Dịch giả: Phạm Thuỷ Ba

May mắn làm sao, cửa hiệu của ông bà Ơtec nằm sát cạnh một khu nghĩa trang trưởng giả. Một nước sơn xanh sẫm, nhìn mát con mắt, phủ lên các bộ phận bằng gỗ ở mặt trước. Phía trên tủ kính bên phải người ta đọc được một câu ghi bằng chữ vàng: “Vòng hoa lấy ngay: ngọc, chất dẻo, kim khí tráng kẽm”: phía trên tủ kính, bên trái:
“Hay gì chạy khắp Paris
Kiếm vòng hoa viếng người đi, lìa đời
Vòng hoa tốt nhất, giá hời
Cửa hàng Ơtec, xin mời đến mua!”
Đây không phải là một trong các lời hứa hươu hứa vượn mà khách hàng chóng phát hiện ra tính chất hão huyền sau khi đã mang lấy thiệt vào mình. Đã hai mươi lăm năm nay, kể từ khi ông bà Ơtec nắm lấy công việc quản lí cửa hàng, các tay cạnh tranh trong quận, hết người này đến kẻ khác, đã phải từ bỏ ý đồ ngáng trở công việc làm ăn của họ. Thành công này đánh dấu sự thừa nhận chính đáng, một tài năng thương mại và mĩ nghệ xuất sắc. Luôn luôn chăm lo làm sao cho khách vừa lòng với giá cả và phẩm chất các mẫu hàng trưng bày, ông bà Ơtec còn không lùi bước trước bất cứ sự đổi mới nào trong vấn đề bày tỏ những nỗi thương tiếc vĩnh cửu. Thật ra, chính bà Ơtec mới tiêu biểu cho linh hồn của cửa hàng. Người đàn bà cao lớn, khô đét, cứng cáp và bép xép này lôi cuốn theo trong cơn lốc các hoạt động của bà một ông chồng bé nhỏ, tuổi sáu mươi, thuộc loại người héo hắt và mắt hấp háy. Khi bà gọi: ông Victo! Lão giật thót mình như thể bị người ta gí súng lục vào tai. Còn lúc bà ta vuốt ve đám tóc của lão, lão nhô vai rụt cổ lại, với cái vẻ con rùa đi nhầm đường. Bởi lẽ, họ không thuê người bán hàng và Victo vốn tạng người yếu ớt, cho nên bà Ơtec tự tay giành lấy những công việc nặng nhọc: bà kéo lên hạ xuống tấm rèm sắt nặng trình trịch, tháo đinh ở các hòm xiểng, và với tiếng thở hổn hà hổn hển như anh đô vật, bà di chuyển các mặt hàng bằng đồng thau hay bằng đá hoa. Còn như Victo, lão là người có một không hai trong việc xâu các hạt ngọc giả bằng thuỷ tinh vào một cái gọng đồng thau. Lão vui vẻ tập hợp các sắc màu buồn thảm. Bà Ơtec phô với hàng xóm láng giềng rằng lão có ngón tay thần.
Một buổi tối, vào giờ đóng cửa, trong khi bà Ơtec đang tính tiền nong thì có một người khách lạ, gầy giơ xương, trạc tuổi bảy mươi, bước vào cửa hàng. Cứ nom vẻ bề ngoài lo lắng của ông lão cũng biết đó là một khách hàng đứng đắn. Để cho ông lão khỏi ngỡ ngàng, bà Ơtec nói với giọng ngọt ngào:
- Thưa cụ, cụ cần chi ạ?
Và ông cụ đáp:
- Tôi muốn xem các vòng hoa của bà.
- Xin mời cụ cứ tự nhiên cho – bà Ơtec thì thầm với một nụ cười đon đả. – Hàng bày ra đây chỉ để thế thôi mà. Cụ định đặt giá bao nhiêu?
- Giá cả không thành vấn đề.
