Phạm Tú Châu dịch

LTS: Nhân dịp nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Vương Mông sang thăm Việt Nam, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu truyện ngắn đặc sắc Chiếc lá phong của ông, rút từ tập Hồ Điệp, bản dịch của Phạm Tú Châu, NXB Công an Nhân dân phối hợp với Công ty Nhã Nam, 2006.

Lá phong

Anh và chị làm quen với nhau trong một buổi dã ngoại một ngày thu thời sinh viên. Từ bấy đến nay đã qua năm mươi năm. Lần đi chơi xa ấy, họ tới Bắc Sơn, một nơi nổi tiếng vì lá phong đỏ thắm. Họ không cùng khoa, nhưng họ đều thích hoạt động văn nghệ và đều là đội viên trong đội hợp xướng. Họ đều mong một lần nào đấy được thấy rừng rực cháy, sau ngọn lửa đó là sự tái sinh và tân sinh của mọi thứ, là ánh sáng thay thế đêm đen. Và nhất là họ đều thích thơ của nhà thơ lớn A Phong. A Phong viết:
Đồng núi mùa thu sao cháy rực?
Cơn giận tuổi trẻ sao nổ vang?
Thơ tôi là pháo đạn rền vang,
Thơ dũng cảm đánh vào tội ác!
A, rền vang! A, chinh phạt!
A, xạ kích! A, cháy lên!
Họ đặc biệt thích ngâm chữ “sao”, kéo dài giọng ra ngâm “sao...”, thật khoái, thật đã!
Đến khi pháo đạn thật sự rền vang trên ngọn đồi mà họ đi dã ngoại hồi nào, khi lửa rừng rực thiêu cháy tất cả thế giới cũ thì chị nhận được một bức điện báo, báo tin mẹ chị ở tận Giang Nam đang ốm rất nguy kịch. Chị ra đi và bảo đảm với anh hai tuần sau sẽ trở lại cùng anh đón ngọn lửa thần thánh.
Khi chia tay, anh và chị trao cho nhau nụ hôn đầu khắc cốt ghi lòng, thật thuần khiết và thật nóng bỏng, như mộng và nhất là như thơ của A Phong. Thanh niên sau này đã không còn biết đến nụ hôn đầu. Dù bất kể cố gắng quét văn hóa phẩm đồi trụy như thế nào thì người ta cũng không còn có thể cảm nhận được vị dịu ngọt và ngượng ngập, sự hàm súc và ý thơ trong nụ hôn đầu. Hoa ngày nay không còn giữ ý gì nữa, nở tung ra trong phút chốc, chẳng cần chuẩn bị gì trước. Còn lá phong thì có hình trái tim, thay thế cho trái tim non trẻ của chị.
Lá phong sinh miền bắc,
Thu về nảy mấy cành.
Thứ này tương tư lắm,
Hãy hái lấy đi anh!
Hôm ấy anh sửa lại thơ của Vương Duy. Người đời Đường làm thơ hay quá, anh không rời được thơ của họ nữa.
Mấy chục năm sau không có tin tức gì của chị. Đương nhiên, chị đi sang bên ấy. Nghĩ đến lại đau lòng, hơn nữa còn tức giận. Đó là sự ngoảnh mặt cả về hai phía: lý tưởng và tình yêu.
Chuyện ấy có thể tính là tình yêu đầu của anh, mà có lẽ cũng không gọi được là tình yêu đầu. Họ chưa từng nói lời nào liên quan đến tình yêu. Còn như hôn nhau, có lẽ người ngày nay hẳn không cho rằng hễ hôn thì nhất định là yêu nhau. Thậm chí ký ức về vị dịu ngọt của đôi môi cũng theo thời gian năm mươi năm mà phai nhạt, mong manh dần, cuối cùng nhòa hẳn.
Nhưng anh vẫn giữ chiếc lá phong đó, thậm chí trong những năm cuồng bạo, Tập thơ A Phong hoàn toàn bị hủy nhưng chiếc lá phong vẫn bình yên, không hề bị sứt mẻ.
