Về sáng, trời hơi lành lạnh. Mậu cựa mình. Trên tay anh vẫn là mái tóc xõa của Hồng, người vợ xinh đẹp và bệnh hoạn của anh. Gió lén qua cửa sổ mang theo chút rét ngọt lẫn trong những hạt bụi sương. Mậu khẽ luồn chiếc gối vào cổ Hồng, nhẹ nhàng rút cánh tay gầy guộc của mình ra. Hai tay anh giữ lấy bộ ngực còm nhom để nén tiếng ho. Gà trong thôn cất tiếng gáy dồn, trời sắp sáng. Mậu lén rời giường ra nhà bếp. Cơn ho bị nén lại giờ được dịp bung ra. Những tiếng ho trầm đục, đứt đoạn như những viên đạn thối cái nổ cái không, không được giòn giã. Chưa đầy bốn mươi tuổi, bề ngoài trông anh như một ông lão. Mái tóc bù xù. Cằm bạnh ra, râu tua tủa, hai má tóp lại đẩy vầng trán nhô cao, trông vừa có nét bướng bỉnh vừa có nét cam chịu, hơi dơ dơ thế nào. Đôi môi của Mậu thâm lại, phần do rít nhiều thuốc lào, phần do thiếu máu của bệnh lao thời kỳ nặng. Mậu đun nước, ra vườn bẻ mấy nhánh chè, om một ấm chè xanh. Ngồi bó gối trên tấm phản hút thuốc lào, anh lơ đãng thả khói vào không gian. Buổi sáng ở vùng ngoại ô thị xã thật yên bình. Qua một khoảnh vườn đầy màu xanh cây lá, Mậu nhìn rõ những gì đang xảy ra bên ngoài. Học sinh đến trường. Người lớn gánh gồng ra chợ. Tiếng chuông xe đạp kinh cong. Thỉnh thoảng mới có tiếng xe gắn máy. Những buổi sáng như vậy, Mậu dẫu biết thuốc lào có hại cho người bệnh lao song anh vẫn thường nhờ khói thuốc lào dẫn mình về quá khứ. Trong cơn say nhẹ nhàng, mọi hình ảnh hiện ra dễ chịu như mơ, anh nhớ về miền quê Hương Sơn mây núi chập chùng. Nơi đó, thuở nhỏ có lần anh mang sáo theo cha vào rừng. Ngồi bên dòng suối, tiếng sáo của Mậu dìu dặt cất lên. Có khiếu thổi sáo từ nhỏ, đến năm mười bốn tuổi, tiếng sáo của anh đã được nhiều người khen. Trong cánh rừng rì rào gió thổi, tiếng sáo ấy lan đi rất xa. Những chú khỉ mon men chuyền cành đến gần, lúc đầu xa sau thấy chẳng nguy hiểm chúng đến sát chỗ anh ngồi. Và khi anh ngừng thổi, những chú khỉ ấy lại kêu lên "chéc, chéc...". Sau này, nhờ tiếng sáo du dương của mình, anh được đoàn văn công tỉnh tuyển chọn. Mậu lại nhớ về đại đội thanh niên xung phong đi khai phá nông trường ở Tây Nguyên, nơi đó anh đã gặp và thương yêu Hồng. Cơn say thuốc cũng nhanh chóng qua đi, trả anh về với hiện tại. Anh sẽ phải ra đầu ngõ mua gói xôi về cho vợ. Rồi đạp xe lên đoàn để chuẩn bị tiết mục cho buổi biểu diễn. Xem có nơi nào mời làm thêm... Gói xôi bọc lá chuối nóng hổi trong tay Mậu. Thêm chút dăm bông, chút lạp xưởng. Bữa ăn sáng đạm bạc dành cho Hồng chỉ có vậy. Mùa đông cho chí mùa hè, thực đơn ấy không hề thay đổi. Đã có lần Mậu mua phở, mua bánh ướt giò chả nhưng nào Hồng có đụng đến. Thành