Tặng một người bạn văn
Bố Lâm sáng nào cũng thức dậy từ ba giờ, xắn quần nhảy vào chuồng lợn, bắt một con đã chuẩn bị từ tối qua, chọc tiết.
Chị Lâm dọn quán bán lòng lợn tiết canh. Em gái Lâm đội thúng mẹt ra chợ làng bán thịt lợn. Tầm trưa, mẹ Lâm mở hàng cơm bình dân.
Lâm học chưa xong cao đẳng sư phạm thì bỏ. Lâm bảo dạy học ở làng, chán! Mẹ dúi cho một cọc tiền, bảo đi đâu thoát được luỹ tre làng thì đi. Lâm đi ba tháng, quay về, gầy quắt, đen đúa, tiền nhẵn túi, mặc độc một bộ quần áo bẩn thỉu. Chị Lâm bĩu môi: “Mày tưởng đua tranh bên ngoài dễ lắm phỏng?”. Mẹ Lâm nạt: “Chị lo cái phận của chị ấy, khéo lại thành gái già!”. Bố Lâm nói: “Tạm đi lái heo cho bố, bố trả công xá đàng hoàng. Bao giờ lưng lửng hầu bao rồi lại đi”. Lâm nhìn mẹ. Mẹ nhìn bố. Bố quẳng cho Lâm túi đồ nghề rồi bỏ vào buồng nằm. Thỉnh thoảng trở mình, cái giường cũ cứ lay óp ép.
Chưa đầy một tháng, Lâm đã chán ngấy cái công việc nhàm tẻ này. Đôi khi giả ốm để trốn việc. Chiều chiều tha thẩn trên mấy đỉnh đồi trọc hoang vu, gió Lào thổi hơi nóng hừng hực, khô rang. Suy nghĩ mông lung. Đầu tiên là nghĩ về mình.
Ô hô, trai tráng, hề
Đá sỏi trơ cằn
Nhọc nhằn năm tháng
Gió thổi, hề
Tôi đi về
Phía biển khơi
Nơi hú gọi số phận
Tiếng hú đáp trả còn ở trong lồng ngực
Sau đó, Lâm nghĩ về điều Lâm nghĩ, thấy nó thật vô nghĩa. Lại nghĩ tiếp về ý nghĩa của điều Lâm vừa nghĩ, thấy hình như nó có một ý nghĩa mơ hồ nào đấy. Lâm về nhà, nằm vật ra phản, thở dài sườn sượt. Mẹ Lâm lo lắng định hỏi nhưng bị ánh mắt như sắt nung của chồng ngăn lại. Mẹ Lâm xuống bếp thổi cơm chiều, hì hụi mãi mà lửa không bén, khói um lên như củi ướt.
Lâm lên thành phố. Mấy tháng đầu sống vất vưởng. Sáng đến chiều phục dịch ở chợ, gánh nước, chùi phản thịt, căng lều bạt... Đêm về, thu lu trên cái gác xép của nhà trọ cao không quá đầu, khó ngủ. Xung quanh toàn tiếng rúc rích. Lâm lôi giấy bút ra, tính viết thư, nhưng viết xong đọc thấy giống một câu chuyện. Vài lần như thế, Lâm mạnh dạn gửi cho một số tờ báo nhỏ có trang văn nghệ. Thế là thành người viết văn. Lâm ở gần chợ ồn ào, một thời gian thấy không hợp với nghề viết nên chuyển ra ngoại thành.
Chỗ Lâm trọ mới từ làng lên phố. Trước cả làng đều trồng hoa. Nay thì làm đủ nghề. Ông bà chủ bảo, bác có đứa út đi học trong Huế bốn năm, ngôi nhà này xây để nó lấy vợ, cháu ở coi như trông nhà hộ hai bác. Nhà rộng rãi, giá rẻ, khép kín, Lâm ưng lắm. Nhưng vẫn khó ngủ. Lâm lân la quán nước dò hỏi mới biết ngôi nhà ấy năm trước có người nghiện chết vì chích quá liều. Nhà đó bốn thằng con trai, một chết hai đi tù, không ngờ lại có thằng út đỗ đại học.