An tâm với câu mở đầu đó, bà Ơtec dẫn khách tới chỗ bày hàng. Dựa vào bức tường của cửa hàng, là các hình phao tử vong chất cao như núi. Những vòng tròn các cây nguyệt quế bằng kim khí, các bông hồng không vỡ, các cây tai chuột không gỉ, các cây leo không khô mục – tất thẩy đều tôn xưng tính dài lâu của nỗi đau buồn nhân thế. Có đủ loại, hợp với mọi túi tiền và mọi tấm lòng. Đây đó, các dải băng màu tím đậm khiến cho các khối ảm đạm của các vòng hoa được vui mắt: “Kính viếng mẹ dịu hiền”, “Kính viếng anh thân thương”, “Thương nhớ cháu yêu quý”, “Kính viếng cha thân yêu”, “Thương nhớ người em thúc bá”, “Vô cùng thương tiếc chị nuôi”, “Thương tiếc người con rể tuyệt vời”… Tất cả những nỗi ưu phiền riêng tư nằm thoải mái trong các công thức chung chung đó. Hiếm có một khách mua lại đòi hỏi một lời văn riêng biệt để bày tỏ nỗi tang tóc của y.
- Cụ có thể nhận thấy đấy – bà Ơtec nói – chúng tôi có đủ các mặt hàng. Cần thế nào phải thế ấy. Tiền nào của ấy mà!
Vừa lo làm sao cho khách hỏi phật ý do một sự nài nỉ không đúng chỗ, lại vừa phải thu hút sự chú ý của ông ta đến chất lượng hàng hoá, bà nói với một sự sôi nổi cố nén, một sự lịch thiệp điểm chút buồn buồn. Nhờ kinh nghiệm nên bà biết, làm cho người tậu được một vòng hoa quên đi rằng vận may của người bán dựa trên nỗi bất hạnh của kẻ mua – đó là một công việc xiết bao oái ăm! Theo phép lịch sự, giả vờ thông cảm với sự hoang mang của ông cụ, bà thận trọng đưa đẩy:
- Thường khi có những vị như cụ đây, họ đau khổ quá nên đâm ra ngại ngùng không dám lựa chọn, rồi cứ thấy thứ nào thuận tay thì lấy. Nếu được phép mạo muội khuyên cụ…
- Xin đừng khuyên tôi – ông cụ nói.
- Hoa tai chuột, đứng chỗ xa cũng thấy được – bà Ơtec vẫn điềm nhiên tiếp tục – nhưng hoa tím như chúng tôi làm đây, thì lại khiến người ta để ý chính vì vẻ kín đáo. Còn như hoa hồng bằng sứ, cháu xin giới thiệu với cụ, đúng ra nên dành cho người đã khuất tuổi còn non hoặc cho nữ giới. Hỏi thế này thì khí đường đột, cụ có bà con gì với người quá cố ạ?
Nghe đến đó, bộ mặt của khác lạ co lại vì một nỗi đau khổ thể xác. Đoi mắt của ông nhìn chằm chằm. Đôi môi mím chặt giữa hai nếp răn đậm. Ông thở sâu và thì thầm:
- Quan hệ bà con ư?
- Vâng – bà Ơtec nói. Đàn ông hay đàn bà ạ?
- Đàn ông.
- Là gì với cụ?
Khách nghếch cằm lên, và cái nhìn của ông dội thẳng vào mặt bà Ơtec như một tia nước lạnh:
- Bà tò mò đến là lạ, thưa bà.
- Không phải là tò mò đâu ạ - bà Ơtec ấp úng – cháu buộc phải hỏi cụ điều đó để cho biết, chẳng hay cụ muốn một vòng hoa viếng một người anh em thúc bá, cụ thân sinh, một ông anh…
Ông khách giơ hai bàn tay lên để chặn đứng sự liệt kê bi thảm này, và cụ nói:
- Tôi muốn mỗi thứ một chiếc…
- Xin lỗi, cụ nói sao? – bà Ơtec thì thầm, tắc thở.
- Mỗi thứ một chiếc – người kia nhắc lại, vẻ cáu kỉnh – nhưng chỉ loại dành cho nam giới. Thế là rõ chứ gì?
