Tôi vừa bước ra khỏi Động. Tôi đã lưu trú ở đó bao lâu rồi cũng không rõ. Chỉ biết là hơn hai ngàn lá trắng. Ở đó mỗi người có một cây lá trắng. Cây lá trắng của tôi là thời gian của tôi. Ngoài ra, không có dụng cụ nào khác để tính thời khắc. Mỗi chiếc lá trắng rơi, tôi đếm. Tất nhiên là nó rơi không đều. Bao lâu thì lá rơi, tôi không biết. Đến chiếc lá thứ hai ngàn, tôi không đếm nữa. Chán, thế thôi.
Tôi bước ngay xuống đường phố. Làm gì đây? Về nhà, có lẽ. Nhưng mà những gì đó có trước khi vào Động, tôi không còn nhớ. Khi tôi đếm lá trắng rơi, ký ức dần dần bị bôi xoá như thể mỗi chiếc lá có năng lực của cái tẩy. Cứ thế, ký ức thời Trước-Động biến mất hồi nào không hay.
Vậy thì, tôi là ai, trong thành phố nào? Đây, một thành phố chìm trong sương mù như thể được vây phủ bằng những chiếc lá trắng lơ lửng.
Chỉ còn một cách để có lý do đi lại trong thành phố này: Hỏi thăm xem có ai nhận ra tôi không?
Giao lộ mà tôi đang đứng có nhiều bảng chỉ đường. Những cái phố mang tên gọi thật đơn giản: Phố Đông, Phố Tây...
Tôi rẽ vào Phố Tây. Bên lề đường, một chú cún con dắt một cụ già đi dạo. Bàn tay phải gầy guộc của cụ già đưa về phía trước, rõ ràng đang bị một sợi dây vô hình kéo đi, và cụ riu ríu bước theo, cam chịu và tự nguyện.
Cụ ơi, cụ có nhớ tôi không? (Ấy là tôi hỏi, tôi van nài) Tôi là ai?
Cơ mà... (Ông lão nói, giọng thều thào) ta không biết, ta còn không nhớ bản thân ta nữa là!
Bất ngờ, con chó nhỏ lồng lên, bỗng phóng chạy như bay. Và cụ già, tuy lẩy bẩy là thế, vẫn bốc mình lên mà bay theo nó. Cả hai lướt bổng trên mặt đất, nhưng chỉ cách đầu ngọn cỏ một chút. Có ngã nhào xuống đất cũng không hề hấn gì đâu, tôi tự nhủ.
"Lão ngư và tiểu tử". Tranh của họa sĩ Leng Mei (1896-1938). (Ảnh: fortuneart)
Tôi ghé vào một công viên. Lá bàng vàng rực, óng ả khắp nơi. Những chiếc lá chết ấy sao mà đẹp. Có giống loài nào chết mà đẹp như thế không? Dưới gốc cây bàng lớn nhất, có một đôi trai gái loã thể đang ân ái. Họ nằm lên lá bàng, một thảm lá óng ả vàng rực. Và lá bàng từ trên cây tiếp tục rơi trên mình trần của họ, làm thành một tấm chăn vàng óng. Lá và lá ngân nga rì rào rạo rực bên dưới và bên trên hai tấm thân mềm mại đang cuộn, đang rướn, đang phủ, đang lăn.
Tôi quỳ xuống bên họ.
Làm ơn nói cho tôi biết anh có nhớ tôi không? (Tôi hỏi người thanh niên đang ngậm đầu vú người yêu) Tôi là ai?
Gương mặt chàng trẻ tuổi ngước lên, rời khỏi bầu ngực trắng ngần của cô gái.
Xin lỗi, tôi rất tiếc (Chàng nói). Tôi có biết một người giống ông. Đó là bạn thân của tôi. Nhưng hôm nay là ngày anh ấy tự tử. Ở đâu đó, anh ấy đã điện thoại báo cho tôi biết như vậy.
Tôi nhìn đôi vú cô gái. Ở trong Động, trái cây thường có hình dáng như thế này, mũm mĩm, và luôn luôn mơn mởn, bao giờ cũng chín mọng, ướt sương, lại vừa tầm tay với.
Còn em? (Tôi hỏi cô gái). Em không từng gặp tôi sao? Chưa bao giờ à?
Xin lỗi, em rất tiếc! (Nàng nói). Nhưng nếu anh có ảnh, em sẽ hỏi các bạn gái xem sao, chắc sẽ có đứa biết anh.
