Quê tôi thỉnh thoảng hay có một đoàn sơn đông mãi võ ghé sang. Họ đi một đoàn khoảng chục người trên một chiếc xe ngựa kéo. Phía trước cắm lá cờ đầy chữ Tàu, lại vẽ rằn ri những hình thù kỳ dị. Họ treo bên hông xe những cái bồ lát bịt kín. Ði đến đâu, gây huyên náo đến đó bằng tiếng phèn la, tiếng rao ơi ới... Họ mang theo cả những bà vợ, những đứa con. Người lớn thì ngồi bên ngoài, trẻ con được lèn chặt bên trong cùng những cái thùng, có khi cả mùng mền chiếu gối đổ sập lên đầu chúng. Lâu lâu bọn trẻ khóc ré lên, thế là bà mẹ dí cái đầu nó ra ngoài cho nhìn một chặp. Hết khóc lại kéo tuột vào trong. Mẹ tôi kể ngày xưa họ đi đông lắm, càng ngày số lượng người càng ít dần, lâu lắm mới ghé lại. Có rất nhiều đứa trẻ được nuôi lớn lên trên chiếc xe ngựa như vậy. Còn nhỏ chút xíu, chúng đã biết cho ngựa ăn. Ba tuổi đã cầm ca đi bán thuốc, lẫm chẫm theo người lớn. Những đoàn ít người hơn thì đi đến đâu tìm thêm người đến đó. Họ dụ dỗ trẻ con hay lắm, có nhiều đứa bé đi theo, thế là quên cả đường về. Ðây là lần đầu tôi thấy họ. Họ quây một góc chợ bằng những tấm bạt cho trẻ con có chỗ nằm ngồi, sau đó dọn dẹp một miếng đất trống lớn hơn, cắm cây cờ chính giữa. Những cái bồ lát bịt kín được đem bày ra. Con nít bu đen, họ cấm ngặt. - Ê, thằng kia, tránh ra. Mày có biết cái bồ đó chứa gì không? Rắn độc, rắn độc đấy! Thế là cả bọn hoảng kinh lên. Tiếng nói của họ ồm ồm như sấm. Khuôn mặt đầy râu bặm trợn, tay chân vạm vỡ khiến cái trừng mắt của họ uy lực khủng khiếp. Nhưng họ cũng rất vui tính, lâu lâu lại đùa với trẻ con, đá đít đứa này, đá đít đứa kia. Thằng Tí kéo tôi lọt thỏm vào trong gian hàng của họ. Nó lanh lẹ hơn tôi nên thỉnh thoảng được những người trong đoàn nhờ vịn cái này, vịn cái kia cho họ giăng dây hoặc lèn những vật nặng. Sung sướng lắm, mặt vênh lên, nó bảo tôi: - Mày có muốn vịn không, tao cho mày vịn đấy! Tôi làm như bất cần. Loáng một cái họ đã sắp đặt mọi thứ trông rất oách. Ðầu bên này là ba cây giáo dài chụm lại, cột nơ đỏ. Ðầu bên kia là cái bàn chông kèm theo mấy trái dừa khô. Họ mở những cái bồ lát, quả thật, bên trong đầy rắn độc. Những con rắn ngóc cổ cao. Họ bảo thằng Tí: - Mày có thích đánh trống không? Cho mày đánh đó. Thế là tôi và thằng Tí nhảy tót vào, mỗi thằng một cái dùi, đánh, đấm, chặt, ỏm tỏi. Cả khu chợ náo động hẳn. Người lớn trẻ con bu đông nghẹt. Nhưng họ luôn luôn không vội vàng gì, cứ từ từ nhẩn nha. Ðến một lúc nào đó, người trưởng đoàn vỗ tay, thế là đồng loạt những người thanh niên cởi phăng áo, cột ngang bụng một dải lụa nhỏ. Người nào bán thuốc sẽ cột thêm một cái khăn vàng lên cổ. Có người còn quấn lên người thêm một con trăn to đùng. Ðầu tiên họ sẽ biểu diễn một trò phù phép. Chẳng hạn như bỏ một đồng tiền cắc vào lỗ tai này, sau đó lấy nó ra ở lỗ tai kia. Thật tài tình. Họ còn nhờ trẻ con lên xem có đúng là lỗ tai họ hoàn toàn bình thường không. Sau đó vui vẻ biểu diễn tiếp. Họ có những viên thuốc gia truyền từ nhiều đời đựng trong những chiếc hộp tròn nhỏ. Ðây là loại thuốc thần kỳ, da vừa bị rạch, chảy máu đầm đìa, bôi vào sẽ lành ngay. Họ biểu diễn ngay trước mọi người