Sang rằm tháng chạp, ngoài đường cái lác đác đã thấy những nhà buôn chờ hàng tết về huyện. Phạm Hướng Thiện, kỹ sư kiến trúc về hưu làm nghề sản xuất và kinh doanh cây cảnh cũng vừa hoàn thành tấm biển quảng cáo bằng sắt tây nền xanh nước biển, hàng chữ đỏ nổi bật: "Hoa - cây cảnh Hướng Thiện". Tấm biển choán hết chiều ngang ô cổng xây trước ngõ, ai đi qua cũng dừng lại ngó. Thực ra, không cần quảng cáo thì vườn cảnh nhà gã cũng đã "nổi" lắm rồi. ở cái làng ngoại ô thành phố này, năm nay cũng có vài ba người bắt chước gã làm vườn cảnh nhưng chưa ai sánh được với gã. Vườn nhà gã rộng, kề đường cái, số lượng cây cảnh nhiều, phong phú kiểu dáng. Gã lại là người có học. Gã có thể ngồi hàng buổi lý giải, bình phẩm ý nghĩa nhân văn của những thế cây, màu hoa để chiêu khách. Nhưng gã vẫn treo biển quảng cáo để thu hút những khách vãng lai.
Những tín hiệu tốt lành đã tìm đến với gã. Tấm biển quảng cáo vừa treo lên hôm trước, hôm sau, vào buổi chiều đã có một chiếc xe Nisan màu xanh cửu long đỗ xịch trước cổng. Mở cửa xe bước ra là một người đàn ông trạc tuổi ngót sáu mươi. Quan sát dáng, gương mặt, giọng nói và cái ca-táp cắp bên hông cũng có thể khẳng định ông khách này vào cỡ giám đốc sở hoặc giám đốc công ty gì đó trên thành phố. Ông khách bắt tay gã một cách trịch thượng, nhướn cặp kính đổi màu đắt tiền nhìn ngó khắp các ô vườn cảnh rồi bước thẳng đến khu vực đặt cây thế. Ông khách ngắm kỹ từng chậu cây theo lời giới thiệu của gã. Thấy khách có vẻ đắn đo chưa biết chọn cây gì, gã nói bằng thứ ngôn ngữ mang tính "chào mời" dẻo quẹo, một trong những thủ thuật kinh doanh mà gã mới học được:
- Thưa ngài. Mặt hàng của chúng tôi không đáp ứng nhu cầu vật chất, nó chỉ mang ý nghĩa gửi gắm trạng thái tinh thần của khách, thậm chí nó ứng nghiệm cả số phận một kiểu người. Tôi quan sát, cảm nhận rằng tuy tuổi có vẻ cao niên nhưng phong độ ngài còn vượng khí lắm. Hình như ngài đang thăng tiến?
Ông khách cười đắc ý:
- Ông giỏi đấy. Tôi sắp được giữ một chức vụ cao hơn.
- Đường công danh của ngài từ trước đến nay chắc là hanh thông lắm?
- Chưa hẳn là thế. - Ông khách nói. - Mỗi bước đi của tôi là một bước đầy trắc trở. Cây càng cao càng chịu nhiều gió bão. Nhưng rồi tôi cũng vượt qua được.
- Xin chúc mừng ngài. Vậy thì ngài chơi thế cây này là phù hợp. - Gã chỉ tay vào cây tùng, thân uốn vòng lòng chảo, ngọn đua cao vót. - Đây là thế nghinh phong, bị bão táp giập vùi xuống sát đất, vẫn uốn mình vươn dậy, vững chãi, thách thức với trời đất...
Ông khách gật gật đầu rồi bảo chú lái xe bê chậu cây thế nghinh phong để riêng ra một chỗ. Chủ hàng lại vui vẻ nói tiếp:
- Thưa ngài, người biết chơi thì không ai chơi độc cảnh. Xin hỏi, về phía gia tộc ngài có an khang không?
- Các cụ nhà tôi đều đã mất. Vợ tôi là một người hiền. Anh em họ hàng tuy có lúc xích mích với nhau nhưng khi cần mưu việc lớn thì họ biết cụm lại hợp sức hợp lòng. Tôi chỉ thiếu bạn. Nói cho đúng thì không có bạn tri kỷ, tâm giao. Trong đời tôi cũng từng chơi nhiều bạn nhưng rốt cục đều bị phản trắc, chia lìa...