Còn nhà thơ A Phong thì sao? Hết lần này đến lần khác trong thời đại mới, ông bị tuyên bố là kẻ xấu, kẻ lưu manh, trái bom nổ định giờ, con sói đội lốt cừu, quỷ dữ vẽ khuôn mặt của mỹ nữ. Báo đăng tranh biếm họa làm nhục ông, vẽ ông và một người đàn bà khó coi chạy quanh một tờ bạc có mệnh giá lớn. Lúc đầu anh không tin, sau rồi cũng quen dần. Đã nói thế thì cứ nói thế, những bom, sói, quỷ nào phải chỉ có một mình A Phong. Nhắc đến thì có hàng loạt ở khắp nơi.
Chỉ có điều hễ nghĩ tới thơ cảm động được cả trời đất của ông là anh lại buồn, không phải cho A Phong mà là cho chính mình, cũng còn cho chị nữa, cho những năm tháng thanh xuân đã trôi qua.
Những đồng nghiệp của anh xưa nay không hề đọc thơ, thích thú kể đến sùi bọt mép những tin xấu về A Phong. Một trưởng phòng sáng suốt thấy trước được vấn đề nói:
- Xưa nay tôi không đọc thơ của A Phong. Ngọn đuốc a, lá phong a, tình yêu a, toàn một giọng điên cuồng của lũ tiểu tư sản! Như cứt!
Một vụ trưởng nói:
- Thơ vốn không phải thứ do người thật thà sáng tác ra!
Anh không hề do dự chộp luôn lấy chỗ sơ hở. Anh hỏi:
- Thế các vị cũng không đọc thơ và từ của Mao Chủ tịch à?
Trưởng phòng và vụ trưởng tái mặt đi, họ vốn định tỏ cho người khác biết lập trường giai cấp vô sản kiên định của mình.
Thế là anh lại cảm thấy chán ngán, cảm thấy nhạt phèo.
Nhiều năm nữa lại trôi qua. Năm này trôi qua nhanh hơn năm trước. Người đã về già.
Anh nhận được thư của chị từ rất xa, rất xa gửi về. Chị nói chị sắp về thăm quê hương một chuyến. Chị nói bao nhiêu năm nay, chị đã mất nhiều công sức để tìm anh, viết cho anh rất nhiều thư nhưng vẫn không liên lạc được với anh. Chị còn nói chị vẫn nhớ những gì, những gì.
Anh rõ rồi. Anh đã hiểu rõ vì sao trong bao nhiêu năm qua anh không được tín nhiệm, không được trọng dụng. Ngoài việc anh yêu thích thơ Đường ra, mối quan hệ với người ở nước ngoài đương nhiên cũng là nguyên do. Anh cười buồn, nói lại những chuyện đó cho vợ nghe. Anh vừa mới mua một tập thơ của A Phong - A Phong vốn là người xấu nay đã là người tốt rồi. Anh lại tìm chiếc lá phong ngả màu sẫm và đã ròn, kẹp lá phong vào trong tập thơ.
A Phong xuất hiện liên tiếp trên màn hình, trên các báo và ra nước ngoài luôn, đến cả Canađa là nước lấy lá phong làm quốc kỳ, nhưng không làm được thơ nữa. Thơ thôi không sáng tác nhưng thi tập na ná giống nhau thì xuất bản với đủ khuôn khổ. Các đồng chí lãnh đạo đã tới dự lễ phát hành lần đầu những tập thơ của nhà thơ.
Vợ anh nhìn chiếc lá phong kẹp trong tập thơ, bảo anh:
- Khi nào cô ấy về, anh trả chiếc lá phong này cho cô ấy.
Anh ừ rồi cất tập thơ và lá phong vào tủ sách.
Lấy nhau đã bốn mươi năm, nhưng anh chưa lần nào thấy mất tự nhiên như lần này, tuy rằng chỉ có đôi chút.
Một lúc sau, anh mới lấy lại được sự hưng phấn, bàn với vợ khi nào chị trở về thì mời chị đi ăn món rau đặc sản mang phong vị Thượng Hải. Anh nói chị rất thích ăn món đậu phù nhự khô rán và bánh bao nhỏ.
Nhưng đến mùa hè như đã hẹn, chị không về, dù đã nói thế này thế nọ rất dễ nghe. Thư cũng chẳng gửi.