Bà Ơtec nuốt nước bọt và đáp:
- Rõ lắm, thưa cụ. Vậy là ta thoả thuận thế này: một cụ thân sinh thân yêu, một ông anh thân yêu, một người con thân yêu, một người cháu thân yêu…
- Với một ông bác thân yêu – ông cụ lại nói với một giọng gay gắt đáng ngại – và một ông anh họ thân yêu, và một ông bạn thân yêu, và một người đồng nghiệp thân yêu, và một người thuê nhà thân yêu, và một cụ nhạc thân yêu, một anh con rể thân yêu! Thế đây, đủ cả lô!
Hai đồng tử trong mắt ông ánh lên một niềm kiêu hãnh độc ác. Gò má ông đỏ ửng. Dễ chừng, đây là một lão già điên, một kẻ ngớ ngẩn, một tay bái vật…
Bà Ơtec cảm thấy sờ sợ thế nào đó, bà rút lui về phía quầy hàng và gọi:
- Victo!... Ông Victo!...
Nhưng Victo lại đang ở trong phòng sau cửa hiệu, không thể nghe tiếng bà được.
- Vậy thì, - con người lạ lùng đó nói – bà có quyết định bán cho tôi hay không? Có hay không, bà cho biết?
- Cụ không thể đợi đến ngày mai được ư?
- Không, tôi vội, vội lắm. Tôi đã thuê một xe tắc để chở đi cả loạt. Nếu bà từ chối, tôi sẽ hỏi nơi khác!
Trong lúc ông cụ nói, đầu óc bà Ơtec bấn lên với một cuộc tranh cãi thống thiết. Trong việc bán chác đại trà này, bà thu được một món lời to, liệu bà có quyền khước từ nó, lấy cớ rằng khách hàng đã có những cung cách kì quặc, hay không? Một con người kì cục đến thế há lại không thể gây gổ với bà nếu bà cứ khăng khăng đôi co với y sao?
- Thế nào? Tôi đang đợi đây. – Khách nói.
- Thôi được, tôi xin hầu cụ.
Mình đẫm mồ hôi, bà lấy các vòng hoa, từng cái một, và mang chúng ra xe. Một gia đình trọn vẹn chất chồng trên chiếc ghế dài phía sau xe. Cha thượng lên con rể, con trai đè bẹp cháu trai. Cho dầu đã quen với những cách tôn vinh người chết, tang tóc tập thể này không khỏi gây xúc động cho bà Ơtec. Bỗng như có tia sáng rọi vào đầu óc, bà kêu lên:
- Tôi biết thế này là thế nào rồi: tất cả những đàn ông tỏng gia đình ta đã mất đi do một tai nạn!
- Đích thị rồi. – Khách lạ đáp. – Nhưng bà gấp lên cho. Bà đặt vòng hoa ông chú cho cẩn thận hơn một chút. Đấy! Tôi sẽ ngồi cạnh chú tài…
Cụ nghĩ ngợi chốc lát, rồi còn nói thêm:
- Cho tôi một cụ nội!
- Cụ nội cũng mất rồi ạ?
- Thì tôi đã bảo rồi mà.
- Chắc cụ nhà ta cao tuổi lắm?
- Gần trăm.
Bà Ơtec hết băn khoăn, bà mang tới một vòng hoa cho cụ nội và một biên lai cho khách. Khách thanh toán mọi khoản, không kì kèo gì, bước lên xe, sập cửa lại và đưa tay đụng vành mũ chào. Xe rồ máy. Đứng chôn chân trên vỉa hè, bà Ơtec nhìn các biểu hiện cho một nỗi đau thương có một không hai kia, mất hút về một nơi xa lạ.
Bà trở vào cửa hàng, thấy Victo đang từ phòng sau đi lên, tay tần ngần cài lại khuy quần.
- Ông Victo đấy à? – Bà kêu to.
Ông rùng mình, mắt nhấp nháy và nói:
- Có chuyện gì vậy, mình? Tôi nghe đây.
Thế là bà thuật lại tất thảy mọi chuyện. Bà nói xong, Victo chau mày và làu bàu:
- Khủng khiếp!
- Tại sao? Con người tội nghiệp đó đã mất đi tất thảy đàn ông trong gia đình do một tai nạn và…
- Tai nạn tai niếc gì, bà mà cũng tin được ư? – Victo cắt ngang, cáu kỉnh.
