Tôi là một đứa con gái của nước Việt, khi xung quanh tôi những người đàn bà khác hớn hở nhớ ngày Tám Tháng Ba là ngày quốc tế phụ nữ thì tôi lại nhớ ngày đó là ngày khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Ví như thời nào cũng có những người như chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị thì người ta có cần ngày Tám Tháng Ba làm gì?
Gia đình tôi đã có một thời đài các nên đám em gái của tôi khá kiêu sa. Nhưng bây giờ lụn bại hết rồi, tôi chẳng màng chuyện cũ, thậm chí thấy cuốn Buồn ơi chào mi của mụ Francoise Sagan, tôi chỉ lật vài trang ngó chơi.
Trong khi má tôi ngồi kể ngày xưa bà có một căn biệt thự nguy nga, mấy đứa em thì khoe hồi nhỏ đi học bằng xe hơi, tôi lãnh đạm chải đầu soi mình trong tấm kiếng đã ố vàng và dắt chiếc xe đạp ra phố để tránh không khí ngột ngạt rởm đời của một gia đình thượng lưu đã bệ rạc.
Một đàn con trai chạy xe Honda theo mái tóc dài bay bay của tôi. Tôi không chú ý họ, chỉ thấy thương thương những gã đàn ông chạy xe Cub nghĩa địa mà mặt cứ hếch lên trời.
Tôi đi học tiếng Anh. Giáo viên bản ngữ hỏi học viên trong lớp học tiếng Anh để làm gì? Người nói để đi xuất cảnh, kẻ kêu để đi làm nhà hàng, khách sạn, tiếp viên hàng không... Tôi nói tôi học để hễ có dịp thì tôi sẽ phát biểu trên diễn đàn của Liên Hiệp Quốc. Các học viên người Việt cười ồ, riêng cô giáo già người Anh là nhìn tôi trìu mến. Có lẽ đó là lí do duy nhất để tôi còn tiếp tục theo học tại lớp đó.
Má tôi nói tôi là đứa con gái bất bình thường. Còn ba tôi thì rất thương tôi, ông thường hay nói tôi là đứa con gái đẹp nhất trong ngôi nhà toàn người đẹp. Tôi thầm biết ơn ba, nhưng cũng không quên trách chính ông đã vô tình khơi sâu sự ngăn cách giữa tôi và gia đình.
Mấy đứa em gái tôi thường mau quên những chiếc xe hơi thuở bé để mau mắn, ngoan ngoãn leo lên những chiếc xe Dream của những tên con trai lấc cấc, ngổ ngáo. Tôi thấy tiếc má tôi đã không sinh cho tôi một đứa em trai để chở tôi đi học và để trở thành đồng minh của tôi. Những gã con trai đeo đuổi tôi suốt những năm tôi đi học làm tôi thấy tội nghiệp mình.
Tôi làm ở một khách sạn lớn, chức vụ của tôi là thu ngân. Họ bảo tôi đẹp chỉ cần ngồi ở quầy cho người ta ngắm. Và chỉ vậy không gì khác. Tôi sử dụng tiếng Anh rất ít, vài từ chuyên môn. Không nói gì thêm với những gã ngoại quốc, tôi chẳng cần gì để nói. Tôi làm phận sự của mình và không biết ơn ai hết. Hết giờ làm việc, chấm hết! Hẹn ngày mai. Không có ăn trưa, ăn chiều, ăn tối với ai cả. Tôi không thấy tự hào về chuyện làm việc cho ngoại quốc. Hình ảnh những người con gái Việt Nam qua Campuchia làm gái rồi bị bán qua biên giới Thái Lan, họ cũng làm việc cho ngoại quốc vậy? Không lẽ chẳng ai thấy ê chề sao, huống chi tôi cũng là phận gái?
Nếu bị đuổi việc tôi sẽ chuyển qua làm ở một chi nhánh ngân hàng. Tôi có chuyên môn, tôi không sợ ai hết, tôi không nhận tiền “boa,” tôi đi xe đạp để giữ eo mà mặc áo dài.
