Ngày tôi về thăm em là mười lăm năm đã qua khi tôi gặp em lần cuối lúc tụi mình mới 18. Lần đó em đưa tôi ra bến xe giã từ rồi tôi chưa bao giờ trở lại cho tới dịp này. Chưa hẹn thề gì, chưa một lần trao môi hôn, chưa một lần cầm tay nhau đi trong mưa, nhưng hai đứa đã từng đi dọc những con đường dài buổi chiều tà hay những đêm trăng sáng đẹp. Sau này trưởng thành hơn, kinh nghiệm đường đời già dặn hơn, tôi biết là chúng mình lúc đó đang ở cái buổi, "Tình trong như đã, mặt ngoài còn e!" Tôi đi chưa đầy năm thì được tin em lấy chồng, rồi từ đó mất liên lạc. Tôi vùi đầu vào với bài vở, và cho tới ngày ra đi, tôi không ngoảnh lại nhìn vùng trời kỷ niệm xưa nữa. Có còn gì đâu, có còn gì đầu, chỉ còn quá khứ, chỉ còn thương đau. Tôi không trở lại vì biết đã quá muộn màng, chỉ khi mất em tôi mới biết là tình tôi đối với em sâu đậm, nhưng vì thỏ đế, hay vì tương lai chưa chắc chắn nên tôi chẳng nói năng, chẳng tỏ tình để rồi hụt hẫng khi được tin em lấy chồng. Tôi sống ở bên kia bờ đại dương, nhớ về một phương trời mộng mị. Thỉnh thoảng liên lạc người thân được biết tin tức về gia đình em, em thành cô giáo, được hai con rồi chồng mất vì bệnh nghiện ngập, tôi buồn đau cả tháng vì được tin em góa chồng. Tôi vẫn hình dung em hạnh phúc, và đã thản nhiên sống cuộc đời bình lặng của người Việt tha hương. Một thân côi cút với hai mụn con, em làm sao để sống? Tôi gởi tiền nhờ người thân giúp đỡ em, nhưng không nhận thư trả lời, thế rồi thời gian bẵng trôi, tôi chỉ là bóng ma quá khứ đã bị lãng quên. Như một cục than hồng nằm trong đống tro tàn, gặp ngọn gió lại bùng lên ngọn lửa, mối tình ngầm của tôi với em vẫn chưa tắt ngấm lại vùng lên khi có người đồng hương rủ về Việt Nam chơi. Ở tuổi tam thập tam, mẹ tôi nói, con cũng nên an bề gia thất! Ba mươi ba đối với tôi cũng như mình hồi mười tám, tôi vẫn tưởng như mình là cậu học trò đi bên em trên con phố về khuya. Vâng tôi phải về, phải về, để xem trái tim mình vẫn còn yêu em mãi không, cho dù là em đã có chồng, có con đứa 13, đứa 9... Liệu tôi khôn ngoan đủ, trưởng thành đủ để là dưỡng phụ của chúng không nữa? Nhưng vì em, vì tôi, tôi nhất định phải về! Tôi nhờ người thân báo em hẹn đến gặp nhau ở một quán cà phê đường Ngô Đức Kế vì người thân đã nói em vẫn trẻ đẹp và nhiều người ngấp nghé nên khuyên tôi đừng nên tới gặp ở nhà có thể gây trở ngại cho em. Ba mươi ba tuổi thì có gì gọi là già, như tôi đây, tôi có nghĩ bao giờ mình già đâu. Tôi chỉ già đi dưới con mắt của Mẹ tôi đang trông chờ ẵm con của thằng Út chứ Mẹ tôi đã ẵm bao nhiêu cháu ngoại cháu nội rồi, có con tôi hay không cũng thế thôi. Tôi đâu phải con trai một mà phải cưới vợ kiếm người nối giòng như thời cổ xa xưa. Tôi ngỡ ngàng nhận ra em trông tà áo dài nhạt xanh có thêu bụi trúc, nhành mai, vẫn cao sang như ngày nào, nhưng tôi chỉ còn nhận ra cặp mắt và nụ cười, còn hình dạng đã rất nhiều đổi thay, không còn là Trúc Mai của thời học trò buổi nào nữa. Tôi kéo ghế, hỏi em dùng gì, em xin một ly đá chanh, như thuở còn học sinh cấp 3. Tôi cũng ngượng ngùng như là một cậu học trò nhỏ, cầm ly nước đá chanh cô tiếp bàn vừa trao đưa cho em mà đôi tay run run làm sóng sánh ly nước. Em bật cười nói như trong mơ: "Nguyên vẫn như xưa, chẳng có gì thay đổi từ hình dạng tới cử chỉ!" Rồi cười buồn, "Còn Trúc Mai gần như đã sống cả một đời rồi, một đời làm vợ, một đời làm mẹ..." Tôi định trấn an, "Trúc Mai vẫn như hồi xưa mà!" nhưng nhận ra mình sẽ nói dối, vì Trúc Mai thật sự già dặn hơn tôi rất nhiều, tôi chưa bị gánh gia đình đè nặng trên vai, nỗi ưu tư vật chất tương lai, ngày mai như thế nào... nên lẳng lặng nghe những lời tâm sự của Trúc Mai. Đoàn Việt kiều với kép với đào mới tới làm ồn ào cả quán, em chợt ngẩng đầu nhìn rồi cúi mặt. Năm cặp mới đến có bốn ông tuổi ngũ tuần tới