Chương 31Cuộc chuyển đổi quyền hành từ Quốc Dân đảng sang Cộng Sản đảng diễn ra tốt đẹp. Thương gia, kỹ nghệ gia được tiếp tục kinh doanh và làm việc cho tới gần cuối năm 1950. Chỉ có luật pháp và báo chí bị thay đổi ngay: Quan toà được thay thế bằng các đảng viên, còn báo chí bị kiểm duyệt gay gắt. Nơi nào chống đối bị đàn áp thẳng tay.
Tháng 10 năm 1950 Mao phát động một chiến dịch chống phản cách mạng toàn quốc. Mao cũng đồng thời phát động cuộc cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp ở những vùng mới chiếm. Mục tiêu của Mao là phân chia xã hội ra nhiều thành phần: phản cách mạng, kẻ thù giai cấp, gián điệp, tôn giáo, địa chủ, tư sản, phú nông, cho tới kẻ cướp. Mỗi thành phần bị đối xử khác nhau. Mao hạ lệnh mỗi tỉnh phải gay gắt hơn nữa, phải tăng con số người bị bắt theo tiêu chuẩn của Mao. Mao cũng biết người ta ưa thích bạo động, nên Mao muốn những cuộc hành quyết phải được thực hiện ở nơi công cộng, càng được nhiều người chứng kiến la ó càng tốt. Một nhân chứng cho biết ngay giữa Bắc kinh, cô chứng kiến một đám đông đi theo hò reo la ó bao quanh 200 người bị Công an lôi đi trên đuờng phố và bị hành quyết ngay trên viả hè. Các xác chết mặc dù còn nhỏ máu được kéo đi khắp đường phố. Khi chiến dịch kết thúc một năm sau, Mao tuyên bố có khoảng 700 ngàn bị giết, con số thực sự phải cỡ 3 triệu.
Những người không bị giết chết thì bị bắt đi lao động cải tạo. Họ bị đưa tới những vùng hẻo lánh và bị bắt làm cho tới khi kiệt lực mà chết, theo kiểu mẫu của những trại tù gulag của Liên Xô. Mức độ dã man của những phương pháp hành hạ cải tạo viên khiến một nhà ngoại giao Liên Xô phải thốt lên: “Tụi Quốc Dân đảng cũng không tàn ác tới như thế”. Trong thời gian Mao cai trị, con số người chết vì lao động khổ sai lên đến 27 triệu.
Mao còn một biện pháp thứ ba, gọi là quản chế. Dưới thời Mao có hàng chục triệu người bị quản chế. Người bị quản chế được sống ở thành phố, nhưng lúc nào cũng bị theo dõi, thường xuyên phập phồng lo sợ, chưa kể những liên lụy đến gia đình và hàng xóm.
Chỉ trong một năm Mao hoàn toàn thành công đè bẹp mọi hình thức đối kháng, dù đó chỉ là những lời đồn. Cuối năm 1951 Mao lại đề xướng một chiến dịch mới, gọi là “tam phản”: chống tham nhũng, chống phí phạm và chống tư tưởng phong kiến (lè phè). Về mặt chống tham nhũng, mục đích là không để sứt mẻ một đồng nào từ số tiền đảng gom góp được. Quốc Dân đảng thất bại vì để cho tham nhũng lan tràn, nên trong chiến dịch này bất cứ người nào bỏ túi tiền của chính phủ trên 10 ngàn quan đều bị xử tử. Mao tổ chức cho các đơn vị chính phủ và quân đội ở mọi tỉnh thành phải tổ chức thi đua bắt tham nhũng. Nếu Mao hoàn toàn thành công về mặt chống tham nhũng thì về mặt chống phí phạm Mao lại thất bại nặng: Mao phí phạm nhân lực vào những cuộc điều tra kéo dài ngày này sang ngày khác, người dân phí phạm thời giờ bởi những cuộc tra vấn liên tục. Ðã thế Mao còn đưa ra thêm chiến dịch “Ngũ phản”: chống hối lộ, chống trốn thuế, chống ăn cắp của công, chống ăn gian và ăn cắp tin tức liên hệ đến kinh tế. Chiến dịch này dẫn tới hàng trăm ngàn người phải tự tử.
