Khi tôi quyết định ở rể, những người thân đều rất mừng. Thằng em nói thẳng ra rằng, cái tuổi Tý của tôi đúng là số “chuột sa chĩnh gạo”, mà là chĩnh gạo tám thơm, chứ không phải là gạo thường, gạo tấm. Chả là nhà ông nhạc tôi chỉ có hai người con gái. Bà chị lấy chồng xa. Chồng chị là giám đốc sở tài chính ở một tỉnh phía Nam. Ông nhạc tôi là người Hà Nội gốc, có nhà riêng. Mẹ vợ tôi mất khi ông còn ở quân đội. Ðến tuổi 58, ông được nghỉ hưu với quân hàm thượng tá.
Về hưu rồi, ông ham đọc, ham viết. Lúc nào ông cũng có hai loại sổ: loại thứ nhất, ghi lại những điều hay trong sách vở, trong giao tiếp với người đời; loại thứ hai chép những suy nghĩ của mình trước thế sự hoặc những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời binh nghiệp. Cứ chép đầy cuốn, ông cụ lại đánh số rồi chép tiếp cuốn khác. Lâu ngày hình thành hai bộ, mỗi bộ đã có trên mười cuốn. Tính ông nhạc tôi điềm đạm, nói năng chậm rãi, giọng ấm, vui buồn ít lộ ra sắc mặt. Tôi còn nhớ, sau ngày cưới một hôm, cụ gọi vợ chồng tôi ra, bảo tôi cùng ngồi, dặn riêng con gái: “Cúc con, cái quý nhất của người phụ nữ là phẩm hạnh. Chồng có yêu, đời có trọng cũng từ đấy mà ra. Anh Tôn (tức là tôi) bây giờ vừa là chồng, vừa là anh của con. Con hãy ghi nhớ lấy điều đó”. Nghe ông cụ nói xong, tôi liền chắp tay thưa: “Chúng con cảm ơn bố”, còn vợ tôi vội tiếp lời: “Con xin vâng lời bố”.
Ðúng như lời thằng em trai tôi nhận xét, cưới vợ xong, tôi không phải lo một thứ gì, vì tất cả nhu cầu cho một cặp vợ chồng trẻ vợ tôi đã lo chu tất. Lương và thu nhập của ba thành viên trong gia đình dư hai triệu rưỡi mỗi tháng. Thỉnh thoảng anh chị vợ lại gửi cho vài triệu. Vợ tôi là người đảm theo lối cổ. Nàng không cho tôi đụng vào bất cứ một công việc nội trợ nào, kể cả việc đi đổ rác. Chiều chiều, khi ở cơ quan về, tôi chỉ có việc tắm táp, đọc báo và chờ cơm. Một tuần vài lần ngồi tiếp chuyện ông nhạc, khi thì nói về tình hình thời sự thế giới, khi thì trao đổi về một bài phóng sự mang tính cấp bách trên báo, hoặc một bộ phim nào đó được chiếu trên đài truyền hình. Thường thì quan điểm của hai người ít gặp nhau. Tôi luôn giữ chủ kiến của mình nhất là những vấn đề có quan hệ đến giới trẻ. Những lúc như thế ông nhạc tôi hay có câu vừa như dặn dò, vừa như thể hiện cái lý đuối của mình: “Anh cân nhắc xem có phải như thế không!” hoặc “Tôi thiếu thông tin nhưng chả lẽ vấn đề nó lại đơn giản như thế...”. Tôi hăng hái khẳng định luôn ý nghĩ của mình chẳng cần suy nghĩ cân nhắc như ông cụ yêu cầu. Thú thật, có lúc tôi mù mờ biết mình sai, mình hấp tấp nhưng thấy ông cụ có vẻ như thỏa hiệp, như nhường nhịn nên tôi có lấn tới với vẻ hiếu thắng.
Vợ tôi nhận ra điều đó nên có lần nàng nhỏ nhẹ bảo tôi:
- Anh ạ, hình như... em cảm thấy... anh hay quá lời với bố.
Tôi vỗ vỗ vào lưng nàng:
- Ðã tranh luận thì phải bình đẳng, phải nói cho đến cùng lý lẽ. Với lại bố mình hiền ấy mà.
- Cụ không hiền đâu. Cụ biết hết đấy. Cụ nhường anh thì có.
- Biết, sao bố lại không tranh luận cho tới cùng đi?
- Nhưng để làm gì?
Sau câu hỏi của vợ, tôi lựa lời khuyên nàng đừng quá bận tâm với các cuộc trò chuyện của giới đàn ông chúng tôi. Ðó là thứ chuyện vừa quan trọng,vừa tầm phào, vui là chính, chứ có phương hại gì đến ai. Tôi vẫn khẳng định với nàng rằng ông nhạc là người hiền lành, là típ người cũ, bảo thủ và hoài cổ. Sau mỗi lần nghe tôi nói thế, Cúc, vợ tôi thường im lặng, có vẻ như tin lời tôi. Ðược thể, tôi càng cho thái độ sống của mình là đúng.
