Chuyện tôi kể đây xảy vào dạo mà tất cả Hà Nội đương bắt đầu ham mê khiêu vũ, cái thú chơi phong lưu bắt chước người… (kiểm duyệt bỏ một đoạn)… Và chính tôi, cùng là một “nạn nhân” của cái thời đại trong đó những thanh niên tối tối lại bỏ nhà đến các “hộp đêm” để uống rượu, thức đêm và ôm các cô vũ nữ mà múa quay cuồng như hóa dại. Tiệm khiêu vũ thứ nhất mở ra ở xứ này là tiệm “Sao đỏ”. Vũ nữ lúc này toàn là đám cô đầu ở xóm Khâm Thiêm nổi
tiếng ăn chơi trụy lạc. Các cô gái này đánh phấn còn vụng, vì họ vừa thoát cảnh bùn lầy đồng ruộng ra tỉnh kiếm ăn. Họ to béo, nếu không gầy còm, họ lê những bước nhảy nặng như cùm, họ xéo lên giày của khách, vênh vênh mặt nhảy. Mặc dù thế, họ vẫn là những cô gái cúng tôi phục và vì nể, bởi họ là những người biết “khiêu vũ” đầu tiên ở Hà thành. Họ biết mình có quyền kiêu ngạo, nên vừa bĩu môi vừa gắt mắng bọn đàn ông “mới ra đời”, mới bước vào làng… nhảy.
Chúng tôi bấy giờ là những anh con trai còn non nớt ngờ nghệch, chưa quen với lối ăn chơi lạ, có khi đang còn là những cậu học trò ngày hai buổi phải đến trường.
Những con người thuở đó, không mấy khi tôi còn gặp lại ở kinh đô này nữa. Họ đã đi làm ăn ở phương xa, đã chết, hoặc đã bước xuống bậc thang cuối cùng của xã hội? Đó là chuyện đổi thay thăng giáng của đời người, có ai nhàn rỗi để thiết tha lâu đến những cái bóng đã thoáng qua tuổi trẻ mình. Người ta lớn lên, từng trải, hóa khô khan, ích kỷ, lãnh đạm với tất cả những gì không phải tiền bạc hay danh giá. Hai thứ đó cũng chẳng đem lại hạnh phúc cho con người, nhưng cứ đuổi theo, vì ai cũng phải sống trong thực tế.
Vậy mà có một người, trong bọn đó, khiến tôi chẳng bao giờ quên được, tính đến nay đã mươi năm, mặc dù đến cái tên tôi cũng không nhớ rõ. Nên bao giờ kể ra đây, tôi cũng phải đặt ra một cái tên cho dễ nhớ, vì thực tình tôi quên hẳn tôi rồi. Ta cứ gọi anh ta là Tích vậy.
Tích hình như là một con nhà có của ở vùng quê nào đó gần Hà Nội. Một buổi tối người ta thấy Tích lần đầu bước vào phòng khiêu vũ “Ông Sao” đi với hai ba chàng trai khách quen “nhẵn mặt” của nhà này. Cứ trông dáng điệu và quần áo thì ai cũng hiểu ngay, đó là một anh mới tập ăn chơi. Tích ngồi im một chỗ, mặc cho bọn đi cùng tha hồ gọi rượu đắt tiền và các thứ giải khát. Anh ta chỉ nhìn chăm chú vào bước chân những cặp trai gái đương khiêu vũ, nhìn như muốn “nuốt” những bước đi của người ta, như kẻ chết đói thèm thuồng kẻ no nê thoải mái.
Nhung, một cô gái mới tập sự làm gái nhảy ở đây, ngồi rỗi và chưa ai mời nhảy, nói nhỏ vào tai tôi:
- Một con “cóc vàng” của tụi kia đấy anh ạ. Hình như ông bố ở quê mới cho năm trăm bạc đi lo việc, bị chúng rủ rê vào đây. Rõ đánh đu với tinh!
Từ tối hôm đó mỗi lần đến nhà khiêu vũ “Ông Sao”, tôi vẫn gặp Tích anh chàng “công tử nhà quê” ấy - đó là tên mới đặt cho anh do các cô gái nhảy, ngoài cái tên “cóc vàng” đã được nghe. Tôi lấy làm ngạc nhiên được biết thêm: Tích đã là “học trò” của Minh, cô gái xinh đẹp nhất, và cũng là gái nhảy giỏi nhất cái “đăng xinh” này. Tích đã được coi như khách quen của tiệm “Ông Sao”, hơn thế Tích đã là người tình của Minh, một gái nhảy rất kiêu kỳ.
Bẵng đi một dạo đến mấy tháng tôi không hay lui tới xóm này, tình cờ một hôm trở lại tiệm “Ông Sao” không gặp Tích, tôi hỏi Nhung, cô chỉ cười, trỏ vào Minh mà nói:
- Anh cứ hỏi chị Minh, chị ấy kể cho mà nghe, buồn cười chết được!