Một lần trong giờ nghỉ trưa, tôi đi uống cà phê một mình, tình cờ gặp một tên Mỹ say, gã khá già, hình như là một cựu binh Mỹ. Gã hỏi tôi nghĩ gì về cuộc chiến tranh vừa qua? Tôi đáp lạnh lùng: “Hãy quên những cuộc chiến đi, nhưng đừng quên những người đàn bà đã chết.” Gã khóc, tôi bỏ đi. Tôi ghét sự “cải lương,” dù là “cải lương” kiểu Mỹ.
Buồn tình, những ngày nghỉ tôi đi du lịch chơi.
Tôi ngồi trên một cây cầu nhỏ bắt ngang suối nước nóng. Cặp giò tôi ngâm dưới nước và dòng suối cuốn đi đôi guốc model màu đỏ của tôi. Nó trôi lững lờ trước khi mất hút. Tôi không đi theo nó, không thấy luyến tiếc gì cả, chỉ thấy nhớ thương Huyền Trân công chúa. Nàng đã bị đem cống cho Vua Chiêm để đổi lấy đất đai. Nàng có lẽ là “Việt kiều” đầu tiên... Chiến tranh, ký ức về nó trong tôi là một màu xám nhức nhối tâm can. Khi tôi lên tám, dì tôi bị lạc đạn chết. Tôi ôm xác dì tôi còn nóng hổi, mà cái đầu của dì cứ quẹo mãi sang một bên như con gà vừa bị cắt cổ, từ bên màng tang của dì một dòng máu đen kịt cứ rỉ rỉ ra...
Ở khách sạn nơi tôi làm việc chẳng ai chơi với tôi, tôi cũng chẳng chơi với ai. Mấy đứa con gái cứ lo xun xoe nịnh bợ Tây, Tàu. Mở miệng ra là khoe hôm qua vừa đi với “mít” này, “mít” kia. Tôi dửng dưng với cuộc chơi của họ. Tôi có suy nghĩ của tôi - suy nghĩ của một người con gái nước Việt yêu tự do. Nhưng tôi chợt mủi lòng và thèm bật khóc khi tâm thức chợt vẳng lại câu hát ngày xưa như thầm nhắc: “Thương thay cây quế giữa rừng...” Tôi thấy mình dù không phải là hậu duệ của Huyền Trân nhưng biết đâu một ngày nào đó, tôi cũng phải tự mình đem “cống nạp” cho một tên đàn ông cha căng chú kiết nào đó?
Gã đàn ông đứng trước mặt tôi với đôi guốc màu đỏ. Ðôi chân tôi đã nhăn nhúm, trắng bệch vì ngâm nước lâu. Tôi nhớ Tấm ngày xưa tìm được hoàng tử cũng nhờ đánh rơi hài. Còn gã đàn ông này, gã có phải là hoàng tử hay chỉ là một hướng dẫn viên, bồi khách sạn, hay có khi là một tên sở khanh lừa đảo?
Tôi thấy ghét gã thậm tệ, ngay cả khi gã cười nhe hàm răng trắng bóc trên gương mặt đàn ông cương nghị, rám nắng.
Tôi quen với Trần từ đó. Anh đi theo tôi như cái bóng, lặng lẽ như một vệ sĩ. Lúc giận tôi đuổi Trần đi, nhưng ngày mai anh lại lặng lẽ đến. Tôi nhận được nhiều thơ tỏ tình của một tên thi sĩ, nhưng những vần thơ sướt mướt hão huyền của gã làm tôi phát ớn cái bộ vó nửa bụi đời nửa hào hoa của gã. Một tên họa sĩ tập sự đòi vẽ tôi, tôi chỉ thích tranh khỏa thân nhưng trong mắt gã tôi thấy nhiều men say hơn là men nghệ thuật.
