Người anh Việt kiều

     òn một tuần nữa tới Tết thì gia đình tôi nhận được tin sẽ đón một Việt kiều về ăn Tết chung nhà. Đó là anh Hồ, con dì Mi, bạn gái thân thiết của mẹ. Mẹ tôi có vẻ háo hức, lo dọn dẹp phòng ốc, còn tôi rất bực mình vì bị chiếm chỗ ngủ, nhường phòng cho ông anh Việt kiều.
Chiều hăm tám, mẹ rủ tôi đi ra phi trường đón anh Hồ nhưng tôi từ chối. Vẻ chăm sóc, thương yêu mẹ dành cho anh làm tôi thấy khó chịu, nhất là mẹ cứ đề cao hai chữ “Việt kiều”.
- Tụi con phải ăn uống đàng hoàng, sạch sẽ, nếu không anh Hồ sẽ cười đó. Việt kiều người ta quen sống tươm tất rồi!
-!!!
- Đừng có đứa nào đụng vô mấy chai nước suối nghe, để dành cho anh Hồ. Việt kiều không quen nước ở Việt Nam. Rủi uống nước bẩn là bệnh chết!
- Việt kiều thì kệ hắn chứ! - Tôi có ác cảm - Cũng một giống Việt thôi. Ngoại kiều người ta còn bình dân hơn. Ghét!
Tôi không chờ mẹ rước Việt kiều về, bỏ đi chợ hoa. Lúc quay về, tôi tưởng tượng hắn đang nằm chễm chệ trên giường tôi. Tôi cố ý nói lớn giọng với ba tôi:
- Chợ hoa năm nay xấu lắm!
- Suỵt! Suỵt! - Mẹ tôi chạy từ trên lầu xuống ra dấu bảo im lặng - Nhỏ thôi cho anh Hồ ngủ chứ! Việt kiều mới về khó ngủ lắm!
- Mẹ! - Tôi bực - Đã đến giờ ngủ đâu? Mới chín giờ. Người ta còn đi đầy đường kìa!
- Nhưng mà Việt kiều bị lệch múi giờ, khó ngủ lắm!
Tôi chán nản, cũng bỏ đi ngủ. Vậy là phải nằm đất nhường cho Việt kiều chiếc giường êm ái. Sáng hôm sau, chưa kịp tỉnh, mẹ tôi đã dựng đầu tôi dậy:
- Thức mau! Anh Hồ dậy từ lâu, rủ con đi chợ hoa để quay video kìa!
- Con không đi! - Tôi ngái ngủ - Chiều hôm qua đi rồi! Có mấy ngày nghỉ Tết, ở nhà ngủ cho đã cũng không được!
- Ngủ hoài! Người ta Việt kiều mà còn thức sớm hơn mày. Cho nó cười con gái hư!
Chạm tự ái trầm trọng, tôi ngồi phắt dậy, mặt nóng bừng như lò lửa nấu bánh chưng.
- Anh Hồ đó con! - Mẹ tôi dịu dàng giới thiệu - Còn đây là bé Hạnh!
- Hello em! - Việt kiều lên tiếng - Sáng nay phiền em dẫn anh đi chơi vòng vòng ngoài chợ Sài Gòn và các chợ hoa để anh quay phim nhe. Em nhớ mặc áo dài, được không?
Tôi lúng túng. Việt kiều còn trẻ, chừng hai mươi ba, chắc là sinh viên. Anh ta mặc áo thun, quần jean đơn giản. Tôi nửa muốn sanh sự, nửa thấy mình vô lý:
- Anh Hồ thức sớm quá! Tối qua ngủ ở giường em có ngon không?
Mẹ đá tôi một cái đau điếng dưới gầm bàn, nhưng dù sao tôi cũng lỡ rồi.
- Ủa? Giường em hả? Rồi em ngủ đâu?
- Nó ngủ chung giường với cô! - Mẹ tôi mau mắn - Thôi, thay đồ đi con, trễ rồi!
Tôi mặc áo dài mà phải ngồi xe chở tên con trai cao kều ngồi sau. Hắn tha hồ nói cười, quay phim thoải mái. Khi tôi mệt lùng bùng lỗ tai, mồ hôi ròng ròng, hắn còn “sung độ” [1] đề nghị chở hắn vô Lăng Ông trong Bà Chiểu
- Nhìn kỹ lại em coi - Tôi bực - Biết mình biết ta với chứ!