- Vậy thì ngài nên chơi thêm thế cây quần tụ tam giao này. - Chủ hàng vừa nói vừa bê luôn chậu thế có nhiều cây Sanh thân tựa vào nhau, xòe tán che cho nhau, đặt cạnh chậu nghinh phong.
Hai chậu thế đặt cạnh nhau trông rất ưa nhìn. Ông khách đi bách bộ lượn quanh ngắm kỹ từng nhánh lá rồi mở ví lấy tiền, hỏi giá. Chủ hàng nghĩ ngay đến tác dụng quảng cáo từ ông khách có phong độ bặt thiệp này. Gã nói:
- Thưa ngài, năm nay ngài là vị khách đầu tiên xông hàng cho tôi. Tôi nghĩ vía của ngài sẽ mang lại nhiều may mắn. Tôi còn muốn ngài quảng cáo giùm nữa. Lẽ ra ngài phải trả tôi mỗi cây một triệu, nhưng tôi chỉ xin ngài một triệu rưỡi hai cây.
Vị khách đếm tiền trả không thiếu một đồng, còn nói thêm.
- Ông yên trí, nhà tôi rất nhiều khách ra vào. Tôi sẽ giới thiệu với mọi người về đây mua...
Chiếc Nisan rồ máy tiến về phía thành phố. Người chủ xích lô gò lưng đạp, chở hai chậu cây cảnh đi sau. Phạm Hướng Thiện nhìn theo, lòng chộn rộn phấp phỏng. Vậy là vụ cây cảnh tết năm nay đã có những tín hiệu tốt lành.
Gã vốn là kỹ sư kiến trúc, làm việc nhiều năm ở một công ty xây dựng thành phố. Cách đây bốn năm, ở tuổi năm mươi hai, đang yên lành tự dương gã đột ngột lao đơn xin nghỉ việc. Sự kiện đó gây sửng sốt cho nhiều người trong công ty. Không ít người ngờ ngợ, cho rằng gã bị cái "phốt" gì đó nên mới chuồn gấp để tránh nạn. Gã mặc kệ. Gã có cách sống, cách nghĩ của gã. Gã nhận thấy rằng, cái thành phố, nơi gã đang sống vốn dĩ là một đô thị đẹp xinh sầm uất trong quá khứ nhưng khoảng hai chục năm nay chẳng hiểu ma xui quỷ ám thế nào nó bị xuống cấp dần dần và thời điểm gã về hưu, nó hóa thành một thành phố trì đọng nhất khu vực. Có những dãy phố gã cảm giác không có gì thay đổi so với thời gã ngoài hai mươi tuổi, khi gã cầm tấm bằng đại học về đây công tác, nếu có khác chăng chỉ là ở cái màu rêu dày thêm trên lên mỗi mái nhà. Công nghiệp rủi ro làm cho thương mại cũng teo tóp cò con. ít việc làm nên dân phố thường đi ngủ sớm. Mười giờ là mọi nhà đã đóng cửa im ỉm, đường phố vắng tanh, chỉ còn nghe tiếng chó sủa vu vơ như ở một ngôi làng hẻo lánh nào đó. Hồi ở tuổi ngoài ba mươi gã có chơi thân với một bạn gái, nhưng mỗi bận họ đến thăm nhau lại bắt gặp rất nhiều con mắt dòm dỏ rồi phao tin tệ hại, cuối cùng hai người phải ly gián. Khi dư thừa thời gian, người ta có thể nhòm sâu vào ngõ ngách cuộc đời của người khác, bô bô bình phẩm, phán xét, xuyên tạc mà không cảm thấy trơ trẽn. Còn cái nghề thiết kế của gã, tất nhiên, thành phố càng chậm phát triển thì càng rủi ro. Thuở còn sinh viên, trong các bài thi gã thường thích vẽ những đô thị hiện đại. Đề án tốt nghiệp của gã là một khách sạn năm sao cực kỳ sang trọng, hấp dẫn. Tòa nhà như có linh hồn. Gã nhận bằng tốt nghiệp loại ưu. ấy vậy mà từ ngày ra công tác chưa bao giờ gã được vẽ thiết kế ngôi nhà nào xứng với trí tuệ bay bổng của gã.
