Như ngôi sao mượn ánh sáng
Tôi mượn từ đời sống những ký ức để lớn lên.
1. Thụy khúc khắc ho, ấp mu bàn tay lên trán, thấy hâm hấp sốt. Chiều đã đổ ánh cuối ngày vàng vọt ngoài kia, mấy con chim hoang dại nào cất cánh xao xác lên trong tàn cây khế sai trĩu trịt. Khế chín muỗm rụng đầy mặt sân, cùng với lá khô bốc lên mùi ngái nồng dậy men.
Anh vừa về. Ngay khi cái dáng cao gầy đượm buồn của anh rẽ khuất phía bên kia mép tường đổ của căn nhà giải tỏa nửa chừng, Thụy kéo lê chiếc ghế dựa ra mép hiên, nằm ngả lưng xuống đó và bắt đầu ho một cách chậm rãi, khoan khoái. Vì chẳng còn anh ngồi đó câu thúc đủ chuyện, nhìn Thụy đầy lo lắng, trách móc đến độ mỗi lần muốn ho, Thụy phải hơi ngửa cổ về phía trước, nín thở, mặc cho mặt đỏ ửng lên và nước mắt chỉ chực trào ra. Bây giờ, Thụy nằm duỗi mình, nhìn lên trên những thanh sắt giàn đan ô, cây hoa tỏi mọc lan trên đó tím ngát. Thụy bất chợt nghĩ, cuộc sống lắm lúc như một giấc mơ dài, về cuối, người ta mới mơ màng nhận ra muôn đời muôn kiếp người chồng chéo lên nhau như tơ giăng. Ôi, giấc hoàng lương. Và anh, e dè nói với Thụy:
- Em có làm sao không? Ánh mắt của em lạ lắm, có vẻ sáng hơn bình thường?
- Hay là vì em đang yêu?
Thụy cười rầu. Anh lặng im.
- Yêu thì không đi kèm với ho và suy nhược. Nhìn em bây giờ giống cái bóng của bà nội anh.
- Tệ đến thế sao? Bà anh bảy tám chục tuổi rồi mà. Em thì mới hai mươi.
- Ừ, vậy mà mỗi lần hơi thấy mệt, bà lại giục chở đi khám bệnh ngay. Không như em, quá lì lợm và ỷ lại.
Thụy mỉm cười nhẹ tênh. Nếu mà cứ mãi mãi được ỷ lại vào một điều gì đó trong đời, chẳng phải tuyệt sao? Như bức tường có thể dựa vào bất cứ lúc nào, như chiếc giường có thể ngả lưng bất cứ lúc nào? Người lì lợm, đôi khi, lại là những người cố ảo tưởng một điều gì đó để dựa dẫm phía sau lưng.
Nhưng khi anh về rồi, Thụy cảm nhận rõ hơn cơ thể mình đang bất ổn. Ánh mắt Thụy về chiều đúng là thi thoảng có sáng long lanh khác lạ, thi thoảng ho gió, sốt nhẹ. Thời gian dài vừa qua, Thụy sút cân, không thiết ăn uống gì, thậm chí trở nên hiền lành rụt rè vì ngại không muốn va chạm với ai. Hơn cả, Thụy luôn thấy bất an, lo lắng, bồn chồn mỗi khi ngày đổ dần về đêm, đến độ một tiếng động lao xao ngoài bóng tối khu vườn cũng khiến Thụy giật mình. Tất cả những triệu chứng giản dị ấy khiến Thụy nghĩ đến lao - một kiểu lao nào đó mà tùy lứa tuổi mắc phải, phần nhiều vì tâm tưởng, chứ không phải vì chế độ ăn uống hay nhọc mệt lao động.