Cho đến một ngày tôi gặp tai ương, nói thế cũng là quá, vì chuyện đó do tôi gây ra mà sự vỡ lở lại bắt nguồn từ cái budi, bộ phận đánh lửa của động cơ xe máy. Buổi tối hôm đó, tôi tháo cái budi, lau chùi cẩn thận, thử “lửa” cẩn thận, lắp vào ổ máy đề, trăm lần máy nổ cả trăm. Cúc mang trà Lipton cho tôi, hỏi: “Sao hôm nay anh chăm thế?”. “Ờ, mai anh đi quay cái lễ hội, xe máy phải tốt”. Vợ tôi không nói gì. Tôi đảo mắt nhìn về phía bố vợ, nhận ra ở môi cụ có một nụ cười. Tuy nhiên, lúc đó tôi chỉ cho là một nụ cười ngẫu nhiên. Ít phút sau, thằng bạn nối khố của tôi đến. Nó dặn ngày mai, tôi sẽ đón nó vào lúc 7 giờ. Nó còn bảo camera và băng nó đã chuẩn bị xong rồi. Nó mua được băng ngoại chính gốc loại siêu. Nó hỏi thăm sức khỏe ông nhạc tôi rồi dặn lại tôi một lần nữa, lời dặn rất to muốn là vợ tôi cũng nghe được những nội dung ấy.
Ðúng là tôi đang có chuyện. Chả là lúc trưa trên đường đi làm về, tôi chợt nghe tiếng phụ nữ gọi: “Anh Tôn! Anh Tôn đấy phải không?”, tôi ngoái lại, dừng xe gấp. ở chỗ ngã rẽ, một cô gái cao lớn, ăn vận rất bít-dít, váy ngắn, áo hồng, tóc nhuộm vàng, cắt theo mốt Thượng Hải. Tôi ngớ ra không biết người gọi là ai. Cô gái bảo: “Quên nhau rồi à? Noan – lương thực ngày xưa đây”. “Ô, Loan à, khác quá, lộng lẫy quá! Cứ tưởng là một bà Tây nào đấy!” “Ðã từng là bà đầm nhưng chia tay rồi. Anh có rỗi không?”. “Ðể làm gì?”. “Anh chán bỏ xừ, phụ nữ hỏi mà trả lời kiểu đó thì nghỉ khoẻ nhé”. Biết sự khiếm nhã của mình, tôi vội xun xoe: “Ngày trước, em hay đùa thì anh cũng lên gân, lên cốt tý thôi”. “Chống chế như thế là loại xoàng, nhưng đang buồn, em tha. Có rỗi thì đi uống cà phê với em?”. “Xong!” – tôi đáp một cách hứng thú tỏ vẻ ga-lăng.
Tôi và Loan vào quán cà phê, loại quán có ngăn, chia từng ô kín đáo. Loan hất mái tóc nhìn tôi, hỏi cộc lốc: “Hạnh phúc lắm hả?” “Nói hạnh phúc thì e tự phụ nhưng cuộc sống êm ấm, không có bão táp mưa sa”. “Giỏi”. “Còn em?” “Lấy chồng bỏ chồng, lấy chồng khác, chồng bỏ!”. Loan nói tỉnh khô rồi lại hất mái tóc. Cử chỉ mà có lần đọc báo tôi biết đó là một dấu hiệu gợi tình của phái yếu. Tôi cúi đầu lúng túng không biết nên chọn một câu đáp lại thế nào cho hợp. Ngày trước, Loan là người yêu của tôi. Cô làm ở cửa hàng lương thực phường. Những năm còn sử dụng tem phiếu trong mua bán các mặt hàng thiết yếu thì tôi phải nói rằng, các ông, các bà, các chị, các cô ở bách hóa, lương thực, thực phẩm là những ông bà giời. Có lần, tôi đi xếp hàng từ bốn giờ sáng đến ba giờ rưỡi chiều mới mua được 10 cân gạo. Về đến nhà trông thấy tôi, ông chú họ bảo: “Ðộ này mày ốm hay sao mà gầy thế, cháu?” Tôi bảo không ốm đau gì nhưng khi soi gương thấy mặt mày hốc hác, hai gò má nhô hẳn lên phờ phạc. Sẵn có cái bàn cân thu mua sắt vụn của nhà bên cạnh, tôi xem lại trọng lượng của mình, thấy tụt đi ba ki lô. Mua được 10 cân gạo sút mất ba cân thịt, khiến tôi phải trằn trọc nghĩ cách. Tôi cố lượng xem mình có thế mạnh nào không? Tôi là thằng đàn ông có mẽ, có bằng cấp nhưng là con nhà nghèo. Bốn anh em trai lộc ngộc và một chị gái quá lứa chưa có ai “cẩu” đi cho. ở cơ quan tôi cũng có một chức vụ nhưng là chức vụ đoàn thể mà lại là cấp phó, phó tổ trưởng công đoàn của một tiểu ban có sáu người. Một lần thức giấc vào lúc nửa đêm, bởi một cơn mơ kinh hoàng do buổi chiều hôm đó tôi được xem bộ phim “Kinh Kông” của Mỹ (xin lưu ý rằng, đầu những năm 80 phim nước ngoài được xếp vào loại phim tư liệu, xem trong nội bộ hoặc khách mời diện hẹp là có giá lắm), tôi chợt nhận ra mình cũng có một thế mạnh. Ðó là tôi có thể kiếm được những cặp vé xem phim tư liệu. Ngay ngày hôm sau, tôi mạo hiểm xông thẳng vào phòng làm việc của ông viện trưởng, trình bày lưu loát và xin được cặp vé xem bộ phim “Cuốn theo chiều gió”. Có được “thế mạnh” rồi tôi phóng thẳng ra cửa hàng lương thực, đứng ở gốc cây nhìn vào chọn một cô có gương mặt dễ coi nhất, đôi mắt có nét mơ màng nhất, vì tôi đoán là chỉ những cô như thế mới ham thích nghệ thuật, mới thấy cái giá của “phim tư liệu xem diện hẹp”. Chọn xong, tôi đứng chờ cho đến 5 giờ chiều, khi cửa hàng đóng cửa vì hết gạo, chứ không phải vì hết người mua. Tôi tiến đến chỗ người con gái đó, chào như đã quen biết:
- Chào em, bận lắm phải không, em?
