Những cánh rừng ngút ngàn ẩn chứa một sức mạnh hùng tráng và một vẻ đẹp bí ẩn làm cho cuộc sống con người thêm đẹp tươi, khoáng đạt, điều mà cuộc sống hiện đại không thể đem lại được. Rừng là nơi cất giữ kỷ niệm của tuổi thơ và tình yêu, rừng còn là nơi yên nghỉ của những anh hùng liệt sĩ trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hãy đừng để rừng biến thành những ngọn đồi trọc lốc, vì đó chẳng những là thảm họa đối với người đang sống mà còn là sự xúc phạm vong linh những người đã khuất. Đó là thông điệp tác giả muốn gửi đến người đọc qua câu chuyện tình yêu cảm động.
Năm ấy. Anh mười chín tuổi. Tôi mười sáu. Anh học Đại học năm thứ ba. Còn tôi, mới năm thứ nhất, "lính mới" của trường.
Vừa chân ướt chân ráo, tôi đã nghe mọi lời bình luận về anh. Người ta kháo rằng: Anh là một gã phù thủy có nhiều quyền năng bí ẩn, chứa nam châm trong mắt, sắt đá trong tim. Nhiều cô gái yêu thầm nhớ trộm, mê mệt vì anh, nhưng không có lời tán tỉnh nào đánh ngã anh được. Các nữ sinh tránh xa anh, như tránh một cạm bẫy vô hình.
Chẳng hiểu sự run rủi nào khiến chúng tôi gặp nhau. Giữa nhà ăn tập thể của trường, những thau canh lõng bõng, những thau cơm ủ mặt trời đỏ rực, chẳng một chút thú vị mơ mộng nào, chúng tôi bỗng nhận ra nhau.
Ngay từ phút đầu, anh đã nhìn tôi bằng cặp mắt lạ lùng, khiến tôi như bị tê liệt. ánh mắt ấy chảy tràn ngập như một dòng suối yêu thương vô tận, trong đó lởn vởn lóe lên những tia nhìn giễu cợt. Da ngăm ngăm, tóc đen dợn sóng, viền môi hơi thẫm, trông anh như người của xứ sở khác lạc đến.
Tôi buột miệng:
- Anh như người ả Rập ấy.
- ả Rập Xêút à?
- Không. ả Rập của "Nghìn lẻ một đêm".
- ồ đúng đấy. - Anh reo to và vỗ tay tán thưởng. - Sao em giỏi thế. Anh sinh ra từ "Nghìn lẻ một đêm", xứ sở của những kẻ buôn hồ tiêu và làm nghề phù thủy đấy.
Cả hai chúng tôi cùng cười. Tôi không ngờ mấy câu nói đầu môi như một ly rượu khai vị gắn chặt hai chúng tôi theo một lẽ tự nhiên huyền bí nào đó.
Anh thường đón tôi ở lối rẽ nhà ăn. Chúng tôi cùng đi với nhau một đoạn đường rợp bóng phi lao. Một lần thấy tôi, mắt anh bừng sáng: "Em có khỏe không?" "Dạ khỏe". Sau bấy nhiêu từ mòn cũ xã giao vẫn ánh mầu cầu vồng rực sắc. Đấy là vào những năm tháng khó khăn nhất của đất nước, năm địch họa, thiên tai.
Tôi nhớ mùa hè năm ấy, nước lũ về lớn lắm. Cái khúc đê xung yếu ven sông Hồng cứ rung lên chờ vỡ. Cả trường tôi được nghỉ học, tham gia việc phòng chống vỡ đê. Ban ngày chúng tôi đan lưới mắt cáo bằng thép để dựng những khối đá tảng chèn các khúc đê dọa vỡ. Những sợi thép khó bảo bằng ngón tay út làm bàn tay tôi ứa máu. Anh thường giúp tôi đan lưới. Anh đan nhanh lắm. Khi tôi xoắn được một nút, anh đã xoắn xong năm nút. Tôi cười chữa thẹn nói với anh:
- Đan lưới thì em thua. Nhưng chơi mài và búng lá xạ hương thì anh sẽ thua em.
