Đi chợ, đi ăn phải chọn, phải mặc cả, hỗ giá cao chỗ giá thấp, người mua lúc nào cũng lo bị hớ, người bán thì lúc nào cũng thề bồi, cha chết mẹ chết con chết, ngày nào cũng làm con chó ăn cứt nếu nói điêu, nếu gian dối, trong khi đương nói điêu, đương gian dối. Ấy là quang cảnh chợ búa hôm xưa và hôm nay vẫn thế.
Ai còn nhớ trên dốc Hàng Than ngày trước chỉ có một cửa hiệu bánh cốm Nguyên Ninh, các làng cũ quanh Hàng Than cũng không có nghề gia truyền về bánh cốm. Ấy thế mà bây giờ thì không những ở dốc Hàng Than mà còn ở nhiều phố cũng quảng cáo “Bánh cốm gia truyền dốc Hàng Than”. Tên hiệu hai chữ thế nào cũng nhái chữ Nguyên hay chữ Ninh hay cả hai chữ, nhưng nhập nhằng là Nguyên Ninh mà nào bánh cốm có ra làm sao. Cái hộp thì in giả lạt đỏ buộc, miếng bánh bọc giấy bóng, còn bánh thì các cụ bĩu môi: “Mỏng như cái lưỡi mèo”.
Cái nghề làm chả cá ở phố Hàng Sơn gốc của nhà họ Đoàn, sách báo đã nói rõ nhà ấy, chỉ có nhà ấy, có lẽ vì thế mà không ai lộn sòng, xưng mấy đời chả cá. Nhưng chẳng qua cũng bởi bán món tươi sống, nhỡ ế đôi ba hôm thì lỗ vốn chết không kịp ngáp, nếu dễ dàng hơn chắc người ta cũng dễ dàng nhái lắm. Lại còn không có cũng bịa ra, ấy là cái phở “gia truyền Nam Định”. Cái nhà phở Thìn Bờ Hồ cũng thường thôi. Thế mà lắm nơi treo bảng “Phở Thìn Bờ Hồ”. Thật ra ông phở Thìn được tiếng phở chỉ vì cái hồi ấy máy bay Mỹ hay đến giội bom Hà Nội (ông chủ quán chim quay Tiểu Lạc Viên nửa đêm nghe bom ném cầu Long Biên, ông đứt mạch máu não). Người chơi khuya không tìm đâu ra được bát phở ăn đêm, chỉ có quán ông Thìn dám bán phở quá 12 giờ đêm. Có khi đương ăn phải bưng cả bát phở chạy sang bên Bờ Hồ đứng trong hố cá nhân ăn nốt. Tôi cũng đã là người ham ăn, nhiều đêm phải ăn chạy bom ở hàng ông Thìn, trong khi ban chiều máy bay ném bom bi cả xuống cây đa đền Bà Kiệu.
Bánh cốm nhái chữ Ninh, chữ Nguyên, bánh đậu xanh có chữ Hương ở Hải Dương, lại phải kể đến nhái nhãn hiệu nước khoáng. Có hồi, nước khoáng Lavie (La vie, tiếng Pháp: sự sống), thấy nhan nhản nước khoáng La ville (La ville, tiếng Pháp: thành phố) thật vô nghĩa. Nhưng lại còn vô nghĩa và dã man đến độ nhái bạt mạng: La viol (viol, tiếng Pháp: cưỡng dâm). Cái nước khoáng Viol chỉ thấy lập lờ một dạo rồi biến. Chắc có người chửi thằng ăn cắp dốt và liều quá.
Chỉ có làm giả bột ngọt Azimoto, rượu vang Boócđô thì bị phạt và ra toà, còn pháp luật chưa để mắt tới nhái, trong khi nhái cũng là hàng giả. Lại cái bánh dầy Quán Gánh, lại cái tương Bần. Có phải cả vùng Quán Gánh làm bánh dầy đâu. Ngày trước, bánh dầy nhân đậu Quán Gánh ngon thật. Nhưng chỉ có mỗi một bà hàng nước vối ngồi ở Quán Gánh làm bánh dầy bán kèm với trứng vịt luộc.
Bây giờ ven quốc lộ qua Quán Gánh dài dài có đến trên hàng cây số treo bảng “Bánh dầy Quán Gánh”. Bánh dầy xếp la liệt, cao có ngọn mà tuyệt nhiên không thấy khách ngồi ăn bánh dầy uống nước vối như ngày xưa.
Bởi vì bánh dầy bày bán cho khách qua đường ngày nay không phải khách bộ hành, không phải là ông hay tôi đi xe đạp, xe máy qua mà là các xe chở khách, xe vận tải Bắc Nam đỗ xuống mua. Khách phía Nam rời thủ đô muốn mua cái gì đặc sản Hà Nội đem đi. Không phải cái báu ngọc gì đâu, mà chỉ là những vặt vãnh mà trong kia hiếm không có, như quả sấu, gói ô mai mơ, thì bánh dầy Quán Gánh cũng là một món quà thời thượng. Chỉ có khách xa quý Hà Nội lắm mới tải đi cả phố bánh dầy thế được.
Cái tương Bần đựng vào những can xăng vàng choé - vùng Bần có tiếng tương ngon, nhưng cũng không bao giờ có cả phố bán tương Bần như bây giờ. Ngày trước, cả Hà Nội chỉ có một nhà bán tương Cự Đà ở vùng phố cổ. Các ông các bà hàng quán ấy mà có đôi chút lương tâm thì may ra còn được ăn tương tử tế, nếu không thì chỉ gặp những thủ đoạn chợ búa bất nhân. Cũng dễ lắm, bởi vì khách mua tương rồi đem đi xa cả mấy ngày đường. Lại là khuất mắt mà.
Bất giác, nhớ một chuyện đểu. Hồi ấy, các ga xe lửa còn cho hàng quà các thức bán lên tàu và đi quanh hai bên cửa sổ. Toa ăn của tàu thì nhà tàu chơi ác, cho mọc ngay sau cái đầu máy, lặn lội trèo qua hàng chục toa người mới lên tới toa ăn thật rắc rối, khó nhọc. Nhiều hành khách cũng như tôi, đành với tay ra cửa sổ, mua cái bánh chưng, bánh dầy thế cũng xong bừa.
Chỗ ấy quãng qua ga Đồng Vân. Tôi với tay ra cửa sổ, mua cái bánh trưng. Tàu chạy, bóc bánh ăn, ở trong là một cục đất sét. Cục đất nặn cũng nong nóng như vừa mới vớt ở nồi ra. Từ cái bánh chưng, bánh dầy, lọ tương, lọ nước khoáng cỏn con đến những chuyện to dự án B, dự án C và những công trình lớn thì thế nào, có ăn cắp, có làm giả không, có chứ, bởi nó cũng là dây dợ họ hàng của những kẻ mua người bán ngoài chợ quen ăn không nói có và cái thói thề bồi xoen xoét đương xảy ra.
(Chữ nhái, tôi vẫn cho là một tiếng thường dùng ở phía Nam. Nhưng tra Tự vị tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sến không có. Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân thì viết: Nhái: bắt chước, nhái mẫu hàng, nhái một thứ hàng. Bạn nào biết gốc tích rõ hơn, xin trao đổi).

Xem Tiếp: ----