Trần Khuyến dịch

I

Trên thế gian này có một ông lão sống độc thân. Lão ốm yếu, lão làm nghề đan giỏ, vá ủng, gác vườn cho nông trường và nhờ đó mà sinh sống.

Lão từ phương xa tới làng này đã lâu. Mọi người hiểu ngay lão là một người đã từng nếm nhiều đau khổ.
Lão bị què, tóc bạc trước tuổi. Một vết sẹo cong queo chạy dài từ má qua môi lão. Vì thê cho nên ngay cả khi lão mỉm cười khuôn mặt lão vẫn có vẻ buồn rầu và khắc khổ.

II

Một hôm chú bé Ivaxka Kuriaxkin lẻn vào vườn của nông trường để lấy trộm táo và bí mật chén một bữa no nê. Nhưng sau vì quần của chú mắc phải đinh ở hàng rào, nên chú ngã lăn vào bụi cây phúc bồn tử có gai, xây xát cả da. Chú liền kêu tướng lên và thế là bị ông lão gác vườn tóm được.

Đáng lí ra lão có thể dùng cây gai vụt cho Ivaxka một trận nên thân, hoặc tệ hơn nữa, lão có thề lôi chú đến trường và kể lại chuyện này với nhà trường.
Nhưng lão thương hại Ivaxka. Hai tay chú bị xây xát, ở đằng sau một mảnh quần rách buông lõng thõng như là đuôi con cừu, còn nước mắt thì chảy ròng ròng trên đôi má đỏ ửng.
Lão lặng lẽ dẫn Ivaxka qua cổng hàng rào và tha cho chú bé đang hoảng sợ ấy về nhà. Thế là lão khòng hề đánh chú một roi và cũng chẳng hề nói qua một lời nào cả.

III

Vì xấu hổ và buồn bã, Ivaxka rẽ vào rừng, chú bị lạc và sa vào một bãi lầy. Cuối cùng chú mỏi mệt. Vừa mới ngồi xuống một hòn đá xanh nhô ra từ đám rêu, thì bỗng dưng chú nhảy phắt dậy và kêu thét lên, vì chú thấy hình như là mình ngồi phải con ong rừng và bị nó đốt qua lỗ quần rách.

Nhưng trên hòn đá chẳng thấy con ong nào cả. Hòn đá này nóng bỏng như hòn than, và trên mặt phẳng của nó nổi lên mấy hàng chữ bị đất sét phủ kín.
Rõ ràng hòn đá này có phép thần kì! Ivaxka hiểu ngay điều đó. Chú tháo giày ra, vội vàng lấy gót giày gạt đất sét khỏi hòn đá để xem hòn đá này liệu có giúp ích gì cho chú chăng.
Chú liền đọc dòng chữ đó như sau:
“Ai bưng hòn đá này lên đỉnh núi và đập vỡ nó ra ở trên ấy thì sẽ lấy lại được thời niên thiếu của mình và bắt đầu sống lại từ đầu.
Ở phía dưới có đóng dấu, nhưng con dấu không đơn giản, tròn trĩnh như ở uỷ ban xã và cũng không phải hình tam giác như ở các phiếu nhận hàng của hợp tác xã, mà có phần bí hiểm hơn: hai chữ thập, ba cái đuôi, một lỗ nhỏ cùng với một cái gậy con và bốn dấu phẩy.
Lúc này Ivaxka Kuriaxkin cảm thấy buồn rầu. Chú mới có tám chín tuổi đầu. Thế mà sống bất đầu lại từ đầu, tức là lại phải học lại lớp một một năm nữa, cái ấy thì chú hoàn toàn không muốn tẹo nào.
Giá như nhờ hòn đá này không cần học những bài ở trường mà vẫn có thể nhảy thẳng từ lớp một lên lớp ba, thì đó lại là chuyện khác!
Nhưng mọi người từ lâu đã biết rằng ngay cả những hòn đá có phép thần kì nhất cũng không bao giờ có được sức mạnh ấy.

