1-
Ông ấy
Lật trang sách mới mua về, bài thơ đầu tiên tôi đọc được thật quá hay. Hay vì nó nói đúng tâm trạng buồn hiu của tôi trong lúc này. Tôi lặng lẽ ngồi ôm sách, ngậm ngùi rơi lệ. Lại mở ra đọc thêm một lần nữa,
Love Me Now
If you are ever going to love
Love me now while I can know
The sweet and tender feeling
Which from true affection flow
Love me now while I am living
Do not wait until I am gone
And have it chiseled in marble
Sweet words on ice-cold stone
(Robert Paul Moreno)
(Hãy Yêu Thương Tôi Ngay Bây Giờ
Nếu các người hay nói đến yêu thương
Xin yêu thương tôi ngay từ bây giờ
Khi tôi còn tỉnh biết
Cảm nhận những dịu dàng trìu mến
Đến từ nguồn kính yêu thật lòng
Nhé các con!
Xin hãy yêu thương ta
Khi ta đang tại thế
Chớ chờ khi ta về
Về nơi cát bụi
Trên mộ bia cẩm thạch kia
Ngươi khắc ghi lời gào thương
Thống thiết
Ôi phiến đá nghìn năm
Lạnh căm căm
Nào có cảm giác gì...
(hkkm )
Cơn suyễn hành tôi suốt đêm. Người vợ mới nằm bên cạnh đã ngủ sau những giờ loay hoay chăm sóc tôi. Có lẽ nàng rất mệt mỏi nên không còn nghe được những trăn trở của chồng. Mới ngày nào hai tôi còn là người xa lạ, người phương nam kẻ phương đoài. Thế rồi trời xui đất khiến làm sao để chúng tôi trở thành người đầu gối tay ấp, khi tôi đã luống tuổi, còn nàng thì vẫn đang thời hương sắc.
Tôi không có điều chi trách vợ, bởi lẽ người đàn bà này vẫn là người đàn bà rất Việt Nam, cam phận khi đã lập gia đình. Hằng ngày bà ấy rất bộn bề vì ngôi nhà của tôi vắng bàn tay người nữ đã lâu nên không được ngăn nắp. Nhưng bận gì thì bận, nàng vẫn không quên sắc thuốc nấu cơm giặt áo, vừa nuôi tôi no đủ về miếng ăn thức uống, vừa bồi bổ tôi với những tiếng cười vui như tết. Người ta chẳng nói thế là gì, một trận cười hơn trăm thuốc bổ! nên ai gặp tôi sau này cũng đều khen là tôi trẻ và khoẻ hẳn ra...
”Ơ sao đêm khuya rồi lại không ngủ?”
Nàng trở giấc, trách móc, rồi lại bước xuống giường đi ra bếp. Ít phút sau nàng quay lại với chai thuốc gừng trên tay. Nàng nâng tôi ngồi lên để nước gừng thấm vào cổ từng giọt, từng giọt. Vẫn là cái giọng hay bông đùa ấy, nàng nói,
” Này, gừng cay muối mặn, anh có nhớ là cái gì không?”
”Là thuốc nam trị suyễn rất hay. Từ ngày uống thuốc này đều đặn, bệnh anh đã đỡ nhiều hơn trước...”
Nàng ậm ừ,
”Chắc chắn thế rồi. Nhưng mà tiếng Việt, họ nói “gừng cay muối mặn” có ý khác cơ...”
Tôi ôm choàng người đàn bà này vào lòng. Vâng, gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau. Làm sao tôi có thể bỏ em, một cách nào đó, để ra đi. Tôi vẫn còn đủ sức sống với em, hy vọng thêm mươi năm nữa, gánh bớt cho em những đoạn trường mà em đã trải qua.
Tôi vẫn thường nghĩ thế với một hảo ý. Nhưng liệu tôi có cản được những mưa gió phũ phàng đang vây quanh nàng hay không?
Ai bảo rằng làm đàn ông thì không được khóc?
Phải, khi trực diện với người với đời, hay khi đối đầu với những hiểm nguy, người đàn ông nên hùng dũng hiên ngang. Nhưng trong đêm khuya chỉ còn riêng ta, ai cấm được lòng mình rơi lệ trước nghịch cảnh?
Tôi thương người vợ này quá. Bên tôi chỉ có nàng. Tấm lòng héo hon này, một chút lửa ấm còn sót lại này, không cho nàng thì cho ai?
Người vợ năm xưa của tôi đã ra người thiên cổ. Các con tôi chúng đều có gia đình không còn ngó ngàng gì đến tôi. Họ đã bỏ tôi rất trơ trọi trên thế gian này...
2-
Ma ấy
Làm sao tôi có thể về một thế giới khác một cách nhẹ nhàng khi lòng trần của tôi vẫn còn rất nặng nợ?
Tôi chết đã được mười tám tháng. Ngày đám tang tôi, người ta khóc ghê lắm. Nhất là cái lão già chết tiệt kia, lão bù lu bù loa, sau đó lão không đưa tôi vào đất để cát bụi trở về cát bụi, lại vớ vẩn ướp xác để tôi nằm tênh hênh thế kia!
Đất nghĩa địa thật heo hút lạnh lẽo. Hằng đêm bọn ma lâu năm ở đây lại hay ăn hiếp lũ ma mới như tôi. Eo ơi sợ lắm cơ! Tôi hét rã cổ cho lão già và lũ con tôi biết, cầu mong họ đưa tôi vào lòng đất hay thiêu xác tôi đi càng nhanh càng tốt. Nhưng chả ai nghe được lời tôi. Eo ơi sợ lắm cơ! nói dại nếu có hồn ma sừng sỏ nào mượn xác tôi đi đây đi đó... Eo ơi, sợ lắm cơ!
