Một ngày tháng chạp năm ngoái, khi vuốt mắt cho vợ yên nghỉ, ông Khoái lầm thầm hứa với bà: “Tôi còn một ít công việc ở trần gian, bà chờ tôi “bên ấy” thêm một năm nữa. Đúng ngày này sang năm tôi sẽ về với bà”.
…Còn ít hôm nữa thì ngày tận cùng ấy tới. Ông Khoán bình thản chờ đợi. Sáng sáng ông vẫn đi ra biển-chạy chậm trên bờ, nằm xuống hít thở, và bơi đúng một trăm sải tay như thường lệ ra xa rồi quay vào.
Ngày ấy, ông sẽ bơi không phải một trăm mà là hai trăm sải tay và không quay vào nữa…Ông Khoán tự nhủ như thế mỗi đêm nhìn lên do ảnh của vợ. Lúc ấy ánh mắt trìu mến của vợ như muốn nói:
- Ông vẫn thường hay nói với tôi, ông là nhà văn nên ông mang nợ cuộc đời nhiều lắm cơ mà? Sao ông lại có thể chạy trốn như vậy được?
Ông Khoán lắc đầu:
- Không có nợ nần gì đâu. Chỉ là bắt chước người ta rồi quen miệng mà nói vậy thôi. Vâng, có quá nhiều người đi đứng, ăn nói, sinh hoạt, vui chơi, làm nghệ thuật giống hệt nhau. Và khi họ chết, họ cũng bắt chước nhau tắt thở, nằm im trong quan tài. Tôi tưởng cái chết là phương tiện cá thể hóa mạnh mẽ nhất dành cho con người, nhưng nhìn hàng hàng lớp lớp nấm mộ kia tôi thấy không phải vậy. Chỉ là bầy đàn, bên nhau ùa ra trái đất buổi sáng và phải bên nhau về lại khi hoàng hôn xuống.
Có tiếng cười nhẹ trên bàn thờ:
- Vậy thì ông cũng đừng vội bắt chước tôi chứ?
- Không, tôi tự thấy mình được quyền chết, hay nói cho quan trọng hơn là được quyền tham dự vào cuộc vận hành miên viễn của con người.
Tiếng cười trên bàn thờ im bặt, thay vào đó là giọng nói nghiêm trang:
- Sống với ông mấy chục năm trời tôi chưa từng nghe ông nói lạ lùng như vậy bao giờ. Nhưng tôi vẫn cứ hỏi ông: Ai được quyền chết và ai không? Như tôi đây, đã coi là được quyền chết hay chưa?
- Ai có để lại một cái gì đó cho con người vĩnh cửu, người ấy được quyền nhập vào ĐOÀN NGƯỜI HÀNH HƯƠNG. Như bà, bà đã để lại tôi ở đây, trên mặt đất này, gần một năm qua. Mà tôi thì…tôi để lại cho CON NGƯỜI không ít những VẤN NẠN VƯỢT LÊN.
- Ông nói tiếp đi.
- Con người cần phải được tạo dựng nên bằng những nghi lễ thiêng liêng, chứ không như hiện nay, từng giây một, nhân loại đang đẻ, đang sinh sản, đang vung vãi những cặn bã hoan lạc tràn ngập trần gian…
Tiếng nói gấp gáp trên bàn thờ:
- Thì đám cưới không phải là một nghi lễ tạo dựng con người mới đó sao?
- Chưa phải. Nó mới chỉ là mô thức. Con người chỉ mới láng máng cảm thấy chân lý khi tiến hành những lễ cưới trang nghiêm và trọng thể. Tôi phải nói ngay kẻo tôi quên rằng “Yếu tính của Con người là Tinh Thần Sáng Tạo”.
- Yếu tính à? Nó là gì đối với con người?
- Nó là cái cần thiết nhất làm cho con người trở nên con người đích thực. - Và đó là tinh thần sáng tạo?
- Phải.
- Nhưng tôi không hiểu.