IV

Khi đi ngang qua vườn, Ivaxka đang buồn rầu thì lại nhìn thấy ông lão gác vườn. Láo xách thùng vôi, vai vác chiếc chổi có cán. Vừa đi lão vừa ho khù khụ, thường phải dừng lại nghỉ lấy sức.

Khi ấy Ivaxka, bản chất là một chú bé tốt, liền nghĩ bụng:
“Người này ban nãy có thể tha hồ dùng cành gai quất mình. Nhưng ông lão đã thương hại mình. Thế thì bây giò mình phải thương hại lại ông lão mới được. Mình sẽ lấy lại thời niên thiếu cho lão để lão khỏi phải ho, phải què và vừa đi vừa thở một cách mệt nhọc như vậy”.
Thế là Ivaxka vốn cao thượng đã tới gần ông lão với những ý nghĩ tốt đẹp biết bao, và nói thẳng cho lão rõ đầu đuôi câu chuyện. Ông lão thành thật cảm ơn Ivaxka. Nhưng lão từ chối bỏ gác để ra bãi lầy bởi vì trên đời vấn còn những kẻ có thể lợi dụng lúc này lẻn vào vườn của nông trường vơ vét hoa quả.
Lào ra lệnh cho Ivaxka tự vớt hòn đá ở bãi lầy mang lên núi. Sau đó lão sẽ tới ngay đấy để đập vỡ hòn đá.
Ivaxka rất buồn vì phải quay lại chỗ ấy.
Nhưng chú không muốn từ chối việc làm khiến ông lão phật lòng. Sáng hôm sau Ivaxka mang theo một chiếc bao tải và một đôi găng tay bằng gai để khi chạm phải hòn đá không bị bỏng, rồi chú tiến về phía bãi lầy.

V

Sau khi bị bùn và đất sét làm lấm bẩn, Ivaxka vất vả lắm mới lôi được hòn đá ra khỏi bãi lầy. Mệt quá, chú ngả lưng xuống bãi cỏ khô ở chân núi.

Chú nghĩ bụng: “Bây giờ ta sẽ khuân hòn đá lên đỉnh núi, ông lão què sẽ tới, đập vỡ hòn đá ra, trẻ lại và bắt đầu sống lại từ đầu. Người ta nói rằng lão là người đã từng nếm nhiều đau khổ mà. Lão già rồi, lại sống độc thân, bị đánh đập, bị thương, và chắc là chưa bao giờ được thấy cuộc sống hạnh phúc. Còn những người khác thì đã thấy cái đó rồi”. Riêng đối với Ivaxka, tuy còn bé, nhưng đã ba lần chú được thấy cuộc sống ấy. Một lần. khi chú đi học muộn đã gặp một người lái xe hoàn toàn không quen biết chở chú từ chuồng ngựa của nông trường tới tận trường học trên một chiếc ô tô bóng nhoáng. Lần thứ hai, lúc đó vào mùa xuân, chú đã bắt được một con cá măng lớn ở rãnh nước bằng tay không. Lần cuối cùng, bác Mitơrôphan đã đưa chú ra thành phố dự ngày hội vui mồng 1 tháng 5.
“Mong rằng ông lão không may này cũng sẽ được thấy cuộc sống tốt đẹp ấy”. Ivaxka cầu mong một cách rộng lượng như vậy.
Chú đứng dậy và vội vàng khuân hòn đá lên núi.

VI

Trước lúc hoàng hôn ông lão đi lên núi tới chỗ Ivaxka đang mệt rã rời và lạnh cóng. Chú ngồi co ro, đang hơ quần áo ướt bẩn bên cạnh hòn đá nóng.