ra Mậu chiều vợ, chỉ mua những thứ gì mà Hồng thích. Từ khi Hồng bị bệnh, Mậu chiều cô hết mực. Chiều cả những điều vô lý của một người bệnh tâm thần. Trên giường của vợ chồng anh là hai con búp bê. Hồng bảo đó là hai đứa con do cô sinh ra. Ngày nào cô cũng thay áo quần tắm rửa cho chúng. Ngủ thì thôi chứ thức là Hồng bế cả hai con búp bê vào lòng. Bế chán lại ru chúng ngủ. Lời ru thấm đẫm nước mắt làm Mậu vô cùng đau xót. Đúng, Hồng đã hai lần sinh. Hai lần sinh ra hai quái thai, không nuôi được. Thầy thuốc bảo có lẽ do hai người đã sống khá lâu ở một khu vực Mỹ thả nhiều chất khai quang. Chất độc ấy vẫn còn tồn lưu trong cây cỏ và còn gây tai hại cho con người trong thời gian khá lâu. Lần thứ ba, Hồng mang bầu lại bị chửa trứng. Ba lần mang thai, ba lần chẳng có đứa trẻ nào trong ngôi nhà của họ. Hồng mắc bệnh tâm thần từ đó. Đầu tiên là những cơn mưa nước mắt không khi nào ngớt. Ngày này qua tháng khác. Rồi những ngày Hồng lang thang ngoài đường, gặp đứa trẻ nào cũng nhận là con mình. Chứng trầm cảm trong cô ngày một nặng. Chữa hết bệnh viện này đến bệnh viện khác chẳng mang lại kết quả gì. Cuối cùng, Mậu xin đem Hồng về chữa ngoại trú, chấp nhận sống chung với bệnh tật của vợ. Bệnh tâm thần của Hồng mang cái tên của một nhà khoa học tìm ra nó, một tên La-tinh rất khó nhớ. Triệu chứng quan trọng nhất là buồn bã, thờ thẫn, lảm nhảm...Mang gói xôi về cho vợ xong, Mậu tính dắt xe ra thì có tiếng xe gắn máy và tiếng còi tin tin ngoài ngõ. Một tiếng gọi thanh thanh vọng vào, có chút âu yếm sàm sỡ:- Nghệ sĩ đã đi chưa...? Cho em vào nhé! Mậu nhận ra giọng của Tuyết, cô diễn viên thanh nhạc cùng đoàn. Tuyết còn trẻ, khá xinh, ăn mặc rất mốt và khi nào cũng chễm chệ trên chiếc Dream cáu cạnh. Nói năng rất tự nhiên và đối với Mậu, hình như cô có một tình cảm đặc biệt, nhất là sau lần hội diễn toàn quốc năm ngoái, tiết mục đơn ca Câu hò trên bến Hiền Lương của cô do Mậu đệm sáo đoạt huy chương vàng. Vinh quang trong nghề nghiệp làm cô ngây ngất và cô nghĩ rằng, sự thành công ấy có Mậu đóng góp một phần lớn. Cô cảm thấy cần phải trả ơn anh, tìm mọi cách để gần anh, dẫu biết anh là người rất yêu vợ. Không đợi Mậu mở cổng, Tuyết dùng đầu xe húc vào cánh cổng. Cô dựng xe sát gốc cây ngọc lan, cúi xuống nhặt một búp hoa màu trắng ngà đưa lên mũi. Một mùi hương dìu dịu tỏa ra. Thân cây ngọc lan vươn cao, giấu trong lá cành là những nụ hoa. Nhiều hoa đã nở. Tuyết nhìn cây hoa một lúc rồi lấy từ chiếc giỏ xe ra một túi nặng, đặt lên bàn: - Em mua bữa sáng đến cho chúng mình! Giọng Tuyết cứ tự nhiên, ngọt xớt, vừa nói vừa liếc mắt cười với Mậu. Từ mấy tháng nay, anh