Lần lữa mãi, mùa đông này tôi mới thu xếp để về quê, bởi Hoài, cô em gái của tôi thúc giục tợn quá. Hoài bảo tôi phải về quê xây cất phần mộ cho thày, u tôi. Hoài giãi bày tỉ mỉ, kể lể và dỗi hờn trách móc tôi “vô tâm, vô tính”, chẳng chịu nhòm ngó đến việc nhà. Rằng nếu một mình thì cô ấy đã xây mộ cho bố mẹ xong rồi, nhưng vì tôi là con trai trưởng nên nhất thiết phải có mặt. Từ Tân Uyên tỉnh Bình Dương tôi xin nghỉ phép, dặn dò vợ con, tôi bươn bả lên xe khách về quê. Vợ con tôi muốn tôi đi tàu cho đỡ nhọc, nhưng tôi lại muốn đi xe khách để biết rõ hơn nỗi vất vả của bà con vào Nam ra Bắc. Thày u tôi sinh được có hai anh em. Bố tôi mất lúc tôi mới có mười ba tuổi, Hoài mới mười một. Nhà cửa chúng tôi tuềnh toàng, cả hai anh em định thôi học nhưng u tôi bắt anh em tôi phải học hết lớp mười phổ thông. Tôi nhập ngũ vào đánh giặc ở vùng miền Đông Nam Bộ. Sau giải phóng lại cùng những cánh quân chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Bị thương không thể tiếp tục chiến đấu, tôi chuyển ngành về mảnh đất cao su bạt ngàn, nơi xưa bám trụ đánh giặc ở một nông trường cao su thuộc huyện Tân Uyên. Mãi tới năm 1983 tôi mới về thăm quê. U tôi đã gần bảy mươi, Hoài đã có một chá u gái. Biết tôi đã có vợ con nhà cửa ở trong Nam, u vui vì đã có dâu có cháu nhưng tôi biết bà cố giấu đi nỗi buồn: Thế là “thằng bé” không về quê ở với u rồi! Năm 1992 tôi nhận điện của Hoài báo tin u tôi qua đời. Về tới nhà thì u tôi đã “mồ yên mả đẹp”. Hoài níu tôi khóc ngất. Tôi quỳ trước mộ mẹ gục đầu, nước mắt đắng chảy ngược vào lòng, bao ân hận chất chứa vò xé! Em Hoài của tôi bấy nhiêu năm vất vả biết chừng nào? Phúc cho tôi, Hoài lấy chồng trong làng, chồng nó là thương binh, phải chăm sóc u tôi lúc tuổi già. Hôm trước về đến quê, ngay sớm hôm sau cái lạnh như cứa da xứ Bắc làm tôi còn run thấu ruột thì Hoài đã dựng tôi dậy. Ăn sáng qua quýt, Hoài kéo tôi ra nơi phần mộ thày u. Trời! Mươi năm trở lại quê hương, thôn xóm chưa thay đổi nhiều. Chiều qua tôi thấy đường làng ngõ xóm vẫn lầy lội như những năm nào, hơn hai trăm nóc nhà chỉ thưa thoáng có gần hai chục chiếc cần ăng-ten vô tuyến. Cả làng chỉ duy nhất có ngôi nhà hai tầng của ông tiến sĩ, từ khi ông ấy còn học ở Liên Xô... Vậy mà, đường Con Vạc-nơi đặt phần mộ của sáu dòng họ lại “sầm uất” như một thị trấn thu nhỏ. Hoài chỉ tay: - Đấy anh xem. Có đúng là “sống về mồ mả chứ ai sống về cả bát cơm”? Ngôi mộ tổ họ Lương lừng lững như một gian nhà, mái cong, rồng phượng, ngói đỏ Giếng Đáy, tường ốp gạch men ngoại, thành ốp đá xẻ. Mộ tổ họ Nguyễn Duy cũng không kém cạnh, còn chiếm cứ diện tích hơn cả họ Lương. Lý Thất trước kia thuộc loại ác bá, từng săn lùng truy bắt, chỉ điểm cho Tây làm hại bao người tham gia giúp đỡ kháng chiến. Nay con cháu ông ta xây mộ thật ngạo mạn, hợm hĩnh như một cái điện. Dưới chân dung khắc đá cẩm thạch, ngoài chữ Việt còn có cả những dòng chữ nho và chữ Pháp!? Kia nữa, hai ngôi mộ song hành lừng lững đỏ lòm của gạch men liên doanh, kiểu dáng dở cổ dở kim, phần ta phần tây phần ấn Độ là bố mẹ lão trung tá ngụy theo địch vào Nam năm 1954, hiện đang sống ở Mỹ gửi tiền về, mộ ngược mộ xuôi. Cái ngang, cái dọc. Cái vuông, cái tròn... Mộ thầy u tôi cách nhau hơn chục mét. Mỗi năm chạp họ tảo mộ, vợ chồng Hoài đều