1.
Người Nhật từ xưa vốn vẫn yêu thiên nhiên và lẽ đương nhiên là họ cũng rất yêu hoa. Tuy nhiên, có lẽ tình yêu thì muôn màu muôn vẻ, nên mỗi người có thể yêu hoa theo một cách khách nhau, mà nhất là giữa nàng và bà hàng xóm của nàng thì khác nhau lắm.
Nàng đã tôn bà lên là bà chị Hai hàng xóm, vì bà lớn hơn nàng gần mười tuổi, và tính tình có vẻ bộc trực. Dĩ nhiên bà không hiểu tiếng Việt và không hề biết là mình đã có thêm cái tên mà nàng đặt thêm cho bà khi nói chuyện ở nhà mình.
Chuyện  như sau..
Từ khi dọn đến nay bà rất chịu khó trồng hoa ở trước cửa nhà. Sân truớc nhà bà không rộng lắm nên bà chỉ trồng hoa trong các chậu. Các chậu hoa xếp đầy trước ngõ, trên lối vào, treo cả lên cánh cổng. Bà trồng hoa trong chậu, nên ngoài những chậu hoa đang tươi nở đó, bà còn ươm sẵn nhiều chậu hoa ở khu vườn nhỏ sau nhà, chỉ chờ hoa nở là bà bưng ra bầy trước cửa. Ví dụ như về mùa xuân bà thường trồng hoa pensé, có năm bà trồng toàn hoa màu tím, có năm toàn hoa màu vàng. Những chậu hoa này của bà được chuẩn bị trước từ đầu mùa xuân khi trời còn lạnh. Bà mua cây hoa khi cây còn nhỏ, và trong mỗi chậu bà chỉ trồng chừng ba gốc cây con. Rồi bà bỏ phân bón, chăm chút cho cây hoa lớn mạnh, cho ra rất nhiều nụ. Khi mới trồng vào chậu, mỗi cây hoa pensé còn nhỏ cách xa nhau đến cả tấc, vậy mà sau đó ít lâu khi trời sang xuân ấm áp, các cây hoa của bà đã lớn đến mức che kín mặt đất khoảng cách giữa những gốc hoa khi mới trồng. Chậu hoa ra nhiều nụ và nở khá lâu. Tuy nhiên chẳng bao giờ cây hoa của bà được nở tới nụ cuối cùng... Vào xuân được ít lâu, khi chậu hoa đã bớt nụ và kém phần lộng lẫy so với lúc hoa đang nở rộ, tức thì bà đã có sẵn một chậu hoa khác trồng sẵn ở sau nhà đem ra thay thế. Những cây hoa đã kém phần hương sắc ngạt ngào liền bị bà cho vào thùng rác. Có loại thì bà cắt sát gốc, đó là những giống cây còn có thể lại đâm chồi nẩy lộc ra hoa một lần nữa để..nhị độ..khai hoa. Bà không  thích nhìn cây hoa tàn tạ  hay những bông hoa cuối mùa nở èo ọt... Cổng nhà bà như một cửa hàng hoa, mùa nào thức ấy và lúc nào cũng rực rỡ tươi thắm..
Vì thế có lẽ bà lấy làm rất.. ngứa mắt  khi nhìn sang khu vườn nhà nàng ở ngay bên cạnh.
Khi nào nàng cũng chờ cho hoa nở đến những bông cuối cùng...chỉ mua hoa mới trồng thêm vào, mà không nỡ nhổ những cây hoa đã dần tàn và bớt nụ ấy mà vứt đi. Vườn nhà bà hàng xóm không có một ngọn cỏ vì bà đã trải sỏi, còn vườn nhà nàng đôi khi hơi nhiều cỏ, những loại cỏ cũng ra hoa nên nàng không nỡ nhổ đi. Nhất là những chậu xương rồng thì lâu lâu mới nở hoa, cho nên nàng để cho cỏ tha hồ mọc chung với xương rồng, vì loại cỏ này nở  ra những bông hoa li ti màu vàng dễ thương.
Có lần nàng đã mời bà vào thăm vườn nhà, vì bà có vẻ tò mò muốn thăm khu vườn mới làm kiểu Nhật Bản của nàng. Vườn Nhật Bản nhỏ xíu nhưng cũng có xếp vài tảng đá, có chậu nước rửa tay bằng phiến đá chạm hình hoa sen bên cạnh chiếc đèn bằng đá hình ngũ giác.