Không về thì thôi. Có về lại chê nhà vệ sinh ở đây không sạch. Thôi thì để người ở đây sống ở đây vậy... Nghe nói có một bà già người Mỹ vì nhà vệ sinh không sạch mà cố nhịn, đến lúc xem xong người đá, xe ngựa đá trong cung điện dưới đất thì lăn ra chết!
Không gặp được người tặng lá phong nhưng anh đã có dịp gặp được A Phong, tại một bữa nhậu không cần phải tự mình bỏ tiền. Ấn tượng mà A Phong để lại cho anh là một ông già tham ăn, ăn nói chua cay và khắc bạc, là một “con nghiện”, nghiện thuốc lá rất nặng. ông ta chửi tất cả những nhà thơ trẻ, tỏ ý không thèm đọc thơ của các nhà thơ trẻ. Không đọc mà biết thơ không hay, thật là điều khiến người ta không sao hiểu nổi.
A Phong dù lúc không hút thuốc lá nhưng hễ mở miệng là từ trong miệng lại tuôn ra hơi thuốc lá và mùi ẩm mốc nồng nặc. Bà vợ của nhà thơ cũng rất hay, trước khi ăn cơm, bà bỏ hai chai rượu từ trên mặt bàn xuống gầm bàn, nói:
- A Phong thích uống rượu, các anh đã không uống thì tôi giữ lại cho anh ấy.
Ai nói rằng không uống nào? Ai cho phép bà vợ nhà thơ có quyền làm thế? May mà chẳng ai truy cứu. Rượu cũng thế mà món cũng thế, không lấy về cũng uổng.
Lại mấy năm trôi qua. Thời gian đi nhanh quá. Chị gửi thư nói rằng mùa thu này nhất định sẽ về. Anh lại mừng rỡ đi tìm tập thơ của A Phong và chiếc lá phong. Tập thơ thì còn nhưng chiếc lá phong không thấy đâu nữa.
Anh nổi nóng, lật hòm lật tủ, anh chui xuống gầm giường và tìm ở các xó xỉnh. Vẫn không thấy.
Vợ anh thề rằng tuyệt đối không động đến chiếc lá phong của anh. Lúc đầu anh nghi cho vợ, sau rồi tin. Đúng rồi, vợ anh không động đến. Cần gì phải động đến kia chứ?
Anh nghi cho con gái. Con gái anh nổi giận còn hơn cả anh. Nó khóc, nói là cha làm nhục con. Cuối cùng, anh đành phải xin lỗi con, nói rằng mình già nên lú lẫn, mình đã là một ông già mắc chứng lú lẫn ở thời kỳ đầu. Nhận ở thời kỳ đầu, con gái vẫn chưa bằng lòng, cuối cùng cha con thỏa thuận, anh đã lú lẫn đến thời kỳ giữa và thời kỳ cuối, chẳng còn cách ngây ngô là bao xa. Nói như thế vợ con mới cười. Hai mẹ con vui lòng rồi, anh nghĩ hơi buồn.
Anh lại ngờ cho hàng xóm luân phiên đi thu tiền nước, tiền điện. Anh nghĩ đến người hàng xóm rất có thể đã từng lấy trộm rau cải trắng của nhà anh. Trước đây, nhà anh thường để rau cải trắng ở lối lên cầu thang gác. Anh không có chứng cớ, nhưng vì nghi đã lâu rồi nên cho là chắc chắn. Anh lại nghi cho công nhân của phòng trông coi nhà vì người công nhân này chỉ còn có một vành tai. Anh còn nghi cho những người tích cực hay nhắc nhở treo quốc kỳ ở khu phố - họ được gọi bằng biệt hiệu “đội trinh sát bó chân”. Anh nghi tất cả những người đến nhà anh trong thời gian qua.
Tính nết anh ngày càng trở nên khó chịu. Anh hỏi, Lômônôsốp từ lâu đã nêu ra định luật vật chất không mất đi, nếu ai cũng không động đến chiếc lá phong của anh thì tại sao chiếc lá ấy lại biến mất?
Vợ anh bảo, đã không mất đi thì nhất định là không mất, cho nên không cần phải tức giận vì chiếc lá phong đó. Con gái anh cũng nói theo:
- Đúng rồi. Ba như thế là “cấp hỏa công tâm”!
Anh nghe mà thấy tim nhói đau, giận không được bỏ ngay về quê cho xong.
