32

Ngồi được một lát thì quán café vỉa hè bị công an đuổi. Đám khách lao xao nhốn nháo cầm ghế đứng dẹp hết vào trong nhà. Nhìn những gương mặt lờ đờ luôn làm ra vẻ quan trọng hoá của những người mặc cảnh phục trên chiếc xe tải nhẹ, Thanh chán nản đút tay vào túi áo. Mấy chục con mắt ở góc vỉa hè này đều ánh lên vẻ chán ghét bực bội với đám người này. Một vài người trong số họ mang danh là người bảo vệ luật pháp nhưng chỉ giỏi hống hách với những thị dân buôn bán nhỏ nhặt. Khi đám con ông cháu cha hay nhà giàu nghênh ngang phá phách, họ làm ngơ hoặc tệ hơn là ăn tiền để dung túng cho chúng… Và không mấy người dân còn nhìn họ với đôi mắt thiện cảm nữa.
Để mặc chiếc Best tã bị mấy ông dân phòng đưa lên xe ô tô chở về phường, Thanh đi bộ về nhà. Đằng nào thì trong túi chàng cũng chẳng đủ 50 nghìn tiền phạt để nộp cho đám trật tự hè đường.
Nhà vắng teo, ông Túc có lẽ chạy ra chợ hay đi mua báo, con mèo lười biến đâu mất, đến đám trẻ con hàng xóm cũng không thấy nô đùa. Thanh nằm vật ra giường nhìn lên khoảnh trời con phía trên chiếc cửa tò vò, gặm nhấm sự yên tĩnh bao trùm khắp căn nhà nhỏ và những ý nghĩ miên man về nàng… Đám mây sáng của chàng đã bay về phía chân trời, vậy mà chàng vẫn tưởng như nàng sắp bước vào nhà đem theo nụ cười và hơi ấm của bữa cơm gia đình ngày Chủ nhật. Cả chàng và nàng đã hạnh phúc biết bao với những bữa cơm chẳng có gì nhiều nhặn khi ba người nói chuyện vui vẻ, đôi khi có tiếng kêu líu ríu đòi ăn của con mèo xen vào…
- Ngoéoooo.
Tiếng kêu thảm thiết của con mèo khiến Thanh bừng tỉnh, chàng còn chưa kịp ló đầu khỏi gác xép xem có chuyện gì thì đã thấy tiếng chửi vang lên. Giọng mẹ chàng, nanh nọc và tục tĩu, và rất thản nhiên như thể đó là lời nói hàng ngày. Một câu chửi quá nặng dành cho một con vật nhỏ bé.
- Gớm, đồng bào xa tổ quốc đã lâu mà vẫn chửi thuần An na mít ra vần ra điệu như xưa, nhỉ! - Giọng ông Túc vang lên tưng tửng.
- Thằng Thanh đâu?
- Đi chơi rồi.
- Sao lại đi chơi?
- Thế cô bảo nó phải đi đâu? Đi chết chắc!
- Anh im mẹ anh đi. Không có gái này thì cả họ nhà anh cũng chết đói từ lâu rồi!
- Vâng, cảm ơn cô đã nhờ mẹ cô bố thí cho tôi một cái áo lông với một bộ xích líp Mifa về nuôi cả họ tôi trong suốt ba chục năm qua! Tôi đội ơn cô lắm lắm. Bố tôi đến lúc chết vẫn nhớ ơn cô.
- Cái gì?
- Bố tôi bảo là nhờ cô mà cố sống được đến ngót tám mươi. Cô không để thằng Thanh lại thì bố tôi chả có lý do gì mà sống lâu như thế. Khéo chết từ lúc non bảy mươi rồi.
- Ông già nói thế hay là từ cái mồm anh…
- Tất nhiên là từ cái mồm tôi – ông Túc cười hơ hơ.
- Tôi nói cho anh biết, không có ông già anh xin nài tôi đừng có phá thai thì nhà anh cũng tuyệt tự rồi. Anh chết đi cũng chả có đứa chống gậy đâu!