Bà chị Hai hàng xóm nhìn quanh tấm tắc khen công trình của ngưòi thợ làm vườn, xong lại lắc đầu..
- Cô không hiểu quan niệm thẩm mỹ của người Nhật chút nào. Đã thuê thợ làm vườn Nhật, mà để cỏ mọc hoang thế này à..
Bà liền đến bên những chậu hoa xương rồng, và trong đó có mấy cây do bà đã tặng nàng khi mới đến đây, đưa tay nhổ phắt mấy ngọn cỏ đang ra hoa li ti màu vàng trong chậu xương rồng của nàng và nói
- Để cỏ ăn hết chất bổ của cây xương rồng còn gì! Hèn chi hai cây xương rồng tôi trồng cùng một lúc, mà cây của  tôi  ra hoa nhiều hơn cây đem cho cô!
Nàng lúng túng ngắc ngứ không biết trả lời thế nào, đành nói thật
- Tại thấy cỏ này ra hoa cũng đẹp...  Hoa cỏ này coi nhỏ vậy chứ mà có máy ảnh chụp và phóng to lên nhìn cũng đẹp lắm..
Có lẽ bà chị Hai hàng xóm cho rằng nàng chỉ lý sự, bà chẳng nói chẳng rằng tiếp tục nhổ cỏ trong vườn của nàng!
Hỡi ôi, bụi hoa cúc dại hôm nọ mới được nàng vẽ thành bức  ký hoạ gửi làm quà cho một bà bạn, và bà này đang giục nàng vẽ tiếp cho bà làm mẫu vẽ lên đồ gốm sứ của bà...Bây giờ tìm đâu ra hoa để vẽ cho bạn đây!
Nàng sợ quá vội vàng hứa với bà chị Hai hàng xóm
- Được rồi, được rồi, bà cứ để đó.. tôi sẽ nhổ cỏ dọn tiếp và bón phân đàng hoàng..Bây giờ mời bà hãy ngồi uống tách trà ấm này đã..
2.
Những năm đầu tiên về đây nàng rất chăm chỉ bón phân cho các cây hoa trong vườn, mong cho cây mau lớn và nở nhiều hoa.
Nhưng rồi có một hôm tình cờ nàng xem được một chương trình về một nhà nông học của Nhật chủ trương không thúc ép cây cối phải ra hoa kết quả quá nhiều, chống lại việc dùng thuốc diệt cỏ trừ sâu hay phân hoá học, vì tất cả những thứ đó làm cho đất cằn cỗi và chết lần hồi. Nhà nông học này thực hành lý thuyết đó ngay trên khu đất của mình. Trong vườn của ông có nhiều loại hoa cỏ và cây trái. Cuối thu cây thay lá..Lá cây rơi xuống lâu ngày sẽ mục rữa thành phân bón hữu cơ cho cây cối trong vườn, và những con giun đất như những người thợ làm vườn chăm chỉ luôn đào cuốc làm cho đất xốp mềm để rễ tha hồ vươn ra hút chất bổ nuôi cây. Cây trái trong vườn của ông không sai lắm, nhưng mùa nào thức ấy, trái nào cũng hương vị đậm đà, ngọt tự nhiên. Còn vườn rau của ông thì như một bãi đất hoang, thế nhưng ngày nào ông cũng hái được một nắm rau, đào được mấy củ cải, củ cà rốt, củ khoai đủ để nấu ba bữa ăn. Và ông thơ thẩn đi nhặt trái cây rụng trong vườn, có khi phải bới trong cỏ như khi nhặt những hạt bạch quả.
Cuộc sống như vậy có vẻ xa cách mọi người, nhưng thực ra ông đã được một số nước châu Phi mời sang giúp và được bằng khen tặng vì đã có công đem mầu xanh của cây cỏ đến nhiều vùng sa mạc mà không cần dùng đến một loại phân hay thuốc hoá học nào cả...
 Sau khi xem chương trình về nhà nông học này rồi thì sau đó nàng chẳng còn muốn khu vườn của mình phải bị bón phân nhân tạo nữa...Mấy túi phân hoá học mua về vẫn còn để lây lất ở góc vườn. Từ đó lá rụng thì vun vào dưới gốc cây mà không hốt đi..Chắc thế nào bà chị Hai hàng xóm nhìn qua cũng lắc đầu cho rằng nàng lười biếng...
