Tôi lên 18 tuổi rồi mà má tôi vẫn xem tôi như còn con nít, căn dặn tôi đủ điều: "Năm nay là năm thi, vừa tốt nghiệp, vừa đại học. Con mà hỏng cái nào là má khổ sở lắm đó. Sức học của con, qua các thầy cô trao đổi thì má yên tâm. Con ăn nói dịu dàng, lễ phép, không đua đòi xe cộ, đó là điều yên tâm thứ hai. Nhưng điều má chưa thật yên tâm là, năm nay con trổ giò ra. Cái dáng thư sinh cao cao giống ba mày hồi còn sống. Ðôi mắt tròng đen nhiều hơn tròng trắng, hơi mơ màng dưới đôi rèm mi dài. Khuôn mặt trái xoan con trai lại phớt nhẹ lúm đồng tiền con gái giống má, má e rằng đời con phải lao đao nhiều với phái nữ đấy! Hổm rày, lác đác tụi bạn nữ cùng trường mới, lớp mới của con cứ ghé nhà hỏi thăm con hoài, má ngại quá. Con phải cứng rắn, bản lĩnh, đừng dây dưa vào vấn đề tình cảm đối với con gái mà xao nhãng chuyện học con nhé!". Tôi biết đó là những lời má tôi dặn đi, dặn lại tôi nhiều lần, cốt để thực hiện lời trăn trối của ba tôi trước lúc ba tôi ra đi vì căn bệnh nhồi máu cơ tim, khi tôi vừa tròn mười tuổi, là để mong tôi được nên người. Thường những lúc như vậy tôi cười nửa đùa nửa thật với má: "Má cứ yên tâm đi. Con gái bây giờ thích làm ngơ, thì con trai ngu gì mà không làm ngơ lại. Ðeo đuổi làm gì ba cái thứ tình cảm lăng nhăng cho khổ một đời!". Nghe tôi nói vậy, má tôi bật cười. Rồi bà tâm sự có vẻ ưu tư: "Tối qua xem phim ti vi, tới chỗ tình cảm, trắc trở bất hạnh của các nhân vật trong phim, má thấy con chảy nước mắt. Ðiều ấy thật giống ba con hồi còn sống. Nhưng như vậy là trái tim con thật dễ xúc động. Những trái tim ấy rất dễ mềm lòng trước phái nữ, và sau đó là muôn vàn rắc rối xảy ra!". Má tôi nói vậy thì tôi nghe vậy, chứ chẳng lẽ tôi lại đi tranh luận với má về tình bạn, tình yêu. Bởi tôi luôn luôn tự nhủ với lòng mình: "Mềm lòng làm gì với lũ con gái vớ vẩn ấy cho mệt đời. Nàng nào có làm điệu làm đàng cất tiếng rủ rê, thì mình xin lỗi lắc đầu là yên chuyện. Cứ cố gắng lo học hành cho thật giỏi giang, sau này xong đại học ra trường, có công ăn việc làm ổn định rồi hãy hay!".
Mang điều tâm nguyện ấy thường xuyên trong lòng, nên tôi thật vô tư trước con gái. Ở trường, ở lớp thỉnh thoảng các nàng có hỏi tôi điều này điều nọ, ngay cả những lúc đạp xe đạp cọc cạch trên đường đi học, đi về. Những lúc như vậy, tôi thường trả lời cho qua chuyện. Tôi làm lớp trưởng, nhưng các nàng trong lớp nhìn tôi có vẻ "kính nhi viễn chi". Mặc kệ, điều ấy càng có lợi cho việc quyết tâm gắng chí học tập của mình. Tôi càng nghiêm bao nhiêu, lãnh đạo lớp đâu ra đấy, cô giáo chủ nhiệm càng khen tôi bấy nhiêu!
Nhưng có một buổi chiều tôi bị quấy rầy bởi con gái, mà trái tim tôi không thể nào làm nghiêm được nữa!
