Xe đò khởi hành. Ăn xong cặp bánh dày dai nhách nhưng chắc chắn sẽ no lâu, tôi loay hoay tìm chỗ vứt hai vuông lá chuối nhầy mỡ và miếng báo cũ gói bánh. Ba mảnh rác ấy sẽ trốn kĩ ở nách ghế hoặc du du đâu đó bên vệ đường, nếu mấy dòng chữ không mời gọi:
 
Tìm thân nhân: …tại km 2.013 đã xảy ra một cái chết thương tâm. Nạn nhân là nữ không rõ tuổi nhưng mắt nhiều chân chim, điều khiển xe hơi Nuli - Sixiang 2.0, còn mới chưa gắn bảng số. Ngực trái nạn nhân có một hình xăm rồng lớn khá đẹp, tạo hình bởi vô số chữ Hán – Việt lớn nhỏ cân xứng. Các móng vuốt rồng trông như đang cấu giết dòng chữ tinhthanhaibatrung.net/votim.rar. Theo pháp y, nạn nhân chết vì vỡ tim trước khi lao xe vào cột cây số. Nhiều khả năng nguyên cớ nằm ở tay lái xe bị kẹt cứng…
 
Nhờ vệt mỡ, tôi đọc được chữ “Trung Quốc” ngược nên lật mảnh báo lại. Đó là một bài về khảo cổ:
 
Vật tổ hình rồng cổ nhất Trung Quốc
Một món đồ cổ hình rồng 3.700 tuổi, được làm từ hơn 2.000 mảnh ngọc lam, đã được xác định là vật tổ hình rồng cổ nhất Trung Quốc.
Món đồ cổ được phát hiện ở khu di tích Erlitou ở thành phố Yanshi, tỉnh Hà Nam. Rất nhiều học giả Trung Quốc tin rằng Erlitou là thủ phủ của triều đại nhà Hạ (2.100 - 1.600 trước Công nguyên) - triều đại đầu tiên của Trung Quốc.
"Một số hiện vật hình rồng cổ hơn món đồ ở Erlitou đã được phát hiện ở các nơi khác, như bức tượng bằng ngọc bích 7.000 tuổi có hình con rồng mang đầu lợn và cái mõm dữ tợn, được tìm thấy ở thành phố Chifeng, Nội Mông, nhưng chúng không có mối quan hệ trực tiếp nào với nền văn minh cổ đại bắt nguồn từ trung nguyên", nhà khảo cổ Du Jinpeng nói.
"Chỉ có con rồng phát hiện ở Erlitou là có mối liên hệ trực tiếp với triều đại nhà Hạ, Thương, Chu và nối liền thành một mạch", Du, nhà nghiên cứu tại Viện khảo cổ, nói. "Vì vậy, bức tượng hình rồng ở Erlitou là nguồn gốc trực hệ của vật tổ hình rồng của dân tộc Trung Quốc".
Vật tổ hình rồng, dài 70,2 cm, trông giống như một con trăn. Nó được làm từ hơn 2.000 mảnh ngọc lam, mỗi mảnh chỉ dày 0,1 cm và dài 0,2-0,9 cm.
"Rất hiếm để tìm thấy một tạo vật hình rồng tinh xảo như vậy vào giai đoạn đó. Và nó mang giá trị lịch sử, nghệ thuật và khoa học sâu sắc", Du nhận định.
Xu Hong, người phát hiện ra vật tổ hình rồng, cho biết món đồ được khai quật từ ngôi mộ của một vị quan trong cung điện ở Erlitou. Bức tượng làm từ ngọc lam được tìm thấy nằm giữa vai và xương chậu của chủ nhân ngôi mộ.
Du Jinpeng cho rằng vật tổ có thể được gắn vào một trượng quyền sử dụng trong các nghi lễ hiến tế. Xác trong ngôi mộ có thể thuộc về một vị quan chủ trì nghi lễ.
Hình ảnh rồng cũng được tìm thấy ở các khu vực khác, như trên đồ gốm và một phiến đồng tại Erlitou. Một số con rồng trông giống rắn, nhưng một số khác lại giống hình ảnh rồng ngày nay với móng vuốt của chim và vây cá.
Các chuyên gia cho rằng dân tộc Trung Quốc cổ đại bắt đầu hình thành vào giai đoạn đó với Erlitou là trung tâm. Tất cả những di vật mang hình rồng đều được tìm thấy ở khu vực hoàng cung.
"Nó cho thấy con rồng đã trở thành biểu tượng của quyền lực và vị thế hoàng gia vào thời đó và quan niệm này đã được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác trong lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc", Du nhận định.
Theo Tân Hoa xã
….
 
Có lẽ sự liên quan kì lạ của hai tin trên hai mặt báo làm tôi quên bẵng cái hệ thống tiền đình yếu ớt của của mình. Ngồi trên xe đò mà đọc sách hay báo là tôi chóng mặt và buồn nôn ngay. Tôi vuốt lại mảnh giấy rồi cất vào túi áo, một phần vì đường dẫn internet bí hiểm thôi thúc.
 