Có nỗi buồn nào cứ lớn dần mãi trong Thụy chẳng thể hiểu nổi nguyên cớ. Thụy chẳng có gánh nặng nào phải gánh, chẳng có bi kịch nào phải chịu, sẽ rất đáng bị ăn một cái cốc đầu nếu than thở với ai đó rằng Thụy đang buồn. Vì lẽ gì? Thụy đâm ngại giao tiếp, thói quen tâm sự với mẹ cũng trở nên lơ đễnh. Thụy ra sức kiếm đủ mọi cách để bỏ bữa, vì không muốn ăn uống. Đêm về, Thụy ôm lì lấy máy vi tính mà vào mạng hay viết lách, có khi đến hai ba giờ sáng, đành phải dùng lý trí mà lấn át cơn ngái ngủ. Bố mẹ đã quá sốt ruột khi nhìn con gái đi đi về về như bóng, ra sức nài ép, dậm dọa Thụy đi khám bệnh hay cắt thuốc bắc. Thụy chỉ cười trừ.
2. Khi Thụy bước vào phòng khám, sau một đợt dài bệnh nhân lấy số từ tờ mờ sáng, nữ bác sĩ độ ngoài ba mươi, người đậm với khuôn mặt quá tròn, đẩy nhẹ gọng kính lên cho khớp sống mũi:
- Xét nghiệm à? Có thấy triệu chứng gì không?
Thụy lặng lặng kể lại. Bác sĩ lắc đầu dòm chừng, và quay lưng nói gì đó với cô y tá, rồi đẩy cửa ngách sang phòng bên. Cô y tá hỏi Thụy có ăn sáng chưa, tỏ thái độ hài lòng khi biết Thụy vẫn chưa ăn gì, yêu cầu Thụy khạc đờm thật mạnh vào một khay nhỏ tròn dẹt bằng thủy tinh, sau đó đậy nắp lại và hí hoáy dán nhãn.
Công đoạn tiếp theo sau thật sự hấp dẫn với Thụy. Cô y tá, bằng cử chỉ rất thành thạo, tiêm vào tay Thụy, đoạn giữa cùi chỏ và cổ tay. Vết tiêm ngay lập tức tròn nhọn lên nho nhỏ như hạt đậu xanh, rồi cô ta rút từ túi áo bờ-lu ra cây viết bi xanh, vạch một vòng tròn đường kính độ chừng một phân quanh hạt đậu ấy.
- Rồi, cô cầm giấy này về đi. Đúng hẹn lại đến để biết kết quả.
Bước ra bãi giữ xe, nắng đã lên gay gắt, Thụy theo phản xạ khẽ nheo mắt lại tránh sáng, trong người dấy lên cảm giác nhẹ nhõm như trút được gánh khỏi vai. Ai cần biết kết quả chứ? Thụy bật cười. Ai mà thèm chứ? Chỉ cần đến được đây khạc khạc nhổ nhổ, yên chí người ta sẽ soi xét cẩn thận thứ chất dịch từ người mình; rồi được tiêm mấy thứ vớ vẩn gì đó, có lẽ vô hại. Thụy định quẳng hết mọi lo lắng đằng sau, quay trở lại với cuộc sống rộn rịp nhỏ bé đang đợi cô.
Thụy ở vùi trên thư viện đến xế chiều, bắt đầu thấy húng hắng ho lại, và ngây ngất sốt. Trở về nhà, điều đầu tiên Thụy bắt gặp là ánh mắt trách móc pha lẫn hoài nghi của mẹ:
- Con có ăn trưa không đấy?
- Dạ...
- Thế cái dấu gì ở trên tay đấy? Thôi chết!
Không sao hết. Thụy cố gắng an ủi và gạt nhẹ tay mẹ ra khi mẹ giằng lấy cánh tay Thụy. Chỉ là một vết kiến cắn, và đứa bạn nghịch ngợm đã vẽ lên đó vòng tròn bằng bút bi xanh thôi. Mẹ tránh sang một bên cho Thụy vào trong, bất lực vọng theo:
- Con làm gì thì làm. Đến bữa xuống ăn cơm nhé!
- Dạ.
Mặc dù thế, Thụy nằm xuống giường và thiếp đi cho đến khi mẹ đẩy cửa phòng vào, tay bưng khay cơm canh. Rồi ngồi đó đợi nhìn Thụy ăn.