- Tại sao ông không mang theo búa, rìu hoặc xà beng? – Ivaxka ngạc nhiên kêu lên – hay là ông định lấy tay đập vỡ hòn đá chăng?
- Không đâu, cháu Ivaxka. – Lão đáp. – Ông không định lấy tay đập vỡ hòn đá. Ông sẽ không đập vỡ hòn đá nữa, bởi vì ông không muốn bắt đầu sống lại từ đầu.
Lúc này lão tới gần chỗ Ivaxka đang mệt mỏi, xoa đầu chú bé và Ivaxka cảm thấy bàn tay nặng nề của lão run run.
- “Chắc cháu nghĩ rằng ông đã già, bị què, xấu xí và không may. Nhưng thực ra ông là người sung sướng nhất đời. Cây gỗ rơi vào chân làm ông bị què, – nhưng cái đó đã xảy ra vào lúc bọn ông đánh đổ hàng rào và xây ụ chiến đấu chưa khéo trong cuộc khởi nghĩa chống lại vua mà cháu mới chỉ nhìn thấy trên những bức tranh.
“Người ta đã nhổ răng ông, – nhưng cái đó xảy ra vào lúc bọn ông bị tù đã cùng nhau cất lên những bài ca cách mạng.
“Người ta đã dùng kiếm chém vào mặt ông trong một trận chiến đấu, nhưng cái đó xảy ra vào lúc những trung đoàn dân quân đầu tiên của ta đánh tan quân Bạch vệ.
“Trên đống rơm, trong cái trại lạnh lẽo, lụp xụp, ông đã giãy giụa trong cơn mê sảng vì mắc bệnh thương hàn. Khi ấy những lời nói rằng đất nước chúng ta bị bao vây và lực lượng quân thù đang thắng chúng ta đã vang lên ở chỗ ông còn khủng khiếp hơn cả cái chết.
“Nhưng sau khi tỉnh lại, cùng với tia nắng đầu tiên của ánh mặt trời vụt sáng, ông nhận ra là quân thù lại bị đánh tan và bọn ông lại tấn công.
“Sung sướng quá, bọn ông giơ những bàn tay xương xẩu từ giường bệnh này sang giường bệnh kia bắt tay nhau, và khi đã ước mơ một cách rụt rè là mong sao, dù cho không phải ở thế hệ bọn ông, mà sau đó đi nữa, đất nước chúng ta sẽ hùng cường và vĩ đại như ngày nay. Cháu Ivaxka khờ dại! Cái đó chẳng lẽ không phải là hạnh phúc ư? Cháu muốn biếu ông một thời niên thiếu khác ư? Thòi niên thiếu của ông mặc dầu rất chật vật, nhưng trong sáng và ngay thẳng!”
Tới đây lão im lặng, lấy tẩu ra hút thuốc.
- Đúng, ông ạ. – lvaxka khẽ nói, – nhưng nếu thế thì cháu cố tha hòn đá này lên núi mà làm gì kia chứ, trong khi nó có thể nằm yên dưới bãi lầy của nó?
- Thôi, cứ mặc cho nó nằm yên đấy, – lão nói, – cháu Ivaxka, cháu hãy xem rồi đây nó sẽ ra sao.

VII

Từ đó tới nay đã trải qua nhiều năm, nhưng hòn đá vẫn nằm nguyên trên núi khòng bị ai đập vỡ.

Nhiều người đã tới gần nó. Họ đến gần, ngắm nghía, suy nghĩ, lắc đầu rồi đi thẳng.
Có lần tôi đã tới hòn núi ấy. Lương tâm tôi có điều gì không yên, tôi cảm thấy bực bội. Tôi nghĩ bụng: “Nào, hay là mình đập vỡ hòn đá này và bắt đầu sống lại từ đầu!”
Nhưng sau một phút tần ngần, tôi liền thay đổi ý định ấy ngay.
- A! – Tôi tự nhủ, những người chung quanh thấy mình trẻ lại, sẽ nói: “Đây là một thằng ngốc! Chắc là thằng này hồi xưa không biết sống cho ra sống, nó đã không có hạnh phúc, cho nên bây giờ muốn bắt đầu sống lại từ đầu chứ gì!”.
Lúc đó tôi cuộn một điếu thuốc lá. Tôi châm nhờ hòn đá nóng để khỏi phí những que diêm, rồi tôi đi thẳng theo con đường của mình.

1941


Xem Tiếp: ----