Tôi kể với anh về tuổi thơ của tôi. Căn phố nhỏ với hai dãy xạ hương cao ngất thường trút lá vào mùa xuân. Lá trải kín mặt đường ướt át. Chúng tôi mài lá xạ hương bằng nắp chai bia để được những mảnh vòng tròn, chơi búng nó để ăn được nhiều. Tôi đã khoe anh có ngày tôi đã ăn được của bạn một hộp đầy. Khi ôm nó trong lòng tôi, cảm thấy mình giàu có nhất thế gian.
- Thế em làm gì với lũ lá héo ấy?
Tôi kể với anh rằng khi lá héo tôi thường lên tầng cao nhất của ngôi nhà. Trong cơn gió xuân, từ trên cao tôi thổi gió vào lá. Những mảnh vàng lấp lánh rời khỏi tay tôi, hút đi trong tầm mắt. Cảm giác lòng mình nhẹ bỗng và vui vẻ khác thường.
- Anh biết không, chỉ những đứa trẻ nào đã mài lá xạ hương mới cảm nhận được mùa xuân nồng nàn trong mùi lá dập. Ai đã cầm những đồng tiền vàng nhỏ trong tay mới thấy hình như đó là những mảnh linh hồn của lá, trong đó có cả linh hồn mình gửi vào.
Anh tán đồng: "Vạn vật đều có linh hồn đấy em ạ. Trò chơi của em thật vô nghĩa. Nhưng những mảnh lá đã làm giàu tuổi thơ của em. Em đã nhận ra linh hồn của lá... còn anh, linh hồn anh đã gửi cho đất rừng rồi... Em xem này.
Anh xòe bàn tay. - Tay anh đã chai sạn vì rừng".
- Ô kìa, máu. Tôi thoảng thốt lên khi thấy bàn tay anh rớm đỏ. Cứ cố mà xoắn nhanh vào. Thấy chưa. Đưa em xem nào.
Anh rụt tay lại, nhăn nhó, rồi đột ngột phá lên cười, xòe bàn tay về phía tôi - "Này, băng dùm đi cô bé".
Lòng bàn tay anh cộm lên một vết son đỏ tươi giống hệt hình con thủy tức vẽ trong sách sinh vật. Tôi trố mắt ngây người nhìn mãi bớt son lạ lùng này.
- Đây là thượng đế đánh dấu để người yêu khỏi lẫn lộn với những chàng trai ả Rập khác. Bí mật đấy. Chỉ mình em biết thôi.
- Eo ơi, đã bị đánh dấu thế này còn lộn vào đâu được. Tôi đập mạnh vào lòng bàn tay anh cười xòa.

*

Lệnh tổng động viên đã ban bố. Chiến tranh với tôi được nhuộm trên mầu áo sẫm, trong những chuyến tàu, những đoàn xe kín mít, phủ đầy lá ngụy trang nối đuôi nhau rùng rùng về phương Nam. Trong trường, lũ con trai xếp sách vở lại tán dóc. Lũ con gái túm tụm, mò mẫm những mối tình kín mít của chúng bạn, suy đoán sự bộc lộ nó trong phút tiễn đưa người ra mặt trận. Cảm nghĩ về chiến tranh với tôi chỉ ở chỗ, hai đứa sẽ xa nhau một thời gian. Sự chờ đợi của người ở lại được dệt thêm bóng hoa, ánh nắng. Như mọi người, chúng tôi được dịp tìm cách đi chơi.
Tôi còn nhớ lần anh đưa tôi về quê anh. Con tàu trôi qua cánh đồng, làng mạc, núi đồi, đưa chúng tôi ngược sông Hồng lên tận những cánh rừng già trên thượng nguồn sông Lô.
Có lần, tôi theo anh vào rừng. Trên đầu tôi, những ngọn cây cao tít bần bật rung lên như gặp bão. Ngược lại, mặt đất lại quá bình yên. Có lúc rừng im phăng phắc, chỉ còn nghe tiếng chân đàn kiến trên những chiếc lá khô. Cảm giác chiến tranh như bị đẩy lùi về tận bên kia trời. Cả người tôi thấm đẫm một sự bình yên êm ả. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự đại im khôn ngoan của rừng. Cũng lần đầu tiên tôi nhìn anh và bỗng nhận ra anh - nhận ra sự tĩnh lặng bí ẩn trên gương mặt anh, một gương mặt thật gần gũi với thiên nhiên mới có.