- Không, – bà nói, – suy cho cùng, tôi chả tin. Nhưng đã vậy ắt phải có một lí do nào khác, ông nghĩ xem, chả là ông rất ranh. Dễ chừng đó là một đồng nghiệp cất hàng cho cửa hàng hắn thì sao?
- Và hắn chịu trả giá đắt nhỉ? Bà đùa đấy chứ? Hắn không xin bà bớt xén mảy may, ngay cả mỗi tá xin thêm một chiếc, cũng không. Sự thật lại khác kia. Đáng lẽ tôi không nên để bà một mình ở ngoài cửa hàng. Thằng cha ấy thích chuyện tàn bạo.
- Thích chuyện tàn bạo?
- Một kẻ đi mua vòng hoa cho tất cả anh em bà con thuộc nam giới trong gia đình, chỉ có thể là kẻ thích gây chuyện tàn bạo thôi. Dĩ nhiên hắn đã có ý định khử họ từng người một, hay đồng loạt trong những ngày sắp tới. Và các mẫu hàng của chúng ta sẽ sờ sờ ra trong đám ma các nạn nhân. Nghĩ mà kinh! Sống chết thế nào cũng phải ngăn chặn cuộc thảm sát này. Phòng tránh gấp lên thôi. Mình có hỏi tên với địa chỉ lão không?
- Tôi không nghĩ tới.
- Có nhớ số xe không?
- Ấy chết, không.
Victo tặc lưỡi tỏ dấu hiệu không bằng lòng:
- Đáng tiếc! Phải nói lại với Ximông. Hắn cho ý kiến.
Ximông, anh cháu của ông bà Ơtec là một nhân viên cảnh sát. Ngay tối hôm đó, Victo triệu y đến để trình bày cho y biết tình hình. Cả ba người ngồi trong phòng ăn ở cửa hiệu – phía sau, trước một chai malaga và một chai rum lâu năm. Sau khi đã nghe ông thuật lại câu chuyện, viên cảnh sát, vốn dĩ có đầu óc suy luận kiểu Đềcác, bèn ngồi trầm ngâm suy nghĩ xem như xung quanh chả có ai. Rất lâu sau đó, y vừa gật gù, vừa nói một cách đanh thép rằng, trường hợp này không bình thường, nhưng theo chỗ y biết, không có điều khoản nào trong luật cấm một người mua cho riêng y nhiều vòng hoa tang cùng một lúc. Hành động kia, bởi lẽ nó không mang một tính cách phạm pháp nào, nên không thể nào tống giấy tróc nã, ngay dù tróc nã một kẻ lạ.
- Nhưng – bà Ơtec kêu lớn – cái lão bị quỷ ám đó đã mua vòng hoa ở đây để trù tính một cuộc hành hình tập thể, hai bác biết chắc chắn thế kia mà!
- Chúng cháu sẽ bắt lão ta khi nào tội ác đã hoàn tất và được chứng thực – Ximông nói với một tiếng thở dài quan trọng.
Bà bác gái đáng thương tha hồ quả quyết với anh cháu rằng có một tá nhân mạng hiện nay đang bị uy hiếp do sự trì trệ của các nhà đương chức, mặc, Ximông vẫn núp sau các quy tắc, uống cạn chai, chùi ria mép và vừa cáo từ ông bà Ơtec vừa ngỏ lời khen rượu rum của họ ngon.
Sự bình tĩnh điềm nhiên của viên cảnh sát rốt cuộc đã trấn an được Victo. Ông tuyên bố đã trút bỏ được mọi trách nhiệm với lí do duy nhất rằng một người đại diện cho trật tự, mặc đồng phục, đã khuyên ông ta nên quên sự cố đó đi. Ngược lại, cũng như phần lớn những người cùng giới, bà Ơtec chẳng mảy may nhạy bén với các luận cứ pháp lí, cho nên bà trằn trọc suốt đêm. Trong khi ông chồng nằm ngay bên cạnh bà, đôi môi run rẩy theo tiếng ngáy ấm tình vợ chồng, bà vợ nhìn chằm chằm vào bóng tối mờ mờ với đôi mắt thao láo nỗi lo âu của kẻ bị chứng ảo giác.
