăng- uýt trên bàn cạnh đó, mời tôi với giọng hờ hững:
- Cầm lấy, cầm lấy ăn một chiếc. Cũng làm bằng thịt công nhân đấy,
Tôi dĩ nhiên sững sờ. Không những chỉ có thế, bỏ lại sau tiếng cười của Pep và Chak, tôi chạy khỏi phòng khách nhà ông Gael. Đó là một đêm đầy giông bão, bầu trời không sao vươn lên trên những mái nhà. Trở về nhà trong bóng tối, tôi không ngừng nôn mửa. Những đồ nôn mửa chảy dài, trắng dã trong màn đêm dầy đặc...
 
9
Nhưng thật ra ông Gaêl, giám đốc xưởng thủy tinh, đúng là một kappa có lòng tốt. Đôi lúc tôi đi với ông tới câu lạc bộ của ông và có được những buổi tối thoải mái. Một trong những lý do là câu lạc bộ này hợp với tôi hơn là câu lạc bộ của những siêu nhân mà Tốc là thành viên. Và những lời trò chuyện của ông Gaêl tuy không sâu sắc như đề tài của triết gia Mag, nhưng mở cho tôi biết một thế giới hoàn toàn mới lạ, một thế giới bát ngát. Gaêl thường quấy tách cà phê với một cái muỗng bằng vàng ròng, kể cho tôi nghe những mẩu chuyện lý thú.
Vào một buổi chiều đầy mù sương dầy đặc, nếu tôi nhớ không lầm, tôi ngồi nghe Gaêl kể chuyện, ở giữa chúng tôi là một bình đầy hoa hồng mùa đông. Tôi còn nhớ rõ ràng là căn phòng trưng bầy theo lối Sécession (16), tất cả đồ đạc, bàn ghế đều mầu trắng, viền đường chỉ vàng. Gaêl, trên mặt thoáng một nụ cười vui hơn thường lệ, nói về nội các đảng Quorax, đảng đang nắm chính quyền vào thời đó. Chữ Quorax chỉ là một tán thán từ, chẳng có ý nghĩa gì hết, và người ta chỉ có thể dịch là "Oya" ( Chu choa ! ). Hãy để cái nguyên do này sang một bên, cứ coi rằng đó là một đảng chính trị với phuơng châm là "Vì lợi ích cho toàn thể kappa"
- Roppê, nhà chính trị gia nổi tiếng cầm đầu đảng Quorax. Ông còn nhớ lời nói của Bismarck: "Chân thật là đường lối ngọai giao tốt nhất" nhưng Roppê lại đưa chân thật làm chính sách đối nội...
- Thế nhưng bài diễn văn của Roppê...
- Hãy nghe tôi nói đây. Diễn văn của Roppê hoàn toàn là những lời dối trá. Nhưng vì mọi người ai cũng biết là láo, nên cuối cùng thì cũng chẳng phải không lương thiện. Có đúng không nào? Một trong những thành kiến của loài người các ông là tuyên bố cứ diễn văn là láo tất. Chúng tôi, loài kappa, khác với loài ngưới các ông... Nhưng thôi, hãy xếp chuyện ấy qua một bên. Không có gì quan trọng cả. Tôi muốn nói về Roppê. Ông ta chỉ huy đảng Quorax, nhưng Quiqui, giám đốc tờ báo Pou- Fou, giật dây Roppê. ( Cái từ Pou- Fou, cũng vậy, là một thán từ không có nghĩa chi cả. Nếu nhất định muốn dịch cho bằng được, thì người ta cũng chuyển ngữ bằng một tán thán từ: Ối ôi ! ). Và Quiqui, y cũng vậy, cũng không phải là chủ nhân ông của chính y. Người điều khiển y lại chính là Gaêl, kẻ đang ở trước mặt ông đây.
- Nhưng, tôi vội ngắt lời- xin lỗi ông; có lẽ tôi khí tò mò, nhưng tờ báo Pou- Fou ủng hộ công nhân kia mà. Cái chuyện ông giám đốc Quiqui lại dưới ảnh hưởng của ông...
- Nhân viên ban biên tập của tờ Pou- Fou dĩ nhiên ủng hộ công nhân. Nhưng người điều khiển bọn ký giả không ai khác hơn là Quiqui. Và Quiqui không thể thiếu sự ủng hộ của tôi. Ông Gaêl nói thêm.
Ông Gaêl luôn tươi cười, nghịch với cái muỗng bằng vàng ròng. Khi nghe ông ta nói như vậy, tôi có ý đồng tình với những ký giả tờ Pou- Fou hơn là thấy ghen ghét ông Gaêl.
Trước sự im lặng của tôi, Gaêl cũng nhận thấy sự đồng tình với họ nơi tôi. Ưỡn cái bụng phệ, ông ta tiếp:
- Nhưng tất cả ký giả tờ Pou- Fou không phải về phe công nhân. Nghiã là, dân kappa chúng tôi trước khi ủng hộ bất cứ ai, tự ủng hộ chính mình trước đã; Ông thấy chứ... Nhưng có chuyện rầy rà là ngay Gaêl này cũng bị người khác điều khiển. Theo ông thì ai nắm quyền hành này? Tôi bị nắm bởi bà vợ tôi... Bà Gaêl mỹ miều...
Gaêl phá lên cười lớn.
- Như vậy chẳng hơn không? Thật ra tôi rất sung sướng. Nhưng chuyện này ở giữa chúng ta, tôi chỉ có thể thổ lộ cho một mình ông thôi, vì ông không phải là dân kappa.
- Thế thì nội các đảng Quorax được điều khiển bởi bà Gaêl?
- Ông muốn bảo thế cũng được... Nhưng phải công nhận là chiến tranh xẩy ra cách đây 7 năm bắt nguồn từ một mụ kappa.
- Chiến tranh? xứ này mà cũng đã trải qua chiến tranh?
- Dĩ nhiên! và ngay cả chẳng ai biết trong tương lai chiến tranh sẽ xẩy ra hay không. Vì khi nào chúng tôi còn có những xứ láng giềng...
Và tôi mới hay là xứ kappa không chỉ có một mình trên trường quốc tế. Theo lời giài thích của ông Gael thì loài kappa coi loài rái cá như kẻ thù thực sự. Và theo lời đồn thì trang bị vũ khí nặng của loài rái cá cũng hoàn hảo không thua gì loài kappa. Tôi cũng khá lưu tâm đến nguyên do loài kappa có xích mích với loài rái cá trong chuyện tranh chấp. Tôi xin ghi lại đây là sự hiện diện của loài rái cá như là kẻ thù của loài kappa không những chưa được đề cập đến bởi tác giả cuốn Suiko Koryaku (Thủy Hổ Khảo Lược), mà ngay cả với Yanagida Kunio (Liễu Điền Quốc Nam)(17 ) tác giả cuốn Santou Mintanshu (Sơn Đảo Dân Đàm Tập, tuyển tập truyện dân gian của dân tộc miền núi và đảo).
- Trước khi có tuyên bố chiến tranh, Gaêl bắt đầu kể, hai xứ rình rập, để ý nhau, vì bên này cũng sợ bên nọ. Lúc đó có một con rái cá đi thăm cặp vợ chồng kappa. Con kappa cái đã rắp tâm từ lâu muốn loại người chồng vì y là một tên dâm đãng, ông có biết không? Lại nữa, số tiền bảo hiểm sinh mạng của y càng thúc đẩy người vợ tiến hành ý đồ.
- Ông có quen biết cặp vợ chồng này không? tôi hỏi Gaêl.
- Không.. nhưng... tôi có biết ông chồng, một mình y thôi. Theo lời vợ tôi thì y là một tên vô lại. Nhưng nếu ông cho phép tôi đưa ý kiến riêng của tôi... tôi nghĩ rằng y còn hơn là một tên vô lại, y là một bênh nhân tâm thần, lúc nào cũng lo sợ bị đàn bà đuổi bắt. Vào lúc ấy, con kappa cái bỏ thạch tín vào tách chocolat của người chồng, nhưng không hiểu lầm lộn thế nào mà thị lại đưa cho con rái cá, là khách, uống. Con rái cá chết và...
- Sau đó chiến tranh bùng nổ?
- Chẳng may, đó là một con rái cá được huân thưởng.
- Bên nào thắng?
- Xứ tôi, dĩ nhiên.! Ba trăm sáu mươi chín ngàn năm trăm kappa đã bỏ thây nơi chiến trường. Nhưng số tổn thất này so với số tổn thất của bên địch thì không thấm vào đâu cả. Một phần lớn những da thú ở xứ này đều là da rái cá. Trong chiến tranh, ngoài chuyện chế thủy tinh ra, tôi còn chuyên chở cứt sắt ra chiến trường.
- Nhưng người ta dùng cứt sắt để làm gì? tôi tò mò hỏi.
- Để làm thực phẩm, dĩ nhiên. Chúng tôi, loài kappa khi đói, chúng tôi ăn tất cả những gì người ta đưa cho.
- Điều này... ông chớ giận! Cứt sắt cho những kappa ở mặt trận... Nếu ở xứ tôi sẽ thành một xì căng đan.
- Ở xứ này cũng vậy, cũng chẳng khác gì mấy. Nhưng một khi chính tôi đã chấp nhận, chẳng ai còn coi đó là một xì căng đan cả. Ông triết gia Mag đã từng nói: "Tự bạn thú tội lỗi, tội lỗi sẽ tiêu tan. " Còn tôi, ngoài chuyện vụ lợi cá nhân, còn là vì lòng nhiệt tâm ái quốc.
Đúng lúc đó, một nhân viên trong câu lạc bộ đi về chỗ chúng tôi. Sau khi chào ông Gaêl, y nói như đọc thuộc lòng một bài học:
- Cái nhà bên cạnh nhà ông bị cháy.
- Cháy - cháy!
