Những dấu vân tay để lại trên người bà lão không chỉ là của ôsin, còn có cả những dấu tay của đàn ông, cả dấu giày nam giới để lại trên khung cửa sổ, nơi có thể kẻ gian vượt tường tẩu thoát. Qua pháp y và tàng thư, có thể sơ bộ kết luận người giúp việc không thể là thủ phạm. Thủ phạm làm sao được khi mà chính con gái của bà cụ chỉ một mực nói lời tốt về chị ta. Quyền chết điếng người khi trinh sát từ địa bàn huyện Hoan Diễn trở về báo cáo, tin người ôsin giết chủ nhà ở thành phố đã loan về tận cái làng Cung Trài của chị ta. Cả làng dáo dác không còn tin vào tai mình được nữa. Người già và đám thanh niên nhìn nhau hỏi: “Chẳng nhẽ chị Thảo làng mình giết người ư?”. Thôi còn sai vào đâu được nữa, cái ảnh bóc từ chứng minh thư ra in to tổ bố rành rành trên các báo. Khuôn mặt gầy guộc ấy, cả cái dái tai, mái tóc kia đích thực là chị Thảo, báo ghi hẳn địa chỉ làng Cung Trài, cả tên chồng và hai đứa con... thì còn cãi vào đâu.Mấy anh làm bảo vệ ở xã tức tốc phóng xe máy rào rào, nước trâu đầm bắn tang tóc. Mặc, họ rú ga, con ngõ dài rung lên từng đợt chịu đựng nỗi tức giận từ lốp xe máy cũ mòn hằn xuống:- Bố con nhà Thảo đâu. Mở cửa! Mở cửa! Sự chậm trễ của chủ nhà chỉ tổ làm tăng nhanh cái nóng mặt của bảo vệ. Hình như chồng chị Thảo đi vắng, đứa con gái đầu 15 tuổi hớt hải chạy ra. Nó nhìn mấy khuôn mặt phừng phừng của mấy người đàn ông trên xã đã thấy hết hồn, luống cuống mở cửa, nhưng tay run quá, lạch xạch mãi, nói lí nhí: “Dạ, bố cháu lùa vịt ra đồng”. Một bảo vệ quát: “Thôi, không phải mở. Nhìn vào đây. Mẹ mày giết người bỏ trốn rồi. Đọc đi”.Họ vất tờ báo, nhưng không đi vội. Đứa con gái mảnh khảnh, cổ đeo khăn đỏ, mặt biến sắc vồ tờ báo. Nó đọc lướt rồi áp vào mặt khóc rú lên: “Mẹ ơi. Mẹ ơi. Trời ơi! Mẹ ở đâu?”. Nó ngã đoành xuống, nằm lăn ra ngõ, đầu tóc bết đất, lấm lem, giãy đành đạch: “Mẹ ơi! cha ơi...”. Một bảo vệ sợ quá quát: “Con kia, thôi đi vào nhà. Bảo bố mày lên xã”. Con bé vẫn gào, tiếng khóc thảm thiết như nhà có tang, một mực cứ gọi mẹ, gọi cha. Nghe tiếng khóc của đứa con gái 15 tuổi chưa vỡ giọng, gào lên thất thanh không ngừng lại được nữa, không ai có thể yên lòng. Tuổi này khóc dễ mà mất trí. “ Này! Tao bảo thôi. Chưa hẳn thế. Ngồi dậy...”. Quát rồi, mấy anh bảo vệ quay xe đi, tiếng xe chạy đều và nhẹ như không muốn chạm vào tiếng khóc ai oán của đứa trẻ. Một quãng, bỗng có một anh quay xe lại: “Mấy ông về xã trước. Tôi trông con bé, nó mà tự tử thì chết!”.Cả làng Cung Trài xao xác, giữa trưa mà hàng trăm người kéo nhau ra ngã tư, túm tụm lặng im. Một cụ già ngửa mặt lên trời gào khô trong cổ họng: “Trời ơi, làng này có kẻ giết người sao?!”. Có người cười gằn: “Nhục quá”.Ủy ban xã họp khẩn cấp ngay buổi chiều với sự có mặt của trinh sát phòng chống tội phạm. Chủ tịch xã thường ngày tính nóng như Trương Phi, một là một, hai là hai, nay nhỏ nhẹ, đưa mắt về hai cán bộ Công an:- Thưa đại diện điều tra, thưa các bác mặt trận, làng Cung Trài xưa, từng có bia tiến sĩ lưu danh trên Văn Miếu. Xưa có sắc vua phong. Nay vừa được nhận làng văn hóa mà có phụ nữ là chị Thảo giết người. Ba bốn tờ báo đã đưa tin. Chị Thảo xin tạm vắng lên thành phố giúp việc cho một cụ bà đâu như ngoài tám mươi gì đó. Cách đây mấy hôm, bà cụ bị giết, mất tài sản. Còn theo đồng chí Công an đây thì cô Thảo đã bỏ trốn! Xã mình thế là thành chuyện rồi, xin lỗi hai đồng chí công an, xã tôi nhiều liệt sĩ, trong hai cuộc kháng chiến không một ai đảo ngũ. có đông tiến sĩ, chưa ai bị tù tội bao giờ. Vậy mà nay… Hay có ai yểm bùa làng Cung Trài. Bảo vệ đâu, cho người ra cổng làng, xem có ai đào bới chôn xác gà, xác vịt, yểm iếc ở đó không...Xã đi đến một quyết định hoãn ngày hội làng vinh danh Thành Hoàng... Nghe quyết định đường đột ấy, các bô lão đứng nơi ngã tư hét to lên: “Phải tìm bắt được nó. Nó làm nhục cái làng này”. Mấy chục năm, cứ tháng Giêng là mở hội làng làm lễ rước chữ, tôn vinh Thành Hoàng ta đỗ Trạng Nguyên đời nhà Lê. Nay phải hoãn. “Nhục chưa hả trời” - Một ông lão cúi gằm mặt xuống đất thốt lên. Thật là khủng khiếp, một nghịch tử đầu tiên của làng phạm tội giết người. Chỗ nào còn đất thì đem xúc cả nhà nó hất ra cho xa…