- Sao? Em mặc áo vàng này hơi nhã, nhưng vào phim cũng đẹp lắm, yên tâm!
- Mệt rồi! Không đi nữa!
Cuối cùng, hắn cũng hiểu, mời tôi vào quán uống nước.
- Em làm ơn nói chuyện đừng để lộ anh là Việt kiều nhe! Nếu không tụi nó “cắt cổ” anh!
- Biết! Nhìn anh nghèo thấy mồ, có tiền đâu mà bị “cắt cổ”
- Hiểu được như em đỡ cho anh. Thú thiệt với em, anh phải để dành lâu lắm mới có tiền về Việt Nam ăn Tết.
- Bởi vậy anh mới đến nhà em. Chứ ra khách sạn, sao có tiền?
- Ờ! - Anh Hồ vẫn chân thành - Anh về vì nhớ quê chứ có phải đi du lịch đâu. Vả lại ở chung nhà em cho có không khí gia đình.
- Anh còn trẻ mà cũng biết nhớ quê hương sao? Em tưởng người lớn tuổi mới nhớ chứ?
- Có chứ em! Anh đang xin về Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp. Nếu làm cho một công ty đa quốc gia ở đây chắc chắn lương anh sẽ khá cao, lúc đó không còn bị em chê là “Việt kiều nghèo”.
Tôi chột dạ. Hắn tưởng mình khoái đô-la, thích lợi dụng Việt kiều để vòi tiền thì kỳ lắm.
- Giàu hay nghèo em không quan trọng. Em chỉ quan tâm đến thái độ của Việt kiều đối với người trong nước.
- Là sao?
- Việt kiều bị nhiều tai tiếng lắm. Nghe đến Việt kiều là thấy có ác cảm rồi!
- Thiệt sao?
- Thiệt! Việt kiều giả danh nhà đầu tư, gạt các công ty trong nước. Việt kiều gạt con gái người ta bụng mang dạ chửa rồi “quất ngựa truy phong”. Việt kiều ỷ có đô-la rồi không coi người trong nước ra gì. Cũng là người Việt như nhau thôi mà bày đặt chê dơ, chê bụi. Ghét!
- Ghét lắm sao? - Hồ cười khó hiểu - Vậy Việt kiều không có điểm tốt nào hết à?
- Không thấy!
- May mà em nói thẳng nên anh hiểu danh dự Việt kiều bị xuống giá thê thảm - Hồ cười buồn - Nhưng em có biết trong lòng anh cũng nhiều ác cảm với người trong nước lắm không?
- Sao?
- Việt kiều cũng có cái nhìn không thiện cảm với người trong nước đâu. Có dịp anh sẽ tâm sự với em nhiều hơn.
- Thì nói đại bây giờ đi – Tôi tự ái – Còn đợi dịp nào nữa?
- Giờ em uống nước đỡ mệt rồi thì làm ơn chở anh đi quay phim tiếp.

 

Anh Hồ rủ tôi lên sân thượng đếm thời khắc cuối cùng của năm cũ qua đi.
- Chà! Việt kiều mà cũng bày đặt lãng mạn nữa!
Tôi buột miệng ra định nói giỡn nhưng sắc mặt anh ta trở nên khó coi.
- Việt kiều cũng là con người! Lúc nào cũng “Việt kiều! Việt kiều!”. Bộ làm Việt kiều là có tội hả?
- Anh làm gì nổi nóng dữ vậy? - Tôi cương luôn - Chứ không phải sao?
- Anh nghĩ chúng ta cần nói chuyện đàng hoàng với nhau!
- Thì nói đi!
Mẹ tôi bưng đồ cúng lên sân thượng, lườm tôi nghiêm khắc:
- Thôi nha con! Anh mày về đây ăn Tết chứ không về đây để mày gây sự nha! Tết nhất đừng để tao nói nhiều đó!
- Tại anh hết đó! - Mẹ tôi vừa quay lưng đi xuống tôi bực mình “xực” anh Hồ - Em nói có gì quá đáng đâu?
Những tiếng còi hụ từ bến Bạch Đằng vang lên. Giao thừa rồi.
- Hạnh! - Anh Hồ dịu giọng – Thôi, anh em mình tạm chấm dứt cuộc tranh luận, để đón giao thừa vui vẻ chứ!
Những đợt pháo bông đầu tiên đang được bắn lên trời. Anh Hồ la to phấn khích, cười mãn nguyện nhìn lên trời. Tôi định bỏ xuống nhà dưới cho anh ta được yên tĩnh.