Cỡ hai tuần sau, tôi mới gặp lại mảnh báo cũ nhăn nhúm trong xó túi. Tuồng như xà phòng “trắng gì mà sáng thế” của tiệm giặt ngã năm đại học đã tẩy hết thông tin của mảnh báo và cả vết mỡ khó chịu nọ. Lạ là đường dẫn internet vẫn còn nguyên. Tôi hồi hộp như một chàng trai hẹn hò lần đầu, ngồi xuống máy tính và gõ vào thanh địa chỉ dòng “tinhthanhaibatrung.net/votim.rar”
 
Hộp thông báo tải dữ liệu hiện lên. Tôi nghi ngờ “khéo lại sâu!” nhưng rồi cũng nhấn nút OK. Một phút. Hai phút. Tiêu rồi! Sâu thật rồi, tôi thầm kêu lên. Máy tính tắt ngóm và ngay lập tức tự khởi động lại. Trước khi vào hệ điều hành, màn biểu diễn của con sâu bắt đầu: một giọt máu đỏ tươi từ từ rơi xuống. Quá trình rơi cũng là quá trình biến thể, giọt máu dần trở thành trái tim to căng. Khi chạm đáy màn hình trái tim vỡ tung thành những mảnh chữ vung vẩy khắp nơi. Đám chữ màu đỏ tiếp tục trêu ngươi, rồng rắn nối đuôi quay ngang quay dọc rồi theo trật tự đầu – đuôi, thu nhỏ và biến mất. Máy tính trở về trạng thái bình thường. Tôi dùng vài thủ thuật khám bệnh và bắt sâu nhưng không thành, chẳng thấy con sâu nào đang ngốn tài nguyên CPU hay bộ nhớ cả.
 
Thế rồi tôi lại quên sự việc ấy. Đơn giản thôi, suốt một thời gian dài con sâu quái dị kia chẳng phá tôi nữa. Tôi vẫn chat chít, vượt tường lửa và viết lách vớ vẩn bình thường.
 
Hôm nay hơi khác, khi tôi mở kho sách điện tử lưu trữ và đọc bằng Acrobat. Tất cả các lập tin lịch sử đều bất thường. Biểu tượng mặc định của Adobe Acrobat 7.0 đã bị thay thế bằng hình ảnh trái tim vỡ. Lạ ghê! Tôi mở thử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Con rồng chữ chợt xuất hiện và múa may ở đoạn viết ngay đầu sách:
 
Thời bấy giờ, cư dân khi xuống nước, hay bị loài giao long làm hại, Hùng Vương dạy dân lấy mực vẽ hình loài thủy quái xăm vào mình. Từ đó mới tránh khỏi nạn. Nước ta cái tục xăm mình có lẽ bắt đầu từ đấy.
 
Tôi nhắp bên phải con chuột vào đầu rồng. Dải chú thích xổ xuống: “Giao long tức là loài rồng Giao Chỉ. Đó chính là cá sấu. Hình ảnh biểu trưng chân xác nhất có thể tìm được trên mặt trống đồng.”
 
Ôi con sâu thông thái! Tôi nhảy bổ lên và bắt đầu tìm kiếm những chỗ con rồng chữ thích lui tới.
 
Mậu tuất 1118, Lí Nhân Tông, Tháng 3. Tuyển lính cấm quân: Trước đó, tuyển những hoàng nam khỏe mạnh làm binh lính, đến đây quy định hiệu quân cấm vệ, bèn tuyển 350 người đại hoàng nam sung vào các quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Vũ Đô và Ngự Long. Lại cấm những nô bộc tư gia không được xăm mực vào ngực, vào chân làm mạo theo hình dạng của cấm quân.
 
Kỉ hợi 1299, Tháng 7, mùa thu. Thượng hoàng (Trần Nhân Tông) lên núi Yên Tử, xả thân ở am Ngọa Vân: Lúc nhà vua đến chầu, Thượng hoàng bảo: "Nhà ta khởi nghiệp từ bãi biển, cho nên thích hình con rồng vào vế đùi, là có ý tỏ ra rằng không bao giờ vong bản". Lúc ấy người thợ thích hình rồng đã chực ở ngoài cửa cung, nhà vua rình khi Thượng hoàng quay mặt đi chỗ khác, liền lánh sang cung Trùng Hoa. Thượng hoàng biết ý, không bắt ép nữa. Cái tục thích hình dáng loài vật vào vế đùi của nhà Trần từ đây mới bỏ đi được.
 
Quí hợi 1329, Trần Minh Tông, Kén quân ngũ: Theo tục trước, quân sĩ đều xăm hình rồng ở lưng và hai vế đùi; nhưng kỳ tuyển duyệt này lấy người nào béo trắng là hơn, nên từ đây quân sĩ không xăm hình rồng như trước nữa.
 
Cả tiếng đồng hồ chúi mũi vào con rồng chữ trên màn hình vi tính nhập nhòe (rác thải đại hạ giá từ nước ngoài), mắt tôi bắt đầu mờ. Tôi đi rửa mặt rồi nằm nghỉ một lúc.
 