Lão già không sống nổi một mình. Tôi biết rõ thế khi còn làm vợ lão trên trần gian. Tội nghiệp, trong bốn năm tôi nằm liệt giường, một tay lão tận tụy săn sóc tôi ngày đêm. Bọn con ngoài miệng ranh mãnh, láu lỉnh nói thương yêu tôi, nhưng năm thì mười họa chúng ghé qua hỏi thăm vài câu lấy lệ, rồi lại lấy cớ này cớ nọ để chuồn thật nhanh. Giận lắm cơ! mẹ đau nằm đó chúng chẳng cần biết, lại đem bạn bè về nhậu nhẹt tưng bừng. Tôi nằm trên giường bệnh, ước được chết phứt đi để khỏi thấy cảnh chướng tai gai mắt...
Ước sao được vậy! Tôi nhắm mắt lìa đời để lại lão già bơ vơ.
Sau cái chết của tôi, người lão như cây héo tàn. Bệnh này bệnh nọ hành xác lão ngày đêm. Cũng lạ, các con tôi thì đông mà chả có đứa nào ngỏ ý đem lão về nuôi. Một mình lão lui cui tối lửa tắt đèn. Một mình lão như cây đèn bão heo hắt trước gió...
...
Ngày thuộc người sống, đêm là thế giới của người chết.
Âm là khí lạnh, là đêm đen tĩnh mịch, là hồn ma bóng quế vất vưởng trong cõi ta bà, có như không, không như có. Là đến rồi biến khi trời rạng sáng.
Tôi tuy đã chết, nhưng quan tài không bám đất, thân chưa rữa nhụy chưa tàn. Tôi chết lúc mùa xuân đang qua tháng hạ, nắng nóng ươm da, lũ côn trùng khô nước chui vào hòm tha hồ rỉa rói. Tôi đau tôi nhức nào ai biết nào ai hay?
Tôi hú lên tiếng bi ai hoài thương giữa đêm sương lạnh. Quạ đen ơi, dơi đen ơi, hãy rũ cánh ngoài hiên. Này rắn này rít đeo lủng lẳng trên trần nhà.
Người có nghe chưa, người có thấy không?
Lạy trời, xác đã bất động nhưng hồn tôi vẫn quanh đây. Trong sương khói, hằng đêm tôi về với lão. Tôi về lục tủ lục nồi. Tôi về coi lại những trang sách cũ, những hình ảnh xưa. Tôi về phấn lượt gương soi, khăn hoa áo gấm môi tươi nụ cười. Tôi về nằm bên cạnh lão, mơn trớn lão, nuối tiếc những ngày còn tại thế. Tôi ôm lão thật chặt thật cứng, vì tôi là vợ lão cơ mà.
Cứ trời chạng vạng tối, lão bật máy truyền hình lên rồi để như thế suốt đêm. Hình ảnh những người di động trên màn ảnh và ánh sáng nha nhá làm tôi hoảng sợ. Tôi buồn lắm vì lão như có vẻ xua đuổi tôi. A! người không còn muốn liên hệ với tôi, vì tôi đã ở cõi khác chăng? Vậy tại sao lão lại đặt bàn thờ ở đây nhỉ. Cúng bái tôi trong nhà, tức mời tôi ở lại. Tình xưa nghĩa cũ không rủ cũng tới!
Bọn ma trơi nơi tôi tạm trú (chờ giấy gọi chầu của cửa âm luận tội) cũng khá đông. Có một số lêu bêu thất tha thất thểu không nơi nương tựa nằm đây đã lâu. Đứa cam phận ngồi cú rũ đọc kinh sám hối, hồn bám trên ngọn cỏ hay đong đưa trên nhành cây. Lắm đứa dữ như chằn chuyên môn ăn hiếp bọn ma đàn bà như tôi.
Vài đứa thấy tôi đêm đi sáng về liền mon men đi theo. Chúng kéo đến ngôi nhà xưa của tôi và phá như giặc. Chúng táy máy sờ cái này mó cái kia. Có lúc chúng thay đổi vị trí vật này vật nọ. Lại cả gan mở tủ lạnh tha hồ xơi bánh uống nước la cười ỏm tỏi. Chúng còn tinh nghịch kéo chân lão, mới là khỉ!
Có đứa hăm he đòi lôi lão đi, đi về cõi ma với chúng tôi. Lão cưỡng lại, vì lão vẫn tin rằng làm sao lão có thể chết lúc này được, khi mà lão chưa hoàn tất một sứ mạng thiêng liêng nào đó.
Vì vậy có bữa lão vùng dậy, nửa đêm mặc quần ống cao ống thấp ôm súng đi tới đi lui bắn xoành xoạch trong không khí. Bọn ma chúng tôi hoảng quá, chạy có cờ. Ghê ơi là ghê...
Cái lão ấy bình thường trông rất hiền, ấy mà khi lão giận lão cũng dữ đến khiếp!
Gần đây lão có vẽ hí hửng. Đàn ông có thay đổi tức đang có mèo. Trông lão tu chỉnh bộ vó, lòng tôi sôi sục vô bờ. Tôi vật vã khóc than. Ối trời ối đất ối quỉ thần ôi, ai bảo làm ma thì hết ghen tuông???
Ông ơi ông ơi, duyên nợ tôi với ông chỉ ngần ấy thôi sao?
3-
Cô ấy
Chồng tôi tên Phạng Trọng Thủy, làm nghề cạp bạc, hỗn danh Thợ Hù. Anh ta lắm thủ đoạn, lại kết bè kết đảng rất đông với bọn đầu trộm đuôi cướp nên chúng tôi làm ăn rất khấm khá. Lần vung mẻ lưới nào cũng thu vào bộn tiền, vì thế mà nhà cửa chúng tôi xênh xang, xa mã rộn ràng. Đôi lúc sợ đứa nào thơ rơi thơ rớt cho bọn công quyền IRS điều tra lôi thôi, chúng tôi hay vào chùa sì sụp lạy Phật, cúng chùa bao nhiêu là tiền, bao nhiêu là của! Có ăn có nhả, tôi hối lộ người khuất mặt khuất mày như thế, hy vọng họ phù hộ cho tôi tai qua nạn khỏi...