- Đi đâu vậy? Ở lại đây chơi với anh!
- Để anh được tự nhiên!
- Lại đây với anh! - Anh Hồ kéo tay tôi ngồi xuống bên cạnh anh - Anh nghĩ tụi mình nên quay lại vấn đề “Việt kiều thấy ghét”. Ngày mai mồng một, em sẽ thông cảm với anh hơn.
- Cũng được!
- Những gì em kết tội Việt kiều, anh biết là đúng. Nhưng chỉ đúng với một số ít thôi. Mà thật ra em đã không công bằng khi phán xét.
- Sao?
- Em nói mấy cô gái bụng mang dạ chửa rồi bị Việt kiều “quất ngựa truy phong”. Nhưng em có biết rất nhiều cô lợi dụng Việt kiều đưa sang bên đó, rồi đòi ly dị để có cuộc sống khác. Mấy anh Việt kiều đó phần đông đều lớn tuổi rồi, mong muốn có người vợ hiền để nương tựa nhau sống nơi xứ người. Tốn biết bao nhiêu công sức, tiền của nhưng rồi đành phải thốt lên: “Anh lầm khi đưa em sang đây!”
- Ủa?
- Em thấy con gái trong nước chưa?
- Ai biểu mấy anh đó không tìm hiểu kỹ? Hôn nhân là chuyện quan trọng mà chỉ do mai mối rồi cưới nhau nhanh chóng thì đổ vỡ cũng dễ hiểu mà!
- Vậy thì ai biểu mấy cô ham giàu, ham đi nước ngoài rồi trao thân gởi phận không cần cưới hỏi cho Việt kiều. Dại thì chịu chứ sao rủa Việt kiều chứ!
- Thôi được! - Tôi đuối lý - Coi như huề!
- Không có huề hay thắng gì ở đây hết. Anh chỉ mong có sự thông cảm ở hai bên thôi. Em biết là anh có bà con ở Việt Nam nhưng anh không dám về đó ở mà lại ở nhà em. Cách đây hai năm ba anh về chơi. Ông già nhớ nhà, nhớ quê nên dành dụm tiền đủ mua vé máy bay là về liền. Bà con xa gần đông quá, ông già đâu có tiền cho hết nên bị trách là kẹo kéo, là Việt kiều dỏm. Rồi người ta đến mượn tiền, không phải ít, ai cũng đòi mượn cả ngàn đô. Làm sao ba anh có. Từ chối thì họ bực bội. Em nghĩ coi có đáng buồn không?
- Kỳ quá!
- Lần này anh thà không đến thăm bà con, chứ ghé thăm mà không có tiền cho họ thì họ nói ra nói vô chịu không thấu. Mà nói thiệt, mức sống của họ còn sung túc hơn gia đình anh bên đó! Sao họ không chịu thông cảm cho nỗi nhớ quê của Việt kiều, cứ thấy mặt là vòi tiền thôi... - Anh Hồ phân bua - Thì dĩ nhiên cũng có người này người khác!
- Dạ... dạ... - Tôi cười cười - Em hiểu!
- Còn nhiều chuyện khác nữa nhưng anh không cần kể hoài. Hy vọng em đừng giận, đừng ghét anh nữa!
- Dạ! - Tôi hơi ngượng - Em ghét anh hồi nào?
- Không có thật sao?
- Thì... cũng có ghét! - Tôi lí nhí - nhưng mà ghét Việt kiều nói chung chứ... không có ghét anh Hồ!
Mẹ tôi lại lú mặt ra, nghiêm nghị ra dấu bảo tôi đừng gây sự:
- Hạnh! Xuống ngủ! Ngồi ở đó chọc anh Hồ hoài vậy!
- Đâu có! – Anh Hồ cười tươi tắn – Anh em tụi con đang tâm sự mà!
- Ủa? – Mẹ tôi hẫng – Ai biết đâu, tưởng gây lộn!
- Lâu lâu con mới có dịp về Việt Nam ăn Tết, cô cho phép bé Hạnh ngồi nói chuyện khuya khuya một chút!
- Kìa! – Tôi chỉ tay lên trời – Pháo bông nữa kìa!
Những chùm pháo bông muộn màng đột ngột vút cao, soi sáng đêm giao thừa. Mùi nhang từ bàn thờ ông Thiên thoang thoảng bay trong gió. Người anh Việt kiều vỗ tay reo “Chúc mừng năm mới!”.
Chú thích:
[1] Cao hứng.