Bây giờ sang Bắc xuống Phòng hay lên Sơn, bên đường chốc lại thấy trong cánh đồng có một cái đầm nước có hàng rào lũy tre.Quanh bờ, lác đác những túp lều, như lều kéo cá, nhưng không có gọng vó. Những cái lều con con như thế người ta gọi đùa mà thật là lều câu cá ôm. Tức là tay đôi nào đến thuê lều cáu cá, thuê cả cần câu và mồi cẩn thận rồi dắt nhau trèo lên lều, làm những gì trong ấy không biết, cũng chẳng thấy cái đầu cần câu nào thò ra.Quanh thành phố bây giờ mới có cái thú thư giãn câu ôm, lều ôm, chứ đã mấy năm trước tôi lên chơi Suối Hai xem vườn cò ở Ngọc Nhị. Vào trong đồi tre, đồi vầu đến những chỗ rậm cây cò đậu cò bay xào xạc, cũng thấy những túp lều lợp lá cọ lấp ló cao cao. Chòi canh cò hay chòi đuổi dơi, không phải, mà chẳng hỏi chủ vườn cũng biết ngay ở chỗ khuất khuất vắng vắng ấy là cái chòi người ôm người xem cò. Và chủ nhật, thanh niên đi chơi thắng cảnh Sơn Tây, ngủ đêm lại ở Suối Hai, ở Ao Vua đông vui lắm, ở Kim Bôi trên Hoà Bình và cả ngoài đảo Cát Bà xa xôi những đám trai gái thành phố múa hát và ngủ với nhau bên rừng như thế.Cũng là thú giải trí mới cho người đô thị đến với cỏ cây sông nước.Thương những đứa trẻ thành phố bây giờ, con dê lại bảo là con bò, gà trống gà mái tất tật đều là con gà. Quanh năm chúng nó chỉ trông thấy con kiến, con gián, con thạch sùng và con chuột. Và sợ con chuột lắm. Một hôm, có con chuột dưới cống chui lên phòng trên gác. Cả bố nó cũng hãi chuột. Bố nó đóng cửa buồng rồi ra thuê bác chữa xe đạp ở đầu phố vào đánh. Lũ trẻ ngồi ngoài cửa nghe ngóng, hồi hộp, đến lúc bác ấy xách đuôi con chuột ra, chúng nó ôm mặt không dám nhìn.Đến chỗ đầm cá, hỏi những cây bạch đàn, cây nhãn, cây xoan, cây hoa hồng bụt, chẳng đứa nào biết là cây gì cả. Chỉ nhớ có cây dừa vì đã trông thấy cây dừa ở tranh truyện Tấm Cám - cô Tấm trèo cau bị mẹ Cám chặt đổ, thì cây cau cũng lưa thưa cao lêu đêu như cây dừa ở bờ đầm này. Và vườn có đầm câu cá, trẻ con gọi cái đầm là cái hồ vì từ thuở bé chỉ trông thấy cái hồ Tây, cái hồ Gươm mà cũng chỉ thỉnh thoảng mới thấy.Đi câu, chúng tôi đi cả nhà. Xe máy người nọ đèo người kia. Ông cháu, con cái đến hơn chục mống. Những nơi câu cá có cây và đầm rộng đi cũng xa, cách cầu Chương Dương hay Cầu Giấy có đến hơn hai mươi cây số. Và là nơi câu cá thật. Nhưng tò mò và để ý cũng thấy thấp thoáng có những lều con con ở đằng cuối khuất trong giàn mướp bụi trâm bầu. Thời buổi lắm chụp giật này, đâu cũng mở “nhà nghỉ”, đâu cũng có nhà ngủ, phải nhanh nhẹn lên, một vốn bốn lời, ai mà chịu bỏ. Những cái nhà sàn tre nứa ba gian, chân tre đứng trên mật nước. Có thể một người mấy người chung cũng được. Chúng tôi thuê cả ba gian nhà thảnh thơi, trẻ con câu người lớn đi dạo, nằm khểnh. Tôi thì