Tưởng như anh với rừng là một.
Anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện về rừng. Hình như thượng đế đã ban cho anh trái tim hiểu được những cuộc trò chuyện thầm thì của cây cỏ. Anh nói rằng, những cây đại thụ của rừng là nơi trú ngụ cả các linh hồn nên phải giữ gìn chúng, kẻo linh hồn không có nơi trú ẩn. Tình yêu rừng của anh lan tỏa sang tôi, khiến tôi có cảm giác cả rừng, cả thiên nhiên như tan chảy vào tôi. Nó khiến tôi biết tin anh, tin vào chung thủy, tin vào bầu trời, mặt đất cỏ cây - những thứ không bao giờ biết phản bội.
Đêm trước buổi chia tay, chúng tôi đi với nhau đến sáng. Cánh đồng mênh mông ướp hương lúa trổ đòng. Mảnh trăng thượng tuần lơ lửng trên bầu trời trong suốt như thủy tinh. Trăng tan vào lá. Trăng đọng trong mắt anh. Chúng tôi nằm trên cỏ mềm, vây quanh là mùi đất ẩm nồng nàn, mùi đắng ngái của những ngọn cỏ non bị dập. Cho đến lúc cả côn trùng, ếch nhái, đều lả đi trong giấc ngủ. Một bầu trời tĩnh mịch trong khoảng vô cùng. Dường như chỉ hai chúng tôi độc chiếm cả bầu trời mặt đất.
Chúng tôi nằm bên nhau gần gũi, trẻ thơ, trong suốt. Dường như trong tình yêu tuổi trẻ, mọi dục vọng đều thăng hoa. Qua những cảm xúc hết sức bồi hồi, tôi đã hiểu mình và anh được sinh ra như những cánh hoa của Một nghìn lẻ một.
Chúng tôi cùng hẹn nhay ngày gặp lại, cùng vẽ ra viễn cảnh ngày mai và tin rằng thế giới này tồn tại được nhờ sự huyền diệu của tình yêu.
Chúng tôi tiễn đưa nhau giữa sân trường rộng lớn. Một bình minh rực cháy phía chân trời nhuộm bầm sắc máu. Cờ hoa đỏ rực. áo anh đổi mầu. Người ta chở lính trên những chiếc xe vận tải không mui, cài đầy lá xanh. Từng chiếc chuyển bánh. Bàn tay vẫy. Tiếng hò reo. Nhạc cử khúc quân hành. Mắt nhìn theo xe. Cổ họng nghẹn tắc. Tôi bị xô đẩy trong dòng người. Chân vấp vào gạch đá. Tai đầy ắp tiếng loa phóng thanh: "Lớp nào có nhiều người khóc sẽ bị trừ điểm thi đua"...

*

Lần hẹn cuối bằng thư. Hai đứa sẽ gặp nhau ở sân ga Hàng Cỏ.
Thành phố thời chiến hạn chế tối đa ánh sáng. Nhưng chiếc đồng hồ ở ga Hàng Cỏ đêm ấy dường như phát sáng. Sân ga đầy lính. Tôi đi len vào điểm hẹn, dưới cột đồng hồ. Những người lính tươi cười dạt ra nhường chỗ cho tôi đi. Thấy tôi ngơ ngác, họ hỏi tên người tôi muốn tìm. Hóa ra họ biết tên nhau cả. Qua họ, tôi biết anh đang hội ý.
Nửa giờ sau, anh xuất hiện. Chúng tôi lặng nhìn nhau. Xung quanh tôi, mọi người tự nhiên im bặt. Chưa kịp nói với nhau một tiếng, tiếng loa phóng thanh báo tập hợp vang lên. Anh cuống quýt cầm bàn tay run rẩy của tôi: "Em về đi". Vừa lúc đó, một tiếng nói vang lên "Hôn nhau đi. Còn đợi gì nữa". Một bàn tay nào đó đẩy mặt anh chạm sát mặt tôi. Anh hôn tôi vội vàng, rồi lẩn vào đám đông. Tôi nghẹn ngào nhìn theo. Trong khoảnh khắc, sân ga phía trong đã nuốt chửng cả rừng người lao xao hồi nãy.