Trong khi vật giá leo thang, hàng hoá càng ngày càng khan hiếm, kinh tế TQ đi vào khủng hoảng thì Mao sống như một ông vua. Mao thích ăn ngon, và lạ. Nhiều món ăn phải chuyên chở cả ngàn cây số tới, thí dụ cá hồ Vũ hán, mà khi tới nơi phải còn sống Mao mới ăn. Mọi thức ăn, uống của Mao đều có bác sĩ thử nghiệm. Mao thích bơi, mà nước hồ bơi phải đủ ấm kẻo Mao bị cảm vì lạnh. Mao không thích tắm, Mao không hề vào bồn tắm hay đứng dưới vòi sen trong 25 năm. Mỗi ngày Mao đều để cho người hầu lau mình bằng khăn ấm. Mao thích gái đẹp. Ngày 9 tháng 7 năm 1953 quân đội được lệnh kiếm gái cho Mao, Tư lệnh quân đội Bành Ðức Hoài chống đối nhưng không có kết quả. Một đạo quân được thành lập gồm toàn gái trẻ đẹp, được dạy muá hát và chiêu đãi, mà ai cũng biết là để hầu hạ Mao.
Chương 32Năm 1947 đắc chí trước những chiến thắng cận kề, Mao hy vọng sẽ được một ký giả Mỹ, kiểu Edgar Snow, đánh bóng mình trên diễn đàn quốc tế. Vì Edgar Snow đã bị cấm ở Liên Xô, Mao tìm tới một ký giả hạng nhì, cô Anna Louise Strong. Theo lời Mao, Strong viết một bài báo tựa đề: “Tư tưởng Mao Trạch Ðộng” và một cuốn sách tên: Bình minh ở TQ. Bài báo và cuốn sách có những câu tự cao tự đại như: Ngay cả Marx và Lenin cũng không thể nằm mơ tới”, hoặc “Các nước Á châu hãy học hỏi TQ, chứ đừng học Liên Xô”. Quyển sách này bị cấm ở Liên Xô.
Tháng 11 năm 1947, Mao đề nghị với Stalin cho ông đến thăm Liên Xô. Stalin nhận lời. Mao rất mừng. Thế nhưng 3 tháng sau vẫn chưa có tin gì của Stalin, Mao hỏi lại lần thứ hai ngày 22 tháng 4 năm 1948, và Stalin đồng ý một lần nữa. Thế nhưng khi sắp tới ngày Mao khởi hành thì Stalin thông báo hoãn lại. Ngày 4 tháng 7 Mao thông báo cho Stalin hay là mình sẵn sàng đi ngày 15 tháng 7, và cũng muốn đi viếng thăm các nước Ðông Âu luôn. Tới ngày 14, Mao nhận được điện báo hãy hoãn lại chuyến đi. Rõ ràng Stalin muốn dạy Mao một bài học.
Mao nhượng bộ. Mao cho cạo sửa chữ “Tư tưởng Mao Trạch Ðông” thành “Chủ nghiã Marx-Lenin”, thừa nhận những tư tưởng của mình không có gì mới mẻ, chỉ là những đóng góp cho Chủ nghiã Marx. Trong buổi tiếp tân dành cho đặc sứ Mikoyan của Nga, Mao tuyên bố: “Stalin là ông thầy của nhân dân TQ và nhân dân toàn thế giới”. Và “Là học trò của Stalin, tôi (Mao) sẵn sàng nghe lời chỉ bảo của thầy”. Khi đó Mikoyan mới đưa ra đề nghị của Stalin là muốn Mao lãnh đạo phong trào cộng sản ở Ðông Á, chứ đừng dây dưa tới Âu châu hay Mỹ. Stalin muốn đẩy Mao ra sân sau. Ðối thủ một thời của Mao là Vương Minh, khi đó đang chờ được đi Liên Xô chữa bệnh, muốn lấy lòng Mao mới tuyên bố là tư tưởng Mao không chỉ thích nghi ở Á châu mà rất thích hợp cho các quốc gia thuộc điạ và bán thuộc điạ. Mao khoái quá. Mao bắt đầu mơ tưởng tới chia xẻ thế giới với Stalin.
