5.13.1.72 Nhớ rằng Thông tin là con nhà "Sáng đi bốn phương, chiều về tổ ấm" - Hãy caothượng hơn nữa, đừng để hối hận khi mỗi đứa một phương! Thật đáng tiếc, hôm nay cũng chưa phải là trọn vẹn lắm. Cuối cùng tỏ rõ một điều: Mình chưa tự chủ được! Từ mai cần bám vào tập thể cho "dạn" hơn. đừng lẻ loi một mình mà phải đấu tranh gay gắt với bản thân! Ngoảnh đi ngoảnh lại, phút mình vô tư nhất lại là lúc ở trên sân bóng. Lúc đó, ngoan lắm, đáng yêu lắm. Mãi không có thư! Mai sẽ thế nào, mong lắm rồi. 6. 14.1.72 Hải Thượng Lãn ông nói: "Ghét muốn xúc đất đổ đi!" thật đúng với tâm trạng của mình. Càng ngày mình càng trở nên gay gắt với anh chàng cùng tổ. Bạ dính vào việc gì có hai đứa là mình khó chịu, khó chịu thành ra xét nét và càng xét nét càng khó chịu. Cứ thế này không khéo chẳng bao giờ ưa anh ta mất. Kể ra thế thì cũng tệ thật. Nhưng không làm sao khác được cả. Dẫu mình có cao thượng, có nhường nhịn đến thế nào đi nữa. Nhưng cái gai mắt vẫn là cái gai mắt. Mà sao lại cho nó vào nhật ký của mình nhỉ? Giá mà nó không chạm vào một phần cuộc sống của mình thì đừng hòng chen vào đây! Chẳng thèm nhìn mặt nó nữa! Chẳng thèm gọi tên nó vào đây nữa! Chốt trên cao điểm 84,2. Đúng ở ngọn đồi "chuồn chuồn đỏ" hôm nào ngồi với anh Châu. Bây giờ thì kém xúc động nhiều rồi - chỉ còn công việc. Tại sao con người khi lớn lên hình như thích khoe khoang và lên mặt thế. Dẫu đến với ai mình cũng có cảm giác người đó đúng đắn hết thảy. Nói điều gì họ cũng dường như khẳng định và không một thoáng nghi ngờ. Sau khi nghe họ nói và nhìn hành động của họ, thật khác nhau một trời một vực! Mỗi người đều có một quan niệm sống nào đó, đúc kết thành lý luận. Và chắc lý luận đó được "trình bày" nhiều lần trong các cuộc trà lá nên họ nói trôi chảy, trơn tru lắm. Đấy là mình nhận ra khi xem anh Th., Q. và nhiều người khác nữa… Lại suy nghĩ về những bức thư. Tự dưng, mình sợ đọc thư của người khác. Nó chán và gây cả cái gì mòn, sáo, rỗng tuếch cho vô vàn cái đẹp của thiên nhiên. Trăng, gió, mây mưa, sương sớm... Hỡi ôi, nó không còn mới mẻ nữa hay sao? Và lúc này có 1 lá thư nào gửi cho mình mà chưa đến tay mình hay không? Có thư cũng không vui gì lắm. Nhưng không có thư lại càng buồn hơn. Mấy tuần nay ít gửi thư, và có lẽ vì vậy mà không xảy ra phản ứng hai chiều. Mình cảm thấy cuộc sống này thế nào ấy. Người ta sống chưa thật lòng với nhau. Còn kèn cựa, còn ganh ty và chưa thương yêu nhau như mình mong muốn. Dĩ nhiên, mình cũng!