Gã thường được phân công vẽ thiết kế những ngôi trụ sở. Đã bao lần gã lấy làm ngạc nhiên vì không hiểu sao thành phố này lại xây nhiều trụ sở đến thế. Các cơ quan, đoàn thể đua nhau xây trụ sở khang trang và sắm xe Nhật Bản đời mới (mặc dù những ngả đường từ thành phố về huyện quá xấu, mỗi khi mưa xuống xe Nhật Bản gầm thấp không lết đi nổi). Sau này từng trải thêm, gã mới vỡ nhẽ ra rằng, tuy những ngôi trụ sở và những chiếc xe Nhật Bản đó không làm ra nhiều vật chất nhưng nó lại có tác dụng tạo cho những chiếc ghế tăng thêm uy lực và những chiếc túi cá nhân nặng thêm. Chả thế mà có ông lãnh đạo nọ thấy cơ quan nhiều trụ sở quá, toan biến một ngôi nhà thành xí nghiệp may mặc tư nhân, liền bị quy là vô chính trị! Gã vẽ nhiều trụ sở lắm. Tuy nhiên cũng có mấy ngôi hai tầng, gã vẽ rất "có hồn", nhưng do thi công cẩu thả, ăn bớt vật liệu mà giờ đây tường mái đã rạn nứt nghiêm trọng, người ta sắp phải sơ tán để xây lại. Gã còn được giao vẽ tạp phí lù, kể cả nhà tắm, nhà vệ sinh cho một cơ quan nào đó. Gã luôn mang tâm trạng nuối tiếc cái chất xám của gã. Và cho đến cái năm gã xin về thì hầu như gã không có gì để vẽ nữa. Dân chúng xây nhà thường tự vẽ lấy hoặc thuê cánh kỹ sư trẻ chưa có công ăn việc làm. Những đồng nghiệp trong công ty của gã cũng không có sẵn việc như trước nhưng họ vẫn kiên trì bám chắc cơ quan bằng những việc làm vờ vịt, còn gã thì xin về. Gã cho rằng biết mình và biết người, tiến đúng lúc và rút lui đúng là biểu hiện của con người có nhân cách. Gã không mang tâm trạng ấm ức nặng nề của kẻ bất toại, ngược lại, gã cảm thấy hừng hực niềm tin, tràn trề hy vọng vào những toan tính táo bạo và mới mẻ của gã. Chính những ý tưởng ấy lại sinh ra ngay trong những ngày tháng nghề vẽ thiết kế của gã đã lung lay. Gã cho rằng phàm đã là kiếp người sinh ra ở đời, ai ai cũng có một đặc tính là ham muốn đua tranh để tự khẳng định bản thể cá nhân trước cộng đồng. Thiếu môi trường trí tuệ để khẳng định trí tuệ thì ngươi ta tự khẳng định bằng sự phô phang của đồ đạc, tiện nghi, bằng kiểu cách chơi hoa, cây cảnh. Nhất là những người có "máu mặt" cứ xây xong một tòa nhà thì việc đầu tiên phải lo là làm sao có mấy chậu cây cảnh để trước thềm. Gã biết có "sếp" còn thiết kế hẳn một "công viên cây cảnh" trong nhà mình, chẳng thế mà đã có người trở thành triệu phú nhờ nghề cây cảnh. Nắm được đặc điểm tâm lý này, gã quyết chí lui về với ngôi nhà ngoại ô của gã để sản xuất hoa, cây cảnh. Gã sẽ làm giàu nhờ cái thị hiếu thời thượng của dân thành phố. Hai thằng con trai gã hiện là sinh viên ở Hà Nội đang rất cần đến những đồng tiền của gã để hoàn tất chương trình đại học. Đứa con gái đầu của gã đang sống cùng thành phố với gã, cũng đã là kỹ sư hóa và có chồng rồi đấy nhưng đang nguy cơ thất nghiệp, cũng sẽ phải dựa vào gã mà sống. Phải, gã không còn con đường nào khác là sẽ phải trở thành ông chủ. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa - ba yếu tố đó đã có, chỉ cần trí thông minh, lòng can đảm và sự khôn ngoan của gã nữa là sẽ thành công.