Chương 33Sau khi thành lập chính phủ nhân dân Mao biết là mình đã lộ đuôi cáo nên không còn hy vọng gì vào sự giúp đỡ của người Mỹ, ông bèn hết lời ve vãn Stalin để xin viện trợ. Mặt khác để chứng tỏ lòng trung thành của mình với Stalin, Mao bày tỏ một thái độ hằn học với Anh và Mỹ (khi đó cuộc chiến tranh lạnh đã bắt đầu).
Mao cử Chu Ân Lai tới gặp Ðại sứ Liên Xô xin cho Mao được gặp Stalin vào ngày sinh nhật 70 tuổi sắp tới đây của Stalin, 21 tháng 12 năm 1949. Stalin đồng ý, nhưng không mời Mao làm quốc khách. Mao đi bằng xe lửa, khởi hành ngày 6 tháng 12. Ông không mang theo một cán bộ cao cấp nào, lý do là ông biết chắc chắn mình sẽ bị Stalin “cạo đầu”. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra trong lần gặp mặt đầu tiên, vì ngay cả đại sứ TQ ở Liên Xô cũng không có mặt. Chúng ta chỉ biết là sau đó Mao được đưa tới tư dinh số 2 của Stalin, ở đó liền mấy ngày mà không được tiếp xúc với ai và cũng không ai được tiếp xúc, ngoại trừ những nhân viên mật vụ có nhiệm vụ theo dõi Mao và báo cáo lại cho Stalin. Tại bữa tiệc mừng sinh nhật Stalin, Mao được xếp ngồi ngay cạnh Stalin và là người khách nước ngoài duy nhất được phát biểu. Sau bài phát biểu, Mao hô lớn: “Stalin vĩ đại muôn năm”. “Vinh quang này thuộc về Stalin”.
Hai ngày sau Mao được đưa tới gặp Stalin, nhưng khi được yêu cầu giúp Mao phát triển quân sự, Stalin lạnh lùng từ chối. Mao được đưa về lại tư dinh số hai và trong nhiều ngày sau không được gặp mặt ai. Sinh nhật 65 tuổi của Mao, 26 tháng 12, trôi qua không có tiệc tùng gì. Biết rằng mọi cuộc nói chuyện ở đây đều bị nghe lén, Mao điện thoại cho Chu Ân Lai hay là ông sẵn sàng bình thường hoá với các quốc gia tây phương. Ngày 6 tháng 1 năm 1950, báo chí Anh quốc đăng tin Mao bị giam lỏng ở Moscow. Chính phủ Anh tuyên bố thừa nhận chính quyền Mao. Lá bài tây phương quả nhiên hiệu nghiệm. Mao được Stalin cho gặp mặt và cuộc thương thuyết giữa Mao và Stalin thực sự bắt đầu.
Ngày 14 tháng 2 năm 1950 Stalin và Mao (có thêm Chu Ân Lai mới tới) ký hiệp ước.
Theo hiệp ước này, Stalin cho TQ vay 300 triệu Mỹ kim trong vòng 5 năm. Stalin chấp thuận bảo trợ 50 dự án kỹ nghệ hạng nặng, nhỏ hơn con số Mao mong muốn nhiều. Ðổi lại, Mao đồng ý cho Liên Xô mọi đặc quyền kinh tế, kỹ nghệ và thương mại ở hai vùng Mãn châu và Tín giang. Ðây là hai vùng có trữ lượng lớn về quặng mỏ. Sau này Ðặng Tiểu Bình nói với Gorbachev là “Sau cuộc chiến tranh nha phiến 1842 TQ bị nhiều thế lực ngoại bang xâm lăng, Nhật là kẻ gây thiệt hại nhiều nhất cho TQ, còn Liên Xô là kẻ hưởng lợi nhiều nhất”. Hiển nhiên Ðặng ám chỉ hiệp ước này.