Nét mặt của khách hàng ghi vào võng mạc của bà, đậm nét đến đau lòng. Bà nhớ lại những chi tiết nhỏ nhặt nhất trên diện mạo và áo quần của ông ta. Qua các nét cũng như cách ăn mặc của ông, bà nhận ra các dấu hiệu của sự đồi truỵ. Có bóng tối và cảnh tĩnh mịch mách nước, bà hình dung thấy một cảnh chém giết thật sự trong gia đình. Ngay vào lúc này cũng nên, cái lão mua nhiều vòng hoa kia, đang rón rén đi từ phòng này sang phòng khác, bóp cổ bọn trẻ thơ trong nôi, phanh ruột các người ông có bộ râu kết túm, cắt xẻo các ông bác và các thằng cháu bằng những nhát dao cạo, chọc thủng sọ một đứa em trai đang ngủ, cắt đầu một ông bố không có gì bảo vệ, chặt một người anh em họ ra từng mảnh, thiến một anh con rể, lão vừa cười sặc sụa vừa lội trong đống óc và máu nhầy nhụa.
Sáng ngày hôm sau bà mua một lô một lốc báo, chắc mẩm sẽ tìm thấy, ở trang nhất, tin về những cuộc giết người mà bà đã đoán trước. Nhưng tha hồ cho bà lật các trang báo, từ bài xã luận cho tới mục rao vặt, chúng chỉ nêu những vụ tự tử nhỏ nhoi, những vụ ám sát không chuyên nghiệp. Hẳn hoi rồi, cái lão khốn kiếp đó còn chưa ra tay báo thù báo oán. Hắn đang để thời gian chuẩn bị đấy thôi. Hắn đang cố sao cho trót lọt, ăn chắc. Bà Ơtec tự thề với mình, sẽ không buông lơi theo dõi. Mà quả có thế thật, trong nhiều tháng trời, các báo hàng ngày buổi sáng cũng như các báo hàng ngày buổi tối, không có độc giả nữ nào trung thành hơn, say mê hơn bà.
Gần một năm trời trôi qua, kẻ mua hàng bí hiểm vẫn im ắng, không biểu lộ hành động giết người. Đã từ lâu, bà không để chồng tham dự vào những nỗi lo lắng của mình. Trước mặt Victo, bà lại giả vờ cười đùa khi nhớ lại những mối âu lo trước đây. Nhưng âm thầm, bà giữ niềm tin chắc rằng tấn bi kịch sẽ bùng nổ giữa thanh thiên bạch nhật, vào lúc mà người ta ít chờ đợi nhất.
Một buổi tối thứ sáu, trong khi Victo còn đang bấn búi thực hiện một đơn đặt hàng cấp bách, bà giúi một chiếc kẹo chua vào miệng, thắt tóc qua loa với một chiếc khăn tay viền đăng ten màu kem và ngồi ở cánh cửa tiệm để hít thở không khí trong lành. Bà ngồi chưa đầy năm phút thì bỗng nom thấy, ở lề đường trước mặt, tên quái vật, bận đồ đen, đang men theo bờ tường đi qua. Lồng ngực bà Ơtec rung chuyển trong một cơn xúc động mãnh liệt, đột ngột. Chẳng kịp suy tính, bà đứng bật lên, chạy qua đường và bám theo người lạ. Lão chẳng hay biết gì hết, cứ cắm cúi đi tới, bước đi ngập ngừng. Vai xo tròn lên, cánh tay đu đưa bên hông, lão nhìn sang trái, ngó sang phải, chẳng khác gì một công dân vô hại. Nhưng cho lão cứ đóng kịch, bà Ơtec đâu có để mình bị đánh lừa. Bà lấy làm tự hào đã tìm ra dấu vết của lão khốn nạn, bất chấp một ông chồng rụt rè với một thằng cháu đầu óc cù lần.
