Mỗi độ xuân về, dưới ánh thiều quang lại hiện ra một trời hương sắc. Tiết dương xuân giục giã cho muôn hoa đua nở như để khoe khoang sự nhiệm mầu nhiệm của thợ trời.
Cánh hoa thật là muôn màu, từ màu trắng thanh khiết u nhã, màu xanh lợt xoa dịu đam mê, màu hoàng yến đường hoàng kiêu hãnh, màu phấn hồng êm ái ôn nhu, màu tím cà ôn nhu thoát tục, màu tím than an ủi đau thương, đến màu đỏ sậm nặng gieo máu lửa …
Yên Đổ dường như tự dối mình nên mới nói:
Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi
Đếch có mùi thơm, một tiếng khà?
Cụ đã lòa nên chê những đóa hoa không hương, chứ nếu nhớ lại khi còn trông tỏ, như ông Cuội trên vũng lội làng Ngang chắc cụ cũng phải chịu rằng không có tay họa sĩ nào trên thế gian có tài họa màu như thợ trời và những hoa không hương lại được những cách điệu, những bóng dáng vừa tinh vi, vừa uốn éo thướt tha giúp cho thỏa mãn con mắt trần khao khát vẻ tuyệt mỹ.
Những cánh hoa tươi mát, mịn hơn thớ da thật mịn, mềm mại như tơ lại óng ả như satin, có những đường cong mà mỗi khi bàn tay mơn trớn là thấy dâng lên một khoái cảm đê mê.
Nhưng Yên Đổ chú trọng đến mùi thơm của hoa cũng phải. Có mùi hương trinh bạch như tuổi dậy thì, có mùi hương phảng phất thoang thoảng, có mùi hương ngây ngất dâm tà, có mùi hương cay như hồ tiêu, thanh thoát như chanh, có mùi hương kiêu hãnh, lại có mùi hương khiêm tốn như lầm lũi không muốn phiền ai, trái hẳn với mùi hương sực nức hăm he chinh phục mọi người. Có mùi hương gây nỗi nhớ, làm cho ta giật mình thoáng thấy mùi hương thuở nào của một khoảnh khắc say đắm đã tan đi không dấu vết, chỉ để lại trong tâm linh mình một rung động, một luyến tiếc cảm thương, một chia ly rạn vỡ, một vắng vẻ mênh mông “Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa …”
Tóm lại, hoa không phải chỉ là một vật thơm, đẹp mà thôi. Vóc dáng, hơi hướng, hòa với mùi tóc, mùi da, mùi lụa là xông ướp, có lúc phong kín như mối tình câm, có lúc bay ra phô những hả hê của thân xác, bấy nhiêu kết lại còn là một bùa thiêng khiến cuộc đời buồn tẻ, xấu xa ở trong “thung lũng nước mắt” được điểm xuyết đây đó một vài nét diễm ảo thần tiên.
Chẳng thế mà từ người phong nhã cho đến kẻ phàm phu, ai cũng yêu hoa. Tục tử như Tú Xương cũng còn:
Người thưởng hoa ta há lẽ không
Vườn xuân ta hái một vài bông
Đem về thư viện bên chồng sách
Hớn hở đua cười với hóa công
Nếu lại mớm lời cho hoa như người Tây phương, thì hoa đúng là một thứ trung gian khả ái nhất cho khách đa tình. Ngôn ngữ của hoa thật là uyển chuyển:
- Mã Tiên (verveine): nỗi lòng kín chẳng ai hay.
- Bách hợp (lys): tình trong sạch
- Dạ hương (belle de nuit): e ấp không thốt nên lời
- Đồng thảo (violette): khiêm tốn quá
- Sơn trà (camélia): biết đâu mà tin
- Thúy cúc (marguerite): Yêu ai hơn hết
- Uất kim hương ( tulipe): chiến thắng tức là tái sinh
- Cẩm chướng (oeillet): thâm tạ ơn lòng
- Hồng hồng (rose rose): trìu mến
- Hồng nhung ( rose rouge): say đắm
- Nhài ( jasmin) ngây ngất
- Lưu ly (myosotis): xin đừng quên nhau
- Thu mẫu đơn (anémone): chia ly, phản bội
- Cúc (aster): Bao giờ cho hết khổ đau!
