Ở nước ta, hầu như ở đâu có triền núi đá thì đấy có suối nước khoáng, suối nước nóng. Chỉ ra khỏi Hà Nội ngược lên sáu mươi cây số đã gặp suối nước nóng Kim Bôi, cũng xuống xuôi chừng ấy đường đã đến suối nước nóng Kênh Gà.Bên nước Gruzia trong dãy núi đá kia chảy ra dòng suối nước nóng cỏn con mà người ta đã xây dựng ra các nhà nghỉ, nhà chữa bệnh, nào bể bơi, nào bồn ngâm nước, nào bể đắp bùn. Quanh năm, khách trong nước, ngoài nước đến chơi đến nghỉ đông nhiều vô kể, hốt bạc vô kể. Ở nước ta chẳng thiếu, nhưng du lịch và y tế chưa mấy nơi với tới. Ở Kim Bôi, nơi có suối nước nóng chảy ra, là Mớ Đá. Bên kia cánh đồng, xóm ở trong đồi, gọi là Mớ Đồi. Có ông khách nghỉ nói giễu: “Bao giờ có thêm suối nước nóng Mớ Đời nữa thì bấy giờ Kim Bôi mới đầy đủ chỗ chơi, chỗ an dưỡng được”. Bởi tuy rằng nước và thiên nhiên thì của trời cho nhưng phải có người lo toan và đắp tiền vào thì mới ra được mọi thứ lưu luyến khách.Có một lần kia, nhà thơ Hoàng Trung Thông và tôi đi Sơn La. Bấy giờ má bay cũng hầu như hàng ngày ném bom tỉnh lỵ. Các cơ quan đều tránh vào trong núi. Khách được đưa đến ở lán trong vách núi của người làng chạy vào đấy. Cái suối nước nóng chảy ngang bên chân chúng tôi.Nước nóng trong hốc đá tuôn ra. Khi lên bờ khói trắng bốc nghi ngút nước chay một quãng dài quanh sang bên kia núi, hoà vào suối cái. Cá lúc nhúc bơi vào làn nước ấm. Mỗi sớm, người trong xóm chỉ ra một quãng đồng đã được một mẻ cá. Xóm ấy quang năm năn canh cá, cá muối, cá nướng, đàn bà con gái trắng ngần đẹp thướt tha chẳng khác người suối Mường Kim bên Mùa Căng Chải. Cả đến đàn khỉ trên núi xuống, thỉnh thoảng lại được miếng xương cá, khỉ cũng béo tròn như con cun cút. Mấy hôm, ngày nào chúng tôi cũng ra cái hũm đá nằm ngâm nước cả buổi. Chẳng biết được bổ béo thế nào nhưng ở trong nước suối nóng ra, mình mẩy “nhẹ nhàng như ở động tiên trở về trần gian”.Bao nhiêu năm qua, Hoàng Trung Thông cũng về cõi âm rồi, tôi chợt nổi húng muốn trở lại cái suối nước nóng ngày ấy. Đến Sơn La thì dễ đường thông thoáng và xe vào tận cái xóm ngày trước chạy bom. Chỉ có lối vào cái suối nước nóng thì không có đường. Hôm sau: tôi đi với một chú bé trong nhà, quần buộc túm lại mà xà phòng vẫn phải xát lên tận bẹn, không vắt bò lên. Lại còn phải bôi xà phòng quanh cổ để “vắt xanh trên cây không nhảy xuống bám được. Đường này bỏ đã lâu. sẵn các giống vắt lắm”.Đánh đường vào rừng hoang, chú bé phải vừa đi vừa chặt cỏ tranh, có lát mở lối. Không ngờ vào đến suối bây giờ lại xa thế này. Tôi ngơ ngẩn ngồi trên một tảng đá. Khói nước nóng trắng mờ cả những cành lau ngả quanh. Bỗng thấy đụng đậy trong cỏ, tôi trông thấy mấy cái đầu con khỉ, mắt trố thô lố nhô ra. Thấy người: những cái đầu khỉ lại rụt vào. Rồi làn cỏ lung lay dài dài ra phía đằng kia, thì ra một đàn khi có mấy chục con kéo đi - chắc là bắt cá. Chúng thung dung không biết sợ người, con nào cũng mướt lông, béo mẫm - như ngày trước.Tối ấy tôi ngủ trong xóm. Tôi nói với cụ chủ nhà: - Ở trong núi có nhiều khỉ quá.Chỉ có hai người với nhau mà ông già người Thái ấy vẫn nói thì thào:- Ấy a. Ông đừng nói vối với ở đây có khỉ. - Làng nuôi khỉ à?- Không, trời nuôi thôi. Nhưng mà ai biết người ta về săn hết mất. Cả chín châu mười mường này có còn con khỉ nào đâu. Ông đừng nói với ai nhé.Tôi nào biết nói với ai, mà tôi cũng chẳng buồn nói với ai.Mấy hôm sau, tôi trở về suối nước nóng Mớ Đá ở Kim Bôi dưới Hoà Bình. Tôi cũng chẳng thiết cái nhà nghỉ nửa vời chẳng ra du lịch, chẳng ra công đoàn này, chỉ vì tôi cũng không còn hơi sức đâu để bò theo đám trẻ bây giờ ngày chủ nhật đi cắm trại ngủ rừng nữa rồi.Cửa buồng tôi trông vào chân núi. Buổi chiều xuống nhà ăn từ lúc tan giờ hành chính để cho nhà bếp còn về. Cơm rượu rồi tôi ra ngồi nhìn lên những mỏm núi đá bắt đầu mờ mờ sương. Tôi lại trông thấy một đám mấy con khỉ đen nhờ nhờ chui trong bụi cây lên đứng trên mỏm đá. Y hệt đàn khỉ trong suối nước nóng trên Sơn La.Tôi kêu lên:- Ơ con khỉ. Con khỉChú nhà buồng người Mường nhìn lên theo tay tôi trỏ, chú nói:- Con dê đấy, ông ạ. Ông vừa ăn thịt dê lúc nãy. Bây giờ chẳng ở đâu còn khỉ. Đàn dê xóm Mớ Đá người ta nuôi, tối rồi dê đương về chuồng.Tôi nhớ năm 1948, cách đây vừa nửa thế kỷ, có lần ở châu Đà Bắc về, tôi đi qua dốc Cun ngoài kia. Dốc Cun rừng lau, có tiếng lắm hổ, ban ngày không ai dám đi qua dốc Cun một mình. Tối ấy ngủ ở lán với bộ đội, nghe kể chiều hôm qua có con hổ ra vồ ăn thịt mất một anh bộ đội đứng gác. Tôi kể cho anh nhà buồng câu chuyện ngày trước hổ về vồ người ở dốc Cun. Anh im lặng một lát rồi nói:- Bây giờ ở ngoài dốc Cun chỉ lắm ô tô, xe máy đâm chết người thôi.Câu chuyện ngắt quãng ở đây. Từ suối nước nóng đến con khỉ, con hổ, con dê, cái ô tô, miên man rồi, xin dừng lại.(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)