Bây giờ thì mẹ chồng tôi đã về cõi vĩnh hằng. Từ ngày bà mất, không ngày nào là tôi không nhớ bà, không đêm nào là tôi không gọi: Mẹ ơi...! Song sự chết bao giờ cũng khốc liệt, cũng sâu thăm thẳm và cũng rất đỗi linh thiêng, rất mênh mông vời vợi và cũng rất thấm nỗi buồn man mác. Những đêm thao thức, tôi như thấy đang được trò chuyện với bà...
Tôi về làm dâu khi vừa 20 tuổi, còn chồng tôi – anh Hòa năm ấy ở độ tuổi 22. Chồng tôi là một thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai, đã học hết cấp III hai năm về trước, có giấy báo đi đại học thì địa phương giữ lại, nói là "để đào tạo lâu dài cho xã". Anh đang làm kế toán phụ cho hợp tác xã nông nghiệp. Nhà chúng tôi ở gần nhau, hai gia đình đã có ước vọng từ khi chúng tôi còn nhỏ, mong sao khi lớn lên chúng tôi nên vợ nên chồng. Ở tuổi thành niên chúng tôi đã thương nhau và đã dẫn đến cuộc hôn nhân tốt lành của chúng tôi.
Nhà Hòa chỉ có hai mẹ con, có thêm tôi, đứa con mới trong nhà, mẹ chồng tôi vui lắm. Bà âu yếm thân tình chỉ cho tôi từng cách làm ăn, cách sống, cách đối xử với chồng và những điều cần kiêng kỵ, cách ăn ở với bà con họ hàng, làng xóm. Tôi sáng ý, vâng theo bà và do đó bà tỏ ra rất hài lòng. Ðược chồng yêu, mẹ chồng quý, dân làng mến nể, tôi sống những ngày tràn đầy hạnh phúc.
Ở bên nhau được gần ba tháng thì anh Hòa trúng tuyển bộ đội và lên đường vào đầu tháng giêng năm ấy. Vợ chồng mới cưới xa nhau thật là một sự thử thách lớn: lúc anh sắp đi, tôi cứ ngỡ là anh đi rồi. Lúc anh đi rồi, tôi cứ tưởng anh hãy còn ở bên cạnh. Nhưng sau đó, những đêm mưa lạnh mới thấy thấm thía làm sao. Tháng 10, anh Hòa có lệnh đi B, anh được nghỉ phép và may quá, anh về đúng dịp kỷ niệm lần đầu ngày cưới của chúng tôi. Với sự say nồng của những ngày sắp xa, chúng tôi sống bên nhau thật hạnh phúc, đậm đà.
Từ khi anh đi, mẹ chồng tôi càng thương tôi hơn. Ðêm đến bà thường bảo: “Bu nằm một mình ở ngoài lạnh lắm, cái Thuận ra nằm với bu cho ấm”. Tôi hiểu ý mẹ tôi muốn cho tôi khỏi buồn nên gọi tôi ra nằm bên cho vui. Mẹ tôi rất tâm lý, nếu tôi biết hôm sau phải đi cày bừa, hoặc làm việc nặng là bà giục đi ngủ sớm. Còn khi mùa màng thư thái, ban đêm bà kể cho tôi nghe nhiều mẩu chuyện, trong đó có chuyện đời tư của bà.

°

° °

Bà lấy chồng từ năm 13 tuổi, lúc ấy bố chồng tôi 17. Bà bảo: “Ban đầu xấu hổ bỏ mẹ, nhưng sau đó nó quen đi”. Bà nói lấy chồng sáu tháng rồi mà bà chẳng hiểu cái cuộc sống vợ chồng “như thế, như thế” để làm gì, mà làm sao lại phải làm như vậy. Mãi đến khi bố chồng tôi đi làm xa, bà mới thấy nhớ, thấy thương, mới hiểu vợ chồng “là vậy, là vậy”. Rồi năm 18 tuổi bà sinh chồng tôi, sau lại sinh hai em nữa nhưng đều chết bệnh năm đói. Năm sau, bố chồng tôi đi bộ đội rồi “nam tiến”, cuộc chia tay đầy nước mắt và bố chồng tôi ra đi biền biệt không về. Mãi đến giữa năm 1956, gia đình mới nhận được giấy báo tử, lúc ấy mẹ tôi vừa 34 tuổi. Từ đó năm nào bà cũng làm giỗ vào đúng ngày cưới của hai người, để kỷ niệm những ngày thơ ngây, đẹp đẽ của cuộc sống vợ chồng buổi xa xưa. Mẹ tôi kể: bà nội chồng tôi rất thương bà, khi biết tin con trai đã chết, bà nội đã nhiều lần gợi ý mẹ tôi đi bước nữa, để đỡ khổ cái tuổi xuân, nhưng mẹ chồng tôi không đi. Chứ thuở ấy thiếu gì các ông bộ đội phục viên chưa vợ, thiếu gì ông bần cố vì nghèo chưa lập gia đình, lại một số ông vợ đã quá cố, cũng đến ngỏ lời nhưng mẹ chồng tôi đều cảm ơn và từ chối hết. Có lần thân ái quá, tôi hỏi mẹ tôi, rồi mới giật mình vì tôi là con dâu:

