Tôi còn nhớ một định nghĩa về Hạnh phúc đã được một nhà văn Nga – Victoria Tokareva viết trong tập truyện ngắn “Một ngày không nói dối” như sau: “Hạnh phúc đó là khi con người ta mong muốn một điều gì đó và đạt được điều mơ ước ấy. Còn niềm hạnh phúc lớn lao là khi ta đạt được những điều mà ta luôn mong mỏi, khao khát đến cháy lòng. Song khi ước mơ đã trở thành hiện thực thì hạnh phúc cũng kết thúc ở đó bởi vì hạnh phúc là quá trình ta mơ ước chứ đâu phải là kết quả của cả quá trình ấy”. Tôi muốn mở đầu câu chuyện của mình bằng định nghĩa này bởi vì tôi thấy vế đầu của định nghĩa này phù hợp với nhân vật của tôi. Nhân vật của tôi đang hạnh phúc. Một nhân vật đang sống với những giấc mơ “có thật”. Những giấc mơ đang hiện hữu trong bạn, trong tôi hay ít ra cũng đã từng đi qua tuổi thơ của nhiều người! Tôi thấy mình đồng cảm với những giấc mơ “có thật” ấy! Những giấc mơ làm bình dị cuộc sống vốn phức tạp quanh ta!
Sông Hồng vào mùa nước cạn, những bãi ngô xanh rờn trải dài bãi giữa. Đâu đấy lấp ló những người nông dân ven đô miệt mài làm cỏ, thoắt ẩn thoắt hiện giữa bạt ngàn màu xanh. Chẳng biết với mọi người thế nào, còn với tôi đó là một bức tranh tuyệt diệu! Đó cũng là ranh giới giữa giữa cuộc sống náo nhiệt hiện tại và một chút thanh bình ngay giữa Hà Nội. Tôi vẫn đến nơi này khi có những nỗi niềm không thể giãi bày. Chỉ cần đi một vòng quanh cái bãi giữa này là đã thấy lòng nhẹ tênh, một cảm giác thanh thản ngập tràn.
Tôi cẩn thận vén những cây ngô cuối luống để men ra chỗ ngồi nghỉ chân quen thuộc ngay sát mép nước, nhưng hôm nay nó đã có “chủ khác”! Đó là một thằng bé chừng 13-14 tuổi, đen đúa đang mải mê gấp những chiếc thuyền giấy, rồi nhẹ nhàng khỏa nước ra xa. Chắc là con của một gia đình trồng ngô kia, tôi đoán vậy. Biết có người đang đến gần, nó ngoảnh lại nhìn tôi, gật đầu chào. Tôi tiến gần tới nó rồi hất hàm hỏi:
- Này cu! sao không ra giúp bố mẹ mà ngồi đây?
Nó ngập ngừng trả lời:
- Anh bảo gì đấy cơ?
Cái đuôi “đấy cơ” chỉ có ở cách nói của người Nam Định hoặc Hà Nam. Tôi nhíu mày nói to hơn:
- Điếc à? Anh bảo rằng sao không chịu khó phụ giúp bố mẹ mà ra đây gấp thuyền?
Nó ngừng lại vài giây, rồi trả lời:
- Mẹ em ở tận quê cơ mà!
Tôi gật gù:
- À ra thế! Thế ra Hà Nội với ai?
- Một mình! Kèm theo câu trả lời, nó nhún vai vẻ từng trải.
Lúc này thì tôi đã có thể nhận xét về nó kỹ hơn! Tôi vẫn quen như thế! Nhận xét về người đối diện, sau đó mới quyết định mở rộng hướng nói chuyện. Nó có vẻ già trước tuổi. Ngoài thân hình gầy còm thì chỉ có đôi mắt là tinh nhanh đầy ấn tượng!
- Em ra đây bán báo. Hôm nay mệt nên tự cho mình nghỉ. Em ở ngay ngoài bãi kia kìa!