Gaêl chồm dậy kinh ngạc. Dĩ nhiên tôi cũng đứng dậy. Nhưng tên bồi tiếp theo, vẫn với giọng điềm đạm:
- Nhưng lửa đã bị dập tắt.
Khi nhìn tên bồi đi khỏi, gương mặt Gaêl như nửa cười nửa khóc. Quan sát gần mặt, tôi cảm thấy tình cảm tởm ghét đối với ông chủ hãng thủy tinh nhóm lên trong lòng. Nhưng Gaêl đã trở lại như một con kappa bình thường, chẳng có gì là một nhà đại tư bản. Rút từ bình một đóa hoa hồng mùa đông, tôi đưa cho ông ta:
- Mặc dù lửa đã được dập tắt, bà nhà chắc phải qua một phen sợ hãi. Xin ông cầm đóa hoa này và hãy về nhà đi.
- Cám ơn ông.
Gaêl siết chặt bàn tay tôi, rồi tự nhiên cười, thì thầm với tôi:
- Cái nhà bên cạnh là nhà của tôi cho thuê. Ít ra tôi cũng lãnh tiền bồi thường bảo hiểm hỏa hoạn.
Tôi còn nhớ lại rõ ràng nụ cười của Gaêl vào lúc đó. Nụ cười mà tôi không biết phải khinh hay ghét.
10
- Có chuyện gì vậy? Hôm nay cậu trông có vẻ buồn thảm thế?
Đấy là ngày sau hôm có đám cháy, miệng phì phèo thuốc lá, tôi hỏi Rapp, anh sinh viên đang ngồi ghế trong phòng khách nhà tôi. Thật vậy, anh ta chân trái gác chéo lên chân phải, mắt nhìn thẳng xuống sàn, gập thấp ngưới về đằng trước đến nỗi tôi không thấy cái mỏ bị loét của anh ta.
- Rapp, cậu có chuyện gì vậy?
- Để tôi yên. Chẳng có gì cả.
Cuối cùng cậu ta ngửng đầu, và nói với một giọng mũi buồn thiu:
- Hôm nay khi nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi thì thầm không dụng ý đặc biệt: " A, cây hoa tím bắt trùng hôm nay nở hoa ". Em gái tôi lúc đó, tự dưng thay đổi sắc mặt, lớn tiếng: " Phải rồi, tôi là hoa tím bắt trùng mà ! " Vì cô em tôi là cục cưng của bà mẹ, nên bà định cắn tôi.
- Tại sao hoa tím bắt trùng ra hoa lại làm em cậu nổi giận?
- Có lẽ nó động lòng nghĩ có liên hệ đến việc nó đi săn kappa đực. Lúc đó, một bà cô sẵn mối bất hoà với mẹ tôi nhẩy vào nói và cuộc tranh cãi càng ngày càng lớn. Tệ hơn nữa, ông bố tôi say sưa suốt năm, nghe được chuyện này, lại tát tất cả mọi người chẳng chừa ai. Không những thế, trước khi chúng tôi giảng hoà thì thằng em tôi lại đi khỏi với cái ví tiền của mẹ tôi để coi xi- nê hay gì đó. Tôi... tôi thật...
Rapp dấu mặt trong hai bàn tay, khóc nức nở, chẳng nói thêm gì được một tiếng nào.
Dĩ nhiên tôi cảm động, và dĩ nhiên tôi chợt nhớ đến thái độ khinh miệt của thi sĩ Tốc đối với chế độ phụ quyền. Vỗ nhẹ lên vai Rapp, tôi khích lệ anh chàng:
- Ở đâu cũng như vậy cả, cậu đừng có nản.
- Nhưng... nếu cái mỏ của tôi không bị loét..
- Cậu phải quên quách cái chuyện này đi! Nào, chúng ta đến nhà Tốc chơi.
- Tốc sẽ chế nhạo tôi. Tôi không thể bỏ gia đình một cách thẳng thừng như Tốc được.
- Thế thì chúng mình tới nhà Craback.
Từ bữa hoà nhạc, tôi trở thành bạn thân của Craback. Rốt cục, tôi cũng kéo được Rapp lại nhà ông đại nhạc sĩ. Craback sống một cuộc đời xa hoa hơn Tốc. Không có nghiã là giống như cuộc sống của nhà tư bản Gaêl. Chỉ là căn phòng trưng bày đầy những thứ sưu tập lẩm cẩm như tượng nhỏ xứ Tanagra (18), đồ sứ BaTư, nơi ông ta hay ngồi trên chiếc trường kỷ kiểu Thổ Nhĩ Kỳ dưới bức họa chân dung của chính mình và lúc nào cũng thấy đang chơi đùa với lũ con. Nhưng hôm ấy, không hiểu lý do tại sao, hai tay khoanh trước ngực, ông ngồi với vẻ khó chiụ. Và dưới chân vất la liệt những mẩu giấy. Rapp chắc đã từng gặp Craback cùng với thi sỹ Tốc. Nhưng vì ngạc nhiên bởi thái độ của ông ta, nên chỉ cúi đầu lễ phép chào rồi im lặng ngồi trong một góc phòng.
- Có chuyện gì vậy cậu Craback? tôi hỏi nhà đại nhạc sĩ thay lời chào.
- Có chuyện gì? Những lời bình luận ngu xuẩn. Bọn chúng nói là những bài thơ trữ tình của tôi không bằng thơ của Tốc.
- Nhưng cậu là nhạc sĩ.
- Được rồi, cũng cho đuợc đi. Chúng lại còn nói là, so với Roc, tôi không đáng được gọi là nhạc sĩ.
Roc là một nhạc sĩ mà thiên hạ thường so sánh với Craback. Nhưng không may ông ta không là thành viên của hội siêu nhân, nên tôi không có cơ hội tiếp xúc. Tôi nhận ra ông ngay trên những tấm hình với khuôn mặt ranh mãnh và cái mũi quặp..
- Roc có thể là một thiên tài. Nhưng âm nhạc của ông ta thiếu tính chất đam mê đặc biệt hiện đại bàng bạc trong âm nhạc của cậu.
- Cậu thành thật nghĩ như vậy sao?
- Tôi thề với cậu như vậy.
Lúc đó Craback vụt đứng dậy, cầm một cái tượng Tanagra, quẳng xuống sàn nhà vỡ tan.. Rapp trông có vẻ sợ hãi, hét lên một tiếng gì lạ, định chạy khỏi đó, nhưng Craback, dùng tay ra hiệu cho hai chúng tôi chớ sợ, lần này lạnh lẽo tuyên bố:
- Tại vì giống như bọn kappa phàm tục kia, ngay cả cậu cũng không có tai. Tôi e rằng Roc...
- Cậu? Xin cậu đừng có làm bộ khiêm nhượng..
- Ai nói là làm bộ khiêm nhượng? Khác hẳn. Trước hết, có lợi ích gì nhún mình trước mặt các cậu? Thà tôi nhún trước bọn phê bình gia. Tôi đây... Craback, tôi là một thiên tài. Trên bình diện đó, tôi không sợ Roc.
- Như vậy, cậu sợ điều chi?
- Sợ một vài điều huyền bí... có thể nói là ngôi sao bản mệnh của Roc.
- Tớ không hiểu rõ cho lắm.
- Nói ra, chắc cậu sẽ hiểu, số là Roc hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của tôi. Nhưng ngay tôi, chính mình cũng không rõ, lại chịu ảnh hưởng của y.
- Chắc là do cường độ nhạy cảm của cậu...
- Xin cậu nghe đây. Điều này chẳng có liên quan gì đến chuyện nhạy cảm. Roc lúc nào cũng yên tâm làm những điều chỉ có y mới có thể làm; trong khi đó tôi cứ bực dọc không yên. Dưới mắt Roc, cái khác nhau đó có thể chỉ là một bước thôi, nhưng đối với tôi chuyện này khác nhau cả 10 dặm.
- Nhưng bản Anh hùng khúc của tiên sinh... Rapp mở miệng nói.
Craback càng khép nhỏ lại đôi mắt lươn ti hí, nhìn Rapp với vẻ bất bình:
- Cậu im đi! Cậu có hiểu gì đâu? Tôi hiểu rõ Roc hơn cả những con chó quì mọp dưới chân y.
- Thôi đi, bình tĩnh lại một chút nào.
- Phải chi tôi giữ bình tĩnh được... Tôi luôn luôn suy nghĩ như thế tưởng tượng... Kẻ mà chúng ta không biết, để chế nhạo tôi, Craback, đã đặt Roc chắn trước mặt tớ. Triết gia Mag đã hiểu hết những chuyện này. Không biết bằng cách nào chứ ông ta chỉ biết chúi đầu vào những cuốn sách cũ, dưới ngọn đèn mầu.
- Tại sao?
- Cậu nên tìm đọc cuốn sách mới nhất của ông ta: "Lời một thằng ngốc. "
Craback đưa, hay đúng ra là quẳng cho tôi một cuốn sách. Rồi hai tay lại khoanh trước ngực, lạnh lùng tuyên bố:
- Hôm nay đến đây thôi, xin lỗi hai người!
Tôi và Rapp, cả hai tiu nghỉu đi ra ngoài đường. Trên phố nhộn nhịp người qua lại, hai bên đường trồng hai hàng cây đoạn, dưới bóng cây là những cửa hàng đủ loại. Chúng tôi im lặng bước đi lang thang. Chúng tôi thấy Tốc, thi sĩ với mái tóc dài, đang đi về phía chúng tôi. Anh ta thấy chúng tôi, lấy chiếc khăn mùi soa từ trong cái túi trước bụng ra, lau trán nhiều lần.
- Ồ, lâu ngày bọn mình không gặp nhau... Anh ta nói với chúng tôi. Tôi định đi tới thăm Craback sau một thời gian dài vắng mặt.