em trong đoàn đã bóng gió xa gần về mối quan hệ giữa cô và Mậu. Người ta biết Mậu thủy chung với vợ và lên án cô. Mặc. Ai nói cứ việc nói. Cô công khai chăm sóc Mậu. Sau mỗi buổi diễn, cô thường chở Mậu ra quán cháo gà gần đó, phóng khoáng chi hết khoản tiền bồi dưỡng. Mậu biết cô rất quý mình nhưng như có lần anh nói thật, anh xấu trai, lại đã có vợ, Tuyết nên tìm người khác. Tuyết cười: "Đúng, quả là anh xấu trai và đang phải chung sống với một con điên nhưng em mê và yêu tài năng của anh...". Có nhiều lúc, Mậu chặc lưỡi, hay là... Nhưng rồi mỗi đêm về với Hồng, những giọt nước mắt nóng ấm của cô lăn trên cánh tay anh, mùi hoa ngọc lan trong tóc cô lẫn vào hơi thở của anh, Mậu lại quay về với thực tại, quay về với tình yêu sâu nặng đã từ lâu gắn bó anh và Hồng. Từ chối không được, Mậu đành ngồi xuống phản ăn bữa sáng với Tuyết. Một lúc sau, Hồng rũ tóc bước ra. Cô không hề để ý đến sự có mặt của Tuyết, vớ lấy nắm xôi để trên bàn, đặt hai con búp bê xuống và đút xôi vào miệng chúng. Mậu không dám nhìn vợ. Tuyết bảo: - Anh giỏi thật, chung sống được cả với người điên. Mậu ngậm ngùi: - Biết làm sao được. Tình nghĩa vợ chồng mà! Tuyết lườm: - Luật pháp cho phép anh ly dị. Gửi chị ấy vào nhà thương điên. - Làm thế tội nghiệp lắm. - Anh thương vợ thế, ai thương anh. Rồi khi anh già cả... Em nói thật, nếu chị ấy khỏe mạnh, em chả dám chen vào hạnh phúc của anh. Đằng này chị ấy bị điên... - Nhưng anh vẫn thấy nó tàn nhẫn ấy... - Chả có gì tàn nhẫn mà rất nhân đạo nữa là khác. Sáng nay em đến đây sớm cũng vì chuyện ấy. Nếu anh quyết định gửi chị ấy vào nhà thương điên, em sẽ về đây với anh, chẳng cần cưới hỏi. Còn nếu anh vẫn từ chối, em sẽ vào trong Nam. Em sẽ đi hát cho các phòng trà. Khối tiền. Mậu khó chịu với lối nói thẳng thừng của Tuyết. Đã nhiều lần Tuyết đặt vấn đề mạnh dạn với anh như vậy nhưng Mậu luôn từ chối, tìm đủ mọi cách để từ chối. Bây giờ, Tuyết đưa ra tối hậu thư, nếu không có sự trả lời dứt khoát, anh sẽ mất cơ hội ngàn vàng để đến với Tuyết.Ngẫm nghĩ một hồi lâu, liếc mắt thấy Hồng đang trèo lên cây hoa ngọc lan hái từng bông hoa cài vào tóc, Mậu quay lại, buồn bã nhìn đôi mắt chờ đợi của Tuyết, khẽ lắc đầu. Tuyết vùng vằng: - Đúng là ở mãi với con điên, giờ cũng thành điên...!Sau buổi sáng hôm ấy, không bao giờ Tuyết trở lại ngôi nhà của Mậu nữa. Cô đã xin thôi việc ở đoàn để vào Nam. Sự ra đi của Tuyết làm Mậu xót xa. Nhưng anh không nuối tiếc, chỉ buồn một nỗi, bệnh tình của Hồng ngày một nặng thêm. Đến mức cô không còn nhận ra anh. Hễ anh về nhà là bắt gặp cô khóc. Ôm lấy hai con búp bê mà khóc: "Con ơi là con ơi...". Hôm ấy