Vừa nói nó vừa chỉ tay về phía về trước. Làm sao mà tôi có thể biết được đâu là nhà của nó. Trước mắt tôi là vô số những túp lều liêu xiêu sát cạnh bờ sông. Những túp lều tự phát của dân tứ xứ mà báo chí đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực. Những câu trả lời ngắn ngủi của nó chẳng làm “hài lòng” tôi một tý nào, nó chỉ càng kích thích trí tò mò hay để ý của tôi. Giọng tôi gần như gắt gỏng:
- Có nói thật không đấy hay lại đang “diễn” hả?
Thời buổi này chẳng biết tin ai! Cuộc sống hiện tại đã dạy người Hà Nội như tôi phải như thế! Làm sao mà có thể tin được bọn “nhà quê” láu tôm láu cá!
Nó nhìn tôi vẻ sững sờ:
- Em cũng có cần anh tin đâu! Nó nhếch mép vẻ bất cần. Không để tôi kịp phản ứng, nó lại nhẩn nha:
- Bố em mới mất được gần hai năm, nhà có 4 mẹ con, nghèo xơ xác. Chẳng biết làm gì để đủ ăn nên đành ra Hà Nội bán báo kiếm tiền cho hai đứa em được tiếp tục đi học. Em có muốn xa mẹ đâu, nhưng quê em đồng chiêm trũng, chưa mưa to nước đã ngập trắng đồng…biết làm gì ngoài ruộng đồng! Xa nhà lâu cũng quen, ngày đầu thì còn buồn, nhưng bây giờ thì thấy vui rồi. Miệng nói, tay nó vẫn thoăn thoắt gấp những chiếc thuyền to, nhỏ, màu sắc khác nhau. Có những chiếc thuyền đã được nó khéo léo lắp thêm “buồm” bằng những chiếc lá ngô. Trông thật đẹp!.
Đến lúc này thì tôi thấy “choáng” vì cách nói chắc chắn của nó! Nếu là ở lứa tuổi của tôi thì chẳng có gì lạ! Nhưng đây lại là một thằng bé “ăn chưa no, lo chưa tới”. So với lũ trẻ con thành phố thì đúng là “xách dép” cho nó! Tôi đổi giọng và bắt đầu “khai thác”:
- Sao không ở nhà nghỉ mà lại ra đây? Mà… lấy đâu ra nhiều báo thế?
- Toàn báo và tạp chí cũ đã qua “chọn lọc” ấy mà! Ở quê, em hay gấp thuyền cho hai đứa em và thả ngay con sông gần nhà mỗi khi chăn trâu. Chắc gìờ này chúng nó cũng đang thả thuyền anh ạ! Giọng nó bỗng trở nên trùng xuống.
- Biết đâu thuyền của em sẽ gặp thuyền của bọn nó!
Tôi đưa mắt ra xa nhìn theo trí tưởng tượng của nó. Những chiếc thuyền bồng bềnh theo sóng nước. Cái trắng, cái xanh…nghiêng bên nọ nghiêng bên kia đang cố gắng ra khơi. Có nhiều cái bị dòng nước đỏ nặng phù sa lật chìm, có cái bị những cơn gió vô tình tạt ngang, làm chúng tròng trành yếu ớt, cũng có những cái tự mình từ từ trôi nhịp nhàng theo dòng chảy. Chẳng bao giờ tôi để ý tới những người nhà quê bươn bả kiếm sống ngoài Hà Nội. Tôi xếp họ vào cùng một nhóm người có hoàn cảnh khó khăn nên mới ra Hà Nội! Do vậy chắc sẽ có vô khối sự nghèo khó khác nhau kể ra cũng chẳng hết…mà lại không biết có nên tin hay không nữa! Cái tính nghi ngờ nhiều khi cũng làm giảm tính thiện luôn “nhen nhóm” trong tôi! Chưa kể tới những người cứ nói đến ủng hộ quỹ nọ, quỹ kia thi đều ngập ngừng: “Chả chắc đã tới được người cần!”. Nhiều khi đi chùa bỏ tiền vào hòm công đức rồi mà vẫn còn thấy nghi ngờ mặc dù vẫn biết là đang làm theo chữ “Tâm”!.