Muốn tránh cho hai nghệ sĩ khỏi cãi nhau, tôi nói quanh co cho Tốc hay là Craback đang có chuyện bực mình
- Thế hở, thế thì tôi không đi nữa làm chi. Vì ông ta đang ở tình trạng suy nhược thần kinh. Tôi cũng vậy, tôi cũng bị bệnh mất ngủ từ hai, ba tuần nay.
- Hay là đi tản bộ với chúng tôi?
- Ồ không, ngày hôm nay tôi không muốn đi với các ông. Ô... trời ơi !
Với tiếng kêu, Tốc níu tay tôi. Cả người anh ta toát ra mồ hôi lạnh.
- Có chuyện gì vậy ?
- Không có gì cả. Tôi có cảm giác một con khỉ xanh thò cái đầu ra khỏi cửa cái xe hơi kia.
Tôi lo lắng, đề nghị anh ta đến cho ông bác sỹ Chak khám bệnh. Mặc dù tôi thúc giục, anh ta vẫn từ chối. Thêm vào nữa, anh ta lần lượt nhìn mặt hai đứa tôi với vẻ nghi ngờ, cuối cùng thốt ra:
- Thề với các cậu là tôi không phải là tên vô chính phủ. Xin hai cậu nhớ lấy điều này. Thôi xin chào hai cậu. Còn Chak hả, tôi đếch cần.
Đứng thẫn thờ như trời trồng, chúng tôi nhìn Tốc đi khỏi. Chúng tôi ? không, không còn là chúng tôi nữa, vì anh sinh viên Rapp, tôi không biết từ lúc nào, đầu cúi xuống, hai chân dạng ra đứng giữa đường, đang nhìn ngược qua háng xe cộ và khách bộ hành đi lại không ngừng. Tưởng anh chàng kappa đang lên cơn điên, tôi nâng anh ta dậy, hốt hoảng:
- Đừng có dở trò điên. Cậu đang làm gì vậy ?
Nhưng, lấy tay dụi mắt, và với một giọng tỉnh queo không ngờ, cậu ta trả lời tôi:
- Ồ, chẳng có gì. Tôi buồn đến độ muốn thử nhìn thế gìới ngược lại. Nhưng cũng như vậy cả.
11
Sau đây là một vài đọan trích từ cuốn Lời một thằng ngốc của triết gia Magg:
- Kẻ điên luôn luôn tưởng những người khác là điên.
- Lòng yêu thiên nhiên của chúng ta xuất phát, một phần, từ sự việc thiên nhiên không thù ghét cũng như ganh tị với chúng ta.
- Cách sống khôn ngoan nhất là luôn sống phù hợp theo tập quán đương thời, nhưng đồng thời cũng khinh miệt chúng.
- Những điều chúng ta muốn hãnh diện về nó hơn cả là những điều chúng ta không có.
- Không ai phản đối việc cần thiết phá đổ thần tượng. Đồng thời không một ai từ chối trở lên một thần tượng. Nhưng chỉ có những ai được ân sủng của thần thánh như người điên, kẻ vô lại hay anh hùng mới có thể an tọa trên ngôi thần tượng. (Craback gạch dưới đọan này bằng móng tay)
- Tất cả những tư tưởng cần thiết cho đời sống chúng ta đã được phát biểu hết cả từ 3000 năm trước đây. Chúng ta không làm gì hơn được thêm là nhóm một ngọn lửa mới với những thanh củi cũ.
- Một trong những đặc điểm của chúng ta là chúng ta có thói quen vượt lên trên sự hiểu biết riêng của mình.
- Nếu như hạnh phúc đi đôi với khổ đau và hoà bình đi đôi với nỗi buồn chán ?..
- Bào chữa cho chính mình khó khăn hơn là bào chữa cho những kẻ khác. Ai nghi ngờ hãy nhìn mấy trạng sư.
- Kiêu ngạo, dâm ô, hoài nghi. Tất cả những thói xấu từ 3000 năm nay bắt nguồn từ ba điều đó. Có lẽ tất cả những đức tính cũng vậy.
- Bớt đi những mơ ước vật chất không hẳn mang lại thanh thản. Để có được sự thanh thản chúng ta còn phải bớt đi những mơ ước tinh thần. (Craback cũng gạch đọan này bằng móng tay).
- Chúng ta đau khổ hơn loài người. Vì chúng không tiến hóa bằng loài kappa. (Khi tôi đọc đọan này, tôi không khỏi phì cười)
- Thực hiện được là có thể thực hiện... Có thể thực hiện là thực hiện được. Cuối cùng, cuộc đời chúng ta không thoát được cái vòng luẩn quẩn đó... nói khác đi, cuộc đời luôn luôn bất hợp lý.
- Baudelaire sau khi trở lên lẩm cẩm, đã gói ghém nhân sinh quan của mình trong 1 chữ: "cái lồn". Thế nhưng không nhất thiết điều ông nói ra ở đây giúp cho ta biết thế nào về ông. Thật ra, khi quá tin vào thiên tài của mình, vào thiên tài văn thơ đã nuôi sống được mình, ông ta đã quên chữ "bao tử" (tới đọan này cũng vậy, có dấu móng tay của Craback)
- Nếu chúng ta dám sống một cuộc sống hoàn toàn dựa vào lý trí từ đầu đến cuối, thì đương nhiên chúng ta phải phủ nhận sự tồn tại của chính bản thân mình. Voltaire đã thần thánh hóa lý trí mà được hạnh phúc đến cuối đời, chứng tỏ loài người chưa được tiến hóa bằng loài kappa.
12
Sau đây là những gì đã xẩy ra vào một buổi chiều khá lạnh. Chán đọc Lời một thằng ngốc, tôi ra ngoài định đi thăm triết gia Mag. Trên đường, tại một góc đường vắng, tôi nhận ra một con kappa gầy như một con muỗi đang đứng dựa vào tường, và tôi không thể nào lầm được, đúng là con kappa đã chớp của tôi cây bút máy. Ta túm được nó rồi, tôi tự nhủ vậy. Tôi gọi người cảnh sát vạm vỡ tình cờ đi ngang qua đấy:
- Xin ông làm ơn hỏi tên kappa kia, y đã ăn cắp của tôi cây bút máy cách đây chừng một tháng.
Người cảnh sát, giơ cái gậy cầm trong tay phải (cảnh sát xứ này đeo một cây gậy bằng gỗ thủy tùng thay vì đeo gươm) gọi tên kappa của tôi.
- Ê này anh kia!
Tôi nghĩ tên kappa sẽ chạy trốn, nhưng với vẻ bình tĩnh không ngờ, y đi tới gặp người cảnh sát. Hơn nữa, y còn khoanh tay trước ngực, trâng tráo nhìn chúng tôi. Người cảnh sát không mảy may tức giận, rút từ trong cái túi trước bụng cuốn sổ, bắt đầu hỏi:
- Tên chi?
- Grukk
- Nghề nghiệp?
- Trước đây hai, ba ngày làm nghề phát thư.
- Được! Theo lời khai của ông này, anh ăn cắp của ông ta một cây bút máy?
- Đúng, cách đây chừng một tháng.
- Để làm gì?
- Tôi định cho đứa con làm đồ chơi.
Lần đầu tiên Người cảnh sát nhìn thẳng y, vẻ nghiêm nghị, hỏi tiếp:
- Thế đứa con của anh?
- Nó chết cách đây một tuần.
- Anh có giấy khai tử trên người?
Tên kappa gầy còm rút từ trong túi trước bụng một tờ giấy. Liếc nhìn tờ giấy, viên cảnh sát bật cười thích thú, vỗ vai y và nói:
- Được rồi, xin lỗi đã làm phiền anh.
Ngạc nhiên, tôi nhìn viên cảnh sát. Lúc đó, lẩm bẩm điều gì trong miệng, tên kappa gầy gò quay lưng đi khỏi. Cuối cùng trở lại với nỗi kinh ngạc, tôi hỏi viên cảnh sát:
- Tại sao ông không bắt giữ tên kappa đó?
- Vì y vô tội.
- Nhưng y đã ăn cắp cây bút máy của tôi.
- Để làm đồ chơi cho đứa con, có đúng không? Nay đứa trẻ đã chết. Nếu ông có điều gì thắc mắc, xin đọc điều khoản 1285 trong bộ hình luật của chúng tôi.
Đến đó y quay người đi, không chờ đến câu trả lời của tôi. Vì chẳng có thể làm gì hơn được, tôi đành đi về phía nhà triết gia Magg, mồm lẩm bẩm: "điều khỏan 1285... điều khỏan 1285". Ông triết gia Magg rất hiếu khách. Ngày hôm đó ở căn phòng lù mù của ông có mặt quan toà Pep, ông bác sĩ Chak, ông giám đốc hãng thủy tinh Gaêl, và khói thuốc bay lên dưới ánh đèn mầu. Sự hiên diện cùa quan toà Pep thật hợp đúng lúc cho tôi. Vừa mới đặt đít ngồi trên ghế, thay vì hỏi về điều khoản 1285, tôi hỏi ông Pep:
- Này Pep, xin ông thứ lỗi. Ở xứ này người ta không trừng trị những kẻ phạm pháp hay sao?
Pep, yên lặng rít một hơi dài điếu thuốc lá đầu mạ vàng, trả lời tôi như thể câu hỏi tôi không hay ho cho lắm:
- Dĩ nhiên chúng tôi trừng phạt, thậm chí còn dùng đến cả án tử hình.
- Nhưng cách đây một tháng, tôi...
Sau khi kể lại cho ông ta chuyện đã xẩy ra, tôi hỏi ông ta về điều khoản 1285 của bộ hình luật.
- Hừm, điều khoản đó được viết như sau: "Với tất cả những tội phạm, sau khi nguyên do của tội phạm này đã mất, phạm nhân sẽ không còn bị trừng trị". Trường hợp của ông, con kappa trong chuyện này, trước đó đã là cha của đứa bé, bây giờ không còn là cha nữa. Vì vậy tội phạm tự nhiên bị xóa đi.