Cả một diễn biến của mọi cuộc ái ân
Hoa đáng yêu, đáng quý như thế, nên chúa Trịnh Sâm xưa kia cắt người chăm nom rất chu đáo những khu vườn hoa trong nội phủ. Mỗi sớm, một thị nữ dâng lên long án một lẵng hoa, lựa theo đúng tiết. Cứ 15 ngày qua một tiết, là đổi loại hoa. Chúa dập theo cách thức của Trung Hoa, mỗi năm tám tiết, từ tiểu hàn đến cốc vũ, mỗi tiết ba thời hầu, mỗi thời hầu năm hôm, là vì cho rằng gió trời cứ 5 ngày lại đổi chiều cho thích hợp với một loại hoa. dường như gió giữ lời hứa với hoa, gió nào hoa ấy chẳng sai, nên có tên là hoa-tín-phong.
Tám tiết, 24 thời hầu và 24 ngọn hoa-tín-phong cùng 24 thứ hoa hứng gió mà nở, kê ra như sau:
Tiểu hàn
Nhất hầu: Mai
Nhị hầu: Sơn trà
Tam hầu:Thủy tiên
Đại hàn
Nhất hầu: Thụy hương
Nhị hầu: Lan
Tam hầu: Sơn phàn
Lập xuân
Nhất hầu: Nghênh xuân
Nhị hầu: Anh đào
Tam hầu: Vọng xuân
Vũ thủy
Nhất hầu: Thái
Nhị hầu: Hạnh
Tam hầu: Lý (mận)
Kinh chấp
Nhất hầu: Đào
Nhị hầu: Đường lê
Tam hầu: Tường vi
Xuân phân
Nhất hầu: Hải đường
Nhị hầu: Lê
Tam hầu: Mộc lan
Thanh minh
Nhất hầu: Đồng
Nhị hầu: Mạch
Tam hầu: Liễu
Cốc vũ
Nhất hầu: Mẫu đơn
Nhị hầu: Đỗ mi (trà mi)
Tam hầu: Luyện
Những hoa trên nhiều loại ở ta không có, mà loại nào có cũng ít khi thủ tín được với thời hầu. Thành ra bọn cung nhân trồng cả trăm loài rồi ép mỗi loài nở vào một tiết. Hoa trồng chốn thâm cung, coi vậy, cũng bị kềm chế như người đẹp trong đó.
Nhưng ép thì ép vậy, ít khi hoa đúng hẹn với gió, mà không đúng hẹn thì chúa cũng đành vậy, vì tuy là người độc đoán, chúa cũng không kiêu ngạo quá trớn như mụ Võ Hậu khi xưa.
Võ Hậu sau khi cướp ngôi nhà Đường, lên địa vị “con trời”, tưởng mình đã là “trời con”, giết hại hàng ngàn người chưa hả, còn muốn ra oai với cả trăm hoa. Gặp tiết xuân, bà ngỏ ý muốn ngự du hậu uyển và ước ao khi đó trăm hoa đều nở. Cận thần tâu: “ Oai đức bệ hạ thần dân cảm phục, quỷ thần cũng nể vì. Xin bệ hạ giáng chỉ cho hoa thần, trăm hoa ắt phải tuân theo mà nở”
Chỉ giáng rồi, đến ngày ngự du, thị thần đi kiểm tra xem hoa có nở đều không, lát sau về phục chỉ:
- Trong mấy trăm loài hoa, nhiều loài chưa tới kỳ cũng sợ oai bệ hạ mà nở tung. Duy có hoa mẫu đơn không chịu nở tuy là đã đến mùa. Không những thế, một vài bông nở trước rồi cũng cụp cánh lại.
Võ Hậu nổi giận, ra lệnh cho đem tất cả mẫu đơn ở kinh đô Tràng An đày sang trồng ở Lạc Dương, mỗi cây phải đeo một thẻ bài có hai chữ “phóng trích” (đày bỏ).