ra dẫy cỏ, đắp thêm đất. Nhưng do ở bìa Con Vạc nên những nhà có ruộng họ cứ cuốc phát cỏ bớt đi, thành ra nấm mộ chỉ còn nhỉnh hơn cái thúng úp. Những nấm mộ như thế còn lại không nhiều, thảo nào em tôi sốt ruột là phải. - Nếu không nhanh xây cho thày, u để đánh dấu thì mất mộ như bỡn anh ạ. Từ khi chia ruộng lâu dài khối người phải mua đất để làm phần mộ cho ông bà, bố mẹ khi sang cát đấy. Mộ thày u mình em đã nói chuyện với bác giáo Đức rồi, bác bảo không lấy tiền, xây ra một tí có đáng gì đâu. - Thế cô định xây thế nào? - Chán anh thật. Phải cho đàng hoàng một chút, kẻo người ta lại bảo... em chỉ ới một tiếng là có đủ vật liệu, tiền nong anh không phải lo, vợ chồng em mới bán được con bê. Hoài đưa tôi tới ngôi mộ mới xây chưa lâu, trông khá nhã: - Có phải đây là mộ ông Nhường? Đến hơn sáu mét vuông đất. Đấy, tối qua em chả nói cuộc đời ông Nhường sống quá khổ. Anh con trai duy nhất để ông cụ ở riêng một mình trong góc buồng tối bẩn, ít khi dòm ngó tới. Hôm ông cụ mất mới trật ra không có bộ quần áo mới để thay lúc nhập cữu, ấy thế mà làm ma lại to nhất làng đấy... Châm bó hương thắp lên mộ thày u và những ngôi mộ xung quanh. Bầu trời đông xám ngoét, nặng trĩu mây, mưa rấm rứt. Đường bờ mương đất sét trơn truội. Tôi cầm tay Hoài, anh em dắt nhau trở về làng như những năm lâu lắm rồi khi còn khờ dại. Không biết em gái tôi vui hay buồn. Còn tôi, cố xua đi cái buồn mà chẳng nổi! Suốt buổi tối, Tôi có Nhân-chồng Hoài “trợ chiến”. Hai anh em tôi dùng cả cương lẫn nhu, cậy số đông mới thuyết phục được Hoài. “Hai phe” đi tới thống nhất: Xây phần mộ hình tròn, đường kính không quá một mét hai, mỗi ngôi khoảng hơn ba trăm viên gạch chỉ, cuốn tam cấp, vữa cát xi măng. Hoài còn nài nỉ thêm: - Các anh nghe em, chỉ ba chục ngàn một tấm bia đá khắc tên các cụ gắn trên mộ. Tôi nhẹ nhàng: - Hoài à, không phải chuyện tiền bạc mà là anh thấy nhiều ngôi mộ gắn bia đá, ốp kính đều bị trẻ con chăn trâu bò đập vỡ, chúng bôi quệt cả phân lên đó. Bọn trẻ con quê ta sao lại nghịch ngợm lếu láo đến thế. Thôi để tạm sau này vậy. Như thế ổn rồi. Thày u về với tiên tổ sẽ trì độ cho anh em mình. - Anh thì chỉ được cái... Em tôi không cười nhưng đôi mắt bỗng ấm áp sáng trong đêm. Mọi công việc Hoài không cho tôi mó tay vào nữa. Em nhờ “thầy” xem ngày động thổ, gọi người chở vật liệu, thuê thợ xây rồi mời khách, làm cỗ, sắm mã... Em “khoe”: Thầy bảo đường Con Vạc phải cúng ông thần đường bằng con ngựa giấy màu xanh chứ không thể màu khác! Tuy nhà tôi ít anh em nhưng cũng phải đến mười hai mâm cỗ. Ngay thắp nhang cúng khấn Hoài cũng không khiến tôi mà nhờ ông chú họ, vì biết tôi toàn khấn “nôm” không theo bài bản. “Cúng linh tinh thì thần linh không hưởng” - em hay bảo thế. Tôi tặc lưỡi để cho Hoài làm theo ý của nó. Anh em tôi đã đi qua quá nửa đời người vẫn bấn bíu với miếng cơm manh áo. Hoài đưa tôi ra bến xe bằng chiếc xe đạp. Tiếng cót két của chiếc xe khắc khía vào lòng tôi. Rất may, em cầm lái nên không thấy đôi khóe mắt tôi lặng lẽ lăn ra những giọt nước chát mặn. Tôi lên xe, Hoài nhìn tôi bịn rịn lưng tròng nước mắt. Hẳn nó nghĩ bao giờ anh em mới lại gặp nhau. Thương tôi, nó không dám thúc ép anh về quê sinh sống. Nhưng tôi biết em tôi vui nhiều. Phải chăng điều mong mỏi giản dị rất hệ trọng.