Đường tiêu hóa của anh cũng luôn luôn có vấn đề, hôm đầu thì táo, hôm sau thì đi lỏng, có nhiều hiện tượng của bệnh ung thư dạ dày. Anh đến bệnh viện xin kiểm tra, uống rất nhiều baryum. Có nhiều chỉ tiêu đều là dương tính, nhưng kiểm tra cho đến cuối cùng anh mới khỏi cái nạn ngờ mắc chứng ung thư.
Vì thế mà anh rất vui, vui xong anh bảo con gái: anh là người mắc bệnh ngây ngô của người già đã đến thời kỳ cuối, siêu cuối chứ không còn là thời trung kỳ hay hậu kỳ nữa. Anh nói như thế thì con gái lại không cười nữa. Cho đến khi anh phải thừa nhận mình chẳng có bệnh gì cả, thời gian qua chỉ là “cố ý làm cho hai mẹ con sợ, hai mẹ con giận” mới thôi.
Anh hiểu ra một điều, chiếc lá phong tồi tàn đó (lời con gái anh) không cần tìm nữa. Nó có đáng tiền không? Không! Nó có giá trị văn vật không? Không! Nó có ý nghĩa kỉ niệm không? Không! Không tìm thì không xong chăng? Không! Không, không không, không không không!
Vật chất không mất đi cũng vẫn là mất đi. Mất đi rồi lại hoàn hồn, thay đổi hình thức tồn tại, như thế cũng là diệt diệt, diệt diệt bất diệt diệt, bất diệt tức diệt diệt. diệt diệt cuối cùng bất diệt, thế thì có khác gì trường diệt diệt?
Vẫn là mất. Thế nào gọi là mất? Không mất sao tìm không thấy? Chiếc lá không thuộc về anh nữa, nó đã bị lấy đi hoặc bị bỏ quên, ít nhất thì cũng là “diệt” đối với người nhất định nào đó. Những việc như thế này ngày nào chẳng xảy ra. Cái cũ không đi, cái mới không tới. Mất rồi thì chẳng cần tìm nữa, mà có thấy cũng bất tất phải bám riết lấy mà hoan nghênh.
Đó là sự đốn ngộ thật sự. Không đọc Đạo đức kinh của Lão Tử, không đọc Tề vật luận của Trang Tử, cũng chẳng nói chuyện với một triết nhân hoặc một nhà tư tưởng sinh vào năm nào đó, không ngồi trên tòa sen hay ngồi dưới gốc cây bồ đề, hoặc tiêm côcain. Một hôm anh dậy rất sớm, ăn một cái bánh rán, uống một cốc nước sôi, rồi đi vệ sinh, thế là ngay lập tức bừng hiểu.
Nhưng anh lại hỏng mất việc đời. Sau đó anh nghe nói vốn có một chỉ tiêu. Chỉ tiêu này lẽ ra có thể dành cho anh, khiến anh trước khi nghỉ hưu có thể lên nửa bậc lương. Vì chiếc lá phong, anh đã làm cho quan hệ giữa anh và hàng xóm xấu đi, làm trái với quy ước của thành phố, không còn giữ được danh hiệu “gia đình năm tốt” mà gia đình anh đã được tặng trong nhiều năm. Thế là việc lên nửa bậc lương cũng theo đó mà tiêu tan.
Anh hơi bực mình. Một người đã thông đạo lớn như anh mà vẫn không thoát được thói tục. Điều này khiến anh khá kinh ngạc. Sau đó anh tha thứ cho người hàng xóm có thể đã lấy trộm rau cải trắng của anh, anh tìm người đó đánh một ván bài pôkơ. Thì ra không thoát khỏi thói tục cũng chẳng liên quan gì với đạo lớn. Từ sau khi anh biết không thể tìm lại chiếc lá phong nữa, càng ngày anh càng khỏe ra, ăn thấy ngon, rồi bổ âm bổ dương, các loại chỉ tiêu khôi phục và vượt cả mức bình thường. Anh ngày càng thấy thoải mái, khỏe mạnh, gia đình hòa thuận, xóm giềng đoàn kết, làm việc tốt cho người. Tóm lại, vật chất và tinh thần cả hai đều tốt lên.
Gia đình anh lại được nhận danh hiệu “gia đình năm tốt”.