Trọng Thủy bì bõm học lỏm ở đâu nghề bói toán bấm độn, phán rằng bố tôi sắp chết. Anh ta bàn với tôi nên nhân cơ hội này quịt nợ. Ít nhiều gì chúng tôi thiếu ông cụ thân sinh tôi hơn nửa triệu tiền đô. Của ăn vào bụng rồi làm sao trào ra được.?..
Chồng tôi ôm máy thu âm xuống lầu. Chúng tôi dự định sẽ tra vấn ông cụ hôm nay cho ra lẽ, vì tuần trước ông cụ gọi điện thoại báo tin cho hay đã gặp một mụ sồn và quyết định sẽ cưới y thị.
Đây đúng là tin sét đánh ngang mày, vì tất cả anh em chúng tôi vẫn đinh ninh rằng cụ sắp chầu tổ sớm. Vợ chết đi, ông cụ như mất chỗ dựa tinh thần, có thể nào sống được lâu. Bọn chúng tôi đã bàn nhau chia chác gia tài đâu vào đấy cả. Cơ khổ!
Bọn anh em chúng tôi đã lục tục đến đầy đủ. Ông Cụ được mời ngồi ngay chính giữa nhà, vây quanh là các con với dâu rể đề huề. Bố tôi tự dưng được các con xưng tụng làm quan tòa bất đắc dĩ. Đám anh em chúng tôi chí chóe làm bồi thẩm đoàn. Chồng tôi giữ chức biện lý diều hâu.Tôi làm phụ tá cho chàng. Kẻ tử tội, hay đúng ra là nghi can, không có mặt. Cũng không ai làm luật sư biện hộ cho y thị. Cần gì có công bằng và bác ái ở đây, xử khiếm diện được rồi!
Thợ hù Phạng Trọng Thủy lấy tay chùi nước mắt. Y quay mặt qua ngoảnh mặt lại cho mọi người nhìn thấy, nhất là ông cụ. Cho chắc ăn hơn, hắn khịt khịt lấy khăn giấy hỉ mũi. Ối nghề của chàng!
Trọng Thủy mở màn,
“Thưa bố, con khúm núm khấu đầu, muôn vàn bái tạ, suốt đời tri ân bố …”
Ông cụ tôi tằng hắng giọng,
“Thôi đủ rồi! Lời chú mày nghe sao như giọng lưỡi của những kẻ bán nước ngày xưa. Đúng là cung cách của bọn bị trị, khiếp nhược trước ngoại xâm Tàu hay Pháp... “
Không có chút xấu hổ, Thợ Hù vờ vịt cúi đầu lom khom đặt một xấp hồ sơ lên bàn. Mọi người có mặt đều im lặng nín thở, vì chưa bao giờ chàng rể lại trịnh trọng đến thế. Để không khí bớt ngột ngạt, tôi ngọt ngào thưa với cụ,
”Bố cũng biết từ ngày mẹ mất, chúng con rất thương bố...”
Cụ ngắt lời tôi ngay,
”Mày khéo đóng kịch! Thương là thương như thế nào? Chúng mày về đây tiệc tùng tối ngày, nào có thăm hỏi bố nửa lời?... Nay bố kiếm được người tâm đầu ý hợp về bầu bạn, chúng mày lăm le định dở trò gì đây? “
Trọng Thủy vội vàng bênh tôi,
”Xin bố chớ rầy oan vợ con. Mỵ Châu lúc nào cũng nghĩ đến bố ngày đêm. Chính vì thế hôm nay chúng con hội họp để dâng bố xấp hồ sơ này mà con đã thuê người điều tra và thu thập được “
Ông cụ còn đang ngơ ngác chưa hiểu thì chàng rể tấn công liền,
”Xấp tài liệu này nói rất rõ về thành tích chết đói của người bố định cưới. Y thị bằng lòng lấy bố chẳng qua là đến đào tiền của bố. Trong quá khứ, thị đã khai phá sản đến bao lần. Thị dám khoe khoang là tốt nghiệp đại học trong khi chữ nghĩa không đầy lá mít, phải đi làm mướn, làm nghề neo (nail) hạ tiện sống qua ngày...
Tôi đứng nhổm dậy tiếp lời chồng,
“Gia đình chúng ta là gia đình danh gia thế phiệt. Này là ngũ long, này là tứ quí. Chúng con không thể chấp nhận một con đĩ về làm vợ bố…. Nhà mình là nhà phụng nhà hoàng. Bố như vua như chúa, lấy chi thứ đầu đường xó chợ?”
Người anh cả của tôi, tục danh Chung Danh Bại, tiếp lời,
“Vâng, thưa bố, em U Tối (tên tục của tôi trong gia đình) nói đúng. Con đàn bà này là giày dép dưới chân ta, không xứng đáng làm mẹ chúng con...”
Bố tôi giận run lên. Ông quát,
”Trọng Thủy, sao con láo thế, dám bịa bao nhiêu chuyện để vu oan giá họa cho người ta?”
Điểm mặt tôi, ông gầm lên,
”U Tối, mày đoảng vừa vừa cho thiên hạ nhờ. Có nhớ ngày xưa mày đi lấy chồng như thế nào không? Bố mẹ chồng chẳng thèm đi cưới, nhục ơi là nhục...Chúng mày vội quên rằng trong thời gian đầu đến xứ người, chúng mày từng có lúc bưng bô đi đổ phân trong các viện dưỡng lão hay sao? Mẹ chúng mày từng làm con sen giữ con cho người ta, từng rửa rau lau bát ở nhà hàng...”