khiến ai nấy cũng phải tái mặt vì sợ. Cầm con dao cạo râu bén ngót, họ từ từ rạch một đường nhỏ ở bụng. Tay bịt vết thương, mặc cho máu chảy ra, họ cứ thản nhiên quảng cáo thuốc, có khi còn nhờ ai đó pha giùm ly nước chanh để nhấp giọng. - Phương thuốc này, chúng tôi chỉ bán một số lượng có hạn thôi vì cần phải đem đến những chỗ khác chia đều cho mỗi người một ít. Ngày nào cũng vậy, cái bụng của họ bị rạch ra, sau đó lại lành. Những lúc mãn chợ, họ quây quần trong lều. Ðàn ông nằm vắt vẻo đàn hát nghêu ngao. Ðàn bà thì lo cơm nước, giặt giũ, tắm rửa cho trẻ con. Thấy chúng tôi, họ vui lắm, ngoắc vào cho ngồi gần. Lâu lâu lại quay lưng cù đứa này, cù đứa kia. Cũng có lúc họ làm chúng tôi vã mồ hôi khi hăm he sẽ làm biến mất "con chim" của một đứa nào đó. Cả bọn ù té chạy về, vừa chạy vừa thò tay xuống quần bụm chặt. Về đến nhà mới hay là còn. Khiếp! Nhưng dù thế nào, có sợ đến vỡ mật đi chăng nữa, ma lực của họ vẫn khiến chúng tôi ngày nào cũng phải mò xuống chợ xem họ biểu diễn. Không những thế, còn chờ xem họ ăn uống, họ đi ngủ, họ hát, cười, họ đi tắm... như thế nào. Trong đám chúng tôi, chỉ có thằng Tí là được họ cưng chìu nhất, cho nó ngủ lại trong lều. Tất nhiên nó chẳng khi nào dám ngủ, chỉ nằm vu vơ cho "đã cựa" rồi về. Nhưng như thế đủ là tiên là phật rồi, mấy ai được. Tôi là bạn thằng Tí nên cũng được hưởng lây. Có một lần, tôi lò dò đi vào trong lều tìm nó thì bất ngờ có một ai đó la lên: - Thằng kia, mày đi đâu đó? May sao thằng Tí ở đâu không biết, chạy ra nói: - Bạn của em đó. - Bạn của mày à. Thật không? - Người kia hỏi lại lần nữa, đầy nghi ngờ. - Dạ, bạn của em. - Thằng Tí xác nhận. - Vậy thì vào đi! Thật hú vía. Tôi đi vào, trong lòng thầm biết ơn nó vô hạn. Mùa mưa cứ âm ỉ, dai dẳng. Tưởng hết, hóa ra lại còn nên đoàn sơn đông mãi võ ít có dịp bán thuốc. Có nhiều lúc đám đông vừa mới tụ lại được một chút thì trời đổ mưa. Ai nấy vội vàng về nhà. Ðời sống của họ trở nên tiêu điều hơn bao giờ hết. Họ ôm đàn nỉ non hát, có vẻ buồn bã lắm. Chúng tôi cũng mất đi cơ hội xem biểu diễn. Thằng Tí bảo tôi: - Tao nghe nói họ có con rắn hai đầu. - Làm gì có! - Mày không biết đấy thôi. Ngày nào họ chẳng nói. Họ cất nó trong cái bồ đen. - Thế họ cất làm gì kia chứ, sao không đem ra cho mọi người xem. - Ai mà biết được, chắc họ để dành cho buổi biển diễn cuối cùng, trước khi đi. Mẹ vẫn hay kể chuyện cổ tích cho tôi nghe về con rắn hai đầu. Một đầu thức, một đầu ngủ. Chúng ở trong những hang đá u tối, trên những ngọn núi cao. Ngày xưa chúng là con vật chuyên đi gieo rắc điều ác. - Tao không tin họ có con rắn ấy đâu. - Tôi nói. - Mày không tin thì kệ mày, nhất định tao sẽ rình lúc họ sơ ý... - Mày mở cái bồ đen à? - Chớ làm sao nữa. - Thế mày nhớ cho tao theo với, biết đâu có lúc mày cần tao. - Tao chẳng cần. Có mày đi, lỡ mày sợ quá mày la lên thì sao! - Tao sẽ không la. - Ðừng có xạo. Mỗi lần sợ cái gì, tao thấy mày la rất to. Tôi uất ức đá văng bụi cỏ dưới chân tôi chạy ù về nhà. Dầu không tin thằng Tí dám làm, nhưng tôi vẫn cứ sợ sợ, biết đâu nó liều thì sao, xem như tôi đã mất một cơ hội chứng kiến một điều kỳ diệu.