Tôi uể oải dắt xe đạp dọc đường Nam Bộ, lòng tan nát vì chia ly. Như một kẻ nghèo khó bắt được vàng, tôi muốn reo lên khi nhận ra quốc lộ 1 chạy về phía Nam song song với đường tàu hỏa. Từ đấy ra khỏi thành phố có bao nhiêu ngã tư. Tàu đi qua rất chậm. Biết đâu chúng tôi lại chả gặp nhau...
Linh tính mách tôi dừng lại ở ngã tư đầu tiên, ngã tư Khâm Thiên. ít phút sau, đoàn tàu kéo còi chậm rãi ngang qua. Tôi dán mắt vào các cửa toa tàu, vào các bậc lên xuống. "Hiền" - tiếng gọi vang sau lưng tôi. Quay lại, tôi nhận ra anh. Anh đứng trên bậc lên xuống, một tay vịn vào song sắt, cả người nhoài về phía tôi. Tôi sung sướng đến cuống quýt.
Cứ thế, tôi đạp xe bên cạnh anh. Có những đoạn tàu chui vào làng xóm, tôi rong ruổi một mình trên quốc lộ. Có những đoạn tàu chạy thật chậm bên quốc lộ, tưởng như đưa tay ra là có thể nắm được tay nhau. Có lúc tàu chạy rất nhanh. Phải cố gắng lắm mới đạp xe theo kịp. Có lúc, gió chạy sau lưng tôi. Gió đầy những lời nói của anh bay về phía thành phố. Cả tóc anh cũng bay về thành phố. Câu chuyện trao đổi không thành lời cứ nhờ gió mang đi.
Đột nhiên cùng một lúc, hàng trăm bàn tay mọc ra từ phía đoàn tàu, hướng về tôi vẫy gọi. Những khuôn mặt, những nụ cười hoan hỷ thoáng qua mắt tôi. Hàng trăm giọng nói cùng cất lên. Cả đoàn tàu tự nhiên biết tên tôi:
- Hiền ơi, chờ anh về em nhé.
- Thế nào anh cũng sẽ trở về.
- Hiền ơi, ở nhà săn sóc mẹ cho anh nhé.
- Sao em mặc phong phanh thế kia, sưng phổi chết.
- Hiền ơi, khi về anh sẽ dựng nhà mới và tặng em mười đứa con trai.
- Hiền ơi, ở nhà đừng nghe bọn " sứt môi lồi rốn" tán tỉnh nhé...
Tôi tưởng hàng trăm cái miệng lém lỉnh kia đang nói hộ anh, cùng muốn gửi gắm nơi tôi những tia hy vọng nhỏ nhoi của mình về phía từ nơi họ ra đi. Nếu bình thường, hẳn tôi đã cau mặt. Nhưng lúc này, những giọng nói thiết tha ấm áp pha chút nghịch ngợm ấy lại ngập tràn lòng tôi. Một tình thương mến bao dung trùm lên tất cả.
Không biết bao nhiêu cây số đã qua, tôi giật mình khi nghe tiếng anh thét bên tai "tránh xa đường sắt" - "Về đi". Tất cả bỗng đen tối. Phía xa, từ những đốm sáng tung lên, vẳng lại tiếng rền rĩ của bom tấn. Lại một cuộc oanh tạc...
Đứng lên phủi cát bụi trên người, tôi nhìn xuống. Trong tay vẫn khư khư nắm chặt món quà nhỏ dày công chuẩn bị đã quên trao...
Tôi tốt nghiệp, đi làm, và chờ đợi. Thỉnh thoảng đọc lại thư cũ của anh.
Những lá thư anh viết từ Tây Nguyên: "Trưa tháng 6, đúng 1 giờ, anh lắng nghe, tiếng ve đồng thanh cất lên trong rừng, hệt như rừng mình em ạ".
Không hiểu sao những chữ này như nhảy vào mắt tôi, không chịu ra, khiến tôi phải đọc đi đọc lại. Dường như trong ấy chứa đựng điều gì rất hệ trọng.
Lúc ấy cũng vào đầu tháng 6. Ngoài trời nắng lửa râm ran. Mọi vật, vật vờ mê mệt. Tôi tựa lưng vào ghế, mắt dán vào lời thư mà tâm hồn cất cánh bay về rừng...
