Nguồn: Báo Tuổi trẻ chủ nhật ngày 2.4.2006
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=130486&ChannelID=61
Truyện ngắn(1.168 chữ)
1. Cha tôi rất ghét đàn dương cầm. Một lần thấy tôi mê mẩn dán mắt vào màn hình xem buổi biểu diễn hiếm hoi của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn tại nước nhà, cha lầu bầu: “Tay dẻo thật. Cái đầu gật gà gật gù đến lạ. Chẳng rõ có hiểu gì không hay cố làm sang!”.
2. Lớp sáu, tôi học trong ngôi trường vốn là cơ sở giáo dục cũ của nhà thờ. Tôi cảm nặng tiếng đàn bập bẹ của một con chiên dễ thương. Hằng ngày nàng đến thụ giáo linh mục đúng giờ ra chơi. Khéo duyên, lên cấp ba chúng tôi lại cùng thầy luyện thi đại học. Nàng chính là mối tình ban sơ của tôi.
Với nhiều người cuộc chia tay đầu tiên thường có nguyên cớ rất vô duyên, tôi thì không. Nàng bảo nếu chúng tôi muốn cùng nhau đi dọc cuộc đời thì tôi phải nghĩ đến việc học giáo lý và đều đặn lễ nhà thờ với nàng. Không phải vì gia tộc tôi rất sùng Phật mà tôi thấy yêu cầu cương quyết đến cực đoan của nàng nhờn nhợn. Năm thứ hai trên giảng đường, tôi chấp nhận thi lại môn triết và kinh tế chính trị vì lơ là bài vở, để chúi mũi vào mấy quyển kinh sách Phật – Chúa. Tôi lý luận như một ông cụ non:
- Nguyên thủy, Phật giáo hướng con người đến giác ngộ; Công giáo khơi gợi tình yêu thương. Khối óc và con tim đôi khi thật mâu thuẫn nhưng hoàn toàn có thể bổ xung và hoàn thiện nhau. Chính con người chia rẽ tôn giáo chứ tôn giáo không bao giờ chia rẽ con người.
Đôi mắt bồ câu tròn xoe nhìn tôi xa lạ. Tình đầu trượt ngã vào ký ức.
3. Con gái lên năm tuổi, tôi muốn cho cháu học dương cầm. Bà xã góp ý:
- Thời này kiếm món chơi nào dân tộc một tí cho nó lạ.
- Đúng rồi – Cha tôi ủng hộ con dâu – Ra thế giới mà gõ phím ngà chẳng khác gì đem ca sĩ làng quê Việt Nam hát tiếng Tây. Cho nó học loại đàn của Thúy Kiều ấy.
- Kiều là người Tàu, đàn đó là đàn Tàu chứ đâu phải đàn Việt – Tôi hết sức bối rối.
- Đúng là trứng khôn hơn vịt – Cha ngâm nga: “Hiên sau treo sẵn cầm trăng - Vội vàng Kim đã tay nâng ngang mày”. Cái bầu xấu xí của Tỳ Bà Trung Quốc đã được Nguyễn Du chuyển thành một khuôn trăng đẹp.
- Đàn Nguyệt chính là Nhị mà! Nó có hai dây thôi. Con gái kéo Nhị kỳ lắm cha ơi – Tôi thất vọng.
- Đâu nào - Vợ tôi xổ một tăng - Đàn của Kiều bốn dây cơ. Đàn cho Kim Trọng “So dần dây vũ dây văn. Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương”. Đàn cho Thúc Sinh và Hoạn Thư “Bốn dây như khóc như than. Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng”. Đàn cho Hồ Tôn Hiến “Một cung gió thảm mưa sầu. Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay”.