- Tôi cũng chỉ hiểu lờ mờ rằng Con người phải sáng tạo ra những giá trị thì mới có lý do tồn tại trong sự trở lại luôn mãi với trần gian.
Ngọn đèn dầu trên bàn thờ hắt lên một ánh loáng rồi tắt hẳn.
Ông Khoán bình thản đếm từng ngày. Còn bốn ngày nữa.
Đêm, ông đang ngủ say thì có tiếng gõ cửa gấp gáp. Ông vùng dậy. Một bóng trắng đi xuyên qua cánh cửa đóng kín đến giữa nhà, dáng vẻ nghiêm trang. Ông Khoán bật đèn, dụi mắt. Trước mặt ông là một thanh niên, mặc trang phục toàn trắng, nhưng có một vài mụn vải đen tròn nằm rải rác trên ngực áo.
- Anh là ai?- Ông Khoán cố giữ bình tĩnh, hỏi.
- Cháu là một kẻ vô danh, đã chết. Cháu đến nhờ bác làm sáng tỏ cái chết của cháu.
- Mời anh ngồi.
- Bác cứ ngồi xuống đi. Còn cháu đứng thôi. - Được, anh nói đi. Vì sao anh chết?
- Cháu bị tử hình. Bác thấy đấy, những vết đạn lỗ chỗ trên ngực cháu. - Nhưng sao cậu lại bị tử hình?
- Cháu giết người!
- À…
- Nhưng thưa bác…Cháu mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bị ném ra giữa đường, lớn lên như một hoang thú, không được ai chăm nom, không được học hành…Rồi ai đó cho cháu uống một thứ nước cay đắng mà sau này cháu mới biết là rượu. Ai đó chích vào cơ thể cháu những cơn mê dại, vật vã. Cháu giết người trong khi lên cơn nghiện vì hoảng loạn, vì tăm tối, vì một sức thúc ép ghê gớm như ma quỷ. Cháu giết người trong trạng thái thần trí không phải của con người.
- Tôi nhớ ra cậu rồi. Vụ giết người dã man, rùng rợn lắm. Có đến hai người bị thảm sát, đúng không?
- Dạ đúng.
- Thế còn gì để kêu oan nữa. Cậu biến đi nhanh cho!
- Thưa bác, để cho cháu nói đã. Buổi tối hôm ấy, đối với hai con người vô tội kia cháu thực sự hiện nguyên hình là thần chết của họ. Nhưng tại sao vào một buổi sáng đẹp trời, những con người mặt mũi thông minh, những con người đẹp như là Thần Sống ấy lại lạnh lùng tuyên án tử hình cháu?! Họ đâu có thất học, nghiện ngập, mất trí và bị quỷ ám như cháu?! Tại sao họ giết cháu? Và một buổi sáng rực rỡ đẹp trời khác. Những con người cao lớn đĩnh đạc, dù họ có bịt mặt thì cháu cũng nhìn xuyên qua được lớp khăn đen và thấy rõ đó là những gương mặt tỉnh táo, sáng suốt…Sao họ lại lạnh lùng nhắm bắn vào cháu vậy, bác? Sao họ lại giết người một cách bình tĩnh, chính xác giữa thanh thiên bạch nhật mà không ai ngăn cản hết vậy?
- Họ không xử tử một con người đơn thuần; họ khử trừ một tội ác…
Ông Khoán nói, trừng trừng nhìn vào khuôn mặt người khách lạ đến vào lúc nửa đêm. Mờ dần. Mờ dần. Biến mất. Một cái gì rơi đổ trên bàn thờ. Ông Khoán giật mình thức dậy. Cả người toát mồ hôi.