Cô gái ngước nhìn tôi, cái nhìn thăm dò. Khi thấy tôi không mang túi, tải gì và ăn mặc cũng không đến nỗi, cô ngờ ngợ hỏi:
- Chào anh. Anh là...?
- Anh là “dân” nghệ thuật. Cũng đã vài lần mua gạo ở đây. Thấy em bận bịu suốt ngày, nay mang đôi vé để em mời bạn trai đi xem phim tư liệu giải trí vào chủ nhật – Tôi nói và đưa hai tấm vé cho cô.
Cô sững sờ cảm động trước cử chỉ của tôi. Ðôi môi tươi tắn của cô run run một lúc mà chỉ nói được có hai từ:
- Em xin.
- Ðơn giản có thế thôi. Chào em. Nhớ chủ nhật đi xem em nhé.
- Ở đâu ạ?
- Trong vé ghi rất nghiêm chỉnh rồi. Ðây là loại vé đặc biệt, hàng ghế ưu tiên.
- Em cảm ơn anh quá! Em xin! – Cô nhắc lại hai từ lúc nãy.
- Không có gì! - Tôi nói rồi bỏ đi ngay và thầm đoán rằng thế nào cô cũng sững sờ nhìn theo tôi.
Chủ nhật, ngày cô gái đi xem phim, tôi có đến nơi chiếu nhưng muộn hơn và xin người canh cửa cho đứng ghé ở một góc, vì tôi không có vé. Khi buổi chiếu sắp kết thúc, tôi ra trước tìm một chỗ quan sát. Dòng người từ cửa buồng chiếu chen nhau ra, ai nấy đều thì thầm với nhau, nét mặt rạng rỡ, chắc là họ đang nói về cái hay của bộ phim. Cô gái cũng đi xem phim. Ði có một mình. Ra khỏi cửa, cô có ý tìm ai đó. Tôi tiến lại chỗ cô. Cô rất mừng khi nhận ra tôi. Chào cô rồi tôi hỏi:
- Bạn trai em đâu?
- Em không có bạn trai. Em đã rủ cô cửa hàng trưởng đi nhưng cô ấy bận việc đột xuất, thành ra thừa vé, phí quá. Phim hay anh nhỉ. Các anh thích thật đấy.
- Ðây mới là phim hay vừa vừa thôi, có nhiều bộ còn mê ly. Nếu em thích, anh sẽ đưa vé cho em đi xem thường xuyên.
- Tên em là gì?
- Dạ Noan ạ - Cô gái tỏ vẻ ngượng, vì tôi biết cô nói ngọng tên của chính mình. Tôi hỏi chuyện cho cô khỏi lúng túng:
- Nếu Loan đồng ý, anh mời Loan đi ăn kem. ở chỗ kia có kem “Bắc Cực” ăn được lắm!
- Em phải về thổi cơm cho mẹ.
- Ăn kem cũng nhanh thôi mà. Nhà Loan có xa lắm không?
- Cũng gần thôi, ở Hàng Bồ anh ạ.
- Bây giờ là 9 giờ 30 phút, mười giờ Loan về vẫn kịp.
Loan không đáp, theo tôi vào quán kem “Bắc Cực”. Từ bữa đó, tôi và Loan quen nhau, rồi yêu nhau. Tất tật tem phiếu về lương thực của nhà tôi, của các bạn thân tôi có hộ khẩu trong phường đều gửi cả ở chỗ Loan, cứ cần lúc nào ra mua lúc ấy mà bao giờ cũng được ưu tiên bán cho loại ngon nhất. Tôi cũng đã chấn chỉnh thường xuyên để Loan không nói ngọng tên cô và những tên người có chữ “L” đứng trước. Mẹ tôi, bà chị quá lứa của tôi mừng cho tôi lắm. Mỗi khi Loan đến nhà tôi chơi, mẹ tôi nhìn cô bằng sự ngưỡng mộ. Cụ khen cô vừa có tướng phúc hậu, vừa có sự dịu dàng. Các em trai tôi thì bảo, giá chị Toàn (chị gái của tôi) mà được như chị Loan thì nhà tôi sẽ đổi đời. Mẹ tôi bảo: “Có voi đòi tiên, chỉ cần một cái Loan là đủ. Phúc lộc vào nhiều một lúc thường có họa”. Chúng tôi yêu nhau được hai năm. Rồi vào một ngày giáp Tết, sau chuyến đi công tác ở Lạng Sơn về, tôi hớn hở mang đến nhà Loan cành đào phai thứ đặc sản của tỉnh biên giới, cành đào mà người láng giềng của tôi, làm ở ngoại giao đoàn, gạ tôi một tờ (100 USD) để anh đặt vào phòng khách ngôi nhà mới xây, tôi cũng từ chối. Loan đi vắng. Bốn cô em gái của Loan ngày thường hồ hởi với tôi bao nhiêu thì bữa nay vừa lạnh nhạt, vừa lúng túng bấy nhiêu. Cô thứ nhì, tuổi Dần tên cũng là Dần, cái cô rất có cá tính, trán dô, có duyên nhất nhà thẳng thắn bảo tôi: “Anh Tôn ơi, năm nay nhà em “chơi” quất, anh mang đào về cho cụ bên nhà. Nghe nói “chơi” cả đào, cả quất năm mới không hên”. Tôi biết có chuyện rồi hỏi thẳng cô Dần: “Chị Loan đâu, Dần?”. “Tối nay anh đến đi, chị Loan sẽ nói chuyện hoàn cảnh với anh”. Dần bảo thế và nhắc tôi mang cành đào về.