Dù nàng không còn bón phân cho cây, nhưng các loại hoa và cây trái trong vườn vẫn lần lượt theo nhau nở hoa kết trái từ xuân sang hạ, hết thu sang đông.
Thuốc trừ sâu tất nhiên là cũng không cần thiết vì trong khu vườn nhỏ này có lẽ chỉ có sâu nở ra con ngài hay bươm bướm. Mỗi khi thấy có con sâu nào rơi xuống vườn, thì nàng nhặt lên đặt nó trên ngọn cây có lá non hay có sương đọng lại, vái trời cho nó mau hồi sinh. Thỉnh thoảng lại thấy một cánh bướm đen như nhung và xanh biếc bay chập chờn trong vườn..rồi bay sang các khu vườn khác..Bướm bay mất thì hơi tiếc, nhưng nàng cảm thấy hãnh diện vì con bướm đẹp đó như một nàng tiên áo xanh đã uống sương và nhựa cây trong vườn mà lớn lên xinh đẹp như vậy. Không chỉ với sâu nở ra bướm, mà bọ ngựa hay cào cào châu chấu, giun dế... cũng đều được hoan nghênh. Thật ra là tới đầu mùa hè ngoài hiệu có bán trứng dế ủ trong đất, đem về ngày ngày phun nước giữ đất ẩm cho tới khi dế nở, rồi nuôi dế bằng cà tím và dưa chuột, công phu lắm dế mới chịu kêu nỉ non cho mình nghe..  Nên tình cờ nghe được tiếng dế trong vườn vọng vào là nàng mừng rơn, trong bụng nhủ thầm dế ơi ở yên đó nghe, đừng có bỏ đi đó nghe...
Nói vậy thôi chứ khi cây hoa hồng bị bệnh có đốm đen trên lá và trở màu vàng rụng dần thì cũng phải phun thuốc trừ bệnh lên lá hoa hồng. Và có khi sâu đo ăn hết những lá non của mấy cây húng quế-  loại sweet basil - mới ra, nàng buồn lắm. Lúc đó phải theo cách của người Nhật bầy, nấu nước sôi với ớt đỏ cho thật cay tưới lên cho sâu sợ không tới nữa.
Chắc có lẽ mấy con sâu đo này phải ganh với lũ chim hay vào vườn để ăn các thứ trái cây như nho, kiwi, cam....Lũ chim tha hồ ăn mà không bao giờ lo bị đuổi. Là vì nàng đã để mồi trên các đĩa, gắn mấy cái nhà gỗ làm tổ chim trên cành, để bồn nước cho chim tắm..nhưng có lẽ chúng sợ đó là cạm bẫy nên chẳng bao giờ tới gần. Chim ở đây khôn lắm chỉ tới ăn trái cây trên cành. Khi nhận ra điều đó thì nàng mừng quá, vậy thì càng hay ( tương kế tựu kế! ), từ nay  không phải lo mua trái cây lo cắt rồi xếp ra mời mọc mà cứ bị ế hoài, rồi lại còn phải lo cất dọn cho vào thùng rác...Vậy thì từ nay mời chim cứ tự do thưởng thức cây trái trên cành.
Mùa đông khi chim đã ăn hết cam trên cành, vườn vắng tiếng chim. Phải đợi sang xuân mới có chim vành khuyên và nhiều loại chim nhỏ khác tới hút mật hoa. Và có cả ong nữa. Chim hay bướm chuồn chuồn thấy người thường hoảng hốt bay vụt đi, chỉ có ong là dạn dĩ và còn dữ dằn nữa ( thảo nào mà cái bụng của ong màu vàng và có sọc đen vằn vện như da cọp! ) Ong vào hút mật hoa trong vườn, làm tổ trên cành cây, mà hễ thấy bóng người lại gần là giận dữ đập cánh vù vù đuổi mình đi như thể vườn hoa là của ong chứ không phải của người...Thảo nào khi lần đầu tiên ong tới làm tổ tên trái nhà, nàng thì mừng mà mấy người Nhật thì có vẻ không thích và bảo nên thuê người tới gỡ tổ ong đó đi. Nàng nhớ hồi nhỏ có nghe nói rằng ong tới nhà là điềm may ( ăn nên làm ra ) và kể cho họ nghe, nhưng họ lắc đầu tỏ vẻ không hiểu nổi...