à những người như thế thôi, chưa thể làm khác được. Mà thôi, cuộc sống có lẽ chẳng thể tốt hơn được khi những vấn đề cấp thiết nhất chưa được giải quyết. Phải tạm bằng lòng chút nào vậy. Và nếu chưa đủ sức đấu tranh, hãy tạm kìm mình cho êm ả. Mình hãy sống tốt đi đã rồi hãy bàn đến tương lai. Đúng như Như Anh nói, mọi cái chỉ là tương đối thôi. Cả nỗi nhớ cũng vậy. Mình vẫn không quên nhưng ngày tháng 8, 9, 10, 11, 12:.. mấy tháng nhớ bạn, nhớ những kỷ niệm trong lành. Cảm giác ấy không sao tả được, nhưng nhớ rất rõ. Còn bây giờ, những gì sôi nổi lắng dần xuống. Cứ thế có lẽ lại tốt hơn cơ đấy. Mình không quên Như Anh. Nhưng nhớ ít thôi, ít hơn trước. Hình ảnh thân yêu ấy chỉ chợt thoáng qua rồi lại biến đi, không nhiều trong 1 ngày. Mình cũng không có ý định bắt mình phải nhớ đến. Kể ra nhớ đến thì cũng tốt, nhưng nó cứ bắt mình phải nhớ đến cái gì đó mơ hồ, nhưng cụ thể biết chừng nào! Mà lúc này đâu được làm như thế! Rất khó kìm giữ được mình. Lại miên man hoài! Không mình nhất định không quên Như Anh! Song, lúc này bớt nhớ đi mà làm việc là đúng đắn nhất. Mình tin rằng những gì tốt đẹp mình đã và sẽ dành cho Như Anh là tất cả cái trong sáng và lành mạnh nhất trong cuộc sống của mình. Đêm nay lại đi gác đây. Buồn ngủ nhiều và ít thấy xúc động Vì lạnh, ngoài trời đang nổi gió. Cảm giác đèm đẹp cứ chai sạn dần đi. Mà hình như mình chưa làm bài thơ nào về một đêm gác cả. Tuy Nguy Nguy có nói: "Nghề viết văn là một lao động cực nhọc. Phải làm ngày và làm cả đêm". Có lẽ mình không muốn làm nhà văn mà mình lười biếng như thế chăng? Buồn ngủ díp cả mắt lại, chỉ muốn rúc vào chăn thôi. 3.18.1.1972 Về nhà hôm chủ nhật, nhận được 5 thư liền của Như Anh. Chiều nay Năm và Thơi đã lên. Nó nằm kia và ngáy khò khò. Vô tư quá! Con người vô tư quá. Ngày hôm nay vui vui, mà không hiểu từ đâu niềm vui kéo đến. Mình hát khe khẽ. Khe khẽ. Chủ nhật về nhà, đêm ấy thức suốt sáng, mệt nhoài người, đi bộ 40km từ cầu đường đến đơn vị vậy mà vẫn bị chậm. Thật chán. Như Anh sẽ thôi, không gửi thư cho mình nữa. Ừ! Như Anh phải học chứ. Phải học giỏi nữa. Có lẽ nhắc Như Anh ra khỏi nhật ký thôi, bởi vì nỗi nhớ Như Anh là chuyện hàng ngày, không cần phải nhắc nhở nhiều mà nhàm 7.22.1.72 Mệt lắm, song phải cố viết. Như Anh đang làm gì nhỉ. Mấy ngày bận và cũng chẳng lúc nào ngồi một mình. Sắp đi học rồi. Hôm nay, bạn mới, thầy mới, lớp mới và chuyển sang bài học mới. Tạm biệt thôn Cầu Tự mấy tháng nhé. Hôm nay đến chỗ mới, thôn Phùng Xá - Gần cơ quan trung đoàn, sắp vào học tín. Thư Như Anh gửi cho không nhận được rồi: Họ chuyển đến Việt Yên, cách đây 30km. Xa thế làm sao có đủ thời gian mà đi nhận cho được. Kệ họ thôi, rồi họ khắc phải lấy thư về nhà. Không hiểu đến bao giờ mới nhận được mới được đọc những lá thư ấy nữa. Gia đình mình mới tới có nhiều chuyện thú vị ghê. Làm mình nhớ tới Pauxtôpski trong "Bình minh mưa " và nhớ tới Lê Điệp với Buổi tối ngày mưa... 2.24.1.72 Cảm thấy nhớ B thông tin của mình. Mà nào có xa xôi gì cho cam, chỉ cách có hơn năm. Thế mà về xoành xoạch, chẳng thể chịu được. Cầm tờ báo, thấy