chủ nhật, Mậu om một ấm chè xanh mời hàng xóm sang uống. Đã lâu lắm anh mới lặp lại cái lệ ấy. Trước đây cứ sớm sớm, trong ngõ lại âm vang tiếng gọi nhau uống nước chè xanh. Bát nước chè xanh đã gắn chặt tình làng nghĩa xóm. Sáng hôm ấy, có một anh bạn cũ của Mậu công tác ở trong Nam nghe tin Hồng bị bệnh ghé sang thăm và cho quà. Nhìn cảnh Hồng ôm hai con búp bê ngồi khóc đầu hè, người bạn ấy thở dài. Và như sực nhớ ra điều gì, anh vỗ tay lên trán, cười: - Nhớ ra rồi. Đúng rồi. Tệ quá. Đầu óc mình dạo này mụ mị. Cách đây hai năm, trong một chuyến đi công tác, mình có ghé một gia đình ở miền Trung. Nhà cũng có một cô con gái bị tâm thần như vợ cậu. Cô này suốt ngày hò hát. Gia đình cũng đã đưa đi nhiều bệnh viện mà không khỏi. Đầu năm nay mình quay lại, gia đình thông báo, cô ấy đã khỏi và đã đi lấy chồng! Mậu mừng rỡ chụp lấy tay bạn: - Cậu không đùa đấy chứ? - Mình nói rất nghiêm chỉnh với cậu.- Thế họ chữa bằng thuốc gì? - Cái đó thì mình không biết... Mậu thất vọng: - Thế thì còn nói làm gì. Từ khi Hồng bị bệnh, mình cũng đã tìm hết cách. Ai bảo thầy nào hay, bệnh viện nào giỏi, mình đều đưa Hồng tới. Người bạn ấy khẳng định: - Tớ xin thề với cậu, tớ đã nhìn thấy cảnh cô gái ấy cởi hết quần áo, vừa đi vừa hát. Thương lắm. Thế mà chữa khỏi đấy. Đúng là thuốc tiên. Mình cũng quên khuấy không hỏi thuốc đó là thuốc gì...- Cậu có nhớ gia đình ấy không? - Có chứ. Ông cụ tên là Tuân, cô con gái tên là Hiền, từ thị xã X. đi về mạn nam chừng hơn cây số. Hỏi làng biển Nha Phu là người ta chỉ cho. Hay là cậu thử vào đó?oOo Hai ngày sau, Mậu đã có mặt trong nhà ông cụ Tuân ở làng biển Nha Phu. Đúng là cô Hiền trước đây từng bị bệnh tâm thần. Ông cụ nói, gia đình cũng đã khánh kiệt với bệnh tật của con. "Phúc chủ, may thầy, chú ạ", ông nói với Mậu, tỏ ý thông cảm với bệnh cảnh của Hồng. Nhưng khi hỏi đến phương thuốc nào đã chữa cho con ông khỏi bệnh thì cụ tần ngần không muốn nói. Hình như có một điều gì đó, có thể là điều liên quan đến bí mật nghề nghiệp mà người thầy thuốc nọ bảo cụ phải giấu. Hỏi người thầy thuốc đã cho phương thuốc kia hiện ở đâu cụ cũng không nói. Đêm hôm ấy Mậu ngủ lại nhà cụ Tuân để sáng mai bắt xe ra Bắc. Nỗi thất vọng làm anh không sao chợp mắt. Tiếng thở dài dù rất khẽ của anh cũng làm cụ Tuân trằn trọc. Và khi Mậu bật lên tiếng khóc: "Hồng ơi...!" dội vào đêm đen thì cũng là lúc cụ Tuân ngồi bật dậy. Tiếng cụ như lạc đi: - Tôi đành phản bội người thầy thuốc đã chữa cho con tôi. Bởi vì, nếu tôi tiết lộ bí mật này, có thể con tôi lại bị bệnh. Tôi cũng đã nghĩ kỹ rồi. Con tôi đã khỏi hơn năm nay, đã có chồng, dù có bị lại, tôi cũng