Gừng già

     ng bà về Việt Nam lần đầu sau mười tám năm xa xứ. Ngày đó tôi chỉ là con bé năm tuổi, chưa biết thế nào là chia ly, cứ toe toét miệng ra cười. Ông bà vào phòng cách ly, nhìn nhau qua tấm kính dày, người đi kẻ tiễn nhòe nhoẹt nước mắt. Thời đó, những người sang nước ngoài định cư chưa dám nghĩ có ngày được quay lại nơi chôn nhau cắt rốn, không biết bao giờ mới gặp lại người thân còn ở quê nhà. Sau này, ra phi trường đưa bạn bè đi xa, tôi không còn thấy những giọt nước mắt chia tay nữa. Nhìn cảnh mọi người bình thản hẹn nhau “vài năm làm Việt kiều về nước”, tôi lại chạnh lòng nhớ ngày tiễn ông bà.
Tuy thỉnh thoảng ông và bà gởi hình về cho gia đình nhưng phút gặp mặt sau gần hai mươi năm vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Ông có vẻ yếu và không tự tin, luôn đi nép vào người bà. Bà bé như cái kẹo, đứng chỉ đến vai ông. Một tay bà ôm chặt vào lòng cái bóp đựng giấy tờ, tay kia kéo chiếc valy bé tí ti. Hai người ngơ ngáo chầm chậm đi ra. Nghe tôi gọi, ông bà vui mừng, những bước chân lấp vấp. “Về, mình về nhà đi bà! - Ông líu ríu vội vã - Tụi nó gọi xe rồi kìa!”. Hai người lính quýnh chui tọt vào taxi, giọng ông run run: “Cho về số 43 đường X”. Bà ngồi giữa ông và tôi. Nắm chặt khuỷu tay tôi, bà thì thầm: “Cuối cùng cũng về nhà với tụi con. Mô Phật!”. Đèn đường loang loáng sau lớp kính xe. Ông im lặng nhìn ngơ ngác ra bên ngoài. Tôi bắt chuyện rụt rè: “Ông nội thấy Sài Gòn có thay đổi không?”. Ông vẫn lặng thinh, bà trả lời thay: “Tối thui có thấy gì! Mà chắc phải thay đổi chứ, lâu quá rồi con!”.
Về nhà, ba tôi mở toang cửa chờ sẵn, ông liêu xiêu bước vào, giọng hồ hởi: “Bà ơi! Nhà của mình, số 43 đường X! Mình về nhà rồi bà ơi!”. Ba tôi cười, trẻ lại hàng chục tuổi: “Thưa ba mẹ mới về! Tụi con chờ lâu lắm mới có ngày này!”. Bà mở chiếc va-li bé tí ra chia quà, nào sô-cô-la, nào dầu thơm, nào quần áo. Bà cười móm mém: “Bà nội nhớ hết từng người, chuẩn bị trước cả tháng nay, ai cũng có phần. Thích chưa?”. Nhưng bà lại quên những món quan trọng: quần áo của ông. Bà cằn nhằn ông quên trước quên sau, đã nhắc từ lâu lắm phải soạn valy đi nhưng ông cứ lóng ngóng: “Từ từ! Tui đếm còn đến bốn ngày nữa mà!”. Đến ngày cuối cùng, ông tỉnh bơ “soạn rồi!”, thế mà giờ thành... Chử Đồng Tử. Ông đổ thừa tại bà không chịu kiểm tra, biết tánh ông hay quên thì phải phụ vào chứ. Tranh qua cãi lại một hồi, ba tôi giảng hòa, lấy áo quần đàn ông trong nhà cho ông mặc tạm hôm nay. Ông từ trên lầu đi xuống, quần xà lỏn lửng xanh ve và áo thun khuyến mãi “bột giặt Omo” màu đỏ chói lói. Đôi cẳng chân gầy tong teo bước rụt rè trên từng bật thang. Cả nhà cúi mặt nén cười, mắt cay.
Tôi dọn cơm ra mời ông bà vào bàn nhưng ông không chịu, đòi: “Về nhà chứ! Sao ăn cơm ở đây! Mình về nhà vợ chồng thằng Hai, về số 43 đường X chứ!”. Mọi người ngã ngửa. Bà lắc đầu, mắt nhòe nhoẹt: “Ông ơi! Đừng như vậy mà! Thì mình đã về rồi nè. Không nhớ sao, hồi nãy mình xuống sân bay, có tụi nhỏ ra rước, mình đi taxi về. Ông lên lầu tắm, bây giờ ăn cơm. Mình đang ở nhà rồi đây, số 43 đường X!”. Ông vẫn ngơ ngác, nhìn chúng tôi lạ lẫm. Bà thở dài: “Đừng làm tụi nhỏ sợ!” rồi quay sang con cháu, giọng run run: “Thời gian gần đây, ba như vậy đó, mẹ rầu quá! Hễ có chuyện gì xúc động là ổng [1] lẫn lộn lung tung, tội nghiệp!”