Lâm về nghĩ bụng, nghiện mà chết thì càng sạch cho xã hội, can gì! Rồi lau chùi nhà cửa suốt một ngày cho láng bóng lên, xịt Comfort thơm phức. Từ đó đêm nào Lâm cũng ngủ ngon lành.
Số phận con người, trước thì ở trong bi kịch của đói nghèo, đô thị hoá bán đất làm nhà, ngỡ là mở mày mở mặt thì lại rơi vào bi kịch của nghiện hút, tù tội. Rồi người ta cũng phải thích nghi thôi, để sống.
Lâm cũng thế, không chịu nhốt mình ở xó quê thì rốt cuộc lại giam mình ở phố thị, đâu mà chẳng là lồng.
Lâm chạy quảng cáo cho một vài tờ báo, ăn phần trăm. Xin quảng cáo phải dẻo miệng, phải chơi đẹp, khứ hồi cả hai bên. Cuối cùng phần của Lâm cũng chỉ còn đủ đắp đổi miếng ăn, xăng xe để chạy. Thỉnh thoảng Lâm chơi quả lô đề đầm đậm cầu may. Nhưng may chưa tới. Văn càng ngày càng đi vào bế tắc, chị biên tập ở một toà soạn quen bảo, sao em cứ nhìn mãi vào cái mảng tối thế nhỉ, khó đi lắm. Lâm cười như mếu, tại cái cảnh của em vốn chẳng sáng sủa gì. Thôi thế này vậy, em chuyển sang viết tạp văn cho chị. Tạp văn là thể loại như thế nào, Lâm nghĩ mãi mà không ra. Lôi Lỗ Tấn về đọc, lại cả Vũ Bằng, Giả Bình Ao… không rút ra được điều gì.
Tạp nham ngôn ngữ
ý đi cùng tứ
Lạc lõng bơ vơ
Bên này nghĩa
Bên kia chữ
Bên nào ta
Ta hư vô
Bên nào em
Em tồn tại
Khôn?
Không khôn!
Dại?
Không dại!
ở giữa là
Ai? Ai? Ai? Ai? Ai?...
Một thằng bạn cũ bỗng dưng gặp Lâm ở đường, rủ vào quán bia. Nó bảo sống như thế đếch phải là sống. Thế là nó trình bày cái sự sống của mình. Lâm không đồng tình, cũng không phản đối. Lâm biết, quan hệ với những người hay phát biểu thì tốt nhất là ngậm miệng ăn tiền. Nó cho Lâm một cái cácvidít, ở đó người ta cần nhân viên kinh doanh bột đá. Lâm trở thành người buôn nước bọt, lương cũng đủ ngày ba bữa cơm, tiền nhà, tiền điện thoại, thỉnh thoảng đi chơi cho đỡ buồn. Lâm đang sống theo cái cách mà thằng bạn chỉ vẽ, cái cách mà nó cho là đáng sống.
Chủ nhật buồn, lôi giấy tờ cũ ra soạn, hý hoáy sửa, tự nhiên thấy hứng thú. Lâm đem ra hàng vi tính đánh máy, phôtô thành ba bản. Cô bé phôtô nhìn trộm Lâm. Cô bé này suốt ngày chẳng đi đến đâu, thấy anh chàng tóc xoăn, mũi cao chắc là hơi rung động. Lâm thoáng có ý nghĩ hay là làm quen, khi nào buồn có chỗ mà tán gẫu? Rồi lại gạt phăng đi, hơi đâu mà tán gái lành cho mệt. Cô bé này chắc chỉ độ mười sáu chứ mấy, cái tuổi hay thần tượng con trai. Em gái Lâm ở nhà cũng mười sáu, nhưng nó ma lanh, chửi bậy nhem nhẻm, bỏ học từ năm cấp hai. Nó chỉ có cái tài bán thịt lợn đắt hàng. Lâm nghĩ, nếu nó có thần tượng ai thì chắc là thằng lái lợn ở làng bên.
