Cho đến bây giờ tôi mới biết đàn bà con gái khôn ngoan ghê gớm nhiều hơn tôi tưởng.
Thuở đó, nhà tôi và con nhỏ sát vách liền nhau trong một xóm công chức nghèo vùng Phú Nhuận. Con nít năm sáu tuổi chơi chung những trò chơi nhẩy lò cò, tạt hình, nhẩy dây là chuyện thường tình. Có lúc chia nhau cắn ổi, mút chung cây cà rem thắm thiết; mà cũng có lúc giận nhau, nghỉ chơi cả tuần không thèm nói chuyện. Cho đến khi năm lên mười lăm tuổi, tôi mới thấy lòng mình đối với con nhỏ có điều hơi khác lạ.
Chỉ biết rằng tôi trở nên dè dặt mỗi lần chạm mặt con nhỏ, dù nó vẫn hồn nhiên mà tôi bỗng dưng trang bị cho mình một bộ mặt nghiêm trang lạnh lùng. Tôi che dấu sự lúng túng bối rối của mình bằng những lời nói cc cằn thưa thớt, đôi mắt láo liên lãnh đạm. Lúc này tôi nhập bọn với đám bạn trai cùng xóm, ra cái điều không thèm chơi với đám con gái nít nôi.
Dần dà, hai đứa xa nhau.
Thế mà trước khi xách cặp đi học băng ngang qua cửa nhà nó, tôi thấm ướt tóc chải đầu ngăn nắp, quần áo chỉnh trang gọn gàng như sửa soạn lên sân khấu lãnh phần thưởng cuối năm. Mỗi tối, tôi chỏng tai lắng nghe tiếng con nhỏ véo von học bài bên kia bức vách. Nghe tiếng nó êm ái rầy rà lũ em út trong nhà. Nghe giọng ca ngây thơ theo nhạc điệu của máy ra-đi-ô. Thú thật, tôi khoái con nhỏ quá trời. Khoái mà không biết làm sao? Tôi bỗng trở chứng.
Tôi hùa theo lũ bạn trai chọc phá đám con gái, trong đó có con nhỏ. Lúc này nó đã học trường Gia Long, sáng chiều có xe buýt đưa đón tới trường. Bọn chúng tôi rình đầu xóm chờ xe xịch tới, đám con gái ôm cặp đang thứ tự lên xe là thi nhau rống họng lên bài hát cải biên:
Nữ sinh trường Gia Long
Đứa nào đứa nấy lười
Đã lười mà ham chơi, lại còn làm duyên, mà còn làm dáng.
Đến khi giờ ra chơi
Đứa nào đứa nầy ngồi
Đã ngồi là tụm năm, ngồi là tụm ba, ào ào tán dóc...
Rồi cả bọn cười khoái trá khi chiếc xe buýt rồ máy bỏ chạy, mang theo đám con gái hất mặt đằng đằng sát khí sau khung cửa sổ.
Cho đến một sáng, khi cả bọn đang gân cổ lên đồng ca, con nhỏ bỗng quay ngoắt lại buông một câu chát chúa:
- Đồ mất dạy!
Đám con trai cười hô hố trước sự phản ứng của phe "địch". Riêng tôi tái mặt, như có một trái bom nổ lớn trong đầu. Tôi chuồn về nhà như trái bong bóng xì hơi. Tôi cảm thấy mình... mất dạy thiệt. Tôi đau như bị con nhỏ chửi riêng vào cái bản mặt mình. Tự ái ngấm ngầm trổi dậy, tôi bỗng thù con nhỏ vô cùng.
Từ đó, cái giọng học bài của nó mỗi đêm tôi nghe sao chói cái lỗ tai. Giọng la rầy các em nó chua lè như chửi xéo vào đầu tôi. Tôi né không đi băng qua trước cửa nhà nó nữa mà mất công mỏi cẳng đi vòng cuối xóm bọc ra ngoài đường lớn. Mỗi lần nghe tiếng má nó chửi khi nó có điều lầm lỗi nào đó là bụng tôi vui mừng. Tôi còn mong bà cầm roi quất cho nó một trận nứt đít tôi mới hả dạ.