Chung Danh Bại định phân trần nhưng không còn kịp. Ông cụ đã tiếp hơi một tràng dài,
”Còn con, ngày xưa bố hà tằn hà tiện chắt bóp lấy tiền gửi con qua Mỹ du học. Tưởng con nên người thì khôn ra, ai dè con ăn nói ngu đần như thế kia? ai là giày dép của ai? Ở xã hội tân tiến nhất thế giới mà ăn nói, hành xử dở hơi thế à?..”
Danh Bại vội vã cắt ngang lời cha tôi,
”Xin bố bớt giận. Chúng con chỉ muốn phân trần điều hay lẽ phải, cốt mong bảo vệ bố...”
Ông cụ ngồi xuống, lấy tay quệt mấy giọt mồ hôi đang vã ra trên trán.
Bất kể sự giận dữ của cha vợ, Phạng Trọng Thủy đưa xấp hồ sơ lên như những bằng chứng xác thực. Cứ sau mỗi đoạn anh đọc qua, anh dừng lại vài phút để lên án người đàn bà mà chúng tôi chưa hề gặp. Bố tôi ngồi im, mặt lạnh như tiền. Trọng Thủy phùng mang trợn mắt, phì phì bọt mép kết tội người bạn gái của cha vợ. Không còn nén được cơn giận, ông cụ quát lên,
”Hỗn láo! Nhà thật vô phúc. Toàn một lũ láo lếu mất dạy! “
Nói xong, cụ đi về phòng riêng …
Bọn chúng tôi lập tức có hội nghị bàn tròn ngay tại chỗ. Danh Bại cầm xấp hồ sơ kết tội trên tay, lắc đầu,
”Chú Trọng Thủy tìm đâu ra những dữ kiện này thế? Đánh bố tôi kiểu này có ác độc quá không?”
Phạng Trọng Thủy cười ha hả,
”Trong bất cứ trận chiến nào, nguyên tắc muốn thắng đối thủ là phải phạng phủ đầu, đánh trối chết, không nhân đạo cái con mẹ gì hết...”
Các cô em gái của tôi lao xao,
”Thế mình phải làm gì bây giờ?”
Cậu em trai út của tôi mau mắn góp ý ngay,
”Phong tỏa bố! Bằng mọi giá mình cắt đứt liên lạc giữa bố và con mẹ kia. Em sẽ ăn cắp cell phone của bố, thế vào cái phone khác y chang, ông chả nghi gì đâu “
Mọi người gật gù tán thưởng. Tôi nói đó chỉ là giải pháp nhất thời. Phải làm một cái gì ác liệt hơn thế nữa cơ. Suốt tuần qua vợ chồng tôi đã nghiền ngẫm một kế hoạch mà bố tôi, vì tin con, sẽ dễ dàng mắc bẫy.
Thừa lúc mọi người đang sôi sục với những chi tiết của xấp hồ sơ còn nằm nóng hổi trên bàn, tôi lôi trong cặp ra một hồ sơ dày cộm khác. Mọi người chúi mũi vào đọc. Ai cũng khen là kế hay đáo để. Ngày mai phải áp dụng ngay tức khắc.
Phạng Trọng Thủy xoa hai bàn tay vào nhau, miệng cười chúm chím,
”Các cô các cậu biết gì không, chúng ta hãy nên học cách của đảng Cộng Sản mà áp dụng vào gia đình này là chắc ăn nhất”
Cô em dâu người Mỹ của tôi chưa hiểu, đòi giải thích. Tôi nhanh nhẩu kể cho mọi người biết về chính sách hộ khẩu, và mánh khóe vừa ăn cướp vừa la làng... Vâng, trị ông cụ bằng cách nắm chặc cái bao tử của ông ấy, thì đố ông cục cựa được.
Đứa em gái út của tôi có chút thắc mắc,
”Chị Mỵ Châu à, làm như thế này mình có mang tội phản cha không? “
Lại có tiếng cười đểu cáng của thợ hù Phạng Trọng Thủy,
”Nào cô khéo lo! Tiền của bố thì mình lấy, lọt sàng xuống nia, có sao đâu “
”Nhưng mà, nhưng mà, bố chưa phải người tàn phế mà mình làm giấy giữ gia tài, e không đúng luật???”
”Luật? Ối! nếu cần mình chích cho cụ mũi thuốc gì ấy. Chích chút chút thôi, vừa đủ để cụ điên tí ti. A ha, cụ sẽ lú lẫn, phán bậy phán bạ. Trong khi thần trí cụ chưa tỉnh, a lê hấp, mình đưa cụ ra nhà băng ký giấy tờ. Mỗi chúng ta đều có phần, ăn sống chứ không chờ cụ chết mới được hưởng. Vừa gian cụ, vừa gian nước Mỹ, khỏi đóng thuế lợi tức. Sau này cụ tỉnh ra, nếu cần, cứ việc cho thêm tí thuốc, tống cụ vào viện tâm thần ở với bọn điên vài ba ngày. Cứ như thế mình lập hồ sơ bảo cụ mắc bệnh cõi trên, thế là xong ngay…Đôi lúc phải làm như vậy cụ mới biết sợ mình…”.
Tôi tiếp lời chồng,
“Tất cả chúng ta đều rủng rỉnh có thêm tí tiền. Phản ông cụ thì được, vì cụ sắp về với mẹ nay mai rồi. Vã lại, nếu có chuyện gì xảy ra, cụ là cha chẳng nhẽ tố giác con? Điều quan trọng là anh em chúng mình không phản nhau nhé, nếu không thì ủ tờ cả lũ đấy....”
” Ngộ nhỡ cụ vẫn khư khư đòi cưới vợ?”