bài nói về thông tin vô tuyến, mình nghĩ luôn, tối nay, tới nó ở nhà lại đọc bài này đây. Chẳng được ngồi với chúng nó mà nghe đọc nhỉ. Đêm nay, ai lên đọc báo đây, Hùng hay Toàn nhỉ? Học tín khổ nhiều, căng thẳng và họ giữ giờ giấc mới ngặt nghèo làm sao. Thu, phát cứ răm rắp. Mệt cũng phải nghe và cứ là rối tung lên thôi. Kể ra cũng không nặng nề lắm, nhưng cần nhạy cảm, cần nhạy cảm lắm - giống như học ngoại ngữ. Như Anh bây giờ đang học Nga văn đấy. Chắc cũng vất vả và khổ như thế. Hôm nay học khá tốt, chỉ bị một lỗi thôi, do bị cuống. Cái loa ở đầu nhà cứ oang oang, nhưng nói toàn chuyện đâu đâu ấy. Mình không được nghe tin thắng lợi Xảm Thông - Long Chẳng và cánh đồng Chum như lúc còn ở “nhà” nữa. Nằm đây mà cảm thấy ngường ngượng thế nào ấy! Thế mà cũng đòi đi bộ đội, ra tiền tuyến mà thế à? Các bạn ở nhà sắp đi dã ngoại rồi? (Chao, có tiếng ve, có tiếng ve, lạ quá đi mất, con ve, con ve sầu - ôi, con nữa, con nữa, nó kêu nhiều quá, ở bụi trúc trước ngõ ấy, cả ở mái nhà nữa!? Sao thế nhỉ? Sao thế?...) Mình năm nay đón tết ở đâu, tụi đi dã ngoại mồng 7 Tết mới về. Ở đây chỉ có 20 người, vắng vẻ, ăn tết với gia đình chăng? Cô gái nhỏ, Hoa, còn nhỏ lắm, lớp 6 thôi, nhưng đã thuộc vào loại “bom"... Ngộ ghê lắm. Nhìn tụi nhóc tụ họp để học (không, chủ yếu là vui thôi...) mình không còn cảm thấy buồn, tiếc nữa. Đúng đấy, bây giờ chính là lúc mình đóng góp mà, tuổi thanh niên là tuổi cống hiến. Thạc đừng vội nghĩ đến những đòi hỏi hưởng thụ. Hãy cao hơn những tính toán cá nhân. C18 đang hành quân ngoài đường. Họ hát vui. Mình không đi được vì "bị thương" do trận đá bóng sáng chủ nhật Tay trái bị sây sát nặng, sưng tấy cả lên. Viết thế này phải nằm trên giường và kê tay lên chăn. Sao cuộc sống lúc này mình yêu thế. Yêu từ ngọn đèn mờ đỏ này. Đêm qua đi dưới lùm tre thân thuộc, có ánh trăng rất trong và ngọn gió mênh mang, lắng nghe lời kể chuyện, mình thấy tự hào ghê. Các thầy cô giáo, các bạn học của mình chắc không hề ngờ rằng mình lại ở đây, một mình đi dưới ánh trăng êm đềm này. Mình chẳng cảm thấy cô đơn, và có lẽ đây chính là những lúc cảm thấy đẹp đẽ nhất trở về: Nhìn những ngôi sao long lanh trên bầu trời, bao nhiêu ý nghĩ hồng hào của tương lai làm mình sung sướng. Mình sẽ đi bộ đội cho đến khi nào hết giặc. Sẽ theo Bô rít Pôlêvôi, thu thập thật nhiều vốn sống, và sẽ viết văn, sẽ làm thơ ca ngợi những con người đã hy sinh những gì quí giá nhất của riêng mình cho giai cấp, cho dân tộc. Trước hết là làm tròn nhiệm vụ của người lính thông tin, sẽ thành người báo vụ chân chính, xứng đáng với lòng tin của mọi người. Sáu năm sau, sẽ gặp Như Anh thân yêu của mình. Ôi, lúc đó, có biết bao nhiêu thay đổi, 6 năm cơ mà... Nhưng mình tin cuộc sống sẽ thay đổi theo chiều đi lên. Tội nghiệp Như Anh, cứ chờ hoài. Lỡ mình có sao thì lại lỡ làng hết cả. Rồi lại buồn mãi. Có lẽ ít người như Như Anh lắm, nhiều lúc cũng khó ngờ Như Anh lại nhiệt tình với mình như thế. Dũng cảm, Như Anh nhé, dũng cảm lên, mạnh dạn và vững lòng tin. Bà cụ lại nhớ con. Anh ấy (anh ấy mà chỉ mới 18 tuổi! Đi bộ đội sau mình 3 tháng), có ao ước về nhà thăm mẹ và em không? Ngôi nhà nhỏ, tùm lum hay đi về trong giấc ngủ và nỗi nhớ của anh. Nhưng mình lại đến đây, bên bà mẹ, bên em gái của anh... Mình cũng biết đó là ước mơ của anh ấy... Giờ này có bao nhiêu bà mẹ đang da diết nhớ con xa? 5.27.1.72 Đêm qua ngủ say thế nhỉ. Stăngđan hồi nào lắng nghe đất thở chắc cũng như mình thôi. Rừng bạch đàn đẹp lạ dưới ánh trăng còn chơi vơi. Bọn mình nằm chật quá, hơi lành lạnh may mà không có gió, và gió nhẹ lắm, chỉ khẽ đưa võng bóng cây. Tăng không đủ che mái, nhìn lên cao bỗng nhớ câu thơ của bạn: “Có phần đón mặt trăng lên Có phần ánh sáng cho em chải đầu... " Thoan về muộn, không có chỗ ngủ, thế là khóc. Có quái gì mà phải khóc nhỉ, ghét nó thật đấy. Cả tiểu đội của anh phản đối. Có thế mà cũng khóc, dở thật... Dã ngoại là như thế đấy. Đừng có nằm quay đầu lênnúi mà dại. Mình nằm song song với hướng núi dưới chân 5 ông tướng. Lá bạch đàn dưới chiếu bốc mùi hăng hăng... Đến tận cây bạch đàn bé nhỏ của em... Còn Như Anh, cũng là 1 cây bạch đàn bé nhỏ... Đến suốt cuộc đời. Thạc đồng ý thế không?"... ờ, chưa hiểu lắm, chưa hiểu lắm... Cầm que diêm xoè lên một ngọn lửa nhỏ, Tâm đốt điếu thuốc Trường Sơn... Rồi có ngày nào mình cũng sẽ được đứng trên đỉnh Trường Sơn mà nhìn cho rõ mặt trăng nhỉ. Lúc ấy, có là một rừng bạch đàn mảnh dẻ, có những cơn gió nhớ thương. Và nhất là có còn thi vị như đêm nay... ánh sáng đỏ mờ mờ bên thân cây bạch đàn cao, thẳng. Gió lạnh về làm vỏ cây nứt nẻ. Bạch đàn ơi, thương em lắm, sao em đứng đây, sao em đứng mãi đây? Dạo còn bé, đi cắm trại, cũng căng lều, cũng nằm mà không ngủ... Nhưng, giờ đã lớn rồi, ta là anh bộ đội, ta căng bạt ta nằm, nghe lời của đất nước. Nghe lời của Như Anh... 2.31.1.72 …”Nhà trường đã ở phía sau sau và bây giờ trước mặt tôi là một thế giới. Giờ đây tôi phải bước ra để tỏ rõ anh ửng sức mạnh và tất cả những gì sâu kín nhất của tôi... " – Rôbec Suman. Sức mạnh anh ta là đâu? Những gì gọi là sâu kín nhất?Thực ra, sức mạnh và mơ ước thầm kín không dễ gì phát hiện được ra. Ngay cả bản thân mình cũng khó mà nói được cái gì là sức mạnh, và mơ ước trong ta là chân chính. Có phải con người lúc nào cũng biết được mình đi tìm điều gì trong cuộc sống? Và có phải lúc nào con người cũng hướng theo một mục đích nhất định? Nóng quá, ngủ rừng. Nằm trong lều rù lông bức bối vô cùng Đây lại là ước mơ thuở nhỏ của mình... Các bạn đi dã ngoại trên núi Chí Linh, chỉ vài người ở nhà. Rừng bạch