Cửa phòng đột nhiên mở. Anh bước vào. Nhận ra anh, tôi sung sướng reo lên:
- Ôi, anh đã về. Sao không cho em biết.
Tôi lao về phía anh. Anh lùi lại, đứng nhìn tôi trân trối, Tôi đứng sững: "Anh làm sao thế?"
Đồng hồ gõ một tiếng. Cửa phòng tôi vẫn mở. Ngọn gió nào vừa đi qua. Trong tay tôi vẫn lá thư của anh đang nắm chặt...

*

Những ai có thể trở về sau cuộc chiến đã về. Riêng anh thì không. Tôi vẫn hy vọng, có thể anh là tù binh bị giam giữ ở đâu đó, chưa được trao trả. Tháng ngày xếp lại như vỏ hến. Trong tôi leo lét một nỗi chờ mong.
Rồi, điều đã đến tất phải đến. Một đồng đội của anh, sau một thời gian dài điều trị, đã tìm ra địa chỉ của tôi.
- Đây là những gì còn lại của anh ấy. Anh ấy dặn trao tận tay chị.
Tôi đã nhận ở người thương binh ấy cuốn nhật ký mỏng rách nát và chiếc đồng hồ Ômêga sáng chói của anh.
- Anh đã chết vì sốt rét ác tính. Người thương binh kể lại. Chết rất nhanh chị ạ. Trước khi hôn mê, anh ấy nhắc đến chị, đưa cho tôi cái đồng hồ này, dặn tôi bấm đồng hồ ngưng chạy khi tắt thở, gửi cho chị. Chúng tôi chôn anh ấy dưới tán cây đại thụ trong rừng nam Tây Nguyên. Cái cây mà lính có thể ai cũng thích...
Tôi nhìn chiếc đồng hồ, di vật của anh. Kim ngắn chỉ đúng 1 giờ. Ngày tháng? Ngày đầu tháng 6. Tôi rùng mình. Trên tay tôi, chiếc đồng hồ nằm như một mảnh thư chói sáng.
Có phải anh đã trở về thăm tôi đúng lúc anh ra đi về cõi hư vô? Có lẽ một luồng liên tưởng giữa hai linh hồn đồng cảm? Hay đơn giản hơn, một sự trùng hợp ngẫu nhiên?...
... Tôi đã đến nơi anh yên nghỉ. Mộ anh được rời về nghĩa trang liệt sĩ. Chỉ còn lại cây đại thụ của rừng. Tôi ngẩng nhìn tán lá. Những chiếc lá bằng bàn tay óng mượt. Khi các loài cây khác trong rừng chưa kịp tỉnh vì gió, thì những chiếc lá này đã lắt lay như triệu triệu bàn tay nhỏ vẫy gọi. Tôi nhớ đến đoàn tàu ra trận và những bàn tay vẫy theo tôi đêm ấy. Phải chăng anh và đồng đội đã chọn cây đại thụ này làm nơi trú ẩn của linh hồn.
Ôi, những cánh rừng ngút ngàn, nơi cất giữ tình yêu của tôi. Giá có thể đi sang tận Trung Đông, để sống lại một trong "Nghìn lẻ một đêm" với những kẻ buôn hồ tiêu và làm nghề phù thủy, cho nỗi mất mát này bớt đi vẻ bi thảm của nó. Thế gian này không giúp cho tôi tìm thấy linh hồn anh - một thế giới trần trụi, nghèo nàn, không tâm linh.
Tôi lưu giữ tình yêu với trái tim như những cánh hoa mảnh mai thiêng liêng của số phận.

*

Tôi lấy chồng rồi theo chồng về Nam. Chồng tôi tốt nghiệp bằng đỏ ngành xây dựng ở Nga về. Chúng tôi sống với nhau trong căn hộ đầy đủ tiện nghi giữa trung tâm thương mại thành phố. Tôi thường được nghe chồng tôi nói về ngày mai, về những công trình xây dựng sắp tới. Tôi luôn tưởng đến khuôn mặt đầy hấp dẫn của tương lai.