Họ còn không hiểu nổi một vài chuyện khác, cũng như bà chị Hai hàng xóm đã từng cằn nhằn nàng về tội không nhổ cỏ..
Số là nàng đã trồng nhiều cây và hoa dọc theo hàng rào sát đường đi trong xóm.Cây mọc lên cao gần ngang mái nhà che khuất cả cửa sổ. Bóng cây sum suê mát rượi gợi nhớ vườn cây xanh mát ở quê nhà, có thể mắc võng được..Có những cành vươn ra ngoài đường đi, toả bóng mát, nên có những bác thợ điện hay thợ sửa ống nước hay xin đậu xe sát bên hàng rào, và họ lấy cơm trưa ra ngồi ăn dưới bóng cây. Cảnh này làm nàng nhớ lại những ngày còn nhỏ, cứ tới đêm thứ bảy hễ có chương trình tuồng cải lương thì quanh vườn hoa trước nhà không biết từ bao giờ đã có nhiều người tới ngồi sẵn ở đó, để nghe cải lương từ chiếc máy radio trong nhà vọng ra. Hết giờ cải lương lại nghe có tiếng xôn xao bàn tán về vở tuồng vừa diễn, rồi tiếng chân xa dần..
Vườn của nàng bây giờ có trồng đủ loại cây hoa theo dọc hàng rào này để bốn mùa đều có hoa nở. Đầu xuân có hoa mai trắng mùi thơm thanh khiết. Rồi tới hải đường đỏ thẫm, hoa yamabuki màu vàng, dương đào trắng ửng hồng, rồi hoa hồng leo đủ màu đỏ vàng hồng trắng nở từ hạ sang thu, đỗ quyên hồng, ngọc trâm đỏ, cẩm tú cầu xanh, clematis tím;  hạ có hoa lăng tiêu nở những bông vàng thẫm như loa kèn; thu có hoa hagi đặc biệt hai màu tím và trắng của Nhật, có lá yamabuki vàng tươi, lá dương đào đỏ phai vàng, lá phong đỏ thắm. Một giàn treo vài giò phong lan, một bụi thiên tuế với vài loại cây nhiệt đới..Chỉ vài tuần nữa thôi các loại hoa jasmin leo màu trắng màu vàng sẽ nở hàng trăm triệu bông thơm phức suốt một tháng xuân.Và hoa kim hài thơm ngọt ngào sẽ nở đến tận mùa thu, hoa kim hài bên giàn hoa bên kia sát nhà bà chị Hai hàng xóm, hay bò sang nhà bà, nhưng hoa thơm đến nỗi bà cũng thích loại hoa này lắm và hay nhắc lại chuyện hồi nhỏ bà hay hái kim hài mà hút mật...
Người Nhật rất lịch sự. Khi đi qua nhà ai gặp chủ nhà đang quét cửa hay quét dọn khúc đường cạnh nhà mình, họ đều lễ phép chào, khen trời nắng đẹp hay than trời lạnh, trời sắp đổ mưa, và khen các loại hoa  đang nở cùng với lời cảm ơn chủ nhà đã cho họ được ngắm hoa đẹp.
Họ rất thích ngắm hoa ở hàng rào nhà nàng nên cũng hay dừng lại trò chuyện. Phải lâu lắm khi đã quen thân họ mới cho biết - vì người Nhật bản tính e dè -...là nàng phải cho cắt bớt những cành cây vươn ra đường đi, cho dù là cành cây ở trên cao không làm phiền ai cả! Từ đó mấy ông thợ điện cũng không còn tới đậu xe và không còn cảnh họ ngồi ăn trưa và tựa lưng vào hàng rào ngồi nghỉ dưới bóng cây mát rượi nữa...
Duy có một điều là họ đã bao lần đề nghị mà nàng không làm theo, đó là họ muốn nàng cắt tỉa cây trong vườn.. Họ khuyên với hảo ý rằng cây muốn đẹp thì phải cắt tỉa chứ không ai để um tùm như vậy...Họ thích nhìn vào một khu vườn có những cây được tỉa tót khéo léo nhờ bàn tay của người thợ làm vườn...
Cũng may là mấy cây đó ở hẳn trong vườn nên nàng có thể cứ để yên cho cành cây tha hồ mọc tự nhiên thoả thích...
 
 
Quỳnh Chi ( 18 / 04 / 2005)

Xem Tiếp: ----