- Làm sao bu không đi bước nữa?
- Vì bu thương bà nội lắm. Những ai có con trai nên vợ nên chồng, mà con mình chết sớm thì thường mất cả con dâu. Mất một đứa con đã chết điếng người lại mất con dâu, biết mất trờ trờ ra, mà không níu lại được, thì nỗi đau đớn của người mẹ tăng lên gấp bội phần. Bà nội đã mất bố mày, lại mất cả tao nữa thì khổ lắm. Vả lại bu rất thương thằng Hòa, nó côi cút rất cần có bu, và dù nhỏ nó cũng chẳng muốn ai chiếm đoạt mẹ của nó.
Hết hạn, anh Hòa trả phép để đi B, mẹ tôi quay vào nhà khóc, còn tôi tiễn anh ra tận bến sông Hồng. Ði được 10 ngày anh Hòa viết thư về báo tin anh đã hành quân đến Quảng Bình. Ôi! Ðọc thư anh, càng thấy thấm thía càng thấy nhớ anh như cào cấu ruột gan.
Mẹ chồng tôi có tính cẩn thận, quần áo của bà, của tôi khi khô bà đều gấp gọn gàng bỏ vào trong rương. Một hôm vào khoảng nửa tháng sau khi anh Hòa đi B, tôi đi làm về, thấy bà đang gấp mấy miếng vải màn của tôi. Tôi thấy rất rõ vẻ buồn trên khuôn mặt bà và hình như bà khóc nữa. Bà xếp quần áo vào rương, tôi quay ra và lúc ấy tôi mới hiểu, là chồng tôi ra đi, không để lại một giọt máu thiêng liêng trong tôi, tôi cũng cảm thấy buồn xao xuyến.
Khoảng 20 ngày khi chồng tôi đi B, hợp tác xã điều tôi đi dân công tỉnh một tháng nhưng làm thủy lợi ở ngay địa bàn huyện. Chồng tôi có người cậu họ là ông Thảo, làm phó phòng thủy lợi, được chỉ định làm trưởng ban chỉ huy công trường. Ông Thảo ghé thăm mẹ tôi, thấy mẹ tôi nói tôi sắp đi dân công, ông Thảo liền nảy ra một ý kiến:
- Cháu nó đi dân công à? Thế thì thế này, tôi sẽ cắt định suất đất của xã cho cháu. Nó hát hay, giọng nói lại trong trẻo, tôi cho nó lên chỗ tôi để phục vụ thông tin văn nghệ, công việc vừa đỡ vất vả mà lại có tiền tiêu, mỗi tháng tôi phụ cấp cho cháu 36 đồng, công trường có thể kéo dài ba, bốn tháng, chị có đồng ý không?
- Cảm ơn cậu, tôi chẳng biết thế nào, cậu thử hỏi cháu xem.
Ông quay lại nói với tôi:
- Huyện mới mua máy phóng thanh, công trường trải dài hai cây số, ngày ngày cháu cứ cầm ống nói hát hoặc đọc tin, có loa phát to lắm. Công việc chỉ có thế, được chứ?
- Vâng, cháu đồng ý.
- Nhưng phải đi trước 5 ngày, đến đúng ngày 1 để dễ tính lương.
Thế là đúng ngày quy định tôi lên đường, đến ban chỉ huy công trường cách nhà tôi hơn hai chục cây số. Ðến nơi, tôi đã thấy lán của ban chỉ huy làm xong. Tối ngủ lại lán đó, có hai chị cán bộ trong ban chỉ huy, tôi và một nhân viên phụ trách kỹ thuật và điều khiển máy phóng thanh, tên anh là Lực. Ngày công trường ra quân, ông Thảo giới thiệu trên loa là: “Có cô Bích Thuận là người chuyên phục vụ văn nghệ và thông tin của công trường”. Và sau đó tôi say sưa với công việc được giao, nhưng kẹt nhất là cái máy phóng thanh hay trục trặc, anh Lực đi vắng là tôi chịu, không biết xoay xở ra sao. Vì thế độ hai ba ngày, các đơn vị phản ảnh về là hát hay lắm nhưng tắc luôn, nghe dở dang “xem kịch ngắt quãng”. Trước tình hình như vậy, ông Thảo liền phân công anh Lực ở nhà vừa trực và điều khiển máy phóng thanh. Từ đó ban ngày nhiều khi chỉ có tôi và anh Lực ở lán.
Lực là chàng trai khỏe, ít nói nhưng giọng nói dịu dàng, anh cũng vào loại điển trai. Anh thi trượt tốt nghiệp phổ thông đã hai năm, được ông bác làm chủ tịch huyện xin cho vào làm nhân viên phòng thủy lợi. Khi huyện mua máy phóng thanh, anh được cử đi học vài ngày để sử dụng.
Làm ở công trường đã bốn tuần. Một hôm ông Thảo cho tôi về thăm nhà. Thấy tôi về mẹ chồng tôi mừng lắm, nhưng về tới nhà thì tôi thấy váng đầu chóng mặt lại hay buồn nôn. Mẹ tôi bảo: “Ðúng con bé phải cảm rồi”. Bà vội vàng lấy gừng giã ra xào với rượu, đổ lẫn vào búi tóc cho vào khăn để đánh cảm cho tôi. Bà bảo tôi cởi áo rồi làm từ đầu, mặt, vùng lưng, sau đến vùng ngực. Tôi thấy bà làm ở vùng ngực rất kỹ lưỡng, tự nhiên mặt bà biến sắc, mồ hôi toát ra, tay chân run rẩy. Rồi bà nhìn tôi rất nghiêm bà bảo:
- Thuận, con có mang rồi đấy.
Tôi giật bắn người, chưa biết nói ra sao thì bà đã tiếp:
- “Thâm cà thì khú, thâm vú thì chửa”, hai đầu vú của con bắt đầu nở và núm vú bắt đầu thâm rồi.
Nói xong bà thở dài, bà xuống ngồi ở cửa bếp, bà khóc. Tháng qua không thấy kinh, nhưng không có kinh nghiệm nên tôi coi thường, giờ nghe mẹ chồng phát giác tôi thấy rợn tóc gáy. Tôi đi xuống bếp với bà, bà nhìn tôi vừa khóc vừa hỏi:
- Con đi lại với ai mà đến cơ sự này?
Tôi thấy sự trầm trọng của câu chuyện, nhưng đã có ý chuẩn bị lơ mơ, tôi thưa rằng:
- Một buổi tối con vào trong làng để tắm, con đi đường tắt qua cánh đồng, khi tắm về đến gần một gò đất bỗng có người đi sau bịt mồm con, bắt con vào sau gò làm cái chuyện ấy, hắn khỏe như vâm, con không kháng cự lại được nên mới đến cơ sự này.
- Thế da hắn trắng hay đen? Tóc hắn dài hay ngắn?
- Trời tối lắm, con không nhìn rõ được.
Mẹ chồng tôi chưa tin nhưng bà cũng không hỏi nữa. Bà lên nhà, nằm vật ra giường bà khóc, bà kêu:
- Hòa ơi! Con ơi!