Danh Bại xen lời,
”Phần tôi sẽ soạn thảo một cái giấy bắt mụ ta ký, trong đó nó cam đoan lấy bố vì thương bố, cam đoan tiền nó nó ăn, không dính một đồng xu của gia đình ta. Tôi cũng sẽ đem máy ghi âm đến, đặt những câu hỏi để bố bị rối trí, lừa lúc bố sơ hở sẽ thu vào máy tức khắc. Như thế cụ sập bẫy ngay ”
Mọi người vỗ tay đồng lòng. Trước khi vào cỗ bàn ăn uống, tôi phát biểu thêm,
” Nó sẽ chỉ là một con ở không lương, không phải thế sao?’
Không phải thế sao?
Đêm đã muộn. Mọi người đều lục tục ra về. Vợ chồng chúng tôi vào phòng trong xem xét. Chúng tôi chờ mãi, ông cụ vẫn còn đủng đỉnh trong nhà cầu chưa chịu ra. Chồng tôi nháy mắt làm hiệu cho tôi sẳn sàng.
Khi ông cụ còn bận buộc lưng quần, vợ chồng tôi xông lại. Người đè, người chích. Tôi nhanh tay ấn mũi kim vào người bố ruột mình. Trước khi ngã xuống, ông cụ còn biết phản ứng bằng câu nguyền rủa,
”Trời sẽ tru, đất sẽ …đất sẽ …diệt… diệt… diệt….mày...”
Tôi lạnh người. Từ đây trở đi, làm sao tôi quên được câu nói ai oán đứt quãng này thốt từ miệng cha?
4-
Người ấy
Ông nghiêm trang đưa tay lên thề, và lập lại lời của người chủ lễ hôn phối cho chúng tôi,
”Trong sung sướng cũng như trong gian khổ, tôi sẽ cùng em chia sẻ mọi điều. Kể từ nay em là vợ của tôi “
Và ông cầm tay tôi lên, đeo vào đó chiếc nhẫn vàng.
Theo đúng nghi lễ, tôi cũng làm như thế cho ông. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Ông hôn lên môi tôi rất nhẹ, nước mắt đầm đìa …
Nếu có ai hỏi tại sao tôi chịu gá nghĩa cùng ông, tôi không biết phải trả lời sao để họ hiểu. Trong một xã hội mà tiền bạc và danh vọng được đặt hàng đầu, có ai tin những chuyện chỉ có có thể xảy ra như thần thoại?
Chúng tôi gặp nhau trong tình cờ, không ai biết thân phận của ai. Rồi một sớm một chiều chúng tôi trở thành đôi bạn đời, thề nguyền tối lửa tắt đèn có nhau.
Đêm tân hôn tôi ngồi tôi khóc. Chồng hỏi tại sao khóc. Tôi nức nở nói tưởng đời mình đã thoát nợ. Không ngờ đêm nay khám phá ra kiếp trước có nợ ông. Trời xui chi cảnh oái oăm cho tôi gặp ông quá muộn. Này, mặn nồng ai ăn, để bã cho tôi quét tôi dọn. Này, ngọt bùi ai hưởng để buồn để tủi cho thân tôi.
A! có ai ép-dầu-ép-mở-ai-nỡ-ép-duyên đâu mà ỉ ôi than thở? Thế là tôi quẹt nước mắt, nhớ lại buổi ban đầu hai chúng tôi gặp nhau.
Ngày đó người đàn ông và người đàn bà chỉ ngồi chuyện trò. Chuyện qua chuyện lại, trúng ý nhau cười bằng thích. Cười xong, ông hỏi,
”Tôi cưới bà nhé”
Tôi gật đầu.
Ngoéo tay.
Xong!
Hai người cười nắc nẻ, vui như hội. Đời tưởng giản dị chỉ có thế.
Cuộc đời năm chìm bảy nổi đã làm tôi vững chãi hơn khi đối đầu với sóng gió. Không có điều gì có thể làm cho tôi sợ hãi khi trí óc tôi vẫn còn sáng suốt và thân thể tôi vẫn khỏe mạnh. Việc các con chồng cố tình mạ lỵ hay bôi nhọ không hề làm tôi bận tâm. Họ chỉ là những con người tầm thường, luôn xét người khác qua tầm lăng kính nhỏ hẹp...
Ngay từ phút đầu đặt chân về nhà chồng, đêm ấy tôi có cảm giác rất khó chịu. Nhà cửa
tuy cao ráo và nằm trong khu vực sang trọng, nhưng chỉ là một căn nhà trống lạnh lùng. Hầu như tất cả những gì gọi là đáng giá đều đã được dọn đi hết. Âm khí ở đây dày đặc, nặng nề. Trên bức tường trong phòng khách, hình người đàn bà vợ trước của ông, vẫn còn treo đó. Đôi mắt bà ta như người sống, nhìn tôi lườm lườm.
Ông phân bua rằng nệm kê sát đất vì khi ngủ ông sợ lăn té. Ông kéo tôi nằm xuống, dỗ dành, bảo rằng ngày mai sẽ có người đến lau dọn. Vâng, tôi cũng đã nhìn thấy là nhà quá dơ bẩn...
Tôi không ngủ được vì lạ nhà lạ cửa, nhất là cái máy truyền hình cứ chiếu những phim ảnh chóa mắt. Tôi cố tắt nó vài lần, nhưng chồng tôi không chịu. Ông ấy nói rằng ông không thể yên ngủ nếu phòng ngập bóng tối. Quả như thế, vì khi biết ông đã say ngủ tôi lén tắt đèn, thì ông bắt đầu ú ớ. Chồng tôi vùng vẫy, làm xàm những câu tôi không thể hiểu. Tôi quay qua ôm ông, vỗ về.
Như người mẹ dỗ con thơ, tôi hát ù ơ cho đến khi mệt lả, thiếp đi lúc nào không hay.