Đày sang Lạc Dương hay đâu nữa, mẫu đơn vẫn cứ theo tiết mà nở, sá gì cái sắc lố bịch của hôn quân.
Người ta yêu hoa, thích trồng hoa, vun sới cho hoa. Song có một vườn hoa là một việc không khó khăn lắm, mà đủ thời giờ săn sóc cho hoa, dễ mấy ai làm được. Huống chi còn phải lấy chí tình ra đối đãi với hoa nữa, mới đúng cung cách của khách chơi hoa. Chứ còn khuân hoa về trồng đại trong vườn. mặc cho mưa nắng, hoa nở không biết, hoa tàn không hay, chỉ thêm mang tội với Chúa Xuân.
Chúng tôi xin đề cập đến một vài loại danh hoa mà ta đặc biệt ưa chuộng
HOA THỦY TIÊN
Hoa này vào hạng thanh quý nhất. Thi nhân thường ví nó với bậc giai nhân nhan sắc kiều diễm và tư chất thông minh. Có sách chép: Một phụ nữ họ Diêu, sống cô đơn bên cầu Trường Ly. Một năm vào tháng 11, đêm khuya nằm mộng thấy sao Quan từ trên trời rơi xuống đất hóa làm cây Thủy tiên, hoa đẹp và thơm, nàng liền hái mấy cánh bỏ vào miệng nhai nhấm nhí. Khi tỉnh dậy, hạ sinh một gái kháu khỉnh, lớn lên dung nhan lồ lộ, tư chất lại thông minh, chẳng bao lâu nổi tiếng văn tài. Nhớ điềm trong mộng, bà mẹ đặt tên cho con là Thủy Tiên.
Sao Quan nguyên là Nữ sử, coi về vận mệnh những phụ nữ có tài học. Vì vậy hoa Thủy tiên còn có tên là hoa Nữ sử hay hoa Diêu nữ. Thủy tiên ở ta không có. Hàng năm vào tháng một, ta mua những củ thủy tiên nhập cảng từ Trung Hoa sang, đem về gọt sửa rất công phu, hoặc đem trồng vào chậu cát.
Ở Hà Thành, khoảng 50 năm trước đây, mỗi tết, tại mấy ngôi đình danh tiếng, người ta có tổ chức những cuộc thi thủy tiên, củ nào chăm sóc cho được hoa, lá, rễ đúng cách và nhất là có vài bông nở đúng giao thừa, tất được chấm thưởng. Củ được giải quán quân được rước long trọng về đặt trên hương án để thờ tổ tiên, lấy làm một vinh dự cho niềm thành kính.
HOA LAN
Gây một vườn lan nho nhỏ không phải không tốn công phu. Trồng loại Mặc lan, Trần mộng tương đối dễ dàng vì là những giống khỏe, hoa đen giò lớn, có khi đậu được nửa tháng mới lụi. Tiểu kiều, Nhất điểm cần phải chăm sóc nhiều hơn, có khi mất cả ngày giờ. Nói gì đến giống Bạch Ngọc? Bạch ngọc khó trồng nhất vì đẹp thì có đẹp nhưng lại yếu ớt: gió mạnh là gẫy, nắng già là héo, mưa nặng hột một chút là cánh nẫu ra ngay.
HOA CÚC.
