Có phải, tất cả mọi sự thay đổi đã đến quá sức đột ngột làm Nguyên choáng váng? Hằng ngày mỗi lần Nguyên đi học về thì con chó mực cũng đều nhảy ra chào đón một cách vồ vập. Hai chân trước sà vào lòng anh với cái đầu nghếch lên một cách mừng rỡ, còn cái đuôi của nó xoắn tít lại trông thật vui. Nhưng trưa nay, khi con chó mực nhảy ra chào đón thì anh cảm thấy nó dễ ghét một cách lạ lùng. Ai đời, đã là chó mà còn lại nhảy nhót một cách... ngả ngớn đến thế? Đã thế, nó lại còn kêu "gừ gừ" nữa chứ! Nguyên nỗi cáu. Anh tung chân đạp nó một cái thật mạnh vào mạng sườn. Nó kêu lên "ẳng ẳng" một cách kinh ngạc rồi chuồn thẳng vào xó bếp. Nguyên mệt mỏi bước vào nhà. Nhỏ Dung - em gái của Nguyên đâu cần biết điều đó, nó chu môi hỏi một cách trịch thượng: - Anh Nguyên! Ai cho phép anh đá con chó một cách thô bạo như vậy? Anh lườm mắt: - Cái gì mà thô bạo? - Anh làm cái gì thì anh biết đấy! Biết cái gì bây giờ! Nhỏ này xí xọn quá! Anh không thèm trả lời, chỉ lẳng lặng đặt sách vở vào hộc bàn cho yên chuyện. Nhưng nhỏ Dung cũng không vừa: - Anh Nguyên nè! Cô giáo dạy là chúng ta hãy yêu thương súc vật. Không được đánh nó. Vì nó là... Không để cho em gái mình nói hết câu, Nguyên đã quay lại: - Là cái quái gì? Mày định "lên lớp" tao nữa à? Cứ láu mồm láu mép là giỏi. Tao cú một cái lủng sọ bây giờ! Nghe Nguyên dọa như thế, nhỏ Dung im re. Như để chọc tức anh, nó bèn mở miệng hát ư ử mà anh nghe rất ngứa tai: "Kìa con bướm vàng, kìa con bướm vàng! Xòe đôi cánh, xòe đôi cánh. Bươm bướm bay lên trời. Bươm bướm bay lên trời. Em ngồi xem. Em ngồi xem là lá la...". Nó cố tình hát câu cuối cùng thật nhiều lần như ngụ ý một điều gì đó chăng? Nguyên cáu: - Em ngồi xem. Ngồi xem cái gì mà mày ngồi xem hoài vậy? - Bộ em ngồi nhìn anh không được à? Nghe trả lời như vậy, Nguyên muốn bước đến cú đứa em gái một cái thật đau cho bỏ ghét, nhưng anh không dám. Anh bèn trả lơì một cách đầy độ lượng: - Ừ! Cho mày ngồi đó mà nhìn! Nói xong anh bèn leo lên giường nằm ngủ. Cơn mệt mỏi và cơn đói bụng của buổi trưa đi học về đã dỗ giấc ngủ đến ngon lành. Lúc này, mẹ anh đang nấu nương ở dưới bếp. Mùi thơm của sự xào nấu thơm phức bay lẫn vào trong giấc ngủ của Nguyên. Đang nằm chập chờn như vậy thì anh nghe có tiếng gọi: - Nguyên đâu rồi! Tối qua nó làm gì mà leo vô nhà người ta thế? Đúng là giọng của ba anh. Ba là người rất nghiêm khắc. Ít khi tâm sự với con cái. Chỉ những lúc có chuyện quan trọng lắm thì mới hỏi han mà thôi. Nguyên cảm thấy nỗi sợ hãi chạy dọc theo... mông! E hè! Không khéo thì cái mông này bị ăn chổi lông gà như chơi! Ba anh hỏi: Tối hôm qua mày làm gì mà leo vào nhà của ông Tư Bông? Mày đi ăn trộm à? Nghe nói đến chữ "ăn trộm" anh hoảng quá nằm im thin thít. Khổ quá!! Sao đêm qua anh lại làm một chuyện "động trời" như thế chứ? Vì động lực thúc đẩy của tình yêu chăng? Nếu chúa Jesus là người đầu tiên tử vì đạo thì anh là kẻ tử vì... liều lĩnh. Nói xong, ba anh