Mấy chủ nhật liền Lâm đều có cảm hứng, chẳng mấy chốc được một tập bản thảo nặng tay, liều đem tới một nhà xuất bản không chuyên sách văn học. Họ bảo cứ để đấy xem đã. Lâm nhìn ông biên tập thấy thật đáng ngưỡng mộ, trước mặt có hàng chồng bản thảo, tay lăm lăm cây bút, kính trễ trên mũi, một chữ ký là một tác phẩm ra đời. Hình ảnh ấy cứ lởn vởn trong đầu Lâm cho đến khi Lâm ra khỏi cổng, và biến mất vì tâm trí bận chỉ đạo việc chen lấn lên xe buýt.
Cái công ty bán bột đá đúng là loại ăn xổi ở thì, được dăm ba tháng quen mối liền sa thải Lâm. Cắt mất một khoản thu nhập, Lâm tìm người ở trọ cùng để san sẻ. Thằng trọ cùng người Nghệ, nói trọ trẹ mãi không nên lời, chưa tốt nghiệp đại học vì nợ môn, mở văn phòng gia sư, tham vọng làm thầy thiên hạ. Trên tường nhà trọ, nó treo đủ thứ ảnh danh nhân, từ Phan Bội Châu đến Anhxtanh, từ Nguyễn Trãi đến Các Mác. Có lần nó chỉ ảnh Bin Ghết hỏi Lâm, ai đây? Lâm bảo chắc là anh hùng Gagarin bay vào vũ trụ. Nó cười hô hố. Lại hỏi có biết Bin Ghết là ai không? Lâm bảo chắc là đồng bọn của Bin Lađen. Nó vùng lên cười sằng sặc, mãi không ngắt được cơn. Lâm đứng dậy, đi vào nhà xí, đái tồ tồ. Mấy tuần sau thì dọn đi, không ở cùng nữa.
Tìm được nhà trọ mới, chung phòng với một người tên là Đ., bạn cùng nghề, Lâm nghĩ chắc là ổn. Anh Đ. người nhỏ thó, đen đúa, răng vàng khè, hay thở dài phả ra hơi khắm. Mỗi lần Lâm đến hàng phôtô về, anh Đ. lại căn vặn, sao lâu thế? Dạo này cô bé phôtô không nhìn trộm Lâm nữa mà chuyển sang nói chuyện với Lâm. Đại loại, em thích đọc truyện lắm, ở nhà quê chẳng có truyện mà đọc, những cái này là anh viết à, hay nhỉ, viết truyện có khó không hả anh, chắc là khó vì nếu không ai cũng thành nhà văn hết, chuyện anh kể cứ buồn buồn, nhưng mà hay, nếu em viết được cũng có khối chuyện ra đấy, hay là em kể cho anh rồi anh viết lại thành truyện nhé, ừ, khi nào rỗi, nhưng mà biết khi nào rỗi, em cứ trông cửa hàng từ sáng đến tối, có lúc nào bỏ đi được đâu… Đại loại thế, cứ rủ rỉ rù rì, tay nó phôtô lật giấy, mồm nó nói. Rồi Lâm thấy nhớ cô bé lúc nào không biết, hai hôm không gặp là trống trải. Anh Đ. nói lẫy, đi đánh máy mà chải chuốt xịt gôm? Lâm cười thẹn, chẳng để ý đến anh Đ. cứ vật mình trên giường.