Chương 34 |
Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh — TQ, 1957
|
Ngày 16 tháng 2 năm 1950 tại bữa tiệc chia tay trước khi Mao về lại TQ, một nhân vật được đưa tới gặp Mao: Hồ Chí Minh. Stalin cho Hồ biết viện trợ cho VN sẽ là trách nhiệm của Mao Cả hai về lại TQ chung một xe lửa, Mao cho Hồ biết kế hoạch đầu tiên sẽ là thiết lập một hệ thống đường xá nối liền hai nước, giống như Liên Xô đã làm cho TQ năm 1945-46. Lịch sử được lập lại ở VN: Nhờ số quân viện khổng lồ của TQ đổ sang, gồm cả vũ khí và cố vấn người TQ, VN đã lao vào một cuộc chiến tranh trong 25 năm với Pháp và sau đó là Mỹ. Dưới sự chỉ đạo của cố vấn TQ, VN đã mở ra một cuộc cải cách ruộng đất tàn bạo hơn cả chính TQ. Bất chấp chống đối của dân chúng, Hồ đã nhắm mắt cho Mao biến VN thành một con rối của TQ.
Tháng 10 năm 1950 Mao nhảy vào một mặt trận thứ hai: Triều Tiên. Sau thế chiến thứ hai, Triều Tiên chia đôi: miền bắc thuộc phe cộng sản, do Kim Nhật Thành lãnh đạo, miền nam thuộc phe tự do, do Phác Chánh Hy làm tổng thống. Tháng 3 năm 1948 Kim viếng thăm Liên Xô và đề nghị Liên Xô giúp Kim thống nhất đất nước. Stalin không đồng ý vì e ngại sự can thiệp của Mỹ. Kim tìm tới Mao, và được Mao nồng nhiệt hứa hẹn sẽ giúp đỡ. Mao thuyết phục Stalin là cuộc chiến Triều Tiên sẽ là đất cho Liên Xô thử các vũ khí mới của họ. Sau nữa, với quân số hùng hậu của TQ gởi sang tham chiến Mao có khả năng đánh bại quân Mỹ, và thế chiến lược giữa hai siêu cường vì thế sẽ có thay đổi. Ngày 25 tháng 6 năm 1950 Bắc Hàn xua quân tràn qua vĩ tuyến 38 tấn công Nam Hàn. Liên Hiệp Quốc nhanh chóng thông qua một nghị quyết sẽ gởi quân sang giúp Nam Hàn. Lý do Liên Xô không phủ quyết chuyện này vì Liên Xô muốn Mỹ đọ sức với TQ ở chiến trường này. Ai thắng ai thua Liên Xô đều có lợi.
Ðầu tháng 8 năm 1950 Bắc Hàn đã chiếm được 90% Nam Hàn. Ngày 15 tháng 9 Mỹ bắt đầu đổ quân vào Nam Hàn và đẩy quân Bắc Hàn trở lui. Ngày 29 tháng 9 Kim điện cầu cứu Stalin cho phép Mao gởi Chí nguyện quân. Ngày 1 tháng 10 Stalin bật đèn xanh cho Mao gởi quân. Mao nhảy dựng mừng vui, ra lệnh cho quân đội đang đóng ở biên giới với Triều Tiên: hãy sẵn sàng. Tại cuộc họp Bộ chính trị, mọi người đều chống lấy lý do là: quân Mỹ hơn hẳn TQ về mặt kỹ thuật, chưa kể Mỹ còn có bom nguyên tử, nhưng dưới sự lãnh đạo của Mao, bộ chính trị không còn khả năng chống đối ý của Mao nữa.
Ngày 2 tháng 10 Mao đánh điện cho Stalin là quân TQ chưa sẵn sàng. “Chúng tôi còn đang bàn thảo”. Thực ra Mao đã sẵn sàng mọi thứ, Bành Ðức Hoài đã được cử làm tư lệnh chiến trường, nhưng Mao đang muốn mặc cả với Liên Xô.