- Thật là vô lý.
- Xin ông đừng có đùa. Thật ra đúng là vô lý khi lẫn lộn một con kappa đã là cha, với con kappa đang là cha. Theo bộ hình luật Nhật Bản, hai trường hợp này được coi như một chứ gì ! Đối với chúng tôi thì thật lố bịch. Hơ hơ hơ hơ?.
Pep nhả điếu thuốc và thoáng một nụ cười hờ hững. Chak, hoàn toàn xa lạ với thế giới luật gia, xen ngang vào trong câu chuyện, anh ta lấy tay chỉnh lại cái kính cặp, hỏi tôi:
- Này có án tử hình ở xứ Nhật không?
- Dĩ nhiên là có. Ở Nhật án tử hình xử bằng treo cổ.
Có lẽ ít hay nhiều không có cảm tình với Pep vì thái độ hờ hững lạnh nhạt của ông ta, tôi nhân cơ hội, trêu chọc ông ta:
- Ở xứ này án tử hình được xử theo lề lối văn minh hơn là ở Nhật?
- Điều này dĩ nhiên.
Pep còn tỏ ra hờ hững - ở xứ này người ta không dùng đến treo cổ, và rất ít khi dùng tới điện. Trong nhiều trường hợp, người ta cũng không dùng đến điện. Thường ra người ta chỉ cần gọi tội danh kẻ có tội.
- Và đủ để làm chết kappa?
- Dĩ nhiên. Hệ thần kinh loài kappa tế nhị hơn của loài người các ông.
- Phương pháp này không những chỉ áp dụng về án tử hình bởi luật pháp, mà ngay bọn giết người cũng dùng.
Gaêl, ông giám đốc hãng thủy tinh, cả người trở lên tím dưới ánh đèn mầu, phác một nụ cười khuyến khích.
- Thí dụ ngay cả tôi cũng suýt nữa thì chết vì cơn dồn tim vì hôm trước đây, khi nghe một ông xã hội chủ nghĩa nói tôi: "Ông là một thằng ăn cắp".
- Chuyện này thường xẩy ra luôn mà thiên hạ không rõ. Một ông trạng sư tôi quen cũng chết cùng một lý do.
Tôi quay mặt về phiá con kappa mới nói xen vào, triết gia Mag. Với nụ cười mỉa mai lúc nào cũng thấy trên môi, ông tiếp tục nói không nhìn ai:
- Con kappa trạng sư khi nghe ai gọi mình là "con ếch"... như ông biết ở xứ này, "ếch" có nghĩa là "man rợ ". Ngày lại ngày, y lặp đi lặp lại một câu hỏi:" Ta là ếch hay không là ếch? ", và y lăn ra chết.
- Thế thì cũng như tự tử...
- Phải biết rằng tên nào gọi kappa là một con ếch thì khi nói như vậy là cốt để giết con kappa. Nhưng theo ông, đó là tự tử à...?
Mag vừa mới dứt lời, thì bên kia bức tường của căn phòng - từ căn nhà của thi sĩ Tốc- có tiếng súng nổ vang, rung động không khí.
13
Chúng tôi chạy vội sang căn nhà Tốc. Một khẩu súng lục trong tay phải, phần trên đỉnh đầu máu đang trào ra, Tốc nằm ngửa giữa những chậu cây cảnh miền núi. Bên cạnh một con kappa cái, mặt vùi trong ngực Tốc, đang gào khóc. Tôi nâng bà ta dậy (bình thường, tôi không thích đụng đến lớp da lầy nhầy của kappa) và hỏi bả ta:
- Có chuyện gì vậy?
- Tôi chẳng hiểu chuyện gì xẩy ra. Hình như anh ấy đang viết cái gì đó. Và đột nhiên, anh ấy bắn vào đầu một phát. A... A... tôi biết làm sao đây hở trời? qur- r- r- r, qur- r- r- r- r (đấy là tiếng khóc của loài kappa).
- Tốc là một anh chàng ích kỷ. Ông giám đốc hãng thủy tinh Gaêl buồn rầu lắc đầu nói với ông quan toà Pep.
Nhưng ông quan toà chẳng mở miệng, đốt một điếu thuốc đầu mạ vàng. Tới lúc đó, Chak qùy gối để khám xét vết thương của Tốc, tuyên bố với năm người có mặt (thật ra là một người và bốn kappa) với dáng điệu của một vị bác sĩ:
- Đã quá trễ rồi... Tốc mắc bệnh đau dạ dầy kinh niên, và cũng chính là nguyên nhân đó khiến anh ta u uất.
- Anh ta đang viết điều gì vậy?
Triết gia Mag, lầm bầm trong miệng những lời này, và như để chứng minh cho lời độc thoại, ông ta nhặt một tờ giấy trên bàn. Tất cả (trừ tôi) đều nghển cổ để nhìn tờ giấy qua cái vai rộng của Mag.
Nào, ta hãy đứng dậy
Đi về phiá thung lũng, biên giới của thế gìới khổ đau, (19)
Đi về thung lũng này,
Nơi có những tường đá cao ngất
Suối nước trong
Và hoa của cỏ thơm toả mùi hương tuyệt diệu.
Quay lại nhìn chúng tôi, thoáng một nụ cười chua xót, Mag nói:
- Đây là bài phỏng theo bài của Goethe (20) bài ca về nàng Mignon. Thế thì theo tôi Tốc tự tử vì ý thơ cũng đã cạn.
Đúng lúc đó, tình cờ nhạc sỹ Craback cũng lái xe đến nhà Tốc. Chứng kiến cảnh này, Craback dừng một lát trước cửa, rồi đi về phiá chúng tôi, nói với Mag:
- Có phải đó là chúc thư của Tốc?
- Không, đấy là bài thơ chót của ông ta.
- Thơ?
Mag vẫn bình thản, đưa cho nhạc sĩ đầu tóc bù xù Crabach bài thơ của Tốc. Ông này không đưa mắt nhìn xung quanh, bắt đầu đọc.. Mải mê đọc, ông ta hầu như không trả lời câu hỏi của Mag:
- Ông nghĩ gì về cái chết của Tốc?
- Này... ta hãy đứng.. Tôi cũng vậy, không biết khi nào sẽ chết... về phiá thung lũng... biên giới của khổ đau...
- Nhưng mà ông cũng là một trong những bạn thân của Tốc?
- Bạn thân? Tốc lúc nào cũng cô độc.. Về phiá thung lũng, biên giới của thế giới khổ đau... Riêng Tốc, Ô, người tội nghiệp.! những tường đá cao ngất...
- Tội nghiệp?
- Suối nước trong... các ông có diễm phúc, tất cả các ông. Những bức tường đá cao ngất...
Mủi lòng vì con kappa cái không ngừng khóc, tôi nhẹ nhàng vòng tay quanh vai và dìu bà ta về cái trường kỷ trong một góc phòng. Ở đó một con kappa nhỏ chừng 2 hay 3 tuổi ngây thơ cười. Thay bà mẹ, tôi chơi với đứa trẻ và tôi cảm thấy mắt ươn ướt. Đấy là lần đầu tiên và duy nhất tôi đã khóc trong khoảng thời gian ở xứ này.
- Nhưng gia đình của con kappa ích kỷ này thật đáng thương nhỉ!
- Y có nghĩ gì đến gia đình sẽ ra sao sau khi y chết đâu.
Ông quan toà Pep đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, trả lời câu hỏi của nhà tư bản Gaêl. Đột nhiên giọng nói oang oang của Craback làm chúng tôi ngạc nhiên. Tay cầm bản thảo, ông ta nói đỏng:
- Được rồi, tôi sẽ viết một tang khúc tuyệt vời.
Nhạc sỹ, đôi mắt ti hí sáng lên, nhẹ bắt tay Mag và nhẩy bước ra cửa. Một đám đông kappa cùng xóm đã, dĩ nhiên, tụ tập trước cửa nhà Tốc, tò mò nhìn vào trong nhà. Craback đẩy những người này bên phải, bên trái để đi ra, và nhẩy lên xe. Và tiếng máy xe vừa nổ thì ông ta đã hầu như biến mất.
- Xin đừng có quá tò mò.
Ông quan toà Pep thay cảnh sát, đẩy đám kappa và đóng cửa lại. Và chắc nhờ thế mà yên lặng đột nhiên trở lại gian phòng. Trong bầu không khí yên lặng, giữa mùi máu của Tốc, lẫn với mùi thơm của hoa những cây miền núi, chúng tôi bàn về tang lễ cho người vừa mất. Chỉ riêng triết gia Mag, nhìn cái xác của Tốc, như trầm tư trong một giấc mộng. Vỗ vào vai ông ta, tôi hỏi:
- Cậu nghĩ gì vậy?
- Về cuộc đời của kappa.
- Cuộc đời kappa ra sao?
- Cuối cùng, loài kappa chúng tôi, có thể nói, để sống cho trọn cuộc đời kappa thì...
rồi Mag, không ít thì nhiều hơi bối rối, thì thào tiếp:
- Dù sao đi nữa, loài kappa chúng tôi tin vào một sức mạnh ở bên ngoài chúng tôi.
14
Vì câu nói của Mag mà dẫn tôi tới chuyện gợi ra những câu hỏi về tôn giáo. Là người duy vật, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến vấn đề này một cách nghiêm túc. Nhưng vào lúc đó, chắc xúc động về cái chết của Tốc, tôi bắt đầu suy nghĩ về quan niệm khái quát của loài kappa về tôn giáo. Tôi đặt vấn đề này với anh chàng sinh viên Rapp:
- Chúng tôi có Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Bái hỏa giáo ( 21 ) và những đạo khác. Tuy nhiên đạo mạnh nhất là "Cận Đại Giáo ". Người ta cũng gọi là "Sinh Hoạt Giáo "(Đạo Sống) có lẽ danh từ sinh hoạt giáo cũng không được chỉnh lắm. Từ này bắt nguồn từ chữ quemoocha, trong từ đó vĩ từ cha tương đương với vĩ từ ism trong tiếng Anh. Nguồn gốc của từ quemoo là quemal, có nghiã là sống, theo đúng nghiã là ãn cơm, uống rượu, làm tình...
