Tôi bắt đầu làm quen với sách truyện từ năm lên chín tuổi, lúc học lớp Ba trường Tiểu học,  nhờ học chung lớp với một thằng bạn, con của một giáo sư môn Sử nổi tiếng thời bấy giờ.
Tôi đến nhà thằng bạn cùng lớp và tò mò xem thư viện của Bố nó rồi được nó kể cho nghe những truyện về lịch sử Trung Hoa mà nó đọc được trong các truyện trưng bày trên các kệ sách của Bố nó. Thế là tôi mê say và mượn những cuốn truyện kia về nhà đọc để không cần phải nghe kể nữa mà chính mình tự kể cho mình nghe..Tôi đọc đủ mọi thứ truyện nào là Tiết Đinh San chinh Đông rồi Tiết Nhân Quý chinh Tây, Phản Đường, Thuyết Đường rồi Tàn Đường. Hết đời nhà Đường với giòng họ Tiết, tôi quay sang đọc nhà Tống vói giòng họ Dương,  rồi thời nhà Hán với Hán Sở Tranh Hùng  rồi Tam Quốc Chí,  Đông Châu Liệt Quốc và rồi thừa thắng xông lên tôi đọc chuyện thần thoại  với  Đông Du Bát Tiên, Tây Du Tề Thiên Đại Thánh, Nam Du Huê Quang, Bắc Du Chơn Võ  rồi tiếp qua Phong Thần, Thuỷ Hử vv...Đọc chán truyện Tàu tôi đổi hướng, đọc truyện võ hiệp với Chu Long Kiếm, Lục Kiếm Đồng, Bồng Lai Hiệp Khách, Huyết Hùng tráng sĩ  vv... Rồi với sự tiến hoá của tâm tư, tình cảm theo năm tháng, tuổi tác, tôi mê say thích thú truyện trinh thám như Vũng Máu Đào, Nguời Nhạn Trắng và đọc truyện của Phạm Cao Củng với nhân vật thám tử Kỳ Phát mà những suy luận trinh thám giống với  Sherlock Holmes của Conan Doyle.
Đến năm 14, 15 tuổi khi những nốt mụn của tuổi dậy thì bắt đầu xuất hiện trên mặt là lúc tôi làm quen với những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn đọc ngấu nghiến mê say những câu chuyện tình lãng mạn như Hồn Bướm MơTiên, như Đôi Bạn, Đoạn Tuyệt, Tiêu Sơn Tráng Sĩ với mối tình thơ mộng của Phạm Thái, Trương Quỳnh Như đến nổi tôi yêu đơn phương một cô cũng mang tên Quỳnh Như, một mối tình câm thật là câm vì cho đến lúc sau 1975 cô ta lấy chồng rồi mắc bệnh gan, từ trần, cô ta cũng không hề biết rằng có người si cô quá trời quá đất, yêu mà không dám tỏ tình. Ngu ơi là ngu!