Một gã Việt kiều đến trú ngụ nơi khách sạn tôi đang làm. Gã thường hay xuống quầy thu ngân đổi bạc lẻ. Trông gã sạch sẽ, giản dị và lãnh đạm. Tôi thích gã. Khi gã mời tôi đi chơi, tôi đi ngay không cần suy nghĩ.
Thật lạ, cả gã và tôi đều không biết khiêu vũ. Gã rất ít lời. Lúc gã hôn tôi, tôi cảm nhận được mùi thuốc lá và tròng kiến cận của gã cọ trên sống mũi của tôi.
Lúc gã cởi áo ngực của tôi là lúc tôi từ chối. Gã không hề bối rối, chúng tôi trả phòng và rời khỏi khách sạn. Gã ngỏ ý muốn cưới tôi, tôi hỏi về thiên hướng của gã. Gã nói gọn: “Vi tính!”
Tôi về suy nghĩ không biết mình sẽ sống ra sao với một gã chồng có bộ óc điện tử? Gã trao lại địa chỉ cho tôi rồi ra đi. Tôi bỏ địa chỉ của gã vào thùng rác tự tiêu. Hy vọng nó không lọt vào tay một con bé ngu xuẩn nào đó.
Trần lại đến, chẳng gợi ở nơi tôi một cái gì. Trần hơn tôi bao nhiêu tuổi? Có thể là mười, mười lăm hay hai mươi tuổi? Tôi không quan tâm.
Ngày đứa em gái kế tôi đi lấy chồng. Trần ngang nhiên tới phụ. Má tôi thì lạnh lùng, ba tôi thì tội nghiệp, còn tôi thì dửng dưng. Nhưng khi khách mời thắc mắc về sự hiện diện của Trần, tôi trả lời gọn: “Bạn!”
Trần vẫn mãi lẽo đẽo theo tôi, chỉ giúp được tôi có một lần. Ðó là lần tôi đi làm về khuya, vừa rời khách sạn gặp tụi du đãng toan làm hỗn. Trần đã nhanh chóng trấn áp bọn chúng. Trần đưa tôi về, trầm tĩnh như mọi lần. Không hớn hở, cũng chẳng ra vẻ ta đây con nhà... võ. Lần đầu tiên tôi nói với Trần hai tiếng: “Cám ơn.”
Tình cờ tôi biết Trần là một võ sư. Anh đang có những mối ưu tư để phát triển môn võ thuật cổ truyền. Nghe anh nói về sự say mê võ thuật tôi không hiểu nhưng vẫn thích nghe giọng nói trầm, ấm và chuẩn của anh.
Thu nhập của anh từ những lớp võ rất thấp, nhưng anh từ chối những hợp đồng béo bở làm bảo vệ cho mấy vũ trường. Có lần anh được mời tham gia đóng phim, anh rất mừng vì đây là một dịp để anh triển khai các đòn thế của môn võ cổ truyền nhằm tạo thanh thế chấn hưng lại một nền võ học đang mai một dần. Nhưng giữa anh và đạo diễn có sự bất đồng, trong khi anh muốn sử dụng những đòn thật, tuy giản dị mà hữu hiệu, thì tay đạo diễn chỉ muốn phô trương những đòn hư để câu khách. Anh rút các môn đệ của mình về.
Trần rất ít nói, anh chỉ say sưa khi nói về đạo học trong môn phái của anh. Tôi thấy anh cũng có nỗi buồn giống tôi. Trai nước Việt theo Trần thấy thì họ thích đi học Anh ngữ, vi tính để làm bồi bàn, tài xế taxi, nhân viên văn phòng hơn là rèn luyện thân thể, suy tư về khoa học hay đạo học - là lẽ hưng vong sống còn của một quốc gia trên con đường mưu cầu sự hưng thịnh và hạnh phúc.