Nhưng chỉ một lúc sau ông hoàn toàn lấy lại sự bình tĩnh và ông cười thầm trong bóng tối với ý nghĩ: “Gậy ông đập lưng ông”. Vâng, cách đây vài năm, chính ông đã tạo ra giấc mơ ấy, nuôi dưỡng nó trong vô thức. Từ một ý chí ham muốn mãnh liệt, từ sự nhạy cảm với khổ đau, ông muốn xã hội loại trừ án tử hình. Nhưng rồi xã hội ngày càng loạn lạc, đảo điên, vô trật tự; tội ác và thù hận ngày càng gia tăng; bóng tối u mê mỗi lúc thêm nặng nề…Ông đẩy giấc mơ của ông vào sâu kín, cố quên nó đi, tự nhủ rằng mình hoang tưởng.
Nhưng tại sao giấc mơ ấy lại đến vào đúng lúc ý nghĩ rời bỏ cuộc đời này chiếm hết tâm trí ông?
Còn ba ngày nữa thì đến ngày hẹn của ông với người vợ ở bên kia. Đêm ấy ông lại nằm mơ.
Ông lạc vào một vườn hoa muôn màu muôn vẻ. Từ cuối vườn hoa, một khối ánh sáng động đậy, di chuyển dần về phía ông và rõ dần là một cô gái tuyệt đẹp trong y phục trắng tinh. Ông Khoán còn đang nghi nghi hoặc hoặc thì cô gái lên tiếng:
- Ta là Thần Chết. Ông kinh ngạc lắm sao? Loài người các ông thật kém trí và mâu thuẫn. Đã gọi ta là Thần mà vẫn không dám tưởng tượng thêm về hình thức của ta.
- Không, tôi không ở trong số người mê muội đó. Tôi không coi sự chết là một thảm bại của con người. Tôi đang muốn tìm đến và chinh phục Sự Chết.
- Chinh phục Ta?! Tặng vật của người là gì?
- Là toàn bộ nỗ lực sống của tôi. Tôi tự thấy đã dâng hiến tận cùng, hết mình cho cuộc sống.
- Không, chưa đủ. Nhìn vào thần thái người, ta thấy điều đó. Người phải nỗ lực hơn nữa để hiến mình thành một bông hoa nở trọn vẹn. Lúc đó Ta sẽ đến nhận lấy người như Ta vẫn thường nhận lấy một cách hãnh diện những bông hoa thánh thiện, những bông hoa minh triết, những bông hoa dũng cảm chính trực…Ta sẽ đến đúng lúc đóa hoa người viên mãn. Ta không bao giờ đến quá muộn khi hoa đã héo úa, rơi rụng nhưng cũng không bao giờ đến quá sớm khi đóa hoa chưa hoàn thiện. Người đừng ngại sống, đừng mệt mỏi vì thấy chân trời cứ lùi xa. Nếu không sáng tạo được giá trị nào thì hãy kiên trì lắng nghe và đáp lại từ sâu thẳm khả thể của người tiếng đòi lấp đầy chính nó, bằng những giá trị tinh túy của cuộc sống.
Sau đêm mơ thứ ba này, ông Khoán dứt khoát từ bỏ ý định tự tử.
Ông vẫn ra biển hằng ngày, đơn độc và già dặn, vững chãi trước biển.
Rất nhiều khi, người đi tắm biển bắt gặp ông khóc, những giọt lệ ràn rụa trên khuôn mặt rạng ngời. Đấy là những lúc ông không biết chia sẻ với ai những ý nghĩ hân hoan sáng lộ trong đầu ông.
Ông tiếp tục sống nhiều ngày như thế cho đến một hôm, trời mây quang đãng, biển lặng im như tấm thảm xanh. Ông nằm ngửa trên tấm thảm ấy, gối đầu lên hai bàn tay đan sau gáy. Rồi bất ngờ, điều chưa từng xảy ra đã xảy ra: ông bị vọp bẻ, hai chân cứng đơ. Ông nhẹ nhàng chóng trả, thật ra là chiều theo một sức lôi cuốn nhẹ êm, cho đến khi bị xâm chiếm hoàn toàn bởi một cảm giác yên nghỉ.

Xem Tiếp: ----