đàn lào xào gió khua lá. Nghĩ được bao nhiêu điều mà không viết ra được chút gì. Mình thật sướng ghê! Lớn thế này mà thoải mái nằm ở đây chẳng phải làm lụng gì cả. Tha hồ lang thang, chẳng sợ ai bảo lông bông nữa. Mình đi rồi được nhìn bao nhiêu thứ, được gặp bao nhiêu người, nghe bao nhiêu câu chuyện. Song, mình hiểu rằng, sự thực đó đặt cho mình bao nhiêu nhiệm vụ nặng nề. Như Anh bảo rằng: Hãy đem cuộc đời mình cống hiến cho văn học, bởi vì đó còn là của cả Như Anh, đó còn là ước mơ mà Như Anh không làm được: Mình đã làm được những gì? Tất cả đều là con số không! Chẳng khi nào hết day dứt. Thật đáng tiếc vì mình vô tài vô dụng. Thực tế cuộc sống đẹp vô cùng, mà mình thì còn mê mải với những vụn hương thừa. 3.1.2.72 Trời vẫn mưa nho nhỏ, 4 ngày nữa mới lập xuân cơ. Nhưng mưa này đúng là mưa xuân rồi còn gì, dù hơi lành lạnh, nhưng lại là cái rét nẩy mầm, rét đài, rét lộc. Thỉnh thoảng, một cơn gió đi qua, lại lắc cây bạch đàn làm hạt mưa lóc róc trên mái nhựa. Năm ngoái, những ngày này, mình còn ở trường... Đang nhộn nhạo, xôn xao vui vẻ cả, còn tết này, là nỗi nhớ. Nhớ nhà, nhớ Như Anh, nhớ bạn, nhớ trường... Cơn gió có hạt nước nhỏ li ti đánh thức mùa xuân dậy, và đánh thức cả những kỷ niệm của mình. 6.4.2.71 Gió mùa Đông Bắc. Cả rừng bạch đàn vặn mình. Những cây bạch đàn thân nâu lốm đốm trắng nghiêng ngả. Những chiếc lá thon dài nằm ngang trong gió. Thấp thoáng trong rừng những mái nhà gianh và những lều bạt. Gió mạnh phần phật những tấm tăng đã cũ. Gió reo vù vù. Đêm nay rồi gay đây rồi sẽ ngủ vào đâu? "Sểnh nhà ra thất nghiệp" mà! Khắp rừng đầy lá rụng. Lá còn tươi cuốn lập bập trên sỏi vụn. Mưa đấy, nhìn ra xa thấy đỉnh núi tím đen lại. Bàn tay nào vô hình kéo lá bay vụt như mũi tên, qua những gốc bạch đàn nứt toác và những mái lều như cánh buồm phồng căng. Vào lúc nổi gió này, người ta nghĩ đến điều gì nhỉ. Nhà ai ọp ẹp chắc lo góc mái nào đấy... Mà không hiểu có ai tìm cái thơ mộng, cái đẹp đẽ trong cơn gió ào ạt ngoài kia? "Một cơn dông"... Như Anh ơi, nhớ Như Anh đấy. Chỗ này là cửa ngõ của đợt gió mùa, và cũng là cửa ngõ của nỗi nhớ dai dẳng, da diết và triền miên... Ối trời lều hất ra rồi, ụp này! 2.7.2.72 Chưa hết rét, đợt gió lạnh về mấy hôm rồi, hôm nay vẫn chưa dứt cơn. Ngồi trên manh chiếu rồi mà vẫn cóng. Nói chung, lúc nào cũng có điều hối hận, chẳng lúc nào có thể hài lòng được với mình. Đá xong 1 trận bóng là thề sống thề chết rằng đấy là trận bóng cuối cùng, nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Không sao cưỡng nổi. Mình không hề nói rằng đá bóng là có hại. Song, bỏ một khoảng thời gian không nhỏ mà lật đi lật lại quả bóng thì quả là phí. Phí ơi là phí. Đấy là nguyên nhân chính khiến cho mình muốn xa rời sân cỏ đi. Ngoài ra, mình còn sợ những va vấp đáng