cam lòng. Vợ chú đã bệnh sáu bảy năm nay. Tôi nghĩ mình làm việc thiện chẳng trời đất nào lại hại. Tôi sẽ giúp chú! Đoạn ông rỉ tai Mậu. Anh nghe như nuốt từng lời. Nghe xong, mặt anh không vui không buồn lại tỏ vẻ băn khoăn ghê gớm. Tiễn Mậu ra xe, cụ Tuân còn dặn đi dặn lại:- Chú nhớ cho, đó là toa thuốc bí truyền. Tuyệt đối không được lộ ra với ai kẻo mà cô ấy bị lại thì gay. Mậu cảm ơn cụ và bước lên xe về Bắc. Theo chỉ dẫn của cụ Tuân, Mậu về lại huyện miền núi quê mình. Trời đã sang thu. Trong rừng, lá vàng chưa không muốn rời cây mỗi khi gió heo may chớm lạnh lay cành. Mậu dắt theo cây sáo. Khu rừng tuổi thơ của anh không còn nữa. Mấy mươi năm bị sự tàn phá của con người, cây cổ thụ lùi xa vào ngàn sâu, nhường chỗ cho rẫy cà phê xanh tốt. Con suối hình như cũng cạn đi, và dù vào tận rừng sâu, tiếng sáo của Mậu cũng không còn âm vang như xưa nữa. Rừng thưa hơn, quang hơn và không thấy bóng dáng bầy khỉ năm nào. Người ta đồn rằng chúng đã bị bắn hết bán cho mấy lò nấu cao. Càng đi vào rừng sâu, không khí như càng đông lại, lạnh đến mức hai chân Mậu như đeo chì. Đêm, anh mắc võng, đốt một đống lửa sưởi. Trong giấc mơ chập chờn, Mậu mơ thấy đàn khỉ năm xưa quay về, vắt vẻo trên cành cây nghe tiếng sáo của anh. Phía bên kia là lèn đá chênh vênh, sau mỗi cơn mưa đàn khỉ cái thường kéo nhau về đó. Trên những tảng đá, "linh huyết" (huyết kinh nguyệt của loài khỉ) dính lại thành mảng thâm đen, có chỗ bong ra. Nhờ sơn lam chướng khí, âm dương lâu ngày làm cho thứ huyết ấy thành phương thuốc chữa được bệnh tâm thần, trong đó có bệnh trầm kha hoang tưởng ở phụ nữ. Nhưng không phải ai cũng tìm ra linh huyết. Phải có cơ duyên trời cho. Mậu mơ thấy mình đeo cheo leo bên vách đá. Những phiến đá có linh huyết đã hiện ra trước mặt. Cố một chút nữa thôi. Mậu toát mồ hôi, tim đập gấp, cổ như bị ai xiết lại. Một cơn khó thở ập đến rồi những tiếng ho làm anh tỉnh giấc. Trên trán, trên người Mậu còn nguyên những giọt mồ hôi. Mậu cời than cho bếp cháy bùng, đầu óc cứ vẩn vơ với giấc mơ vừa tan. Sáng sớm, Mậu lần theo con suối đến một khoảng rừng già. Mây mù đặc sánh cản lối anh đi. Mậu cứ đi men theo suối. Một lúc sau, sương mù loãng dần, mặt trời mùa thu yếu ớt mỏng như một chiếc bánh đa nhọc nhằn chọc thủng màn sương rắc những hạt sáng xanh xao trên cây lá. Không gian nồng nàn mùi lá ải. Theo lời chỉ dẫn, anh cứ men theo sườn núi trông ra biển, đến vùng biển Hòn Khói. Quê anh có nhiều bầy khỉ hàng trăm con. Mậu lấy sáo ra, cất tiếng thổi, âm thanh sáo mỏng manh tựa hồ sương khói song lại chuyển đi trong rừng rất xa. Anh thổi một lúc, hết cả hơi sức. Bệnh lao kinh