lục tuần cặp với các cô choai choai cỡ 20 ăn mặc hở hang thời trang mốt mới, và một cặp hi hữu trong đời gồm một bà lão cỡ 60 đến 70 đi với một anh nói rặt tiếng Bắc cỡ hai mươi mấy ba mươi ngồi gần bàn chúng tôi. Ban đầu tôi nghĩ là mẹ con hay bà cháu, nhưng bà già cứ sang sảng em với cưng hoài nên tôi đoán hẳn anh chàng này là trai thuê gigolo chứ chẳng phải con cháu họ hàng gì cả... Cả em và tôi đều không muốn bị liệt kê vào đám người ấy nên bảo nhau đứng lên đi ra giữa khi chuyện chúng tôi chưa ngã ngũ về đâu, kỷ niệm của 15 năm về trước còn chưa đề cập tới, biết đi đâu bây giờ. Những lão gia hồi hương tìm hoa thơm trái lạ, những con kên kên rỉa rói xác đồng loại đã làm tan không khí học trò đơn sơ của chúng tôi ngày xưa. Tôi định bụng gọi xe chở chúng tôi đến một nơi nào đó nói chuyện, nhưng em cản: "Nguyên đi với Mai, để Mai lấy xe Dream chở ra Đền Đức Mẹ Bình Triệu viếng Đền Đức Mẹ và nói chuyện luôn!" Xe cộ trong thành phố Saigon bây giờ còn tấp nập hơn thời xưa nhiều, tôi có sành sỏi lái xe ở Chicago bao nhiêu cũng không dám đụng tới tay lái ở đây. Trúc Mai người nhỏ nhắn, nhìn sau lưng đố ai biết nàng đã ba mươi ba, nhưng nhìn trên khuôn mặt có lẽ già trước tuổi bởi những khổ đau chất chồng, ưu tư cho cuộc sống... Tôi ngồi sau Trúc Mai trên chiếc xe Dream, nàng lái nhanh và bạo giữa những hàng xe với xe. Tôi ngồi sau bấm tay ghì ghế, sợ mình lọt xuống lề. Cũng có chút thoáng nghĩ ôm ghì lấy eo nàng chứ cũng chẳng phải lúc nào cũng trong sáng, nhưng thấy nàng ốm o như thân cò, tôi ôm thì nàng sẽ thành bọt biển bay lên trên không mất. Đi ra ngoài xa lộ, tóc nàng bay phần phật, đập vào mặt mũi tôi, tôi ngửi tới mùi hương tóc, thấy rất thân tình, gần gũi hơn mọi lúc nào, cũng vẫn thẹn thùng như một thanh niên mười tám. Giá cứ như thế này nhỉ, giá cứ vô tư chạy hoài trên xa lộ tình yêu như thế này, không có gì để suy nghĩ, không có thực tại, xã hội, gia đình để âu lo, ngại ngùng... Em và tôi đã vào Đền Đức Mẹ, đền lưa thưa vắng người. Chúng mình cùng quỳ lâm râm cầu nguyện rồi em cất hát nho nhỏ một bài hát quen thuộc để tôi hòa hát theo, "Con dâng về Mẹ một tình thương yêu bao la..." Tôi thấy hồn mình bình an lắm, tôi nhìn em như nhìn một người mẹ, một người vợ hiền, một người góa phụ, một người bạn xưa và mãi mãi là bạn hiền khi em hỏi: -- Mai hỏi thật Nguyên nha! Sao lâu nay Nguyên không lập gia đình? -- Tại chưa gặp người ưng ý! -- Hồi đó ra đi sao không chào Mai? -- Lúc đi học có chào mà, Trúc Mai không nhớ là có đưa Nguyên ra bến xe sao? -- Nhớ, nhưng Mai hỏi là lúc đi Mỹ kìa! -- Lúc đó Trúc Mai lấy chồng rồi, đâu còn lý do gì để ở lại. -- Vậy hồi xưa Nguyên yêu Mai à? -- Hỏi thật hay giỡn đó? -- Hỏi thật và hãy trả lời thật cho Mai đi! -- Hồi đó,... à hồi đó Nguyên có yêu đơn phương Trúc Mai đó! -- Sao hồi đó không nói? -- Tại nhát với tương lai sự nghiệp chưa có gì! -- Nếu nói Mai chờ được mà! -- Thế tại sao Trúc Mai lấy anh Quốc mà không lấy anh Huy, lúc đó Huy theo đuổi Trúc Mai ra mặt mà, còn anh Quốc thì khi đám cưới Trúc Mai rồi Nguyên mới nghe! -- Mai không thích anh Huy, còn anh Quốc thì theo đuổi Mai mãi nên có duyên đó, thời gian chung sống, ngắn ngủi nhưng Mai rất hạnh phúc. Thế rồi chuyện này sang chuyện khác chúng tôi ôn lại dĩ vãng ngày xưa, Trúc Mai cho biết nàng một ngày nào cũng sẽ đi Mỹ vì cha mẹ nàng đã bảo lãnh cho nàng và hai con của nàng vì chồng đã chết năm năm rồi, còn cha mẹ chồng vừa chết năm ngoái, thế là nàng đã xong nghĩa bên chồng, chỉ chờ ngày đi phỏng vấn và sang Hoa Kỳ. Nàng đưa tôi về nhà người thân chỗ tôi ở, nhắc: "Có duyên thì sẽ gặp, đừng trẻ hư thân già mất nết như những người lão già dê xồm kia nhé!" Tôi cười đùa lại, "Thế cũng đừng làm mụ già cừu dỏm nha!" Hai đứa tôi cười ngặt nghẽo như mười lăm năm về trước. Nguyên Đỗ