- Mẹ làm gì thế? Sao phải bưng lên đây? Con không sao mà.
- Mẹ chỉ tin những gì mẹ nhìn thấy thôi. Con có chuyện gì không? Chuyện ở trường hay ở chỗ làm thêm? Hay là chuyện tình cảm?
- Không. Mẹ à. Con bình thường.
- Vậy thì ăn đi. Ăn nhiều vào.
Thụy lùa một mạch hai chén cơm. Nhiều lúc tưởng chừng nghẹn đến nơi, Thụy lại hớp một hụm canh, dồn cơm xuống. Mẹ nhìn theo kỹ càng không bỏ sót bất cứ chi tiết nào, nghi ngại. Mẹ khép lại cánh cửa rồi, nghe được tiếng dép quẹt nhẹ trên cầu thang xa dần, Thụy vào nhà tắm, móc họng, ói ngược ra.
Đồ mất dạy. Thụy tự nhủ. Mày là đồ mất dạy. Chỉ có hạng không ra gì mới làm trò đó. À, mẹ mày bưng cơm lên tận phòng dỗ mày ăn, và mày lại ói ra, trong khi thân thể mày đang lành lặn, khi mày mới hai mươi tuổi đầu, khi mà mấy đồng lương làm thêm của mày chỉ đủ chi trả vớ vẩn và mẹ thì suốt ngày dỗ nghỉ làm ở nhà để mẹ cho tiền dư dả mà tiêu. Thụy giơ tay lên định tát cho mình một cái, chợt chựng lại, đập vào mắt Thụy, chỗ hạt đậu được khoanh tròn trên cánh tay đã ửng đỏ, hơi lan ra xung quanh.
3. Cầm trong tay tờ giấy ghi kết quả xét nghiệm BK+, Thụy tự trách mình. Nếu như không quay lại, có lẽ Thụy đã tránh được những lo lắng không cần thiết. Thực tế, việc mỗi buổi sáng phải ghé trạm xá uống một vốc thuốc trước mắt y tá khiến Thụy thấy phiền kinh khủng. Điều an ủi buồn cười là Thụy sẽ được khám chữa phát thuốc hoàn toàn miễn phí, chỉ phải đóng tiền thế chân một trăm nghìn đồng, đến lúc khỏi lại được hoàn trả. A, ra là nhiễm căn bệnh tầm cỡ quốc gia như bệnh lao cũng có ưu đãi khác thường. Thụy nhìn xuống cánh tay, vết đỏ đã lan ra bên ngoài vòng tròn bút bi.
Sáng nào Thụy cũng dậy sớm tập chạy bộ thể dục, lúc về tạt ngang trạm xá uống thuốc, rồi lại chạy về nhà. Mấy ngày đầu choáng thuốc, váng đầu không chịu nổi, nhưng sang tuần lễ thứ hai, Thụy đã thấy trong người dễ chịu hơn và bắt đầu ăn lại được. Gia đình hoàn toàn tin tưởng vào điều kỳ diệu mà thể dục thể thao đem lại, đến độ bố mẹ và thằng em trai nằng nặc đòi đi chạy bộ chung. Thụy lắc đầu. Cô muốn chạy một mình. Tất nhiên.
Những tứ truyện ngắn cứ ào ào tuôn chảy khi đêm về, Thụy tảng lờ chúng đi như kẻ làm ngơ thịt giữa mùa chay. Nằm trên giường, Thụy ép tay dưới gối và hít thở sâu, tưởng tượng về cái củ lao sậm màu dưới xương đòn bên phải đang nhỏ dần, mờ dần. Nếu nó lớn lên cũng chịu, Thụy làm động tác lè lưỡi trong bóng tối. Kệ mày. Tao không quan tâm nữa.