Hoa cúc có đủ sắc đủ hương. Ở Trung Hoa từ tiết thu sang, khí hậu giá lạnh, cây cỏ khô héo dần, ít cây có hoa. Riêng hoa cúc từ tháng chín mới bắt đầu nảy nở. Bởi vậy hầu hết các nơi bên đó, hàng năm đến ngày 9 tháng 9 âm lịch gọi là tiết Trùng dương hay Trùng cửu, người ta bày ra cuộc đăng cao, rủ nhau lên chơi núi, uống rượu, thưởng thức cuộc vui. Và cũng bởi sau hoa cúc lại phải đợi đến mùa xuân mới có hoa khác nở nên thi nhân thấy như phải phân bua:
Yêu hoa há chỉ yêu riêng cúc
Mùa cúc tàn xong thật hết hoa
Là một đặc sắc của Tàu về mùa thu, nên gọi là Thu cúc. Cúc có nhiều loại, riêng loại hoa màu vàng là chính sắc lại có tên Hoàng hoa, cho nên thi nhân cũng lại an ủi:
Chớ hiềm vườn cũ mùa thu nhạt
Còn có hoàng hoa tiết muộn thơm
Riêng ở nước ta, vào lúc hết đông sang xuân, hoa cúc mới nở nhiều, nhiều nhà nhân dịp chơi cúc thưởng xuân. Cánh hoa như lụa nõn, màu mịn màng, dáng ẻo lả, hương thoang thoảng bàng bạc đó đây, nên hợp với tâm tình phụ nữ. Tính chất lại thanh cao như bậc thi nhân ẩn dật, không sợ gió làm cho lá rụng, như có ý quật cường …
HẢI ĐƯỜNG
Hoa này sắc đẹp lộng lẫy, nhưng không có hương. Lưu Uyên Tài, một thi gia Tàu, đã lấy điều đó làm một sự đáng giận trong đời ông. Ông thường nói: Trong đời tôi có 5 sự đáng giận: 1) Cá mòi nhiều xương; 2) Kim quất quá chua; 3) Rau giút tính lạnh; 4) Hải đường không thơm; 5) Tăng Tử Cố không biết làm thơ.
Về sắc, Hải đường có thể gọi là tuyệt phẩm. Nhà tỷ phú Thạch Sùng thích chơi hoa hải đường, cũng bực mình vì nó không thơm, một hôm đã nói: “ Hải đường, hải đường, em đẹp lắm nhưng cái đẹp của em chỉ riêng ta yêu, ta quý mà thôi. Nếu em lại có hương thơm nữa, ta sẽ làm một tòa nhà vàng để cho em ngự trị”
Tô Đông Pha đêm khuya còn đốt đuốc lên để ngắm hải đường, có câu:
Chỉ sợ đêm khuya hoa ngủ mất
Nên giơ cao đuốc chiếu hồng trang
Nguyễn Công Trứ cũng mê hải đường, lúc tuổi 73 tóc đã cành lê trắng điểm mà còn cố quên cả quãng đời 50 năm trước, để mong lấy lại cái hào khí buổi 23, nên hát rằng:
Nhất tọa lê hoa áp hải đường
Trên đầy chỉ lược kể mấy thứ danh hoa mà chúng ta ưa chuộng trong buổi đầu xuân. Còn nhiều danh hoa nữa, theo mùa mà nở, khiến cho người yêu hoa quanh năm lúc nào cũng có hoa để thưởng thức. Cho hay yêu hoa là một tính chung của loài người, dù là người buồn đời, chán đời đến đâu, mỗi khi đứng trước đóa danh hoa cũng cảm thấy một niềm khuây khỏa.
Ngày xưa tướng cướp Đỗ Tử vùng vẫy bao năm trong đám rừng xanh, hại người đã lắm; đến khi luống tuổi, chán mùi sắt máu, bỏ vợ con, bỏ đồ đảng, đến ở một nơi hẻo lánh tại phía Bắc tỉnh Hàn dương, lấy sự trồng hoa làm vui, đặt tên nơi ở là Hoa thôn. Muốn tỏ mình đã đổi hẳn chí hướng cho đời sống, lại tự đặt cho mình danh hiệu Hoa-thôn-chủ-nhân. Vui thú với hoa quen rồi, những lúc nghĩ lại đoạn đường đã qua, anh ta rất hối hận về những sự chém giết tàn ác. Hoa-thôn-chủ-nhân một hôm tâm sự với bạn:
- Một thửa vườn tạo cho tôi bao nhiêu sinh thú! Mà nào có tốn kém bao nhiêu? Nghĩ lại thật là một sự điên rồ khi đi cướp của giết người. Để làm gì thế nhỉ? Dù cho ba mươi sáu tàn vàng, chết xuống âm phủ có mang được gì! Một cánh hoa, một cọng lá, đã thức tỉnh tôi, tiếc rằng hơi muộn.
 

Xem Tiếp: ----