Liên tiếp ba đêm, chồng tôi cũng vẫn như thế. Ông ngủ không yên, lăn qua lộn lại, hai chân tống đạp lung tung. Ai có thể ngủ được với một người có thói xấu thế kia? Tôi giận dỗi lay người ông, rồi cáu tiết gắt lên,
”Sao anh kỳ thế, mấy đêm liền em không ngủ được chút nào...”
Nửa thức nửa tỉnh ông xin lỗi tôi, rồi nói rất nhỏ “anh vừa bị ma đè...”
Trời, ma đè! Nói gì lạ thế?
Nói gì ghê thế kia? Tôi vùng dậy, mở đèn sáng choang. Vâng, mở tất cả các đèn từ nhà trong ra nhà ngoài. Tôi xuống bếp lấy con dao, huơ huơ trong không khí…
Chẳng có con ma nào dám thò mặt ra.
Tôi ngồi thẳng trên ghế, mắt thao láo suốt đêm.
Gớm thiệt, tại sao tôi lấy người này làm chồng, để phải đương đầu một lúc với một lũ ma sống và ma chết?
Có lẽ dứt khoát với quá khứ là một điều rất khó. Vì thế ma chỉ ngưng quấy phá chồng tôi ít hôm, sau ấy đâu lại vào đó.
Đêm nay, dưới ánh sáng lung linh của hai ngọn đèn bạch lạp, tôi ngồi đọc sách.
Đằng kia, chồng tôi đã ngủ sớm như thường lệ. Hơi thở ông đều đặn, thỉnh thoảng lại ngáy to.
Khi kim đồng hồ nhích một giờ rưởi sáng, đâu đây có tiếng động rất khẽ. Tôi buông sách, ngồi thẳng người trong tư thế sẳn sàng, tinh thần căng thẳng tột độ.
Lại có tiếng lột rột ngoài nhà bếp. Tôi giật mình sởn ốc, rồi thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ đó là những viên đá trong tủ lạnh rơi xuống.
Nhưng ô kìa, sao căn phòng bỗng dưng lạnh thế kia? Gió từ đâu thổi vào làm hai ngọn bạch lạp như muốn tắt. Tôi đứng dậy quơ nhanh chiếc mền bông quấn chặt vào người. Đằng kia, tiếng chồng tôi liên tiếp ú ớ những tiếng “mẹ” hay “mợ”, là những từ ông gọi bà ấy ngày xưa. Càng lúc ông có vẻ như nghẹt thở. Ông ằng ặc như người đang bị bóp cổ. Ông oằn ọai.. Hai tay ông dẫy đập không ngừng trên nệm, hai chân quặp vào nhau như người đang bị ai xiềng.
Tôi liệng mền bông xuống đất, nhanh tay chộp cái búa dấu dưới gầm ghế rồi chém loạn xạ, miệng gầm lên,
”Mẹ nào, mợ nào? có giỏi thì chường mặt ra coi, ai sợ ai?...”
Chồng tôi trở lại bình thường được vài phút rồi lại ục ặc. Tôi chém mạnh búa xuống mặt bàn, đôi mắt tôi gờm gờm nhìn tứ phía.
Không ma nào hiện ra.
Tôi ngồi sát bên cạnh chồng, một tay ấn lên vai ông để trấn an, tay kia huơ huơ búa trong không khí...
Nửa giờ sau.
Tiếng kẽo kẹt bắt đầu phát ra từ góc nhà cạnh vườn. Từ đâu, một đàn dơi bay lượn qua lượn lại rồi cuối cùng đậu dính vào nhau dán đầy các cửa kính. Những mảng đen dơi liên tục di động thành các hình thể khác nhau.
Một luồng gió lạnh thấu xương đẩy các cửa phòng mở ra ập vào không ngừng. Có khi gió vi vu, nghe như tiếng ai rên rỉ, khóc than. Có khi gió rít đến ê tai.Tôi bắt đầu nao núng, hai tay bám chặt thành giường, tim đập mạnh.
Bây giờ không còn là tiếng gió nữa mà là tiếng sầm sập như bước chân của một đội lính đang duyệt binh.
Tôi hít một hơi dài rồi thở ra thật mạnh để giữ bình tĩnh.
Một con dơi to tướng bay vụt lên, nó đụng trần nhà thì rơi xuống nằm cạnh chân tôi. Tôi đá thốc vào người nó thật mạnh. Dơi ré lên tiếng kêu thật lạ lùng, và muôn vàn dơi khác đáp lại. Tôi sởn da gà, đầu như muốn vỡ ra, mắt như lòa đi...
Bất thình lình, hai ngọn bạch lạp phụt tắt. Tiếp theo đó, đèn trong nhà đồng loạt bật sáng lên một giây rồi tắt ngấm cùng một lúc.
Tất cả đều chìm trong bóng tối…
Toàn thân tôi cứng ngắt như bị trói. Có ai đang siết cổ tôi.Tôi càng cố vùng vẫy thì càng bị đè lún xuống, lún xuống, lún xuống. Trong giây phút tuyệt vọng, hồn tôi bỗng kêu lên hai tiếng “Lạy Cha”.
Lạy Cha. Lạy Cha. Thần diệu thay, trong tích tắc, bao nhiêu trói buộc đều không còn nữa.
Trong đêm đen, tôi ngồi xuống. Mắt nhắm nghiền, hai tay đặt lên đùi, tôi liên tục cầu nguyện,
“Lạy Cha là đấng tối cao, quyền lực Ngài vô song vô lượng. Lạy Cha, Ngài là Vua của tất cả các vì vua trên dương thế cũng như trong cõi siêu linh. Nơi nao ánh sáng của Cha dọi đến là kẻ hung tàn phải bỏ chạy. Có Cha bên cạnh, con không còn sợ hãi bất cứ ai. Lạy Cha đêm nay xin Ngài ban cho con thần uy để con đối đầu với loài quỉ dữ. Chúng phải lùi trước bước tiến của con. Âm không thể thắng dương. Tà ma không thể lấn áp người “
Xin Thánh Linh hãy ngự trong tôi. Có Ngài, người hung dữ phải qui hàng, kẻ bội phản phải sám hối..."