Vừa bực, vừa tức, vừa tẽn, tôi vác cành đào đi ra. ở ngoài phố, tôi vứt cành đào đáng giá một tờ vào cái thùng rác. Chả ai hoài của quý, một bác qua đường nhặt lấy ngay. Bác ta cẩn thận gỡ những mụn rác bám vào cành đào khen đào đẹp và mang đi.
Ðúng như Dần nói, Loan không tránh tôi vào buổi tối. Cô mời tôi ra vườn hoa Hàng Ðậu. Cô đưa ra lý do. Tôi và cô yêu nhau hai năm rồi mà chưa một lần tôi nói đến chuyện cưới cô. Loan cũng nói thẳng ra rằng, nhìn bà chị tôi, nhìn ba thằng em trai tôi cô hãi lắm. Nếu tôi có cưới cô về thì vợ chồng sẽ ở đâu? Chả lẽ lại làm giường cưới trên gác xép? Mà cô thì cần phải lấy chồng để em gái bốn đứa của cô mới có cơ hội đi lấy chồng được. Loan nói xong thở dài não ruột. Tôi hét lên:
- Rõ rồi.
Và đứng phắt dậy về thẳng, mặc dù Loan có gọi với theo tôi. Trong thâm tâm dù đã thề độc rằng, sẽ không bao giờ nhìn mặt Loan nữa nhưng ngày cưới Loan tôi vẫn đến, mừng một đôi vé đi xem phim. Tôi ngạo nghễ nhìn chú rể. Anh này trông hiền lành nghe nói là học ở Tiệp về. Loan xem tôi như nhiều người quen biết khác, hơn hớn cùng chú rể tiếp khách.
Một thời gian sau, chuyện tem phiếu được dẹp bỏ. Gạo ngon có người mang đến bán tận nhà, thậm chí mua chịu cũng được, vì thế, tôi chẳng phải đi đong gạo nên cũng không biết cuộc sống của Loan thế nào. Rồi tôi cưới vợ, ở rể.
Ít lâu sau, chị Toàn tôi được một anh 46 tuổi yêu chết mê chết mệt, cứ đòi cưới tắp lự. Chị tôi có ngủng nghỉnh làm bộ vài lần rồi thuận tình lấy anh. Hai em trai tôi cũng theo gương tôi đi ở rể. Chúng nó không may bằng tôi, bởi rơi vào chỗ đông người, đất cát nhà cửa chia bôi thế nào chẳng rõ, cứ thấy ít bữa lại kéo nhau ra toà. Cuối cùng rồi họ phải bán nhà, chia mỗi người một ít, tản ra các phía rồi mới yên ổn được. Mẹ tôi ở với thằng út, nó thừa hưởng chỗ 20m2 nhà cấp bốn. Vợ nó đi làm “liên doanh” nên nhanh chóng xây được nhà ba tầng. Nó vẫn hay so bì với tôi. Nó bảo, nếu có chỗ đất như tôi, nó làm biệt thự năm tầng có khuôn viên, có gara ôtô, tầng chót thì làm bể bơi. Nghe nó nói thế, tôi chỉ cười.
Ngồi uống cà phê với Loan tôi được biết thêm, cô đã có căn hộ bốn phòng, sống độc thân, đã nghỉ “chế độ” nhưng mới nhận làm cố vấn tiếp thị cho một công ty trách nhiệm hữu hạn. Cô bảo cô rất buồn, rất cô đơn. Cô còn thổ lộ chỉ có tôi mới mang đến cho cô tình yêu đích thực, rằng hai năm yêu tôi, cô “được” nhiều lắm. Cô thừa nhận sự nông nổi, vô duyên của mình. Cô đề nghị tôi hãy đưa cô đi chơi xa một lần. Ðưa ra đề nghị ấy, cô nhìn xoáy vào mắt tôi đam mê chờ đợi. Tôi cảm động nắm lấy đôi bàn tay có những móng dài đỏ chót của cô, đưa lên môi hôn. Tôi thấy cô run lên, giọng lạc đi: “Hoàng tử của em”. Tôi nuốt khan khối rạo rực, thảng thốt hỏi: “Em đã đi Ao Vua chưa?” “Ði đâu cũng được càng xa Hà Nội càng tốt”. “Hay đi Suối Tiên”. “Tuỳ anh”. Chúng tôi chấp thuận cùng nhau đi Thiên Thai. Bảy giờ sáng hôm sau tôi sẽ đón Loan. Chia tay Loan, tôi rẽ vào nhà thằng bạn, cái thằng hay bảo tôi là “Chó chui gầm chạn”, dặn nó như thế, như thế... Buổi chiều hôm đó, tôi lòng dạ bồn chồn như lửa đốt. Buổi tối không biết ma quỷ mê hoặc thế nào, tôi tháo budi ra lau. Thật ra thì tôi lo xa thôi. Ði chơi với người tình cũ, người tình đang cô đơn, đang xem tôi như một cứu cánh mà xe lại tậm tịt thì hoài thời gian lắm. Khi thằng bạn đến, cụ thể cái sự “như thế, như thế...” của tôi bằng thông báo đi quay lễ hội vào ngày mai. Về rồi, tôi buồn tay thế nào lại ấn đề cho xe nổ không tải một cách ngu ngốc. Tắt máy xong, tôi đi vào, đi ra, huýt sáo vang nhà.