Ba tôi nắm tay ông kéo ra đường nhìn số nhà, nhấn mạnh: “Số 43!”. Ông buồn buồn trở vào, ngồi xuống mâm cơm nguội lạnh. Bà vẫn chưa thôi phân trần kể lể. Từ trước đến giờ, ông là tay hòm chìa khóa, bao nhiêu hóa đơn phải chi trả, tiền được trợ cấp xã hội rót vào tài khoản trong ngân hàng mỗi tháng, điện-nước-ga và tiền chợ búa, ông quán xuyến hết. Bà chỉ việc ở nhà làm bếp cho ông ăn, chẳng phải bận tâm gì về tiền bạc giấy tờ rắc rối. Ông kỹ tính lắm, có sổ sách ghi chi li đủ loại. Ông làm kế toán trưởng từ hồi còn bên Việt Nam, đến khi sang Pháp chuyển sang làm thư ký văn phòng sáu năm mới về hưu. Một người căn cơ rõ ràng như thế cũng có ngày lẫn lộn lung tung. “Còn Mẹ ốm ốm vậy chứ không có bệnh gì - Bà cười tự hào - Mẹ còn minh mẫn lắm!”.
Ông ăn ít dù thức ăn được nấu đặc biệt những món ngon và nhẹ bụng. Lại có cả bia mà ông gọi là “la de”. Ba tôi giải thích: ông nói tiếng Tây đã được Việt hóa (la bière), lâu lắm rồi mới nghe lại từ này. Ông đòi lên phòng mình. Căn phòng cũ của ông ngày xưa, giờ vẫn y những món đồ gỗ từ thời “Bảo Đại bú bình”. Trên chiếc bàn làm việc bốn ngăn kéo vẫn còn bảng tên của ông. Cửa sổ trông ra sân thượng nhà hàng xóm ngày xưa có trồng cây sứ Thái Lan rất lớn, nay trụi đâu mất rồi. Hồi đó tôi nhớ ông nằm trên giường một mình, bà nằm chiếu trải trên nền gạch bông. Giờ ông và bà cùng ngủ một nơi. Bao nhiêu năm sống nơi nam nữ bình quyền, hẳn ông và bà không còn thói quen cũ. Bà đuổi chúng tôi ra ngoài, khép cửa lại. Nhưng rồi ít phút sau, bà mở cửa, hỏi xin nước uống thuốc. Tôi bưng vào, hỏi bà còn cần gì nữa không. Bà đang nằm quay lưng vào tường, hỏi năm lần bảy lượt không thấy trả lời mà rõ ràng là chưa ngủ vì còn lầm rầm đọc kinh. Ông cười lém, nháy mắt tiết lộ: “Bả [2] điếc!”. Thấy tôi còn tròn mắt ngơ ngác, ông giơ tay chỉ vào cái hộp nhỏ xíu đặt trên bàn ngủ, thì thầm: “Máy điếc của bà nội đó, bả tháo ra rồi!”