Sân sau nhà nó có một cây ổi xá lị cao lớn, tàn lá xà sang bên sân nhà tôi. Đó là nơi tôi thường hái trộm những trái ổi thơm ngon lỡ dại trổ sang phía bên này. Tôi đã từng bị má tôi âm thầm giáng một hai trận đòn đau điếng vì tội bẻ trộm những trái ổi lạc loài. Một trưa vắng người, tôi lén bắc ghế leo lên vói sang sân nhà nó, tuốt một đám ổi non và cành lá thả lung tung xuống sân nhà. Chiều về, tôi hồi hộp lắng nghe tiếng má nó chửi mắng:
- Tao đã dặn mày coi chừng em. Đừng để tụi nó leo cây bẻ trái có ngày té gẫy cẳng. Sao mày ham chơi để tụi nó xả lá bừa bãi như vầy...
Tiếng roi mây vun vút hòa lẫn trong tiếng khóc tức tưởi của con nhỏ khiến tôi sung sướng hả dạ. Nhưng mà tối hôm đó, lòng tôi có điều gì băn khoăn ray rứt.
Từ khi đám con lớn thêm chút đỉnh, gia đình con nhỏ không cho chị em tụi nó ra ngoài chơi nữa. Giang sơn chạy nhẩy của tụi nó nằm gọn trong chu vi sân tráng xi-măng trước nhà với hàng rào song sắt. Cách sống kín cổng cao tường như thế khiến đám con nít hàng xóm dòm ngó, châm chọc. Trong số đó có thằng Tội, đệ tử của tôi.
Thằng này hay chõ mồm vào sân nhà con nhỏ chòng ghẹo mỗi khi chị em tụi nó đang chơi với nhau. Một bữa, nó đang la cà trước sân thì con nhỏ mở cửa ra gọi:
- Tội ơi, vô đây tụi tao cho mày xem cái này hay lắm.
Thằng Tội vừa hí hửng chui đầu vô là con nhỏ đóng xập cửa rào lại. Chị em tụi nó nhào tới véo tai, đá đít thằng Tội tơi bời. Kèm theo là lời hăm dọa:
- Cho mày chừa thói chửi bậy.
Thằng nhỏ khóc mếu xin tha. Được thả ra khỏi sân, nó chạy một mạch đi luôn và không bao giờ dám giở trò phá phách. Nhưng khi biết chuyện, tôi rắp tâm báo thù cho thằng em út của mình. Chờ tối đến, tôi lén ra sân trước lấy cây khều hết dép guốc nhà nó đem quăng đầu đường cuối xóm mỗi nơi một chiếc. Hôm sau dĩ nhiên con nhỏ bị má nó la tơi bời, lủi thủi đi thu lượm từng chiếc trở về nhà.
Chiến tranh lạnh cứ như thế tiếp diễn cho đến khi Biến cố Tết Mậu Thân bùng nổ. Gia đình tôi và nó lánh nạn tứ tán các nơi. Đến khi trật tự vãn hồi và nhà cửa được tu bổ, gia đình tôi trở về nhà xưa thì dường như tôi và con nhỏ đã phần nào đổi khác. Ngày hàng xóm gặp lại nhau, trong ánh mắt nó cơ hồ có làn nước mắt long lanh mừng rỡ. Tôi cũng cảm thấy ngỡ ngàng. Trước mắt tôi không còn là một con bé ngổ ngáo, lấc cấc ngày xưa nữa. Thay vào đó là hình dáng một thiếu nữ đằm thắm, dịu dàng với cặp mắt lánh đen sâu thẳm. Oán thù ngây thơ thuở xưa qua cơn biến nạn đã tan vào hư không. Thật ra, nàng có ân oán gì tôi đâu? Chỉ vì tôi mang tự ái vặt mà để tâm thù dai chuốc hận.