- Sao cô không nói luôn là con Nhung không phải con tôi nữa đi cho đủ bộ?
- Hoá ra anh cũng biết gớm nhỉ! Ừ, nó không phải con anh đâu đấy, anh chỉ là thằng tráng men thôi… Nói thật nhé, tôi chả ham gì cái nòi cái giống nhà anh. Cũng may thằng Thanh nó sáng sủa hiền lành nên tôi mới nhận. Nhưng mà ở với anh lâu, nó cũng hỏng rồi, gàn dở, đụt lại còn sĩ diện!
- Cô nói chuyện khó nghe quá rồi, liều liệu cái mồm đi! Thằng Thanh nó về bây giờ đấy. Nó thần tượng cô hết ý.
- Anh bỏ cái kiểu móc máy ấy đi, hãm lắm. Chính anh tiêm nhiễm vào đầu nó thói khí khái rởm đời rồi để con nặc nô kia bỏ bùa. Đấy anh xem, tự nhiên dẫn về rồi bây giờ nó chết mất xác có phải là…
- Cô câm miệng lại! Nó uất quá tự tử cũng vì cô với con Nhu thi nhau dồn ép thôi.
- Anh đừng có vu oan giá hoạ. Nó tự tử vì sảy xong lại nghe bác sĩ kết luận là từ giờ không có con được nữa...
- Thôi đi! Cô càng nói càng chối. Bác sĩ nào nói với bệnh nhân như thế! Tôi không nghe tận tai cô với con Nhu nói gì nhưng người cùng phòng người ta kể lại không sót một câu. Cô có cần đối chất không để tôi gọi điện? Mà tôi hỏi thật, cô ghét nó là vì thằng Thanh hay thằng Thìn “ngựa”?
- Anh…
Bà Nhã lại tuôn ra hàng tràng những từ ngữ không thể tục hơn nữa. Thanh đứng dậy nhìn qua gác xép xuống dưới nhà, bố chàng đeo kính cắm cúi vào chiếc đồng hồ, coi những lời chửi rủa của bà vợ cũ mang cái tên thanh tao như một âm thanh hỗn tạp không đáng quan tâm đến nữa.

*

Về tới khách sạn, hàng rào sắt đã quây kín lối vào, đồng hồ ở lễ tân chỉ sang một rưỡi đêm, Thanh mở cửa phòng rất khẽ, không khí im lìm của hành lang làm chàng cảm thấy yên tâm hơn. Chàng cố tình lang thang thật lâu một phần cũng vì lo rằng Uyên sẽ sang tìm. Cô gái Sài Gòn càng lúc càng tỏ ra nồng nàn. Uyên không phải là người xấu và tình cảm của cô với chàng dù không sâu sắc nhưng cũng đáng trân trọng, chàng không muốn phải quá phũ phàng với cô như đã từng làm với Hạnh Phương.
Chốt cửa lại, chàng cởi quần áo hong phía trước chiếc điều hoà. Chỉ định đi Hội An rồi trở về Đà Nẵng trong ngày, chàng không đem theo gì ngoài chiếc máy ảnh. Không máy tính, không quần áo thay, cũng chẳng có sạc điện thoại, thậm chí đến tiền chàng cũng chỉ còn chừng mươi ngàn lẻ. Thật may, Hội An là thị xã du lịch nên không thiếu những điểm rút tiền tự động.
Đối diện với thân hình để trần của mình trong gương, chàng thở ra nặng nhọc. Cảm giác buốt đầu báo hiệu một cơn cảm lạnh còn nỗi nhớ lại bùng lên thiêu đốt tâm can chàng. Đã cuối tháng mười hai, ngày kia sẽ là sinh nhật nàng và chàng thì vẫn kẹt ở dải đất miền Trung này ít nhất một tuần nữa. Dự lễ trao giải đêm 31 tháng 12 xong, các thí sinh sẽ còn phải tham gia một chương trình giao lưu với giới tin học miền Trung – Tây Nguyên và sinh viên Đại học Đà Nẵng vào ngày Truyền thống học sinh sinh viên. Năm nay chàng đích thân đứng tên đem sản phẩm phần mềm dự thi nên có lẽ những việc sáo rỗng này cũng sẽ khó từ chối. Vậy là chuyến đi Sapa của chàng sẽ phải chuyển sang dịp cận Tết âm lịch, ngày mai chàng sẽ gọi điện cho mẹ Vân báo lại như vậy. Mấy năm qua, dường như bà đã quen trông đợi chàng rồi.