Tôi không có ảnh và có thể cũng không có bóng. Vì thế đôi trai gái tiếp tục làm tình, tôi tiếp tục đi, rời công viên.
Gần cuối phố, một ngôi chùa hiu quạnh hiện ra, cổng đóng kín. Im ỉm, lạnh lẽo. Trên bậc thềm, một thùng giấy đang khóc, có một em bé sơ sinh trong ấy, dường như vừa bị bỏ rơi, chuyện nhỏ trong thành phố lớn.
Em ơi (Tôi nói), mẹ em là ai vậy?
Làm sao biết được? Làm sao biết được? (Em bé gào lên, gào với gió lạnh).
Tôi quay đi. Thế ư? Tôi tiếp tục hỏi chứ? Hỏi về cái gì bây giờ?
Ngược về phía tôi, một con gấu đen lừng lững đi tới. Đồng hành với nó là một anh hề vừa đi vừa tung hứng mấy quả bóng con.
À, ông gấu (Tôi nói khi chúng tôi gần chạm mặt nhau), có thể ngày xưa còn bé, tôi đi xem xiếc và đã gặp ông, dù rằng tôi không nhớ gì hết. Có thể ông biết cậu bé ấy, là tôi đấy. Vậy xin hỏi, tôi là ai?
Vô số cậu bé, cô bé (Gấu nói) hâm mộ tôi, làm sao tôi nhớ nổi chứ? Ông thử hỏi anh hề xem.
Anh hề tung hết những quả bóng lên không, và chúng biến mất, như những quả cầu tuyết thình lình tan rã. Tôi chưa kịp hỏi gì thì anh hề đã hát:
Mi từ đâu đến Mi đến từ đâu Từ đâu mi đến Đến đâu mi từ... Mi đâu đâu mi Mi đến mi đâu Đến đâu đâu đến Mi từ từ mi...
Và cứ thế anh hề vừa hát vừa nhảy tung tăng. Trong sương mù, anh tung hứng bản thân anh. Con gấu đen nặng nề lẽo đẽo đi theo anh. Cả hai khuất dần từ lâu mà tiếng hát vẫn còn tung hứng bên tai tôi. Khi anh hề ngưng tiếng thì con gấu cất giọng ồm ồm mà hát nhại:
Từ mi đến đâu Mi mi từ từ Đâu đâu đến đến Từ MI đến MI...
Trời ơi, từ MI đến MI, đó có phải là hành trình dài nhất kể từ khi tôi bước ra khỏi hang động?
Tôi rẽ vào Phố Đông. Một ngôi đền lớn bất ngờ mọc lên, chắn đường. Được rồi, tôi sẽ hỏi thần linh.
Trước cổng đền là một linga bằng đá, đen bóng và to như một người trưởng thành. Linga, vị thần vĩ đại nhất đây mà. Nhưng mà bên dưới, đài yoni đang đỡ thần đấy thôi.
Linga tôn quý (Tôi chắp tay mà nói), tôi không nhớ mình là ai. Linga thì biết phải không?
Nhưng linh tượng im lặng. Có lẽ nó đã im lặng nghìn năm nay. Linga không nói, linga chỉ phát tiết tinh anh. Như mọi linga to nhỏ trong cõi đời.
Đêm tối xuống tự bao giờ tôi không hay. Tôi lầm lũi đi trong đêm tối, trong sương mù, trong hoang liêu, trong đói lạnh.
Từ sâu thẳm đêm đen, một dòng sông đổ ra, tuôn trào trên đường phố. Như thể từ đất đá bỗng dưng sóng dậy, bỗng dưng triều lên. Sóng và sóng của nó nhảy múa, xô đẩy nhau, vừa lao đi, rung chuông lầm rầm, lao xao, long bong, vừa hát:
Ta là dòng sông không tên Lênh đênh lênh đênh... Ta là dòng sông của đêm Lênh đênh lênh đênh... Ta là dòng sông lãng quên Lênh đênh lênh đênh...
Tôi ngồi xuống bên bờ sông vô danh. Có thể theo thói quen kinh điển, tôi khóc chăng? Không, không khóc. Tôi quyết định như thế. Thế là tôi cười. Cất giọng cho cao mà cười. Cười vang dội.
Tiếu ngạo càn khôn, tôi cười.
(Trích trong tập "Truyện ngắn Sài Gòn I", NXB Văn Nghệ 2006)
 

Xem Tiếp: ----