Trước cảnh tình ấy, tôi càng bối rối vì tối đó và hai ngày hôm sau bà nằm liệt, không ăn, chỉ uống chút nước lại đi nằm. Tôi càng lo lắng hơn và tôi rất sợ. ở làng này tôi có một con bạn, nó lấy chồng trước tôi hai năm, chồng đi B, nó bị chàng phó chủ nhiệm hợp tác xã mua bán xơi liền, vài lần vụng trộm, nó có thai. Mẹ chồng nó biết nhưng cứ phớt lờ, vẫn tỏ ra vui vẻ bình thường với con dâu và thông gia. Bà tìm thấy lá thư của chồng nó gởi về sau một tuần lên đường và bà cất kỹ. Khi con bạn tôi có thai được bảy tháng, thấy mẹ chồng không để ý, làng xóm không ai nói gì, cả gã phó chủ nhiệm cũng cho bà vào loại đần độn. Rồi một hôm bà được mời sang nhà thông gia ăn giỗ, bà sang vẫn bình tĩnh thắp nhang, cười cười, nói nói, uống chén rượu chơi. Giữa chừng, trong lúc mọi người đang vui ăn uống, bà gọi cô dâu lại bên, cầm tay cô dâu ra chiều âu yếm, bà đứng lên thưa:
- Trình họ nhà, họ nhà sắp có cháu bế rồi đây – Bà móc túi lấy lá thư và tiếp – Cháu nhà tôi đi B gởi về lá thư sau một tuần, tính đến nay đã được 9 tháng rưỡi. Cháu của quý họ mới có mang độ bảy tám tháng thôi, vậy tôi sang cáo với tổ tiên bên này và tặng họ nhà cái trống để đánh chơi.
Nói rồi bà vỗ đít ra về, cả họ sa sầm tái mặt. Ba ngày sau con bạn tôi và gã phó chủ nhiệm bỏ nhà trốn biệt tăm, nghe nói họ lên miền ngược. Vợ gã phó chủ nhiệm càng cay xè, ngày nào chị ta cũng réo chửi cha mẹ đẻ con bạn tôi, chị ta chửi đủ ba tháng rưỡi mới ngừng. Thật khiếp quá. Chỉ một việc chửa không phải với chồng mà tổ tiên cũng bị động, ba bốn kẻ đau đầu, nhiều kẻ long tóc gáy. Nghĩ đến thế tôi càng thấy sợ hơn.
Sang ngày thứ ba, mẹ tôi dậy sớm, bà gọi tôi lại bên, tôi vừa lo, vừa sợ, vừa thẹn, bà kéo tôi lại gần và nói.
- Chuyện xảy ra với con thực đáng buồn. Bu thương thằng Hòa lắm, bu cũng thương mày. Bu chỉ mong cái thằng của nợ đừng vác mặt đến đây. Nó mà bén mảng đến đây thì bu sẽ kiện nó ra toà cho nó vào tù; đời đã có tiếng “lỗi lầm” thì có sự “lỗi lầm” nên bu không lạ. Mày muốn bu cứu chữa thì phải giữ mồm giữ miệng, chớ hé răng cho ai biết, kể cả ông bà bên nhà. Ðiều quan trọng là phải chấm dứt quan hệ với thằng khốn nạn đó khi nó xuất hiện bất cứ dưới dạng nào. Mày không nghe thì bu sẽ chết, chết truớc cho mày xem. Bu thương lắm, cứ an tâm đi làm. Giả như nếu câu chuyện vỡ lở, sau này thằng Hòa nó về bu sẽ liệu. Nó thông cảm thì là vợ chồng, nó chia tay thì mày là con nuôi, con gái của bu. Ráng sống cho tử tế để cho thiên hạ khỏi chê cười.
Tuy vẫn lo nhưng tôi cảm động trước những lời chân tình của mẹ chồng. Tôi biết mẹ tôi vẫn không tin câu chuyện mà tôi đã bịa đặt ra, nhưng bà đã nhìn tôi với con mắt thương hại thực sự.
Còn cái thai là của ai? Vụ việc như thế này: khi ông Thảo cử Lực ở nhà trực và điều khiển máy phóng thanh, những ngày đầu quan hệ giữa tôi và anh ta không có gì đặc biệt. Lúc rỗi anh đọc sách, tôi thấy cái rương của anh có đến hơn chục quyển sách, tôi ngỏ ý mượn, anh đồng ý để tôi chọn tùy ý. Phần nhiều sách anh có ở rương, tôi đã đọc rồi. Riêng quyển Giông tố là tôi chưa xem, tôi mượn anh để đọc. Là con gái mới lấy chồng đọc nhiều trang tôi thấy người nóng ran, mặt đỏ nhừ, những biểu hiện ấy Lực biết. Công trường đã mở trọn tuần, bước đầu đã ổn định về nhiều mặt, chiều thứ bẩy mọi người tranh thủ về qua nhà sáng mai có mặt sớm. Phân công ở lại lán chỉ huy có tôi và một chị cán bộ nữa ở lại đêm ấy, nhưng nhà chị cán bộ kia có câu chuyện, nên chị rỉ tai tôi để chị về nhà sáng mai chị đến sớm. Tôi định bụng gần tối sẽ vào nơi xã tôi đóng quân, rủ mấy đứa bạn đến ngủ cho vui. Chưa kịp đi thì mưa gió ập đến, tôi lại không có áo mưa thì đi làm sao được, vả lại tôi không sợ ma tà, nên tối đến cứ thắp đèn đọc sách. Hình như lúc chúng tôi rỉ tai nhau về việc chị cán bộ kia về thì Lực nghe thấy, đêm ấy mưa rét lắm, khoảng 9 giờ tối Lực trở lại, anh ta nói lý do quay lại vì sợ mất máy. Anh lại cởi áo mưa, ủng rồi lên giường nằm. Tôi vẫn say mê đọc. Xa chồng thời con gái, tôi đọc tiếp thấy rạo rực, tôi thở dài, mắt lim dim để tưởng tượng những hình ảnh trong sách. Nào ngờ Lực đến bên tôi lúc nào tôi không biết. Anh ta đặt tay lên vai tôi và hỏi:
- Em sao thế?
- Em... Em rét.
- Thế thì lên giường nằm cho ấm.
Ngoài trời mưa gió càng mạnh và lạnh thấu xương, nhanh như cắt Lực thổi phụt ngọn đèn rồi ôm tôi kéo lên giường.
Tôi sực tỉnh táo, biết chuyện gì sắp xảy ra, tôi chống cự kịch liệt, tôi tát vào mặt Lực mấy cái, mắng nhiếc thậm tệ, Lực vẫn không buông tôi ra, tiếp tục cuộc vật lộn. Hồi lâu tôi thấy đuối sức không còn khả năng kháng cự. Lực đã thắng cuộc. Trái với sự mạnh mẽ quyết liệt khi tấn công, khi gần làm chủ, giọng anh ta run run: “Tha thứ cho anh, anh yêu em ngay từ khi mới gặp, em là người con gái đầu tiên trong đời anh...”. Thắng cuộc mà anh ta lúng túng, vụng về, lập cập, mãi mới biết cách xoay xở. Nhưng sau thì quen, anh ta tò mò, nghiến ngấu, thức suốt đêm, không bỏ phí một phút thời gian nào. Ðộ 4 giờ sáng anh ta bảo tôi: “Em nằm một mình vậy, anh đi độ gần 7 giờ anh đến, nằm lỳ ở đây lộ mất”. Anh ta vùng dậy, lấy áo mưa, đi ủng, dắt xe đạp đi, ngoài trời mưa gió vẫn lạnh. Lúc ấy sợ anh đi đường bị ngã vì trời tối quá, tôi gọi đưa cho anh ta cái đèn pin ở đầu giường tôi mà đêm qua anh đã nhiều lần sử dụng. Anh ta đi rồi, mình tôi trên giường tôi thấy lạnh, lúc ấy tôi mới hoàn toàn tỉnh táo, lướt lại những gì đã diễn ra trong đêm, tôi thấy mình tội lỗi, nhuốc nhơ, dơ dáng và bệ rạc. Tôi khóc. Cái thai có từ đó và tôi căm thù Lực.