Và rồi, tôi đổi khác. "Vậy đó bỗng nhiên mà chợt lớn". Tôi bắt đầu học đàn, đêm đêm xách cái ghi-ta ngồi khua loạn cào cào, miệng rống lên những bản tình ca tiền chiến. Hết tình ca tôi nhẩy sang du ca, tâm ca, dân ca, đạo ca chỉ còn chừa lại Thánh ca, nhạc nhà thờ thì tôi không dám. Không hiểu nàng có cảm nhận được nỗi lòng hằng đêm của tôi hay không, mà sáng sớm khi xách xe "cady" ra cửa đi học, tôi có cảm tưởng cô nàng nhẹ lướt mắt nhìn sang cửa nhà tôi. Ôi! Trái tim nhỏ bé của tôi như có ai nắn nhẹ một cái êm ái, rụng rời.
Bây giờ nàng không còn đi xe buýt đến trường nữa, thay vào đó mà cỡi xe "cady" thong dong dưới hai hàng cây lọc nắng. Nhà tôi đông anh em nên bố tôi chỉ phát cho mỗi con một cái xe đạp đi học là may phước lắm rồi. Tôi đã từng đạp xe toát mồ hôi theo nàng nhiều đoạn đường, dù chỉ ngắm sau lưng làn tóc bay bay, vạt áo dài gài vào ghi-đông xe như cánh buồm con bọc gió là lòng tôi cũng đủ tràn trề sung sướng vòng xe đến trường của mình. "Khi vào lớp học anh còn ngẩn ngơ".
Nhưng làm sao tạo được cơ hi để truyện trò cùng nàng? Hai nhà sát vách nhưng ra vào chẳng nói chuyện gì nhau thì chán chết. Mỗi đêm dạo đàn, hát ầm ầm cũng làm phiền lòng hàng xóm không ít, không kể sẽ làm ba nàng mất ngủ đổ quạu. Tôi trăn trở tìm mưu tính kế. Tôi tưởng tượng một buổi trên đường về học, nàng bị hai ba thằng nham nhở chặn xe chọc ghẹo. Nàng đang đứng khóc thút thít thì tôi bỗng hiên ngang đi tới bợp tai mỗi thằng một cái, đá đít chúng nó lăn lóc ra đường rồi lặng lẽ dìu nàng đi về trên con đường chênh chếch nắng hoàng hôn. Tôi bỗng cảm thấy mình cần phải đi học võ. Ít ra cũng phải tập luyện tới cỡ Địch Long, Khương Đại Vệ thì mới mong đủ sức bảo vệ nàng, đánh một lúc hai ba thằng như thế.
Tôi lại thả óc tưởng tượng hình dung nàng bị bệnh thập tử nhất sanh. Nàng đang cô đơn tuyệt vọng. Tôi sẽ đến với nàng như một cứu tinh thầm lặng. Chỉ có mình tôi cạnh nàng, chỉ có mình tôi săn sóc ân cần. Tôi sẽ tình cờ bắt được con thiềm thừ ngàn năm, cho nó hút máu mình rồi cắn vào ngón tay nàng để nhả máu sang. Tôi sẽ ngất xỉu và khi mở mắt mơ màng tỉnh dậy, sẽ thấy nàng đang cầm tay tôi mà nước mắt chan hòa.
Tôi mơ mng lung tung. Nhưng mà cơ hi đầu tiên để được bước vào đời nàng ôi sao mà khó quá. "Gần trong gang tấc mà cách xa nghìn trùng". Cuối cùng, tôi cũng nghĩ ra được một kế lưu manh.
Than ôi, tình yêu đã làm con người ta trở nên mù quáng ngu đần. Suýt chút nữa làm hại cả một đời người.
Tôi biết mỗi chiều thứ tư sau giờ học, nàng hay đến thư viện quốc gia để tra cứu thêm tài liệu. Nàng thường ngồi cặm cụi đến khi gần tối mới lật đật thu xếp bài vở ra về. Tôi đã lảng vảng nhiều ngày theo nàng nên biết giờ giấc, đường đi nước bước. Và một chiều kia, tôi lặng lẽ rình sẵn chờ nàng bước chân vào thư viện.
Tôi tà tà đẩy xe đạp lại dựng cạnh bên chiếc "cady" của nàng. Trong lúc lúi húi khóa xe, tôi nhanh tay thò sang mở nắp vòi bánh xe của nàng, xì hơi nhè nhẹ.