Tôi là người đàn bà may mắn, yêu chồng và được chồng yêu. Đêm đêm, chồng tôi truyền sang cho tôi cả sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ. Trong không khí mát mẻ, mùi nước hoa dịu dàng, mùi xà phòng thơm, mùi thơm của khói thuốc, và đôi khi cả mùi thơm bia rượu, tất cả quyện lấy nhau, tạo thành một mùi đặc biệt mà tôi gọi là mùi "phòng the văn minh". Nó ướp trên tóc tôi, thấm vào da thịt, áo quần, đồ dùng với một sức quyết rũ đặc biệt.
Nhưng rồi đêm đêm, tôi lại nhìn lên trần nhà và bốn vách tường câm lặng. Căn phòng quá đẹp, quá dịu với những tia ánh sáng mong manh. Một nỗi niềm gì đó bóp nghẹt trái tim tôi. Hình như thiếu vắng một khoảng không nào đấy. Cái khoảng không khác hẳn với sự tù đọng này.
Chồng tôi ngỏ ý muốn tôi đi khỏi thành phố ít ngày, đến những lâm trường anh đang làm việc. Tôi đồng ý ngay. Thế là lâu lắm, tôi mới gặp lại rừng, dường như gặp lại nỗi xao xuyến lạ thường của đời người con gái.
Những đêm thu dịu dàng kỳ lạ. Những buổi sáng, từng chùm ánh sáng sáng chói lòa mạnh mẽ xuyên qua vòm cây lá xanh tươi. Cả đến mặt đất ẩm ướt cũng bồi hồi, và những lá cây hoang dại mọc túm tít bên lối đi cũng sáng lên như bạc. Nó đẩy vào lòng tôi một tình yêu rộng lớn. Chưa bao giờ tôi yêu chồng thắm thiết như những ngày ở đó.
Rồi những ngày sau, chúng tôi đi vào khu rừng khác. Một cảnh tượng khủng khiếp đập vào mắt tôi. Xác cây nằm la liệt trên mặt đất. Rừng như một bãi chiến địa ngổn ngang xác người tử trận. Những thân gỗ chồng chéo lên nhau lá cành như những cánh tay co quắp ẻo lả xoài ra trên mặt đất. Người đi đến đâu, rừng lùi sâu đến đó. Những ngọn đồi ô trọc mọc lên như nấm xuân theo sát chân rừng. Chao ôi, mặt đất đã im tiếng súng. Chiến địa đầy xác người đã lùi vào dĩ vãng. Lại tiếp đến chiến địa rừng...
Tôi trở về thành phố ngay hôm ấy. Dọc đường là những đoàn xe Kamaz phả khói đen ngòm, chở những súc gỗ vài người ôm không xuể, bất giác tôi nhớ đến cây đại thụ với những lá tay vẫy trong rừng sâu. Nó còn không, hay đã nằm trên những chiếc Kamaz kia. Nếu không, linh hồn anh và đồng đội sẽ trú ngụ nơi nào.
Tôi bước vào căn phòng. Mùi văn minh thành phố khiến tôi lợm giọng - cái mùi trước đây mang lại cho tôi bao nhiêu mãn nguyện. Đêm đêm, một nỗi buồn mênh mang từ nơi sâu thẳm nào kéo đến. Ôi cuộc sống này, một cuộc sống thật to lớn, thật hoàn hảo, những lại quá nghèo nàn đối với tôi. Chẳng làm sao hiểu được nữa, nhó không có tình yêu chiếu sáng, nó đặt người ta trong căn phòng hình hộp như nằm trong ngôi mộ.
Tôi bỗng khát khao một bầu trời hương sữa. Những giấc mơ hương sữa nối nhau đêm liền đêm. Và, tôi mơ thấy anh về, đứng ngoài cửa sổ. Tôi mời anh vào nhà, nhưng anh lại lắc đầu.
- Rừng sắp hết rồi. Anh phải đi xa.
- ở lại đi. Em sẽ trồng lại rừng cho anh.
- Lâu lắm em ạ. Một trăm năm mới tạo được lớp đất trồng. Thêm một trăm năm nữa mới có một rừng.
- Vâng. Em biết. Nhưng nhất định em sẽ trồng. Hãy cứ ở tạm nhà em trong khi chờ đợi.
Anh lặng lẽ gật đầu.