°

° °

Sau mấy ngày ở nhà, tôi xuống công trường. Công việc vẫn làm như mọi khi. Tôi buồn bực và căm giận nên không nói chuyện với Lực, chắc hiểu ý tôi nên Lực cũng chẳng nói năng gì, thấy thái độ anh ta thờ ơ, tôi càng giận. Một buổi sáng khi mọi người đã ra công trường rồi, nghĩ đến hậu quả mà Lực gây ra sẽ làm cho đời tôi khốn đốn, lòng căm thù dâng cao, tôi tiến lại phía Lực:

- Anh có biết anh làm hại đời tôi không?
Lực im lặng, tôi nói nhỏ nhưng giọng đầy đay nghiến:
- Anh cưỡng tôi để bây giờ tôi mang thai rồi đây.
Lực vẫn im lặng, lại còn cúi cúi viết viết gì đó, tôi điên lên:
- Ðồ đểu cáng, đồ khốn nạn!
Thấy căng, Lực đứng lên định đi, tôi liền rút dép cao su quật vào mặt anh ta ba, bốn cái liền, máu mũi anh ta trào ra. Giữa lúc đó thì ông Thảo về, Lực đang phủi đất và lấy khăn lau máu ở mặt. Tôi sợ. Ông Thảo đảo mắt một lần, ông giận dữ:
- Thế này thì quá quắt lắm.
Ông gọi tôi và Lực ngồi lại. Ông hỏi, cả hai đều im, mãi sau ông ra lệnh:
- Lực, cậu viết kiểm điểm, thành thật hối lỗi thì được chiếu cố, nếu không tôi cho cậu đi tù vì đã động vào vợ bộ đội. Còn Thuận viết tường trình lại. Hai ngày nữa đưa tôi.
Ông ta nhìn Lực có vẻ căm tức rồi bỏ đi. Lực ngồi đó vẻ mặt lạnh lùng, song lại tỏ ra rất bình tĩnh, anh đứng lên lấy gương soi.
- Thuận, em đánh anh đau quá, mặt tím bầm lại rồi.
Tôi tái mặt, nhìn anh thấy máu mũi vẫn rỉ ra, tôi thấy mình cũng động lòng trắc ẩn và bối rối. Lực lại lấy khăn lau mặt, anh quay sang tôi:
- Anh viết như thế nào đây?
- Viết thế nào thì tùy anh.
- Thuận định viết như thế nào?
- Tôi viết thế nào thì tùy tôi.
Lúc đó Lực tỏ ra bình tĩnh và minh mẫn, anh nói:
- Nếu em tường thuật đầy đủ mọi chi tiết thì có nghĩa là em đeo cái thòng lọng vào cổ anh và cổ em. Viết cũng chẳng cứu được chúng ta đâu. Chi bằng ta không viết gì cả.
- Thế thì giải thích như thế nào với ông Thảo về chuyện xảy ra mà ông ta nom thấy?
- Anh đã làm với ông ta hai năm, biết ông này là loại người luồn trên nạt dưới và cũng chẳng phải là người đứng đắn gì. Lãnh đạo chỉ “hừm” một cái là mặt ông ta đã tái mét, chỉ “hừ” một cái là ông ta run cầm cập. Bác anh làm chủ tịch huyện, anh đến nói thật với ông, nhờ ông bịt mồm ông Thảo lại.
Lực suy nghĩ một lát, anh ta nói tiếp:
- Còn chuyện vừa xảy ra, ta dàn dựng thế này: do phải bê cái bao gạo mà ông Thảo khoét của công trường mang về cho vợ, để ở giữa lối đi, nên mấy cái cúc áo ở cổ em bật ra, nhìn thấy anh đưa tay gần để chỉ em cài lại, chưa kịp nói thì em đã tưởng anh “chộp” nên chửi rủa và tặng anh mấy cái dép vào mặt.
Thấy sự trầm trọng rắc rối của câu chuyện, lại nghe Lực nói có lý, tôi đồng ý với cách của anh. Tôi hỏi:
- Nhưng còn cái mặt tím bầm của anh thì giải thích với mọi người thế nào?
- Em đánh anh đau quá, nhưng cái mặt đau này anh sẽ giải thích là bị ngã. Ở công trường thủy lợi thì lắm kiểu ngã lắm, nào do trơn, do trượt chân, do ngã xe đạp, có đến x lý do.
Lực lấy xe đi về huyện cách đó chừng hai cây số, hơn tiếng sau anh trở lại, mang về bức thư của ông chủ tịch. Anh bảo tôi:
- Ông Thảo có hỏi ai đưa lá thư, thì nói là một cô nào đó, đưa rồi đi ngay.
Tôi mở lá thư để ngỏ đọc thấy: “Anh lãnh đạo tồi quá. Anh đưa người “của anh” đến trước mũi mọi người, sinh ra rắc rối, tôi sẽ báo lại với thường trực ủy ban cho anh nghỉ việc ở công trường. Tối nay anh về gặp tôi”. Trưa ấy ông Thảo về, thấy cái thư trên bàn, ông đọc vội, tôi thấy mặt ông ta đỏ rồi biến thành xám xịt, miệng ông há hốc, mắt lờ đờ... quả là ông đã trúng cái mưu của Lực. Tối ấy ông về huyện, sáng mai trở lại lán chỉ huy, lúc vắng người ông bảo tôi và Lực:
- Hai đứa không phải viết gì nữa, nhưng sau không được làm thế. Thằng Lực ra quán mua tao lạng trà Bắc Thái, đi mau về.
Lực đi ngay. Lúc còn mình tôi, ông Thảo hỏi chuyện, tôi trình với ông như Lực đã chỉ. Ông nghe có lý, ông bảo:
- Ðẹp gái thế này thì đến bố thằng Lực cũng mê, cũng muốn “cài cúc áo” chứ chẳng riêng gì thằng Lực.
Ông ta đi đi lại lại, tưởng ông ta làm gì, bất ngờ ông ôm tôi hôn lấy hôn để, tay ông khua trên mấy cái cúc áo ở ngực tôi. Tôi đẩy mạnh ông ta ra. Cũng vừa sau đó thì Lực về, thấy tôi đỏ mặt, anh ta đoán rằng ông Thảo vừa tra tôi chuyện hôm qua.