Dõi theo những chiếc thuyền của thằng bé nhà quê không quen biết, tự nhiên thấy mình mòn mỏi ít hy vọng hơn trước! Tự nhiên tôi thấy “khâm phục” thằng bé nhà quê này đến thế! Những chiếc thuyền chở nhiều tình yêu thương ruột thịt. Chắc nó muốn nhắn gửi với mẹ và em nó rằng: nó vẫn khỏe và luôn luôn hướng về gia đình! Nhìn sự tỉ mẩn và cẩn thận trong từng chiếc thuyền mà nó tạo ra, tôi nhìn thấy toàn ước mơ của nó. Uớc mơ no, đủ, yên vui, các em được học hành và sau khi bố chúng mất, ngoài mẹ chúng ra, thì chúng có cả một thằng “anh trai” đúng nghĩa nữa…! Liệu có ước mơ nào cho riêng bản thân nó!
Trời đã bắt đầu tối, tôi toan định đứng lên thì chợt nhớ là mình vẫn chưa hỏi tên nó là gì.
- Tên em là gì? Tôi hỏi.
- Em tên là Tú – Anh Tú, khi nào anh ra đây thì tiện qua nhà em chơi! Cứ đến xóm “lều” cuối bãi, hỏi Tú còi – Hà Nam thì ai cũng biết!
Tôi gật đầu, hít thở thật sâu…rồi vẫy tay chào nó!
Bẵng đi hai tuần từ hôm tôi gặp Tú “còi”. Tôi gần như quên hẳn nó. Nhớ làm sao khi trong tôi còn bao nhiêu việc để làm và “cố gắng” để nhớ! Hôm nay nghe đài nói lại có đợt rét đậm mới, vợ tôi thu xếp gọn quần áo trong tủ để lấy chỗ chứa thêm quần áo mùa đông….lại lọc ra một đống quần áo cũ. Vợ tôi cất cẩn thận vào một cái túi nylon to để cho người “nhà quê”. Tôi nhìn thấy thì sực nhớ tới thằng Tú, tôi vội nói:
- Để đấy cho anh, anh cần mang cho một thằng bé bán báo.
Vừa nói tôi vừa lấy từ tay vợ tôi chiếc túi định để chủ nhật này tôi sẽ tìm sang nhà Tú “còi” và cho nó mang về quê.
Tôi tranh thủ chiều chủ nhật rỗi rãi phóng xe máy ra ngoài bãi tìm đến nhà Tú “còi”. Đúng như lời nó nói. Vừa hỏi bà bán bánh rán đầu xóm, tôi đã đến được ngay “lều” của nó. Đúng như chỉ dẫn, tôi thấy một đám đông đang xúm lấy lều của Tú “còi,” tôi hăm hở tiến lại gần thì nghe thấy tiếng một phụ nữ nói đầy quả quyết:
- Thôi về quê ngay đi! Xem tình hình thế nào! Ai trong số này có thể trợ giúp nó thì góp vào đây nào! Vừa nói bà vừa chìa tay ra mọi người. Lần lượt từng người một, móc ra những đồng bạc lẻ nhàu nát. Tôi cám cảnh lắc đầu! Trong lúc đó thằng Tú đang cho nốt một số thứ vào cái túi du lịch cũ kỹ. Giường như đã hoàn tất, nó nhận tiền từ tay bà phụ nữ nọ, không quên cảm ơn mọi người, nó tiến nhanh ra cửa. Tú “còi” va vào tôi, nó trợn mắt lên đầy ngạc nhiên:
- Chào anh! Em lại phải về quê gấp rồi! Mẹ em cảm nặng! Hẹn gặp anh sau!
Không để nó chạy mất, tôi dúi vào tay nó túi quần áo cũ và dặn:
- Cầm về quê cho mẹ và các em!
Nó nhìn tôi mỉm cười rồi chạy thục mạng. Trông nó choắt người mà nhanh đáo để! Hai tay hai túi trững trạc. Ra tới đầu xóm, sực nhớ ra điều gì nó ngoái lại nói to:
- U trông nhà hộ con nhé!
Người phụ nữ quyên tiền lúc nãy gật đầu lia lịa đầy thuyết phục:
- Được rồi! Không phải dặn! Có cái chó gì mà trông, cửa cũng đã khoá bao giờ!
Nói xong bà quay lưng vào trong nhà Tú “còi”…đám đông cũng bắt đầu
giải tán.
Chen trong một dãy lều tạm bợ, xiêu vẹo đến hoang tàn, lều của Tú còi là bé nhất! Nó được dựng bởi muôn vàn thứ vật liệu khác nhau. Vài mảnh cót ép còn dính vôi, những mảnh nylon đầy bụi…nói chung trông thật tiều tuỵ. Nhìn quanh nhà một lượt, chẳng có gì đáng giá! Bên cạnh một chiếc bàn để hai cái bát, hai đôi đũa vài vật dụng cá nhân kê ở góc nhà là một chiếc giường một cũng xiêu vẹo nốt! Nhưng không sao bởi vì thằng Tú cũng gầy …chắc sẽ không sập! Điều làm tôi bất ngờ nhất là xung quanh vách nhà được dán bởi vô số những bài báo và tranh ảnh được cắt ra từ báo cũ và tạp chí. Vách bên này toàn là những bài báo hướng dẫn cách nấu ăn chắc được cắt ra từ tạp chí Tiếp thị và Gia đình, bên cạnh đấy là rất nhiều bài viết ngắn về chủ đề: Gia Đình của trẻ em cắt ra từ báo Hà Nội mới cuối tuần…lại còn “Hoa Học trò” nữa chứ! Vô khối tranh ảnh những ca sĩ đang “hot” nhất trong Nam lẫn ngoài Bắc! Còn một bên vách toàn là “thời sự”…tình hình Iraq, Alqueada hay Palestine… nói chung đều có cả! Tất cả đều được cắt ra từ những tờ báo không bán hết. Tôi thực sự ngạc nhiên về mớ thông tin này! Tú “còi” cũng đã không thờ ơ với thế giới! Tôi càng thấy khâm phục nó hơn! Qua đây tôi lại biết thêm một ước mơ nữa của nó… bao giờ có dịp để nấu tất cả những món ngon cho mẹ và em nó! Nghĩ mà thương cho nó… không biết liệu nó có thể tiếp tuc lên Hà Nội bán báo lấy tiền để thực hiện những ước mơ của mình nữa hay không?
Tôi chào bà hàng xóm của Tú và quay lưng ra về!
Tôi lại bị cuốn vào công việc và lo toan gia đình mà vẫn chưa đến thăm lại Tú “Còi”. Không biết là nó ra sao! Hoà mình vào dòng người hối hả, tiếng còi xe chói tai, con đuờng về nhà sau giờ làm việc đầy khói và bụi, tôi vẫn nghe đâu đây tiếng rao bán báo của những người “nhà quê”! Bất chợt tôi nhìn thấy Tú còi đang ôm chồng báo đi bên đường. Tôi tạt xe lại gần. Với nét mặt vui mừng khôn xiết tôi hỏi:
- Tình hình thế nào rồi?
- Em lên được mấy hôm rồi! Mẹ em đã khỏi. Nó hớn hở nói tiếp:
- Hôm nào lại đến em chơi nhé!
- Này báo… lại đây! Không kịp cho tôi trả lời, Tú còi vội chạy nhanh tới chỗ có tiếng gọi…, rồi lại rao:
- Báo đây…. báo đây… tính đến hôm nay quỹ vì người nghèo đã đạt được con số là…..!
Tôi lẳng lặng nhìn theo Tú còi! Nó thật hạnh phúc! Có biết bao nhiêu người cần đến nó!
Tôi chợt rùng mình… chỉ sợ một ngày nào đấy, chẳng còn ai cần đến tôi!
08/01/2005

Xem Tiếp: ----