niên làm cho phổi nhỏ lại, không còn đủ không khí để thổi những hơi sáo ngân nga như thuở còn thanh niên mạnh mẽ. Anh nghe tiếng lá xào xạc trên cao, và đã bắt đầu có tiếng những con khỉ đầu tiên tiếp cận mỏm đá núi nhô ra biển. Anh lại cất tiếng sáo, lần này réo rắt du dương hơn. Lũ khỉ dạn dĩ kéo đến, đông dần. Lúc này trời đã nhá nhem tối. Nhìn lên cao không còn phân biệt đâu là bóng cây lá, bóng núi. Mậu tự nhủ, hôm nay làm quen với chúng như thế là đã đủ, ngày mai sẽ lên núi. Anh cất sáo, dựng lều ngủ lại rừng. Chuyến đi lấy linh huyết này, anh tính không thể có ngay được. Phải làm quen với lũ khỉ một thời gian lâu để chúng thấy mình không phải thợ săn đem lại chết chóc cho chúng. Anh tính ít nhất cũng một tuần mới lấy được linh huyết. Bọn khỉ kéo về ngủ nơi mõm đá. Lúc đầu chúng ồn ào náo nhiệt, làm như suốt ngày, trong cuộc kiếm sống trong rừng không được gặp nhau. Chỉ có buổi sáng sớm lúc chia tay và buổi chiều lúc hội ngộ là âu yếm, bắt chí, vuốt ve, giao hợp rất nhiều lần. Đây là tập tính của loài khỉ, ngàn đời không đổi. Tất cả sinh lực truyền giống, chúng dồn cho hai buổi bình minh và hoàng hôn, sau đó ngủ ngay.Khi ngủ, bọn khỉ giữ im lặng hoàn toàn để tránh kẻ thù. Mậu là người học cao, có đầu óc khoa học, lúc đầu anh nghĩ linh huyết chỉ là mê tín dị đoan. Nhưng sau anh lại nghĩ, việc lấy linh huyết về chữa bệnh tâm thần cũng có cái lý của nó. Cái lý này một phần dựa vào sự mê tín. Ông bà ta xưa quan niệm máu kinh nguyệt là thứ dơ dáy vô cùng, dùng để trừ tà, yêu ma đều sợ. Linh huyết là chất cực kỳ bẩn thỉu có thể đuổi mọi thứ ma quỷ, trả lại sự thanh thản cho tâm hồn con người. Trước khi đi ngủ, Mậu lấy ống nhòm quan sát tổ bọn khỉ. Chúng ngủ trong những hang hốc dưới những tảng đá nhô ra, có thể tránh mưa nắng gió. Ban đêm vùng ấy sáng lên ánh lân tinh, lung linh, có nơi chất sáng chảy thành dòng giống như dòng nước len lỏi giữa các mô đá. Nhìn từ xa vùng bọn khỉ ngủ giống như một thành phố nhỏ xanh ánh đèn. Anh ghi nhớ vị trí ấy, để ngày mai leo lên tìm linh huyết.Thời kỳ trong quân ngũ, Mậu đã học qua kỹ thuật leo núi. Anh đem theo giày leo núi, dây nhợ và một số dụng cụ leo núi. Sáng hôm sau, khi mặt trời nhô lên từ khơi thì Mậu cũng lên đường. Anh chọn bộ áo quần lính màu nâu để bọn thú rừng khó phát hiện. Tuy không xa song anh phải khởi hành từ biển, lội một đoạn ngắn rồi bám đá leo lên. oOo Sáng hôm ấy, cha con lão Mạnh thợ săn khỉ chuyên môn cũng chuẩn bị lên đường. Họ dùng súng săn, loại súng nòng 16 ly, hạt nổ cũng lấy trong đạn súng trận. Hai cha con lầm lũi đi hàng dọc trên con đường mòn trong rừng men theo biển. Họ biết những