tiếc về sức khoẻ và va chạm về ăn thua với những người khác Thật ra, lúc đá bóng là lúc mình vô tư nhất, mình không còn nghĩ ngợi gì nhiều nhặn cả, chỉ rất nhanh trong óc chọn lấy một lối đẹp nhất mà dắt quả bóng đi và chuyền nhanh cho bạn. Không nhìn người và không bao giờ muốn "biểu diễn”, muốn khoe tài trước mặt người khác cả. Vả lại, mình thì chẳng có tài gì để khoe hết. Bóng đá, cũng như âm nhạc, như thơ, văn và vô vàn cái thú vị khác đều là một thứ nghệ thuật gây sự hưng phấn, say sưa, sôi nổi cho người tham gia. Những đường bóng căng bay chéo trên sân cỏ, một quả phạt lơ lửng trước khung thành... đấy là tất cả thế giới khi mình đang đứng trên sân cỏ/ say mê nhìn và lúc ấy... là tuổi thơ! Như Anh yêu âm nhạc, chắc cũng như thế. Cái ắccooc hay pianô đều có thể đưa lòng ta tới những miền xa xôi chưa bao giờ đặt chân tới cả. Nốt nhạc nhí nhảnh hồn nhiên gợi cho ta một điều gì trong sáng, yêu yêu… Hình như đôi gót nhỏ, bím tóc xinh xinh. Hình như một buổi sáng xuân e ấp, màn mưa buông che cho mầm, cho lộc xanh màu xanh thương nhớ... Đôi mắt em, đôi môi em và cả tâm hồn em lớn lên trong tiếng nhạc ru lòng. Sáng em mở cửa phòng, thấy cành cây ướt đầm sương khuya, em lại nhớ một bản nhạc và em hát. Khúc ca buổi sáng... Em ơi! Tất cả những niềm vui bé nhỏ đó, phải biết hy sinh. Nếu em muốn đi xa hơn nữa. Đất nước gọi em, và chìa tay đón em vào lòng, với ước mong em là đứa con ngoan, đứa con khỏe mạnh và có ích. Em hãy biết bỏ qua những điều không nhỏ mà nắm lấy cái gì lớn nhất mà cánh tay em có để dâng trọn cho Tổ quốc... Nhưng ngay từ chiều thứ 7, mình nhớ kỹ thì từ chiều thứ 4, chiều thứ 5. 6 mình phải bỏ học tín và đi tập bóng trên sân trường Trung cấp cơ khí. Còn cả ngày thứ 7 chuẩn bị cơm nước, quần áo... để 2 giờ chiều lên xe ô tô. Cái xe vận tải xóc lộn cả ruột. Ngồi mệt lử và rét cóng tay. Lên mãi tận Kim Tràng - Tân Yên, cách Nhã Nam 12km. Ở đó có trường học sinh miền Nam và trường dân tộc gồm toàn trẻ em Lào du học ở Việt Nam! Cứ thế cứ thế, ăn, ngủ, nói chuyện và đi đá bóng. Mất trọn 3 ngày trời! Sáng nay thứ 2 mới về đến nhà, mệt lử cò bợ, phải bỏ buổi học chiều nay, nằm nhà mà hối hận. Thật chán ngán biết mấy. Mình thì lúc nào cũng thế. Không hiểu ai (hình như Xtêphan - Phêđôrốp) đã nói: “Nghệ thuật là sự đối lập giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa đen và trắng". Mà thật vậy, cuộc sống cũng chính là một nghệ thuật. Anh sống say sưa, sống nhiệt tình, song, phải biết tỉnh táo. Phải biết gạt bỏ trong trí óc của mình những công thức tiêu cực mà thế vào đó những gì tích cực và lành mạnh. Không ai có thể đảm bảo rằng mình sống như thế là hoàn toàn có thể yên tâm về ngày mai. Cái tốt và cái xấu được mình ủng hộ vì "hấp dẫn" với mình hơn (!) Chậc! (Tặc lưỡi) - Thế là