Vừa mới qua Giáng sinh, các giải bóng đá châu Âu hầu hết đều đang nghỉ lễ, mấy kênh truyền hình cáp thể thao chán ngắt. Thanh tắt TV, cuộn người trong chiếc chăn cố dỗ mình vào giấc ngủ. Đã hai năm nay, chàng luôn phải làm mình kiệt sức trong những buổi tập trống như bổ củi hay những cuộc chạy marathon với máy để không phải vật vã ghìm mình xuống trước nỗi khao khát về một miền da thịt thơm ngát ngọt ngào.
Nếu bỏ qua một đêm “làm lễ trưởng thành” như một thủ tục trong đám lưu học sinh thích bày trò quái gở với cô gái lai Ấn Độ biết vận dụng Kamasutra, nàng là người duy nhất mà Thanh gần gũi. Sau khi nàng ra đi, một vài gã bạn rủ rê chuyện qua đường nhưng chàng từ chối. Chàng ham muốn, nhưng ham muốn ấy chỉ có một chủ thể, người đàn bà đến với chàng bằng thân xác già dặn cùng cảm xúc mãnh liệt của cô gái yêu và được yêu lần đầu. Mái tóc, đôi mắt, khoé môi, khuôn ngực tròn đầy, những ngón tay mang theo lửa, hương thơm huyền hoặc toả ra từ làn da mịn, giọng nói ẻo lả thoảng qua như gió, cách nàng gấp chăn xếp gối, cách nàng soi gương chải tóc, tất cả những gì thuộc về nàng… chàng không thể nào quên được. Ảo ảnh trong mắt chàng rõ dần thành một dáng hình, như dòng nước ngọt đọng lại từ những giọt sương bay lãng đãng giữa trời nhỏ trên đôi môi khô cháy…
- Thái Vân, Thái Vân!
- Mưa gió mông lung, lạnh lắm, anh đừng đuổi theo em.
- Thái Vân, Thái Vân!
- Đừng gọi nữa, em không có gì để cho anh, em không được phép chờ đâu.
- Hãy ở lại với anh.
- Em rất muốn, nhưnng em phải đi.
- Ai gọi em sao?
- Không ai gọi em cả, người ta chỉ ra một con đường và em phải đi, vậy thôi.
- Đừng đi vội, em nói gì đi, anh muốn nghe giọng em. Anh cũng muốn nói với em…
- Muộn rồi. Em đã từng muốn nói và muốn nghe. Em đã chờ. Nhưng giờ thì em không còn thời gian nữa.

*

Thanh tỉnh dậy, thấy chiếc chăn mỏng đã rơi khỏi giường còn người thì ướt đẫm. Giấc mộng vừa đẹp vừa đau đớn đêm qua rút kiệt sức lực của chàng, cơn sốt bắt đầu trỗi dậy làm trán chàng nóng hực, cổ họng đau rát. Mặc lại bộ quần áo ngấm nước mưa cứng quèo vì hong điều hoà, chàng nghĩ đến cửa Đại. Hội An cách biển chưa tới năm phút đi xe máy, bãi biển mùa đông có lẽ sẽ làm dịu cái đầu đang nhức như búa bổ của chàng.
Trời đã tạnh ráo, không khí se se dễ chịu và khi Thanh thuê được một chiếc xe đạp thì nắng đã hơi hửng lên. Đường ra cửa Đại rộng thênh và bằng phẳng, nhà cửa hai bên đường nhỏ nhắn hiền hoà nép sau những hàng cau hay được bao phủ bởi những dàn hoa nho nhỏ, được một đoạn lại thấy ruộng lúa hoặc rặng tre xanh mướt, nỗi bình yên không thể tả cứ lắng lại trong lòng. Thanh đạp xe chậm, chàng không được khoẻ và cũng khá lâu rồi chẳng đi xe đạp, cảm giác muốn có Vân bên cạnh trong khung cảnh lãng mạn này lại cồn cào đến choáng váng.