mõm đá vùng này có mấy bầy khỉ. Bọn khỉ thường bám vào mấy mõm đá nhô ra biển, khi trúng đạn chúng buông tay rơi xuống biển rất dễ nhặt xác. Khi Mậu leo lên gần đến đỉnh thì cha con lão Mạnh cũng vừa đến nơi. Cái chất mà ban đêm thấy như lân tinh chảy thành dòng là phân chim mòng biển, ban ngày trắng như vôi. Càng lên cao càng thấy trên mặt đá mọc lên một thứ rêu màu xanh nõn, sáng ngời như lớp tuyết trên chiếc áo nhung màu cổ vịt, ánh lên trong nắng xuân. Lớp rêu xanh rờn, trên mặt lấm tấm những bông hoa đỏ như máu thoảng mùi thơm, một làn hương rất lạ trộn với mùi tanh tanh máu tươi. Hay đây chính là linh huyết? Mậu lấy dao đi rừng cạo một ít cho vào chai. Anh leo một đoạn nữa, gặp một tảng đá hình tai nấm nhô ra chắn đường. Mậu chưa có cách vượt qua cái chướng ngại cuối cùng naìy. Anh loay hoay, ngước mặt nhìn lên. Đúng lúc ấy, một dòng nước sền sệt và ấm, như vừa được tia sáng mặt trời làm tan ra nhỏ lên mặt anh. Anh đưa tay lên chùi, bỗng chạm phải lớp gì sần sùi trên da mặt. Anh hoảng hốt. Trời ơi, mặt anh mọc lông! Đúng lúc ấy, cha con lão Mạnh nhìn lên mép đá. Thằng con la lên: "Cha! Coi kìa! Con khỉ chúa màu nâu đang bám đá leo lên đó". Nó đưa súng lên ngắm. Lão Mạnh ngăn lại: "Nhìn cho kỹ! Không khéo là người leo lên núi bắt chim con, hốt trứng!". Thằng con: "Người sao được. Ai ra vùng núi này sớm thế. Rõ ràng con khỉ già lông nâu. Để con bắn nó rơi xuống thì biết. Con khỉ này nấu cao chắc phải chục ký lô, mua được chiếc Dream!". Thằng bé đưa súng lên, nhắm vào cái bóng nâu cheo leo bám đá. Lão Mạnh chưa kịp ngăn thì "Đoàng...!!!". Đúng lúc Mậu đang hoảng sợ vì thấy mặt mọc lông, chưa biết phải làm sao. Leo lên nữa hay quay xuống? Làm sao trở về xã hội con người khi toàn thân đầy lông khỉ? Còn phân vân về đám rêu xanh, anh bóc một mảnh đưa lên miệng nếm. Rõ ràng là huyết. Đúng là linh huyết. Anh đã tìm được thần dược. Trời ơi, Hồng xinh đẹp dịu dàng của anh sẽ trở lại đời sống, sẽ lại trang điểm, đi chợ nấu ăn, dạo phố với chồng, và rồi sẽ sinh cho anh những đứa con kháu khỉnh...Đang ngây ngất trong viễn cảnh hạnh phúc, nghe tiếng súng, anh tự hỏi trong buổi sáng bình yên thế này sao lại có tiếng súng. Giết chóc. Nhưng ai giết ai? Chín hòn chì chia nhau găm vào ngực, tim, phổi, gan, ruột... anh như những hạt táo. Mậu không thấy đau đớn gì mà lại có cảm giác êm ái lạ thường... oOo Suốt đêm Hồng không ngủ được, lòng dạ nóng như lửa, xốn xang. Con Vàng sủa cả đêm. Nó cứ ngóng mõm lên núi mà sủa. Hồng ngồi dậy xua chó mấy lần, nó ngưng một lúc lại chạy vào chạy ra cuống quýt... Mới mờ sáng Hồng đã xô cửa sổ nhìn ra xem trời đã sáng chưa. Trong