Khi tôi mở mắt trở lại, đoàn dơi đã biến mất, những gì quái đản không còn nữa.Tôi cảm thấy kiệt sức. Có lẽ tôi đã dùng quá nhiêu năng lực trong trận chiến vừa qua, giữa người và ma.
Hằng ngày tôi giúp chồng đọc thư. Hôm nào cũng như hôm nào, thư đến như núi. Ngoài một vài giấy đòi tiền điện nước, đa số còn lại đều đến từ nhiều hội thiện nguyện trên khắp thế giới. Qua công việc duyệt thư này, tôi biết được trong quá khứ chồng tôi đã đóng góp rất nhiều cho những công tác hay hội đoàn từ thiện. Từ đó, tôi mở mắt thấu triệt được nguyên do chính đã đưa tôi vào cuộc đời ông.
Đúng rồi, người đàn ông này rải ơn phước rất nhiều cho đời. Khi ông bơ vơ cuối đường, Chúa đã thưởng tôi cho ông. Điều gì Chúa làm, Chúa chẳng bao giờ sai. Phàm ai biết cho, thì sẽ nhận. Ai gieo từ tâm sẽ gặt được từ tâm.
Đôi lúc chồng tôi hỏi tôi có buồn không khi gia tài của ông không cánh mà bay. Tôi an ủi ông, nói rằng trong kiếp sống con người, có lắm điều cần thiết và đáng quí hơn tiền bạc. Cái tài sản vô giá ông thực sự có, không phải là đồng tiền phù du đã bị soán đọat, mà là núi đức độ ông đã vun trồng, tích lũy trong nhiều kiếp qua. Đáng lý ra các con được thừa hưởng đức của cha, nhưng vì họ bất hiếu, đói tiền, chúng đã đánh mất cái ân sủng đó... Phước thay cho tôi, lành thay cho tôi được nhận trọn gia bảo của chồng.
Ông thủ thỉ vào tai vợ,
"Ngày xưa anh có mua nấm mồ để mai kia chết sẽ có chỗ chôn. Nếu chẳng may thiếu hụt, anh sẽ bán nó đi để mình tiêu đở. Trời sẽ không bỏ mình đâu... "
Tôi bông đùa,
"Gớm, phải bán mồ để nuôi vợ! chuyện thế gian có một không hai..."
Nước mắt chảy hai hàng, tôi ngã vào lòng chồng.
Hạnh phúc là như thế đấy...
5-
Giấy mã vàng bay
Các con tôi bò vào nghĩa địa cầu xin tôi giúp chúng diệt người vợ mới của cha. Lão già cũng nhiều lần mò vào đây tìm tôi than khóc. Lão cầu tôi, khấn tôi giúp lão vì các con đã ăn ở thất đức.
Người trần họ chẳng biết chẳng hiểu gì cả! Tôi chỉ là một con ma vất vưởng chưa được siêu
thoát, làm sao tôi giúp được ai? Khi lão kết tội con hư tại mẹ, tôi chỉ biết cúi đầu đầm đìa nước mắt, không biết nghĩ sao về chính mình. Khi các con tham lam đòi tôi trừ diệt người đàn bà chưa phạm tội nào với lão già kia, làm sao lời nói của các con nghe lọt được tai?
Ôi thôi oan gia ơi oan gia. Xin mọi người hãy cút hết đi, để cho tôi được tĩnh tâm nghe chuông bát nhã gọi hồn sám hối.
Xấu hổ biết bao khi có thời gian tôi đã về quấy phá lão già. Những lúc đó, tôi đã ghen tương ấm ớ. Xin Đức Phật từ bi tha tội. Tôi đầy dẫy tham sân si và nghiệp chướng, chết vẫn tưởng chưa chết, vọng tưởng mình còn là vợ lão khi hồn đã lìa xác.
Tôi thức tỉnh khi vợ lão già giải thích cho biết vị thế của tôi trong cuộc sống của họ. Phải, tôi đã là người quá cố, người của dĩ vảng. Duyên nợ của tôi và lão đã thực thụ chấm dứt khi hơi thở tôi không còn, khi tim tôi ngưng đập. Trang sách đã được lật qua chương mới, ngôi nhà xưa không còn dính líu đến tôi. Tôi không có quyền lui tới chốn đó. Tôi không có quyền đòi hỏi người đàn bà kia phải cúng bái thờ phượng tôi.
Không bất cứ ai có quyền ấy.
Mỗi khi lão đi đây đi đó, tôi cảm động xiết bao trước cảnh vợ lão dựa mình vào xe lăn để đẩy lão già lên dốc. Làm sao tôi có thể tha thứ cho mình vì có lúc tôi đã nhập xác con, mượn miệng nó, mày tao chi tớ để mắng chửi hạ nhục bà?
Ngày ấy, sau khi nghe lũ con bàn luận toan bỏ bố vào viện tâm thần sống với những kẻ điên để chúng chiếm đọat gia tài một cách danh chánh ngôn thuận, ông đã quyết định cưới người vợ mới sớm hơn dự định. Vâng, làm sao tôi có thể tha thứ các con khi chúng lòng lang dạ thú thế kia?
Tôi thức tỉnh khi nghe lão nói với vợ,
”Kiếp sau anh nguyện kết cỏ ngậm vành đền ơn em...”
Ôi, nghe lão già nói thế, tôi chỉ muốn gào kêu các con cùng tôi quì xuống sụp lạy tạ ơn bà, người độ mạng lão già…
Luồng khói ám vần vũ trên mái nhà của con gái tôi là dấu báo hiệu gia chủ có những ý đồ đen
tối. Quả như thế, cô ả đã mất hết lương tri.