Thi hành xong thủ đoạn, tôi thản nhiên vào thư viện đi vớ vẩn một lúc rồi trở ra. Tôi hấp tấp xách xe đi, lòng hồi hộp như tên ăn trộm sợ bị bắt quả tang. Qua khỏi thư viện, tôi vô một quán nước nằm trên đường nàng sẽ về qua, ngồi thấp thỏm chờ đợi. Tôi tưởng tượng sẵn những lời sẽ nói với nàng: "Chào cô. Xe cô bị gì vậy?", "Khổ chưa, bánh xe bị xẹp hả? Để tôi dắt xe đi tìm chỗ vá!", "Không sao, tôi đi cùng với cô cho vui. Hàng xóm cạnh bên nhà mà." "Khúc đường đàu cầu tối ghê lắm. Hay có dân du đãng tụ tập chặn đường. Cô để tôi đi cùng cho an toàn nhé"...
Hình dung đến ánh mắt biết ơn trìu mến của nàng, lòng tôi tràn đầy khoan khoái.
Trời chiều dần úa mầu, các xe bán đồ ăn nước uống dọc lề đường lục tục dọn dẹp. Lác đác bóng những tà áo trắng cỡi xe hấp tấp đi qua. Trống ngực tôi bắt đàu đập loạn xạ trong khi cặp mắt không ngớt nhìn về hướng thư viện. Có những tà áo dài phất phới, những nón lá nhấp nhô tỏa ra các hướng. Có những cô nữ sinh dắt xe đi qua, líu lo trò chuyện nhưng bóng nàng không thấy nơi đâu. Trái tim tôi bỗng chìm xuống. Tôi lo ngại, sợ hãi cho cái trò xì bánh xe tai hại của mình. Nếu có chuyện gì không may xẩy ra cho nàng thì tôi có chết cũng không đủ đền bù tội lỗi.
Bỗng nhiên, như một ảo tượng, nàng chợt hiện ra ngay trước đầu đường. Chiếc xe "cady" uyển chuyển lách quanh một ổ gà và nhẹ nhàng băng qua mặt tôi. Không dấu hiệu một trục trặc nhỏ nào đã xẩy ra. Tôi há hốc mồm ngơ ngác nhìn theo làn khói xe xanh nhạt mỏng manh vờn trong gió như trêu cợt cái thằng lưu manh mạt kiếp. Chỉ trong một thoáng xẹt qua, tôi có cảm tưởng nàng hơi nghiêng đầu nhìn tôi, môi khẽ nhếch một nụ cười châm chọc. Khi bóng nàng đã khuất xa, tôi mới hoàn hồn mừng thầm cho nàng và không khỏi thất vọng cho mình.
Tôi uể oải trả tiền ly nước rồi lủi thủi đạp xe ra về. Con đường nàng vừa đi qua thưa thớt bóng người. Đây đó các cửa tiệm xoèn xoẹt kéo cửa sắt đóng kín. Những bóng đèn đường bẩn thỉu rạn nứt lười biếng thả xuống những vũng sáng vàng úa. Giờ này ai nấy đã tắm rửa sạch sẽ, quây quần bên mâm cơm gia đình, còn tôi lang thang ủ rũ như một tên thất trận.
Gần đến dốc cầu, tôi lấy gân gò lưng định đạp xe lên thì thấy bóng dáng mảnh mai quen thuộc của cô nàng hàng xóm đang dắt chiếc "cady" cố đẩy lên cầu. Tôi mừng muốn phát điên. Thì ra thủ đoạn của tôi cũng đạt được thành công, dù hơi chậm chút đỉnh. Có lẽ trong lúc thi hành gian kế, tôi đã vì hồi hp quá mà mở van xe không kỹ, nên phải chờ một thời gian khá lâu sau bánh xe mới xì hết hơi ra ngoài. Tôi định thần, sửa sang lại đầu tóc, soạn sẵn một bộ mặt đầy vẻ quan tâm ân cần và từ từ đạp xe tiến tới.
Đúng lúc đó, từ trong bóng tối nhập nhoạng, hai gã thanh niên từ con hẻm nhỏ bên đường khệnh khạng đi ra. Một gã bô bô:
- Đi đâu vậy cô em? Dô đây chơi với anh một chút rồi dìa.