Sau những chuyện xảy ra như vậy, tôi và Lực hầu như không nói chuyện với nhau, mãi đến hôm chỉ có hai đứa ở lán, Lực tự nhiên hỏi:
- Con chúng ta em định thế nào?
- Tôi đi nạo thai – Tôi thăm dò ý anh.
Nghe vậy Lực buồn, mắt anh ta rưng rưng:
- Tội nghiệp! Cứ để nuôi có được không?
- Lấy gì mà nuôi, còn chồng tôi, mẹ chồng tôi, hạnh phúc của tôi. Anh đã đẩy tôi vào con đường chết.
Lực thở dài:
- Ở đời chẳng bao giờ được hết mọi thứ cả, được cái này thì mất cái kia. Nhưng anh van em đừng phá thai, làm thế tội nghiệp con chúng ta.
Lại có người đến, câu chuyện dừng ở đó. Những ngày tiếp tôi thấy anh có vẻ suy tư tính toán, còn cái mặt của anh nửa tháng sau mới khỏi. Ðến lúc ấy tôi cũng chưa hiểu về con người đã có một đêm chăn gối. Một lần tôi hỏi anh:
- Cha mẹ anh còn không?
Câu hỏi đột ngột của tôi làm Lực xúc động, anh khóc. Sau anh kể với tôi: bố anh chết bệnh bốn năm nay rồi. Mẹ anh cũng mất cách đây gần ba năm. Bà bị bệnh tai biến mạch máu não đúng vào học kỳ năm cuối cấp III nên anh phải dành nhiều thời gian chăm sóc mẹ. Mẹ anh mất đúng ba hôm trước ngày thi tốt nghiệp. Học hành do thiếu sự tập trung, mẹ lại mất đúng vào dịp thi, nên anh đã trượt tốt nghiệp. Nhà anh có ba anh em trai thì hai người đều học hết phổ thông, đi bộ đội và đã ra tiền tuyến, còn một mình anh nên buồn lắm. Anh cho biết đã xin nghỉ việc vào đầu năm tới để ôn tập lại chương trình cấp III, xin thi tốt nghiệp và nộp đơn thi vào đại học, vì nhà có ba anh em thì hai anh đã đi B, nên anh xin thi đại học chắc sẽ không có gì trở ngại. Anh nói thêm: ở đời không mấy người hiểu và thông cảm với anh, anh cô quạnh...
Chà, nghe Lực kể về hoàn cảnh gia đình, về anh, về hướng đi tới, tôi thấy bùi ngùi.
Tôi quyết định làm trọn hai tháng sẽ nghỉ. Biết tôi chỉ còn ở công trường hai ba ngày nữa, tôi thấy vẻ mặt anh vừa buồn vừa có vẻ toan tính một việc nào đó. Rồi anh xin phép nghỉ một ngày, sáng hôm sau anh lên, chờ lúc vắng người, với vẻ thành thật anh nói với tôi:
- Cuộc đời éo le trắc trở, anh đã gây nhiều phiền hà rắc rối cho em, hãy tha thứ cho anh. Bằng tấm lòng thành và trách nhiệm, em hãy vui lòng nhận món quà nhỏ của anh.
Anh đưa cho tôi một gói nhỏ bọc trong giấy báo, tôi hỏi:
- Thứ gì thế này?
- Tiền, đây là tiền mẹ anh tiết kiệm, tiền anh góp hai năm qua, tiền của hai anh đi B, anh đưa em 1.500 đồng để phòng lúc ốm đau hoặc là thêm vào chút đỉnh để tăng dòng sữa cho con.
- Không, tôi không nhận đâu, anh cũng cần chi tiêu sau này, cầm về mà lo cho anh.
- Anh còn để lại 1.000 đồng (lúc ấy vàng 30 đồng/chỉ) cũng đủ dùng vào những năm tới, hãy cầm lấy đi em.
- Cảm ơn anh, tôi không nhận. Tôi chỉ xin anh một điều: là sau này xin anh để cho tôi yên, đừng gặp tôi, đừng gặp con, đừng “triển lãm” chuyện chúng ta ra với mọi người.
- Việc ấy thì được, nhưng cũng tùy điều kiện.
Lực thẫn thờ, nhìn ra phía chân trời xa xôi. Gói tiền vẫn để trên bàn, tôi ép anh:
- Nếu anh muốn nói chuyện nữa thì anh phải cất tiền đi.
Lực tần ngần, bất đắc dĩ anh làm theo ý tôi. Anh cất tiền đi, rồi ra nói chuyện tiếp. Tôi hỏi anh:
- Anh có người yêu chưa?
- Ðã có nhưng lại chưa có – Ðôi mắt anh nhìn tôi rất sâu anh tiếp – Chiến tranh không thể ngăn được yêu đương, nhưng với tuổi trẻ, yêu đương trong chiến tranh nhiều khi là sự đánh đố trước số phận cuộc đời.
- Thế bao giờ anh lấy vợ?
Ðôi mắt anh đang nhìn về phía chân trời vô định, rồi anh quay lại tôi:
- Chắc không bao giờ. Nhưng nếu có chuyện ấy thì chỉ có em là người đứng lên tổ chức hoặc là em trở thành người giới thiệu mà thôi.
Tôi vụt nghĩ đến cô em gái đang học cuối cấp III của tôi.
Ngày tôi rời công trường, Lực chào tôi, rồi đi về huyện có việc. Lúc sắp về chỉ còn ông Thảo và tôi ở lán, ông Thảo hỏi tôi còn quên gì nữa không, ông ta kiểm giúp, bước lại sát bên tôi. Bỗng ông ta ôm chầm lấy tôi, một tay ông ghì chặt vai, còn tay kia ông tranh thủ lần mò. Tôi cố giãy mãi mới buột khỏi tay ông. Bằng điệu cười hô hố của một người ngoại tứ tuần, ông nhăn nhở, trơ trẽn bảo tôi:
- Mẩy đấy nhỉ, về nhé, hôm nào cậu đến.
Thật là quỷ sứ.