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, lau sàn nhà, đun nước, đi mua đồ điểm tâm, mời ông nhạc ăn sáng. Thời gian trôi thật là chậm. Mãi kim đồng hồ mới nhích đến 6 giờ 45 phút. Tôi chào bố vợ và vợ đi trước. Ra khỏi nhà, tôi phóng như bay về phía Hàng Bồ. Loan đã chờ tôi ở đầu phố. Tôi dừng xe nhanh. Loan lên xe cũng nhanh. Cả hai lặng lẽ rời “toạ độ chết” đi về phía Yên Phụ, dọc theo đê Nhật Tân phóng với 60, 70km giờ hướng về đường cao tốc. Chỉ hết 55 phút chúng tôi đã đến Thiên Thai. Dừng lại trước một quán ăn, tôi định mua mấy thứ nhưng Loan bảo không cần, cô đã chuẩn bị đầy đủ cho hai đứa... cả ngày. Thuê phòng, nhận chìa khóa xong, Loan nhắc tôi là mang cả xe vào phòng. Khi cái thế giới riêng được chốt cài cẩn thận, chúng tôi vồ lấy nhau mà hôn. Loan trẻ trung cù vào ngực tôi: “Có ma kia! ma đấy!”. “Không sợ”, tôi đáp và siết cô vào ngực mình. Bỗng có tiếng gõ cửa rất gấp rồi giọng cô lễ tân: “Anh gì, chị gì ơi, em gửi phích nước”. “Ðể đấy”. “Anh ơi, có việc đấy!” “Gì cơ?” “Mở cửa em nói cái này”. Chúng tôi vội rời nhau. Tôi thầm bực bõ với cách phục vụ của mấy cô nhà khách tỉnh lẻ.
- Gì đấy cô? - Vừa mở cửa, tôi cau có hỏi.
Cô phục vụ mặt tái mét, nói nhỏ với tôi:
- Hình như là vợ anh đi tìm anh. Chị ấy người cao cao, có một chú đầu húi cua, da đen đen đèo chị ấy. Họ vừa vào lễ tân đấy. Anh có để lại giấy tờ gì không?
- Thuê trọn gói trả tiền trước, không để lại gì?
- Vậy anh chị “thoát” nhanh lên. Ðây có lối vòng ra nhà 4C đi ven hồ ra đường lớn, chị ấy không phát hiện được đâu.
- Cứ đóng cửa ở trong này đã sao?
- Chị ấy biết anh đến đây rồi. Tuần trước có một trường hợp đánh ghen phải đưa đi bệnh viện đấy anh ạ. Lúc đầu, nói anh đừng giận, lễ tân cũng nghi anh nhưng... nể, thành ra...
Nghe xong, tôi bủn rủn cả người. Loan đến sau tôi, bảo: “Anh sợ thì đi về”. Tôi trả lời liều: “Sợ thì không nhưng phiền phức lắm. Chả gì mình cũng phương diện...”.
- Thôi về cho khỏi rách việc, chú thỏ, về!
Tôi dúi vào tay cô gái phục vụ tờ 20 ngàn rồi lập cập dắt xe ra. Cô gái hướng dẫn chúng tôi lối thoát như cô đã nói. Ra đường, mặt Loan nặng như chì, tôi phải động viên: “Mình về một khách sạn ven Hồ Tây có được không? Ở đó, họa là trời có mắt mới tìm thấy”.
- Xin lỗi. Anh đưa em về ngay đi! - Loan nói xong, quẳng cái gói đồ ăn, thức uống xuống hồ, môi mím lại chỉ còn một vệt như sợi chỉ.
Biết nói gì lúc này cũng chỉ là đổ thêm dầu vào lửa nên tôi chờ Loan ngồi lên xe là vù đi ngay. Tôi phóng hết cỡ vì như thông báo của cô phục vụ thì người thanh niên kia chính là cháu họ vợ tôi, thằng này có biệt tài đi xe máy. Nó đã rủ tôi lên đỉnh cầu Thăng Long, chờ lúc vắng người, phóng xe với tốc độ 160km một giờ để tìm cảm giác mạnh, tôi hy vọng trong trường hợp này, hắn vì “quyền lợi danh dự” của nam giới mà tìm kế hoãn binh hộ tôi, chứ với sức hắn, với cái Suzuki 350cm3 của hắn thì họa tôi có bay mới thoát. Ði được mười phút, thấy đã ra đến gần ga xe lửa tôi ngoái lại thấy không có cái đuôi nào bám đã mừng. Tôi nảy ra ý định đi ngược lên mạn trên. Thì chắc chắn là thoát. Nhưng cái ý nghĩ ấy chưa kịp thực hiện thì xe tôi ì ra, giống như là hết xăng. Tôi nhìn đồng hồ nhiên liệu, thấy kim vẫn chỉ ở con số 3 nghĩa là xăng trong bình vẫn còn đầy. Chiếc xe dừng lại, tôi mở cửa gió, đề. Máy ặc lên rồi tắt. Kiểu này là trục trặc ở budi rồi. Tôi đẩy xe vào sau cái bảng tin. Mắt nhìn về phía Thiên Thai. Chỉ thấy có vài bóng xe nhỏ xíu đang phóng tới. Loan cắm cẳn dẫm chân, không muốn lại chỗ bảng tin. Tôi hét lên: “Muốn chết à! Có nép vào đây không thì bảo” – Hét xong, không đợi Loan có nghe hay không, tôi đẩy chiếc xe tậm tịt vào phía sau cái bảng tin. Khốn nỗi vì vội nên bánh trước sa xuống ruộng ngập đến tận moay-ơ. Loan đến, giúp tôi kéo nó lên, giúp tôi đẩy. Khi đã tìm được chỗ khuất, tôi ló đầu, kiễng chân nhìn về hướng cũ, thấy có người đi xe tới, nhưng không phải thằng cháu vợ tôi.