Căn phòng tôi bỗng ngập tràn hương sữa. Chúng tôi lại nằm bên nhau trên cỏ mềm, lại nghe những bản tình ca từ ngàn xưa ngọn gió hư vô vẫn hào phóng trao tặng mặt đất. Tôi lại thấy giọt trăng đọng trong mắt anh. Trước kia, mỗi khi gần nhau tình yêu trong trắng trào dâng khỏa lấp dục vọng. Còn bây giờ... thì khác....

*

Tôi buồn ngủ liên miên, chân tay rã rời, thân hình gầy rạc. Thuốc thang đổ vào tôi như gió vào nhà trống.
Chồng tôi lo âu bảo: "Các bác sĩ bảo em suy nhược thần kinh nặng, có thể dẫn đến bệnh tâm thần".
Không hiểu sao, tôi buột miệng: "Tâm thần à? Em chỉ nhớ rừng thôi".
Chồng tôi nhìn tôi hồi lâu. Hình như đầu óc đang nghĩ gì lung lắm. Tuần sau, chồng tôi đưa về nhà một pháp sư ở tận Tây Nguyên.
- Vợ anh bị vong nhập. Thầy pháp điềm tĩnh thông báo với chồng tôi. Quay sang tôi thầy tiếp:
- Cô sống với người âm. Âm dương cách trở, không thể cùng nhau được. Những ngón tay tôi bỗng run rẩy. Sống lưng tôi lạnh ngắt khi thầy nhìn vào mắt tôi. Hình như tôi không phải là tôi nữa. Chồng tôi nhìn tôi thương xót.
Cái nhìn như muốn nói: "Em không có lỗi". Tôi quay mặt đi tránh ánh mắt của chồng. Tôi thương chồng tôi biết bao. Công việc hàng ngày đã hút cạn kiệt sức lực của anh. Anh làm việc cả trong giấc ngủ. Là kỹ sư xây dựng, anh ngộp thở trong sắt thép gạch đá xi măng với những công trình to lớn rộng dài mãi mãi. Từ lâu, tôi đã im lặng với anh. Tôi vô cùng đau khổ vì không thể nói được với chồng những gì diễn ra trong lòng mình. Tôi luôn thấy mình có lỗi. Nhưng rồi đêm đêm, tôi lại chờ đợi giấc mơ.
Sự mặc cảm tội lỗi khiến tôi chấp nhận ngay lời thỉnh cầu của chồng với thầy pháp sư. Vậy là buổi lễ trục hồn được thực hiện.
Trong ánh sáng huyền ảo của những ngọn nến đỏ, mùi hương trầm càng tôn thêm vẻ huyền bí tôn nghiêm của buổi lễ. Tôi ngồi kiết già giữa phòng, dưới bàn thờ, hai tay chắp trước ngực, miệng đọc chú thỉnh Phật và tịnh tâm. Trước mắt tôi là lư trầm nghi ngút khói, những bình hoa tươi lớn, những mâm trái cây, những mâm cơm chay có cháo hoa, khoai sắn, những núi vàng núi bạc, cơi trầu cau đầy ắp, một cô gái hình nhân bên con thuyền ngũ sắc, cạnh một cây đại thụ xum xuê.
Vị pháp sư thắp hương thỉnh nguyện rồi bắt quyết. Bó hương nghi ngút cháy đỏ trong tay thầy vẽ ra muôn vàn những hình thù kỳ bí - những lá bùa dán khắp hư không.
"Nam mô tam mãn đa, mẫu đà nẫm, a bát ha để ha đa xá"... Tôi nhắm mắt, miệng lẩm bẩm đọc chú tiêu tai. Nhưng hồn tôi lại phiêu diêu ở đâu đó, trong những quầng sáng tối của những ngọn nến đỏ lung linh.
"án, nại ba ma cát ngõa đế, a ba ra mật, đạp, a ưu rị a nạp, tô tất nề"... Tiếng thầy pháp sư như dòng suối nhạc chảy qua tôi, gột rửa thể xác tôi. Tôi có cảm giác cả không gian này chi chít dày đặc những lá bùa nét vẽ bằng hương đỏ. Những vạch đỏ như những con đường ngoằn ngoèo chạy khắp hư không, dệt mau như đan lưới. Giọng thầy vẫn trầm bổng: "Xin mời hồn về dùng cơm chay... Ta thỉnh chút lễ mọn dâng hồn... Cô ấy là vợ hồn... Âm dương cách trở, xin hồn trả cô ấy cho trần. Ta xin dâng hồn người cô gái đẹp hơn để bầu bạn với hồn. Xin hồn nhận cho chút lễ mọn. Xin trời Phật chứng giám cho lễ ly hồn này"...