Những câu chuyện tình lãng mạn trong sách truyện và của ngay chính bản thân tôi rồi cũng qua đi, nhưng có hai tác phẩm dù cho tôi không còn nhớ rõ nội dung nhưng tôi vẫn luôn khắc ghi tên của tác phẩm vì đã gắn liền với những kỷ niệm khó quên.. Đấy là ngày tôi học lớp Nhì bậc Tiểu học, Mẹ tôi mua cho tôi hai cuốn tiểu thuyết của nhà văn Lê Văn Trương nhan đề "Tôi là Mẹ". Lúc bấy giờ tôi đang say mê với các truyện Tàu nên tác phẩm "Tôi là Mẹ" thật chẳng mang đến cho tôi một tí ti thích thú nào vì nội dung quá mới lạ đối với tôi. Tôi nhớ là tôi đã cằn nhằn Mẹ tôi tại sao lại bắt tôi đọc tác phẩm này. Mẹ tôi đã ôn tồn bảo tôi, con thương Mẹ thì con phải đọc những truyện nói về Mẹ chứ không phải chỉ đọc những truyện Tàu thuộc loại dã sử. Thế là tôi đã phải miễn cưỡng đọc tác phẩm này của ông Lê văn Trương cũng như đã từng đọc không mấy thích thú những loại sách nhi đồng thuộc loại "Sách Hồng" của Pháp (livre rose) mà Mẹ tôi bắt tôi đọc để trau dồi luận văn. Nhưng càng đọc tôi lại càng thấy thích câu chuyện của ông Lê văn Trương nhưng rất tiếc tôi chẳng còn nhớ được gì. Tôi chỉ nhớ là vì tôi thích câu chuyện "Tôi là Mẹ" nên tôi đã xin Mẹ tôi mua cho tôi những cuốn như "Trường Đòi" và "Thằng Còm phục thù" cũng của văn hào Lê văn Trương. Mẹ tôi lúc nào cũng đọc xong những cuốn truyện tôi yêu cầu và nếu xét thấy vô hại mới bằng lòng để cho tôi đọc. Cũng vì thế mà tôi đã phải đợi đến năm 16 tuổi mới đọc lén được cuốn "Cánh sen trong bùn" mà lúc bấy giờ, lúc tôi còn học Tiểu học, Mẹ tôi đã không cho tôi xem vì bảo là tôi chưa đến tuổi để đọc cuốn này. Quả thật nhà văn Lê văn Trương đã đưa tôi vào thế giới của người lớn qua cuốn "Cánh sen trong bùn" mô tả cảnh ăn chơi trác táng nơi chốn Bình Khang.Và câu chuyện này đã ảnh hưởng không ít đến tâm tình của tôi khiến dôi khi tôi đã chạnh lòng thương xót những mảnh đời bất hạnh của những nàng ca kỹ tuổi xế chiều. Một mối tình bâng quơ không đối tượng cụ thể theo kiểu thương mây khóc gió của mấy anh chàng "lãng mạn tử". Cuốn sách thứ hai mà nhan đề đã khắc ghi vào tiềm thức tôi là "Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu". Tôi quên mất tên tác giả vì có lẽ tác giả không thuộc vào hạng nổi tiếng. Nhưng câu chuyện thì thật bi thảm, tôi đã khóc sướt mướt lúc đọc, chẳng khác gì lúc còn bé khi được mẹ tôi kể cho nghe câu chuyện Phạm Công, Cúc Hoa đến đoạn bà Cúc Hoa hiện về bắt chí cho con thơ bên mộ của bà. Câu chuyện đã bi thảm mà thời gian lúc tôi đọc truyện này lại trùng hợp vào giai đoạn Mẹ tôi bị bệnh mất ngủ. Lúc bấy giò tôi đang học lớp Đệ Tam ( lớp Seconde của chương trình Pháp) Mẹ tôi gần như thức trắng đêm không thể ngủ được, thế mà ngày ngày bà vẫn phải đến trường dạy học trong trạng thái mê mê tỉnh tỉnh. Bà bảo với tôi rằng bà có cảm giác như bước trên khoảng không, chân không dính đất, đầu óc mơ mơ màng màng, lửng lửng lơ lơ như người mộng du. Gương mặt mẹ tôi trông phờ phạc như người mất hồn, đôi mắt long lanh, đẹp dịu hiền và thông minh lúc bấy giờ đã trở nên lạc thần. Thuốc thang đủ thứ: Tây y, rồi Đông y, thuốc Bắc, rồi thuốc Nam,  rồi châm cứu, rồi thuốc ngoại khoa, bác sĩ Việt Nam rồi bác sĩ người Pháp rồi ông ngự y tức là thầy thuốc của nhà vua từng phục vụ trong cung điện nhà Nguyễn. Nghe ở đâu có thầy thuốc giỏi là Mẹ tôi tìm đến. Nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Một hôm Mẹ tôi đã gọi tôi đến bên cạnh giường và trối trăn bảo tôi phải chăm lo học hành để nên người và phải thương yêu chăm sóc cho các em của tôi.