°

° °

Tôi về nhà, mẹ chồng tôi bảo: “Về là phải vì thai nghén, đi lại vất vả, ảnh hưởng đến đứa trẻ”. Những ngày tôi mang thai, bà bắt tôi tránh làm những việc nặng, mỗi tuần bà mua cho tôi hai ba con cá chép, mỗi con độ hai ba lạng, bà đem nấu cháo mỗi lần một con, trông cho tôi ăn hết bà mới chịu. Bà nói theo kinh nghiệm dân gian, ăn cá chép dễ sinh và da đứa trẻ thêm đẹp. Bà còn dặn thêm: “Khi có mang phải gạt bỏ cái xó xỉnh “bờ đê gốc dứa” ấy đi, hãy nhớ thằng Hòa, làm được việc ấy, đứa trẻ sẽ giống người mình yêu”.

Những đêm không ngủ, tôi giận Lực, giận mình. Tôi căm thù quân xâm lược. Không biết ở đất nước này có bao nhiêu người lính vào cảnh bất hạnh như Hòa của tôi, có bao nhiêu người vợ lỡ lầm và đau khổ như tôi, có bao nhiêu bà mẹ ở vào cảnh ngộ như mẹ chồng tôi. Qua nhiều đêm thao thức mỗi khi đặt tay lên bụng, cái thai càng ngày càng lớn, tôi càng thấy thương Hòa của tôi. Có lần tôi hỏi mẹ chồng:
- Bu ơi, gia đình ta là gia đình liệt sĩ, anh Hòa lại là con độc nhất, nếu ngày ấy bu xin ở lại thì chắc chắn anh Hòa không phải đi, tại sao bu không xin.
Câu hỏi của tôi vừa thành thật, nhưng cũng hàm ý trách khéo mẹ chồng, mẹ tôi kéo tôi nằm sát lại, bà nói:
- Bu biết chứ, nhưng bu không làm thế, chẳng phải là vì vinh dự hay sĩ diện gì. Việc tuyển bộ đội đã có chỉ tiêu cho từng xã, con mình không đi thì phải thế con người khác vào cho đủ. Mình xa con đã thấy lo lắng, thương nhớ như cào cấu ruột gan, biết thế mà mình cứ đẩy cho người khác phải chịu thì ác quá. Mặt khác cha ông mình có câu: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, bu già rồi, thằng Hòa đi đánh giặc là rất phải đạo.
Nghe mẹ tôi giải thích, lúc ấy tôi nghĩ cũng chỉ là một cách nói. Sau này càng ngày tôi càng hiểu, một người bình thường ở nơi thôn dã như mẹ tôi, đã từng nếm vị cay đắng của chiến tranh, nhưng ý thức về đạo lý làm người, ý thức về việc nước thật trong sáng, rõ ràng, mạch lạc.
Sau khi tôi sinh con trai, mẹ tôi đặt tên cho nó là cu Hoài. Có điều lạ là nó rất giống anh Hòa của tôi. Khi cu Hoài đã cứng cáp, qua thời kỳ kiêng khem nghiêm ngặt theo sự hướng dẫn của mẹ chồng, tôi mới được làm việc đồng áng. Mẹ tôi bảo: “Cháu khỏe, mau lớn, ngoài việc đồng ruộng mẹ mày còn phải tham gia công tác cho vui, đừng dựa vào có con mà bê trễ công việc được giao”. Có điều lạ, là mỗi lần tôi nhắc đến việc làm khai sinh cho cháu, thì mẹ tôi lờ đi, bà nói: “Việc ấy để bu lo”. Khi cu Hoài được 7 tháng, mẹ tôi mới đi làm giấy khai sinh cho cháu. Thì ra bà làm chậm phần vì để xem “mặt thằng của nợ ấy” có xoay xở gì không, mặt khác để mọi người không tò mò, lãng quên không để ý tới. Làm giấy khai sinh rồi, bà đem về bảo tôi:
- Thằng Hòa đi 1-10-1963, mẹ khai sinh cho cu Hoài vào 18-7-1964, tức là tính 9 tháng 10 ngày thì đúng vào dịp thằng Hòa nghỉ phép. Cầm lấy cất đi cho cẩn thận. Cha mày, lần khác nữa thì mày lo lấy và bu không để yên đâu.
- Con cảm ơn bu – Nói rồi tôi ôm lấy bà, tôi khóc.

°

° °

Cháu Hoài được 2 tuổi, tôi được bầu làm bí thư xã đoàn. Một hôm họp giao ban ở cụm, có ông bí thư huyện ủy đến dự. Lúc tôi phản ánh tình hình và đề xuất công việc tới, ông bí thư rất chú ý nghe, ông nhìn tôi tỏ vẻ hài lòng. Cuối năm đó đại hội huyện đoàn, trước đại hội độ hơn một tuần, ông bí thư huyện ủy và anh bí thư huyện đoàn về xã làm việc có ghé thăm mẹ tôi. Thế rồi một điều bất ngờ đã đến với tôi: tôi đã được đại hội bầu vào ban chấp hành huyện đoàn với số phiếu cao nhất; khi họp chấp hành để phân công, tôi được cử làm phó bí thư huyện đoàn. Hôm đó ông bí thư huyện ủy tỏ ra rất vui, ông chúc mừng tôi và động viên tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Hai hôm sau tôi có quyết định điều lên huyện công tác, mẹ tôi vui lắm, bà giết mấy con gà mời bố mẹ tôi và vài bà con đến ăn bữa cơm vui. Theo ý mẹ tôi: cu Hoài ở nhà với bà, khi đi mẹ tôi dặn: “Ra đời phức tạp lắm con, đừng sai lầm lần thứ hai nữa nhé”. Tôi hứa với mẹ tôi: mong bà an tâm, tôi không dám làm điều gì thêm để bà buồn. Công tác của tôi thuận lợi, làm phó bí thư huyện đoàn hai năm, đến năm thứ ba tôi được cử làm bí thư huyện đoàn, được bầu vào ban chấp hành huyện ủy. Lúc này tôi đã học xong chương trình cấp III bổ túc văn hóa. Làm bí thư huyện đoàn được một năm tôi được cử đi học chính trị ở trường Nguyễn Ái Quốc, vừa về tôi được bầu vào Hội đồng nhân dân huyện, được Hội đồng nhân dân cử làm phó chủ tịch huyện phụ trách nông nghiệp. Do khiêm tốn, học hỏi, tôi được tiếng là làm việc nhanh nhạy, sâu sát, có tín nhiệm với các ban ngành của huyện và cơ sở. Khi sang ủy ban huyện, tôi đón mẹ tôi lên ở một gian tập thể để có điều kiện gần gũi chăm sóc mẹ tôi và cu Hoài. Ðã là năm 1971.