hỏng rồi... Mình cũng không hiểu các nhà bác học, các nhà văn, nhà thơ vào cỡ thế giới họ sống thế nào. Hãy nói gần gũi hơn Bằng Việt, Lưu Quang Vũ... họ sẽ sống như thế nào? Người ta bảo rằng: "Nghệ thuật là sự cảm hứng của tâm hồn". Nếu như chúng ta đồng ý rằng: "Nghệ thuật sinh ra để làm cho con người trở nên hoàn thiện hơn" thì chúng ta cần phải thừa nhận rằng những ai tham gia vào đó tức là những người ưu tú nhất trong những người ưu tú – Câu này của Gơrêbe. Mình rất đồng ý như vậy! Nếu như cuộc sống của mình không trong sáng, không cố gắng vươn lên, mình không thể có được cái nhìn đẹp đẽ nhất vào cuộc sống bề bộn và sầm uất bên ngoài. "Nghệ thuật không thể xây dựng bằng những bàn tay bẩn thỉu được!”. Bởi thế sự tu dưỡng nghệ thuật luôn phải gắn liền với sự tu dưỡng của bản thân mình. Muốn chép một đoạn nữa vào đây. Trích từ trong Mùa xuân của một thiên tài, đây là những suy nghĩ của Ăng ghen qua lời văn của người đời sau … Một nền nghệ thuật lớn lao và chân chính thì không thể thừa nhận một cuộc sống hai mặt. Tài năng bao giờ cũng hết sức mỏng manh. Và kẻ nào toan lừa dối nó kẻ đó sẽ mãi mãi mất nó. Cái đẹp sở dĩ tuyệt diệu chính vì nó không dung thứ cho sự giả dối cũng như tính gian tham. Cái đẹp không thể dung hoà với bất kỳ sự bẩn thỉu nào"... Không thể nào tin được Hoàng Nhuận Cầm lại có thể viết tốt hơn thế được. Nếu như Cầm nó không thay đổi cuộc sống của nó - Thời gian lơ lửng trên hè phố của nó quá nhiều, nó "trầm tư trên mái phố" quá nhiều đã tàn phá của nó khá nhiều thiên tư văn học. Cầu mong đất nước đừng để rơi một khả năng đáng quí – Nó sẽ chẳng bao giờ còn bê tha ở chợ Nhã Nam, mà cống hiến trọn vẹn những tháng ngày còn lại cho thơ. Có một lần X.D nói: "Nghề làm văn, thơ là nghề làm quan tắt". Người ta có thể nổi tiếng một cách không cứu vãn nổi chỉ vì vài bài thơ tốt - theo nghĩa đơn giản nhất. Hãy đến với văn học chật vật như Phạm Tiến Duật, dò dẫm hàng năm trời không mỏi mệt, chỉ để đạt được mục đích đem đến cho thơ một tiếng nói mới, độc đáo và riêng biệt...; chỉ để tìm được ở mỗi người đọc, mọi người đọc một con đường đi vào đáy sâu tâm hồn họ. Đánh thức trong tận cùng cảm nghĩ của họ ý thức dân tộc, lòng ham sống - chiến đấu, cái đẹp và niềm tự hào chính đáng. Phần thưởng cao quí đến với Phạm Tiến Duật không phải mọi người yêu thơ biết đến tên anh, không phải anh có thể tự hào rằng mình có những bài thơ hay mà chính là thơ anh đã có tác dụng lớn lao trong cuộc chiến đấu mãnh liệt ở tiền phương và cuộc chiến đấu âm thầm, bền bỉ ở hậu phương. Hạnh phúc mà sau một vài bài thơ, một vài cuốn sách cho "nổi tiếng" thì họ lụn bại dần. Người ta nhắc đến họ bằng những cái gì họ viết từ trong dĩ vãng. Họ, không thiếu trong cuộc sống hiện nay! Cuộc sống không đơn giản như những