Tới Vịnh Hạ Long chị Tâm bỗng nhớ ra mình có một bà cô lấy chồng làm sở giây thép Cát Bà. Thế là thăm hang Đầu Gỗ xong, đáng lẽ trở lại Hòn Gai để đáp tàu thủy về Phòng cho thư thả, chị Tâm nhất định bắt chồng theo ý chị. Để tỏ rằng ý muốn của mình là chính đáng, chị Tâm thở dài: “Tội nghiệp, dạo cưới mình bà ấy không về được, thế mà cũng gửi cho vợ chồng mình ba chục bạc làm vốn đấy”! Anh Tâm nhăn mặt nhìn tôi. Tôi hiểu vì sao anh nhăn mặt, bởi xin phép Sở được năm ngày thì đi chơi đã mất hai rồi, chỗ anh làm là Sở buôn, lão chủ Tây hình như được lịch sự lắm. May mà hắn đi nghỉ Tam Đảo vắng, và cũng nhờ ông xếp chánh quen thân với Tâm ngơ cho, nên mới đưa vợ đi chơi xa như vậy được. Ra tận Cát Bà để thăm một người cô của vợ, mà từ thuở bé mình chưa biết mặt, đó không phải là điều thú vị lắm. Hẳn Tâm cũng nghĩ như tôi, chỉ mong chóng về Hà Nội để họp một vài hội tổ tôm, hoặc nằm khểnh ra đọc truyện, rồi ngủ cho béo mặt, cho bõ những ngày phải đi làm vất vả. Nhưng, cái gì “đàn bà muốn là trời muốn”, người đàn bà ở đây lại là người vợ mới cưới, thì cố nhiên mỗi lời nói ra là một cái lệnh truyền. Tâm phải chiều vợ vậy thôi. Chúng tôi đành đi thăm đảo Cát Bà, trái với chương trình đã vạch. Cuộc đi chơi vịnh Hạ Long này đối với vợ chồng Tâm là một cuộc du lịch “trăng mật”, cuộc đi chơi xa lần đầu của đôi vợ chồng mới cưới nhau được bốn tháng tròn. Họ chẳng nói ra tôi cũng hiểu ngầm như vậy. Còn tôi, tuy đã biết cảnh bể Hạ Long hơn một lần, lần này được vợ chồng ông Tâm khẩn khoản mời đi - và thấy họ cam chịu hết mọi khoản phí tổn - tôi cũng vui lòng đi chơi với họ. Nhưng biết đâu cái sự mời khẩn khoản kia chỉ có nghĩa là tôi có máy ảnh tốt đem theo. Tôi chụp ảnh không đến nỗi tồi, nên không phải là vô ích cho dọc đường. Vậy thì trả cái nợ xã giao này, bổn phận tôi là phải mang đi mấy cuộn phim, để lúc về tặng vợ chồng Tâm những chiếc ảnh xinh xinh chụp vợ chông anh giữa một chốn non- nước- hữu- tình vào bực nhất hoàn cầu. Nhưng, rồi tôi mới biết là tôi dại. Và tôi thề chẳng bao giờ còn đi đâu với một cặp vợ chồng mới cưới. Vợ chồng Tâm đùa giỡn với nhau suốt ngày như hai đứa trẻ dại. Họ nũng nịu, họ âu yếm nhau trước mặt mình. Anh con trai nào chưa vợ như tôi ngồi nhìn cái cảnh yêu đương ấy mà không bực mình, tôi muốn nói không cảm động. Đã thế, chị Tâm lại đẹp, lại trẻ măng ra. Chị mặc cái áo màu hồ thủy rất ăn với màu nước biển, sáp trên môi chị là màu hoa lựu. Chị cười luôn để phô hia hàm răng trắng rất đều. Chốc chốc chị lại hỏi: “Sắp đến hang Con gái chưa? Sắp đến núi con Cóc chưa? Bao giờ thì đến núi Bụt đấy?” Miệng người thiếu phụ cứ tươi như hoa, lắm lúc khiến tôi quên rằng tôi đang ngắm một người đàn bà đã có chồng, mà người chồng ấy ở ngay trước mặt mình. Thực tình, lúc đó tôi hối hận cứ lần lừa mãi mà chưa lấy vợ. Tôi tự coi mình là một kẻ đàn ông đại ngốc, và tự nhủ thầm: hạnh phúc ở đời chỉ có thể có ở bên một người vợ đẹp, đáng yêu, tươi trẻ, như chị Tâm. Trong cái cảnh thần tiên của vịnh Hạ Long, tôi tự thấy