Lúc bấy giờ tôi chỉ mới 16 tuổi, còn khờ dại, bỗng dưng thấy trách nhiệm mình quá nặng nề. Tôi lo sợ và thương Mẹ tôi vô vàn, hai mẹ con tôi ôm nhau và tôi đã khóc vùi trong lòng Mẹ. Dĩ nhiên mẹ tôi cũng nước mắt đầm đìa vì thương con. Tôi liên tưởng đến câu chuyện trong tác phẩm "Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu" và tôi âm thầm đau khổ nghĩ đến cảnh phải mất Mẹ trong một buổi chiều mùa thu ảm đạm, mây sầu giăng mắc bốn phương trời và lá vàng tan tác cảnh chia ly.Tôi không cho Mẹ tôi biết là tôi đã đọc cuốn truyện buồn đang đè nặng trên tâm tư tôi. Tôi âm thầm chịu đựng nỗi đau mà tôi hình dung trong cảnh mất Mẹ. Trí tưởng tượng của tôi vẽ  ra những cảnh đời đen tối của những đứa trẻ mồ côi Mẹ mà tôi đã biết trên thực tế và trong sách truyện. Tôi hồi tưởng lại chuỗi ngày hạnh phúc, thời gian tôi học nội trú được Mẹ tôi cưng chiều. Những ngày Chúa nhật tôi được rời trường về thăm nhà, Mẹ tôi tự tay nấu cho tôi những món ăn ngon mà tôi thích..Tôi nhớ đến những ân cần trìu mến Mẹ tôi hỏi han tôi về việc học của tôi trong tuần vừa qua. Những lời khuyên bảo vàng ngọc của một người Mẹ, của một nhà mô phạm tận tuỵ với nghề, tôi vẫn còn nhớ mãi đến hôm nay. Mẹ tôi dù thương tôi, không muốn rời xa tôi nhưng Người cố nén tình thương, gửi tôi vào học nội trú vì Bà biết rõ những ích lợi của trường nội trú dành cho học sinh vì Người cũng đã từng là học sinh nội trú trường "Đầm" tức là trường Đồng Khánh thời Pháp thuộc. Gia đình tôi là một gia đình trung lưu, Bố Mẹ tôi chỉ là những tiểu công chức, thế mà hai ông bà đã cần kiệm dành dụm tiền bạc để cho tôi học nội trú ở một trường tư thục nổi tiếng của các linh mục giòng Tên, học phí thật cao so với đồng lương cố định của Bố Mẹ tôi.Thực ra tôi theo học chương trình Pháp là do ý kiến của Bố tôi vì Người đã từng là giáo sư trường tư thục Pháp có tên là Saint Pierre nên ông ham chuộng văn hoá và văn chương Pháp. Mẹ tôi vốn người bình dị và phục tùng Bố tôi một cách tuyệt đối nên bà đã đồng ý cho tôi theo học chương trình Pháp mặc dù Bà thương tôi, e ngại tôi phải vất vả học hành khi phải chuyển đổi đột ngột từ lớp Nhất sau khi thi đỗ cấp bằng Tiểu học sang lớp Sixieme của chương trình Pháp. Sau này khi tôi phải chọn lựa ngành chuyên môn ở bậc đại học Mẹ tôi đã khuyên tôi nên chọn nghành Sư Phạm để tránh khỏi phải học nhiều, vất vả, vì chỉ cần học 3 năm thay vì phải học 7 năm Y khoa hay 5 năm Dược khoa và Nha khoa. Mẹ tôi lý luận rằng thời gian học ngắn, ra trường hành nghề thì nhàn hạ lại có đựoc 3 tháng nghỉ hè trong lúc học y khoa dài năm tháng, ra trường thì phải thường xuyên chung đụng với bệnh hoạn, chết chóc, những đau thương tử biệt, phân ly và làm ra tiền nhưng không có được thòi giờ nghỉ ngơi dành riêng cho mình để hưởng thụ vì phải thường xuyên trau dồi kiến thức y khoa để theo kịp đà tiến hoá của khoa học. Tóm lại, học y khoa chỉ có vợ con là sung sướng còn bản thân mình thì cực nhọc suốt đời. Mẹ tôi vì thương con nên bà chỉ nghĩ đến những tiện ích cho con mà quên rằng y khoa là một nghề cứu nhân độ thế. Ôi tình Mẹ thật bao la! Bố tôi thì chỉ muốn tôi trở thành kỹ sư vì ông biết tôi có khả năng về toán học nhưng ông quên mất rằng tôi rất dốt môn kỹ nghệ hoạ. Tôi vẽ bản đồ Việt Nam hình cong như chữ S mà trông giống củ khoai sùng thì làm thế nào thi đỗ vào ngành kỹ sư được. Giờ Địa lý ở tiểu học Mẹ tôi phải vẽ bản đồ Việt Nam cho tôi. Cho đến tận bây giờ, mua một cái bàn hay cái ghế, về nhà, xem hình vẽ và lời chỉ dẫn tôi cũng loay hoay mãi mà không lắp ráp thành công thì thật là vô phương trở thành kỹ sư. Thế mà Bố tôi giận tôi mấy tháng liền vì tôi thi rớt kỳ thi tuyển sinh viên ban kỹ sư công chánh vì môn thi kỹ nghệ hoạ tôi nạp giấy trắng.