Tôi giúp Trần học thêm vi tính để anh có điều kiện nghiên cứu võ học một cách khoa học hơn. Cụ thể, nhờ biểu đồ tự sáng chế trên máy, anh “lược giản” bớt những nghi thức, đòn thế rườm rà sao cho mau lẹ và hiệu quả, phù hợp với tinh thần tấn công của thời đại.
Năm đó tôi ba mươi tuổi, má tôi gọi tôi là “gái già.” Ðám em gái tôi đều đã có chồng ở nước ngoài, hưởng một cuộc đời vinh hoa phú quý. Tôi chuyển về một công ty kinh doanh vàng bạc, đá quý. Ông tổng giám đốc vừa mới chết vợ ngỏ lời cầu hôn với tôi, má tôi mừng như bắt được vàng vì cuối cùng cũng có một “người Việt cao quý” ngỏ lời với con gái bà. Nhưng tôi từ chối thẳng thừng.
Năm đó Trần bước vào lứa tuổi bốn mươi. Tôi chưa một lần tới nhà anh. Má tôi bây giờ quý mến anh lắm, anh là niềm hy vọng cuối cùng của má tôi về người đàn ông có thể làm cho tôi rung động con tim sắt đá.
Ngày tôi tiễn cô bạn gái đi công cán ở nước ngoài, có một gã Hàn Quốc trẻ tuổi đeo theo tôi từ phi trường cho tới tận nhà. Gã được má tôi tiếp, còn tôi bỏ vô phòng ngủ. Khi ra về, gã trao lại cho má tôi một tấm danh thiếp ghi rõ chức vụ là tổng giám đốc một công ty danh tiếng. Gã có nhã ý mời tôi làm giám đốc một công ty sắp thành lập (?)Má tôi thở dài, bà chẳng dám khuyên gì tôi.
Ðêm ấy tôi khóc, chẳng biết vì buồn hay vì bực tức? Lần đầu tiên trong đời tôi tự hỏi, người ta làm thân con gái đẹp để làm gì?
Sáng ra Trần đến thăm tôi, tôi nói với anh mà nước mắt lưng tròng: “Anh hãy cưới em đi.”
Trần cầm tay tôi xót xa, anh cố nén một tiếng thở dài.
Ðêm ấy đi chơi, tôi chủ động hôn Trần, anh chỉ nhẹ nhàng vuốt tóc tôi mà không đáp lại nụ hôn đầu của tôi.
Tôi cầu khẩn Trần thêm một lần nữa: “Hãy lấy em đi!”
Trần buồn bã lắc đầu: “Không! Anh không thể lấy một người con gái không yêu anh.”
Tôi buồn bã tự hỏi, làm sao để yêu một gã con trai? Tôi chẳng biết, vì trái tim tôi chưa biết đập rộn rã một lần nào.
Trần đi vắng một thời gian, tôi không cảm thấy nhớ. Tối đi chơi lần đầu tiên sau khi anh về, anh đột nhiên nói: “Anh muốn cưới em làm vợ với một điều kiện!”
Tôi giương mắt nhìn anh: “Ðiều kiện gì?”
“Em đừng tự dằn vặt mình nữa?” - Giọng của Trần thật nhỏ nhưng gương mặt anh rắn đanh đầy đau khổ.
Tôi rùng mình lúc anh cúi xuống hôn tôi. Tôi cảm nhận được sự mạnh mẽ cường tráng và tình yêu vô bờ bến anh dành cho tôi, khi sự khắc khổ trên gương mặt anh biến mất. Trong vòng tay đàn ông của anh tôi nhận ra thân xác đàn bà của mình.
Ðám cưới của tôi, người vui nhất là má tôi. Tôi nói vui với bà: “Chồng con nghèo lắm!”
Má tôi cười rõ to. Tôi cảm thấy bà thấu hiểu tôi hơn bao giờ hết khi bà đoan chắc là cuộc đời tôi sau này sẽ vô cùng hạnh phúc.
 

Xem Tiếp: ----