Gã về nhà hôm trước, hôm sau đã xoay trần ra vườn. Gã phát quang những bụi rậm. Gã đào xới. Gã san lấp. Hùng hục, hối hả. Như một chàng lực điền. Số tiền về "một cục" gã tung ra hết để mua cây giống, chậu cảnh. Gã rất thích ươm trồng và tạo thế cho các cây cảnh. Còn các chậu hoa giấy gã trồng chơi vậy thôi nhưng một số khách hàng đến xem rồi chê rằng các thế cây còn gượng bởi thời gian ươm trong chậu còn quá ngắn...
Thời gian trở thành đối tượng đáng ghét của gã. Ngoài đường cái, khách chuyên chở hàng tết về huyện bằng đủ các phương tiện trong đó có cả hoa vải, hoa ni-lông lòe lọet ngày càng nhiều khiến lòng gã bồn chồn, bứt rứt, nóng ran như có lửa thiêu. Sang đến ngày 26 thì nỗi lo âu không thể dồn nén thêm được nữa, gã phải chia sẻ cùng vợ. Vợ gã là giáo viên, một phụ nữ hiền dịu, đoan trang mấy đêm nay cũng phấp phỏng khó ngủ, nhưng không dám thổ lộ, sợ gã lao tâm khổ tứ rồi đổ bệnh thì khốn. Giờ đây, nghe gã chia sẻ bằng cái giọng của kẻ sắp vỡ mộng, vợ gã phải tìm cách an ủi, vỗ về. Thị nói:
- Hay là tại anh để năm mươi chậu hoa giấy ở mảnh vườn sát cổng, màu hoa rực rỡ quá, lấn át vẻ đẹp của khu cây cảnh?
Gã chạy ra cổng ngắm và ngầm cảm ơn sự phát hiện của vợ. Gã đang chuẩn bị dọn tất cả những chậu hoa giấy ra mảnh vườn phía sau nhà thì bỗng nghe tiếng xe máy rì rì ngoài cổng. Ba chàng trai phóng ba chiếc xe máy đời mới vượt qua ô cổng tiến thẳng vào sân nhà gã. Chúng xuống xe và một đứa nói:
- Hôm qua đến chơi nhà "sếp" của chúng cháu, thấy có hai chậu cây thế đẹp quá. Chúng cháu hỏi mua ở đâu thì "sếp" cháu giới thiệu xuống chú...
Lòng dạ gã như ruộng ải gặp mưa. Gã nhỏen điệu cười ve vuốt. Mời ba chàng trai ngồi xuống bộ bàn trà kê dưới vòm cây ngọc lan ở góc san. Gã lấy lọ chè búp ướp hương ngâu pha vào bộ ấm chén Trung Quốc mời khách. Tàn ấm chè, gã mời họ ra khu cây thế ở ô vườn áp sân. Gã giới thiệu với họ vẻ đẹp và ý nghĩa nhân văn của từng thế cây bằng cái giọng nồng nhiệt, đầy cảm hứng như người nghệ sĩ diễn thuyết tác phẩm mình ưa thích. Ba chàng đều chăm chú nghe gã, đầu gật gật tán thưởng. Nhưng khi xem hết các cây thế thì họ lại chẳng phát biểu gì. Họ ngoặt sang ô vườn sát cổng, nơi có những chậu hoa giấy ba màu. Họ ngắm nghía một lát rồi bê mỗi người một chậu buộc lên xe. Cử chỉ của họ khiến chủ hàng trợn mắt ngạc nhiên. Gã hỏi:
- Sao các cậu không chơi cây thế cho sang trọng mà lại phải chơi hoa giấy?
- ồ hoa giấy này cũng sang trọng lắm - Một chàng đáp. - Chú xem, đỏ ra đỏ, vàng ra vàng, trắng ra trắng. Bọn cháu cứ đẹp là chơi thôi.
"Tụi này xem ra đều là con nhà khá giả nhưng thẩm mỹ lại thấp kém. - Gã nghĩ nhanh. - Triết lý sống của chúng cũng nham nhở như loài hoa giấy ba màu đó thôi. Đã thế, ta sẽ hét giá đắt gấp đôi". Gã phát giá một trăm ngàn một chậu. Ba chàng trai không cò kè gì, rút tiền trả rồi rồ máy xe phóng ra đường cái.