bước đến giường, ông kéo tay Nguyên dậy: - Sao vậy con? Nghe giọng nói đầy quyền lực như thế, anh lại càng sợ. Co chân lại anh bị chui tọt vào trong mền và trùm đến kín mít lại. Trong sự mơ hồ của âm thanh ấy anh nghe bước chân của ba anh bước đi dần. Khi ba anh đã đi xa dần thì anh lại nghe một tiếng chân khác bước đến. Tiếng chân bình bịch này có lẽ là của ông Tám công an. À! Khi công an mà đến nhà thì hẳn có chuyện phiền toái lắm đây! Đứng bên cạnh giường anh, ông Tám hỏi một cách rành rọt: - Đêm qua con leo vào nhà của ông Tư Bông làm gì? Con kể lại cho ông Tám nghe chơi! Trong giọng nói ấy không hề gợn lên một chút răn đe nào cả. Nguyên cảm thấy yên lòng. Nhưng không hiểu sao anh lại nằm im re. Anh lại nghe ông Tám nói tiếp: - Nếu con không kể ông Tám nghe thì con viết bản tường trình cho ông Tám nghen! Nghe đến việc phải viết bản tường trình nộp cho công an thì Nguyên thấy tim mình thắt lại. Anh bật lên khóc rưng rức. Cũng ngay lúc đó, ai đó đã kéo tay anh: - Thôi dậy mau đi ông tướng. Dậy ăn cơm trưa mau! Ủa! Mẹ anh đã gọi anh đây mà. Anh dụi mắt. Mắt ráo hoảnh. Không lẽ anh mới vừa chiêm bao chăng. Sướng thật! Chỉ là chiêm bao thôi. Ước gì khi gặp những chuyện phiền toái trong cuộc đời này - thì trong phút chốc - nó cũng qua đi như một cơn ác mộng mà thôi. Mùi cá chiên giòn thật hấp dẫn. Dĩa rau muống luộc thật xanh. Lại còn thêm một dĩa thịt heo luộc nữa chứ! Toàn là những món ăn khoái khẩu cả. Anh em Nguyên lễ phép nói: - Con mời ba mẹ ăn cơm ạ! Ba của anh không nói gì cả. Chính thái độ im lặng của ông đã làm Nguyên cảm thấy chột dạ. Hay là ba đang bực bội về chuyện của mình? Chắc vậy quá! Chứ bình thường mỗi lần trong bữa cơm, ba rất vui. Ba nói chuyện với mẹ. Ba gắp thức ăn cho Dung. Nguyên đang phân vân suy nghĩ như vậy thì ba anh nói: - Dạo này con học hành thế nào? Anh đáp: - Dạ, cũng bình thường. - Các môn học có trên điểm trung bình không? Nguyên chưa kịp trả lời thì Dung xen vào: - Ba ơi! Lúc nãy con thấy anh Nguyên đi học về ảnh co chân đạp vào bụng con chó mực. Nó kêu ẳng ẳng tội nghiệp lắm. Ba gắt lời: - Con Dung như vậy là hỗn. Ba đang hỏi chuyện với anh Nguyên mà con xen vào là không được. Nói như vậy là "nói leo". Con bỏ đi nhé! - Dạ! Tiếng "dạ" nhỏ nhẹ của đứa em gái mình đã làm Nguyên cảm thấy hả dạ. Cho nó bỏ cái tật "nói leo" của đứa con gái xí xọn này. Ba anh nhắc nhở: - Còn về phần Nguyên, ba không muốn con đánh con mực. Nó trông nhà cửa cho mình, con đánh nó làm gì? Ba hỏi này: dạo nầy con học hành ra sao? Từng câu hỏi của ba đã làm anh cảm thấy cọng rau muống dai nhách - chứ không còn giòn tan béo bổ nữa. Hay là ông đã nghe ông Tư Bông thông báo về chuyện lá thư anh để trên giò Phong Lan? Anh ấp úng: - Dạ! Môn nào con cũng đạt trên điểm trung bình cả. - Ừ! Con cố gắng học cho giỏi. Năm sau thi vào đại học rồi. Cố gắng mà học cho giỏi chứ yêu với đương là "trượt vỏ chuối" đó nghe Nguyên! Câu nói vui của ba đã làm mọi người cười phá lên. Lúc này mẹ anh mới góp chuyện: - "Trợt vỏ chuối" là còn đỡ, chứ "đậu phải cành mềm" thì hỏng bét. Nhỏ Dung hỏi mẹ: - "Đậu phải cành mềm: là sao hở mẹ? Mẹ cười: - Con cò mà đi ăn đêm. Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao! Anh Nguyên của con mà không chịu học thì khi đi thi cũng đậu - mà "đậu phải cành mềm". Con hiểu chưa? Nhỏ Dung bật cười khanh khách: - Dạ, hiểu ạ! Nguyên cảm thấy mắc cỡ: - Mẹ nói vậy thôi, chứ sức mấy mà con "lộn cổ xuống ao" được. Con học cừ lắm chứ bộ! Nhỏ Dung hỏi lại ngay: - Anh nói anh học cừ lắm. Chứ em đố anh con cá chiên này là cá gì? Là cá gì? Có trời mới biết. Đang nói chuyện học hành lại nhảy qua chuyện cá. Đúng là con nhỏ này xí xọn quá! Anh đáp bừa: - Cá trê! - Trật! - Cá Thu! Anh gắt: - Vậy cá gì? Đứa em gái của anh đáp thật gọn: - Em không biết! Mẹ anh nói: - Ăn cá này đến mòn răng rồi mà con cũng không biết. Cá này là cá hồng con ạ! - Chà! Cá mà cũng có loại cá hồng, tên nó hay thiệt mẹ hở! Nhỏ Dung reo lên như thế. Mẹ anh vừa gắp miếng cá vừa nói: - No lòng phỉ dạ là con cá cơm. Không ướp mà thơm là con cá ngát. Liệng bay thấp thoángg là con cá chim. Hụt cẳng chết chìm là con cá đuối... Rồi sao nữa? Ba thằng Nguyên còn nhớ không? Ba trầm ngâm: - Rồi sao nữa nhỉ! À, ba nhớ rồi. Lớn năm nhiều tuổi là cá bạc đầu. Đủ lứa xứng đôi là con cá đối. Nở mai tàn tối là cá vá vai. Trắng muốt béo dai là cá út thịt... Hai anh em Nguyên chống đũa ngồi nghe một cách say mê. Chợt mẹ reo lên: - À nhớ rồi! Ốm lưng hẹp kích là cá lòng tong. Ốm yếu hình dong là con cá nhái. Thiệt như lời vái là con cá linh... Nhỏ Dung buột miệng khen: - Bài vè của mẹ hay quá! Chút xíu nữa ăn cơm xong, mẹ đọc lại cho con chép vào vở nghen mẹ! - Ừ! Ăn cơm rồi đi ngủ trưa! Anh em Nguyên ngoan ngoãn nghe lời của mẹ. Trước khi rời bàn ăn ba Nguyên nói: - Trưa nay, sau khi ngủ dậy con đem vở cho ba xem nhé! Trời ơi! Ba của anh lạ quá! Anh đã bắt đầu vào học lớp 12 rồi chứ còn nhỏ nhẹo gì nữa đâu, thế mà ba anh vẫn còn kiểm tra bài vở? Hay sự việc của đêm hôm qua đã đến tai ba? Chán thật. Nguyên buông đũa đứng dậy. Mẹ anh và nhỏ Dung loay hoay dọn dẹp chén đũa. Lâu nay anh vẫn từng nghĩ rằng, hạnh phúc nhất của đời người chính là những bữa cơm có có đầy đủ ba mẹ. Đau khổ nhất là bất cứ ai thui thủi ngồi ăn một mình ở xó chợ đầu đường. Liệu việc làm của anh có bị công an bắt không? Lúc đó ngồi ăn một mình thì buồn biết chừng nào? Chán thật! Thay vì đi ngủ trưa như mọi ngày thì anh ra ngồi ngoài bàn học. Anh thu xếp lại bài vở để chiều nay "trình diện" với ba, trong vỡ những lá thư tình đang viết dỡ dang liền bị anh xé bỏ không thương tiếc. Nơi nào có ghi chữ "Kim" anh bôi xóa không nương tay. Chao ôi muôn sự phiền toái này cũng từ cái miệng của thằng Quân mà ra thôi. Hắn bày ra cái trò viết thư tình để làm cái quái gì? Mà kẻ đau khổ không phải ai khác mà chính là anh. Anh thở dài. Kim ơi! Có thông cảm cho tôi không?