Tôi tháo budi, lóng ngóng lau, mồ hôi túa ra. Loan thì tựa lưng vào bảng tin, khoanh tay cười. Tôi cáu, hỏi: “Cười gì?” Loan khủng khỉnh: “Cười đời”. Tôi nhẫn nại gõ gõ cái budi vào máy, thử xem nó có đánh lửa hay không. Những tia lửa xanh tí tách nổ. Mừng quá, tôi lắp nó vào, đang chuẩn bị đề cho nổi thì chiếc xe Suzuki 350cm3 tựa như từ trên trời rơi xuống, quành một đường rất khéo đến sát tôi, chỉ còn cách độ 60 phân. Thắng cháu họ trời đánh ngoan ngoãn: “Cháu chào chú Tôn ạ, cháu chào cô gì ạ”. Tôi đứng như bị găm chân xuống đất. Vợ tôi nhẹ nhàng hỏi: “Anh Tôn, sao lại thế này? Xe đã sửa xong chưa, anh?” “Xong rồi”, tôi đáp như một cái máy và đáo mắt nhìn Loan. Loan nhìn trừng trừng vào tôi. Tôi vội tránh cặp mắt ấy.
- Anh Tôn, sửa xong xe thì mời anh về.
- Về – Tôi đáp vu vơ rồi đẩy cái xe ra đường. Chả biết sức mạnh nào khiến tôi đẩy nó băng băng trên bờ mương gồ ghề. Ra đến đường cái, tôi mới sực nhớ là còn Loan nữa. Làm sao bây giờ? Tôi chưa nghĩ ra giải pháp thì vợ tôi lại giục.
Lời cô nàng lúc này kiên quyết hơn:
- Anh ngồi lên xe đi về.
- Thì về – Tôi “đề” và phóng xe đi.
Thằng cháu họ đèo vợ tôi “áp tải” phía sau. Khi tôi phóng nhanh thì thằng cháu lướt tới dặn:
- Chú Tôn ơi, cô bảo đừng phóng nhanh nguy hiểm.
Tôi không đáp cứ giữ tốc độ một cách ngang bướng, vì tâm trạng tôi vô cùng bực bội. Trời ơi, Loan sẽ về nhà bằng cách gì? Cô sẽ nghĩ về tôi như thế nào? Sao lúc vợ tôi giục tôi về, tôi không can đảm nói với Cúc rằng, dù gì thì gì cũng phải đưa Loan về? Sao tôi không chào Loan một câu? Cố nhiên là Loan sẽ không ngồi chung xe với tôi, bởi làm thế thì có khác nào trêu ngươi vợ tôi nhưng ít ra tôi cũng phải gọi cho Loan một “cuốc” xe ôm chứ?
- Anh Tôn, anh không cần phải phóng nhanh như thế – Khi thằng cháu chở vợ tôi vượt lên, Cúc nói như quát với tôi, điều mà mấy năm chung sống, cô chưa một lần dám thế.
- Chết thì thôi, cần quái gì! – Tôi trả lời liều. Vợ tôi không đáp, nói gì với thằng cháu rồi thấy nó cho xe lên chắn lấy xe tôi. Vợ tôi xuống, ngồi sang xe của tôi. Thằng cháu rồ ga đi chầm chậm phía trước cản đường không cho tôi phóng nhanh nữa.
Chúng tôi về đến thành phố, thằng cháu họ vụt biến mất vào dòng người đông đúc. Tôi gợi chuyện:
- Em với cháu đi từ lúc nào?
Cúc không đáp. Tôi lẳng lặng đi tiếp. Một lúc sau, tôi buồn mồm, lên tiếng thanh minh:
- Ðừng bực anh nữa. Chưa có chuyện gì đâu.
Vợ tôi vẫn im lặng.
Khi tôi định rẽ vào lối để về nhà, Cúc mới mở miệng:
- Ði thẳng đi anh Tôn
- Ði thẳng là thế nào?
- Ði thẳng là đi thẳng chứ còn thế nào nữa.
- Thế, em không muốn về nhà à?
- Về nhà! Anh không phải hỏi nữa!
Thì ra nàng bảo tôi đi thẳng, tức là “dong” tôi về nhà mẹ đẻ của tôi. Chà, mới cao tay làm sao! Khi về đến gần nhà mình, tôi lo cuống cả lên, nói như xin với vợ:
- Làm khổ anh thì em được cái gì? Cúc ơi, thương anh đi!
- Anh cứ về, không ai làm khổ anh đâu.
- Em muốn giao thằng con hư cho mẹ anh chứ gì? “Xấu chàng hổ ai” em ơi!
Vợ tôi không trả lời nhưng nghe tiếng chép miệng, tôi biết cô nàng cười khẩy, củng cố quyết tâm “riềng” tôi. Tôi phải nghĩ cách khác để tự bào chữa cho mình trước mặt mẹ đẻ. Cũng may cho tôi, vợ chồng thắng út đi vắng, chứ chường cái mặt của thằng đàn ông ngoại tình ra với em trai, em dâu thì còn ra thể thống gì nữa. Thấy mẹ tôi, vợ tôi nhào lại chỗ cụ, khóc nức nở như sắp chết đến nơi. Không cần hỏi, mẹ tôi đã hiểu có sự. Bà hỏi tôi:
- Thằng Tôn vụng trộm gì phải không?
