Chấm bài xong, Vĩnh thường có thói quen thư giãn. Anh đưa tay chọn một đĩa nhạc tiền chiến và bật nút. Vĩnh ngã người trên chiếc ghế cho dòng suối nhạc dịu êm len lỏi vào từng sợi dây thần kinh não. Vĩnh thấy dễ chịu làm sao. Vĩnh rất yêu âm nhạc và thi ca. Bởi vậy Vĩnh chọn ngành sư phạm để được truyền đạt cho học sinh của mình những tri thức, những trào lưu văn học để chúng thêm yêu tiếng mẹ đẻ, làm giàu ngôn ngữ sống của một dân tộc và thêm thi vị cho cuộc đời. Bởi vì anh quan niệm âm nhạc làm tươi mát tâm hồn người như cây cối hoa lá được tắm sương mưa. Còn thi ca, thơ phú làm đẹp thêm cuộc sống của con người. Nó chẳng những làm cho con người hiểu thêm về nguồn cội của họ, mà còn làm cho người ta thấy hãnh diện khi được làm người. Vốn là một sinh vật cao cấp nhất trong muôn loài. Từ đó người ta sẽ có ý thức tốt và hành động đúng đắn phù hợp với đạo lý chân, thiện, mỹ vốn là nề nếp đạo đức căn bản của mỗi người dân Việt. Vĩnh chợt nghĩ đến học sinh của mình. Nhìn chung, Vĩnh thấy chúng khá tốt. Con gái có nề nếp kỷ cương hơn con trai. Nhất là ban chỉ huy lớp. Anh đặc biệt hài lòng về cách làm việc linh hoạt của cô lớp trưởng. Tuy nhiên, về phía con trai, Vĩnh thấy còn một số em chưa có ý thức học tập cao, được dịp là chọc phá bạn, chưa trao dồi đạo đức tốt... Lớp còn hiện tượng "cặp đôi" vô bổ, gây xao nhãng học tập cho mình và người khác. Dù rằng đó là tâm lý tự nhiên của tuổi mới lớn. Nhưng anh sẽ đợi dịp nào đó giúp chúng nó hiểu một tình yêu trong sáng là gì? Ở tuổi nào thì có tình yêu được. Với cương vị một người đi trước hay đúng hơn là một người anh. Nhưng rồi Vĩnh lại ngại, năm thi. Vĩnh sợ anh không có dịp để trò chuyện thân mật với chúng. Bởi thời gian cứ vùn vụt trôi qua và bài vở công việc cứ chất chồng, chợt Vĩnh ngừng suy nghĩ để lắng tai nghe một dòng nhạc êm ru như lời thầm thì tình tự từ mấy dòng thơ Quang Dũng: "Đôi mắt người Sơn Tây - U uẩn chiều tiễn biệt - Hồn viễn xứ khôn khuây..." Ôi, bài hát! Bài hát mà đã quá lâu vì cơm áo đời thường dồn dập Vĩnh tưởng đã lãng quên. Bài hát có ảnh hưởng sâu sắc với anh. Nó làm anh nhớ khôn nguôi người em gái nhỏ thương yêu nhất của anh đã vĩnh viễn nghìn thu an bình ở một góc đồi thông mơ mộng, nơi thành phố sương mù quê hương yêu dấu của anh, hai năm trước. - Lê Phước Vĩnh An. Vĩnh thầm gọi tên cô em gái nhỏ của mình. Cô bé xinh xắn, dịu dàng và mộc mạc như một bông hoa súng của miệt đồng quê Nam bộ. Cô em gái nhỏ cách Vĩnh đến bảy tuổi mà Vĩnh đã khóc lóc đòi mẹ lấy nguyên tên mình để đặt cho em bé gái. Lúc đó, mẹ Vĩnh - một người đàn bà có học thức cũng đã suy ngẫm rất kỹ ý nghĩa của hai chữ "Vĩnh An" và đồng ý đặt tên cho con gái với ước mơ đời nó sẽ mãi mãi được hưởng phước an vui. Nhưng ác nghiệt thay, một cơn bạo bệnh bất ngờ đã cướp mất Vĩnh An lúc cô bé đang ở lứa tuổi tròn trăng đầy mơ mộng, để lại một nỗi buồn mênh mông cho hai trái tim một trẻ, một già! Bởi ba của Vĩnh, ông Tuấn - một cán bộ ở viện nghiên cứu cây xanh đã mất vì tai nạn nghề nghiệp cách đó sáu, bảy năm rồi. Những chuỗi ngày còn lại từ sau những ngày tháng đau buồn đó Vĩnh quyết đi thật xa để quên bớt nỗi buồn, quên đi đôi mắt người em gái yêu thương mang nhiều dáng dấp của "đôi mắt người Sơn Tây... u uẩn chiều tiễn biệt." Nhưng không! Vĩnh sẽ mãi mãi không quên được đôi mắt ấy! Bởi vì Vĩnh đã bắt gặp nó hôm qua, trong lớp của chàng! Vĩnh lắc đầu thật mạnh vẫn thấy hình ảnh đôi mắt cô học trò của Vĩnh, một đôi mắt tròn đen lay láy, phảng phất nét buồn mơ đã đôi lần làm tim anh xao xuyến. Vĩnh đưa mắt nhìn lên khoảng trời xanh thơ mộng, lòng dâng lên một miền vui nho nhỏ ngọt ngào. Thế là từ đây, Vĩnh có thể gặp lại Vĩnh An - cô bé "nu" yêu mến của anh khi anh vào lớp chủ nhiệm của mình.