Tại sao lại phải thuê thầy cúng thầy bái làm bùa phép trù ếm người mẹ kế? Tôi không thể ngăn chận việc làm độc ác của người dương thế, nhưng tôi cũng không thể nào đành tâm để con tôi giết người một cách lạ lùng như vậy. Nếu sinh mạng người bị hại có như thế nào, chắc chắn hậu họa sẽ rất tàn khốc. Đời con đời cháu của kẻ sát nhân trong vạn kiếp sẽ không bao giờ cất đầu lên nổi... Vã lại lão già rất chí tình, lão đã tận tụy chăm sóc tôi trong những năm tháng cuối đời tôi. Nếu người vợ mới của lão bỏ lão ra đi tức tưởi thế kia, chắc chắn lão sẽ đau buồn cay đắng. Đây chính là lúc tôi phải đền ơn báo nghĩa cho lão.
Tên phù thủy cất tiếng chim, niệm thần chú. Tay hắn múa may, hai chân hắn dạng ra. Hắn phun
rượu vào không khí, rồi lia lịa miệng úm ba la, tay cắm phập những kim châm vào một hình nộm có ghi tên tuổi vợ lão già.
Ở một nơi khác, linh hồn tôi tức khắc làm tia xẹt bao quanh thân thể người đàn bà đang bị ếm. Vâng, tôi nguyện làm bia hứng đở đầu tên mũi đạn cho bà. Tôi nguyện làm người hộ mạng để vợ chồng lão có những ngày đầm ấm bên nhau. Họ xứng đáng được như thế.
Ôi, đau quá con ơi cho hồn ma tôi bị trầm thương ám khí.
Ôi thảm thiết thay những mũi kim gian ác đâm xuyên trái tim người mẹ.
Con ơi con ơi mẹ đang dẫy dụa dưới móng vuốt của con đây...
Tôi lết hồn thương đau về bên cửa thiền. Khi màn đêm buông rũ, tôi dựa lưng gốc cây nghe các Sư tụng kinh. Tôi nương theo nhan khói ước cầu được tịnh độ. Than ôi, hương khói không đủ sức nâng hồn tôi lên, vì tội lỗi của các con càng lúc càng nhiều, để hồn mẹ bị vạ oan.
Ở cõi âm, tôi quì gối hằng đêm, đầu đội chậu máu và lửa, hứng tội lỗi của các con. Cứ mỗi một giọt ân oán trên trần thế rơi vào chậu là con đường siêu thóat của tôi lại xa thêm một khúc. Máu là sức sống của dương gian, lửa là hận thù. Máu đỏ trong lửa chập chùng rất cần được dập tan.
Lạy Thượng Đế, lạy tất cả các chư Phật, xin rưới giọt từ bi...
Họ quỳ đó đầu mọp xuống chiếu, lạy lục cúc bái trong ngày mản tang tôi hai năm. Lão già không đến vì cho rằng tôi đã sinh cho lão một bọn con bất hiếu.
Nhưng ô kìa, trong giờ phút linh thiêng nhất, hồn lão bỗng vút tới.
Trên bậc thềm trước Phật đài, lão già quì đó, hồn lão dật dờ đội sớ kể lể những tội ác của ai đã
hại lão.
Chính vì vậy mà tôi bị liên lụy. Chính vì lời oán than da diết của lão mà tôi bị đọa.
Tại sao các người tàn nhẫn thế kia? Tại sao các người ích kỷ thế kia?
Tôi không biết phải làm cách nào để nhắc nhở các con về câu nói của nhân gian,
”Dù xây chín cửa phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một người...”
Các con ơi, các con ơi, các con bất hiếu với cha với mẹ, hại người. Dù có cúng muôn vạn núi
tiền cũng không rửa sạch được miệng thế nhân,
"Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ..."
Cho nên hôm nay,
Khi trầm hương nghi ngút khói tỏa, khi rộn ràng giấy mã vàng bay, đầu các con chạm chiếu lạy mẹ. Mẹ run rẩy như lá trên cành khi khỉ rung cây. Mẹ như con thằn lằn đứt đuôi ngơ ngẩn trên bức tường vôi đổ.
Trống dồn.
Chiêng đánh.
Chuông ngân.
Hồn tôi như con đồng say tẩu hỏa. Tôi muốn vút thật cao nhưng có sức nào từ đâu ghìm ghìm xuống. Tôi quay quay tít trong gió bụi mịt mùng rồi đâm đầu lộn nhào xuống vực sâu.
Tội tình mẹ lắm các con ơi!
Tội tình mẹ lắm các con ơi!
Cho nên hôm nay,
Khi các sư phụ kinh kệ ê a gõ mõ cố đưa tôi về cõi Phật, than ôi linh hồn tôi bị tội lỗi của các con xiềng xích, không nhấc ra được vũng tối bùn nhơ.
Tôi dập đầu muôn lạy chư vị Thánh Thần tha cho hồn tôi thóat nợ oan khiên..
Phật Tổ ơi, tôi xin Ngài tế độ gia ân.
Các con ơi, các người ơi, xin quay đầu sám hối cho hồn tôi được an nghỉ nghìn thu...
6-
Một tháng sau
Ngày lễ Mother Day mới đúng là ngày bà ấy chết được hai năm. Vợ tôi đưa tôi lên chùa thắp nhang cho người quá cố.
Vợ tôi sờ vào tên người xưa, lâm râm khấn nguyện.
Tôi rơi nước mắt mừng vui vì hai người đàn bà, một đầu đời tôi và một cuối đời, đã bắt tay thân
ái hiểu được nhau.
Xin Sư ông đăng đàn liên tục cầu kinh cho hồn người chết được thăng về cõi vô ngã.
Chuyện trần gian xin để lại cho người trần gian...
HKKM
5/15/2006

Xem Tiếp: ----