mình là thừa, là vô vị. Vì nghĩ rằng trời đất sinh ra cảnh đẹp chính là để cho những kẻ yêu nhau đến đây mà yêu nhau. Ái tình ăn hợp với thiên nhiên, thi vị hóa cuộc đời thành êm ái. Tôi sẽ lấy vợ, như Tâm, sẽ được sung sướng như anh, một ngày kia, tôi cũng sẽ đưa vợ đi thăm cảnh đẹp này. Chúng tôi sẽ khắc tên nhau vào đá, như vợ chồng Tâm đã làm trong động Surprise (động Bất ngờ), như những đôi tình nhân khác đã đến đây, đã ghi tên tuổi của nhau lại đây, một cách vô ý thức. Chúng tôi đến đảo Cát Bà thì trời gần tối. Cảnh hoàng hôn trên một hòn đảo lạ không phải là không đẹp mắt, nhưng chúng tôi còn phải đi tìm nhà bà cô của chị Tâm. Người ta cho biết Sở bưu điện ở đây làm trên núi, phải leo trèo một quãng khá xa. Bà cô lâu ngày gặp cháu mừng tíu tít, gọi chồng ra giới thiệu với chúng tôi. Đó là một gia đình viên chức đã đứng tuổi, có một con nhỏ và hai người ở. Họ được khách đến chơi sung sướng quá, vui như bắt được của. Vì cuộc đời vắng lặng ở đây chả khác cuộc đời kẻ đi đày. Họ dọn phòng cho chúng tôi nghỉ, giục chúng tôi rửa mặt, đi tắm thay quần áo. Nhưng mỗi chị Tâm có đem theo quần áo ngủ, còn tôi và Tâm đều ngại mang nhiều thứ, tưởng đi có hai hôm. Bữa cơm đó rất ngon lành, toàn món hải vị. Chúng tôi lạ miệng vả lại bà cô của chị Tâm cũng là tay đầu bếp giỏi, nên bữa ăn đã ngon lại vui thêm. Ăn xong nhìn ra ngoài thềm đã thấy ánh trăng. Cảnh sáng trăng trên núi trông ra bề thật huyền ảo. Ngày thường ở Hà Nội chỉ được thưởng trăng qua một cửa sổ con. Hay giữa một mảnh sân “to” bằng chiếc khăn tay. Lần này ở một chốn cao rộng, hùng vĩ quá, chúng tôi chỉ còn biết lặng im. Sau khi dùng đổ nước vội vàng, chúng tôi rủ nhau xuống núi đi xem phố khách. Gọi là phố, nhưng đây chỉ là một dãy nhà lụp sụp tối tăm làm sát bến nước, bên một con đường lát đá tảng ướt bẩn, trơn như mỡ. Ở đây toàn người Tàu, hạng cùng dân sống nghề đánh cá và buôn lậu. Họ ở chen chúc bẩn thỉu trong những căn nhà ẩm thấp, giữa mùi tanh của nước biển và cá khô, có lúc bị át đi bởi hơi khói phù dung. Vì thường ở đâu có người Tàu là ở đấy có mùi hương nha phiến. Thấy không có gì lạ chúng tôi rủ nhau ra bến nhà Đoan chơi. Mặt biển hiền lành, phẳng phiu như mặt nước hồ. Những ngọn núi chung quanh hay ở xa đều rõ nét. Chị Tâm kéo cao quần lội xuống nước hát véo von như một cô học trò nhỏ, nhưng bà cô chị đã vội giục cả bọn về ngủ sớm, để ngày mai lên đường cho được khỏe. Chúng tôi vừa bước chân lên thềm nhà bỗng ông chồng bà cô chị Tâm đã cho biết ngay: ông vừa mới nhận được tin của Sở thiên văn báo: 9 giờ sáng hôm sau sẽ có bão to vào vịnh Bắc kỳ. Như vậy thế nào cũng phải ở lại Cát Bà một hôm xem tin tức thay đổi ra sao, chứ ngày mai chưa thể nghĩ đến về ngay được. Đi chơi vào giữa mùa hè, gặp bão như vậy là sự rất thường. Nhưng đối với anh Tâm, cái sự rất thường ấy lại hóa ra quan trọng. Nếu ngày mai có bão thật là giết anh rồi! Lão chủ ác nghiệt của anh đi nghĩ mát thật đấy, nhưng ai cấm nó bò về Hà Nội bất thình lình. Nó mà biết anh đi chơi phiếm, bỏ Sở gần một tuần lễ thì rầy rà với nó. Thời buổi này người tài giỏi thất nghiệp đầy ra đấy! Cái chỗ của anh làm cũng đáng cho nhiều kẻ thèm chảy giãi ra. Tôi trông mặt anh Tâm lo lắng, băn khoăn mà không nhịn được cười, vì trái với chồng, chị Tâm được tin có bão lại ra vẻ thích vỗ tay reo: - A ha! Bão thì càng tốt, bão thì cháu lại được ở đây với cô vài hôm nữa. Người đàn bà trẻ tuổi ấy chỉ thấy trong đời toàn sự vui vẻ, không biết cái gì là quan trọng. Tính tình vốn giản dị, chị cho những sự bất ngờ xảy đến là những dịp vui. Hình như chị đã lấy làm ngạc nhiên thấy mặt chồng cau có. Thế rồi, cái trận bão mà anh Tâm cần khấn cả đêm cho không bao giờ đến cả, quả nhiên trưa hôm sau kéo đến như hung thần. Bể gầm lên như hóa dại, gió rít mạnh khắp chiều, mưa tuôn như thác đổ. Chúng tôi phải đóng hết cửa, ngồi trong nhà đánh bài với nhau cho đỡ buồn, cũng chính là để cho Tâm đỡ sốt ruột. Rồi suốt đêm mưa gió không ngừng, rồi suốt ngày hôm sau nữa. Anh Tâm đi đi lại lại như một con hổ trong chuồng, chị Tâm lúc này đã bớt tươi, áp mặt vào cửa kính nhìn mưa. Mặt chị không trang điểm kỹ trông buồn lạ. Quần áo chị mặc nhàu không có cái thay. Đến hôm thứ ba lại càng thảm nữa, chị Tâm hết phấn. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng đến cảnh một người đàn bà hết phấn son. Thật là một ông tướng trận hết thuốc súng. Tôi nghĩ thầm: “Thế nào cũng sắp xảy ra một sự gì đây?” Quả nhiên, sau bữa cơm chiều, vợ chồng Tâm đã “nghiến” ngầm nhau. Anh Tâm nói “mát” vợ: - Đấy, đòi mãi ra đây cho được, đã sung sướng chưa? Ngày mai tôi phải có mặt ở Sở rồi! - Thế ai bảo cậu đi? Cậu biết trước mưa bão thế này, ở nhà có hơn không? Đêm hôm ấy, tôi tỉnh ngủ bỗng nghe chị Tâm khóc thút thít ở buồng bên cạnh, thì ra vợ chồng lại cãi nhau. Họ không ngủ được, vặc nhau cho đỡ bực. Giọng nói của chị Tâm lúc to lúc nhỏ nhưng cũng đủ cho một kẻ thính tai như tôi nghe thủng trong đêm khuya. Cũng may mà vợ chồng ông chủ giây thép nằm xa chỗ vợ chồng Tâm, nếu không họ đã được nghe lắm chuyện buồn cười, chuyện nhà cửa, những chuyện nhỏ nhặt khốn nạn mà trong lúc bực mình họ phun hết ra cho hả. Tôi đã được biết trong đêm ấy, tất cả “lịch sử” của một cuộc hôn nhân - mà tôi ngỡ làm thành bởi ái tình - ở miệng một người đàn bà tức giận. Thì ra, không phải thế, thì ra họ lấy nhau bởi vì người đàn ông tham tiền, hám cái nhà gạch, vì người con gái mà thiên hạ tưởng là thơm tho, trong sạch, đã có những vết không đẹp trong dĩ vãng. Chỉ ba hôm bị mưa bão giam cầm, cũng đủ làm cho một cặp vợ chồng mới lấy nhau được bốn tháng già đi đến bốn mươi năm. Và hình như tôi đã nghe chị Tâm nói đến ly dị, nói đến bỏ “về nhà với mẹ”, như các bà vợ khác, những khi “đấu khẩu” với chồng. Về đến Hà Nội, tôi vội đi tráng phim, in ảnh đem ngay đến nhà vợ chồng Tâm. Họ khen tôi chụp khép quá, nhất là bức chụp vợ chồng Tâm quàng vai nhau đứng trên thuyền. Họ bảo lần sau, nếu đi chơi đâu xa nữa, họ lại mời tôi đi luôn thể, cho vui. Và lại xin chịu hết mọi khoản tiền phí tổn.