Ngay dù có phải kéo dài sự theo dõi đến tận đâu đâu, bà không buông rời lão lấy nửa bước. Muốn ra sao thì ra, bà sẽ buộc lão phải thú nhận cái ý đồ ghê tởm của lão. Bà đang tính xáp mặt lão trên đường phố thì bỗng nhiên, lão dừng bước trước một khách sạn nom tồi tàn rồi vừa cất mũ xuống, vừa bước qua ngưỡng cửa. Đến lượt mình, bà Ơtec luồn vào trong nhà. Lão bước lên cầu thang, lên một bậc thì thở một hơi. Bà theo gót lão, cách quãng. Lão đi hút vào một dãy hành lang. Bà nấp vào trong một khe để có thể theo dõi lão từ xa. Lúc bà thấy lão mở một cánh cửa, bà nhào tới và kêu to:
- Đứng lại!
Lão đứng như phỗng ở ngưỡng cửa, mắt đần độn, miệng há hốc.
- Để ta vào! – Bà nói giọng kiên quyết.
Rồi không đợi nghe trả lời, bà ập vào trong phòng. Đây là một căn phòng tồi tàn, nhạt nhẽo, tường phủ một thứ giấy màu hoa cà có in hình nhánh cây, một chiếc giường bằng đồng và một bồn rửa khuất sau một tấm chắn gió bằng tre. Tựa vào các bức vách, các vòng hoa dành cho các tổ phụ, các con cháu và các bà con thân thiết, sắp thành hàng dài theo một trật tự hãi hùng. Liếc nhanh mắt một cái, bà Ơtec cho là không thiếu một thứ nào trong bộ đồ chết chóc rùng rợn đó. Bà đã tới đúng lúc. Lỗ mũi bà giãn rộng ra trong một hơi thở thắng lợi.
- Thưa bà, bà muốn gì vậy? – Người đó vừa ấp úng vừa khép cửa lại. – Tôi không quen biết bà.
- Ta thì ta biết ông. – Bà Ơtec lên giọng quan toà, nói. – Tên ông?
- Tôi tên là Môrixơ Balôtanh.
- Hoàn cảnh gia đình?
- Độc thân.
- Tuổi?
- Bảy mươi tuổi… Nhưng bà lấy quyền gì hỏi tôi như vậy?
Môrixơ Balôtanh vẫn đứng trước mặt bà khách. Da thịt trên mặt lão xám xám và mềm nhẽo chảy xuống ở hai bên cái mũi gồ lên như sống lưỡi dao. Đôi mắt buồn bã của lão đầm đìa nước mắt. Bàn tay trái run run đặt lên ve áo ngoài. Tuy vậy, nhờ đã được đọc ở các tác giả khá nhất, bà Ơtec biết, một số lão già nom bộ bề ngoài thì suy nhược thế thôi, nhưng bên trong thì khoẻ và nhanh như cọp. Ý thức được mối nguy cơ, bà dán mắt vào ngón tay của kẻ đối thoại. Giữa lúc lão tiến một bước ra phía cửa, bà hét to:
- Không được nhúc nhích!
- Ô kìa, thưa bà, đây là nhà tôi, tôi có quyền…
- Ông không có quyền gì hết! Ông đang trong tay ta. Chính ta đã bán các vòng hoa cho ông.
Nghe nói thế, Môrixơ Balôtanh đưa hai tay lên phía trước mặt và đầu gối lão hơi khuỵu xuống. Chắc mẩm đã đánh trúng, bà Ơtec dấn tới:
- Đúng thế, lúc đó ta không hiểu vì duyên cớ gì mà ông mua ào ạt đến thế. Nhưng chả mấy chốc, ta đã nắm rõ đầu đuôi. Ông là một kẻ đồi bại. Ông đang nghiền ngẫm một cách trả thù thế nào đó đối với thân nhân của ông. Cảnh sát đã được báo cho biết.
- Báo cảnh sát rồi ư? – Môrixơ thều thào.
Lão ngồi xuống ghế. Bà vẫn không thấy được khuôn mặt của lão. Nhưng bà nghe lão khóc. Và cái tiếng động yếu ớt đó khiến bà mát ruột, mát gan.
- Không nên báo cảnh sát. – Lão nói giữa hai tiếng nức nở. – Nào tôi có ấp ủ dự định gì tội lỗi đâu. Tôi xin thề với bà.