Ðó là lúc giải xong một loạt các bài tập hóa hắc búa, với tâm trạng tự tin, phấn khởi, tôi bước ra vuông sân nhỏ phía hông cửa sổ nhà mình để đùa với con mèo mướp, thì có một chiếc lá nhẹ nhàng rơi xuống trước mặt. Không phải lá vàng rơi, vì mùa này đâu phải mùa thu. Mà là một lá thư viết bằng giấy học trò xếp làm tư. Tôi nhặt lên xem thì thấy lời lẽ thật là trịch thượng: "Bạn yêu mèo lắm. Thế là cùng sở thích với tụi này rồi. Có thể làm quen được đấy. Nhưng hãy để tụi này điều tra thêm về bạn đã nhé! - Tam cô nương". Bằng phản xạ tự nhiên, tôi ngước nhìn lên cửa sổ tầng ba của ngôi nhà lầu láng giềng thì bắt gặp có ba nàng con gái đang chụm đầu nhau nhìn xuống tôi. Phía cạnh bàn sát cửa sổ là một con mèo đen đang được đôi bàn tay của một trong ba nàng ve vuốt. Tôi nghe tiếng cười khúc khích của ba nàng vọng xuống. Và tôi làm mặt nghiêm bỏ vào nhà. Con mèo mướp cất tiếng "meo meo" như có vẻ trách tôi sao không đùa với nó lâu hơn như mọi bữa!
Vào nhà tôi cứ tự hỏi: "Quái lạ! Tại sao ngôi nhà ấy, căn phòng ấy lại có ba nàng con gái? Tự mấy năm nay đó là ngôi nhà của giáo sư T. và giáo sư thường ngồi làm việc ở căn phòng ấy, bên cái cửa sổ ấy mà! Hay là cháu chắt gì của giáo sư từ xa mới đến? Nếu từ xa mới đến, tại sao các nàng lại biết tôi yêu mèo?".
Tình thật mà nói, tôi rất thương con mèo mướp của tôi. Hồi nó mới ra đời, còn nhỏ xíu, má tôi nhặt nó từ chợ đem về nhà nuôi, nói là để nó kêu cho lũ chuột nhắt sợ, khỏi cắn phá đồ đạc. Chắc là mẹ nó đẻ nó trong một ngóc ngách nào đó của các sạp hàng ở chợ. Ban đầu nhìn màu lông của nó, tôi chẳng hề có chút cảm tình. Nhưng dần dần lớn lên, tôi thấy nó quyến luyếng với má con tôi vô cùng. Ðúng là nó có trong nhà lũ chuột đã tản cư đi đâu hết. Lúc này con mèo mướp của tôi có lẽ đang ở vào tuổi thanh niên. Bộ lông của nó tuy không đẹp nhưng thật mướt. Nó là một anh mèo đực đang trỗ mã, có dáng đi hùng dũng, có đôi mắt xanh như hai ngọn đèn chiếu sáng trong đêm. Nhiều lúc nhìn nó, tôi cứ liên tưởng đến những con hổ, con báo trong chốn rừng già!
Cuộc sống của gia đình tôi cứ đều đặn trôi. Má tôi vẫn cứ ngày ngày ra chợ, sáng đi chiều về. Còn tôi vẫn cứ ngày ngày đi học. Có điều từ khi nhận được lá thư ấy, mỗi khi bước ra vuông sân nhỏ nhà mình, tôi không thể không ngước nhìn lên cửa sổ lầu ba, ngôi nhà láng giềng. Có lúc cửa mở nhưng chẳng có ai. Có lẽ các nàng cũng đang bận học hành như tôi.
Rồi một hôm, đang ngồi ngắm mấy con cá lia thia đang bơi trong hồ nước xi măng to ở góc vuông sân, thì một cái lá khác treo lơ lửng trước mặt tôi. Vẫn lá thư xếp làm tư nhưng lần này nó được cột vào một sợi chỉ và tận trên cao cửa sổ lầu ba nhà láng giềng thò ra một cái cần câu. Tôi ngước lên, và nghe các nàng cười rúc rích. Các nàng câu cá, hay câu tôi? Tôi cũng bất giác mỉm cười và đưa tay gỡ nhẹ lá thư. Lần này lá thư viết: "Công chúa mèo mun nhà ba chị em tôi nghe hoàng tử mèo mướp nhà anh kêu, nó cứ... đòi xuống dưới đó. Nhưng chúng tôi sợ nó trổ hoang nên đóng kín cửa nhốt. Mong anh làm ơn cũng nhốt con mèo của anh lại để nó khỏi quyến rũ con mèo của chúng tôi. Thành thật cảm ơn. - Tam cô nương". Tôi lại ngước lên và lại nghe các nàng cười. Tiếng cười của các nàng lần này rõ to, sặc sụa, làm gợn sóng mặt hồ nước nuôi cá lia thia của nhà tôi!
