Lắc đầu như thể xua đuổi một ý nghĩ mơ hồ nào đó, Vân dợm bước định đi và ngay lập tức đứng khựng lại, trán nàng cụng phải mái tóc đàn ông: - Thanh chưa về phòng? - Chưa. Tiếng bàn phím tít tít, ánh sáng lại soi rõ gương mặt Thanh quay nghiêng nghiêng, vẻ điềm tĩnh quen thuộc trong dáng vẻ của anh ta làm Vân bình tâm lại. Nàng đi ra quầy lễ tân tìm chìa khoá mở cửa. Thanh đi sát phía sau nàng. Bóng anh ta rọi trên tường trùm lên bóng nàng. Giọng anh ta chậm rãi nhẹ nhàng: - Đang gió thế mà chị còn ra ngoài ư? - Không sao, lốc này chỉ hơi lạnh chút thôi, tôi quen rồi – Vân mở cửa bước chân xuống thềm rồi quay lại đóng cánh cửa – Thanh về phòng nghỉ đi. Giơ tay chặn lên cánh cửa, Thanh lách ra, miệng nói nhanh: - Tôi đi với chị. Hai người đi hết con đường dốc lên dốc xuống. Tối đen, không một bóng người. Thị trấn im lìm như một khu phố chết. Thanh đút tay vào túi quần, vai so lên. Chiếc sơmi rộng thùng thình bằng vải thô có lẽ không đủ ấm với cơn lốc núi điên cuống này. - Lạnh đấy, Thanh nên quay về đi. - Không sao, tôi chịu được. Vân ngước lên bầu trời đầy sao. Nàng nhận ra rằng, Thanh không còn xưng em, từ lúc nào chẳng rõ. Anh ta cũng ngửa cổ nhìn lên theo nàng: - Chưa bao giờ tôi thấy sao rõ thế này. - Vì Thanh đang đứng trên cao. - Và vì Sapa không đèn… Ánh đèn thành phố làm bầu trời sáng lên, sao sẽ bị mờ đi – Thanh chỉ tay – Kia là sao Bắc Cực. - Bắc Đẩu chứ! - Đấy là tên gọi dân gian. Nếu biết trước đêm Sapa đẹp thế này, tôi đã mang theo kính viễn vọng và chỉ cho chị xem. Bắc Đẩu là tên cả chòm sao hình cái gáo kia cơ. - À, ở đây người ta vẫn gọi đấy là chòm sao Gầu Sòng. Thế còn chòm sao có sao Bắc Cực thì gọi là gì? Nó cũng hình cái gáo đấy. - Là Tiểu Hùng. - Vespa, metal và thiên văn…Thanh thích toàn những thứ “hiểm” nhỉ? - Hiểm là thế nào? – Thanh rời mắt khỏi bầu trời sao – Là lập dị à? - Từa tựa như vậy. Thanh cười khẽ, lại cho tay vào túi quần, so vai lên. - Nhờ bố tôi đấy. Chị cũng biết bố tôi đúng không? Ông cụ chẳng thích cái gì thực tế cả. Nhà có hai kính viễn vọng, năm xe máy, mười mấy đồng hồ cổ nhưng bếp không gas, nồi không gạo, nhà tắm không xà phòng. Vân nhìn vẻ bao dung của Thanh khi nhắc đến người cha xa rời thực tại và khá gàn dở của mình. Ngay cả một ông bố kỳ quặc như bố anh ta nàng cũng không có. Nàng nhếch môi chua chát: - Những ông bố luôn làm khổ chúng ta, nhỉ? Thanh im lặng bước đi. Hai người vòng qua nhà thờ đá. Nét sừng sững câm nín in trên nền trời của nó càng làm cho đêm chẳng bình yên. Vân thoáng rùng mình, nàng đang mặc một bộ váy ngủ khá mỏng, chiếc áo khoác giữ cho thân trên đủ ấm nhưng đôi chân thì lạnh toát. Thanh chợt lên tiếng: - Tên chị nghĩa là gì? Hái mây à? - Không, sao Thanh lại nghĩ là hái mây? - Tôi thấy bài Thái liên khúc nghĩa là Khúc hát hái sen nên đoán vậy. - Thái liên khúc là băm liên tục đấy, không phải sen súng gì đâu! Thanh bật cười. Vân cảm thấy run rẩy chẳng rõ vì gió lạnh hay vì nụ cười bình thản ấm áp ấy. Nàng quay mặt đi, nói nhỏ: - Chữ Thái này nghĩa là sáng và nhiều màu hoà vào nhau. Thái Vân là mây có ánh mặt trời rọi vào sáng bừng lên. Tôi sinh vào sáng sớm, mẹ tôi nhìn về phía Phán Si Pản thấy cảnh ấy nên đặt như vậy. - Mẹ chị là người Hoa? Mà chị đọc chữ Fanxipan nghe hay nhỉ. Giống như tiếng Trung ấy. - Tiếng H’mông. Người Mông bảo rằng gọi như vậy vì trên đỉnh núi có ba phiến đá to bằng phẳng. Còn mẹ tôi thì không phải người Hoa, nhà ông bà ngoại tôi gốc Kiến An - Hải Phòng. Thời kiến thiết Tây Bắc, người Kiến An lên Sapa đông lắm. Cha tôi mới là người Hoa. Nhà cha ở cạnh nhà ông bà ngoại tôi. Ông và mẹ tôi lớn lên bên nhau. - Vậy nên mẹ chị mới biết chữ Hán? - Mẹ tôi nhờ cha mới biết chữ, cả chữ Hán lẫn chữ Việt. Hồi đó ông bà ngoại tôi rất phong kiến, không cho con gái đi học. Cha tôi học Hán văn với ông nội, Việt văn ở trường, được cái gì đều đem dạy lại cho mẹ. Đổi lại, có gì ăn mẹ cũng chia cho cha. Nhà ông bà nội tôi nghèo lắm. - Có phải vì thế mà hai người không thành? - Không, hai người yêu nhau, hai bên gia đình đều đồng ý, chỉ còn chờ mãn tang bà nội là cưới thôi. Nhưng rồi tình hình biên giới căng thẳng, người Hoa ở khắp Việt Nam đều được kêu gọi về nước hết. Ông nội tôi và cha tôi gốc Phúc Kiến, nghèo nên sống phụ thuộc vào họ hàng đồng hương nhiều, dắt díu về lại quê cũ, định bụng là khi nào yên thì sẽ quay sang. Ai ngờ…