ngồi uống bia, nhìn sang mấy cái nhà sàn lơ thơ cái kín cái hở ở bờ đầu bên kia. Đông người lắm, cũng cắm hờ cái cần câu ngoài đầu sàn, nhưng không có ai ngồi câu. Trong nhà người ta đương xúm xít sát phạt nhau. Không biết tá lả hay xóc đĩa.Trẻ con nhà tôi thuê mấy cái cần câu, chủ đầm đến móc mồi rồi ném một nắm thính xuống mặt nước nhử cá. Nhưng có lẽ cá cũng biết khinh trẻ con, cái phao nhấp nháy, giật lên thấy mất mồi. Chỉ có cá mài mại, thờn bơn đến rỉa. Có một ông ngồi câu đằng kia, bên gốc dừa. Ông không thuê lều, không giả vờ chõ cần câu trên sàn ra. Ông ngồi trong bóng cây, ông có đủ đồ câu mà đồ lề sang trọng vẻ nhà nghề lắm. Xe máy dựng bên. Cái ghế gấp. Cái túi mồi. Chiếc cần câu Nhật nuột nà vàng xẫm, nhiều đốt không biết đốt trúc thật hay chất dẻo, từng khấc đánh đai vòng kền. Cái cần câu sặc sỡ như cái gậy trẻ con treo bùa túi chỉ ngũ sắc mùng năm tháng năm tết sâu bọ sắp tới. Nghe nói cái cần câu Nhật này đắt lắm, những hơn một triệu bạc. Ông hút thuốc lá, ngồi chỉnh chệ, ung dung, ông đội mũ vải chốc lại giựt được cá, cá to. Những con trắm cỏ phàm ăn ngoạm mồi rồi lôi miết phao. Mặc dầu chốc nữa ra về, cả cái túi cá câu được nhà chủ đầm đều nhấc đặt lên cân. Bởi vì cá đầm của người ta nuôi. Ông phải trả tiền chỗ cá ông vừa câu được Không sao mất tiền mà được cái vui câu được cá. Tôi cắt nghĩa với lũ trẻ con là ông ấy sát cá. Có người sát cá, có người vô duyên với cá. Ngày trước, ở trong làng, tao đi câu cả buổi may ra mới giựt được con cá rô ranh. Tao không sát cá. Tôi nghĩ loăng quăng, những con cá trắm cỏ ông kia câu được, chúng nó toi mạng cũng vì mê cái cần câu Nhật chăng. Tôi lại nhớ năm trước nhà thơ Thợ Rèn cũng hay đi câu ở hồ Thiều Quang. Ông nhà thơ ấy hao hao giống ông này, ông nhà thơ trào phúng đội mũ phớt, đeo kính râm, đi giầy vải cái quần soóc có bít tất lửng đủ lịch sự che khéo đôi cẳng ống sậy. Ông cầm cái cần câu Tây, cái cần câu Tây mua bên Paris chứ không phải cái cần câu mảnh tre vót nhà quê ta. Tôi không còn nhớ cái cần câu Tây và bút danh ông ấy là công nhân rèn, chẳng biết những con cá trắm cá chép trong hồ có nể ông, có mê cái cần câu hiên ngang, ông Thợ Rèn có câu được nhiều cá, ông có sát cá như cái ông ngồi dưới gốc dừa kia không. Để hôm nào tôi phải hỏi lại.Bọn trẻ nhà tôi câu chán rồi đùa chán rồi lăn ra ngủ. Đã lâu, bữa trưa hôm ấy mới được bữa ăn ngon miệng. Nhà chủ đầm bưng lên cái mâm đồng cổ kính. Chai rượu gạo Mễ Trì, đậm giọng và say êm. Mấy món cá rán, canh cá thơm thơm không xệt xệt mùi mỡ ôi của các của hàng đặc sản trong thành phố, ngửi đã lợm giọng. Và các khúc cá trong đầm không dầy u lên và nát nhẽo như cá chuối, cá trắm nuôi trong bể.(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)