Đọc cái phóng sự ngắn trên báo Công an Nhân dân tháng 5 năm 1999 mà cứ thấy mỗi chữ một rợn. Hay là vì lâu nay đêm hôm không mấy khi tôi ra đường nên mới sinh ra cái sợ thế.
Bài báo cho biết rằng bây giờ tối đến, ở ngoài phố có năm loại người ngủ đường ngủ chợ, thường thấy ở các phố, ở đầu ô và trên mặt đê nhiều nhất. Những nơi trú ngụ ma biến không nhà cửa phần nhiều ở quanh chân cầu, gầm cầu và giữa bãi cỏ, chỗ khuất gió. Đủ thứ lều bạt, cọc, dây căng, dựng lên, sáng ra lại rỡ đi từ lúc chưa tường mặt người. Hạng sang có màn, chiếu hoặc giường gấp giá thuê cao nhất đến bốn nghìn. Tuy vậy hạng nào cũng chỉ như nhau, khách tự do “ba xoa, hai đập” - nghĩa là ngồi đập chân mấy cái rồi lăn ra ngủ và sáng ra đưa tay lên xoa mặt, như con mèo giơ chân rủa mặt khan.
Có hai loại ngủ đường nay đây mai đó, mà số phận mỗi đêm cứ may rủi không như nhau, một cái màn tã, buộc hai múi dây vào mép cửa sắt nhà nào đấy. Sáng sớm, chủ nhà mở khoá trong - có khi chủ nhà ở đâu đến, mở khoá ngoài thấy người lục đục trong màn, thế là đuổi đánh túi bụi. Nhưng cũng có khi gặp vận đỏ, người ta mở cửa lại giúi cho năm trăm một nghìn “công canh cửa đêm hôm”. Lãi quá. Còn ngủ xó tường, những người bạ đâu nằm đấy, chẳng bận đến ai, mặc mưa mặc rét, thì chớ thấy ở đầu ô Kim Mã có một nhà trọ hẳn hoi, nhưng mà loại này lộn xộn yêu tinh nhất. Khách có đấy là mấy chục đàn ông, đàn bà ngủ chung. Hai hàng chiếu trải dọc nhà, hai ngọn đèn trên trần sáng suốt đêm. Mọi người nằm úp thìa, đầu đàn ông đầu đàn bà chổng ngược nhau, chân hai bên thò ra mép chiếu đằng kia.
Cũng theo bài báo viết, mỗi ngày bây giờ có chừng hai ba trăm nghìn người lang thang các nơi vào thành phố kiếm ăn. Như vậy, cũng độ ngần ấy người ăn ngủ quờ quạng trong bóng đêm ma quái ấy. Lão ấy tò mò đến các quán trọ đầu ô Kim Mã. Thành phố vừa lên đèn, lão lò dò đi. Cái nhà trọ đàn ông và đàn bà nằm chổng đầu vào nhau ở đầu ô hỏi một cái người ta chỉ cho ngay.
Mới chặp tối chưa mấy người về, lão chưa trông thấy cái cảnh nằm ngổn ngang xuôi ngược như trong bài báo đã viết. Nhưng hai hàng chiếu đã trải, và trong ánh đèn điện lù mù muỗi bâu đã có những người trông nhá nhem chẳng biết đàn ông hay đàn bà, từng bọn ngồi thì thào rì rầm. Một người đàn ông cởi trần ngồi ngay ngoài, cửa. Hắn gầy móp, hai cánh tay như hai ống sậy. Nhưng tiếng hắn quát rất to:
- Thằng già kia, đi đâu?
- Tôi.., tôi...
- Chích.., choác... hả? Có muốn chết không? Cút ngay
Hắn xô đến, đẩy hắt lão ra cửa.
Năm trước, tôi có dịp đến thành phố Quảng Châu. Quảng Châu có sáu triệu dân, đông hơn Hà Nội nhiều, cũng là thành phố đương phát triển. Cũng tương tự Hà Nội, số người đến thành phố tìm việc nhiều nhất là người lao động ở quanh vùng các làng quê ra. Thế mà trên đường không thấy đâu có chợ người như ở các đầu ô thành phố ta.
Tôi hỏi:
- Quảng Châu giải quyết vấn đề người trong làng ra thành phố tìm việc thế nào?
Trả lời:
- Chúng tôi có kế hoạch về làng lấy người. Tất nhiên có đủ loại người, loại việc phức tạp, việc tự do ra thành phố.
Tôi đã trông thấy thế và nghe nói thế ở Quảng Châu, xin kể lại.
Nguồn: Cái áo tế (Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)
(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)

Xem Tiếp: ----