Phức tạp quá. Tôi lảng ra rồi ngồi vào máy tính nối mạng, loay hoay tìm kiếm trong Google. Dòng chữ “Kiều chơi đàn gì” – không có. “Kiều đánh đàn gì” – cũng không có. Xào qua xào lại mới thấy chủ đề “Thúy Kiều wánh đờn gì” trong một diễn đàn. May quá, họ trích dẫn tài liệu của ông Trần Văn Khê, dù cũng chỉ là một giả thuyết:
Theo sách Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ “Đàn Nguyệt là thứ Hồ Cầm cổ còn có tên là Nguyễn Cầm, do ông Nguyễn Hàm (người Trung Quốc) chế ra vào đời Tấn”. Nguyễn Cầm thùng tròn như đàn Nguyệt Việt Nam nhưng có 4 dây như Tỳ Bà. Hiện nay Trung Quốc không còn lưu truyền đàn ấy, nhưng cách đây hơn 200 năm chắc chắn còn Nguyễn Cầm ở Việt Nam vì trong bài thơ chữ Hán “Long thành cầm giả ca” của Nguyễn Du có đoạn:
Long Thành giai nhân
Tính thị bất kỳ danh
Ðộc thiện Nguyễn cầm
Cử thành chi nhân dĩ cầm danh
Nghĩa là: Người đẹp Thăng Long. Chẳng rõ họ tên. Đánh đàn Nguyễn rất hay. Nên mọi người đều gọi là cô Cầm.
Tôi trình ngay nội dung này cho cả nhà, trong một bản in cỡ chữ thật to. Mọi người xì xầm: “Dân Ta bảo tồn văn hóa Tàu ghê nhỉ!”.
4. Thừa thắng xông lên, mấy tuần sau tôi nhờ người bạn thân rất rành nhạc cụ đi chọn cho cây đàn dương cầm Yamaha dòng Disklavier.
Disklavier là sáng tạo tuyệt diệu của người Nhật, nối dài chiến công “nhà hát gia đình” mang tên Karaoke. Disklavier có mọi chức năng và hoàn hảo không khác một cây đàn dương cầm truyền thống. Cái hay và mới của nó ở chỗ: các hệ thống cơ - điện ghép trong thùng đàn có thể kết nối với máy tính hoặc đầu đọc đĩa CD. Nếu chơi đàn bằng máy tính, tập tin midi ghi lại quá trình chơi nhạc của người nghệ sĩ sẽ được Disklavier tái tạo. Với CD thì đơn giản hơn, hộp điều khiển dễ dàng giải mã các đĩa ghi âm sống của bất cứ danh cầm nào. Hàng phím nhảy nhót như được chơi bởi hai bàn tay vô hình. Sắc thái, tình cảm… nguyên vẹn, âm thanh rất trung thực. Người ta hay nôm na Disklavier là “Dương cầm ma”!
Ngoài chức năng là dụng cụ học tập của con gái, “Dương cầm ma” đem đến cho tôi những phút giây thư giãn rất dễ chịu. Bao đêm quên ngủ, lâng lâng thả mình vào các bản dạ khúc triền miên day dứt của Chopin, tôi thường ngoa biện đời mình sẽ mất nhiều ý nghĩa nếu không biết Chopin. Chopin từng tị nạn ngoại xâm tại Pháp, đánh những cây đàn Pháp, chết trên đất Pháp; nhưng nhạc của ông mãi mãi là nhạc của một tâm hồn Ba Lan dạt dào tình yêu xứ sở.
Con gái nhỏ thân yêu tóc đuôi gà ngồi lọt thỏm giữa chiếc ghế da khổng lồ. Thánh thót giai điệu bài dân ca châu Âu dung dị mở đầu quyển sơ học “Phương pháp hoa hồng”. Tôi biết cái ngày con gái mình đàn được trọn vẹn một bản nhạc Việt chuyển soạn cho dương cầm như Trống cơm, Lý con sáo… đã rất gần. Thú thật, trong khung cảnh ấy thỉnh thoảng tôi cũng trộm nghĩ đến nàng ngoan đạo ngày xưa. Tôi là người lạc quan, quá khứ không thể là hạnh phúc. Với tôi hạnh phúc là một tiến trình động, bao hàm cả hiện tại và tương lai. Khi hạnh phúc tù đọng ở một giá trị xơ cứng, nó sẽ đổi tên thành bất hạnh.
Thung Lũng Đa Thiện,
Đà Lạt 3.2006
 

Xem Tiếp: ----