Hôm sau thì tôi đã điều tra ra lai lịch của tam cô nương. Ba má cá nàng từ ngoại thành đã mua lại ngôi nhà của giáo sư T. và chuyển về ở đã hơn một tuần nay. Trong ba nàng thì hai nàng lớn sinh đôi đang học 12, còn nàng út đang học lớp 10. Cả ba học cùng trường, nhưng rất tiếc là không phải ngôi trường tôi đang học. Tôi định bụng một ngày nào đó đẹp trời tôi sẽ đem con mèo nhà tôi sang gặp con mèo của nhà các nàng để xem thử chúng có biết tâm sự gì không! Ðêm ngủ quấn chăn một mình nghĩ đến cái ngày ấy, tôi lại cười tủm tỉm.
Nửa khuya hôm ấy trời trở gió thật lạnh. Tôi chợt thức giấc vì tiếng trẻ khóc thảm thiết rất lạ. Tôi sợ đến run người. Má tôi cũng thức tự lúc nào ở phòng ngoài. Tôi hỏi má tôi về tiếng khóc ghê rợn ấy, thì má tôi cười, bảo: "Tiếng mèo gào đó. Chắc là con mèo mướp nhà mình đã tới thời kỳ kết bạn. Nó đã gặp một chị mèo nào đó rồi!". Nghe má tôi nói, tôi liên tưởng ngay đến con mèo mun của nhà tam cô nương. Chắc là các nàng nhốt nó không kỹ nên nó đã sổng ra ngoài. Tiếng mèo gào vẫn cứ vọng lên lúc gần, lúc xa đâu đó trên các mái ngoái, mái tôn, cả trên các mái nhà đúc thật cao nghe thật ai oán, khiếp đảm. Dường như khi loài mèo gặp bạn tình thì chúng rượt đuổi nhau trên các mái nhà bất kể sống chết! Tôi thử bật điện đi tìm khắp các ngóc ngách trong nhà. Quả là con mèo mướp nhà tôi lúc này đã bặt vô âm tín! Tiếng mèo gào vẫn cứ lúc gần, lúc xa.
Ðêm đó tôi ngủ lại với nhiều giấc mơ rất lạ. Sáng ra, trời lất phát mưa bay, tôi thấy con mèo mướp nhà tôi đang đứng kêu "meo meo" ủ rũ trông thật buồn thảm bên cạnh cái hồ xi măng nuôi cá của tôi. Tôi bước đến và thấy con mèo mun đen đang nằm thoi thóp thở trên một phiến đá nhỏ của hòn non bộ giữa hồ nước, mình mẩy ướt nhèm. Thấy người, nó cố gượng tiếng kêu "meo meo", tiếng kêu rất nhỏ. Cái hồ nuôi cá của tôi do ba tôi để lại, vuông vắn mỗi cạnh ba mét, không lớn gì cho lắm, nhưng có lẽ do mèo rượt đuổi nhau trên các mái nhà rơi xuống bị thương đâu đó mất sức nên không bơi ra được khỏi hồ. Tôi đưa được con mèo mun ra khỏi hồ và bới lông quan sát. Quả là nó bị thương bầm tím ở vùng mông phải, trẹo chân. Nhưng nó vẫn còn sống. Tôi phải làm gì đây? Ðúng rồi! Tất yếu tôi phải mang nó sang nhà tam cô nương để cùng các nàng đưa nó đến bác sĩ thú y cứu nó. Tôi hình dung lát nữa đây trước cảnh con mèo ướt của các nàng bị thương thoi thóp, các nàng sẽ khóc như mưa, khóc ướt như mèo, và sẽ trách tôi thảm thiết: "Chỉ tại con mèo nhà anh!". Lúc đó, thì tôi sẽ phải trả lời với các nàng ra làm sao nhỉ? Các bạn bày tôi với!

Xem Tiếp: ----