- Như vậy theo cậu thì ở đây cũng có nhà thờ, đền chùa...?
- Cậu nó giỡn? Ngôi đền của Hội Cận Đại Giáo là một kiến trúc đồ sộ nhất tại xứ này. Hay là chúng ta tới đó thăm xem sao?
Vào một buổi chiều nóng ẩm trời đầy mây, Rapp kiêu hãnh dẫn tôi đi thăm ngôi đền lớn nói trên. Quả thật toà điện này đồ sộ gấp 10 lần nhà thờ St Nicolas ở Tokyo. Lại nữa, cái toà nhà đồ sộ này là tập hợp của nhiều kiểu kiến trúc đủ loại. Tôi có cảm giác như ngộp thở khi đứng trước đại giáo đường này, trầm trồ nhìn những ngọn tháp cao vút và những nóc vòm bát úp. Tất cả hiện ra như vô số những cái chân bạch tuộc vươn thẳng lên trời. Chúng tôi đứng đó trước cổng chính- so sánh với ngay chính cửa vòm, chúng tôi chỉ là những vật bé tí tẹo - Bất động đứng một lúc, ngước mắt nhìn toà giáo đường, có dáng dấp như một con vật không lồ chứ không phải là một công trình kiến trúc.
Phía trong điện cũng rộng bát ngát. Giữa những cột tròn kiểu cô - ranh (22) khách thập phương lăng quăng đi lại. Cũng như chúng tôi, họ trông nhỏ xíu. Chẳng bao lâu, chúng tôi gặp một con kappa lưng còng. Rapp cúi người chào và nói với một giọng lễ phép:
- Bạch cụ, thật là vui mừng khi thấy cụ được an khang.
Con kappa kia cũng với một giọng cực kỳ lễ phép, cúi đầu đáp lễ lại:
- Xin cám ơn ông, Ông Rapp, ông vẫn có dáng... (đến đây, ông cụ ngừng lại một lát, có lẽ ông cụ nhận ra cái mỏ loét của Rapp). Đúng là trông ông mạnh khỏe. Thế thì ngày hôm nay có chuyện gì vậy.
- Hôm nay xin dẫn vị này lại. Chắc bạch cụ cũng đã từng nghe nói về vị này...
Thế rồi Rapp huyên thuyên dông dài kể lại chuyện của tôi. Một phần có lẽ để biện minh cho lý do không siêng năng lui tới đại giáo đường của anh ta.
- Bạch cụ, thật là một hân hạnh nếu có thể được cụ chỉ dẫn vị này đi vòng quanh thăm thú?
Ông cụ nở một nụ cười độ lượng, chào tôi, từ tốn lấy ngón tay chỉ bàn thờ trước mặt chúng tôi:
- Tôi xin vui lòng hướng dẫn ông, nhưng thật ra cũng chẳng giúp ích được chuyện gì. Tín đồ chúng tôi thờ phụng "Cây Sinh Mệnh" (Cây Sống) được đặt trên bàn thờ này. Như ông thấy, cây mang một trái vàng và một trái xanh. Trái vàng là trái thiện, trái xanh là trái ác...
Trong lúc ông cụ đang giảng nghĩa, tôi bắt đầu thấy nhàm chán, vì lời ông cụ thốt ra như những chuyện ngụ ngôn cũ rích. Dĩ nhiên tôi làm như chăm chú nghe. Nhưng một đôi lúc, không quên liếc mắt nhìn phía trong đại giáo đường.
Những cột trụ kiểu cô - ranh, những mái vòm kiểu gô - tích, những mô hình bàn cờ trên sàn kiểu Ả Rập, những cái ghế cầu kinh bắt chước kiểu sécession..., sự hoà hợp từ tất cả mọi vật hỗn tạp toát ra một vẻ đẹp man dại kỳ lạ. Cái làm tôi chú ý hơn cả là những bức tượng bán thân bằng cẩm thạch đặt trong những hốc tường hai bên; tôi có cảm tưởng đã thấy những bức tượng này ở đâu đó, và tôi có lý. Ông gìà kappa lụ khụ sau khi đã thuyết hết về cây sinh mệnh, đi lại gần một cái hốc phía tay mặt, theo sau là tôi và Rapp, và bắt đầu giải thích về bức tượng bán thân đặt trong đó.
- Đây là một trong những vị thánh của chúng tôi... Thánh Strindberg, người chống lại tất cả. Theo lời kể thì sau bao lần đau khổ, ông tìm được giải thoát trong triết lý của Swedenborg(23)... Thật ra ông ta không được cứu rỗi. Vị thánh này, cũng tin vào Đạo Sống- như chúng tôi- ngoài ra ông ta chẳng còn tìm ra điều gì để tin tưởng. Các ông nên đọc cuốn Những truyền thuyết mà vị thánh này đã để lại cho chúng tôi, trong đó ông ta đã thú nhận là ông đã có lần tự tử mà không chết.
Cảm giác hơi buồn vì những lời nói này, tôi đưa mắt nhìn sang hốc tường tiếp theo, trong đó có đặt tượng bán thân một người Đức râu ria xồm xoàm.
- Đây là tác giả cuốn Zarathrousta, nhà thơ Nietzsche(24). Ông thánh này tìm sự cứu rỗi qua siêu nhân do chính ông tạo ra. Nhưng tuyệt vọng, ông này cũng vậy, cuối cùng hóa điên. Có thể nếu không hóa điên, ông không thể được tôn làm thánh.
Ông cụ kappa, sau một lát im lặng ngắn, dẫn chúng tôi tới cái hốc thứ ba.
- Tượng thứ ba là tượng của Tolstoi (25). Hơn tất cả những vị thánh khác, vị này đã từng tự khắc khổ hành xác. Vì sinh ra trong một gia đình quý tộc, ông ta không muốn trưng ra những đau khổ của chính bản thân mình trước sự tò mò của công chúng. Vị thánh này cố bắt tự mình tin vào Chúa, mà thật tâm ông không thể tin. Ông ta đã từng tuyên bố trước công chúng là ông tin tưởng vào đức chúa. Nhưng vào những năm cuối cùng của cuộc đời, ông không thể chịu đựng được bi kịch nói láo của mình. Hiển nhiên là vị thánh này, cũng như những vị khác, thường thật tình run sợ trước những thanh xà ngang trong thư phòng. Nhưng ông ta được kể là thánh trong những vị thánh khác, dĩ nhiên vì ông ta đã không tự vẫn.
Cái tượng bán thân đặt trong hốc thứ tư là một người Nhật như tôi. Khi nhìn thấy mặt người đồng hương này tôi không khỏi ngăn cảm được nỗi hoài hương.
- Đây là ông Kunikida Doppo (26). Người thi sỹ này đã biết tường tận nỗi buồn của tâm hồn người thợ bị xe lửa cán chết. Tôi thấy không cần thiết phải giảng nghiã thêm cho ông về ông này. Bây giờ hãy nhìn tới tượng số năm.
- Có phài là Wagner? tôi hỏi ông cụ.
- Đúng đấy. Nhà cách mạng và bạn của vua chúa. Vào cuối đời mình, thánh Wagner đã đi tới chỗ chịu cả việc cầu nguyện trước bữa ăn. Nhưng ông ta đúng ra là người mộ Đạo Sống hơn là một con chiên nhà chúa. Nếu ta tin vào chính những bức thư của ông để lại, không biết đã bao lần trước những đau khổ của nhân loại, ông đã đi gần đến chuyện tự sát.
Chúng tôi đã đứng trước hốc thứ sáu.
- Đây là người bạn của thánh Strindberg, một họa sĩ trẻ người Pháp, cựu thương gia, đã từng bỏ vợ và đàn con để cưới cô gái người Tahiti 13 hay 14 tuổi. Trong huyết quản của ông thánh này có dòng máu của một cựu thủy thủ. Hãy nhìn đôi môi ông ta, còn dấu vết của thạch tín hay một chất gì như vậy. Người ở trong hốc thứ 7... Ông đã mệt rồi, thôi hãy đi tới đây.
Thật ra tôi cũng đã mệt mỏi. Bước theo ông cụ và Rapp, tôi đi qua một hành lang thoảng mùi hương và vào trong một căn phòng. Trong một góc của căn phòng nhỏ này có dựng một bức tượng Vệ Nữ đen, đồ cúng đặt dưới chân là một chùm nho dại. Tôi đã nghĩ nơi đây phải là phòng của một tu sĩ nên ắt không có trang hoàng, nên hơi ngạc nhiên. Hình như đoán được ý nghĩ của tôi, ông cụ, trước khi mời tôi ngồi, đã giải thích cho tôi hầu như lấy làm tiếc cho sự dốt nát của của tôi:
- Đừng quên là đạo của chúng tôi là Đạo Sống, dậy chúng tôi phải sống hết mình. Ông Rapp, ông đã cho vị này biết kinh thánh của chúng ta chưa?
- Bạch cụ, chưa. Cũng xin thú với cụ là tôi cũng chỉ mới đọc qua loa.
Rapp, lấy tay gãi cái đĩa trên đình đầu, thành thật trả lời. Ông cụ, cười hiền từ, tiếp tục nói:
- Như vậy thì chắc ông cũng không rõ. Thượng đế của chúng tôi sáng tạo ra thế gìới trong 1 ngày ( Cây Sống, duy chỉ là một cái cây, nhưng đầy quyền lực). Rồi Thượng Đế tạo ra một con kappa cái. Con này mệt mỏi vì buồn chán, muốn kappa đực. Thượng Đế thương tình, bèn lấy óc của con kappa cái tạo ra con đực. Ngài ban phép cho hai kappa, phán rằng: "hãy ăn, làm tình, và sống cật lực".