Anh Đ. viết truyện, cái nào cũng đóng vai nhân vật nữ, ngôi thứ nhất. Lâm bảo viết được như thế khó đấy vì phải hiểu giới nữ. Anh Đ. cho đấy là một lời khen, thích lắm. Ở cùng nhà, nhưng Lâm không thích ngủ chung giường, khó chịu. Anh Đ. không dám phản đối, nhưng có đêm, Lâm thấy anh chui vào màn, nép sát vào Lâm. Anh bảo, thỉnh thoảng anh hay gặp ác mộng nên mới thế, thông cảm nhé. Lâm bày cho anh một số cách, đặt con dao dưới chiếu, treo túm tỏi trên đầu giường, xoay giường sang hướng khác… vẫn không chữa được. Lâm đùa, thế thì chỉ còn mỗi một cách là lấy vợ, tha hồ có người nằm cạnh đuổi ma cho. Anh Đ. lẳng lặng bỏ ra ngoài. Suốt mấy tháng như thế, Lâm không thấy anh Đ. nóng ruột bao giờ. Lâm hỏi, anh có buồn không? Đi chơi một bữa. Anh quát um lên làm cho căn nhà rơi từng mảng vữa, bụi lả tả từ trên mái. Lâm ngạc nhiên, sao anh phải làm găng như thế? Không đi thì thôi. Hôm sau, anh xếp quần áo vào túi du lịch, bảo, phải về quê ít hôm, ông cụ ở nhà ốm, chắc khó qua khỏi. Lâm định về cùng, anh xua tay, thôi, có gì anh sẽ điện. Nhưng rồi không thấy anh điện, cũng không thấy anh trở lại nhà trọ. Lâm soát lại mới biết anh đã thu dọn hết đồ cá nhân của mình. Lâm áy náy, ở với nhau lâu như thế, cũng chẳng biết quê anh ở đâu?
Sau này, thi thoảng gặp một cái truyện của anh đăng báo, vẫn giọng văn dịu dàng, vẫn những nhân vật nữ xưng tôi, vẫn những câu chuyện tình nhàn nhạt, ngòn ngọt chẳng có gì đặc sắc nhưng Lâm lại thấy xa xót. Viết được như thế cũng khó đấy, vì phải hiểu giới nữ là thế nào. Đời trai như những nhân vật của Lâm thì có hơn gì, những kẻ đào vàng phải bỏ mạng, những gã quê lên thành phố dật dờ như kiếp hoa bèo, những gã lực điền không chịu rời làng cam chịu nhìn người phụ nữ của đời mình ra đi… ngẫm cũng chẳng sâu sắc gì hơn những truyện anh Đ. viết.
Nhà xuất bản hứa lên hứa xuống, tập truyện của Lâm in được, vì nó có một chủ đề, chỉ còn chờ đầu nậu khảo sát thị trường nữa thôi. Bây giờ Lâm không muốn in nữa, đến xin lại bản thảo. Lâm bảo, nó cũ quá, những chuyện như thế này chẳng ai buồn đọc, in ra chỉ lỗ vốn. Ông biên tập nhìn Lâm bằng con mắt lạ lẫm, rút tập bản thảo từ trong ngăn kéo ra, phủi bụi, cho vào trong bì ximăng cẩn thận trước khi trao tận tay tác giả. Ông bắt tay Lâm thân thiện, giọng ái ngại, này, khi nào nghĩ lại thì đem đến nhé, in được đấy. Và lắc đầu nhìn theo bóng Lâm khuất xuống cầu thang.
Cô bé phôtô là người đầu tiên Lâm nghĩ tới trong lúc này. Nó bảo có truyện gì đem cho nó đọc, buồn cũng được. Lâm cầm cái bì ximăng dày cộp đến, nghĩ bụng tặng cho cô bé phôtô làm quà. Hình như từ khi quen nhau, Lâm chưa tặng quà gì cho cô cả. Đến nơi, chẳng thấy cô bé đâu. Cửa hàng vắng ngắt.
Nó về quê lấy chồng rồi, để lời ru thêm buồn, chị chủ hát i ỉ, đưa truyện đây chị pôtô cho.
Lâm bảo, cảm ơn, rồi thập thững đi.
Nghĩ vơ nghĩ vẩn, nghĩ về bố Lâm, ba giờ sáng chọc tiết lợn, nghĩ về chị Lâm, bán lòng lợn tiết canh, nghĩ về em Lâm, bán thịt lợn ngoài chợ, nghĩ về mẹ Lâm, bán cơm bình dân, nghĩ về thằng bạn cũ hay phát biểu về cách sống, nghĩ về thằng gia sư người Nghệ, thuộc làu giai thoại các danh nhân, nghĩ về anh Đ., hay gặp ác mộng cả khi không ngủ được, nghĩ về cô bé phôtô, thích đọc những câu chuyện buồn, nghĩ về Lâm, một-gã-trai-hay-nghĩ…, đấy là my life của Lâm.
Nhưng cuộc sống thì còn ở phía trước.
 

Xem Tiếp: ----