người "ăn không ngồi rồi", suốt đời rỗi rãi quan niệm. Nỗi buồn ư? Chẳng lẽ nỗi buồn không thể có được giữa tập thể dù tốt đẹp? "Nếu như một người không hề biết đến đau khổ thì đó là thiên đàng - con đường đẫn đến địa ngục" (Shakespeare). Không gì làm con người tiến lên bằng sự đau khổ, không gì làm con người cứng rắn bằng nỗi buồn - mặc dù khi nỗi buồn đang xâm chiếm tâm hồn, có thể làm họ yếu lòng, chỉ có điều anh tiếp nhận nỗi buồn ấy ra sao và xử trí với nó như thế nào! Anh biết rút từ trong sự đau xót ấy cái gì đáng nhận làm của mình. Và sau rốt, anh biết từ thực tế ấy phải đi lên thế nào để ngày càng cao hơn, để ngày càng hoàn thiện. Có phải bất kỳ điều gì người ta cũng có thể nói ra bằng tất cả tấm lòng chân thành của mình để thể hiện lòng trung thực quí nhất của con người? Vấn đề là nói những điều suy nghĩ vừa phôi thai? Đi dọc những nẻo đường đất nước, gặp lùm tre lắc lư bên dòng sông quen hay xa lạ, gặp những con người, đọc trong những quầng mắt lo âu, ánh mắt buồn, vui, âu yếm những chuyện đời... Ta ghi tất cả, ta nghe tất cả, thu lượm tất cả làm thành những gì gọi là kỷ niệm, gọi là vốn sống. Sự phong phú, sầm uất, ngổn ngang những cảnh đời những kinh nghiệm sống là điều không chỉ quan trọng đối với một người, đối với cuộc sống của một con người, mà quan trọng nhiều hơn là đối với một người viết văn. Mình sẽ làm thơ và viết văn. Đấy là ước mơ thầm kín từ rất lâu rồi, từ bài văn đầu tiên “Con gà trống qua sông” cho đến tận bây giờ. Ước mơ thầm kín, song ta không hề được ủng hộ. Và rất dễ nhận thấy sự nhậy cảm văn học, sự cảm thụ cái đẹp trong cuộc đời phôi pha đi nhiều. Mình không dám nói điều mơ ước ấy với ai, kể cả những người thân thích. Lỡ đâu không viết được thì xấu hổ chừng nào. Song giờ đây, giờ đây, mình hiểu rằng cây bút đã nằm gọn trong tay mình. Phải viết, phải viết - Viết say sưa và bằng tất cả trái tim mình. Hãy cống hiến chút ít gì năng lực và tất cả nghị lực cho thơ, cho văn. Hãy dũng cảm nhận lấy trách nhiệm mà lương tâm mình trao cho. Viết bằng sự say mê của bản thân và viết bằng cả sự thôi thúc của những sự kiện nóng hổi mà đất nước và dân tộc tặng cho ta. Sung sướng hơn Như Anh và gian khổ hơn Như Anh. Mình hãy xứng đáng với Như Anh, xứng đáng với niềm tin và sự chờ đợi của Như Anh. Đừng bỏ phí thời gian, hãy tập trung sức lực làm việc cho say sưa và có ích nhất. Mình sẽ noi gương Pêlêvôi, noi gương tác giả đã hy sinh của Người mẹ cầm súng. Trước hết hãy cầm súng, bằng cả hai tay. Rồi trong phút nghỉ ngơi hãy cầm bút và viết và ghi chép lấy những sự tích anh hùng về người phi công Marétxép dũng cảm, và về người mẹ anh hùng của 6 đứa con thơ... Hiện thực rực rỡ và huy hoàng quá. Hãy táo bạo, mạnh dạn ghi chép và viết. Hãy cống hiến cho đời bằng dòng máu và dòng thơ...