Tiếng gõ cửa. Hoàng đến thăm tôi. Tôi mào chuyện rồng phượng:
 
- Họa sĩ giải thích hộ các hình tượng rồng nhé.
- Mỗi triều đại mỗi khác nhưng đặc biệt ngày càng “Tàu” hơn. Này nhé rồng thời Lí dài giống rắn, chân nhỏ có 3 ngón. Rồng triều Trần tròn mập, có tay và mọc thêm sừng. Rồng nhà Lê oai vệ và dữ tợn, mũi to, năm móng vuốt sắc nhọn. Rồng của họ Nguyễn uy nghi, thỉnh thoảng lại ngậm một Hán tự như chữ Thọ, để lòi cả răng nanh, hoặc cặp đôi chầu mặt trời, chầu hoa cúc… Cũng cần để ý từ đầu đời Hán, người Tàu đã chọn rồng năm móng vuốt làm biểu tượng vương quyền.
- Hóa ra chẳng con nào giống về cá sấu ư? Rồng của Hai Bà Trưng hẳn là cá sấu thuần chủng!
- Thì đấy, Mã Viện thu gom hết trống đồng cũng nhằm diệt rồng Việt. Hy vọng sẽ tìm được chứng tích rồng Tiền Lí thì may ra.
- Lạ lùng nhỉ, cá sấu làm người ta sợ nên người ta xăm hình cá sấu lên thân thể và thờ cá sấu. Đến khi đuổi được cá sấu chỉ bằng một bài văn Nôm của Hàn Thuyên, người Việt đã khá văn minh rồi. Họ không xăm mình nữa. Cái truyền thống ấy lặn qua chính trường với việc thực thi toàn trị Nho giáo Trung Hoa bắt đầu từ Hồ Quí Li…
- Nếu tôi là cá sấu, một con cá sấu say rượu đi nữa, cũng không thể nhầm đồng loại với lũ người “xăm mình”. Khó bỏ qua mẻ mồi ngon ấy. Thật là bữa tiệc trong mơ!
- Có ai đào sâu khái niệm “tự giác đồng hóa” chưa vậy?
 
Gió mùa đông bắc hút xuống thung lũng, cọ vào vách gỗ thông xin xít như khéo trả lời tôi, thay Hoàng. Com ma rượu lẻn vô góc bếp lấy mấy viên cồn để hâm bầu rượu dâu ta ứa đỏ. Bộ chén trà tôi được tặng khi mua một gói Ô Long ở Bắc Kinh hôm nào đã chờ sẵn. Rượu bốc hơi rót xuống, con rồng xanh cảm ứng nhiệt in trên thân chén dần chuyển sang đỏ. Đôi mắt nó long lên sòng sọc sẽ khiến không ít kẻ non gan nổi gai ốc. Nhưng Hoàng và tôi thì không. Bằng chứng là chúng tôi cứ tỉnh bơ và làm thinh nốc rượu đến chuếnh choáng.
 
- À này bạn – giọng tôi đã có nhựa – Họ Trịnh và họ Hồ xen kẽ trong lịch sử cũng có rồng riêng chứ?
- Có thể nói gọn là rồng Lê – Mạc xong đến Trịnh – Nguyễn cũng được. Rồng của Hồ Quí Li khá khoáng đạt và cân đối.
- Khoáng đạt cỡ rồng của Trạng Quỳnh mà hiện nay người ta treo nhan nhản trong các phòng khách mới xây, để rồi mị nhau là thư pháp chữ Việt chăng?
 
Hoàng cười khanh khách, rất chói tai song cũng rờn rợn. Lại một chuỗi xít kéo dài. Người tôi bị hất về đằng trước, trán nện vào thành ghế trên ê ẩm…
 
Hóa ra tôi ngủ mơ từ đầu truyện đến giờ. Chiếc xe đò dừng bánh giữa đường. Một “thương gia” chanh chua đang xỉa xói, tay chống nạnh, tay cầm chiếc đòn tre chỉ vào gánh hàng ăn di động bây giờ chỉ còn là một đống chén bát vỡ nát. Mất cũng mươi phút, xe lại lăn bánh. Lúc ấy rọ tàu hủ trắng nhợt nằm nghiêng bên miệng cống lề đường mới chậm rãi chiếu qua khung kính bên hông.
 
Xe đã vào thị trấn Bảo Lộc. Chắc ba tiếng nữa tôi sẽ về đến am “ẩn sinh”. Tôi làm một ngụm nước khoáng trị chứng ợ hơi toàn mùi bột nếp sống và mỡ sa lợn sề. Vị khách mang kính cận bên cạnh lại giở báo xoàn soạt. Tôi thèm đọc lắm, nhưng phải đề phòng khối tiền đình bất ổn của mình. Gắng mơ tiếp thôi. Có lẽ tôi vừa thoáng thấy cột xã luận nổi bật trên trang nhất tờ báo kia: Xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Thung lũng Đa Thiện,
Đà Lạt xuân 2006
 

Xem Tiếp: ----