Tới mùa thu trời cao khí thoáng, chị thon thả trở về. Anh và vợ mời chị đến Bắc Sơn ăn món rau đặc sản mang phong vị Thượng Hải. Không những có đậu phù nhự khô rán, bánh bao nhỏ mà còn có tôm nõn, lươn sào và cua bể..., đủ để cho thấy sự tốt đẹp ở nơi đây. Tuy từng có quá nhiều cái xấu xa nhưng cái tốt đẹp còn có nhiều hơn nữa. Cho nên trừ một số ít, hầu hết người ta đều sống rất vui vẻ, cả đến lời ca cũng hát mãi không ngán: “Sướng vui thật sướng vui, quá vui sướng, ai mà không sướng vui!”.
Họ nói đến thơ của A Phong, anh tặng chị tập thơ mới xuất bản của A Phong, chị không ngớt lời cảm ơn. Họ nhớ lại những bài thơ của A Phong, họ vẫn rất khen ngợi và khâm phục. Chị cho rằng thơ A Phong đáng được giải Nobel.
Anh nhắc đến chiếc lá phong không biết đi đằng nào. Chị hỏi:
- Thật sao?
Chị quên rồi. Có lẽ là quên, hay không nói đến có phần còn hơn. Chị lại nói một chiếc lá khô mà có thể bảo tồn đến năm chục năm hay sao?
Đúng thế, bảo tồn làm sao được nhỉ?
Vợ anh nói:
- Tình nghĩa cố nhân còn lâu bền hơn chiếc lá phong!
Họ đều rất vui. Anh cũng cảm thấy tuy năm mươi năm trôi qua nhưng anh vẫn là anh, chị vẫn là chị. Trò chuyện và tưởng tượng về chiếc lá phong không tìm thấy có lẽ còn hơn là nhìn thấy và mân mê chiếc lá lâu năm, khô cong sắp mục.
Chỉ khi chị cáo từ, anh mới nói khẽ:
- Em, em bảo chỉ hai tuần là nhất định trở lại kia mà?
Chị nhã nhặn cười, cười mà như mếu. Anh cũng vừa cười vừa mếu.
Anh làm mấy bài thơ theo thể cổ và lấy bút danh Vô Diệp Cư Chủ Nhân gửi đăng trên tờ tập san chẳng có ma nào đặt mua.
Nửa năm sau khi chị đi, A Phong qua đời. Sau khi chết ông càng vẻ vang. Báo chí văn học dành cả trang để đăng ảnh A Phong. ảnh hồi trẻ du học bên Anh, ảnh vừa ra tù hồi còn là Trung Quốc cũ, ảnh khi mới đến khu căn cứ cách mạng, ảnh chụp với lãnh tụ cách mạng... cho mãi tới khi học lý luận, đọc nghị quyết một tuần trước khi chết. Anh vô cùng cảm khái, tự mình cảm thấy ngượng một lúc lâu, cảm thấy lần anh coi nhà thơ thành một người lời lẽ chua cay, khắc bạc, ăn tham và “con nghiện” thuốc lá là quá đáng và thật phiến diện. Mình mới là người mất tư cách chứ không phải nhà thơ. Còn vợ nhà thơ vốn dĩ cũng không thể không giữ lại mấy chai Mao đài, Ngũ Lương Dịch cho nhà thơ. Viết nhiều thơ hay đến như thế lại không được uống thêm chút rượu ngon hay sao? Đời Đường, Lý Bạch chẳng được cho phép uống thêm rượu ngon đó là gì? Lẽ nào chúng ta ngày nay lại không tôn trọng người tài giỏi bằng đời Đường hay sao? Những truyền thống tốt đẹp như thế bị bỏ mất không ít.
Mùa thu năm sau anh lại ra ngoại ô. Lá phong đã thành hàng hóa. Lá được ngắt xuống ép phẳng, bọc giấy nilông, dán vào bưu thiếp làm quà tặng trong ngày Tình yêu, ngày sinh nhật, thiệp chúc tết..., viết mấy chữ Anh lên, bán chạy phải biết. Người đi chơi thật đông, chen nhau như chen hội, không còn thú yên tĩnh như ngày xưa.

(Tập truyện được trao giải Bách hoa lần thứ 9)


Xem Tiếp: ----