nhà sực nức mùi hương ngọc lan, ngoài sân còn ngào ngạt hơn. Hồng nhìn lên, ngọc lan nở rộ trắng cành. Những đóa chưa nở, còn búp, trắng trong thuôn dài như những ngón tay trẻ con, cử động nhè nhẹ trong gió mai như mời nàng leo lên với chúng.Hồng cúi xuống xắn quần bắt đầu ôm gốc cây leo lên. Hồng đã lên đến cành cao nhất. Chung quanh nàng đầy hoa. Hồng hái bỏ túi, một số dắt lên tóc. Nàng đang đứng trong vùng hương hoa, đang lâng lâng sung sướng thì nghe tiếng "đoàng!" từ đâu đó xa lắm vọng về. Phần ngực và bụng nàng như vừa được một làn nước mát rượi tạt lên, êm ái lạ thường. Nhưng bỗng một sức mạnh huyền bí nào xô tới. Một sức mạnh nhưng không hung tợn, êm như nhung, nâng nàng bay lên, giống như chiếc lá vàng gió thổi tung lên cao, lượn nhiều vòng rồi nhẹ nhàng đáp xuống, trên lớp cỏ tóc tiên êm như nhung. Một cái chấn động dễ chịu làm sao! Như cơn gió mùa xuân ngào ngạt hương ngọc lan thổi tung bức màn u tối trong hồn, mở ra cho ánh sáng tri giác tràn vào soi sáng tâm linh Hồng... oOo Tiếng súng nổ. Con khỉ nâu rơi từ trên mỏm đá xuống. Bầy khỉ con hoảng hốt tung chạy, kêu ầm lên "Chét... chét...". Chúng xúm lại đỡ Mậu. Mấy con khỉ lớn níu tay chân anh, đặt lên chỗ đất bằng. Cả bọn xúm lại bẻ cây lá che cái xác đã nằm yên. Chỉ một lúc sau, đã hình thành ngôi mộ lá xanh to lớn. Cha con Mạnh từ dưới đất nhìn lên, giật mình. Cái mà lúc đầu họ ngỡ là bộ lông nâu, hóa ra là bộ áo quần nhuộm chàm. Tay chân là của người. Một người đàn ông ốm yếu nhưng vẫn là con người. Mặt thì đầy lông song thấy rõ chẳng phải là lông khỉ. Lão Mạnh than: - Thôi chết rồi! Mày giết người rồi... Phải giấu kín chuyện kẻo người ta biết thì cha con cùng đi tù. Lão giật khẩu súng săn, quật rất mạnh vào đá, khẩu súng gãy làm đôi, vung tay thật mạnh ném xuống biển. Mấy đợt sóng trắng nhô lên, nuốt gọn khẩu súng săn. oOo Linh huyết mà Mậu phải đổi bằng sinh mạng đã giúp Hồng hết bệnh dù anh không mang về được. Cô trở lại là một phụ nữ xinh đẹp dịu dàng, khôn ngoan không ai bằng, cả xóm đều thương mến. Lâu quá Mậu không trở về, Hồng chắc anh đã chết. Nàng mặc áo tang, lập bàn thờ chồng, nhang khói hằng ngày. Từ ngày hết hẳn bệnh thần kinh, Hồng càng xinh đẹp hơn trước, đàn ông nhìn thấy nàng đều mê mẩn. Chỉ có điều không ai biết nhờ đâu Hồng hết bệnh. Có một biến chuyển nhỏ mà mọi người không ai chú ý. Sau khi lành bệnh, mỗi lần đi chợ Hồng chỉ qua lại hàng trái cây, chọn hết thứ này đến thứ khác. Và trong giỏ đi chợ về chỉ có toàn rau quả. Có người hỏi vì sao cô lại ăn chay, Hồng trả lời: "Không hiểu sao từ dạo đó không chịu được mùi thịt cá, chỉ muốn leo trèo và ăn trái cây!".