Lời ông cụ khiến tôi nhớ lại thi sĩ Tốc. Ông ta, tiếc thay cũng như tôi, đều vô thần. Vì tôi không phải là kappa, tôi có lý khi không biết Đạo Sống. Nhưng Tốc, sinh tại xứ sở kappa, chắc chắn phải biết Đạo Sống. Tôi lấy làm thương hại cho Tốc đã không theo đạo này. Vì vậy, cắt ngang lời ông cụ, tôi nói về Tốc:
- A, anh chàng thi sĩ đó quả thật đáng thương.
Nghe tôi nói như vậy, ông cụ thở dài:
- Chỉ có lòng tin, hoàn cảnh và sự ngẫu nhiên mới quyết định số phận chúng ta ( ông có thể thêm vào di truyền). Tiếc một điều là ông Tốc không có đức tin.
- Tốc chắc cũng thèm được như cụ, tôi cũng thèm được như cụ, còn như bọn anh Rapp đây thì hãy còn trẻ...
- Nếu như cái mỏ của tôi không bị loét thì tôi cũng đã lạc quan hơn.
Nghe những lời này, ông cụ thở dài thườn thượt một lần nữa, rớm rớm nước mắt, nhìn thẳng vào bức tượng vệ nữ đen, nói với chúng tôi.
- Thật ra, đây là nỗi bí mật của tôi, xin đừng nói cho ai hay cả- ngay cả tôi, tôi cũng không thể tin vào thượng đế của chúng tôi. Nhưng một ngày nào đó, những lời cầu nguyện của tôi...
Ông cụ còn đang muốn nói tiếp thì, bất chợt, cánh cửa gian phòng mở toang, đi vào một con kappa cái mập thù lù. Bà ta chạy thẳng tới ông cụ. Chúng tôi, dĩ nhiên, cố giữ bà ta lại, nhưng trong chớp mắt mụ đã quẳng cụ già xuống sàn.
- Đồ lão già mắc dịch! Hôm nay mày lại móc tiền trong túi bà để đi nốc rượu. Mụ ta hét lên.
Vào khoảng 10 phút sau, để mặc cặp kappa, chúng tôi bước như chạy trốn xuống thang cấp mặt tiền.
- Thấy cảnh đó thì biết ngay cả ông cụ cũng không tin vào Cây Sống đâu ! Rapp nói với tôi sau khi bước im lặng trong một lát.
Không trả lời, tôi ngoảnh lại nhìn về phía đại giáo đường. Dưới bầu trời mù sương, cũng như trước, toà giáo đường vươn lên những tháp cao và những mái hình bát úp như một rừng chân bạch tuộc toát ra cái gì lung linh huyền hoặc như một ảo ảnh treo trong không trên sa mạc.
15
Sau chừng một tuần trôi qua, tôi tình cờ được biết qua bác sĩ Chak một chuyện lạ lùng. Theo đó thì căn nhà cũ của Tốc có ma. Vào khoảng thời gian này, con kappa cái của Tốc đã dọn đi ở nơi khác, và căn nhà của ông thi sĩ bạn tôi trở thành tiệm chụp hình. Theo như lời Chak, trên tất cả những tấm ảnh chụp trong tiêm này, Tốc, không hiểu sao, đều hiện ra mờ ảo ở phía sau ảnh người chụp. Tôi phải nói thêm là Chak, duy vật, hoàn toàn không tin có cuộc sống sau khi chết. Bằng chứng là khi kể lại chuyện này, anh ta còn nói thêm, với một nụ cười ranh mãnh, một câu như lời bình: "ngay cả linh hồn cũng có một sự hiện diện vật chất"
Tôi cũng không khác gì Chak, nghiã là tôi cũng không tin có sự hiên diện của ma qủy. Nhưng bởi vì tôi có cảm tình với thi sĩ Tốc, nên chạy ngay lại một tiệm sách, mua những tờ báo và tạp chí có đăng những bài về bóng ma Tốc và những hình ảnh ma quái của anh ta. Đúng vậy, trên tất cả những hình, một con kappa tựa như Tốc hiện ra mờ ảo, ở phía sau hình những con kappa già, trẻ, đực, cái. Nhưng chuyện làm tôi ngạc nhiên hơn cả những tấm hình, là những bài báo, nhất là bài tường trình của hội Tâm Linh Học. Sau đây là tóm tắt của bài tường trình mà tôi xin dịch lại khá trung thành (những lời ghi chép mà tôi thêm vào viết trong dấu ngoặc).
Bản tường thuật về hồn ma ông Tốc, thi sỹ. (Tập san Thông Linh Học Hiệp Hội, số 8274)
Hiệp hội hiện tại đã tổ chức một cuộc điều tra bất thường tại số nhà 251, đường..., căn nhà cũ của Ông Tốc, thi sĩ, tự vẫn, hiện tại là tiệm chụp ảnh..., của nhiếp ảnh gia x x, dự buổi họp có những thành viên sau (những tên đã bị lược bỏ ở đây).
Chúng tôi, hội viên của hội, với danh nghiã 17 người, ông chủ tịch Tâm Linh Hiệp Hội Pếch cùng với bà đồng đáng tin cậy nhất của chúng tôi, bà Hốp, vào ngày 17 tháng 9, lúc 10. 30 sáng, chúng tôi họp trong một phòng của tiệm chụp hình nói trên. Vừa bước vào tiệm chụp hình, bà Hốp, nhậy cảm với không khí thông linh, bị lên cơn giật toàn thân và ói mửa nhiều lần. Theo bà Hốp thì vì ông Tốc nghiện thuốc lá quá nặng nên không khí thông linh cũng bão hoà chất nicotine.
Chúng tôi, thành viên cùa hội, im lặng cùng ngồi với bà Hốp xung quanh một cái bàn tròn. Sau 3 phút 25 giây, bà Hốp rơi vào trong trạng thái xuất thần, và bị nhập bởi linh hồn ông thi sĩ Tốc. Như ghi lại dưới đây theo thứ tự tuổi tác, chúng tôi trò truyện với linh hồn Tốc nhập vào bà Hốp.
Hỏi: Tại sao anh lại hiện ra dưới hình thức ma?
Đáp: Để biết danh tiếng sau khi chết.
H:Anh, hay những linh hồn, nói chung ra, muốn có danh tiếng sau khi chết?
Đ:Tôi, ít nhất ra cũng muốn. Nhưng có một thi sĩ Nhật tôi gặp lại khinh bỉ danh tiếng sau khi chết.
H: Anh có biết tên của người thi sĩ này không?
Đ: Thật là tiếc, tôi đã quên tên. Tôi chỉ nhớ lại một trong những bài thơ 17 âm tiết mà ông ta thích sáng tạo.
H: Bài thơ ấy ra sao?
Đ: Furu ike ya
Kawazu tobikomu
Mizu no oto
(Trong ao cũ
Ếch nhẩy vào
Nước kêu bơm )
Ao xưa, ếch nhảy xuống,
Chỉ một tiếng nước xao.
H: Anh có coi bài thơ này là một tuyệt tác hay không?
Đ: Không đến nỗi dở, theo tôi. Nhưng nếu thay chữ "ếch" bằng chữ "kappa", bài thơ sẽ sáng hẳn ra.
H: Như vậy có thể cho biết lý do được không?
Đ: Vì chúng tôi, loài kappa, chúng tôi tìm ngay cả kappa trong nghệ thuật.
Tới lúc này, ông chủ tịch Pếch lưu ý chúng tôi rằng đây là một cuộc điều tra bất thường của 17 thành viên hiệp hội Tâm Linh Học chứ không phài là buổi bình văn.
H: Cuộc sống của những hồn ma thế nào?
Đ:Không có khác gì đời sống của quý vị.
H:Anh có hối hận về việc quyên sinh không?
Đ:Không hối hận chút nào cả. Khi nào tôi chán cảnh sống làm ma, tôi sẽ dùng súng lục để sống trở lại.
H: Tái sinh có khó khăn lắm không?
Với câu hỏi này, hồn Tốc đáp lại bằng một câu hỏi. Kiểu trả lời này dĩ nhiên rất bình thường đối với ai đã từng quen biết Tốc.
Đ: (của Tốc) Tự tử có dễ dàng không?
H: Đời sống của quý vị có vĩnh cửu hay không?
Đ: Về cuộc sống của chúng tôi, ý kiến rất khác nhau. Không ai tin được vào ý kiến nào cả. Nhưng cũng nên biết rằng, may mắn cho chúng tôi, ở đây cũng có tôn giáo: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Bái hỏa giáo.
H: Anh tin vào đạo nào?
Đ: Tôi vẫn theo hoài nghi chủ nghiã.
H: Nhưng dù sao anh cũng không nghi ngờ sự hiện hữu của linh hồn?
Đ: Tôi không thể quá tin như Quý vị.
H: Anh có nhiều bạn bè không?
Đ: Những người bạn tôi lui tới gồm những người từ xưa cho đến ngày nay, Đông phương và Tây phương, không dưới con số ba trăm. Nếu tôi phải nêu một vài tên quan trọng thì đã có Von Kleist, Meilender, Weininger...
H: Những bạn của anh đều tự tử?
Đ: Không hẳn, có người như Montaigne, biện hộ cho tự tử, và là một trong những người bạn tôi rất quý trọng. Nhưng tôi không liên lạc với những người bi quan không đủ can đảm để tự tử - Schopenhauer và đồng bọn..
H: Tôi muốn biết về sức khỏe của Schopenhauer?