Sáng hôm sau, ánh bình minh cuối đông yếu ớt chưa tỏa hết những ô vườn thì đã thấy một đoàn trai thanh gái lịch, đưa xe máy, đưa xe đạp, rầm rập tiến qua cổng vào sân nhà gã. Chúng lao xao chào vợ chồng gã. Một đứa con gái trông rất kháu nói:
- Hôm qua, mấy anh ở cùng phố chúng cháu mua hoa giấy ba màu của bác đem về, nhìn rất thích. Thế là sáng nay chúng cháu kéo tới đây. Bác bán cho chúng cháu mỗi đứa một chậu...
Gã hỏi, giọng thoáng chút nghi ngờ:
- Các cháu mua để chơi tết hay còn để làm gì nữa?
Cô bé nói:
- Cháu cháu chọn hai chậu đẹp nhất để tết thầy hiệu trưởng. Còn lại để chơi tết thôi.
Gã lại trợn mắt lên.
- Tết thầy hiệu trưởng mà lại bằng hoa giấy?
- Có sao đâu. - Cô bé đáp. - chúng cháu mê loại hoa giấy này lắm. Chắc thầy hiệu trưởng cũng thích, bác ạ.
Tụi này chơi hoa giấy còn có thể giải thích được, đơn giản là chúng chưa trải đời, chưa phải người quản lý đồng tiền. Gã cho là thế. Gã phát giá ba mươi ngàn một chậu. Chúng trả hai mươi tám ngàn đồng loạt. Gã đồng ý.
Sáng hôm sau, và sáng hôm sau nữa vẫn tiếp tục có những nhóm, những tốp thanh niên đến mua hoa giấy. Và đến sáng 29, cái ngày mà mọi người đã trở về gia đình sum họp chuẩn bị đón tết, thì ô vườn hoa giấy nhà gã chỉ còn có hai chậu. Gã cảm thấy vui vui vì dẫu sao gã cũng đã bán được 48 chậu hoa giấy, có tiền lo cái tết cho các con. Nhưng niềm vui của gã qúa mong manh so với nỗi lo âu trĩu nặng. Mấy chục triệu của gã đầu tư vào cây thế mà mới chỉ thu được một triệu rưỡi của ông khách bặt thiệp đi xe Nisan. Hay là lão đã quảng cáo xỏ xiên mặt hàng của mình! Lão tâng bốc giống hoa giấy ba màu. Xúi bọn trẻ cùng cơ quan, cùng phố lao vào chơi để rồi chỉ mình lão xứng đáng chơi cây thế, chỉ mình lão mới xứng mang tầm cỡ tinh thần cao siêu gửi gắm vào cây thế.
Phạm Hướng Thiện nhận thấy cần thiết phải tìm đến nhà lão ta. Hôm lão đến đây mua cây cảnh, gã quên không hỏi tên, chức vụ, chỗ ở của lão. Nhưng cái người đàn ông đạp xích lô chở hai chậu cây cảnh cho lão ta thì gã biết. Gã sẽ nhờ người này chỉ dẫn đến tìm đến tận nhà lão. Gã sẽ chặn mưu đồ đen tối của lão lại.
Gã vừa đạp xe ra ngõ thì nhìn thấy một thiếu phụ ăn mặc rất diêm dúa đi chiếc xe cúp 82 màu mực Cửu Long bóng nhoáng quặt vào cổng nhà gã. Thiếu phụ phanh xe trước mặt gã, rồi tháo chiếc mũ vải và chiếc kính đổi màu, khi ấy gã mới nhận ra đó là Kim The, người cùng làm việc ở phòng thiết kế với gã trước kia. Kim The đã bốn mươi tuổi, nhưng vẫn được coi là thuộc hàng ngũ kỹ sư trẻ, bởi cái phòng thiết kế của gã đã nhiều năm không có chỗ để tiếp nhận những kỹ sư trẻ hơn nữa. Dưới con mắt của gã thì Kim The là người có số phận may mắn. Cả hai vợ chồng đều là kỹ sư nhưng họ chỉ dành một phần nhỏ chất xám cho công ty, còn lại họ dồn hết trí tuệ, tâm huyết cho cái cửa hiệu kinh doanh ti vi cát xét của cá nhân họ. Cả hai vợ chồng đến cơ quan đều tỏ ra lù đù, ngô nghê, nói năng ngọt nhạt, chiêu nịnh để giám đốc và các đồng nghiệp hài lòng, nhưng khi về đến cửa hiệu riêng thì họ tỏ rõ là những kẻ thông minh sắc sảo và năng động không chê vào đâu được. Nhờ thế mà mấy năm làm ăn họ phất lên rất nhanh.