 

Mỗi sáng ông bà thức dậy sớm lên sân thượng giơ tay giơ chân tập thể dục. Bà chăm sóc những chậu hoa quỳnh rồi ngồi ngắm cây xương rồng thật to ngày xưa bà chôn con chó Mi Lu. Rồi tới giờ bà đọc kinh cầu an, bà nhắc đến đủ tên chín đứa con và cháu chắt, xin cho người thân được hạnh phúc. Ông cười: “Tu gì mà tham quá, ngày nào cũng xin xỏ!”. Ông thích nhốt mình trong phòng, ngồi vào cái bàn giấy hí hoáy ghi chép. Ông lục các ngăn kéo mà ba tôi đã đặt vào những đồ vật lặt vặt ngày trước: mấy cái gọng kiếng gãy, những huy hiệu bằng đồng, hộp con dấu khắc tên ông, hộp bút gỗ đựng mấy cây bút ngòi lá tre, giấy tờ, hóa đơn, sổ sách. Những đồ vật này mấy phen tôi rình quăng sọt rác, ba tôi phải dùng đến bạo lực mới bảo vệ được, giọng bảo thủ: “Để đó cho ông nội, có ngày ông về hỏi!”. Ba giữ cả mấy cuốn sách cũ rích, bìa ngả vàng, giấy mỏng dính, nói một cách thân thương: “Tụi nó còn lớn tuổi hơn tụi con, lớn hơn cả ba, xấp xỉ tuổi ông nội!”. Giờ ông đang say sưa ôm những cuốn sách già như ông, mặc kệ bà réo gọi có bà con khách khứa đến thăm. Ông sợ người quen, sợ người ta hỏi: “Bác Sáu có nhớ tôi không?”. Nói không thì bất lịch sự, nói có mà ngơ ngáo trả lời trật quẻ còn quê hơn. Sợ nhất là người ta hỏi “chừng nào về bển? [3]” vì thật sự ông không còn khái niệm thời gian, sẽ chỉ biết nói đại: “Ngày mai!”. Sau đó, mọi người lại thắc mắc lung tung, nhìn nhau ý nói: “Ổng lẫn rồi!?”. Ông ước phải chi khoa học kỹ thuật phát triển, ông mua bộ nhớ bằng điện tử lắp vào, tối ngủ mới tháo ra như bà sử dụng máy điếc. Ông nắm tay tôi ấm ức: Bả khéo che đậy, còn chuyện của ông nội thì cứ oang oang: “Tại ổng già!”. Thì già, ai mà không phải tới lúc già! Bả nhỏ hơn ông nội có năm tuổi thôi!”
Rồi cũng tới lúc bà không thể che đậy được nữa. Đi biển, bà từ chối tắm. Mẹ tôi thuyết phục: “Nước ấm lắm, mẹ xuống nhúng chân cho vui, ra tới đây không tắm, uổng!”. Bà loay hoay sau rặng dừa rồi từ từ đi xuống bãi, ống quần xắn cao, bước đi chập choạng. Cả nhà sợ đi theo nhưng bà đuổi: “Không sao! Bà nội tắm sát bờ, để tự nhiên đi!”. Ba tôi ngồi trên bờ quan sát bà rồi thắc mắc: “Sao bà nội tắm biển mà một tay cứ đưa lên trời?”. Cả nhà nhìn nhau lắc đầu. Chốc sau, bà bị sóng ập té ngồi thụp xuống mà tay vẫn cứ giương cao, ba nhíu mày đứng dậy: “Ngộ quá! Sao bà nội cứ chào cờ hoài?”. Mẹ tôi lân la xuống bãi hỏi bà lý do, cuối cùng bà xòe tay ra, để lộ bí mật: chiếc máy điếc bé xíu xiu. Ông tủm tỉm cười, quay sang tôi thủ thỉ: “Công bằng!”. Nhưng lúc bà ống thấp ống cao lên bờ, ông nháy mắt dặn mọi người: “Đừng chọc bả tội nghiệp, già rồi mà còn tự ái cao lắm!”. Cả nhà không ai dám chọc gì, nhưng chính hai ông bà lại kèn cựa nhau. Ông thích ăn chậm chạp, vừa nhâm nhi “la de” vừa kể chuyện từ đời xưa cố lỷ. Bà khiêu khích: “Sao chuyện gì xa xôi ông nhớ dai nhách còn chuyện hiện tại quên tới quên lui?”. Ông rộng lượng cười: “Dĩ nhiên, cái gì đã ăn vào bộ nhớ là nằm yên. Đầu tui chứa đựng bao nhiêu pho sách rồi đủ thứ hóa đơn nên bộ nhớ hết chỗ. Mà dù có quên cũng chưa dùng tới máy móc!”. Bà thua cơ quay sang con cháu phân bua: “Thật ra, mẹ còn nghe được, nhưng bên đó đi bác sĩ người ta hứa cho máy miễn phí. Ngu gì từ chối! Bây giờ lậm máy rồi, gỡ ra trống trống lỗ tai!”. Cả nhà mím môi gật gù tin lời nhưng khi thấy ông cười tủm, nhếch tí mép, không ai nhịn được nữa.