 Trở lại với thời kỳ tôi ở nội trú trường trung học: Chúa nhật, lúc chiều về, Mẹ tôi lại đưa tôi trở về trường mặc dù tôi có thể tự đi một mình vì Mẹ tôi muốn kéo dài thời gian ở bên cạnh tôi, Người muốn đi bộ với tôi cho tôi vui trên đoạn đường khá dài từ trong nội thành của Huế qua mải đến bên kia cầu Trường Tiền xuyên qua khu phố Tây với những biệt thự sang trọng của Pháp kiều. Thỉnh thoảng Mẹ tôi cho tôi  vào "kéo ghế", tức là ăn ở nhà hàng, tại tiệm mì Khê Ký nổi tiếng của Huế đô. Hai Mẹ con sì sụp ăn những tô "cao lầu" ngon lành mà sau này lúc vào Sai Gòn học đại học tôi nghe người dân Nam gọi là hoành thánh mì chứ dân Huế chúng tôi thời bấy giờ chỉ gọi là  "cao lầu" hay cao lầu mì. Hương vị ngon ngọt đậm đà của món ăn này theo tôi mãi trong ký ức và tôi hầu như không bao giờ tìm thấy lại  tại bất cứ nơi đâu vì hoàn cảnh khác xa với những lúc cùng Mẹ tôi kéo ghế thuở thanh xuân. Mẹ tôi đưa tôi vào trường, rồi bà một mình cuốc bộ trở về nhà trên đoạn đường dài vì Mẹ tôi tính cần kiệm không muốn phí tiền đi xe xích lô. Hơn nữa Mẹ tôi vốn là một thể tháo gia đã từng là cầu thủ của đội bóng chuyền trường nữ trung học Đồng Khánh nên đi bộ Bà xem như là một cơ hội để tầp thể dục, chơi thể thao. Tôi chia tay từ giã Mẹ tôi tại cổng trường và lủi thủi vào lớp học. Tôi nhớ Mẹ tôi một hôm đã trách tôi là lúc chia tay, tôi không bao giờ nhìn lại Mẹ tôi lúc Bà cất bước trở về nhà. Bà là một con người nhiều tình cảm nên bà không chấp nhận sư "vô tình" của đứa con cưng. Tôi đã phải trần tình, thanh minh thanh nga là Mẹ không biết chứ con thương Mẹ vô cùng, những lúc con rời tay Mẹ vào trường bao giờ con cũng nước mắt lưng tròng, con không muốn nhìn lại Mẹ vì con sợ nước mắt sẽ vỡ oà thương nhớ. Mẹ tôi đã cảm động không cầm được nước mắt vì đã trách oan thằng con ngoan, hiếu đễ. Một nét tình cảm nữa của Mẹ tôi mà sau này tôi vẫn thường nhắc nhủ các con tôi: Mẹ tôi muốn rằng bất cứ lúc nào ăn một món gì cũng phải mời Mẹ tôi dù rằng món ăn đó Mẹ tôi không thích hay món ăn đó Mẹ tôi dành riêng cho tôi. Cử chỉ mời ăn đó, theo Mẹ tôi không mang ý nghĩa khách sáo mà biểu tỏ một tình thương mến dành cho Mẹ, luôn luôn nghĩ đến Mẹ.