Ngày 5 tháng 10 Stalin đánh điện: “Còn chờ gì nữa”.
Ngày 8 tháng 10 Mao gởi Lâm Bưu và Chu Ân Lai sang Moscow thương lượng với Stalin về quân dụng. Lý do Lâm Bưu được chọn vì Lâm Bưu chống cuộc chiến này từ đầu. Mao đánh giá là nếu mình càng làm eo thì sẽ càng có thêm nhiều quân dụng tốt. Không ngờ Stalin đã biết tẩy của Mao, ông cho biết là mọi thứ đã sẵn sàng như đề nghị ban đầu của Mao chỉ trừ một đon vị 124 chiếc máy bay chiến đấu để bảo vệ trên không cho quân TQ. Stalin cũng cho hai người biết là TQ không cần phải tham chiến nếu không muốn. Chu và Lâm điện về TQ tham khảo Mao thì được Mao cho hay: Chúng ta vẫn cứ tham chiến, dù có hay không có bảo vệ trên không.
Chương 35 |
Đồng chí! Tôi chết oan uổng vì Chủ tịch Kim Nhật Thành. Có thể đây sẽ là số mệnh của đồng chí? — Truyền đơn, Korea, 2/1/1953Nguồn: faculty.kirkwood.edu
|
Chỉ sau 2 tháng tham chiến, quân TQ đã đẩy bật quân Liên hiệp quốc ra khỏi Bắc Hàn và lập lại chế độKim Nhật Thành. Bành Ðức Hoài làm tư lệnh liên quân TQ-Triều Tiên, Kim chỉ là bù nhìn, vì quân Bắc Hàn chỉ có 75 ngàn người so với 450 ngàn quân TQ.
Bành Ðức Hoài muốn ngừng lại ở vĩ tuyến 38 như cũ, nhưng Mao ra lệnh phải tiếp tục tiến về Nam. Ðầu tháng 1 năm 1951, thủ đô Hán thành sụp đổ. Ngày 25 tháng 1, quân đội Mỹ bắt đầu phản công. Quân TQ thiệt hại vô kể bởi chiến thuật biển người của họ. Bành bay về TQ gặp Mao, và được biết kế hoạch của Mao là “Chúng ta sẽ đánh thắng Mỹ bằng nguồn nhân lực dồi dào của ta. Ðừng nóng lòng thắng liền, mỗi đợt đưa 300 ngàn quân sang, chết hết lại đưa tiếp.”
Tháng giêng năm 1952, cuộc chiến kéo dài đã cả năm, Kim yêu cầu Mao chấp nhận đàm phán, nhưng Mao chống đối. Mao muốn dùng cuộc chiến Triều Tiên để đòi hỏi Stalin xây dựng nhà máy chế vũ khí cho TQ. Mặc dù muốn TQ đánh Mỹ thay mình, Stalin không muốn giúp TQ thành một cường quốc về quân sự nên Stalin từ chối, nhưng sau nhiều đòi hỏi cuối cùng Stalin đồng ý cất cho TQ vài nhà máy chế súng cỡ nhỏ. Mao không hài lòng.
Tháng 8 năm 1952 quân Mỹ tổn thất khoảng 37 ngàn người ở chiến trường Triều Tiên. Con số này quá khiêm nhường so với tổn thất của TQ, nhưng sự ủng hộ của dân chúng Mỹ về sự tham chiến của Mỹ đã tụt xuống chỉ còn 33%. Nước Mỹ dân chủ không thể nào đương đầu với nước TQ độc tài về chuyện đếm xác chết. Chu Ân Lai lại được phái sang Liên Xô, lần này ông mang theo một lý lẽ vững chắc: TQ cuối cùng đã thắng Mỹ. Do đó, ông xin Liên Xô giúp cho 2 chuyện: “TQ cần được trang bị vũ khí tốt hơn, hiện đại hơn, nhất là về mặt không và hải quân” và “TQ phải là đầu tàu của phong trào cộng sản ở Á châu”. Stalin vẫn bác bỏ yêu cầu đầu mà chỉ chấp thuận yêu cầu sau: TQ được phép thành lập và ủng hộ các mầm cộng sản ở các nước Á châu.