°

° °

Sang ủy ban huyện công tác, tôi hay chạm trán với hai nhân vật cũ là ông Thảo và anh Lực. Ông Thảo hay làm việc với tôi, mỗi lần làm việc ông ta luôn lắp bắp: “Báo cáo chị... báo cáo chị”. Có lần ông ta nheo mắt nhìn tôi với giọng cười hô hố, ông ta nói: “Báo cáo chị... so với dịp ở công trường thì bây giờ chị mập mạp hơn nhiều...”. Ông ta đưa mắt lướt một lượt toàn thân của tôi. Thật là láu cá. Sau ông ta được cử làm trưởng phòng thủy lợi, tôi không phản đối.

Còn Lực – người mà em gái tôi gọi là “người không có trái tim” tôi đã chạm trán trong hai năm ở ủy ban. Anh đã vào đại học kinh tế tài chính năm 1964 cùng cô em gái tôi. Em tôi kể rằng: Lực rất chịu khó học, anh tốt nghiệp loại giỏi, do chăm học, ra trường anh có thể tự dịch và nói được tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Anh không có bạn gái, thường lẩn tránh mỗi khi bạn gái mời đi chơi. Em tôi bảo: “Nếu anh ta có trái tim thì em đã là vợ anh ấy rồi, hay là anh ta “ái nam ái nữ”. Nghe nói, tôi quay đi và trả lời: “Không biết...”. Sau khi tốt nghiệp, Lực về huyện công tác đến năm tôi sang ủy ban thì anh ta được cử làm phó phòng lao động. Lực làm việc tốt, có uy tín, đấu tranh thẳng thắn. Bất đắc dĩ anh ta mới làm việc với tôi, anh gọi tôi bằng “chị”, xong việc anh ta đứng lên đi ngay, vội vàng. Tuy nhiên đôi lúc ở xa xôi tôi vẫn nhìn anh bằng con mắt thiện cảm. Anh chẳng bao giờ đến chỗ tôi ở. Cả huyện này đặt cho anh cái tên “Lực lim” tức là tình cảm của anh khô khan như gỗ lim.
Rồi một hôm sau nửa tháng, tôi đi tập huấn lớp củng cố cải tiến quản lý hợp tác xã ở trên tỉnh về thì Lực đến nơi tôi ở. Mẹ tôi nghĩ anh đến bàn công tác nên bà không để ý, bà đi sang nhà hàng xóm thăm mẹ con bạn tôi mới đến chơi. Lực cho biết sáng mai anh ta sẽ lên đường đi dân công hỏa tuyến, đoàn quân của huyện có trên sáu trăm người, huyện cử anh làm đoàn trưởng. Tôi nghe tin này đột ngột quá, vì sao họ lại cử anh đi? Theo bình diện các gia đình ở hậu phương thì gia đình anh đóng góp như thế là đã quá đủ rồi. Tôi đang suy nghĩ thì Lực nói là đến chào tôi. Anh xin lỗi vì những gì đã xảy ra 9 năm về trước, và anh xin phép tôi cho anh được hôn cháu Hoài một lần. Cu Hoài vừa đi học chiều về, chờ nó chào hỏi xong, anh gọi nó lại gần, anh ôm nó vào lòng và hôn lên trán, lên má nó. Tôi thấy anh rưng rưng nước mắt, anh nói với nó: “Chịu khó học và ngoan nghe con”. Sau vài phút anh đứng lên về, chúc tôi gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Anh nói nhỏ câu cuối cùng: “Mong Thuận hiểu anh”. Ði được vài bước anh vụt quay lại, ôm chầm lấy cu Hoài lần nữa, nước mắt anh dàn dụa. Khi Lực đi rồi, cu Hoài hỏi tôi: “Sao chú ấy khóc hở mẹ?”. Tôi trả lời: “Vì chú ấy đi nam”. Sáng hôm sau Lực lên đường, cùng lãnh đạo của huyện tôi cũng có mặt để tiễn quân, tiễn anh. Khi bắt tay tôi, Lực nói nhỏ: “Ðừng buồn anh nghe em”. Tôi khẽ gật đầu. Sau ngày Lực lên đường, tôi đến ông chủ tịch ủy ban chất vấn về việc cử Lực đi, ông cho biết vì Lực là cháu ông, ông đấu tranh để Lực ở nhà không tiện. Tôi lại sang ông bí thư huyện ủy, ông trả lời: “Khối kẻ đánh giặc mồm thì mạnh lắm, nhưng khi cử đi tiền tuyến thì nhiều lý, lắm lẽ. Chú đã bàn với tổ chức tính để Lực đi một năm gọi là thử thách, sau nó về sẽ đưa vào cấp ủy và ý định giao cho nó làm chủ tịch huyện. Hôm nay cũng như lâu dài, phải có những người chủ chốt ở huyện nhà có đạo đức, có trình độ, có năng lực. Những yêu cầu ấy xem ra Lực có khả năng đáp ứng được”. Nghe sự giải thích của ông bí thư huyện ủy, tôi an tâm và mừng với anh.
Lực ra tiền tuyến được hơn ba tháng, một hôm tự nhiên tôi thấy ông chủ tịch vẻ mặt đau buồn, vào phòng làm việc của tôi, ông nói: “Thuận ơi! Thằng Lực hy sinh rồi, nó bị trúng bom trên đường làm nhiệm vụ”. Tôi bủn rủn chân tay, mắt tôi nhòa lệ. Ông chủ tịch bảo tôi: “Bác hiểu!”. Ðây là lần đầu tiên ông xưng hô với tôi như vậy. Hai tháng sau có giấy báo tử của Lực. Lễ truy điệu anh được quyết định tổ chức ở dưới quê. Biết tin này, tôi thấy sự thương tiếc anh thể hiện ở nhiều người trong các ban ngành. Mấy chị, mấy cô ở phòng thủy lợi, phòng lao động và văn phòng ủy ban khóc sưng cả mắt. Mọi người đều khen anh: chịu học, chịu khó làm việc, khiêm tốn, đứng đắn và chân thành. Tôi buồn, cái buồn vừa có lý trí, vừa có tình cảm, cái buồn đó có sự đúng, sự sai...
Ðêm ấy tôi thao thức, thở dài, thương nhớ Lực. Lực không phải của tôi, nhưng dẫu sao anh vẫn là người cha bí mật của cu Hoài. Càng nghĩ tôi càng thấy rối bời không sao chợp mắt được. Mẹ tôi hình như có linh tính, tự nhiên bà hỏi tôi:
- Thuận, con có thể nói cho bu nghe bố cu Hoài là ai không?
Tôi suy nghĩ hồi lâu mới dám trả lời:
- Con thưa thực với bu, bố cu Hoài là anh Lực mà mai là ngày truy điệu của anh.
Mẹ tôi lặng thinh, đến hơn tiếng sau thấy tôi vẫn chưa ngủ, bà dậy vặn đèn lên cho sáng, bà gọi:
- Cái Thuận, dậy bu bảo.
Lúc này tôi mới thấy lo, vì khi biết đích xác bố cu Hoài bà có thể nổi lòng tự ái, có thể sáng mai bà sẽ bỏ mẹ con tôi ở lại để về quê, lại có thể bà làm ầm lên thì bất tiện. Tôi lo đến không thở nổi, nhưng vẫn phải dậy để nghe bà phán quyết. Bằng một giọng ôn tồn, bà hỏi tôi:
- Con định thế nào trong lễ truy điệu anh Lực?
- Con không đi bu ạ.
- Nghe tao, điều ấy không nên, ở đời chuyện nào ra chuyện ấy, không nên giằng chuyện nọ xọ chuyện kia. Thằng Lực nó hy sinh vì nước, tao cũng thương nó đây (mẹ tôi khóc thật). Một ngày là nghĩa, tao cho phép con về thắp cho nó nén nhang để nó yên nghỉ dưới suối vàng. Phải cho cả cu Hoài đi nữa.
- Nếu bu cho con đi thì con cũng không cho cu Hoài đến đó, bu hiểu cho con.
- Không xử như vậy được con ạ. Xử như thế là trẻ con. Ngay cả bu nếu ngăn cản nó thắp hương cho bố nó là tàn ác lắm, thất đức lắm. Phải cho nó về, dù là chẳng cho ai biết mục đích, nhưng phải để nó thắp nén nhang cho bố nó. Ðược thế, hẳn bố nó ở dưới suối vàng cũng vui lòng. Biết đâu bố nó sẽ phù hộ cho gia đình mình may mắn.
Ðã khuya, mẹ tôi đi nằm, còn tôi thao thức đến sáng. Hôm sau mẹ tôi dậy rất sớm. Bà bảo tôi chờ bà về rồi hãy đi làm, bà đi có việc. Ðợi mãi 7 giờ mới thấy mẹ tôi về mang theo hai chục huệ, ba thẻ nhang. Mẹ tôi bảo: “Hai chục huệ với hai thẻ nhang là của mẹ con mày. Cho bu gởi một thẻ nhang để viếng thằng Lực”. Chiều đó tôi và cu Hoài đến trước. Tôi đi với danh nghĩa là đại diện ủy ban huyện vì hai đồng chí phó chủ tịch khác đi vắng. Tôi và cu Hoài vào nhà Lực, căn nhà mà anh đã từng gắn bó, từng lớn lên ở đây. Thấy tôi mọi người ra đón, trong đó có ông bác anh là thủ trưởng của tôi. Trên bàn thờ có ảnh anh Lực, khói hương nghi ngút, sau lời chia buồn, tôi xin phép được thắp nhang cho anh. Lúc ấy cu Hoài tự nhiên rút ra một băng tang bằng vải đen đeo vào cánh tay phải, thì ra mẹ tôi đã chuẩn bị và dạy nó cách dâng hương, cách lạy. Làm xong thủ tục tự nhiên nó tiến lại bàn thờ hai tay nâng tấm ảnh anh Lực lên, miệng nó mếu máo: “Chú Lực ơi! Hôm đi chú còn hôn cháu cơ mà”. Tôi lặng người. Ông bác anh rút khăn lau nước mắt...
Lễ truy điệu anh Lực được tổ chức trọng thể tại sân đình làng, có tới mấy trăm người dự. Hôm đó tôi được ủy ban phân công đọc điếu văn. Tôi duyệt lại một lần trước khi đến sân đình. Câu cuối cùng của bài điếu văn ghi: “Với tấm lòng thương nhớ vô hạn, chúng tôi xin vĩnh biệt anh”. Tôi ghi thêm vào: “Xin vĩnh biệt anh, xin vĩnh biệt” để nói thêm cho tôi và cho cu Hoài. Tới đó đọc xong bài điếu, tôi thấy hoa mắt lên, tôi lảo đảo đi về hàng ghế quan khách. Sau ngày truy điệu anh Lực, cu Hoài thỉnh thoảng lại hỏi tôi:
- Mẹ ơi! Bao giờ bố về?
Mỗi lần nghe con hỏi, trước cảnh đời éo le, trắc ẩn, tôi rơm rớm nước mắt. tôi bảo cháu:
- Bao giờ giải phóng miền nam thì bố về!