Đ: Hiện nay ông ta đang lập nền tảng cho chủ nghĩa yếm thế của các linh hồn và đang bàn cãi những ưu hay khuyết điểm của chuyện phục sinh bằng tự tử. Nhưng từ khi ông ta biết được bệnh dịch tả là do vi khuẩn gây ra thì ông ta hết sức an tâm.
Chúng tôi tiếp tục hỏi về linh hồn của những người như Napoléon, Khổng tử, Dostoievsky, Darwin, Cléopâtre, Thích ca mâu ni, Démosthène, Dante, Sen no Rikyu (27) v. v. nhưng hoàn toàn thất vọng, Tốc thay vì trả lời thêm chi tiết, thì anh ta lại muốn hỏi thăm về những lời đồn đại liên quan đến chính anh ta.
H: (Tốc) Danh tiếng của tôi sau khi chết ra sao?
Đ: Theo một nhà phê bình thì anh được xếp vào hạng những thi sĩ tầm thường.
H: Nhà phê bình này chắc thuộc những người ghét tôi vì tôi không ký tặng họ tập thơ của tôi. Toàn tập tác phẩm của tôi đã được xuất bản chưa?
Đ: Xuất bản rồi, nhưng sách không được bán chạy lắm.
H: Toàn tập tác phẩm của tôi, sau 300 năm, nghĩ là sau khi hết bản quyền tác giả, thế nào cũng được tất cả mọi người mua. Có tin tức gì về người bạn gái đã chung sống với tôi?
Đ: Bà ta trở thành vợ của nhà xuất bản Rắc.
H: Tội nghiệp bà ta chưa biết được một mắt của ông ta là mắt giả. Thế còn những đứa con của tôi?
Đ: Chúng tôi được tin là chúng được gửi đến viện cô nhi quốc gia.
Sau một thời gian ngắn im lặng, Tốc tiếp tục hỏi:
H: Cái nhà của tôi hiện tại ra sao?
Đ: Trở thành một tiệm chụp hình.
H: Cái bàn thì sao?
Đ: Không ai biết số phận nó ra sao.
H: Tôi bí mật giữ một tập thư trong một ngăn kéo của cái bàn. Nhưng mừng là không có liên quan gì đến Quý vị. Bây giờ thế gới thần linh của chúng tôi sắp chìm dần trong bóng tối của buổi chiều rồi. Tôi từ giã quý vị. Xin chào các bạn. Xin chào các bạn thân thiết.
Với những lời cuối cùng, bà Hốp thình lình thức dậy. Chúng tôi, 17 thành viên của hội thề trước đấng hoàng thiên, bảo đảm tính chất xác thực của những lời này (Về tiền thù lao của bà Hốp, chúng tôi trả với giá cả bình thường như lúc bà ta làm việc như một nữ nghệ sĩ)
16
Sau khi đọc những bài viết về hồn ma của Tốc, tôi dần dần xuống tinh thần, và tôi muốn trở về xứ sở loài người. Nhưng sau bao lần tìm kiếm trong những lúc đi tản bộ, tôi cũng không kiếm ra lại đước cái lỗ hổng mà tôi rơi vào đây. Lúc đó, tôi biết được từ ông đánh cá Bag kia, là có một con kappa già sống bình thản, hàng ngày đọc sách và thổi sáo, trong một khu ngọai ô. Nếu tôi thử hỏi con kappa này, may ra lão ta sẽ chỉ cho tôi con đường để đi ra khỏi xứ. Không chần chờ, tôi đi tới chỗ lão ở. Nhưng tìm đến nơi, trong một ngôi nhà nhỏ, tôi không gặp một con kappa già, mà một con kappa rất trẻ, chừng độ 12 hay 13 tuổi, cái đĩa trên đỉnh đầu còn chưa cứng lại, đang thổi sáo. Nhưng sau khi hỏi tên thì đúng là ông già kappa mà Bag đã nói.
- Cụ trông trẻ như một đứa bé.
- Thế cậu không hay ư? không hiểu số phận thế nào mà tóc tôi đã bạc trắng khi lọt lòng mẹ. Nhưng từ lúc đó trở đi, tôi bắt đầu trẻ lại, và bây giờ, cậu thấy tôi như đứa con nít. Nếu tôi tính tuổi, coi rằng lúc sinh ra tôi đã 60, thì bây giờ tôi 115 hay 116 tuổi.
Đưa mắt nhìn quanh trong phòng. Có thật là hoàn toàn do sự tưởng tượng của trí óc tôi hay không mà chiếc ghế xoàng xĩnh, cái bàn tầm thường đều đượm một không khí hạnh phúc thanh tao.
- Hình như cụ sống sung sướng hơn những con kappa khác?
- Hừm, có lẽ vậy. Trong thời niên thiếu, tôi là một lão gìà, và bây giờ ở tuổi chín chắn, tôi lại là một đứa trẻ. Vì vậy tôi không ham tiền bạc như những người già và không đắm đuối tình dục như những người trẻ. Tóm lai, nếu cuộc sống của tôi không sung sướng, thì ít nhất ra cũng bình thản.
- Thật vậy, cuộc sống của cụ chắc rất bình thản.
- Hừm, lão chưa nói cho cậu biết tất cả lẽ lão sống sung sướng. Lão có một thân hình khỏe mạnh, và lão có đủ tiền để tránh khỏi tất cả những nỗi khó khăn trong cuộc sống. Nhưng cái mà lão được đặc ân nhất là lão đã già khi mới sinh ra.
Tôi truyện trò trong một hồi lâu với ông lão về Tốc, người đã tự vẫn; về Gaêl, người nhờ thầy thuốc chẩn bệnh hàng ngày, nhưng tôi không hiểu tại sao cụ già kappa không để ý lắm về những chuyện tôi kể.
- Vậy thì cụ không có bám víu gì lắm vào cuộc sống như những kẻ khác?
Cụ già kappa, nhìn vào mặt tôi, bình thản trả lời:
- Cũng như mọi kappa khác, tôi đã ra khỏi lòng mẹ sau khi ông bố tôi hỏi tôi có muốn sinh ra trong cõi đời này không.
- Còn tôi, tôi rơi vào trong xứ này hoàn toàn do tình cờ. Xin cụ làm ơn chỉ tôi đường ra khỏi nơi đây.
- Chỉ có độc một đường để cậu ra khỏi nơi đây.
- Cụ nói gì, thưa cụ?
- Con đường mà cậu đi đến.
Khi tôi nghe những lời này, tôi không hiểu sao tóc tôi dựng đứng lên.
- Khổ quá, tôi tìm mãi không kiếm ra.
Cụ già kappa nhìn tôi với đôi mắt trẻ thơ. Rồi đứng dậy, đi về góc phòng, lấy tay kéo một sợi giây thòng xuống từ trên trần. Lúc đó một khung cửa sổ mái nhà mà đến mãi bây giờ tôi không để ý, bỗng mở ra. Phía ngoài khung cửa sổ mái nhà, qua những cành thông và thông tuyết, bầu trời xanh ngát hiện ra. Lại nữa, tôi thấy ngay cả ngọn núi Yari- ga- take vươn lên như một mũi tên khổng lồ. Tôi sung sướng nhảy cỡn lên như một đứa trẻ nhìn thấy máy bay.
- Này, cậu có thể ra bằng đường này.
Đoạn ông cụ lấy tay chỉ tôi sợi giây. Tôi tưởng chỉ là một sợi giây đơn giản, mà thật ra là một cái thang dây.
- Thế thì tôi có thể đi ra bằng lối đó?
- Dĩ nhiên nhưng lão cho cậu hay trước, đừng hối hận khi rời đây nhé.
- Ồ, tôi sẽ không hối tiếc gì cả.
Vừa mới trả lời xong, tôi trèo lên thang dây, vừa ngắm cái điã trên đỉnh đầu cụ già kappa phía dưới xa.
 
17
Từ khi trở về từ xứ kappa, đôi lúc tôi khó chịu về mùi da người. So sánh với loài người, loài kappa thật là sạch sẽ. Lại nữa, cái đầu của chúng ta, loài người, dưới mắt tôi đã quen nhìn loài kappa, thật là kỳ dị. Có lẽ đối với quý vị thì không hiểu được, nhưng ngoài đôi mắt và cái miêng ra, cái mũi là vật khiến tôi có cảm giác mạnh. Tôi cố kiếm cách, dĩ nhiên trong trường hợp có thể, không gặp người nào. Tuy nhiên, tôi dần dần quen lại với loài người. Sáu tháng sau khi trở về, tôi có thể đi bất cứ chỗ nào. Nhưng rắc rối là, trong khi nói chuyện, tôi thường thốt ra theo bản năng những tiếng của ngôn ngữ kappa.
- Cậu sẽ ở nhà vào ngày mai?
- Qua
- Cậu nói gì vậy?
- Rằng tôi sẽ có nhà.
Cứ như thế mà cuộc đối thoại diễn tiến. Nhưng đúng một năm sau khi tôi trở về từ xứ kappa, tôi thất bại trong một công chuyện... và.. (khi ông ta nói đến đây, bác sĩ S... nói ngay: Ngừng lại đi! - Theo lời ông bác sỹ S.. thì cứ mỗi lần kể đến chuyện này, người bệnh số 23 lại lên cơn trở nên hung dữ, ngay cả khán hộ cũng không kiềm chế ông ta được)
- Thôi, khỏi cần nói chuyện đó. Nhưng thất bại của công việc nảy khiến tôi có ý định muốn trở lại xứ kappa. Không phải là "đi" mà là "trở về". Xứ kappa đối với tôi, trong tình trạng của tôi vào thời kỳ đó, như quê hương của tôi.