Điều quan tâm lớn nhất của Thụy lúc này là việc dành nhiều thời gian và tâm trí để lo lắng chăm chút cho chính bản thân mình, tập lắng nghe tiếng nói từ cơ thể còn-đang-phát-triển, lẫn trong những âm thanh xao động của cảm xúc. Một câu chuyện buồn đã trôi qua trong Thụy. Chưa bao giờ cô nghĩ đến lúc nào đó, mình đủ dũng cảm ngồi trước màn hình vi tính và lóc cóc gõ lại nó, chưa nói gì đến chuyện phơi nó lên mặt báo để mọi người nhìn vào. Thụy luôn cố quên và tự trấn an mình vô sự. Điều giả dối với chính bản thân, xem ra, còn nguy hại hơn sự lừa dối người khác. Một dạng của ẩn ức lớn dần lên trong Thụy, hiện nguyên hình là một củ lao sẫm màu. Những cô gái khác ở tuổi Thụy có như thế này hay không, Thụy không biết nữa. Thực sự, Thụy không tin lắm một đứa luôn dụng công lý trí hóa cuộc sống như mình, lại có lúc vướng bệnh vì một chuyện phiền lòng. "Cuộc sống là con đường dài, trên đó, người ta nghe và thấy những chuyện mà bản thân cứ ngỡ là chẳng gặp bao giờ. Anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ mến thương một cô bé thất thường như em!". Anh đã nói thế với Thụy, sau khi Thụy từ chối lời tỏ tình từ anh. Vì Thụy vẫn còn đau. "Cho em thêm thời gian. Để cho em kịp lớn nhé! Vì em chỉ mới hai mươi". Anh xách chổi ra mé vườn quét lá và khế. "Ừ, anh chờ."
4. Thụy nguyện rằng nếu anh có rời bỏ Thụy mà tan biến vào đời sống ngoài kia, Thụy vẫn sẽ đi đến tận cùng kỳ chữa trị kéo dài chín tháng, diệt cho đến hết những ô sậm trên bản phim chụp phổi của mình. Bản thân Thụy đã không còn ý nghĩa gì nữa trước sự lo lắng và tình yêu thương của gia đình. Thụy đâu chỉ vì mình Thụy được để mà thức đến hai ba giờ sáng viết hàng trăm điều lang thang vơ vẩn, trong đó không có lấy một dòng một chữ đá động đến điều Thụy đang thực sự nghĩ, và cũng chẳng gì gợi nhắc đến kỷ niệm buồn bã cố tránh né. Lâu lâu, trong yên ắng của ngày, Thụy tự mắng mình là con bé hèn nhát.
Con bé hèn nhát mua cho mình một cái chén, một đôi đũa, một cái muỗng, một cái ly sứ xinh đẹp và giải thích rằng không có đủ tiền sắm cho cả nhà. Mẹ Thụy cười thông cảm, bẹo má con gái cưng. Thụy cứ thế quây riêng các thứ đồ dùng của mình. Cái khăn tay màu hồng nhạt viền hoa được lôi ra, Thụy cầm nó theo suốt ngày và điệu đàng che miệng mỗi khi ho hay nói chuyện. Bố Thụy cũng cười, chẳng hiểu gì. Chỉ duy có một vật bí mật được cất kín trong nhà tắm ở phòng riêng là cái lon sữa bò rỗng, xạm đen vì lửa. Thụy cẩn thận khạc nhổ vào đó khi cần, và đốt cháy nó.
"Anh sẽ chờ!". Và Thụy cũng chờ đợi bình thản. Sau chín tháng, đến kỳ hạn cuối cùng Thụy lận vào bóp một trăm ngàn đồng thế chân, cảm giác trống trải lạ kỳ. Như là chấm dứt một thói quen, hay là chia tay một người bạn thân.
Nắng đã lên lao xao, ngoài phố đông người. Thụy mơ hồ thấy những buổi sáng chạy bộ cùng với gia đình, những buổi chiều giữ thang cho anh vạt lá hái khế. Và, khi đêm về, biết đâu Thụy lại mở máy vi tính bắt đầu lóc cóc gõ lên bàn phím vết đau của mình, cho dù nó chưa lên da non.

Xem Tiếp: ----