- Mẹ ơi chưa có gì đâu ạ, cô ấy nông nổi.
Câu nói của tôi như ngọn gió bùng lên nỗi ức trong vợ tôi. Cúc khóc òa lên, rồi nói trong tiếng nghẹn:
- Mẹ ơi, anh ấy đưa người yêu cũ đi khách sạn, con bắt được quả tang mà anh ấy còn bảo con là nông nổi. Mẹ ơi, khổ con quá!
Mẹ tôi ôm lấy Cúc, vuốt tóc cho nàng và bà nhìn tôi nghiêm khắc, mắng:
- Thằng khốn, sao mày còn đứng đực mặt ra đấy? Mày còn không về đi à? Về!
- Mẹ...!
- Tôi bảo anh về đi cho mẹ con tôi yên.
- Mẹ...!
Tôi cố giãi bày thì mẹ tôi đứng dậy, bà tát cho tôi một cái và tiếp tục đuổi tôi đi. Tôi lầu bầu, cắm cẳn, dắt xe ra khỏi nhà mẹ đẻ. Dọc đường, tôi mới nhận ra sự khéo xử của mẹ mình. ừ, liệu tôi ở đó thì giải quyết được gì, chỉ thêm ngứa mắt vợ tôi. Lúc này, nàng đang hết sức đau khổ, cần phải có nơi để dốc cho hết nỗi niềm. Tôi tin với bản tính hiền lành, khéo khuyên nhủ, mẹ tôi sẽ giúp nàng vợi đi. Yên được một phần, tôi lại phải lo đến phần tiếp. Về nhà sẽ nói với ông nhạc tôi thế nào đây? Ông đã quý tôi như thế. Tôi đã có lúc lấn lướt ông như thế. Nhà đã cháy, chuột đã lộ mặt. Ôi cái mặt chuột của tôi giờ đây lò dò về nhà! Tôi quyết định sẽ nói hết sự thật với ông cụ. May ra cụ sẽ thông cảm, cụ “ân xá” cái sự đam mê ma xui, quỷ mướn ngu muội của tôi.
Tôi về nhà, ông nhạc đang ngồi ghi chép. Tôi chào cụ, pha ấm trà, mời cụ uống nước. Khi cụ đã ngồi, đã uống trà và hỏi thăm công việc quay “lễ hội” của tôi, tôi ấp úng thưa lại với cụ câu chuyện vừa xảy ra và luôn nhấn mạnh câu:”Chưa có chuyện gì đâu ạ”. Nghe tôi trình bày xong, ông cụ chưa phán xét ngay. Tôi lấm lét nhìn bố vợ. Nét mặt luôn điềm tĩnh của cụ buồn hẳn đi. Tôi hiểu rằng, cụ ít nhiều bị sốc, cụ đang thất vọng về tôi. Thấy cụ nhìn tôi, tôi vội cúi mặt xuống ấp úng:
- Con mong bố thương, vả lại cũng chưa có chuyện gì.
- Tối qua – ông nhạc tôi chậm rãi nói – nhìn anh loay hoay với xe pháo, nói anh thông cảm, tôi đã thấy sự bất thường. Cũng thật tiếc, anh lại để cho cái Cúc nó biết. Mà con bé cũng xốc nổi quá, tại sao lại phải đưa anh về bên cụ? Như thế là nó hỗn với cụ quá. Thôi thì đằng nào chuyện cũng xảy ra rồi, anh cứ “hoạt động” bình thường. Mọi việc anh để tôi lo. Mai kia rỗi tôi phải đến xin lỗi cụ bên nhà.
- Thưa bố, trăm sự là tại con. Cúc không có lỗi ạ.
- Anh không phải nói nhiều. Có phải đi việc gì thì cứ đi đi.
- Dạ, cũng không có việc gì ạ. Con mời bố xơi nước.
Ông cụ nhấp môi chén trà tôi vừa rót thêm rồi đứng dậy, đi lại cái bàn, tiếp tục viết lách. Tôi cũng ngượng ngùng đứng dậy. Nhìn quanh chả có việc gì làm, tôi lại lau nhà, việc mà lúc sáng tôi đã làm. Lau xong tầng dưới, tôi lên tầng trên lau cửa kính, cửa sổ, đầu óc suy nghĩ mông lung, làm mà chả biết làm việc gì. Tôi đã nhầm thảm với nền nhà nên “lau” thảm một lúc mới sực nhớ ra, lại phải dùng quạt để quạt cho khô cái thảm ướt. Quạt không được, lấy bàn là ra là làm cho thảm cháy khét lẹt.
Vợ tôi về. Tôi rụng rời chân tay. Tôi lẻn ra chỗ cầu thang xem, nàng sẽ “tố” với ông nhạc những gì. Tôi thấy Cúc không khóc như lúc gặp mẹ tôi nên cũng có phần mừng. Chờ cho Cúc cất xong mấy thứ, tôi nghe tiếng ông nhạc gọi con gái:
- Cúc, con ra đây bố nói cái này.
Rồi tôi nghe tiếng ông nhạc vừa nghiêm khắc, vừa nhỏ nhẹ:
- Anh Tôn có lỗi với con nhưng con xử sự như vừa rồi là không phải. Còn có biết con làm thế là xúc phạm đến cụ bên nhà không?
- Bố lại nghe anh Tôn mách gì rồi! - Vợ tôi nói thế rồi khóc òa lên.
Ông nhạc tôi nói tiếp:
- Bình tĩnh con gái.