Một mặt khác, Stalin cũng biết ý đồ của Mao muốn cạnh tranh với mình nên đã nhiều lần bày tỏ một thái độ thân thiện khác thường với Bành Ðức Hoài và Lưu Thiếu Kỳ. Trong lần Bành Ðức Hoài và Chu Ân Lai công du Liên Xô, Stalin kéo Bành ra nói chuyện riêng, làm Chu rất tức giận. Một lần khác Lưu Thiếu Kỳ viếng thăm Liên Xô được báo Pravda gọi Lưu là Tổng bí thư DCSTQ. Lưu phải đính chính là ở TQ chỉ có Chủ tịch Mao Trạch Ðông mà thôi. Stalin muốn hai người này lật đổ Mao, nhưng cả hai đều không dám làm chuyện đó.
|
Mao và An–Ying (Mao Ngạn Anh, sinh 1922 tại Hunan 1), TQ 1946 — Nguồn: bjcpdag.gov.cn
|
Ngày 5 tháng 3 năm 1953 Stalin chết. Mao được cho biết nếu sớm giải quyết cuộc chiến ở Triều Tiên thì Liên Xô sẽ cứu xét xây dựng nhà máy chế tạo vũ khí nặng cho TQ, nhưng lúc đó Mao đang mong muốn có bom nguyên tử nên từ chối đề nghị này của Liên Xô. Thêm nữa, để gây căm phẫn Mao còn tố cáo là quân đội Mỹ xử dụng vũ khí hoá học. Sau này dưới áp lực của Liên Xô, Mao phải rút lại lời tố cáo này và chấp nhận ngừng chiến.
Ngày 27 tháng 7 năm 1953 hiệp định ngưng bắn diễn ra. TQ gởi sang Triều Tiên 3 triệu lính, theo ước tính của Liên Xô, TQ tổn thất khoảng 1 triệu quân. Ðặng Tiểu Bình cho rằng TQ tổn thất khoảng 400 ngàn.
|
An–Ying và Siqi — Nguồn: bjcpdag.gov.cn
|
Trong số người chết có con trai của Mao, Mao An-ying. Vợ An-ying là Siqi (Tư Tề), “con nuôi” không chính thức của Mao. Khi An-ying báo cho Mao biết là An-ying muốn lấy Siqi, Mao lồng lên tức giận la hét tới độ An-ying té xiủ. Sự tức giận này có lẽ vì Mao “nuôi” Siqi cho mình hưởng, không ngờ bị con trai mình chiếm lấy.
Khi cuộc chiến kết thúc, 2 phần 3 trong số 20 ngàn tù binh TQ chọn xin tỵ nạn ở Ðài loan. Những người chọn quay trở về TQ bị Mao gọi là phản quốc vì đã đầu hàng kẻ địch và bị trừng phạt. Một chuyện ít người biết nữa là Bắc Hàn còn giữ 60 ngàn tù binh Nam Hàn, và đã không giao trả, theo lời xúi bẩy của Mao. Những kẻ bất hạnh này bị giam giữ ở những xó kẹt hẻo lánh ở Bắc Hàn cho tới chết.
---------
1. Bạn đọc Feng Nguyễn giúp phần phiên âm Việt ngữ các nhân danh và địa danh từ tiếng Trung Quốc và thông này: Mao Anqing hay Mao Ngạn Thanh và Ngạn Anh là con của Mao với bà Dương Khai Tuệ. Ngoài ra Mao còn có 1 con gái tên Lý Mẫn với bà Hạ Tử Trân và 1 người con gái khác tên Lý Nạp với Giang Thanh. Mao Ngạn Thanh, Lý Mẫn và Lý Nạp hiện nay vẫn còn sống.