Tôi yên lặng lách ra khỏi nhà, định leo lên tầu theo con đường Chuo-sen (28). Chẳng may, tôi bị một cảnh sát viên bắt và giam ở bênh viện. Trong thời gian ở bệnh viện, tôi luôn nghĩ đến xứ kappa... Ông bác sỹ Chak ra sao? Triết gia Mag chắc như thường lệ đang nghĩ về một vấn đề dưới ngọn đèn bao bởi lớp kính 7 mầu. Nhất là anh bạn thân Rapp với cái mỏ bị loét... Vào một buổi chiều nhiều mây như hôm nay, trong khi đang mơ màng, tôi suýt nữa hét lên. Tôi không hiểu làm sao ông ta lại vào được, ông kappa đánh cá có tên Bag, đứng trước mặt tôi, cúi đầu nhiều lần! Tôi cũng không còn nhớ rõ, sau khi hoàn hồn, tôi đã khóc hay cười. Nhưng dù sao trong một khoảng thời gian dài, tôi sung sướng có thể nói tiếng kappa:
- Ồ Bag, làm sao cậu đến đây được?
- Ô, tôi tới đây để thăm ông, được tin ông đau ốm.
- Làm sao cậu biết được tin?
- Nghe tin qua radio.
Bag hãnh diện cười.
- Nhưng làm sao cậu tới đây được?
- Chẳng có gì là khó khăn. Sông và lạch ở Tokyo là đường đi của loài kappa.
Tôi mới nhớ lại là kappa, như ếch, thuộc loài lưỡng thê, trên cạn dưới nước.
- Nhưng không có sông ở quanh đây.
- A, tôi tới đây theo ống dẫn nước, và ra khỏi bởi cái miệng vòi cứu hỏa...
- Miệng vòi cứu hỏa?
- Ông quên rằng ở xứ kappa cũng có thợ máy?
Từ đó, cứ hai hay ba ngày, những con kappa lại đến thăm tôi. Theo lời bác sỹ S.. thì tôi mắc chứng tâm thần phân liệt (Dementia praecox), nhưng theo bác sĩ Chak thì - (điều này chắc thất lễ đối với chư vị) không phải tôi mắc chứng tâm thần phân liệt, mà chính là bác sĩ S.. mắc chứng bệnh này và cả Quý vị nữa. Không những ông bác sỹ Chak, mà cả anh chàng sinh viên Rapp và triết gia Mag cũng đến thăm tôi. Tuy vậy, ban ngày, ngoài ông đánh cá Bag, không một ai tới đây. Nhất là vào đêm khuya, họ tới từng hai hay ba... vào những đêm có trăng. Đêm qua chẳng hạn, tôi nói chuyện với Gaêl, ông giám đốc xưởng thủy tinh và triết gia Mag. Và ngay cả chúng tôi yêu cầu Craback, ông nhạc sĩ, chơi một khúc violon. Nhìn kia! Quý vị có thấy bó hoa huệ đen để trên bàn đằng kia? Craback đã mang tới tặng tôi tối qua đấy. (Tôi quay lại, nhưng trên bàn chẳng có gì cả, ngay cả một bó hoa)
- Cuốn sách này do triết gia Mag đã cất công mang tới cho tôi. Hãy đọc vần thơ đầu tiên. Không, các ông không thể biết ngôn ngữ kappa. Thôi để tôi đọc cho mấy ông. Đây là tác phẩm toàn tập của Tốc, vừa mới xuất bản:
(Tay dở một cuốn niên giám điện thoại cũ, ông ta bắt đầu cao giọng đọc những câu thơ như sau)
Giữa rừng hoa cọ, lùm tre,
Phật Tổ ngài đã ngủ mê lâu rồi.
Cây vả bên đường chết khô
Đức Chúa dường cũng xuống mồ theo chân
Chúng ta phải nghỉ ngơi thôi,
Trước phông rạp hát, thảnh thơi cứ nằm.
(và ở phía sau sân khấu, chúng ta chỉ thấy một bức phông chắp vá bằng những mảnh vải vụn)
Nhưng tôi cũng không quá bi quan như thi sĩ Tốc. Khi mà những kappa còn đến viếng thăm tôi thường xuyên... À quên, quý vị còn nhớ ông quan toà Pep, bạn tôi. Ông này sau khi bị mất chức, trở lên điên khùng. Tôi được nghe tin cho hay ông ta đang ở trong một bệnh viện tâm thần của xứ kappa. Tôi rất muốn đi thăm ông ta, nếu bác sĩ S... cho phép tôi.
11- 2- 1927
Dịch xong ngày 1- 5- 05, đúng ngày tròn 62 tuổi.
 
Chú thích
[ 1] - Swift, Jonathan (1667- 1745) văn hào Ái nhĩ Lan, nổi tiếng với trường thiên Guilliver phiêu lưu ký, giọng văn hài hước châm biếm chống lại xã hội đương thời, nhất là giới Quý tộc Anh. Tập đầu trong trường thiên Guilliver phiêu lưu ký (4 tập)(1720- 1726), cuộc hành trình xứ Lilliput, Swift đã hài hước đả kích vua và gìới quý tộc bằng cách cho Guilliver đái vào kinh thành để chữa cháy.
[ 2] - Butler (Samuel) (1835- 1902) Tiểu thuyết gia người Anh. Tiểu thuyết hài hước của ông châm biếm xã hội Quý tộc Anh (Erewhon... ), đọc ngược chữ Nowhere.
[ 3] - France, Anatole, Thibault (1844- 1924): văn hào Pháp. Những sách của ông viết về lịch sử hay phong tục (Le crime de Sylvestre Bonnard, 1881; la Rotisserie de la Reine Pédauque; le Lys rouge, 1894; Les dieux ont soif, 1912) với giọng điệu chế nhạo và hoài nghi. Nhận giải Nobel văn chương năm 1921.
[ 4] - Kamikochi: Vùng suối nước nóng tại huyện Nagano. Những dặng núi tại đây có nhiều ngọn cao trên 3000 m.
[ 5] - Kumazasa: trúc còi. Đây là loại trúc nhỏ, thân lớn không quá một ngón tay, cao không quá 1 m. Chữ kuma có nguồn gốc từ chữ Ôi, cũng có lúc được viết là chữ Hùng (con gấu), có nghiã là những vầng đen thường có dưới con mắt. Người Nhật thường nói:"Kuma ga dekita " để chỉ trường hợp bị mệt nên có vầng đen dưới mắt. Kuma zasa ra lá mầu xanh vào mùa xuân, đến mùa thu thì quanh mép lá bị úa ra trước nên trắng ra như một viền trắng chung quanh lá, trông giống như vầng(kuma) dưới con mắt. Lá mới của Kumazasa chứa nhiều vitamines, nên thường dùng để chế trà khoẻ (kenko cha).
[ 6] - Corned beef: nguyên văn bằng chữ Katakana, chuyển âm từ tiếng Anh corned beef.
[ 7] - Quax! Quax: nguyên văn trong truyện.
[ 8] - Ginza: Trung tâm thương mại Tokyo.
[ 9] - Quax, Bag, quo quel, quan?: nguyên văn trong truyện.
[10] - Suiko Koryaku: Thủy Hổ Khảo Lược, những lời bàn sơ lược về kappa. Vì mặt của kappa tựa như mặt con hổ, nên kappa cũng có tên là hổ nước (suiko).
[11] - 50 độ Fahreinheit: vào khoảng 15 độ Celsius.
[12] - Rượu áp- xanh: một thứ rượu mạnh của Pháp, cất từ cây absinthe.
[13] - Khổ 8: Khổ sách A 5 (152x218mm)
[14] - Khổ 12: Khổ sách B6 (127x188 mm)
[15] - Khổ 16: Khổ sách A 6 (76 x 109 mm)
[16] - Sécession: trường phái nghệ thật và kiến trúc tại Áo, song song với trường phái Art Nouveau tại Pháp vào khoảng 1890
[17] - Yanigida Kunio:(1875- 1962) nhà dân tộc học nổi tiếng Nhật Bản.
[18] - Tanagra: làng Hy Lạp (Beotie), trung tâm sản xuất những tượng nhỏ nổi tiếng bằng đất nung, vào khoảng thế kỷ thứ VI trước CN
[19] - Nguyên văn Shabakai, sa bà giới. Dịch âm từ tiếng Phạn. Trong kinh Phật gọi đời là cõi Sa (Ta) Bà, nghiã là cõi đời phải chịu nhiều khổ não.
[20] - Goethe, Johan Wolgang (1749- 1832) văn hào Đức, tác giả Faust (1819).
[21] - Bài hỏa giáo: Thành lập bởi Zoroaster (? 628-? 553 B. C. ) một lãnh tụ tôn giáo xứ Perse
[22] - Cô- ranh: Corinthe, kiến trúc theo lối Hy Lạp xưa, dùng những tảng đá đục thành hình lá cây .
[23] - Swedenborg, Emanuel (1688- 1772) nhà thần học Thụy Điển.
[24] - Nietzche, Friedrich:(1844- 1900) triết gia Đức
[25] - Tolstoi: Lev Nikolaievitch(1928- 1910) đại văn hào Nga, tác giả cuốn Chiến tranh và hoà bình, Anna Karenine, la Sonate à Kreutzer.
[26] - Kunikida Doppo: (1871- 1908) tiểu thuyết gia Nhật, tiền thân của trường phái tự nhiên Nhật Bản.
[27] - Sen no Rikyu: tên thật là Sen no Soeki (1520- 1590), trà sư nổi tiếng, đã từng ở dưới trướng 2 vị xứ quân Oda Nobunaga (1534- 1582) và Toyotomi Hideyoshi (1536- 1598). Ông bị xứ quân sau cùng giết chết.
[28] - Chuo- sen: (trung tuyến)đường xe điện tại Tokyo, theo hướng Đông - Tây, như đường kính của đường xe điện vòng Yamate- sen, tựa như đường central line tại Luân Đôn, hay đường xe điện ngầm số 1 (Métro) tại Paris.
 

Xem Tiếp: ----