- Con bình tĩnh lắm, con mới xử sự như thế. Nếu là người khác…
- Con chưa bình tĩnh đâu. Nghe bố đã. Vậy con so con với người đàn bà kia ai hơn?
- Con kém cỏi nên anh Tôn mới làm khổ con thế.
- Khiêm tốn, nhún mình là quý nhưng con nói chưa thật lòng. Anh Tôn đã nghe con, đã phải theo con về nhà mẹ đẻ của anh ấy, thế là con đã hơn đứt người phụ nữ kia, đúng không?
- Chả qua là anh ấy bị con phát hiện.
- Dù sao thì anh Tôn đã nghe con. Nói cho phân minh ra, trong trường hợp này con thắng cả hai. Người thắng trận nên bao dung, đại lượng. Ngay ngày mai, con phải sang xin lỗi bà cụ, còn vợ chồng, lúc thấy được, con phải có lời với anh Tôn.
Nghe bố vợ nói thế, không đừng được, tôi vội chạy xuống chắp tay:
- Thưa bố, tại con, tại con tất cả. Con phải là người xin em Cúc tha thứ.
- Anh cứ đi lên nhà lo công việc. Trong chuyện này bố là người bình tĩnh nhất để phân xử đúng sai.
Tôi đành phải cun cút đi lên. Tôi không dám theo dõi cuộc trò chuyện của bố vợ và vợ tôi nữa. Ðến tối, tôi chủ động xin Cúc tha thứ nhưng nàng lặng im. Tiếp những ngày sau, trong bữa cơm hay lúc có ông nhạc, bao giờ Cúc cũng mời chào đúng phép, còn khi chỉ có hai vợ chồng, tôi có hỏi gì nàng cũng im lặng. Tôi rơi vào hoàn cảnh “chó chui gậm chạn” thật. Thôi thì đành lấy công chuộc tội, ngoan ngoãn, nhẫn nại “thi hành” đến cùng các tình tiết của kế khổ nhục. Mất đúng ba tháng mười tám ngày, tôi lăn đùng ra ốm, một trận cảm cấp. Lúc đó, vợ tôi mới mở miệng với tôi, mới chăm sóc tôi như xưa. Lựa lúc nàng dịu dàng nhất, tôi ngỏ lời xin tha thứ, nàng gí tay vào trán tôi bảo:”Chuyện cũ cho qua. Anh mà để xảy ra chuyện gì nữa thì em không chịu đâu”. “Biết tội đáng chết rồi!”. Tôi thở phào nhẹ nhõm, tôi thầm cảm ơn trận ốm. “Chiến tranh lạnh” đã qua, đám mây u ám nặng nề trong nhà tôi đã được sự khoan dung của Cúc xua đuổi. Ba tháng mười tám ngày chịu trận, tôi đã có thói quen rửa bát, quét nhà, chiều chiều cứ quanh quẩn bên vợ chờ sai vặt. Nhiều hôm, vợ tôi phải giục tôi ra hầu chuyện ông nhạc.
Cho đến một ngày, chỉ có tôi và bố vợ ở nhà, ông cụ bảo tôi:
- Thế, anh Tôn đã đến xin lỗi bạn gái dạo nào chưa?
- Bố lại trêu con! – Thấy ông nhạc nói vui nên tôi cũng đáp lại một cách thoải mái.
- Có dịp nào thì đến xin lỗi người ta đi. Bỏ rơi đàn bà, con gái giữa đường như thế là không phải.
Tôi không dám bày tỏ tình cảm của mình trước câu nói của bố vợ. Song sau đó, tôi lại nghĩ đến Loan, nghĩ dến chuyện hồi ba tháng trước. Loan về nhà bằng cách gì? Loan có thông cảm cho hoàn cảnh của tôi không?... Và vài ngày sau, tôi có bí mật đến nhà Loan để xin lỗi cô. Tôi vào nhà. Loan đang làm bếp. Tôi chào cô. Cô im lặng. Khi tôi hỏi Loan: “Hôm trước Loan về nhà bằng cách gì?” thì cô quắc mắt nhìn tôi. Tôi cười trừ tỏ vẻ làm thân, tiến đến chỗ Loan. Bất ngờ, cô cầm cái chảo, trong đó có hai quả trứng đang sôi lên trong mỡ, hắt về phía tôi. Tôi tránh kịp. Hai quả trứng cùng với mỡ nóng lao thẳng vào tường, bám chặt và tỏa nhiệt nghi ngút.
- Loan! – Tôi bàng hoàng kêu lên.
- Cút! - Loan nói và tìm cái gì đó như muốn ném vào tôi nữa.
Tôi vội ra khỏi nhà Loan. Hành động của Loan làm tôi buồn và nghĩ ngợi lắm. Bên tai tôi vang lên lời của vợ: “Bố không hiền đâu. Bố biết hết đấy!”. Có phải ông nhạc tôi bảo tôi đến xin lỗi Loan hay là cụ muốn Loan dạy cho tôi một bài học? Nghĩ đi, nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng, ông nhạc tôi sai tôi đi với dụng ý tốt, ông cụ chẳng thể đoán trước được cái kết cục mà Loan đã đối xử với tôi vừa rồi. Có điều từ bữa đó, mỗi lúc được hầu chuyện ông cụ, tôi đắn đo cân nhắc trước khi đưa ra chính kiến của mình. Vợ tôi khen tôi là ngoan, tôi đáp lời nàng như người từng trải: “Mỗi tuổi, mỗi khôn, em ạ”.

Xem Tiếp: ----