Kỷ niệm hai mẹ con chiều cuối tuần nắm tay nhau đi trên con đường trở về trường, sau này tôi đã ghi lại bằng một bài thơ theo Đường luật gửi về cho Bố Mẹ tôi xem và được Mẹ tôi gửi thư khen khiến tôi sung sướng vô ngần đã mang đến cho Mẹ tôi một niềm vui, hồi tưởng những ngày xanh.
Cuối tuần theo Mẹ trở về trường
Lác đác hoàng hôn lợp nẻo đường
Con phố thênh thang chiều nhạt nắng
Hàng cây lặng lẽ bóng tà dương
Ngần ngừ, tay vẫy gieo niềm nhớ
Lưu luyến, chân đưa thoáng nỗi buồn
Thui thủi một mình vào lớp học
Mẹ về ngõ vắng ngập trời thương
Tưởng đâu Mẹ tôi đã sớm lìa cõi thế sau lúc trối trăn với tôi, thời gian bà mắc chứng bệnh mất ngủ. Nhưng Trời Phật đã thương anh em chúng tôi nên Mẹ tôi đã sống đến 82 tuổi mới vĩnh viễn ra đi. Số là dạo đó, nhân một phúc duyên đưa đẩy, Mẹ tôi đã gặp được một nữ danh y vốn là con của một bậc ngự y triều nhà Nguyễn. Cô (Thời đó nữ danh y còn trẻ nên dân chúng trong vùng thường gọi bằng Cô) đã bắt mạch cho Mẹ tôi và bảo là Người vì "tâm thận bất giao" nên sinh ra chứng mất ngủ và chỉ sau một thời gian ngắn chữa trị, Mẹ tôi đã bình phục hoàn toàn trong niềm vui bao la của gia đình chúng tôi. Cô thầy thuốc tài hoa này đã truyền y bát cho một ông con trai, giáo viên tiểu học tại thành phố Nha Trang. Lúc bấy giờ tôi còn nhỏ nên không nghĩ đến chuyện phải ghi nhớ tên họ và địa chỉ của ông này phòng khi cần đến kiến thức y học của ông ta và nếu có dịp thì biểu tỏ lòng biết ơn của tôi đến mẫu thân của ông ta. Tôi chỉ nhớ nhà của nữ danh y ở trong vùng núi Ngự Bình, một nơi im vắng, tĩnh mịch y hệt như nơi cư trú của các dị nhân trong các truyện kiếm hiệp tôi say mê suốt cuộc đời cho mãi đến tận bây giờ vẫn còn mê. Muôn vàn cảm ơn Nữ danh y! Tôi vẫn nhớ tên của Người và vóc dáng của Người thon nhỏ, dịu hiền, nói năng thật khoan thai, từ tốn đúng phong cách của một bậc từ mẫu. Vì bận rộn sinh kế, tôi đã không có dịp về ghé thăm ân nhân của gia đình tôi, dù vẫn ghi lòng tạc dạ cái ơn trời biển này.
Viết về MẸ, biết bao nhiêu người đã viết, biết bao giấy mực đã dùng để ghi lại công ơn của Mẹ, làm sao mô tả được trọn vẹn tình mẫu tử bao la như trời biển. Nhân ngày của MẸ con xin dâng lên Mẹ một bài thơ nói lên nỗi lòng con thương nhớ Mẹ, bài thơ viết theo thể thơ Đường để cho ý thơ thêm trang trọng: 
  THƯƠNG NHỚ MẸ HIỀN
Nhớ Mẹ, con côi nhớ lạ thường
Con buồn khóc Mẹ ngập trời thương
Mẹ đi hạ úa tàn hoa rụng
Mẹ vắng thu sầu rủ lá buông
Mẹ dạo non Tiên chốn vĩnh hằng
Mẹ nương cõi Phật cảnh vô cương
Mẹ hiền di ảnh con hằng ngắm
Tưởng Mẹ hiện về vượt đại dương.
 

Xem Tiếp: ----