Hai gã đến gần hơn. Một đứa đưa tay giữ xe lại, nham nhở:
- Xe hư hả? Để anh đưa dô đây sửa. Rồi anh đưa dìa tận nhà, hỏi thăm ba má...
Cô gái dằng xe lại, chiếc "cady" chao nghiêng khiến nàng như muốn ngã vào người gã đứng bên cạnh. Hai gã cười hô hố:
- Làm gì dữ dzậy, cô em? Trước lạ sau quen. Cho anh coi mặt chút đi...
Cô gái yếu ớt van vỉ:
- Buông ra, tôi muốn về nhà...
- Nhà anh cũng như nhà em mà... Đừng làm bộ...
Mặt tôi nóng phừng phừng, tim đập lùng bùng như tiếng súng đại bác nổ liên thanh. Một luồng dũng khí không biết từ đâu sôi bừng bừng trong huyết quản, tôi xô đổ chiếc xe đạp xuống lề đường rồi xông tới. Tôi quên là mình chưa từng học võ. Mà nếu có học, giờ phút này tôi cũng quên hết các chiêu thức võ công. Trong tôi chỉ còn ý niệm là phải giải cứu người đẹp sa cơ trong tay bọn đạo tặc. Tôi gầm lên: "ĐỒ MẤT DẠY!" rồi nắm cổ áo thằng đứng gần nhất, xô nó chúi nhủi. Tôi chưa biết mình phải làm gì kế tiếp thì thằng kia tung một trái đấm ngay cằm khiến tôi tối tăm mặt mũi. Trong cơn mơ hồ, tôi ôm đầu hứng chịu những cú đãm đá huỳnh huỵch vào cơ thể và văng vẳng bên tai tiếng la khóc của nàng.
Khi tỉnh trí lại, tôi thấy mình nằm chèo queo cạnh chiếc xe "cady", nàng quỳ bên tôi, hai tay nắm lấy tay tôi mà nước mắt ròng ròng trên má. Sau lưng nhiều bóng người qua đường tò mò quan sát. Một anh lính quần áo rằn ri dựng xe "cady" lên, nâng tôi dậy. Với vẻ ân cần, anh ta phủi quần, sửa áo cho tôi. Anh ái ngại an ủi:
- May mà anh vừa đi tới nên tụi nó bỏ chạy. Hai em đi về đi. Cần anh đưa một khúc đường không?
Tôi lí nhí cám ơn người lính tốt bụng. Chúng tôi mỗi đứa dắt xe của mình lủi thủi đi về bên nhau. Bước thấp bước cao trên con đường ổ gà lồi lõm, dù không nói một câu, hai đứa tôi linh cảm từ giờ phút này trở đi chúng tôi đã trở nên ràng buộc.
Mấy chục năm trôi qua, hai đứa con đã lớn và tóc chúng tôi pha nhiều đóm bạc. Tôi vẫn dấu nhẹm cái hành vi lưu manh của mình thuở nào. Tôi âm thầm hối hận đã gây cho nàng một phen sợ hãi. Tôi có ăn đòn du đãng thì cũng đáng đời cho cái tội của mình. Tôi ăn năn mỗi khi nhìn cái dấu sẹo nho nhỏ trên mu bàn tay của nàng, dấu vết trầy sướt khi xe đổ.
Một buổi chiều nơi xứ lạ quê người, con cái đã lập gia đình ở riêng, hai vợ chồng già chúng tôi dạo bộ quanh xóm. Nhìn ánh hoàng hôn nghiêng trên đỉnh lá, tôi chợt nhớ đến con đường nàng thường đi học thuở nào. Thế là tôi thú thực cùng nàng tội lỗi thuở xưa. Tôi cầm tay nàng, mân mê vết sẹo nhỏ:
- Nhưng nhờ như vậy anh mới được gần em.
Nàng cười chúm chím, mắt vờ nhìn sang nơi khác:
- Em biết rồi. Mỗi lần đến thư viện em đều núp bên trong nhìn ra theo dõi anh. Có điều hôm đó anh dở ẹc, xì bánh xe mà không nên thân. Em phải tới đầu cầu xuống xe, tự tay xì cho nó xẹp lép rồi chờ anh đó chứ.
 

Xem Tiếp: ----