°

° °

Tháng 6-1975 anh Hòa có thư về, cả nhà đều vui, và tháng 8 năm ấy anh được về thăm nhà với quân hàm thiếu tá. Mẹ tôi, tôi và cu Hoài mừng rỡ hết chỗ nói vì thấm thoắt mà chúng tôi xa nhau đã tới hơn 12 năm trời. Những ngày đầu gặp lại, lúc vắng anh tôi khóc. Tôi nói với mẹ tôi:

- Con thực không xứng đáng với anh Hòa, xin bu hãy nói thực với anh, nếu anh chia tay, con cũng không dám phàn nàn gì.
Mẹ tôi an ủi:
- Ðời có éo le thật đấy, nhưng “nước đã đánh phèn, đừng cho bùn lại vẩn lên mấy lần”. Ðời còn dài, hãy ăn ở với nhau cho tốt, bu mong ngoài cu Hoài rồi đây có một hai cháu nữa cho vui. Mày mà lôi thôi là mày giết bu đấy...
Cuối năm ấy chồng tôi chuyển ngành về Sở thương binh xã hội. Chúng tôi sống tiếp những ngày êm thắm và có thêm hai cháu trai nữa. Giữa cuộc sống thanh bình, yên vui của gia đình thì mẹ tôi đột ngột ra đi, để lại một khoảng trống trong gia đình, trong tôi, không thể lấy gì bù đắp.

10-1993


Xem Tiếp: ----