Gã quay lại đi cùng Kim The vào sân, ngồi xuống bộ bàn trà kê dưới gốc cây ngọc lan. Gã pha trà mời Kim The rồi hỏi:
- Cô xuống chơi hay còn có việc gì?
Kim The cười rất hiền.
- Nghe nói, anh sắp thành một phú ông ở thôn quê rồi. Em về đây thì thấy đúng. Trớ trêu thật! Một con người khát vọng đô thị hóa đến mức cực đoan như anh mà rồi cuối cùng lại phải trở về làng làm phú ông...
Rồi cô đứng dậy đi ra ô vườn ươm cây thế, nói tiếp. - Em muốn mua anh đôi cây cảnh để chơi tết.
Phạm Hướng Thiện giới thiệu và tán dương nhưng thế cây mà theo ý gã, Kim The chơi là hợp. Chẳng hạn như cây Sanh, uốn thế phượng, biểu hiện sự nghiệp kinh doanh của Kim The đang cất cánh mạnh mẽ, ngoạn mục như chim phượng. Và một yếu tố không thể thiếu giúp Kim The thành đạt là món gia tài của người cha để lại. Vậy thì phải có thêm cây tạo thế phụ tử tương thân để tỏ lòng biết ơn kẻ sinh thành.
Kim The chăm chú nghe gã giảng giải, nhưng không vồ vập. Nàng đi dạo khắp vườn. Nàng dừng lại ngắm nhìn hồi lâu những chậu hoa giấy ba màu còn lại. Cuối cùng nàng bảo:
- Anh để cho em hai chậu hoa giấy kia!
Chủ hàng sửng sốt:
- Sao, người có học như cô mà cũng chơi loại hoa màu mè, nông cạn này hừ?
- Em thích nó. - Kim The đáp. - Anh xem này, hoa màu trắng trinh bạch quá. Hoa màu vàng cũng óng ả, biểu hiện sự nhiệm màu của tình yêu đó anh. Còn màu đỏ thì đỏ thắm hơn bất cứ màu đỏ nào. Loại hoa này không cần bàn tay uốn tỉa tạo thành những thế đứng và khoác vào đó những triết lý ngạo mạn, bất biến như những cây thế anh vừa giới thiệu. Sau mỗi lứa hoa, cây hoa giấy lại tự mình thay đổi thế đứng, siêng năng tích tụ cho một lứa hoa khác. Nó vắt kiệt sức lực để trổ hoa hết tầm, rực rỡ và mãnh liệt dâng tặng đời...
Chiếc xích lô đã chờ sẵn ngoài cổng. Người chủ xích lô giúp Kim the bê hai chậu hoa giấy đặt lên xe rồi lặng lẽ đạp ra phía đường cái. Kim The mỉm cười hài lòng, rút một trăm ngàn nhét vào túi áo ngực chủ hàng. Ngồi lên máy, Kim The còn giơ tay vẫy gã mấy cái rất điệu rồi mới tăng ga phóng đi.
Gã đứng ngẩn ngơ hồi lâu trước cổng. Gã thấy việc lên thành phố tìm gặp ông khách đi xe Nisan là không cần thiết nữa. Gã đã nghĩ oan cho ông ta. Gã hiểu rằng chơi hoa giấy là sở thích riêng của tụi trẻ, của Kim The chứ không phải do ông ta xui dại. Ngược lại, gã lại thấy có điều đồng cảm với ông ta, bởi gã và ông ta có chung khuynh hướng thẩm mỹ: Yêu những thế cây mang triết lý gán ghép và bất biến. Lần đầu tiên trong đời gã tự hoài nghi mình. Người ta nhờ làm cây thế mà thành giàu có, còn cây thế của gã lại ế ẩm. Tại đôi bàn tay tạo thế của gã kém cỏi hay tại quan điểm thẩm mỹ của người đời đã đổi thay? Bây giờ thì gã cảm thấy cay đắng xót xa, bởi gã đã tốn bao nhiêu tiền của, công sức vào vườn cây thế mà thu vốn về chưa được là bao. Và nếu gã không bán hết được số cây thế thì giấc mộng trở lại thành phố sẽ mãi mãi chỉ là giấc mộng.

Xem Tiếp: ----