Có tiếng rơi của những đồng kim loại. Vị pháp sư thở ra một hơi nhẹ nhõm: "Hồn đã đồng ý". Vậy là hồn sẽ nhận lại đồ dẫn cưới, đồng ý nhận cô gái hình nhân làm vợ.
Núi vàng núi bạc con thuyền cô gái cùng cây đại thụ lấp lánh bốc cháy.
Thầy quay lại phía tôi, miệng vẫn niệm chú, tay vẫn không ngừng dán những lá bùa vẽ bằng hương cháy đỏ quanh tôi. Ngón tay thầy chạm vào ấn đường tôi nóng bỏng. Hình như có muôn vàn con đường đỏ từ đó chạy suốt cơ thể tôi.
Người ta cho tôi uống một ly nước tẩy trần trong suốt chứa đầy những lá bùa vô hình. Người ta mang đến một hỏa lò đỏ rực, bỏ vào đó những hòn bằng đầu ngón tay. Tôi tưởng đến chiếc nanh hổ nhọn hoắt dùng để quậy hỗn hợp vị hùng hoàng và tùng chi nóng chảy mà tôi vừa chứng kiến hôm qua. Người ta úp chiếc hộp tre vào lò lửa, đặt tôi ngồi lên rồi phủ quanh tôi lớp chăn đến tận cổ. Mùi đắng hắc bốc lên trong khói mù mịt, ruột gan tôi đau xé, cháy bỏng tưởng như có một lưỡi kiếm đỏ rực xuyên suốt cơ thể. Mồ hôi túa ra như tắm. Trong khoảnh khắc, một sức mạnh vô hình từ nơi sâu thẳm trong lòng đột ngột dâng lên cuồn cuộn, thít chặt trái tim tôi.
Tôi chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi lịm đi.
Khi tỉnh dậy, vị pháp sư đã dán xong lá bùa cuối cùng trên giường ngủ của tôi.
Đêm ấy mưa rất to. Sấm giật liên hồi từng đợt. Anh đứng ngoài cửa sổ, ướt sũng.
Mưa rơi trong mắt anh. Nhòe nhoẹt cả khuôn mặt.
Hình như anh đã tan vào trong mưa...

*

Từ đấy tôi không bao giờ gặp lại anh nữa. Vậy là tôi đã chia ly với những giấc mơ giấu kỹ trong tâm khảm - những giấc mơ nâng đỡ tâm hồn côi cút của tôi trên sa mạc cuộc đời. Nó hệt như những hạt ngọc mà đêm đêm tôi mới đem ra ngắm nghía dưới ánh trăng, để sự phát sáng của nó đưa tôi đến những bến bờ kỳ ảo.
ánh sáng tắt. Trong lòng tôi, những khao khát về mặt đất, bầu trời cũng yên ngủ. Đêm đêm, tôi vẫn nhìn lên trần nhà và bốn vách tường câm lặng - nơi cầm cố giam hãm những linh hồn người sống, và yên lòng với sợi xích vàng trói cột.
Một năm sau, tôi sinh con trai đầu lòng. Ngày đầu tiên, tôi ngắm rất lâu khuôn mặt con trong giấc ngủ ấu thơ. Tôi lật bàn tay con âu yếm áp vào má. Chợt tôi bàng hoàng dụi mắt sững sờ nhìn đi nhìn lại. Một vết son đỏ hình con thủy tức in đậm trong lòng bàn tay con. "án, nại ma ba cát ngõa đế...". Tiếng vị pháp sư đọc chú âm âm bên tai tôi.
Những lá bùa... Những lá bùa... Những lá bùa... Tôi không tin huyền bí mà huyền bí cứ đến với tôi. Phải chăng huyền bí đã để lại dấu ấn trước khi trở về xứ sở của hư vô.
Thành phố Hồ Chí Minh, 11 - 1994

Xem Tiếp: ----