Bãi biển mùa đông lộng gió, nắng nhạt pha một chút màu tươi tắn lên bãi cát, bóng những cây dừa thấp đổ dài xuống cùng với cái bóng đơn độc của Thanh. Chỉ có một vài cụ già ra biển tập thể dục. Mấy chiếc xe đạp chẳng khoá, treo nguyên đồ đạc dựng cạnh mấy gốc cây. Trời đủ lạnh để không ai liều mạng thò chân xuống nước, những con sóng hậm hực hết ra lại vào. Bầu trời không một gợn mây, xám nhờ nhờ đơn điệu, biển cũng vì thế mà kém xanh một chút. Thanh đưa máy chớp lấy một bóng chim biển chao nghiêng trên mặt nước rồi quay lại với hàng dừa. Ngồi bệt xuống cát rình những con cáy nhút nhát bỏ ra khỏi hốc cát, chàng lắng nghe tiếng sóng ầm ào.
- Có bãi biển nào vắng người không anh nhỉ? – Nàng vừa ngắm những bức ảnh cũ chàng chụp biển ở Singapore vừa vặn người trễ nải.
- Có bãi biển mùa đông. Em thích đi à?
- Ừm… - nàng gật đầu, thở ra khoan khoái vì bàn tay ấm của chàng day nhẹ lên lưng mình - Xem The Piano, em thấy thích cảnh biển vắng với cây đàn.
- Ừ. Cảnh đấy đẹp.
Nàng hơi ngoái ra sau, chiếc áo lụa mỏng trong suốt dưới ánh sáng đèn, bàn tay vòng ngang lưng chàng, đôi mắt ngước lên nhìn chàng đắm đuối:
- Hôm nào mình đem xe ra biển đi anh, em muốn…
Môi chàng tìm tới làm câu nói dừng ở đó. Cho đến tận giờ Thanh vẫn không biết chính xác nàng muốn gì khi đòi ra biển mùa đông, vẽ, chụp ảnh hay đơn giản là ngồi bó gối lắng nghe tiếng sóng như chàng. Có tiếng chân lại gần…
- Ồ, chào anh, chúng ta lại gặp nhau.
Thanh ngẩng lên rồi đứng hẳn dậy, trước mặt chàng là đôi vợ chồng người Ý hôm qua. Họ mặc đồ tắm, không có vẻ gì khó chịu vì gió lạnh.
- Anh không bơi ư?
- Tôi nghĩ là nước khá lạnh. Anh chị nên khởi động một chút.
- Ồ, vâng, chúng tôi đã chạy bộ từ khách sạn ra đây. Thời tiết hôm nay đã ấm hơn hôm qua nhiều, anh có muốn thử không?
Những người Địa Trung Hải nồng nhiệt! Thanh nâng máy ảnh, mỉm cười:
- Cảm ơn nhưng tôi muốn chụp ảnh hơn. Tôi chụp anh chị nhé.
- Được thôi, hãy ghi lại những nụ cười Italia lãng mạn! - anh chồng cười, nói lộn xộn bằng mấy thứ tiếng - À này, anh đã tìm được cái gallery ấy chưa?
- Vâng, tôi tìm thấy rồi nhưng chưa vào xem được. Họ đóng cửa hơi sớm vì trời mưa quá. Lát nữa quay về tôi sẽ ghé qua.
- Ở đó sắp có triển lãm ảnh, tôi nghĩ cũng khá thú vị đấy - người vợ mách thêm thông tin bằng thứ tiếng Anh chuẩn hơn - Nếu anh có thể nán lại đến giữa tuần sau…
- Thật tiếc, tôi chỉ ở đây đến sáng mai thôi. Tạm biệt.

*