Sau chuyến đi biển về, có lẽ hối hận vì lỡ đưa nhau ra “đấu tố” trước con cháu, giờ ông bà quay sang khen nịnh nhau. Mẹ tôi chưa già mà gót chân đã đau vì thiếu canxi, đi chợ chồm hổm gần nhà mà cũng leo lên xe đạp. Bà không chê mẹ nhưng khen ông giỏi lắm, ngày nào ông cũng đi bộ hai cây số ra siêu thị đầu đường. Ông không thích mỗi tuần đi chợ một lần, xách nặng. Cứ thong thả từng ngày vừa đi chợ vừa tập thể dục. Chân ông dẻo dai, mấy người bà con bên Mỹ sang chơi không quen đi bộ phục ông sát đất. Mùa hè, ông xuống hồ bơi thiên nhiên gần nhà, bơi thì ít mà khoe... bộ xương cách trí thì nhiều. Năm ngoái bà còn mập, nghe lời ông, bà cũng tranh thủ ra hồ, nhưng bà không thích bơi mà chỉ vì phải... canh chừng chồng. “Coi ổng ròm ròm vậy chứ nhiều bà góa thích lắm. Đầm hay Việt gì đủ hết - Bà cười trào nước mắt - Nhiều bà lợi dụng vừa nói chuyện vừa vỗ vỗ lưng ổng!”. Ông được khen già mà còn đào hoa nên hào phóng khen lại bà chịu khó ăn kiêng nên có được thân hình... thiếu nữ. Nhà chỉ có hai người mà hai nồi thức ăn, bà ăn chay trường, ông lại chê thịt Tam Tạng [4]. Mỗi lần nêm đồ ăn cho ông, bà chỉ nhắm chừng chứ không nếm được, ông đòi: “Nếm đại đi. Rồi sau đó súc miệng!”. Bị Bà đem luật nam -nữ bình quyền ra thuyết, ông tiu nghỉu. Nhưng ông không phải là một người chồng đùn việc cho vợ. Ông nhận nhiệm vụ giặt đồ bằng máy rồi đem xuống sân tập thể phơi, Ông còn đổ rác, hút bụi, lau chùi phòng tắm. “Chưa hết - Ông thêm vào lời Bà - Mỗi khi mẹ tụi bây đi bộ nhiều vọp bẻ [5], ba còn làm thêm nhiệm vụ đấm bóp cho bả! Hà hà!”. Hai người tự lực cánh sinh quen rồi, nay về Việt Nam được con cháu chăm sóc cũng thích, có dịp nhõng nhẽo, vòi chiều chuộng, đòi uống trà ăn mứt rộn rã. “Vài bữa nữa, tụi mình về bển phải tự làm hết - Bà bấm đốt ngón tay - Sao tui muốn ở lại! Hay ông về bển một mình đi!”. Ông im lặng uống một hớp bia. Hai người muốn về Việt Nam sống nốt những ngày còn lại.

 

Ông bà lại ra đi được hai tháng nay. Mấy ngăn bàn trong phòng ông vẫn khóa im ỉm. Ông không nhớ đã để chìa khóa ở đâu. Bà cằn nhằn: “Ba cái đồ lụn vụn đó, ai thèm lấy mà đóng với khóa!”. Ông cự nự: “Bàn tui thì tui khóa, bà không thấy bảng tên của tui ở đây sao?”. Rốt cuộc ông nhìn tôi ngại ngùng: “Thôi, ông nội chịu thua không nhớ để chìa khóa ở đâu. Mai mốt về nữa mà, sẽ trả lại con mấy ngăn tủ”. Bà viết thư về nói ông bỏ theo valy cây kéo, mấy cuốn sách và... một vỏ chai bia Sài Gòn. Còn chùm chìa khóa mấy ngăn tủ, không hiểu sao lại nằm trong một chiếc vớ ở cặp đựng giấy tờ. Bà hứa năm sau lại về vì ông càng ngày càng sa sút trí nhớ, chỉ toàn nhắc chuyện Việt Nam.
Chúng tôi chờ, chờ mãi. Hai năm trôi qua. Bà buồn, nét chữ run nghiêng nghiêng: “Cố gắng! Còn nhiều chuyện ông bà chưa sắp xếp được. Mà cũng chưa quyết định dứt khoát có về bển ở luôn không.”. Sài Gòn mùa mưa đến sớm, ba tôi ngồi trong phòng ông uống bia một mình nhìn ra cửa sổ. Tôi như thấy dáng ông cũng ngồi như thế ở trời Tây. Thời gian này ông không đi chợ mỗi ngày nữa, ông nói mình lẫn lộn, đi ra đường sợ lạc, chẳng biết về đâu. Bà nhỏ bé đi về một mình, tay này cầm chiếc giỏ đựng thức ăn bé tẹo, tay kia giương cây dù, chân bước chậm rãi sợ trượt trên thảm lá. Gió vẫn thổi cho lá vàng bay.
Chú thích:
[1] Ông ấy.
[2] Bà ấy.
[3] Bên ấy.
[4] Đậu phụ (tiếng lóng).
[5] Chuột rút.