Minh lúc này đang nhảy với một người khách lai làm mại bản cho một hãng buôn lớn ở Hồng Kông, biết là Nhung nói đến mình, cô liền nhìn tôi nháy mắt. Trong cái vẻ lẳng lơ nổi tiếng của cô gái nhảy có cái gì “đểu giả” vô cùng. Những ai đã hiểu vậy mới rõ loại gái lão luyện đã thành tinh, thành rắn độc này không phải là “miếng ngon” dành cho những người như Tích. Bữa đó Minh cho tôi biết Tích đã mê mình như “điếu đổ” thế nào, và “anh ta” đã ngốc nghếch vừa tặng quà, tặng tiền cho cô gái trong có mười ngày, hết ba trăm bạc. Minh dẫn tôi vào buồng riêng của mình để khoe với tôi những chiếc áo mới may đủ mọi màu, mọi kiểu. Trong cái tủ gương của Minh có đủ thứ: nước hoa, phấn sáp, lụa là của các gã si tình mang đến tặng. Minh chỉ vào từng cái một, đọc tên người chủ của đám đồ vật, như ta gọi hồn những kẻ đã qua đời:
- Đây, đồng hồ tay của… thằng Đức!
- Cái “sắc” này là của… thằng Hùng! - Cái “măng tô” này của… đốc Nam!...
Cô vũ nữ tai quái vừa định khép cửa tủ lại một bên, tôi bỗng thấy một đôi giày thêu rất đẹp nữa lấp dưới một bộ quần áo ngủ. Tôi chỉ đôi giày hỏi:
- Cái gì trông đẹp thế?
- Ồ, đôi giày “khổ” ấy à? Của cái thằng “ma bùn” ấy đấy, cái thằng Tích đấy, đâu nó định mua về làm quà cho em gái nó, thế mà cũng lại vào cái tủ này, có tài không?
Cô vũ nữ oẳng đôi giày vào chỗ cũ, và đóng tủ. Đánh phấn xong cô dắt tôi ra phòng nhảy, vừa đi vừa cười ré lên thích thú:
- Thằng “ngố” ấy tưởng người ta cũng “nhà quê” như em nó. - Tôi thấy có gì nhói trong lòng, nhưng cũng gượng hỏi thêm: - Thế bây giờ nó đâu rồi?
- Cái gì, thằng Tích ấy à? Nó hết tiền rồi, bây giờ không đến đây nhảy nữa. - Thế thì nó làm gì?
- Nó đi hát tuồng ở phố dưới này này, anh chưa biết? - Nó hát tuồng?
- Chứ sao, nó hát tuồng thế mới chết người ta chứ, anh không tin em dẫn anh đi ngay!
Tôi mở to mắt vì kinh ngạc. Nhưng khi gặp Nhung và vài cô gái khác lúc ra phòng nhảy, các cô đã nhao nhao:
- Chị Minh nói thật đấy anh ạ. Anh ta đâu ở nhà quê vẫn đi hát chèo chơi, nên mới “vào nghề” chóng thế chứ, bây giờ hết tiền sợ về nhà bố đuổi, mà ở Hà Nội này thì chẳng ai nuôi nên đành…
Nhung nói thêm:
- Hôm nọ, chúng em rủ nhau đi xem, anh ấy đang đóng vai Lỗ Túc, râu dài thế này này…
Tất cả bọn phá ra cười, làm khách đang nhảy dừng cả lại.
Đêm hôm đó ra về, càng nghĩ đến chuyện anh chàng Tích đi hát bội, tôi càng ngán ngẩm, định tìm mấy bạn quen kể lại… cho vui. Nhưng tôi không hiểu sao, bỗng nhớ đến đôi giày trong xó tủ gương của cô vũ nữ, tôi lại thấy không nên kể với cái đám toàn bọn vô tư ở chốn ăn chơi này, có lẽ họ chỉ thích trêu chọc những người bất hạnh.
Bạn đọc, trong số bạn đọc tôi, có thể cũng có bạn đã từng biết chuyện “Con người có bộ óc vàng”, một truyện ngắn của nhà văn Pháp A. Daudet trong đó cũng nói đến một anh chàng mê gái đã tiêu sạch cả một cái kho vàng trời cho, ở trong óc của mình. Các bạn có còn nhớ đoạn cuối, đoạn anh chàng si đã vét nốt chỗ vàng còn sót dính ở màng óc để mua cho người mình yêu… một đôi giày đẹp. Nhưng người bán hàng nhìn vào anh ta thì thấy có cả máu lẫn với sắc vàng lóng lánh.
Câu chuyện thương tâm đọc từ hồi còn đi học, hồi mới lớn lên, gợi lại cho tôi lúc này nỗi buồn của tuổi thanh niên đam mê mù quáng, với tấm lòng trong trắng của mình mà bước vào đời đầy quyến rũ lọc lừa.
Tôi không kể lại “chuyện anh chàng Tích” cho ai cả, nhưng chẳng bao lâu mọi người cũng đều rõ cả. Những cô vũ nữ kia có bao giờ đọc truyện “Người có óc vàng” để mà giữ được im mồm miệng.
 

Xem Tiếp: ----