- Thì ta muốn tin ông lắm chứ, ta có đòi hỏi gì hơn đâu. – Bà đáp với giọng mỉa mai. – Nhưng đã vậy thì giải thích ta nghe, ông dùng để làm gì tất cả các vòng hoa mà ta cung cấp cho nhà ông ấy?
Ông lão ngẩng đầu lên và khuôn mặt già nua của lão hiện ra, nhăn nheo, ướt đầm đìa như một cái giẻ ngấm sũng nước. Môi lão run run để lộ một hàm răng vàng khè. Lão ấp úng:
- Đây là… một chuyện bí mật… Nhưng tôi sẽ thưa với bà đầy đủ… Thế này… Tôi đã già… Tôi bị bệnh tim… Thầy thuốc đã bó tay… Chỉ vài tháng nữa, dễ chừng vài ngày là… Chẳng giấu gì bà, tôi cứ mải nghĩ đến lúc tôi chết, lúc đưa ma tôi. Nhưng tôi tứ cố vô thân trên đời. Không cha mẹ. Không bạn hữu. Không ai hết… Chính thế mà… Bà nghĩ xem, một cỗ xe tang đi ngang qua thành phố, không có ai đưa đám, không một bó hoa, không tuổi không tên, trần trụi, cô độc. Để tránh cho mình phút cay cực não lòng đó, tôi đã nghĩ cách xây dựng cho tôi cả một dòng họ. Tôi đã mua các vòng hoa trên gắn những dải băng bày tỏ nỗi xót thương vì đã mất đi một cụ thân sinh, một cụ nội, một người anh, một đứa con, một ông chú, một anh em thúc ba, một người em rể, một người chồng, một người bạn… Tôi đã khoác trước vào mình tát cả những mối thiện cảm giả tạo đó. Tôi đã cuốn quanh thân mình trong vô vàn các dây liên hệ như vậy. Từ khi đó, tôi thấy bình tâm hơn. Tôi cảm thấy được đùm bọc, được yêu thương. Lòng tôi thấy ấm lên. Tôi có cảm tưởng người ta thương tiếc tôi thực sự.
Bà Ơtec nghẹn ngào xúc động, bà nhìn kĩ con người mà bà đã ngờ là tên tội phạm, nhưng chính ra lại là một nhà thơ về tình nghĩa gia đình. Lão còn nói thêm, giọng phều phào:
- Chắc bà cho tôi là vớ vẩn… Bà tha lỗi cho…
- Chính tôi đây mới phải xin cụ tha lỗi cho. – Bà Ơtec thở dài.
Bà chụp lấy bàn tay Môrixơ Balôtanh, bà xiết chắt bóp nát nó trong các ngón tay lực lưỡng của bà; mãi sau khi bà buông tay ra, hai người nhìn thẳng vào mắt nhau, sôi nổi. Rồi bà Ơtec kêu to:
- Tối mai mời cụ lại xơi cơm với gia đình. Chúng ta sẽ quen biết nhau nhiều hơn.
Như vậy là Môrixơ Balôtanh trở thành người bạn thắm thiết nhất của ông bà Ơtec. Mấy tháng sau thì ông mất như ông đã dự kiến. Đám ma khiến những kẻ hiếu kì đâm kinh ngạc.
Chỉ có hai ông bà Ơtec đi sát cạnh nhau sau chiếc xe tang. Nhưng xe tang bị khuất hẳn dưới một trái núi những lời chia buồn bằng các viên ngọc thuỷ tinh, các cụm lá bằng đồng, các cánh hoa bằng chất dẻo. Các dải băng màu tím thông báo nỗi đau thương của một bầu đoàn đông đúc và trung thành. Và nổi bật trên cái mai bọc những niềm thất vọng kia, ngất nghểu một vòng hoa đồ sộ, do ông bà Ơtec viếng, mang mấy dòng chữ đơn giản nét vàng ghi trên dải băng: “Kính viếng người khách hàng tốt nhất của chúng tôi”./.
Troya (Henri Troya)
(Pháp, gốc Acmêni)
Dịch giả: Phạm Thuỷ Ba
 

Xem Tiếp: ----